Báo Ứng Hiện Đời

Chương 88: 6. Thai Giáo Tuyệt Vời

Lời người dịch:

Thoạt đầu, khi đọc đến tựa của câu chuyện này, tôi đã rất thờ ơ, không muốn dịch. Nhưng sau đó, tôi ráng đọc thử xem tác giả muốn nói gì và câu chuyện đã khiến tôi cảm động. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc, nhất là chư Phật tử tại gia, những người trẻ tuổi sắp làm cha mẹ.

Tiết Đình là một nhạc công. Khi mang thai cô bắt đầu có niềm tin chân chính đối với Phật giáo nên phát tâm nghiêm trì ngũ giới, tập tu theo pháp Phật và quyết định giáo dục thai nhi theo Phật giáo.

Chúng ta hãy nghe Tiết Đình thuật lại câu chuyện giao cảm tâm linh thần kỳ giữa hai mẹ con họ:

“Sau khi kết hôn, vì muốn đứa con sinh ra được khỏe mạnh thông minh nên tôi rất chú trọng ẩm thực, lo tập luyện, chuẩn bị chu đáo đủ cách.

Thấy trong “Kinh Địa Tạng” ghi rằng: “Chúng sinh ở cõi Ta Bà, đời vị lai, những người sắp sinh con, nếu trong 7 ngày mà tụng kinh Địa Tạng bất khả tư nghì này và niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng đủ vạn biến thì đứa con sinh ra dù nam hay nữ, đời trước có ương báo…cũng liền được thoát khỏi, an lạc dễ nuôi, thọ mệnh tăng”…

Đoạn kinh này đã ban cho tôi sự chỉ đạo quý báu. Tôi tin tưởng và cảm thấy được khích lệ rất lớn. Vì vậy tôi quyết tâm nuôi dưỡng, đào tạo ra một đứa bé “băng thanh ngọc khiết” có tư chất thanh cao, nhất quyết hun đúc trí tuệ và phúc đức cho nó theo Phật pháp.

Trong thời kỳ mới hoài thai, tôi bắt đầu vì con mà tụng “Kinh Địa Tạng”. Do thân thể chưa quen, không thoải mái, nên tôi chỉ thành kính tụng vào mười ngày trai (mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30).

Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm vậy có thể giúp cho sinh mệnh bé bỏng vừa tượng hình trong bụng có thể được nghe bộ kinh bất hủ của Phật thuyết. Tôi quyết tâm vì bé mà tiến hành việc thai giáo tốt đẹp nhất nên lòng cảm thấy rất hạnh phúc tự hào, niềm vui này thật khó mà diễn tả hết được. Tôi luôn cầu Chư Phật, Bồ-tát đại từ đại bi, ban cho tôi một đứa con như nguyện.

Mang thai được bốn tháng, nhờ thiện tri thức khai thị, được người nhà dốc toàn lực ủng hộ và chăm sóc, tôi triệt để tin lời Phật nên hoàn toàn ăn chay. Ăn chay không những giúp tôi có dinh dưỡng tốt, thanh sạch, mà cũng chẳng bị mệt mỏi khó chịu; ngược lại còn khiến tôi mặt mày luôn hồng hào tươi tắn, thân tâm an vui, tinh thần thể lực sung mãn.

Sau đó, tôi tiến bộ hơn, có thể vì con mỗi ngày tụng một bộ “Kinh Địa Tạng”, siêng năng không lười. Tôi đối với những điều Phật dạy trong kinh vững tin không nghi. Tôi tụng kinh âm thanh rõ ràng, ngày ngày bầu bạn cùng thai nhi đang dần lớn lên, trong lòng sung mãn niềm an lạc hân hoan chưa từng có vì kinh nghiệm đang thực hành. Lòng tôi luôn mong mỏi khát khao sớm được nhìn thấy mặt con.

Thời gian thấm thoát trôi qua, mùa hạ đến tỏa khí nóng oi bức khó chịu. Nhưng tôi không chút lười biếng, vẫn nỗ lực dụng công, ra sức thanh tâm quả dục, nghĩa là: “Tai chẳng nghe tiếng ác, mắt chẳng nhìn việc ác, tinh tấn không lười, luôn dùng chánh niệm hộ tâm”, mỗi ngày vì thai nhi tụng kinh, tận lực làm một người mẹ đúng nghĩa.

Hôm nọ, khi tôi tụng xong bộ “Kinh Địa Tạng” thì cảm thấy cổ họng khô đau, liền tiến đến tủ lạnh định lấy kem ăn giải lao, thưởng công cho mình đã “cực khổ” tụng niệm nãy giờ. Nhưng ngay giây phút tôi mở tủ lạnh ra, đột nhiên trong đầu tôi vang lên tiếng nói:

– Mẹ ơi, xin đừng ăn kem, con sẽ rất lạnh!

Việc này quả thật bất ngờ, khiến tôi tưởng chừng mình nghe lầm, lòng cảm thấy rất kỳ quái nên mới thầm nghĩ: “Đây có lẽ do mình tự nghĩ lẩn thẩn, hoặc là một dạng tự kỷ ám thị mà thôi!”. Vì vậy, tôi không chú ý và quyết định: “Nghỉ một chút, lát nữa sẽ ăn vậy”.

Nghỉ ngơi xong, tôi lại đến mở tủ lạnh lần nữa. Thật không ngờ, cảm thọ lúc nãy lại xuất hiện:

– Mẹ ơi, đừng ăn kem, con sẽ rất lạnh đó!

Câu nói này một lần nữa vang lên mãnh liệt trong óc tôi, lần này đã khơi gợi được sự chú ý của tôi. Rõ ràng là thai nhi trong bụng đang dùng “tâm nói chuyện” với tôi và “mách” cho tôi biết những cảm thọ khổ vui của nó….Giao cảm kỳ diệu này đã khiến tôi hiểu sâu sắc thai nhi và tôi đang “tâm tâm tương thông, tâm tâm tương tri”. “Kinh Địa Tạng” đã giúp tôi và con liên lạc mật thiết mầu nhiệm cùng nhau. Mẹ con chúng tôi đồng hiểu nhau qua “ngôn ngữ nội tâm”, cùng cảm thọ, kết thành thiện duyên mẫu tử cực kỳ thâm sâu huyền diệu trong đời này!.

Tôi đã từng dùng tâm chân thành, tâm cung kính tụng “Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Kinh”. Trong kinh diễn tả: “Khi con ở trong thai, nếu mẹ ăn nóng, con khổ như nóng địa ngục. Nếu mẹ ăn lạnh, con khổ như lạnh địa ngục, cả ngày thống khổ…Dựa theo đoạn văn kinh kia, giây phút tôi và con “tâm linh cảm ứng” đã chứng thực giải rõ. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động, mãi mãi không thể quên. Lời Phật đúng là chân ngữ, thật ngữ mà! Đây cũng ứng hợp với những điều trong sách thuốc “Thiên kim phương” nói: “Trong lúc mang thai mà ăn cực nóng hay cực lạnh là cấm kỵ”.

Từ đó vì thai nhi, bất kể tiết trời nóng bức ra sao, tôi cũng không dùng qua thức ăn lạnh nào nữa.

Cục cưng sinh ra được hai tuần, theo thói quen tôi cho bé ăn Hoàng Liên – một loại thuốc bắc, khiến bé đi tả không ngừng. Ngắm nhìn bé ốm gầy không còn sức lực, lòng tôi nóng như lửa đốt, cực kỳ bất an…Tôi áp mặt vào vầng trán tái nhợt của con, ưu tư trăm mối, tâm rối như tơ… thì ngay lúc đó trong đầu tôi chợt xuất hiện câu nói:

– Mẹ ơi, đừng dùng trứng gà nữa! Ăn trứng gà đối với con rất là không tốt!

Tôi bừng tỉnh ra, chính là bé cưng đang nói với tôi. Tôi hoàn toàn ăn chay đúng theo trong Kinh Địa Tạng đã dạy, nhưng do để thúc sữa, chị dâu tôi đã ngày ngày làm rượu trứng gà cho tôi uống.

Lần này, tôi bắt đầu thưởng thức cuộc đối thoại tâm linh thú vị cùng con. Tôi khởi ý nghĩ trong tâm:

– Con cưng à, mẹ phải làm sao thì con mới an ổn đây?

Bé lập tức hồi đáp:

– Mẹ hãy mau tụng 7 bộ kinh Địa Tạng hồi hướng cho oan gia trái chủ của con…

Không chút chậm trễ, tôi lo tụng cho xong 7 bộ kinh. Sau đó, tôi “hỏi” bé:

– Mẹ đã tụng xong 7 bộ rồi, còn muốn mẹ làm gì cho con nữa không?

Bé “đáp”:

– Bắt đầu từ nay, mỗi ngày mẹ hãy tụng cho con một bộ kinh Địa Tạng nhé.

Tôi lại hỏi:

– Tụng đến bao giờ mới ngừng?

Bé “trả lời”:

– Tụng đến khi con có thể tụng kinh được thì ngừng.

– Thế bao giờ con mới có thể tụng kinh được?

– Bảy tuổi!

Tôi hoát nhiên tỉnh ra. Từ đó, hàng ngày tôi tụng kinh không ngừng. Tôi tụng đến hôm thứ hai thì chứng đi tả của bé liền dứt hẳn.

Khi tôi viết đến dòng chữ này thì bé nhà tôi đã được hơn hai tháng tuổi rồi, thân thể mạnh khỏe, an ổn dễ nuôi. Đồng thời, để hoàn thành lời hứa với con, tôi hàng ngày vì bé mà tụng kinh Địa Tạng, bảy năm sẽ là 2.555 bộ kinh. Tôi và chồng tin sâu, bé có thể dùng nhân duyên này để hóa độ chúng tôi tinh tấn tu hành.

Tôi hiểu sâu đây là cả nhà chúng tôi cùng chung sức hoàn thành đạo nghiệp. Tùy theo con ngày càng trưởng thành mà đạo nghiệp chúng tôi ngày càng tinh tấn…đồng thời thiện hạnh, thiện đức của chúng tôi cũng tăng trưởng theo. Điều này đối với cả gia đình chúng tôi mà nói, quả là an vui hạnh phúc biết dường nào.

(Cư sĩ Tiết Đình kính thuật.)

Giải thích của Cư sĩ Quả Khanh: Con và mẹ là do nhân duyên cực sâu mà chiêu cảm tình thâm. Trong thời kỳ hoài thai, mẹ cùng con thực sự nương nhau, liên quan từ máu huyết, xương thịt, tinh thần….cho đến thể chất.

Vì thai nhi mà đọc tụng kinh điển Đại thừa chính là thai giáo tốt nhất. Tôi đã gặp nhiều vị khi mang thai mà đọc tụng các kinh Địa Tạng hay Lương Hoàng Sám hay các kinh Đại thừa khác….đứa con sinh ra thật xinh đẹp, thông minh mạnh khỏe, an lạc dễ nuôi.

Đây là bài viết tự thuật chân thành của một người mẹ ở Thượng Hải. Lúc con bà sinh ra 45 ngày thì tôi có gặp được cả ba người nhà họ và đích thân kiểm nghiệm. Nội dung câu chuyện này hoàn toàn có thật và rất đáng tin cậy.