Báo Ứng Hiện Đời

Chương 47: Quả Báo Bội Tín Vong Nghĩa

Ký Văn Đông, hơn 40 tuổi, thân mặc hiếu tang, mắt đầm đìa lệ, quỳ trước ngôi mộ mới đắp của thím Trương láng giềng, lâu thật lâu vẫn chưa chịu rời xa.

Người đàn ông này vóc dáng cao lớn, tướng mạo đường đường, nhưng lại có thời thơ ấu rất thảm. Nếu như không nhờ thím Trương quan tâm giúp đỡ, thì có lẽ anh đã không còn trên trần thế. Tuy không phải thân nhân nhưng thím Trương đối tốt còn hơn thân nhân.

Lúc Văn Đông 5 tuổi thì cha mẹ anh trong một năm đã lần lượt qua đời. Cha Văn Đông trước phút lâm chung, mắt đầy lệ gởi gắm con trai lại cho anh cả và chị dâu mình. Ký thác toàn bộ gia tài của ông: gồm nhà cửa khang trang, số tiền rất lớn và mớ vàng bạc trang sức (tài sản hồi môn của mẹ Văn Đông). Xem như tất cả đều giao hết cho vợ chồng người anh, cậy nhờ họ quản lý thay cho bé Văn Đông.

Lúc đó anh cả và chị dâu ông chỉ trời đắt thề thốt đủ điều, họ nói với người sắp mất thế này: – Chúng ta đều là người một nhà! Con em thì cũng như con anh chị. Dù em không để lại tài sản, chẳng có lấy một xu thì anh chị đây cũng nguyện cưu mang, nuối cháu đến lớn khôn…

Cha Văn Đông nghe những lời tràn đầy nghĩa tinh này, sung sướиɠ mỉm cười, an lòng nhắm mắt ra đi. Khi đó cũng có cán bộ trong thôn và láng giềng đồng chứng kiến, ai nấy đều cảm động rơi nước mắt.

Xong tang lễ được mấy ngày, thím Trương láng giềng bỗng nghe Văn Đông bị đánh đập khóc to. Hơn nữa cứ cách năm-ba ngày thì nghe hai bác đánh cháu, chửi mắng om sòm, âm vang nghe rõ mồn một.

Thím Trương tốt bụng đã nhiều lần can gián, nhưng chuyện vẫn xảy ra như cũ. Sau đó thím phát hiện bé Đông rất ít ra ngoài chơi, thỉnh thoảng nó đứng nơi cửa, nhưng chẳng hề thấy nó cười. Thím Trương bèn đến gần, hỏi han mấy câu, thì thằng bé lộ vẻ sợ hãi không dám nói gì.

Thím Trương thấy Văn Đông ốm đi rất nhiều, hơn nữa mặt mày thân thể đầy vết thương. Thấy thế thím Trương không cầm được nước mắt.

Dần dà láng giềng, hương thôn ai cũng biết chuyện. Nhưng khi làng xã chất vấn, thì hai vợ chồng nọ hung hăng nói là tại Văn Đông lì bướng không ngoan. Bọn họ nhận lời ba thằng bé ủy thác thi có quyền quản giáo, cũng chẳng làm gì hại nó. Họ còn trách ngược lại, mắng đám người ngoài lo chuyện không đâu, nào có máu mủ chi mà nhúng mũi vào chuyện gia đình họ? Do mọi người không bắt được tại trận chuyện ngược đãi cháu của hai bác Văn Đông, vả lại người ngoài chẳng có quyền can thiệp chuyện nội bộ của họ, dù rất bất bình, nhưng chẳng ai giúp chi được.

Một năm, rồi một năm trôi qua, thằng bé dần dần trưởng đại. Thím Trương nhiều lần thừa lúc hai bác Văn Đông đi vắng, lén đút nhét, chăm bón cho thằng bé, khi miếng bánh, lúc viên kẹo hoặc thứ gì đó… Nhìn thằng bé ăn ngấu nghiến, thím mỉm cười an ủi nó.

Văn Đông dù đã lớn nhưng vẫn phải mặc bộ y phục cũ rách từ hai năm trước. Xuân, hạ, thu… cứ dần qua. Tới mùa đông thím Trương thấy thằng bé mặc đồ mỏng manh rách rưới ló cả tay chân, nhìn nó co ro đưa tay ôm vai, run rẩy vì lạnh, bà rơi nước mắt quay về nhà tìm y phục cũ của con mình, giặt sạch sẽ, may thêm lớp bông độn bên trong, rồi ngay tối đó đem sang nhà hai bác Văn Đông nói là áo bông con mình chê không dùng nên để cho Văn Đông mặc. Nói xong bà tự tay mặc vào cho thằng bé. Trước khi Văn Đông thành nhân, thím còn may cho nó ba bộ áo bông, không lúc nào mà không tiếp tế ẩm thực, có lúc còn dúi cho nó ít đồng lẻ.

Cuối cùng Ký Văn Đông cũng trưởng đại, thành tài, có nghề nghiệp ổn định, được nhiều cô gái để ý.

Khi Văn Đông đến tuổi kết hôn, anh xin hai bác cho mình ra riêng tự lập. Hai bác dù không muốn, nhưng vì cháu đã lớn,họ sợ lời bình phẩm của láng giềng, bất đắc dĩ phải chìu theo. Nhưng họ viện cớ gia cảnh khó khăn, chỉ cấp cho Văn Đông một ngôi nhà dột nát cũ kỹ, trống trơn không có gì, bởi toàn bộ đồ đạc họ đã dọn đi hết.

Hai người bác này có sáu người con, họ xảy nhà mới khang trang cho hai con trai khi chúng thành thân. Phần Văn Đông, đối với sự ngược đãi của bác, không hề nói một lời than oán. Mỗi khi người trong thôn bất bình, đốc xúi anh đi kiện quan, thì anh nói:

– Bác cả nuôi tôi khôn lớn cũng chẳng dễ dàng gì, nếu không nhờ bác cưu mang, thì tôi cũng chẳng sống đến hôm nay. Tiền bạc vật chất thường khiến người ta tranh giành. Nhưng có câu rằng: “Trai tốt chẳng tranh điền trang, gái tốt chẳng tranh đồ cưới” hay sao? Nếu như không học hành, không có nghề nghiệp ổn định thì dù sở hữu nhiều tài sản đến đâu, cũng không giữ được lâu.

Tôi nhất định học tập, trau giồi kỹ thuật nghề nghiệp thật tốt để làm việc phục vụ hương thôn mình, cho xứng đáng với sự quan tâm yêu thương của dân làng, không phụ ân nuôi dưỡng của hai bác…

Dân làng rất quý phục tính nhân hậu thực thà của Văn Đông, ở hiền gặp lành! – Giờ đây anh đã là chủ một xí nghiệp trong thôn, hiện có một con đang theo học tại đại học thành phố. Tiểu gia đình của anh sống rất êm ấm hạnh phúc.

Ta hãy nhìn xem hai người bác bội tín vong nghĩa, làm trái lời thề bị báo ứng ra sao? Họ có sáu con: gồm bốn gái hai trai.

Con gái đầu của họ 29 tuổi thì bị bịnh sỏi thận chết, con trai cả 29 tuổi cũng bị sỏi thận, không bao lâu thì chết. Con gái út 29 tuổi cũng vướng bịnh bất trị hệt anh chị mình mà tử vong, khiến ba mẹ chúng tâm kinh thịt run, ngày đêm bất an. Sáu đứa con đã chết mất ba người, sau này còn xảy ra chuyện gì nữa đây?

Không bao lâu con trai út của họ kết bè lập đảng đi cướp bóc, gây cãi đánh lộn, bị phán mười năm tù. Ngày y bị tuyên án, mẹ y bị xuất huyết não, từ đó nằm liệt giường, nhận chịu bao cư xử ghẻ lạnh, mắng chửi của con cái. Do bà không khống chế được đại tiểu tiện, thường trây dính mền chăn, có lúc nằm đó suốt ngày không ai lý tới. Bà cứ sống cảnh như vậy hơn ba năm rồi chết trong bi ai.

Lúc bà chưa chết, thì chồng bà cũng vướng phải chứng si ngốc lú lẫn. Bà chết được nửa năm, thì một hôm ông đi đường không cẩn thận vấp té, đầu đập xuống đất và từ đó ông ra đi vĩnh viễn.

Láng giềng kể tôi nghe câu chuyện này xong thì hỏi:

– Đây có phải là nhân quả báo ứng không?

Và chẳng đợi tôi đáp, họ tự nói:

– Ở quê chúng tôi ai cũng bảo đây là trời già trừng phạt cặp vợ chồng bội tín bất nghĩa.

Tôi nói: – Giống như làm mùa vậy. “Trồng gì thu hoạch đó”, đây là quy luật tự nhiên. Trước khi Phật đến nhân gian giảng pháp thì luật nhân quả đã tồn tại sẵn trong thiên nhiên Phàm phu không hiểu, nên cứ trồi hụp trong biển khổ sinh tử, không chịu thoát ly.

Chư Phật Bồ-tát từ bi, thừa nguyện trở lại nhân gian, giảng thuyết chân tướng vũ trụ và chỉ cho chúng ta phương pháp xuất ly khổ hải. Chúng ta nhất định phải nắm ngay cơ hội được mang thân người này, y pháp tu hành, sớm chứng Bồ-đề mới là con đường chân chánh trong nhân gian.