Kinh Hoa Nghiêm

Chương 66: 39. Phẩm Nhập Pháp-Giới 09

Hán bộ quyển thứ 76

41- (1) Thiện-Tài Ðồng-Tử đảnh lễ chân nàng Thích-Ca Cù-Ba, hữu nhiễu vô-số vòng, từ tạ mà đi.

Thiện-Tài nhất tâm muốn đến chỗ Ma-Gia Phu-Nhơn, Tức thời chứng được trí quán phật-cảnh-giới.

Thiện-Tài tự nghĩ rằng: thiện-tri-thức nầy xa lìa thế-gian an-trụ nơi vô-sở-trụ, siêu quá sáu trần, lìa tất cả chấp trước, biết đạo vô-ngại, đủ pháp thân thanh-tịnh, dùng nghiệp như-huyễn mà hiện hóa-thân, dùng trí như-huyễn mà quán thế-gian, dùng nguyện như-huyễn mà gìn giữ thân Phật. Theo thân ý-thân, không thân sanh diệt, không thân lai khứ, chẳng phải thân hư thiệt, thân chẳng biến hoại, thân không khởi tận. Có bao nhiêu tướng đều là thân một tướng, thân rời hai bên, thân không chỗ tựa nương, thân vô cùng tận, thân như ảnh hiện rời phân biệt. Biết thân như mộng, như tượng trong gương. Thân như tịnh-nhựt, thân hoá-hiện khắp mười phương. Thân ở tam thế không đổi khác. Thân chẳng phải thân tâm, dường như hư-không chỗ đi vô-ngại, siêu thế-gian-nhãn, chỉ tịnh-nhãn của Phổ-Hiền mới thấy được.

Hạng người như vậy, tôi làm sao được thân cận để kính thờ cúng-dường, để được cùng ở hầu quán-sát dung mạo, nghe tiếng nói. Suy nghĩ lời dạy và nhận lãnh.

Bấy giờ có Chủ-Thành-Thần tên là Bửu-Nhãn, quyến-thuộc vây quanh hiện thân trên không-trung, tay cầm những bửu-hoa nhiều màu rải trên mình Thiện-Tài mà bảo rằng:

Nầy Thiện-nam-tử! Phải giữ-gìn tâm-thành, nghĩa là chẳng tham tất cả cảnh-giới.

Phải trang-nghiêm tâm-thành, nghĩa là chuyên ý xu cầu Phật thập-lực.

Phải tịnh-trị tâm thành, nghĩa là dứt hẳn bỏn-sẻn, ganh ghét, dua bợ, phỉnh dối.

Phải thanh-lương tâm-thành, nghĩa là tư-duy thiệt-tánh của tất cả pháp.

Phải tăng-trưởng tâm thành, nghĩa là làm xong tất cả pháp trợ đạo.

Phải nghiêm-sức tâm-thành, nghĩa là tạo lập cung-điện thiền-định giải-thoát.

Phải chiếu-diệu tâm-thành, nghĩa là vào khắp tất cả Phật đạo-tràng nghe lãnh pháp bát-nhã-ba-la-mật.

Phải tăng-ích tâm-thành, nghĩa là nhϊếp khắp tất cả Phật phương-tiện-đạo.

Phải kiên-cố tâm-thành, nghĩa là hằng siêng tu tập hạnh nguyện Phô-Hiền.

Phải phòng-hộ tâm-thành, nghĩa là thường chuyên ngăn ngừa ác-hữu và ma-quân.

Phải rỗng suốt tâm-thành, nghĩa là khai dẫn tất cả ánh sáng phật-trí.

Phải khéo bồi bổ tâm-thành, nghĩa là nghe lãnh tất cả phật-pháp.

Phải phò trợ tâm-thành, nghĩa là thâm-tín tất cả phật-công-đức-hải.

Phải quảng đại tâm-thành, nghĩa là đại-từ đến khắp tất cả thế-gian.

Phải khéo che đậy tâm-thành, nghĩa là tích tập những thiện-pháp để đậy trên tâm.

Phải rộng-rãi tâm-thành, nghiẽa là đại-bi thương xót tất cả chúng-sanh.

Phải mở cửa tâm-thành, nghĩa là đem tất cả sở-hửu tùy nghi bố-thí giúp đỡ.

Phải giữ kín tâm-thành, nghĩa là phòng những ác-dục chẳng cho vào.

Phải nghiêm-túc tâm-thành, nghĩa là đuổi những pháp ác chẳng cho ở chung.

Phải quyết định tâm-thành, nghĩa là tích tập tất cả pháp trợ-đạo hằng không thối chuyển.

Phải an lập tâm-thành, nghĩa là chánh-niệm cảnh-giới của tam-thế tất cả Như-Lai.

Phải sáng bóng tâm-thành, nghĩa là thông suốt tất cả những pháp-môn, những duyên-khởi trong khế-kinh của chư Phật đã tuyên thuyết.

Phải bộ phận tâm-thành, nghĩa là hiểu thị khắp tất cả chúng-sanh cho họ được thấy đạo nhất-thiết-trí.

Phải trụ-trì tâm-thành, nghĩa là phát những đại-nguyện-hải của tất cả tam-thế chư Như-Lai.

Phải phú-quý tâm-thành, nghĩa là chứa nhóm tất cả phước-đức lớn cùng khắp pháp-giới.

Phải làm cho tâm-thành sáng rõ, nghĩa là biết khắp những pháp căn dục của chúng-sanh.

Phải làm cho tâm-thành tự-tại, nghĩa là nhϊếp khắp tất cả thập phương pháp-giới.

Phải làm cho tâm-thành thanh-tịnh, nghĩa là chánh-niệm tất cả chư Phật Như-Lai.

Phải biết tự-tánh của tâm-thành, nghĩa là biết tất cả pháp đều không tự-tánh.

Phải biết tâm-thành như huyễn, nghĩa là dùng nhất-thiết-trí biết rõ những pháp-tánh.

Nầy Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát nếu có thể tịnh tu tâm-thành như vậy thời có thể tích tập tất cả thiện-pháp.

Tại sao vậy?

Vì trừ bỏ tất cả những chướng nạn: những là chướng thấy Phật, chướng nghe pháp, chướng cúng-dường Như-Lai, chướng nhϊếp chúng-sanh, chướng tịnh phật-độ.

Nầy Thiện-nam-tử! Ðại Bồ-Tát do lìa những chướng nạn như vậy, nếu phát tâm mong cầu thiện-tri-thức, chẳng cần dùng công-lực, bèn được thấy. Nhẫn đến rốt ráo tất sẽ thành Phật.

Bấy giờ có Thân-Chúng-Thần tên là Liên-Hoa-Pháp-Ðức và Diệu-Hoa-Quang-Minh, vô-lượng chư thần vây quanh sau trước, ra khỏi đạo-tràng dừng ở không-trung trước mặt Thiện-Tài dùng diệu-âm-thanh ca ngợi.

Ma-Gia phu-nhơn, từ bông tai phóng lưới quang-minh vô-lượng sắc tướng chiếu khắp vô-biên thế-giới mười phương, cho Thiện-Tài thấy tất cả chư Phật.

Lưới quang-minh đó hữu nhiễu thế-gian giáp một vòng rồi xoay về chiếu đỉnh đầu Thiện-Tài và vào khắp lỗ lông trên thân Thiện-Tài.

Liền đó Thiện-Tài chứng được tịnh-quang-minh-nhãn, vì lìa hẳn tất cả tối ngu-si. Ðược ly-ế-nhãn, vì có thể rõ tánh của tất cả chúng-sanh. Ðược ly-cấu-nhãn, vì có thể quán tất cả môn pháp-tánh. Ðược tịnh-huệ-nhãn, vì có thể quán tánh tất cả phật-độ. Ðược tỳ-lô-giá-na-nhãn, vì thấy pháp-thân-phật. Ðược phổ-quang-minh-nhãn, vì thấy thân phật bình-đẳng bất-tư-nghì. Ðược vô-ngại-quang-nhãn, vì quán-sát tất cả sát-hải thành hoại. Ðược phổ-chiếu-nhãn, vì thấy thập phương Phật khởi đại phương-tiện chuyển chánh-pháp-luân. Ðược phổ-cảnh-giới nhãn, vì thấy vô-lượng Phật dùng sức tự-tại điều-phục chúng-sanh. Ðược phổ-kiến-nhãn, vì thấy tất cả cõi chư Phật xuất thế.

Bấy giờ có La-Sát Quỷ-Vương thủ hộ pháp-đường của Bồ-Tát, tên là Thiện-Nhãn, cùng quyến thuộc một vạn La-Sát câu hội, ở không trung dùng những hoa đẹp rải trên mình Thiện-Tài mà nói rằng:

Nầy Thiện-nam-tử! Bồ-Tát thành tựu mười pháp thời được thân cận chư thiện-trí-thức.

Ðây là mười pháp:

Tâm thanh-tịnh rời những dua bợ phỉnh dối.

Ðại-bi bình-đẳng nhϊếp khắp chúng-sanh, biết các chúng-sanh không có thiệt.

Xu hướng nhất-thiết-trí tâm không thối chuyển.

Dùng sức tín-giải vào khắp tất cả phật đạo tràng.

Ðược tịnh-huệ-nhãn rõ các pháp tánh.

Ðại-từ bình-đẳng che chở khắp chúng-sanh.

Dùng trí quang-minh chiếu rỗng những vọng cảnh.

Dùng mưa cam-lộ xối sanh tử nóng.

Dùng mắt quảng đại soi suốt các pháp.

Tâm thường tùy thuận chư thiện-tri-thức.

Lại nầy Thiện-nam-tử! Bồ-Tát thành-tựu mười môn tam-muội thời thường hiện thấy chư thiện-tri-thức.

Ðây là mười môn tam-muội:

Thanh-tịnh luân pháp-không tam-muội.

Quán-sát thập phương hải tam muội.

Nơi tất cả cảnh-giới chẳng rời bỏ chẳng tổn giảm tam-muội.

Thấy khắp tất cả Phật xuất thế tam-muội.

Nhóm tất cả tạng công-đức tam-muội.

Tâm hằng chẳng bỏ thiện-tri-thức tam-muội.

Thường thấy tất cả thiện-tri-thức sanh phật công-đức tam-muội.

Thường chẳng rời tất cả thiện-tri-thức tam-muội.

Thường cúng-dường tất cả thiện-tri-thức tam-muội.

Thường không lỗi lầm ở chỗ tất cả thiện-tri-thức tam-muội.

Nầy Thiện-nam-tử! Bồ-Tát thành tựu mười môn tam-muội nầy thời thường được thân cận chư thiện-tri-thức. Lại được môn tam-muội thiện-tri-thức chuyển tất cả phật-pháp-luân. Ðược môn tam-muội nầy rồi thời đều biết chư Phật thể tánh bình-đẳng, gặp thiện-tri-thức mọi nơi.

Thiện-Tài ngước nhìn không-trung mà thưa rằng:

Lành thay, lành thay! Ngài vì thương xót nhϊếp thọ tôi mà phương-tiện dạy cho tôi pháp thấy thiện-tri-thức.

Xin ngài vì tôi mà chỉ bảo: thế nào đến chỗ thiện-tri-thức? Tìm thiện-tri-thức ở chỗ nào?

La-Sát-Vương nói:

Nầy Thiện-nam-tử! Ngươi nên đảnh lễ khắp mười phương để cầu thiện-tri-thức. Nên chánh-niệm tư-duy tất cả cảnh-giới để cầu thiện-thi-thức. Nên dũng-mãnh tự-tại du hành khắp mười phương để cầu thiện-tri-thức. Nên quán thân, quán tâm như mộng như ảnh để cẩu thiện-tri-thức.

Thiện-Tài y lời làm theo, tức thời thấy đại-bửu-liên-hoa từ đất vọt lên: cộng bằng kim-cang, diệu-bửu làm tạng, mi-ni làm cánh, quang-minh bửu-vương làm đài, hương báu nhiều màu làm tua, vô-số lưới báu giăng che phía trên.

Trên đài sen báu ấy có lâu các đẹp lạ tên là Phổ-Nạp-Thập-Phương-Pháp-Giới-Tạng trang-nghiêm.

Nền bằng kim-cang, ngàn cột ngay hàng đều bằng ma-ni-bửu. Vách bằng vàng Diêm-Phù-Ðàn. Bốn mặt thòng những chuỗi ngọc. Thềm bực lan-can trang-nghiêm giáp vòng.

Trong lâu các có tòa như-ý bửu-liên-hoa nghiêm-sức với những châu báu, bửu-lan bửu-y xen lẫn, bửu-trướng bửu-võng che phía trên. Những phan lụa báu thòng rủ bốn phía. Gió nhẹ thổi lay phóng ánh sáng phát âm vang. Trong tràng bửu-hoa tuôn những hoa đẹp. Trong lục-lạc báu phát âm-thanh tốt. Trong cửa báu thòng những chuỗi ngọc. Trong thân ma-ni chảy nước thơm. Trong miệng tượng-bửu xuất hiện lưới liên-hoa. Trong miệng bửu sư-tử thổi mây diệu-hương. Bửu-luân phạm-hình phát tiếng vui dạ-linh, kim-cang-bửu phát tiếng bồ-tát đại-nguyện. Trong tràng bửu-nguyệt xuất hiện hình phật-hóa. Tịnh-tạng bửu-vương hiện tam-thế Phật thứ đệ thọ sanh. Nhựt-tạng ma-ni phóng đại quang-minh chiếu khắp tất cả quốc-độ mười phương. Ma-Ni bửu-vương phóng quang-minh viên-mãn của tất cả chư Phật. Tỳ-Lô-Giá-Na ma-ni bửu-vương nổi mây đồ cúng để dâng hiến tất cả chư Phật Như-Lai. Như-ý châu-vương niệm niệm thị hiện phổ-hiền thần-biến sung-mãn pháp-giới. Tu-di bửu-vương xuất hiện thiên-cung-điện, trong đây chư thiên-nữ dùng diệu âm ca tụng công-đức vi-diệu bất-tư-nghì của đức Như-Lai.

Xung quanh bửu-tòa nầy lại có vô-lượng bửu-tòa. Ma-Gia Phu-Nhơn hiện tịnh-sắc-thân ngồi trên đại bửu-tòa ấy: những là sắc-thân siêu tam-giới, vì đã thoát tất cả loài hữu-lậu.

Sắc-thân tùy tâm sở-thích, vì với tất cả thế-gian không chấp trước.

Sắc-thân cùng khắp, vì bằng số tất cả chúng-sanh.

Sắc-thân không gì sánh bằng, vì làm cho tất cả chúng-sanh diệt trừ kiến chấp điên đảo.

Sắc-thân vô-lượng thứ, vì tùy tâm của chúng-sanh mà thị-hiện.

Sắc-thân vô-biên tướng, vì hiện khắp những hình tướng.

Sắc-thân đối hiện khắp nơi, vì dùng đại tự-tại để thị-hiện.

Sắc-thân giáo hóa tất cả, vì tùy nghi mà thị-hiện.

Sắc-thân hằng thi-hiện, vì tận chúng-sanh-giới mà vẫn vô-tận.

Sắc-thân vô-khứ, vì nơi tất cả loài vẫn không diệt.

Sắc-thân vô-lai, vì nơi tất cả thế-gian vẫn không sanh.

Sắc-thân bất-sanh, vì không sanh khởi.

Sắc-thân bất-diệt vì rời nghữ ngôn.

Sắc-thân chẳng phải thiệt, vì được như thiệt.

Sắc-thân chẳng phải hư, vì tùy thế-gian mà hiện.

Sắc-thân vô-động, vì lìa hẳn sanh diệt.

Sắc-thân bất hoại, vì pháp-tánh bất hoại.

Sắc-thân vô-tướng, vì dứt đường ngôn ngữ.

Sắc-thân một tướng, vì lấy vô-tướng làm tướng.

Sắc-thân như tượng, vì tùy tâm ứng-hiện.

Sắc-thân như huyễn, vì huyễn-trí sanh ra.

Sắc-thân như diệm, vì chỉ do tưởng mà còn.

Sắc-thân như ảnh, vì tùy nguyện hiện sanh.

Sắc-thân như mộng, vì tùy tâm mà hiện.

Sắc-thân pháp-giới, vì tánh tịnh như hư-không.

Sắc thân đại-bi, vì thường cứu hộ chúng-sanh.

Sắc-thân vô-ngại, vì niệm niệm cùng khắp pháp-giới.

Sắc-thân vô-biên, vì tịnh khắp tất cả chúng-sanh.

Sắc-thân vô-lượng, vì siêu xuất tất cả ngữ ngôn.

Sắc-thân vô-trụ, vì nguyện độ tất cả thế-gian.

Sắc-thân vô-xứ, vì hằng hóa độ chúng-sanh không thôi dứt.

Sắc-thân vô-sanh, vì huyễn-nguyện làm thành.

Sắc-thân vô-thắng, vì siêu các thế-gian.

Sắc-thân như-thật, vì định-tâm hiện ra.

Sắc-thân chẳng sanh, vì tùy nghiệp của chúng-sanh mà xuất-hiện.

Sắc-thân châu như-ý, vì khắp thỏa mãn tất cả nguyện cầu của chúng-sanh.

Sắc-thân vô-phân-biệt, vì chỉ tùy theo chúng-sanh phân-biệt mà khởi.

Sắc-thân rời phân-biệt, vì tất cả chúng-sanh chẳng biết được.

Sắc-thân vô-tận, vì tận sanh-tử-tế của các chúng-sanh.

Sắc-thân thanh-tịnh, vì đồng vô-phân-biệt với Như-Lai.

Thân như vậy chẳng phải sắc, vì bao nhiêu sắc-tướng như ảnh tượng cả.

Chẳng phải thọ, vì đã diệt hẳn khổ-thọ của thế-gian.

Chẳng phải tưởng, vì chỉ tùy theo chúng-sanh tưởng mà hiện.

Chẳng phải hành, vì nương theo nghiệp như-huyễn mà thành-tựu.

Chẳng phải thức, vì là nguyện-trí không vô-tánh của Bồ-Tát, vì ngữ ngôn của tất cả chúng-sanh đều dứt, vì đã thành-tựu thân tịch-diệt.

Bấy giờ Thiện-Tài lại thấy Ma-Gia Phu-Nhơn tùy theo tâm sở-thích của các chúng-sanh mà hiện sắc-thân siêu quá tất cả thế-gian.

Những là: hoặc hiện thân siêu quá thiên-nữ nơi trời Tha-Hóa Tự-Tại, nhẫn đến siêu quá thiên-nữ nơi trời Tứ-Thiên-Vương.

Hoặc hiện thân siêu quá Long-Nữ, nhẫn đến siêu quá nhơn-nữ.

Hiện vô-lượng sắc-thân như vậy để lợi ích chúng-sanh, nhóm họp pháp trợ-đạo nhất-thiết-trí, hành bình-đẳng đàn ba-la-mật, đại-bi che khắp tất cả thế-gian, xuất sanh vô-lượng công-đức của Như-Lai, tu tập tăng trưởng tâm nhất-thiết-trí, quán sát tư duy thật-tánh của các pháp, được thâm-nhẫn, đủ định-môn, an trụ cảnh-giới tam-muội bình-đẳng, được Như-Lai định, viên-mãn quang-minh, tiêu cạn biển lớn phiền-não của chúng-sanh, tâm thường chánh-định chưa từng động loạn, hằng chuyển pháp-luân thanh-tịnh bất-thối. Khéo biết rõ tất cả phật-pháp, hằng dùng trí-huệ quán pháp thật-tướng, thấy chư Như-Lai không lòng nhàm, biết tam-thế Phật thứ đệ xuất thế tam-muội, thấy Phật thường hiện-tiền, thấu rõ Như-Lai xuất hiện nơi đời, vô-lượng vô-số những đạo thanh-tịnh, đi nơi cảnh-giới hư-không của Phật. Nhϊếp khắp chúng-sanh đều theo tâm họ để giáo-hóa thành-tựu, nhập Phật vô-lượng thanh-tịnh pháp thân, thành-tựu đại nguyện nghiêm-tịnh phật-độ, rốt ráo điều phục tất cả chúng-sanh, tâm hằng vào khắp cảnh-giới của chư Phật, xuất sanh bồ tát tự-tại thần-lực, đã được pháp thân thanh-tịnh vô-nhiễm mà hằng thị-hiện vô-lượng sắc thân, xô dẹp tất cả ma-lực thành sức đại thiện-căn, xuất sanh sức chánh-pháp, đầy đủ phật-lực, được sức tự-tại của chư Bồ-Tát, mau tăng trưởng sức nhất-thiết-trí, được phật-trí-quang chiếu khắp tất cả, biết hết tâm tánh giải dục sai biệt của vô-lượng chúng-sanh, thân cùng khắp mười phương cõi, biết rõ tướng thành hoại của các cõi, dùng quảng-đại-nhãn thấy thập-phương-hải, dùng châu-biến-trí biết tam-thế-haỉ, thân khắp thừa-sự tất cả phật-hải, tâm hằng nạp thọ tất cả pháp-hải, tu tập tất cả công-đức của Như-Lai, xuất sanh tất cả trí-huệ của Bồ-Tát, thường thích quán-sát tất cả Bồ-Tát từ sơ-phát-tâm nhẫn đến thành tựu đạo bồ-tát, thường siêng thủ hộ tất cả chúng-sanh, thường thích tán dương công-đức của chư Phật, nguyện làm mẹ của tất cả Bồ-Tát.

Thiện-Tài thấy Ma-Gia Phu-Nhơn hiện diêm-phù-đề vi-trần-số môn phương-tiện như vậy. Ðúng như số thân của Ma-Gia Phu-Nhơn đã hiện, Thiện-Tài cũng tự hiện bao nhiêu thân ở trước tất cả Ma-Gia Phu-Nhơn mà cung kính lễ bái.

Tức thời Thiện-Tài chứng được vô-lượng vô-số môn tam-muội, phân biệt quan-sát tu hành chứng nhập.

Sau khi xuất định, Thiện-Tài hữu nhiễu Phu-Nhơn và quyến-thuộc của Phu-Nhơn, đứng chắp tay cung kính thưa rằng:

Bạch Ðại-thánh! Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát dạy tôi phát tâm vô-thượng bồ-đề, cầu thiện-tri-thức để thân cận cúng-dường.

Ở chỗ mỗi vị thiện-tri-thức tôi đều đến kính thờ không bỏ luống, lần lượt đến đây. Xin Dại-Thánh vì tôi mà dạy bảo Bồ-Tát thế nào học bồ-tát hạnh mà được thành-tựu?

Ma-Gia Phu-Nhơn nói:

Nầy Thiện-nam-tử! Ta đã thành-tựu môn giải-thoát bồ-tát-đại-nguyện-trí-huyễn, do đây ta thường làm mẹ của Bồ-Tát.

Nầy Thiện-nam-tử! Như ta ở tại cung vua Tịnh-Phạn nơi thành Ca-Tỳ-La nầy, từ hông bên hữu sanh Thái-Tử Tất-Ðạt hiện bất-tư-nghì thần-biến tự-tại.

Như vậy nhẫn đến tận thế-giới hải nầy, tất cả Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai đều vào thân ta mà thị-hiện đản-sanh tự-tại thần-biến.

Lại nầy Thiện-nam-tử! Lúc ta ở cung vua Tịnh-Phạn, lúc Bồ-Tát sắp hạ sanh, ta thấy thân của Bồ-Tát mỗi mỗi lỗ lông đều phóng quang-minh tên là Nhất-Thiết-Như-Lai-Thọ-Sanh-Công-Ðức-Luân. Mỗi lỗ lông đều hiện bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật sát vi-trần-số Bồ-Tát thọ sanh trang-nghiêm. Những quang-minh đó thảy đều chiếu khắp tất cả thế-giới, rồi nhập vào đảnh của ta và khắp các chân lông.

Lại trong quang-minh ấy hiện khắp tất cả danh-hiệu của Bồ-Tát, cùng thọ-sanh, thần-biến, cung-điện, quyến-thuộc, ngũ dục tự vui của Bồ-Tát.

Trong quang-minh lại thấy Bồ-Tát xuất-gia, đến đạo-tràng thành Ðẳng-Chánh-Giác, ngồi tòa sư-tử, Bồ-Tát vây quanh, các vua chúa cúng-dường, vì đại-chúng mà chuyển pháp-luân.

Lại thấy đức Như-Lai thuở xưa lúc tu hành bồ-tát-đạo, cung kính cúng-dường chư Phật, phát tâm bồ-đề, nghiêm-tịnh phật-độ, niêm niệm thị-hiện vô-lượng hóa-thân khắp thập phương thế-giới, nhẫn đến rốt sau nhập niết-bàn. Tất cả những sự như vậy đều thấy rõ cả.

Nầy Thiện-nam-tử! Lúc diệu-quang-minh ấy vào thân của ta, hình lượng của thân ta dầu chẳng hơn trước, nhưng thật ra thời đã siêu thế-gian.

Tại sao vậy?

Vì lúc đó thân của ta lượng đồng hư-không, đều có thể dung thọ những cung-điện trang-nghiêm của thập phương Bồ-Tát thọ sanh.

Lúc Bồ-Tát từ cung trời Ðâu-Suất sắp giáng thần, có mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng nguyện, đồng hạnh, đồng thiện-căn, đồng trang nghiêm, đồng giải-thoát, đồng trí-huệ, trí-lực, pháp-thân, sắc-thân, nhẫn đến phổ-hiền thần-thông hạnh nguyện thảy đều đồng với Bồ-Tát. Vi-trần-số Bố-Tát nầy cùng vây quanh.

Lại có tám vạn Long-Vương và tất cả Thế-Chủ thừa cung-điện của mình đều đến cúng-dường.

Bấy giờ Bồ-Tát dùng sức thần-thông cùng chư Bồ-Tát quyến-thuộc hiện khắp tất cả Ðâu-Suất Thiên-Cung. Mỗi mỗi Thiên-Cung đều hiện hình tượng thọ sanh trong tất cả Diêm-Phù-Ðề ở thập phương thế-giới, phương-tiện giáo hóa vô-lượng chúng-sanh, khiến chư Bồ-Tát rời giải-đãi, không chấp trước.

Lại dùng thần-lực phóng đại quang-minh chiếu khắp thế-gian phá những tối tăm diệt những khổ não, làm cho các chúng-sanh đều biết những hành nghiệp đã có từ đời trước, hầu thoát hẳn ác-đạo.

Lại vì cứu hộ tất cả chúng-sanh mà hiện ra trước họ, để hiện những thần-biến.

Bồ-Tát đã hiện những sự kỳ-đặc như vậy rồi cùng quyến-thuộc đến nhập vào thân của ta.

Chư Bồ-Tát ấy ở trong bụng ta du hành tự-tại: hoặc dùng Ðại-Thiên thế giới làm một bước, nhẫn đến hoặc dùng bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số thế giới làm một bước.

Lại trong mỗi niệm, chúng hội Bồ-Tát ở chỗ chư Phật Như-Lai nơi bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết tất cả thế-giới mười phương, cùng dục-giới sắc-giới chư Thiện-Vương chư Phạm-Vương vì muốn thấy thần-biến của Bồ-Tát ở trong thai mẹ để cung kính cúng-dường nghe lãnh chánh pháp nên đều đến vào thân của ta.

Dầu trong bụng của ta đều có thể dung thọ tất cả chúng-hội như vậy, mà thân ta vẫn không lớn thêm, cũng chẳng chật hẹp.

Chư Bồ-Tát và chúng-hội đều tự thấy mình ở đạo-tràng thanh-tịnh nghiêm-sức.

Nầy Thiện-nam-tử! Như trong Diêm-Phù-Ðề nầy Bồ-Tát thọ sanh, ta làm mẹ, trong tất cả trăm ức Diêm-Phù-Ðề khắp Ðại-Thiên thế-giới cũng như vậy. Nhưng thân của ta đây bổn lai không hai, chẳng phải ở một xứ, chẳng phải ở nhiều xứ.

Tại sao vậy?

Vì ta tu môn giải-thoát bồ-tát đại-nguyện trí-huyễn trang-nghiêm.

Nầy Thiện-nam-tử! Như đức Thế-Tôn hiện nay, ta làm mẹ của Ngài, bao nhiêu chư Phật thuở xưa ta cũng làm mẹ như vậy.

Nầy Thiện-nam-tử! Thuở xưa, ta từng làm Thần ao sen. Bấy giờ có Bồ-Tát bỗng nhiên hóa sanh nơi liên-hoa-tạng, ta liền bồng ẵm săn sóc nuôi nấng. Thế-gian gọi ta là mẹ của Bồ-Tát.

Lại thuở xưa, ta từng làm Thần bồ-đề-tràng. Bấy giờ có Bồ-Tát bỗng nhiên hóa-sanh trong lòng của ta. Người đời ấy cũng gọi ta là mẹ của Bồ-Tát.

Nầy Thiện-nam-tử! Có vô-lượng tối-hậu-thân Bồ-Tát phương-tiện thị-hiện thọ sanh nơi thế-giới nầy, ta đều làm mẹ của các Ngài.

Nầy Thiện-nam-từ! Như ở thế-giới Ta-Bà nầy, trong kiếp Hiền, quá khứ đức Câu-Lưu-Tôn Phật, đức Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni-Phật, đức Ca-Diếp Phật và đức Thích-Ca-Mâu-Ni Phật, hiện nay thị hiện thọ sanh, ta đều làm mẹ, đời vị-lai, Dị-Lặc Bồ-Tát từ Thiên-Cung Ðâu-Suất lúc sắp giáng thần phóng đại quang-minh chiếu khắp pháp-giới thị-hiện thấn-biến thọ sanh cùng chúng Bồ-Tát, ta cũng sẽ lảm mẹ.

Kế đó theo thứ tự, có Sư-Tử Phật, Pháp-Tràng Phật, Thiện-Nhãn Phật, Tịnh-Hoa Phật, Hoa-Ðức Phật, Ðề-Xá Phật, Phất-Sa Phật, Thiện-Ý Phật, Kim-Cang Phật, Ly-Cấu Phật, Nguyệt-Quang Phật, Trì-Cự Phật, Danh-Xưng Phật, Kim-Cang-Thuẩn Phật, Thanh-Tịnh-Nghĩa Phật, Cám-Thân Phật, Ðáo-Bỉ-Ngạn Phật, Bửu-Diệm-Sơn Phật, Trì-Minh Phật, Liên-Hoa-Ðức Phật, Danh-Xưng Phật, Vô-Lượng-Công-Ðức Phật, Tối-Thắng-Ðăng Phật, Trang-Nghiêm-Thân Phật, Thiện-Oai-Nghi Phật, Từ-Ðức Phật, Vô-Trụ Phật, Ðại-Oai-Quang Phật, Vô-Biên-Âm Phật, Thắng-Oán-Ðịch Phật, Ly-Nghi-Hoặc Phật, Thanh-Tịnh Phật, Ðại-Quang Phật, Tịnh-Tâm Phật, Vân-Ðức Phật, Trang-nghiêm-Ðảnh-Kế Phật, Thọ-Vương Phật, Bửu-Ðăng Phật, Hải-Huệ Phật, Diệu-Bửu Phật, Hoa-Quan Phật, Mãn-Nguyện Phật, Ðại-Tự-Tại Phật, Diệu-Ðức-Vương Phật, Tối-Tôn-Thắng Phật, Chiên-Ðàn-Vân Phật, Cám-Nhãn Phật, Thắng-Huệ Phật, Quán-Sát-Huệ Phật, Xí-Thạnh-Vương Phật, Kiên-Cố-Huệ Phật, Tự-Tại-Danh Phật, Sư-Tử-Vương Phật, Tự-Tại Phật, Tối-Thắng-Ðảnh Phật, Kim-Cang-Trí-Sơn Phật, Diệu-Ðức-Tạng Phật, Bửu-Võng-Nghiêm-Thân Phật, Thiện-Huệ Phật, Tự-Tại-Thiên Phật, Ðại-Thiên-Vương Phật, Vô-Y-Ðức Phật, Thiện-Thí Phật, Diệm-Huệ Phật, Thủy-Thiên Phật, Ðắc-Thượng-Vị Phật, Xuất-Sanh-Vô-Thượng-Công-Ðức Phật, Tiên-Nhân-Thị-Vệ Phật, Tùy-Thế-Ngữ-Ngôn Phật, Công-Ðức-Tự-Tại-Tràng Phật, Quang-Tràng Phật, Quán-Thân Phật, Diệu-Thân Phật, Hương-Diệm Phật, Kim-Cang-Bửu-Nghiêm Phật, Hỉ-Nhãn Phật, Ly-Dục Phật, Cao-Ðại-Thân Phật, Tài-Thiên Phật, Vô-Thượng-Thiên Phật, Thuận-Tịch-Diệt Phật, Trí-Giác Phật, Diệt-Tham Phật, Ðại-Diệm-Vương Phật, Tịch-Chư-Hữu Phật, Tỳ-Xá-Khư-Thiên Phật, Kim-Cang-Sơn Phật, Trí-Diệm-Ðức Phật, An-Ổn Phật, Sư-Tử-Xuất-Hiện Phật, Viên-Mãn-Thanh-Tịnh Phật, Thanh-Tịnh-Hiền Phật, Ðệ-Nhất-Nghĩa Phật, Bá-Quang-Minh Phật, Tối-Tăng-Thượng Phật, Thâm-Tự-Tại Phật, Ðại-Ðịa-Vương Phật, Trang-Nghiêm-Vương Phật, Giải-Thoát Phật, Diệu-Âm Phật, Thù-Thắng Phật, Tự-Tại Phật, Vô-Thương-Y-Vương Phật, Công-Ðức-Nguyệt Phật, Vô-Ngại-Quang Phật, Công-Ðức-Tụ Phật, Nguyệt-Hiện Phật, Nhựt-Thiên Phật, Xuất-Chư-Hữu Phật, Dũng-Mãnh-Danh-Xưng Phật, Quang-Minh-Môn Phật, Ta-La-Vương Phật, Tối-Thắng Phật, Dược-Vương Phật, Bửu-Thắng Phật, Kim-Cang-Huệ Phật, Vô-Năng-Thắng Phật, Vô-Năng-Ánh-Tế Phật, Chúng-Hội-Vương Phật, Ðại-Danh-Xưng Phật, Mẫn-Trì Phật, Vô-Lương-Quang Phật, Ðại-Nguyện-Quang Phật, Pháp-Tự-Tại-Bất-Hư Phật, Bất-Thối-Ðịa Phật, Tịnh-Thiên Phật, Thiện-Sư Phật, Kiên-Cố-Khổ-Hạnh Phật, Nhất-Thiết-Thiện-Hữu Phật, Giải-Thoát-Âm Phật, Du-Hí-Vương Phật, Diệt-Tà-Khúc Phật, Chiêm-Bặc-Tịnh-Quang Phật, Cụ-Chúng-Ðức Phật, Tối-Thắng-Nguyệt Phật, Chấp-Minh-Cự Phật, Thù Diệu-Thân Phật, Bất-Khả-Thuyết Phật, Tối-Thanh-Tịnh Phật, Hữu-An-Chúng-Sanh Phật, Vô-Lượng-Quang Phật, Vô-Úy-Âm Phật, Thủy-Thiên-Ðức Phật, Bất-Ðộng-Huệ-Quang Phật, Hoa-Thắng Phật, Nguyệt-Diêm Phật, Bất-Thối-Huệ Phật, Ly-Ái Phật, Vô-Trước-Huệ Phật, Tập-Công-Ðức-Uẩn Phật, Diệt-Ác-Thú Phật, Phổ-Tán-Hoa Phật, Sư-Tử-Hống Phật, Ðệ-Nhất-Nghĩa Phật, Vô-Ngại-Kiến Phật, Phá-Tha-Quân Phật, Bất-Trước-Tướng Phật, Ly-Phân-Biệt-Hải Phật, Ðoan-Nghiêm-Hải Phật, Tu-Di-Sơn Phật, Vô-Trước-Trí Phật, Vô-Biên-Toà Phật, Thanh-Tịnh-Trụ Phật, Tùy-Sư-Hành Phật, Tối-Thượng-Thí Phật, Thường-Nguyệt Phật, Nhiêu-Ích-Vương Phật, Bất-Ðộng-Tụ Phật, Phổ-Nhϊếp-Thọ Phật, Nhiêu-Ích-Huệ Phật, Trì-Thọ Phật, Vô-Diệt Phật, Cụ-Túc-Danh-Xưng Phật, Ðại-Oai-Lực Phật, Chủng-Chủng-Sắc-Tướng Phật, Vô-Tướng-Huệ Phật, Bất-Ðộng-Thiên Phật, Diệu-Ðức-Nan-Tư Phật, Mãn-Nguyệt Phật, Giải-Thoát-Nguyệt Phật, Vô-Thượng-Vương Phật, Hi-Hữu-Thân Phật, Phạm-Cúng-Dường Phật, Bất-Thuấn Phật, Thuận-Tiên-Cổ Phật, Tối-Thượng-Nghiệp Phật, Thuận-Pháp-Trí Phật, Vô-Thắng-Thiên Phật, Bất-Tư-Nghì-Công-Ðức-Quang Phật, Tùy-Pháp-Hành Phật, Vô-Lượng-Hiền Phật, Phổ-Tùy-Thuận-Tự-Tại Phật, Tối-Tôn-Thiên Phật, nhẫn đến đức Lâu-Chí Như-Lai, tất cả là một ngàn đức Phật đã và sẽ thành Phật trong Hiền-Kiếp nơi Ta-Bà thế-giới nầy, ta đều làm mẹ của các Ngài.

Cũng như ở cõi Ðại-Thiên nầy, vô-lượng thế-giới ở mười phương, trong tất cả kiếp, những bực tu hành hạnh nguyện Phổ-Hiền để hóa độ chúng-sanh, ta đều tự thấy thân mình làm mẹ của các Ngài.

Thiện-Tài bạch rằng:

Ðại-Thánh được môn giải-thoát nầy đến nay là bao nhiêu thời-gian?

Ma-Gia Phu-Nhơn nói:

Nầy Thiện-nam-tử! Thuở xưa, quá bất-tư-nghì kiếp số, chẳng phải đạo-nhãn của bực tối-hậu-thân Bồ-Tát biết được, có kiếp tên là Tịnh-Quang, thế-giới tên là Tu-Di-Ðức, dầu là năm loài ở lộn lạo, nhưng cõi đó bằng những chất báu thanh-tịnh trang-nghiêm không có sự nhơ uế xấu xí. Cõi đó có ngàn ức Tứ-Thiên-Hạ. Trong đó có một Tứ-Thiên-Hạ tên là Sư-Tử-Tràng. Nơi đây có tám mươi ức Vương-Thành. Có một Vương-Thành tên là Tự-Tại-Tràng, ngự trị bởi Chuyển-Luân-Vương tên là Ðại-Oai-Ðức.

Phía bắc Vương-Thành Tự-Tại-Tràng, có một đạo-tràng tên là Mãn-Nguyệt-Quang-Minh. Thần đạo-tràng nầy tên là Từ-Ðức.

Bấy giờ có Bồ-Tát tên là Ly-Cấu-Tràng ngồi nơi đạo-tràng nầy thành Ðẳng-Chánh-Giác.

Có một ác-ma tên là Kim-Sắc-Quang cùng quyến thuộc vô-lượng chúng câu hội đến chỗ Bồ-Tát.

Chuyển-Luân-Vương Ðại-Oai-Ðức đã được bồ-tát thần-thông tự-tại, biến hóa binh chúng đông hơn quân ma bao vây đạo-tràng. Quân ma sợ hãi tự tan rã. Do đó Bồ-Tát Ly-Cấu-Tràng thành Vô-Thượng Chánh-Giác.

Thần đạo-tràng thấy sự việc trên đây, lòng hoan hỉ vô-lượng, với Chuyển-Luân-Vương tưởng là con trai của mình, đối trước Phật pháp nguyện rằng: Chuyển-Luân-Vương nầy chẳng luận sanh chỗ nào, nguyện tôi đều làm mẹ của Vương, nhẫn đến đời Vương thành Phật cũng vậy.

Sau khi phát nguyện, nơi đạo-tràng ấy, Thần lại từng cúng dường mười na-do-tha đức Phật.

Nầy Thiện-nam-tử! Thuở xưa ấy, Thần đạo-tràng tên Từ-Ðức chính là tiền thân của ta.

Chuyển-Luân-Vương Ðại-Oai-Ðức là tiền thân của đức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai.

Từ lúc ta phát nguyện thuở xưa ấy, đức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai phàm thọ sanh ở xứ nào cõi nào tu bồ-tát hạnh gieo thiện-căn giáo-hóa chúng-sanh, nhẫn đến thị-hiện tối-hậu-thân, mỗi niệm khắp tất cả thế-giới, thị-hiện thần-biến bồ-tát thọ sanh, thường làm con trai của ta, ta thường làm mẹ của Ngài.

Nầy Thiện-nam-tử! Quá-khứ và hiện-tại thập phương thế-giới, vô-lượng chư Phật lúc sắp thành Ðẳng-Chánh-Giác, đều từ nơi rốn phóng đại-quang-minh chiếu đến thân ta và cung-diện của ta ở tối-hâu-thân của các Ngài, ta đều làm mẹ.

Nầy Thiện-nam-tử! Ta chỉ biết môn giải-thoát bồ-tát đại-nguyện-trí-huyễn nầy.

Như chư đại Bồ-Tát có đủ tạng đại-bi giáo-hóa chúng-sanh thường không nhàm đủ, dùng sức tự-tại mỗi mỗi lỗ lông thị-hiện thần-biến của vô lượng chư Phật.

Ta thế nào biết được nói được công-đức-hạnh ấy.

Nầy Thiện-nam-tử! Ở thế-giới nầy, nơi Ðao-Lợi-Thiên, có Thiên-Vương tên là Chánh-Niệm. Thiên-Vương có người con gái tên là Thiện Chủ-Quang.

Ngươi đến đó hỏi Bồ-Tát thế nào học bồ-tát-hạnh, tu bồ-tát-đạo?

Thiện-Tài Ðồng-Tử kỉnh lễ nơi chân Ma-Gia Phu-Nhơn, hữu nhiễu vô số vòng, luyến mộ chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.