Tinh Hỏa

Chương 136: Hồng Bàng Thổ

Đàm Phi rời khỏi phong đình, gã cần đi thăm dược điền của mình một chuyến. Những loại linh thảo mà gã đang gieo trồng đều có tên trong một số đan phương phổ thông. Gã hiểu rằng, với tư chất và trình độ của gã, lần đầu khai lô luyện đan chín phần là thất bại. Gã không muốn phung phí những gốc linh thảo vạn năm của Linh Đan, vì vậy mà đám thảo mộc ít năm tuổi dưới dược điền kia sẽ là nhân tuyển thích hợp nhất.

Luyện Đan…

Luyện đan thuật bắt nguồn từ thời thái cổ hồng hoang do một nhóm người được gọi là Phương Sĩ (1) truyền bá, mọi tư liệu Đàm Phi đã từng đọc và nghiên cứu chỉ nói đến một cách chung chung không cụ thể.

Phương Sĩ là những nhân vật như thế nào? Từ đâu mà đến thì chẳng có sách vở nào biện giải được. Chỉ biết họ đều tinh thông mọi phương diện tu luyện, nói theo cách ở quê hương gã là ‘trên thông thiên văn, dưới tường địa lý’ không gì là không biết, không gì là không thể.

Đan đạo, luyện khí, trận pháp, phù lục, chiêm bốc, kể cả cơ giới hóa đều được phát triển lên từ những vị Phương Sĩ nọ.

Luyện đan được những vị Phương Sĩ chia ra làm hai nhánh, luyện nội đan và ngoại đan;

Luyện nội đan chính là dùng huyệt Khí Hải tích trữ năng lượng và linh khí trong thiên địa, thông qua thần niệm mạnh mẽ mà xúc áp những nguồn năng lượng đó trở nên cô đặc. Rồi từ chính nguồn năng lượng cô đặc đó bồi dưỡng cải tạo cơ thể, hoặc giúp cho người tu hành điều động những hiện tượng trong thiên nhiên như phóng hỏa, giật sét, hô phong hoán vũ… vân vân.

Khí Hải huyệt được cho là trung tâm phân phối năng lượng của cơ thể. Vì thế mà vùng này còn được gọi là Đan Điền, hay là ruộng đan. Người tu luyện thông qua các phép điều tức hô hấp, tu dưỡng đạo đức dần dần sẽ đả thông được tiểu đại chu thiên, khai mở tất cả khiếu huyệt, đưa các vật chất cao năng lượng từ không gian khác vào thân thể, thay thế các tế bào cơ bản, làm cho bệnh tật tiêu tan, đảo ngược quá trình lão hóa, mở đầu cho công cuộc trường thọ, trường sinh.

Tất cả tu sĩ hay còn gọi là tu tiên giả tại Vân Lam Giới đều là đang luyện nội đan, dù là tu luyện bằng bất kỳ loại công pháp nào, dưới bất kỳ hình thức nào. Đây cũng được coi là phương pháp luyện đan chân chính, khác với ‘luyện ngoại đan’ vốn được coi là nông cạn.

Thế nhưng, đó chỉ là lý thuyết. Tại sao luyện ngoại đan bị coi là nông cạn? Mà chức nghiệp Đan Sư từ thái cổ đến giờ vẫn được coi là chức nghiệp cao quý, bất kể một tên Đan Sư nào có chút thành tựu đều được các tông môn trú trọng bồi dưỡng, được các tổ chức săn đón mời mọc? Ấy là lấy việc luyện ngoại đan để bổ trợ, thúc đẩy cho việc tu luyện nội đan nhanh chóng đạt được thành quả.

Sinh vật cấp sáu Đại Thiên Sư đang được coi là đỉnh cao tại Vân Lam, họ đã gần như thoát khỏi pháp tắc của giới này, không chịu sự ước thúc của khung thời không (2), có thể coi đã bước một chân vào sự bất tử. Chính vì lẽ đó mà tu sĩ Vân Lam Giới vẫn thường gọi Đại Thiên Sư là ‘Chuẩn Tiên’, các tế bào cơ bản từ khi họ sinh ra đã được biến đổi thay thế gần như triệt để, đương nhiên những sinh vật này phải cần đến sự hỗ trợ rất nhiều từ việc phục dụng ngoại đan.

Đối với những vị Phương Sĩ từ thời thái cổ hồng hoang, ngoại đan vẫn bị cho là nông cạn vẽ vời, nhưng những thế hệ tu sĩ về sau này lại coi luyện ngoại đan nói chung và những Đan Sư nói riêng là cứu cánh trên con đường tu chân luyện đạo.

Những kiến thức lượm lặt từ trước, và lượng thông tin về đan đạo gã mới được truyền thụ đều không có bất cứ kiến giải cặn kẽ nào về khởi nguyên của đan đạo. Tất cả chỉ là những kiến thức chuyên môn để tạo ra được những loại đan dược phục vụ tu luyện. Nhưng như thế cũng đã quá đủ đối với Đàm Phi, gã không cầu gì hơn nữa, chỉ cần trở thành một tên Đan Sư là tốt lắm rồi, những kiến thức sâu hơn nữa sau này sẽ tìm hiểu cặn kẽ hơn.

Giờ đây, gã có thể nhận biết được hầu hết các loại linh thảo, tiên thảo đã từng xuất hiện tại Vân Lam Giới. Lại là trong đầu ghi nhớ khá nhiều đan phương, dược phương cổ, thậm chí đã thất truyền từ lâu.

Ốc đảo hiện chỉ có một màu xanh mướt của những mầm linh thảo do Linh Đan mới gieo trồng. Riêng thửa linh điền của Đàm vẫn vẹn nguyên không hề suy suyển, thế nhưng gã đang đứng chết lặng giữa dược viên của chính mình. Những gốc linh thảo trước kia trồng xuống đây đều là trên dưới hai trăm tuổi, vậy mà nay đều đã phát triển thành linh thảo ngót nghét ngàn năm.

Có hai khả năng, một là khung thời gian trong Luân Hồi Viên trôi quá nhanh so với Vân Lam Giới, hai là thổ nhưỡng có tính chất đặc biệt, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của linh thảo. Ở trong cái không gian kỳ dị chẳng có khái niệm về thời gian như thế này, thật khó có thể xác định được giả thuyết nào là đúng.

Đàm Phi cúi xuống bới đất lên xem xét tỉ mỉ, quả đúng là thổ nhưỡng ở đây có màu đỏ nâu tươi xốp, mùi vị gay nồng lạ lẫm. Còn đang ngơ ngác phân tích tình huống, giọng Linh Đan trong trẻo từ xa vọng lại:

- Tất cả đều là Hồng Bàng Thổ, được chủ nhân đem đến từ vị diện khác. Tiên thổ này tổng hợp được cả linh khí và ma khí để cung cấp dưỡng chất tốt nhất, có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình sinh trưởng của thảo mộc.

Đàm thả nắm đất xuống, giờ gã đã hiểu ra vấn đề. Thì ra ốc đảo này chính là một khối Hồng Bàng Thổ, và đầm lầy hắc ám ngoài kia chính là nguồn cung cấp ma khí bồi dưỡng cho đất đai trong này.

Luân Hồi Viên này chẳng biết có từ bao giờ, nhưng Linh Đan kia hẳn là ít tuổi hơn con số tám vạn mà gã đã nhẩm tính trước đó. Chỉ là gã không thể quy chiếu số thời gian rút ngắn so với thời gian thực tế tại Vân Lam Giới là bao nhiêu thôi, cho đến khi rời khỏi phiến không gian này, trở về Vân Lam Giới, may ra mới có thể tính toán được.



Đàm Phi bắt đầu lục lọi đống đồ cũ trong không gian Tản Viên Giới, một số tài liệu hướng dẫn luyện đan của những tu sĩ bị gã đánh chết giờ đã là vô nghĩa, kể cả sách của Tư Mã Tuyên. Sau khi được truyền thừa ký ức của Linh Đan, mọi kiến thức cơ bản cũng như nâng cao về đan đạo đã được chỉnh lý hoàn hảo, nó có giá trị cao gấp trăm lần những tài liệu hỗn tạp kia. Về lý thuyết, gã đã nắm rất chắc rồi, bây giờ chỉ là việc thực hành sao cho nhuần nhuyễn mà thôi.

Đan đỉnh màu đỏ tía của Tư Mã Tuyên, sau bao năm cất giữ, lúc này có thể đem ra sử dụng được rồi. Với mớ kiến thức gã mới có được, Tử Hồng Đỉnh tuy có phẩm cấp không cao, nhưng đối với một tên Đại Linh Sư như Tư Mã và với chính bản thân gã, đan đỉnh này là thứ đồ vật rất trân quý.

Đàm nhắm mắt dưỡng thần tại trên khoảng sân mà Chử Đạo Thiên vẫn thường truyền đạo cho đám đệ tử, gã ôn lại toàn bộ quy trình luyện đan từ đầu chí cuối, miệng lẩm nhẩm tự nói với chính mình:

- Chọn Tịch Thủy Đan trước đi…

Tụ Linh Trận đã được khai mở, Tử Hồng Đỉnh từ trong tay áo Đàm bay ra, xoay chầm chậm tại chính giữa tiểu trận pháp. Ngọc Hân Linh Hỏa cũng từ miệng gã chạy ra, biến thành đoàn hỏa diễm lung linh đỏ thắm quấn lấy đan đỉnh.

Năm loại linh thảo làm thành phần chính của Tịch Thủy Đan đã xuất hiện trong tiểu trận, kèm theo đó là vài mảnh lân giáp của Thuồng Luồng và một đoạn xương Kình Ngư. Tịch Thủy Đan thuộc thủy, ngoài nhóm nguyên liệu chính thì những nguyên liệu phụ trợ từ hải thú hoặc yêu thú hệ thủy rất phù hợp cho việc luyện đan. Thuồng Luồng là một nhánh tách ra từ Giao Long, vậy nên nếu đan luyện thành, khẳng định dược lực sẽ cực kỳ mạnh mẽ.

Tài liệu đã đầy đủ, các bước tiếp theo là sơ chế lần lượt từng món, loại bỏ tạp chất hoặc bộ phận không cần thiết cho đan thành phẩm. Đây là công đoạn quan trọng, một phần nào đó cấu thành nên phẩm cấp của đan dược.

Đàm điều động thần niệm bứt lấy những cánh hoa Bạch Đồng Nữ, chỉ có cánh hoa màu trắng muốt mới có tác dụng trong đan phương Tịch Thủy, phần còn lại không tác dụng thì cất vào mộc hạp, sau này dùng vào việc luyện Ngũ Bội Đan.

Lệ Trường Thảo lại phải luyện hóa bằng linh hỏa, bỏ đi toàn bộ chất xơ, chỉ rút ra tinh chất là một loại dung dịch màu tím nhạt có mùi thơm mát thoang thoảng…

Tiếp tục là đoạn xương sống Kình Ngư, vẫn gia nhiệt ở mức độ vừa phải, biến đốt xương cứng rắn vô bỉ trở nên giòn tan, sau đó tán thành bột…

Cứ như vậy, Đàm Phi chăm chú sơ chế toàn bộ nguyên liệu sang dạng bán thành phẩm, tất cả đều huyền phù trôi nổi trong Tụ Linh tiểu trận.

Tỷ lệ của nguyên liệu cơ bản cũng rất quan trọng, nó quyết định đến dược lực mạnh yếu và thời gian luyện đan nhanh chậm. Phải nói là toàn bộ kỹ thuật luyện đan từ đầu chí cuối, đòi hỏi Đan Sư phải nắm bắt được một lượng lý thuyết về dược thảo vô cùng lớn, người luyện đan cần có đức tính kiên trì bền bỉ, kèm theo sự tinh tế trong tâm hồn.

Đàm Phi xác định mọi thứ đã đảm bảo đúng tỷ lệ trong đan phương, gã bắt đầu bỏ nhóm nguyên liệu lần lượt theo thứ tự vào đan đỉnh, điều chỉnh nhiệt lượng sao cho phù hợp ở từng thời điểm. Đây mới là bước quan trọng nhất trong khi luyện đan, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng dẫn đến thất bại, lãng phí tài nguyên một cách cực kỳ đáng tiếc.

So sánh những kiến thức của Linh Đan và thuật luyện đan hiện tại, Đàm có thể thấy được sự khác biệt khá lớn. Luyện đan cận đại đã lược bỏ đi nhiều tiểu thuật sơ chế, chỉ chú trọng vào kỹ thuật phối chế và dung hợp nguyên liệu.

Sự khác biệt còn được thể hiện rõ nét ở những tài nguyên phụ trợ. Những đan phương cận đại, tất cả đều chỉ có linh thảo, trong khi đan phương cổ lại có thêm một số tài nguyên được lấy ra từ cơ thể yêu thú, thậm chí có đan phương còn đưa cả pháp trận phức tạp vào.

Có lẽ kiến thức của Linh Đan được đem đến từ vị diện khác, không hoàn toàn là của Vân Lam Giới. Mớ kiến thức kia hẳn nhiên xuất phát từ Chử Đạo Thiên, mà theo như lời của Thúy Nương, Chử Đạo Thiên đã đi qua rất nhiều vị diện, kiến thức đương nhiên là bao la vạn trượng, một cái Vân Lam Giới nhỏ bé đâu đáng nhắc tới.

Hoài nghi vẫn chỉ là hoài nghi, gã cũng không muốn nghĩ ngợi về việc này quá nhiều. Trước mắt là tập trung rèn luyện kỹ năng luyện đan, tìm hiểu khám phá về đan đạo, đây đúng là cơ hội, cơ duyên không dễ gì có được.

- Hết Chương 136 -

(1) Phương Sĩ: Những người có thuật lạ, có thể hô mưa gọi gió, đồ thần sát quỷ. Lại tinh thông thuật luyện đan cầu trường sinh… vân vân.

(2) Theo thuyết tương đối của Einstein, mọi vật chất nếu không thuộc về một chiều không thời gian thì nó sẽ không chịu sự ước chế của trường không-thời gian đó. Đây chính là lý do những người luyện khí công thường trẻ lâu hơn hay thân thể của rất nhiều vị cao tăng đã không bị mục nát sau khi viên tịch hàng trăm năm. Vật chất trong thân thể họ về cơ bản đã không còn thuộc về thời không này, không chịu ước chế bởi các quy luật ở đây.