Báo Ứng Hiện Đời

Chương 97: 14. Thiện Niệm Và Ác Niệm

Thiện niệm ác niệm đều do tâm sinh, vì vạn pháp do tâm tạo. Chúng ta tu hành cần phải kiểm soát, tu trong từng cử tâm động niệm, quản lý tâm mình cho tốt, nếu giữ được chánh niệm hiện tiền thường xuyên, thì tự nhiên y báo sẽ chuyển theo chánh báo, số mệnh tất được cải đổi. Nhà Phật thường nói: “Khởi một niệm thiện, cung điện nơi thiên đường liền thành, khởi một niệm ác, hình phạt nơi địa ngục chờ sẵn”. Nếu có thể tiến lên triệt ngộ nguồn tâm, trụ nơi vô trụ, siêng tu lục độ vạn hạnh, ắt việc giải thoát, thành đạo… đều có thể thực hiện.

Người học Phật chúng ta, nếu tu đến thời tiết nhất định, sẽ có mài luyện đủ loại đủ kiểu hiện đến với bạn, lúc ấy cần có tâm bình hòa, nhẫn nhục tinh tiến, để vượt qua thử thách…

Dưới đây là kinh nghiệm từ cuộc sống của tôi, hi vọng mọi người xem xong được lợi ích.

“Tiểu Vận là thằng em họ kém tôi 7 tuổi, tính hết sức ngang ngược bướng lì. Dì dượng tôi rất cưng chiều nó.

Hôm đó tôi tới nhà thăm dì dượng, nhưng họ đi vắng, chỉ còn một mình Tiểu Vận trông nhà. Tôi vừa bước vào nó đã kéo tôi lên mạng chơi vi tính. Bất đắc dĩ tôi phải chơi cùng nó một lúc. Do tôi ít chơi game, nên rất mau thua, làm ảnh hưởng xấu đến số điểm, khiến em tức giận chạy đến xô tôi té xuống đất và trách:

– Sao chị chơi tệ quá vậy?

Nhìn khí thế hung hăng của em, tôi lấy giọng chị, nghiêm nghị quở:

– Em dám đối với chị dữ dằn thế ư? Bình thường nể dì dượng nên chị luôn nhịn nhường, hôm nay phải dạy dỗ em mới được!

Thế lả tôi túm lấy nó, đánh vào mông nó một trận.

Tiểu Vận bị tôi đánh, khóc ầm lên, vừa khóc vừa chụp đồ đạc quăng ném lung tung… đồng hồ, bàn, ly tách, các món đồ chơi… đều bị nó làm vỡ hết. Tôi khuyên ngăn vô ích, ngay lúc đó dì dượng tôi về. Nhìn thấy bãi “chiến trường” hỗn độn… dì dượng phật ý, hỏi với giọng đầy trách móc:

– Thế này là sao?

– Chẳng đợi tôi giải thích, Tiểu Vận vừa khóc vừa gào lên:

– Là chị Hồng làm hết đó! Chị vừa đánh con vừa quăng đồ, không những làm con bị thương mà còn phá hư hết đồ chơi của con! Hu hu! Ba ơi! Mẹ ơi! Chị thừa lúc hai người đi vắng đã ăn hϊếp con như vậy đó, hu hu!…

Tôi nghe em nói mà ngỡ ngàng, đứng chết trân, ngạc nhiên tới há hốc mồm, á khẩu… cũng chẳng biết làm sao để giải thích…

Dì dượng tôi quá cưng cậu em trai họ này nên tin ngay. Họ giận dữ mắng tôi:

– Sao con không có lương tâm, cư xử quá tồi như thế? Con cũng từng ở đây một thời gian mà, sao lại đối với em ác như vậy? Cái con nhỏ bụng dạ xấu xa độc địa này, mau cút khỏi đây ngay! Cút mau!…

Tôi muốn giải thích, nhưng dường như chuyện khó thể vãn hồi, đành nhẫn nhịn, nuốt giận quay về.

Về túc xá, tôi khóc to một trận, thầm nghĩ: “Vì sao dì dượng lại đối với tôi như thế, rõ ràng là Tiểu Vận sai, nhưng họ chẳng cần phân rõ trắng đen, cứ mắng tôi xối xả, tại sao? Tại sao chứ?… Bồ tát Quan Thế Âm đại từ đại bi ơi, cầu xin Ngài gia trì, giúp hóa giải mọi hiểu lầm giữa con và họ”…

Đêm đó, tôi không ngủ. Một tuần trôi qua, tôi rất muốn đi thăm cậu em họ và hướng dì dượng xin lỗi, vì bình thường họ đối với tôi rất tốt. Thế là tôi mua quà mang đến nhà họ…

Vừa bước vào nhà, cảnh tượng trước mắt khiến tôi giật mình ngạc nhiên: dì đang ngồi trên sô-pha bưng mặt khóc, còn dượng ở cạnh bên thở dài não nuột.

– Dì dượng ơi, có chuyện gì vậy? Tiểu Vận đâu?…

Dì dượng chỉ vào phòng ngủ. Tôi bước tới, vừa nhìn thấy biểu đệ, thì giật mình thất kinh: Không ngờ Tiểu Vận tuấn tú giờ đã biến thành kẻ đần độn ngớ ngẩn. Lưỡi em thè ra khỏi miệng quẹo sang bên phải, nước giãi chảy nhỏ giọt giọt… Còn tay và gò má bên phải của em thì không ngừng co giật.

– Nó bị như vậy đã một tuần rồi! – Dượng bất đắc dĩ kể cho tôi nghe:

– Con đi rồi thì qua ngày sau, Tiểu Vận đột nhiên toàn thân co giật, đến bệnh viện khám, bác sĩ nói đây là triệu chứng bại não, chỉ có thể điều trị từ từ, không có cách tốt hơn…

– Phải làm sao chứ, chúng ta chỉ có mình nó thôi mà…

Dì tôi ngồi bên nghẹn ngào chen vào nói, hai mắt đỏ chạch, chứng tỏ dì đã khóc rất nhiều. Tôi tiến đến an ủi:

– Đừng lo, rồi sẽ có cách mà…

Quay về ký túc xá, tôi cảm thấy việc này có liên quan đến tôi. Mặc dù Tiểu Vận, dì dượng đối với tôi một bề ghét bỏ, dùng toàn lời ác dành cho… nhưng tôi là người học Phật, cần phải dùng thiện niệm và tâm từ bi mà đối với họ. Nếu như tôi thành tâm tụng kinh hồi hướng cho Tiểu Vận, có thể em sẽ dần hồi phục, gia đình sẽ bình an, hài hòa. Thế là tôi bắt đầu tụng Kinh Kim Cang, hồi hướng công đức cho Tiểu Vận.

Kỳ tích xảy ra, ba ngày sau, di tôi mừng rỡ gọi điện khoe:

– Từ lúc con đến thăm thì trưa hôm sau bệnh Tiểu Vận chuyển tốt lên rồi. Miệng và mặt nó hết co giật, có thể ăn cơm bình thường. Tiểu Vận đã kể hết sự thực cho chúng ta nghe rồi, nó đã làm sai và phải nhận lỗi trước con! Thật xin lỗi con nhé, hôm ấy dì đã mắng oan con, con hãy tha lôi cho dì nghe. Tối nay mời con đến ăn cơm nha!

Thế là mọi việc tốt đẹp, an ổn hài hòa. Điều này làm tôi xúc động sâu sắc. Nếu như mỗi người học Phật đều có đủ trái tim từ bi, cho dù bị người khác khởi ác niệm với mình, bản thân cũng không nên nổi sân, mà phải nhờ vào sức mạnh của Phật pháp, sám hối, hồi hướng… Nếu biết dùng thiện niệm đối đãi với mọi sự, mọi việc, thì nhất định sẽ có hảo báo, thu được kết quả tốt đẹp không ngờ!

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu người muốn biết, ba đời tất cả Phật, nên quán tính pháp giới, tất cả do tâm tạo”…

Người học Phật trong lúc gặp nghịch cảnh nghịch duyên, cần giữ chánh niệm. Nên dùng tâm nhẫn nhục, như như bất động đối với mọi hoàn cảnh… Làm được vậy mới có cơ hội giải thoát. Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp vô ngã, thành tựu nơi nhẫn”…(17)

Nhân đây xin khuyên thế’ nhân, cẩn thận khi nói năng hành động, phải gìn tâm giữ miệng, chớ nói lời vu khống người, vì thiện ác nằm trong một niệm, phúc họa như bóng theo hình, nhân quả báo ứng luôn có thật.

Lời người dịch:

Đọc đến đây bạn có thắc mắc không, tại sao có nhiều người ác khẩu, vu khống, tạo lỗi tương tự hoặc hơn cả Tiểu Vận mà họ đâu bị gì? Phải giải thích đó là tùy thuộc nhân quả, tùy những uẩn khúc trong cuộc sống mọi người. Tôi xin tạm giải thích thế này: Nếu xúc phạm kẻ ác, hoặc thường nhân, không bị báo nặng bằng xúc phạm hiền nhân, thánh nhân…

Hồi mới dịch xong chuyện này, tôi không tin, cho rằng có vẻ như người kể đang… tự khoe khoang? Nhưng sau đó tôi nghĩ lại: “Quả Hồng là Phật tử, không nói dối và tu rất miên mật, giữ giới chu đáo… Do vậy mà lời cầu nguyện cô dễ đạt, và bản thân không những nhận được lực gia trì của thần hộ giới mà cả đến chư Phật… nên mới chiêu cảm kết quả như trên”.

Đọc trong kinh sử, ta thấy ghi chuyện một vị sư già thời Phật, tuy đã chứng thánh nhưng mồm cứ nhai đi nhai lại rất khó coi. Nguyên nhân bắt nguồn từ những kiếp xa xưa, thuở đó ông là một chú tiểu, tình cờ thấy một vị sư già tụng kinh, ông đã cười nhạo, chê rằng: Sư tụng giống hệt “trâu nhai cỏ” (không ngờ vị sư này đã chứng A-la-hán) do lỗi xúc phạm thánh nhân mà Sa-di đó 500 đời miệng thường nhóp nhép giống trâu nhai cỏ, cho đến kiếp cuối cùng này dù đã chứng A-la-hán rồi, vẫn còn phải tiếp tục trả báo xưa…

Ngoài tác động luật nhân quả, (mắng người bị người mắng, hại người bị hại lại)… Thì việc vô cớ vu oan, đổ tội cho hiền nhân (hay một người chỉ giữ ngũ giới nghiêm nhặt thôi), cũng khiến đương sự có thể chiêu vời báo ứng xấu cho mình, giống như câu chuyện Quả Hồng vừa kể, (là một chứng minh)… vì vậy Phật thường khuyên ta cẩn ngôn và luôn nhắc: “Họa nằm nơi đầu lưỡi…”