Ngôi Sao Lấp Lánh, Thật May Mắn Quá Thay

Chương 37

(*Thẻ tre dùng để viết thư gửi tin.)

Trình Thủy mỉm cười: “Con cũng muốn viết thư cho mẫu thân lắm, nhưng mẫu thân đâu biết chữ.” Nói đến đây, ông lại sầm mặt, “Con không thích để Cát thị đọc tin con gửi mẫu thân.”

Trình mẫu vừa quệt nước mắt vừa nói: “Con vẫn chướng mắt nó vậy ư? Có phải là vì… cái tên đó không?”

Trình Thủy thấp giọng nói: “Xúc Nhi mất khi chưa tới hai tuổi, còn nàng ta thì hay lắm, vừa sinh Nhị nương tử đã đặt tên Sước, sớm tối gọi ‘Sước Nhi Sước Nhi’, hỏi có yên nổi không.”

Chuyện này Trình mẫu cũng biết, Xúc và Sước đồng âm, cái đồ Cát thị ngu dốt, cho rằng đàn ông tất coi trọng con trai (mà thật ra bản thân Trình mẫu cũng vậy), vốn chỉ tính đả kích Tiêu phu nhân, nào ngờ người đau lòng nhất lại là Trình Thủy.

Con bé ấy sinh ra đã trắng trẻo, vừa có đôi mắt sáng xinh đẹp giống Tiêu phu nhân, lại có hàng lông mày rậm và vầng trán rộng của Trình Thủy. Hồi đó Trình Thủy mới lần đầu làm cha, cưng hứng con vô cùng, Tiêu phu nhân sinh xong thì người yếu, trong nhà lại không dư người hầu, vậy là cứ rảnh rỗi thì Trình Thủy lại buộc tã trước ngực đi đi lại lại. Nhưng hồi ấy lại là quãng thời gian Trình gia khó khăn nhất, bình thường chỉ đủ ấm no, nào có đồ tốt bồi bổ, thành thử không chú ý đến rất nhiều chuyện, ôi…

Trình mẫu tính cục mịch, chuyện đã xảy ra nhiều năm rồi mới dần cảm nhận được nỗi đau của con trai, nhưng bà lại nghĩ, thông minh như Tiêu phu nhân mà lại không nói gì, cố ý để Cát thị gây ra họa rồi bịt tai làm ngơ, chứng tỏ nó biết nhịn đến mức nào.

“Mẫu thân có nói với đệ muội của con rồi, nhưng nó bảo cái tên đó là Cát thái công đặt, không dám trái ý trưởng bối.” Trình mẫu vẫn nói thay Cát thị một câu, dù không quá ưng cô con dâu này lắm nhưng chính bà đã làm chủ cuộc hôn nhân ấy.

Trình Thủy hừ lạnh: “Cô ta chỉ biết dùng cha làm tấm đỡ, nếu không phải Cát thái công trung hậu đứng đắn, năm xưa cũng từng giúp đỡ con nhiều, thì con đã sớm bảo Nhị đệ bỏ cô ta rồi!”

“Hừ, cái loại đàn bà này, bình thường chỉ biết kiếm chuyện, leo lẻo bẻm mép, nhà cửa mà êm ấm là cô ta lại không chịu nổi, hay cho một gia đình đứng đắn lại dạy ra thứ người mất nết đến vậy!” Trình Thủy càng nghĩ càng tức, “Mấy hôm trước con có đến thăm Nhị đệ, già nua ốm nhách, bất chấp sự đời, khác gì người già…”

Trình mẫu xen vào: “Vốn Nhị lang không thích nói chuyện, hồi bé nó…”

Trình Thủy ngắt lời: “Không thích nói chuyện chứ không phải ù lì như thế! Tuy hồi nhỏ đệ ấy ít nói, nhưng cũng từng leo cây bắn chim, lúc con lập nghiệp đệ ấy cũng đi theo kết bạn, nào thua kém người ngoài?!” Có câu huynh trưởng như cha, em dâu cũng như con gái của Trình Thủy, bản thân mắng được nhưng không cho phép người khác coi thường.

“Cưới một người vợ xúi quẩy lắm mồm, suốt ngày chỉ biết chỉ tay trách đệ ấy này không được kia không xong, thế thì thử hỏi Nhị đệ còn làm được chuyện gì nữa?!” Trình Thủy đập mạnh xuống bàn nhỏ bên mép giường, chiếc bàn lập tức phát ra tiếng cọt kẹt, “Đáng lí ra ban đầu không nên ham của cải của Cát gia, làm hại Nhị đệ!”

Trình mẫu nhìn bàn gỗ sơn mài khắc hoa văn hạc màu đen rung lắc, chiếc bàn này được bà sai thợ đánh một bộ giống hệt chiếc trong phòng Vạn lão phu nhân nhà bên. Mỗi lần Vạn lão phu nhân vỗ bàn, dù là nam tử hán vạm vỡ như Vạn tướng quân cũng co rúm lại quỳ sụp xuống đất, liên tục dập đầu trước mẹ già. Bà đã thấy Vạn lão phu nhân nổi nóng mấy lần, rất hâm mộ, nghĩ bụng nếu mình có thể trị con trai được như thế thì hay quá. Chỉ tiếc, bà còn chưa có dịp dùng đến chiếc bàn này thì con trai đã ra tay trước.

“Kể ra cũng là lỗi của mẫu thân, khi đó con vẫn đang phân vân, nói muốn xem phẩm hạnh của nương tử Cát gia ra sao, nhưng mẫu thân đã luôn miệng đồng ý!” Trình Thủy nhớ lại mà nổi giận, hồi đó do ông tự ý cưới Tiêu phu nhân khiến mẹ không vui, cho nên cũng không dám chống đối nhiều trong hôn sự với Cát gia.