Báo Ứng Hiện Đời

Chương 166: Giọt Nước Mắt Anh Tài Công

Việc này xảy ra vào khoảng hơn 20 năm trước, lúc đó nhằm thời “Văn hóa đại cách mạng” tình thế đất nước đang dầu sôi lửa bỏng.

Năm ấy tôi vừa nhận công tác lái xe cho công ty vận tải của huyện. Đương thời toàn huyện có hai đảng đối nghịch: đảng “Bó Đuốc” và đảng “Sóng Thần”. Nhân viên trong công ty đa phần thuộc bên “Sóng Thần”. Phần tôi đối với chính trị không ưa xen dự vào.

Khi đó mới sang thu, do thành phố đang muốn thực thi ba công trình lớn nên đơn vị chúng tôi phải gấp rút làm việc. Công ty ra lệnh cho hơn mười tài xế trẻ hợp thành một tổ, đi đến huyện lân cận cách đó hơn hai trăm cây số để chở vậy liệu xây dựng. Chỉ có mình xe tôi lãnh nhiệm vụ chở gỗ. Do vậy mà hằng ngày khi đội xe xuất phát, tôi và các bạn tài công chỉ song hành bên nhau khoảng nửa lộ trình, sau đó thì rẽ theo đường riêng. Ai nấy tự lo việc chuyên chở của mình.

Tôi lái xe thẳng tiến theo lộ trình đến xưởng gỗ và khi về thành là kẻ chạy đơn độc trên lộ trình. Từ huyện đến xưởng gỗ có hai con đường: Một con đường tráng nhựa, chạy êm, ngon nhưng dài và xa; một con đường đất gồ ghề quanh co nhưng mau đến đích. Nếu đi đường tắt tôi có thể tiết kiệm xăng vì rút ngắn được một tiếng. Thường thì lúc đi tôi luôn chọn đường tắt, nhưng lúc về thì chọn đường nhựa, bởi vì lúc này xe chở nặng, chạy trên đường gập ghềnh sẽ không an toàn. Thêm một điểm đáng ngại nữa là: Đi đường quê phải ngang qua một nghĩa trang rộng lớn, chứa hơn ngàn ngôi mộ. Buổi sáng xuất phát, chạy trên đường này thì tôi không sợ, nhưng khi về, trời đã tối mà phải đi qua nghĩa địa một mình thì tôi không có can đảm.

Nhưng có hai lần tôi chạy về trên con đường quê này trong đêm và hoàn toàn không thể ngờ được rằng hai lần đó đã bất ngờ cứu mạng tôi!

Lần thứ nhất: Sau khi chất hàng xong thì trời đã nhá nhem tối, tất nhiên tôi phải lái theo con đường tráng nhựa. Nhưng vừa mới nổ máy thì bỗng thấy có con thỏ trắng to xuất hiện ở phía trước xe, làm tôi sinh hiếu kỳ, quyết định đuổi theo nó. Khi đó giới tài công đều biết: Loài thỏ ưa chạy đường tắt, đặc biệt là khi có ánh sáng chiếu soi thì nó giống như bị ánh đèn xe thôi miên mê hoặc, cứ cắm đầu chạy mãi, chạy hoài đến khi kiệt lực mà chết. Vì vậy mới có câu đồn: “Loài thỏ ngu!”.

Tôi vô tình bị con thỏ này “hút hồn” nên đã đuổi theo nó một quảng rất xa, lúc này trời đã tối, con thỏ đã mệt lả, nó chạy tới một bia mộ thì dừng lại và gục xuống tại đó. Khi ấy tôi mới bừng tỉnh và nhận ra mình đã lái vào con đường quê và hiện thời đang ở trong nghĩa trang. Tôi không ngăn được toàn thân toát mồ hôi lạnh, nhưng vẫn làm gan xuống xe. Bởi vì bóng dáng trăng trắng của con thỏ đang ở rất gần, đủ để lôi cuốn tôi đến gần nó. Khi tôi bồng con thỏ lên thì phát hiện nó đã chết. Tôi cũng kịp nhìn thấy trên bia mộ có khắc hàng chữ: “Kiều Tú Văn!” Khi cái tên này vừa đập vào mắt tôi, lập tức tôi nghĩ ngay: “Nằm trong mộ này ắt là một vị phu nhân nào đó!”. Trong lòng tôi thầm nói: “Xin thành kính phân ưu!”. Rồi tôi vội leo lên xe, quýnh quáng lái đi, chạy một mạch như điên như khùng, chỉ mong mau về tới nơi.

Té ra, chính trong đêm tôi lái vào con đường tắt đó thì ngoài con đường nhựa tôi hay về thường ngày đã xảy ra sự cố cầu sập bất ngờ, do vậy mà có hơn hai mươi chiếc xe vì không phát hiện kịp thời mà bị rơi xuống vực lãnh thảm nạn: Xe nát, người chết! Và thời điểm phát sinh ra tai họa này, chính là lúc tôi thường về và hay đi qua cầu.

Tối hôm đó, sau khi tôi về đến nhà, hai đấng sinh thành vừa gặp mặt tôi đã bật khóc to. Khi tôi hay được tin cầu sập, nhiều xe lẫn người đều gặp nạn thì lòng rất kinh hoàng. Tôi không ngờ mình may mắn thoát hiểm chỉ vì đuổi theo con thỏ. Do vậy tôi không nỡ ăn thịt con thỏ đó, cha tôi đem nó đi chôn, biểu lộ chút niềm cảm tạ ân đức cứu tử.

Lần thứ hai là: Sau đó khoảng hơn nửa tháng, xe tôi đến trại gỗ thì gặp có đám tiệc. Trưởng xưởng vồn vã mời tôi nán lại dự tiệc. Lúc tôi cáo từ, ông còn lấy một vò rượu ngon tặng tôi và bảo: “Hãy đem về cho thân phụ chú uống nha!”.

Lúc tôi ngồi vào buồng lái, mới hay là do mình ăn tiệc nên đã bị trễ hai tiếng rồi. Hơn nữa chất men đang dần phát tác dù uống rất ít nhưng tôi giống như người say nặng, không hiểu tại sao hay do ma xui quỷ khiến gì mà tôi lại nhè vào con đường quê mà đi. Thực tế thì khi về, tôi không bao giờ có ý muốn chạy trên con đường gồ ghề này, nhất là vào ban đêm. Hình như lúc đó trong đầu tôi chỉ còn ý nghĩ: Phải mau về tới nơi.

Nhưng chạy được một quãng thì xe đột nhiên tắt máy. Tôi mày mò, chỉnh sửa đủ cách mà xe không nhúc nhích. Tôi mệt đến hoa mắt, bởi lúc đó tôi vào nghề chưa được bao lâu nên không có nhiều kinh nghiệm sửa chữa máy móc. Mà nơi xe dừng, lại chính là khu nghĩa trang rộng lớn, hơn nữa còn dừng đúng ngay chỗ mà lần trước tôi đã nhặt xác con thỏ. Ba chữ “Kiều Tú Văn” khắc trên mộ bia nhìn rõ mồn một!

Tôi nhìn chung quanh, ánh trăng mờ nhạt chiếu xuống nghĩa trang trông càng đáng sợ. Tim tôi đập nhanh vì cảm giác như có vô số đôi mắt đang nhìn trộm mình. Thế là tôi vội leo lên xe, cầm vò rượu lên, nốc ừng ực cho đỡ run. Sau đó tôi gục xuống tay lái và ngủ như chết.

Sáng hôm sau, khi vầng thái dương đã lên cao, tỏa những tia nắng óng ánh chiếu vào mặt tôi, tôi mới bừng tỉnh giấc. Nhìn xa xa, thấy các nông dân đang gặt lúa, tinh thần tôi dần ổn định. Tôi khởi động xe thử… vẫn không tìm ra chỗ hư, đành đi bộ đến xưởng gỗ, họ liền phái thợ máy đến sửa xe cho tôi. Nhưng anh thợ tài ba này cũng không tìm ra chỗ hỏng. Thế là phải nhờ xe cứu hộ kéo xe về lại xưởng gỗ. Do phải trải qua một thời gian dài chỉnh sửa miệt mài, nên tôi bắt buộc phải ngụ tạm lại đó. Thêm một ngày nữa trôi qua.

Đến ngày thứ ba, cuối cùng tôi cũng lái xe về đến nơi, nhưng cảnh trạng tại đây càng khiến tôi kinh hoàng ngạc nhiên. Trong huyện, khắp các con đường trọng yếu đều có Giải phóng quân trấn thủ.

Từng đoàn xe cảnh sát mang biểu ngữ, không ngừng hò hét chạy qua. Về tới công ty, tôi mới biết giữa hai đảng “Bó Đuốc” và “Sóng Thần” đã nổ ra huyết đấu. Kết quả là hơn hai trăm người thương vong, cơ quan tôi cũng có mười tám nhân viên gặp nạn.

Khi về tới nhà, mẹ tôi bật khóc nói:

– Trời có mắt mà, nếu như xe con không bị hư, biết đâu giờ này con cũng bị vạ lây và mất mạng rồi!

Sau ngày hôm đó, công ty tôi đình chỉ, ba công trình lớn trong huyện cũng không thể tiến hành. Thời gian cứ thế trôi qua.

Đến hôm nay, tôi từ chàng trai trẻ ngây thơ đã biên thành một ông tuổi hơn bốn mươi, đã có vợ con yên ấm.

Qua mùa xuân 2003, cha tôi lâm bệnh nặng, trong giờ phút hấp hối, mẫu thân bỗng thổ lộ một sự thật khiến tôi chấn động, bàng hoàng:

– Con trai à, ta không phải là mẹ đẻ của con.

Té ra, bà không phải là chính thất của cha tôi.

Hơn 40 năm về trước, cha và mẹ ruột tôi sống ở huyện lân cận. Khi sinh tôi ra được mấy ngày, thì mẹ tôi bị bệnh hậu sản và lìa đời. Một năm sau, ba tôi tục huyền với một quả phụ giờ là mẹ hiện tại của tôi. Sau đó do công tác thuyên chuyển, cha mẹ tôi dời đến trú ngụ tại thị trấn này.

Sở dĩ mẹ tôi phải kể ra bí mật này, là vì theo phong tục của quê tôi, khi cha tôi mất đi, chỉ được phép táng chung chỗ với người vợ cả tức là mẹ ruột sinh ra tôi.

Một tuần sau, cha tôi khép mắt vĩnh viễn.

Dưới sự hướng dẫn của chú tôi, đoàn chúng tôi tiễn đưa linh quan cha về tận nghĩa trang quê nhà. Khi đến nơi, chú tôi chỉ vào một ngôi mộ và bảo:

– Đấy chính là mộ phần của mẹ ruột con!

Tôi vừa nhìn vào ba chữ “Kiều Tú Văn” khắc trên mộ thì ngây người ra và quỵ ngay xuống… rồi bật khóc to, khóc như mưa gió.

Từ đó tôi phát thệ ăn chay, giữ ngũ giới, hành thiện, phóng sinh… siêng năng tu trì pháp Phật, luôn gắng tạo nhiều phúc điền để hồi hướng đến cho ba mẹ

Bảo Khang