Ái Nhân Như Kỷ

Chương 6

Ở Khán Sơn Đài có thể tự tin qua cửa nhưng đến Thiên Ngọc Cung bắt buộc phải tự trèo vào.

Vừa hết Lập xuân, Thái Tông Hoàng đế phê chuẩn tấu xin của An Sinh Vương, cho Hưng Vũ Vương Thiên Vũ về chăm sóc cha đang bệnh nặng.

Kiếp này Thiên Vũ lại để lại lời nhắn cho nàng, hắn nhờ nàng chăm sóc cành đào nọ, giải quyết xong gia sự sẽ quay lại đón nàng.

A Mai vừa thuật lại, Ngọc Thanh lại càng bực mình, đón đi đâu? Cũng không hỏi nàng có đồng ý không? Cơn tức đêm qua vẫn chưa hả dạ đâu.

Kiếp trước nàng dùng mọi cách để giữ hắn quay trở lại Kinh thành, cuối cùng lại khiến An Sinh Vương và con trai đối với Hoàng tộc, đối với Triều đình hiểu lầm càng sâu sắc.

Nàng dùng địa vị của mình nhiệt liệt ủng hộ Thái Sư ngăn không cho Thiên Vũ về Yên Sinh, lại dùng cái chết ép Phụ hoàng ban hôn cho mình.

Hưng Vũ Vương được tôn xưng làm Đại Vương, lễ tiết ngang bằng với các Hoàng tử, nàng lại tưởng như vậy là càng thêm cao quý.

Đích thân Thống quốc Thái Sư, bá bá của nàng, hộ tống Hưng Vũ Vương về chính thức cai quản đất Yên Sinh, giáng An Sinh Vương xuống làm thứ dân, rồi lại ban cho bình rượu độc.

Trong mắt thiên hạ nàng trở thành độc phụ hại cha chồng, cưới về cửa một người chồng đã chết tâm hoàn toàn với mình.

Thụy bà bà từ mặt nàng, nàng quỳ trước cửa hết một ngày một đêm, bà mới chịu mở cửa nói với nàng lời cuối cùng:

" Lẽ ra ngươi nên để nó tự quyết định gia sự, lẽ ra nên tin tưởng hắn hơn..."

Kiếp này hắn lại nói hắn sẽ quay lại đón nàng, liệu có phải vốn dĩ tâm hắn cũng hướng về phía nàng hay không, lần này nàng nguyện tin tưởng hắn.

Dù trong lòng hắn không có nàng, nhưng có hàng ngàn vạn bách tính Đại Việt, tâm hắn một lòng trung thành với Triều đình, có thể cùng kề vai sát cánh với hắn, vậy là đủ rồi.

Vừa hết Xuân phân, Hoàng đế âm thầm ra chỉ dụ tiết kiệm tối đa tiêu dùng trong cung, tăng sưu thuế cho các quan lại và quý tộc, toàn bộ sung quân.

Quần áo của Ngọc Thanh không còn được thay mới thường xuyên, so với những tiểu thư đài các của Kinh thành cũng không quá khác biệt.

Nàng ngoài học văn thư còn được dạy thêm những chiêu thức cơ bản để phòng vệ.

Sống hai cuộc đời khiến cho nàng thế nào mà lại học hành mấy môn võ này nhanh nhẹn hơn hẳn những tiểu thư và tiểu công chúa khác. Cuối cùng cũng cảm thấy bản thân không vô dụng đến vậy.

Dứt khoát cởi bỏ hết mũ miện, trang sức, nàng muốn đi thăm dò tình hình thực tế.

Nàng ra ngoài nhiều hơn, càng muốn học hỏi nhiều hơn. Dù Đại Việt kiếp trước có tăng cường quân lực cho Kinh thành đến thế nào, giặc Ngô thế mạnh chỉ cần hướng Kinh thành đánh thẳng một đường, Triều đình hoàn toàn không phải đối thủ trực diện.

Hiện tại chưa bàn được kế sách, chỉ đành âm thầm củng cố tiềm lực.

Ngọc Thanh có thể tự cưỡi ngựa cũng nhờ Thiên Vũ trước đây đã tỉ mỉ kiên nhẫn dạy. Hắn nói dù không đánh trả được, cũng không nghĩ nổi kế thoát thân thì phải biết chạy.

Kinh thành lập càng ngày càng nhiều những đồn binh, trại huấn luyện, tiếng luyện võ hô rền vang cả một góc trời.

Nhưng cuộc sống của người dân vẫn diễn ra êm đềm, xung quanh họ vẫn là những câu chuyện về mùa lũ sông Hồng năm nay, là chuyện nên phải thâm canh cây trồng thế nào mới tốt... Có vẻ như hoàn toàn đối lập với bên kia.

Ngọc Thanh cười khổ, từ cổ chí kim tổ tiên họ đã sống ở đây, giờ cho dù có cảm nhận được nguy hiểm cận kề cũng có thể đi tới đâu.

Nàng từng hỏi một lão nông trên đường chuyện giặc cướp nước cận kề biên giới, ông ta khảng khái trả lời nàng:

" Tiểu thư à, trên cao có Hoàng đế, bên cạnh có tổ tiên. Giặc đến thì ta đánh, ta chết thì con ta đánh, con ta chết thì cháu ta đánh. Bệ hạ nói đánh ở đây thì ta quyết chết ở đây, ngài nói đánh ở Tản Viên Sơn thì ta quyết chết ở Tản Viên Sơn. "

Hào khí của ông lão ấy tới giờ vẫn khiến nàng kinh ngạc, lại khiến nàng càng quyết tâm kề cận cùng Đại Việt cho tới hơi thở cuối cùng.

Thời tiết xuân phân có mưa phùn râm rỉ, ẩm ướt kéo dài thấm vào áo nàng. Chất vải thô ráp cọ vào da khiến Ngọc Thanh khó chịu, muốn quay về cung tìm một chiếc áo choàng và nón lá chắn gió mưa.

Chưa đến cửa hoàng cung, từ xa đã nghe tiếng kèn trống nhộn nhịp, võng bằng vải nhung, lọng đỏ, cờ quạt long trọng.

Đoàn người dài đến cả trăm thước, kẻ ngồi trên kiệu áo mũ chỉnh tề sơn son thϊếp vàng, áo quan đỏ rực chói mắt.

Đến cả những kẻ khiêng kiệu cho hắn cũng mặc áo đỏ hồng bằng lụa quý.

Ngọc Thanh nhìn lại bản thân.

Vị quan lại, quý tộc nào lại khoa trương, khoe mẽ đến vậy!

Nhất định phải bẩm báo Phụ hoàng xử hắn!

Hắn vào cung bằng cửa chính, nàng vào cung bằng cửa phụ.

Chỉ có thể nhìn hắn từ xa, kiệu hắn dừng trước cung Quan Triều, Hoàng đế và Thống quốc Thái Sư đích thân ra sân Chầu để tiếp đón.

Hắn bước xuống khỏi tấm rèm che mỏng, y phục lộng lẫy, lúc này mới lộ mặt.

Vậy mà lại là một thanh niên còn trắng trẻo hơn cả nàng!

" Khuôn mặt giống như vừa mới dậy thì vậy..."

Cờ quạt long trọng, Hoàng đế tiếp đón, đây là nhân vật có quyền lực thế nào chứ? Chỉ sợ còn hơn cả An Sinh Vương năm xưa khi vẫn còn là khai quốc công thần.

Ngọc Thanh vội vàng về cung, thay bộ y phục đẹp mắt, đến gần Quan Triều cung xem náo nhiệt.

Quả đúng như nàng dự đoán, tuy Hoàng cung đã cắt giảm một phần ba số cung nhân, bên cạnh sân vườn Quan Triều cung vẫn có một tốp cung nữ áo lụa xếp hàng chờ gọi tên.

Nếu đây là nhân vật lớn lại trẻ tuổi như vậy, ắt hẳn sẽ được Hoàng cung cử người hầu hạ riêng.

Ngọc Thanh tiến tới phía cung nữ đứng đầu hàng, nàng ta được trang điểm tỉ mỉ, đeo trâm ngọc, đang cúi người về phía Quan Triều cung.

Nàng ta thấy Công chúa, vội vàng quỳ xuống đất hành lễ, những người đứng sau cũng quỳ theo, tất cả đều mang âm giọng Thiên Trường.

- Các ngươi đều tới từ phủ Thiên Trường?

- Thưa vâng, chúng nô tỳ đều được Quan Nội Vụ chọn hầu hạ cho Đệ Nhất Trạng Nguyên. Để ngài được thoải mái như ở quê nhà, toàn bộ đều có gốc từ phủ Thiên Trường. - Cung nữ đứng đầu kia vẫn quỳ rạp dưới đất.

- Đứng lên đi! Trẻ như vậy đã là Trạng Nguyên sao. Hắn ta bao nhiêu tuổi, xưng hô thế nào?

- Bẩm...bẩm Công chúa, ngài năm nay mười sáu, vẫn kém Công chúa hai tuổi. Còn về danh xưng, chúng nô tỳ không dám gọi tùy tiện ạ.

- Mười sáu đã làm Trạng Nguyên, quả là nhân tài hiếm thấy.

- Bẩm Công chúa, ngài mười ba tuổi đã đứng đầu Tam khôi, tới giờ đã làm Trạng Nguyên ba năm.

Mười ba tuổi Ngọc Thanh chưa đọc thuộc nổi bài thơ nào, mười lăm tuổi không đọc hiểu được bài phú.

Ngọc Huyên mười ba tuổi mới đọc phú, mười lăm tuổi chưa biết đối thơ. Hắn nói làm một bài phú hay phải đợi hắn học hành vài năm nữa.

Vậy mà có kẻ mười ba tuổi đỗ Trạng Nguyên!

Ngọc Thanh cảm thấy hít thở không thông, sự kiêu ngạo muốn tố giác hắn khoe mẽ với Phụ hoàng chưa đầy một nén hương trước của nàng hoàn toàn biến mất.

Vậy mà trên đời cũng tồn tại kẻ chưa gặp mà đã tát liên tiếp vào sự ngu ngốc của nàng.

Nàng uể oải quay về Thiên Ngọc Cung. Náo nhiệt này nàng không muốn dính dáng chút nào nữa.

Với cái đầu này của nàng, sao ông trời lại cho nàng làm Công chúa chứ, chắc chắn đức hạnh của nàng trong luân hồi phải đầy như nước Đông Hải.

Bước chân không cam tâm của Ngọc Thanh Công chúa lại dừng ở Đông cung, ở đó còn có kẻ không cam tâm hơn cả nàng.

Ngọc Huyên đang ngồi trước án thư trong thư phòng, tay cầm một quyển sách khổ lớn. Thái tử rất nhạy bén, bình thường nàng bước vào hắn đều nghe thấy tiếng bước chân nàng từ sân phía xa, hôm nay nàng bước vào tới cửa phòng Ngọc Huyền mới ngước lên, quả thực đang rất chuyên tâm.

Hắn đang đọc lại tất cả những bài phú trong các khoa thi từ khi khai quốc đến giờ, tất cả đều được ghi chép lại cẩn thận và cất giữ trong Hàn Lâm Viện, quan trọng nhất là bài phú của tên Trạng Nguyên nhỏ con kia.

- Thái tử gia, đang đọc bài của tên Trạng Nguyên đó đúng không? - Nàng nhanh chân bước vào trong.

Ngọc Huyên làm bộ mặt xám xịt, môi hắn mím lại thành một đường, hai má dường như tròn lên, có nét khôi ngô của một đứa trẻ mới lớn. Bình thường hắn toàn làm bộ mặt lạnh lùng bình tĩnh, hoàn toàn không giống trẻ con chút nào.

Nàng cảm thấy hơi đáng yêu, lại cầm bài văn kia lên xem thử.

- Vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ nước? - Ngọc Thanh thấy đầu nàng quay mòng mòng, vậy mà Phụ Hoàng của nàng lại ra đề phú kiểu như này.

Đoạn đằng sau viết gì nàng cũng đều không hiểu, càng đọc hít thở càng khó khăn, nàng triệt để nghi ngờ khả năng đọc chữ của mình. Hóa ra mười tám tuổi nàng vẫn chưa biết đọc hiểu.

Ngoài ra còn có câu đề cuối của các học sĩ trong Hàn Lâm Viện.

" Bài phú của Khai quốc Trạng Nguyên"

- Đây là lần đầu đặt Tam khôi, hắn cũng là Trạng Nguyên đầu tiên, trùng hợp có danh xưng cao quý này.

Ngọc Huyên từ tốn giải thích cho bà chị ngốc nghếch của mình hiểu, trong lòng lại càng cảm thán nhân vật này.

- Nếu đã làm Trạng Nguyên ba năm, thì giờ phải làm quan từ lâu, Thái Tử cũng phải quen thuộc với hắn rồi chứ?

- Mười ba tuổi đã làm quan ư? Phụ hoàng của chúng ta cũng đâu có thiếu người tới mức đó. - Ngọc Huyên phì cười.

- Vậy là hiện giờ gọi hắn đến để làm quan ư?

- Suy nghĩ của Phụ hoàng và Thái Sư ta cũng không hiểu rõ, nhưng sứ thần của nhà Nam Tống vừa tới nước ta, đem tới một câu đố.

- Một câu đố?

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

" Lưỡng nhật bình đầu nhật,

Tứ sơn điên đảo sơn,

Lưỡng vương tranh nhất quốc,

Tứ khẩu tung hoành gian. "