Ðiều bi thảm nhất trong thế gian thật không chi bằng cái chết, nhưng khắp cả người đời, có ai may mắn thoát được nổi? Vì vậy, người có tâm muốn lợi mình lợi người thì chẳng thể không sớm lo liệu. Thật ra, một chữ CHẾT vốn chỉ là giả danh. Do kỳ hạn của quả báo chiêu cảm từ [các nhân] đời trước đã tận nên bỏ tấm thân này rồi lại thọ cái thân khác vậy. Kẻ chẳng biết Phật pháp thì đúng là không tìm được cách gì, chỉ đành mặc cho nghiệp xoay chuyển. Nay đã được nghe pháp môn Tịnh Ðộ phổ độ chúng sanh của đức Như Lai thì phải nên tín nguyện niệm Phật, sắp sẵn tư lương vãng sanh, hầu mong thoát được cái nỗi khổ luân hồi sanh tử giả huyễn, chứng sự vui chân thật Niết Bàn thường trụ.
Nếu ai có cha, mẹ, anh, em và các quyến thuộc mắc phải bệnh nặng, bệnh tình khó bề thuyên giảm thì nên phát tâm hiếu thuận, từ bi, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tây phương và trợ niệm cho họ để mong người bị bệnh nhờ đó sau khi chết liền được sanh về Tịnh Ðộ. Sự lợi ích như thế kể sao cho xiết? Nay tôi nêu lên ba điều trọng yếu để làm căn cứ hòng thành tựu sự vãng sanh cho người lâm chung; lời lẽ tuy thô vụng nhưng ý vốn lấy từ kinh Phật. Gặp được nhân duyên này đều nên làm theo. Ba điều trọng yếu là:
* Một là khéo chỉ dạy, an ủi, khiến [người sắp mất] sanh chánh tín.
* Hai là mọi người thay phiên niệm Phật để giúp tịnh niệm [cho người sắp mất].
* Ba là hết sức tránh dời động, khóc lóc, kẻo làm hỏng việc.
Nếu có thể tuân theo ba pháp này thì quyết định sẽ tiêu trừ được túc nghiệp, tăng trưởng Tịnh nhân (cái nhân để vãng sanh Tịnh Độ), được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây phương. Một phen đã được vãng sanh thì sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, dần dần tấn tu ắt sẽ đạt tới viên thành Phật quả mới thôi. Sự lợi ích như vậy hoàn toàn nhờ vào sức trợ niệm của quyến thuộc. Có thể làm được như thế mới là chân hiếu đối với cha mẹ, mới thật là chân đễ92 đối với anh em trai, chị em gái, mới thật là chân từ đối với con cái, mới thật là chân nghĩa, chân huệ đối với bằng hữu và đối với mọi người; dùng những điều ấy để vun bồi thêm cái nhân Tịnh Ðộ của chính mình. Khơi gợi lòng tin tưởng của những đồng nhân, lâu ngày chày tháng nào có khó gì mà chẳng tập thành lề thói được. Nay tôi sẽ trình bày từng điều một để chẳng đến nỗi lâm chung có những điều không thích đáng, không đúng lý vậy.
---o0o---
a. Ðiều thứ nhất là khéo chỉ bày, an ủi, khiến cho [người sắp mất] sanh chánh tín:
Thiết tha khuyên người bịnh buông xuống hết thảy, chỉ nhất tâm niệm Phật. Nếu như cần phải giao phó việc gì thì phải mau giao phó. Giao phó xong thì chẳng đếm xỉa đến nữa, chỉ nghĩ ta nay theo Phật vãng sanh cõi Phật; tất cả sự giàu vui, quyến thuộc thế gian, các thứ trần cảnh đều là chướng ngại, thậm chí khiến ta mắc hại. Vì thế, chẳng nên sanh một niệm quyến luyến, vướng mắc. Phải biết: Một niệm chân tánh của chính mình vốn chẳng có chết. Cái chết vừa nói đó chỉ là xả thân này để lại thọ cái thân khác mà thôi. Nếu chẳng niệm Phật thì sẽ phải thuận theo nghiệp lực thiện, ác để lại thọ sanh trong nẻo lành, đường dữ (Đường lành là trời - người. Đường ác là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. A Tu La vừa gọi là đường lành vừa gọi là đường ác vì họ tu nhân cảm quả đều là thiện ác xen lẫn). Nếu như trong lúc lâm chung, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Ðà Phật thì do tâm niệm Phật chí thành, ắt quyết định cảm được Phật dấy lòng đại từ bi, đích thân tiếp dẫn khiến cho ta được vãng sanh.
Ðừng nghi rằng: Ta là nghiệp lực phàm phu, làm sao chỉ do niệm Phật trong một thời gian ngắn lại có thể thoát khỏi sanh tử, vãng sanh Tây phương? Nên biết rằng: Vì đức Phật đại từ bi nên dẫu là kẻ tội nhân Thập Ác, Ngũ Nghịch rất nặng, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện ra, mà nếu có thiện tri thức dạy cho niệm Phật bèn hoặc niệm mười tiếng hoặc chỉ một tiếng thì cũng được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây phương. Hạng người ấy chỉ niệm mấy câu còn được vãng sanh, há nên cho rằng ta nghiệp lực nặng, niệm Phật ít ỏi mà sanh lòng nghi nữa ư? Phải biết: Chúng ta vốn có chân tánh, chân tánh của ta và chân tánh của Phật chẳng hai; chỉ vì ta Hoặc nghiệp còn sâu nặng nên chẳng thọ dụng được! Nay đã quy mạng nơi Phật như con nương về với cha, chính là trở về với quê nhà ta vốn sẵn có, chứ nào có phải là điều gì bên ngoài đâu! Hơn nữa, xưa kia, đức Phật đã phát nguyện: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu của ta mà chí tâm tin ưa, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được vãng sanh thì chẳng lấy ngôi Chánh Giác”. Vì thế, hết thảy chúng sanh lúc lâm chung phát tâm chí thành niệm Phật cầu sanh về Tây phương thì không một ai là chẳng được Ngài rủ lòng Từ tiếp dẫn. Ngàn vạn phần chẳng được hoài nghi nữa! Hoài nghi chính là tự mình lầm lạc, họa ấy chẳng nhỏ.
Huống hồ, lìa khỏi thế giới khổ não này sanh về thế giới vui vẻ kia là chuyện hết sức sung sướиɠ, cho nên phải sanh tâm hoan hỷ, ngàn vạn phần chẳng được sợ chết. Dẫu sợ chết vẫn chẳng thể không chết, lại còn đâm ra mất phần vãng sanh Tây phương nữa vì tâm mình trái với tâm Phật vậy! Dẫu Phật sẵn lòng đại từ bi cũng không làm thế nào được đối với chúng sanh chẳng nương theo lời dạy của Phật! Vạn đức hồng danh của Phật A Di Ðà giống như lò luyện lớn lao; tội nghiệp trong nhiều kiếp của chúng ta như một mảnh tuyết trong hư không. Nghiệp lực phàm phu do bởi niệm Phật nên nghiệp liền tiêu diệt, giống như mảnh tuyết gần bên lò lửa lớn liền bị tiêu hết chẳng còn gì nữa.
Vả lại, huống chi nghiệp lực đã tiêu thì bao nhiêu thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng thù thắng; sao lại còn ngờ chẳng được vãng sanh và Phật chẳng đến tiếp dẫn nữa ư? Ðấy chính là những điều chỉ dạy cho người bệnh. Còn như những việc chí thành, tận hiếu mà ta phải nên làm thì cũng chỉ chú trọng ở những điểm ấy; chớ nên thuận theo thói tục van cầu thần thánh, tìm thầy chạy thuốc. Mạng lớn đã sắp hết thì làm sao quỷ thần, thuốc men giữ cho người ấy khỏi chết được! Nếu đã nhọc lòng vì những sự vô ích như thế thì đối với một sự niệm Phật lòng thành khẩn bị xen tạp, không cách gì cảm thông [đức Phật] được! Nhiều kẻ lúc cha mẹ lâm chung chẳng tiếc tiền của, mời nhiều thầy thuốc đến khám. Ðấy là mua tiếng hiếu, muốn được người đời khen ta tận hiếu đối với cha mẹ; nào hay trời đất, quỷ thần xét soi tường tận nỗi lòng. Vì vậy, đối với những sự tống táng cha mẹ mà quá sức phô trương thì nếu chẳng mắc thiên tai ắt cũng bị vạ người. Kẻ làm con chỉ nên chú trọng những gì thần thức của cha mẹ sẽ đạt được. Lời xưng tụng của thế nhân chẳng đáng cho kẻ sáng mắt nhếch mép cười, lẽ đâu lại dốc lòng mong mỏi, thật chỉ khiến cho ta phải mắc vào cái lỗi bất hiếu to lớn mà thôi!
---o0o---
b. Thứ hai là mọi người thay phiên niệm Phật để giúp tịnh niệm [cho người chết].
Trước đó, đã chỉ dạy người bệnh khiến cho kẻ ấy sanh chánh tín; nhưng vì người bịnh ấy tâm lực yếu ớt, đừng nói chi hạng người lúc còn khỏe mạnh chưa bao giờ niệm Phật, chẳng dễ gì niệm liên tục lâu dài được, ngay cả người chuyên trọng niệm Phật thì cũng hoàn toàn nhờ vào người khác trợ niệm thì mới có thể hữu hiệu. Vì vậy, quyến thuộc trong nhà nên cùng phát tâm hiếu thuận, từ bi, vì người ấy trợ niệm Phật hiệu. Nếu bệnh tình còn chưa đến nỗi sắp chết vào bất cứ lúc nào thì nên chia ban niệm Phật. Nên chia thành ba ban, mỗi ban hạn định mấy người. Ban đầu tiên niệm Phật ra tiếng, ban thứ hai và thứ ba niệm thầm. Niệm một tiếng đồng hồ thì ban thứ hai niệm tiếp; ban thứ nhất, ban thứ ba niệm thầm. Nếu có chuyện nhỏ thì nên lo liệu trong lúc niệm thầm; còn trong lúc trực ban trọn chẳng nên bỏ đi. Ban thứ hai niệm xong, ban thứ ba niệm tiếp. Xong rồi lại trở lại từ đầu. Niệm một tiếng, nghỉ hai tiếng; [như vậy thì niệm] suốt cả ngày đêm thì cũng không mệt nhọc lắm.
Phải biết: Chịu giúp người đạt được Tịnh niệm vãng sanh thì cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm. Chớ có nói là chỉ vì cha mẹ nên mới phải tận hiếu như vậy, mà đối với người dưng cũng nên vun bồi ruộng phước của chính mình, trưởng dưỡng thiện căn của chính mình thì mới đúng là cái đạo tự lợi, chứ chẳng phải chỉ vì người khác mà thôi! Thành tựu một người được vãng sanh Tịnh Ðộ chính là thành tựu một chúng sanh làm Phật. Công đức như thế há thể nghĩ lường được ư!
Ba ban liên tục, tiếng niệm Phật chẳng ngớt. Nếu sức bệnh nhân niệm được thì nương theo đó niệm nho nhỏ theo. Chẳng thể niệm nổi thì lắng tai nghe kỹ, tâm không có niệm gì khác thì tự có thể tương ứng với Phật vậy. Tiếng niệm Phật chẳng nên quá to; to thì tốn hơi, khó niệm lâu được; cũng chẳng thể quá nhỏ khiến cho bệnh nhân chẳng nghe rõ. Chẳng nên niệm quá mau, cũng chẳng nên quá chậm. Quá mau bệnh nhân niệm theo chẳng nổi, dẫu có nghe cũng chẳng rõ. Quá chậm thì chẳng tiếp hơi nổi nên cũng khó có ích. Nên niệm chẳng lớn tiếng, chẳng nhỏ tiếng, chẳng rề rà, chẳng gấp gáp; từng chữ phân minh, từng câu rành mạch khiến cho từng chữ, từng câu lọt tai thấu dạ bịnh nhân; như vậy thì dễ có sức. Về pháp khí dùng cho việc niệm Phật, chỉ nên dùng dẫn khánh, hết thảy các thứ khác đều chẳng nên dùng. Tiếng dẫn khánh trong trẻo khiến tấm lòng người nghe thanh tịnh. Tiếng mõ trầm đυ.c chẳng thích hợp cho việc trợ niệm khi lâm chung. Lại nữa, nên niệm Phật hiệu gồm bốn chữ. Lúc bắt đầu thì niệm vài câu sáu chữ; rồi sau đó chuyên niệm bốn chữ A Di Ðà Phật, chẳng niệm Nam Mô. Do ít chữ dễ niệm nên bệnh nhân sẽ niệm theo được hoặc nhϊếp tâm lắng nghe, đều đỡ tốn tâm lực. Quyến thuộc trong nhà niệm như vậy mà thỉnh thiện hữu ở ngoài đến thì cũng niệm như vậy. Dù nhiều người hay ít người đều phải niệm như thế, chẳng nên niệm một chốc, lại ngưng nghỉ rồi lại niệm khiến cho bịnh nhân niệm Phật gián đoạn. Nếu ăn cơm thì nên ăn vào lúc thay phiên, đừng ngớt tiếng niệm. Nếu như lúc bịnh nhân sắp tắt hơi thì cả ba ban nên cùng niệm cho đến tận sau khi đã tắt hơi hẳn rồi mới lại chia ba ban niệm suốt ba tiếng đồng hồ nữa (Trong sách Sức Chung Tân Lương, nguyên văn ở chỗ này ghi “thời gian niệm càng nhiều càng hay”, các đại đức cận đại đề xướng tiếp tục niệm tám tiếng đồng hồ đến hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Người soạn bản in mới kính cẩn ghi chú). Sau đấy, mới ngưng niệm để lo liệu, sắp đặt mọi việc. Trong lúc niệm Phật, chẳng để cho bè bạn đến trước bệnh nhân thăm hỏi, vỗ về. Ðã có lòng đến thăm thì hãy cùng đại chúng niệm Phật mấy thời. Ấy mới là tấm lòng yêu mến chơn thật, có ích cho bịnh nhân. Còn nếu cứ theo thói tục thường tình thì chính là đã xô người xuống biển. Tình ấy tuy đáng cảm, nhưng [để xảy ra] sự ấy thật đáng đau đớn. Toàn là cậy vào người chủ chốt hiểu rõ đạo lý, bảo trước với người [đến thăm] để khỏi tổn thương tình cảm, lại khỏi gây hại cho bệnh nhân bị phân tâm chẳng được vãng sanh vậy.
---o0o---
c. Thứ ba là kiêng dè xáo động, khóc lóc để khỏi làm hỏng đại sự
Lúc người sắp chết chính là lúc phân biệt giữa thánh, phàm, người, quỷ, [tình trạng khác nào] ngàn cân [treo] đầu sợi tóc; hết sức quan trọng, chỉ nên dùng Phật hiệu để chỉ dạy thần thức người ấy, trọn chẳng nên tắm rửa, thay áo, hoặc dời chỗ nằm. [Người ấy] nằm như thế nào, cứ để yên người đó trong tư thế ấy, chẳng nên dời động chút nào. Cũng chẳng nên đối trước [người ấy] mà lộ vẻ buồng bã, thương xót, hoặc đến nỗi khóc lóc. Vì khi đó [người chết] thân chẳng tự chủ được; hễ lay động là toàn thân lẫn chân tay đều bị đau đớn như bị cắt, chặt, giằng xé. Hễ đau đớn thì sanh tâm sân hận nên tâm niệm Phật bị ngưng dứt. Mang tâm sân hận ra đi, phần nhiều bị đọa vào độc loại (những loài vật hung dữ, độc địa như rắn, bò cạp, rết…), đáng sợ hãi thay. Nếu [người chết] thấy [thân quyến] đau đớn, khóc lóc thì tâm mến luyến phát sanh nên tâm niệm Phật cũng bị ngừng nghỉ. Vì mang tâm ái luyến mà ra đi nên đến nỗi đời đời, kiếp kiếp chẳng được giải thoát.
Lúc ấy, có lợi nhất thì không gì bằng nhất tâm niệm Phật; điều gây hại nhất không chi bằng vọng động, khóc than. Nếu như vọng động, khóc than đến nỗi [người chết] sanh lòng sân hận hay mến luyến thì có muốn sanh Tây phương, cả vạn trường hợp cũng chẳng được một.
Thêm nữa, người sắp chết hơi nóng rút từ dưới lên trên là tướng siêu thăng, còn [hơi nóng] từ trên rút xuống dưới là tướng đọa lạc. Vì vậy, có thuyết:
Ðảnh thánh, nhãn thiên sanh
Nhân tâm, ngạ quỷ phúc
Súc sanh tất cái ly,
Ðịa ngục cước phản xuất
Nhưng nếu cả nhà chí thành trợ niệm thì [người chết] ắt tự có thể sanh thẳng về Tây phương; chẳng nên thăm dò nhiều lượt khiến cho khi thần thức [người chết] chưa rời [khỏi xác], nhân đấy bị đau đớn, tâm sanh phiền đau nên chẳng được vãng sanh. Lỗi lầm ấy thật là vô lượng vô biên. Xin các thân hữu ai nấy đều khẩn thiết niệm Phật, chẳng cần thăm dò hơi nóng cuối cùng bị lạnh đi ở chỗ nào. Làm con nên lưu tâm điều này mới là hiếu thật sự. Nếu cứ thuận theo các tình cảm thế gian thì chính là xô người thân xuống biển khổ chẳng thương xót, mong một lũ vô tri vô thức xúm lại khen ta đã tận hiếu! Hiếu như vậy thì có khác chi là tình yêu của La Sát Nữ! Kinh dạy: “La Sát Nữ ăn thịt người, bảo: ‘Vì ta yêu ngươi nên ăn thịt ngươi’. Kẻ vô tri hành hiếu khiến cho người thân mất vui bị khổ, há chẳng phải là giống hệt cái tình yêu người của La Sát Nữ hay sao? Tôi nói ra lời này, chẳng phải là không đếm xỉa đến tình người, chỉ là muốn cho ai nấy đều xét rõ sự thực, ắt mong cho người chết vãng sanh, kẻ sống được phước, để thỏa tấm lòng thành sắt son của con hiền, cháu thảo thương yêu người thân, chẳng ngờ lời lẽ dường như quá khích. Người thương yêu cha mẹ thật sự ắt sẽ lượng thứ cho.
Thuyết: Ðảnh thánh, nhãn sanh thiên... là nói về khi người đã tắt hơi, toàn thân đã lạnh, chỉ còn đảnh đầu ấm thì ắt là siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nhãn sanh thiên là nếu mắt và trán còn nóng thì sanh trong thiên đạo. Chỗ ngực còn ấm thì sanh nhân đạo. Riêng bụng còn nóng thì sanh trong ngạ quỷ đạo. Riêng đầu gối còn nóng thì sanh trong súc sanh đạo. Riêng bàn chân còn nóng thì sanh địa ngục đạo. Ðấy là do hai nghiệp thiện, ác đã tạo của người ấy lúc còn sống đến giờ đây cảm hiện như thế, chứ chẳng thể dựa vào thế lực nào để làm giả ra như vậy được. Khi đó, nếu bệnh nhân có thể chí thành niệm Phật, lại thêm sức của quyến thuộc và bạn lành trợ niệm chắc chắn có thể đới nghiệp vãng sanh, siêu phàm nhập thánh vậy. Chẳng cần phải để ý thử sờ xét nghiệm, đến nỗi làm hỏng việc. Mong mỏi lắm thay!