Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 73: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Điều thứ năm là “Chánh Tinh Tấn”.

“Tấn” là tiến bộ, “chánh” chính là không tà. Người thông thường trong xã hội hiện nay, chúng ta không thể nói là họ không nỗ lực. Họ cũng rất nỗ lực, vô cùng tinh tấn, nhưng phương hướng mục tiêu của họ sai rồi, họ tinh tấn về phía danh vọng lợi dưỡng. Điều này trong Phật pháp không gọi là chánh tinh tấn.

Chánh và Tà biện biệt từ đâu vậy? Một nguyên tắc đơn giản nhất, đó chính là “có thể mang theo” và “không thể mang theo”. Cái có thể mang theo là chánh, còn cái không thể mang theo là tà. Tại sao nói cái không thể mang theo là tà? Nếu như chúng ta ở những phương diện không thể mang theo như chấp trước, tham luyến, chiếm hữu kiên cố, sẽ tạo thành khổ nạn cho đời sau, đây gọi là tà. Từ đó cho thấy, Bát Chánh Đạo, định nghĩa của chữ “Chánh” này chính là ở chánh kiến, chánh tư duy, chúng ta gọi là “chánh tri chánh kiến”. Chỉ cần hai điều này chánh rồi thì những điều còn lại thảy đều chánh. Nếu hai điều này bất chánh, thì những điều còn lại muốn chánh cũng không thể chánh được. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết.

Trong Phật pháp Đại thừa, nếu nói đến “Chánh tinh tấn tuyệt đối”, chúng tôi nói một câu thành thật, không gì bằng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, dùng thời gian một đời, nhất định cầu được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây là thuần chánh. Có thể cầu được hay không? Đáp án là chắc chắn. Bất kỳ người nào, chỉ cần y cứ theo đạo lý, phương pháp mà kinh điển nói để tu học, thì chắc chắn có thể chứng được. Đây là cứu cánh đại viên mãn chân thật. Lời nói này không phải chúng tôi tùy tiện nói ra, mà là Thế Tôn cùng chư Phật đã nói ở trong kinh giáo.

Chúng ta nhìn thấy thế gian có người hạng nhất, phần lớn là không có được đi học, không biết chữ, không có tiếp nhận giáo dục tốt, như cụ ông, cụ bà ở dưới thôn quê, họ không biết gì cả, từ sáng đến tối chỉ niệm một câu A Di Đà Phật này. Bạn quan sát tỉ mỉ, họ hành trì, tâm của họ thanh tịnh, họ không có vọng tưởng, buông xả vạn duyên, đối đãi với bất kỳ người nào cũng đều chân thành, từ bi. Chúng ta quan sát thật kỹ, họ chưa từng học qua thập thiện nghiệp đạo, họ cũng chưa từng đọc qua kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, thế nhưng sự hành trì của họ hoàn toàn tương ưng với điều mà thập thiện nghiệp đạo nói. Tâm thiện, tư tưởng thiện, hành vi thiện, giao thiệp với người đều là một lòng chân thành, khẩn thiết. Người khác dối họ, lừa họ, họ cũng không hề để ở trong tâm, vẫn cứ niệm Phật rất hoan hỷ, loại người này thành công. Loại người này chính là người thượng thượng căn mà trong kinh điển đã nói, người bình thường như chúng ta không thể sánh bằng họ. Họ quả thật đúng là buông xả vạn duyên. Đây là chánh tinh tấn, chân tinh tấn. Chúng ta học Phật, nếu như không quan sát từ chỗ này, không hạ công phu ngay chỗ này thì sai rồi.

Chúng ta ngày nay học giáo, hoằng dương Tịnh Độ, khuyến hóa thế nhân thì có trở ngại, có mâu thuẫn với chánh tinh tấn hay không? Xin thưa với quí vị, không có. Pháp môn niệm Phật hoàn toàn không cản trở với bất kỳ ngành nghề công việc nào, đây là chỗ thù thắng của pháp môn này. Cho nên tất cả chư Phật Bồ Tát tán thán, đạo lý là ở chỗ này. Những cụ ông cụ bà đó, công việc mỗi ngày của họ là nội trợ, chăm sóc gia đình, chăm sóc con cháu của họ, giao thiệp với bạn bè thân thích, tất cả đều không trở ngại họ. Từ đó cho thấy, chúng ta hoằng pháp lợi sanh cũng không bị cản trở. Điều gì có thể cản trở bản thân chúng ta vậy? Vọng tưởng, nghĩ ngợi lung tung. Đây là lợi hại, là dính tướng, cản trở chúng ta. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thật sự cản trở chúng ta. Chỉ cần lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì một mảy may cản trở cũng không có. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.

Chúng ta hãy quan sát thật kỹ, trong kinh Hoa Nghiêm, 53 vị thiện tri thức thể hiện cho chúng ta thấy, trên hình thức, pháp môn mà họ tu học không giống nhau, thân phận của họ không giống nhau, ngành nghề khác nhau, nhưng họ có một chỗ giống nhau, đó là đều không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tuy tu học pháp môn khác nhau, nhưng đều là thuộc về pháp môn niệm Phật. Tôi không biết các bạn đồng tu có nhìn ra hay không, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, pháp môn nào cũng là pháp môn niệm Phật. Tuyệt diệu không thể nói! Cho nên ai nấy cũng đều thành đạo Vô Thượng, mỗi người đều là Pháp Thân Đại Sĩ của thế giới Cực Lạc, cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chúng ta học “Hoa Nghiêm”, phải từ chỗ này mà thể hội, sau đó mới biết thế nào gọi là “chánh tinh tấn”, “chân tinh tấn”.

Chú giải ở chỗ này là: “Cần tu chánh đế, thú Niết Bàn cố”. Chánh đế chính là chánh pháp, ý nghĩa này vẫn không dễ hiểu, người thế gian gọi là “chân lý”. Tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh của chúng ta tương ưng với chân lý, chính là trong chú giải gọi là “chánh đế”.

Tu nhân thì nhất định có quả báo. Quả là đại Niết Bàn. “Niết Bàn” là tiếng Phạn, dịch là “Tịch Diệt”. Tịch là tịch tịnh. Cảnh giới của tịch tịnh chúng ta không thể tưởng tượng được, vô phương tưởng tượng. Người xưa nói: “Một niệm không sanh”, đây là tịch tịnh. Một niệm không sanh, chúng ta cũng không dễ dàng tưởng tượng được. Tại sao vậy? Phàm phu chúng ta có quá nhiều ý niệm. Ý niệm vi tế, bản thân chúng ta không thể phát hiện. Trong kinh Nhân Vương nói, một khảy móng tay có 60 sát-na, một sát-na có 900 lần sinh diệt, chúng ta không có cách gì thể hội được. Ý nghĩ sinh diệt này chính là nguồn gốc của sinh tử ở trong lục đạo luân hồi. Cái thứ này đoạn hết rồi, không còn nữa, thì đây là cảnh giới của Tịch Diệt; trên quả địa Như Lai mới chứng được; cảnh giới mà Bồ Tát Đẳng Giác chứng được vẫn là thuộc về quả vị Tương Tự, không phải quả vị chân thật; Bồ Tát Tam Hiền là không cần nói đến rồi. Trong pháp thế xuất thế gian, chỉ có đây là chân thật. Trong cảnh giới này đã đầy đủ trí tuệ viên mãn, đức tướng viên mãn, không phải đến từ bên ngoài, mà là tự tánh vốn dĩ đầy đủ, đây là chư Phật Như Lai chứng được. Xoay trở lại nhìn chúng ta, những chúng sanh đông đảo này mê mất rồi, không phải không có, thảy đều có cả. Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, vô cùng bình đẳng. Tại sao Phật thấy tất cả chúng sanh là bình đẳng vậy? Phật là thấy từ trên tánh đức. Tất cả chúng sanh là bình đẳng, không hề sai biệt. Tướng sai biệt sinh ra từ đâu vậy? Sinh ra từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là “tập khí, tập tánh” mà Nho gia đã nói, tổ sư thường hay đem những thứ này gộp chung lại, gọi là “tập nhiễm”. “Ô nhiễm” là trong kinh Phật thường nói, bởi do tập khí đã ô nhiễm chân tánh, cho nên mới biến hiện ra sự chênh lệch rất lớn này. Chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian không có mục đích gì khác, chỉ là đến giúp đỡ phàm phu khôi phục tự tánh, khôi phục giác ngộ mà thôi.

Tự tánh là cái vốn có, giác ngộ cũng là cái vốn có. Quí vị nhất định phải biết, mê hoặc không phải là cái vốn có, tập khí phiền não không phải là cái vốn có, mà đó là cái ở trong hoàn cảnh huân tập mà thành, không phải vốn có. Những thứ không phải vốn có thì đương nhiên có thể đoạn hết, còn những thứ thật sự là vốn có thì đương nhiên có thể khôi phục. Đây là nói rõ, phiền não cho dù có nặng đi nữa, tập khí có sâu đi nữa, chắc chắn là có thể đoạn hết; trí tuệ đức tướng giống như chư Phật Như Lai vậy, chắc chắn là có thể khôi phục.

Sự tu trì Phật pháp, đầu tiên là nói tín tâm. Tín là tin tưởng, tin tưởng tập nhiễm của chúng ta có thể đoạn hết, tin tưởng tự tánh đức năng có thể khôi phục. Đầu tiên là phải “tin mình”. Trong kinh Di Đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói, “Tín” có sáu điều, điều đầu tiên là “Tin mình”. Từ chỗ này xây dựng tâm tự tin, người như vậy mới có thể quyết tâm nỗ lực “Chánh tinh tấn”.

Chúng ta biết, nếu chúng ta muốn đem tập khí phiền não đoạn sạch, khôi phục trí tuệ đức năng viên mãn trong tự tánh chúng ta, phương pháp nhanh nhất chính là Tịnh Độ. Chúng ta phải học ngay trong đời sống trước mắt của chúng ta, trong công việc, đối nhân, xử thế, tiếp vật, khởi tâm động niệm từng li từng tí đều tương ưng với Tịnh Độ, các bạn thử nghĩ, đâu có cản trở gì! Làm sao tương ưng với Tịnh Độ? Xin thưa với các vị, chỉ cần tương ưng với tâm thanh tịnh chính là tương ưng với Tịnh Độ. Trong kinh chẳng phải nói rất hay sao? “Tâm tịnh thì Phật Độ tịnh”.

Làm sao tương ưng với thế giới Cực Lạc vậy? Tương ưng với tâm thanh tịnh chính là tương ưng với Tịnh Độ. Hay nói cách khác, bất kể vào lúc nào, bất kể ở trường hợp nào, bất kể đối diện với cảnh giới như thế nào, tuyệt đối không mất tâm thanh tịnh. Sao gọi là tâm thanh tịnh? Quyết định không ô nhiễm chính là tâm thanh tịnh. Sáu căn đối diện cảnh giới sáu trần, nếu như bạn sanh khởi thất tình, ngũ dục (thất tình là mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn), hoặc giả bạn khởi tham sân si mạn là bạn bị ô nhiễm rồi. Hay nói cách khác, không được phép phân biệt, không được phép chấp trước. Chỉ cần không phân biệt, không chấp trước thì liền tương ưng với tâm thanh tịnh. Nếu còn có mảy may phân biệt, chấp trước ở bên trong, bạn vẫn bị đọa vào trong tập nhiễm như xưa, vì tâm bạn không thanh tịnh. Công phu, luyện công, luyện công là gì? Không phải luyện pháp Luân Công. Pháp Luân Công đích thực rõ ràng là ăn cắp danh từ thuật ngữ của kinh Phật, tội lỗi này rất nặng. Bạn phải biết, thế gian giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đều có tội. Nếu như bạn ăn cắp những danh từ thuật ngữ này trong Phật pháp, tội lỗi đó đều ở địa ngục A-tỳ. Cho nên, những người này thật sự là “kẻ đáng thương hại”, họ không biết quả báo đáng sợ. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày, sinh hoạt, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta tập luyện không phân biệt, không chấp trước, thì đây chính là tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, thành tựu tịnh nghiệp của chúng ta. Một câu Phật hiệu, nguyện sanh Tịnh Độ là được đi rồi. Pháp môn này thật sự là dễ dàng, thế nhưng trong đời sống thường ngày bạn không biết luyện công phu này là bạn gặp khó khăn rồi; cho dù một ngày bạn niệm mười vạn tiếng, hai mươi vạn tiếng, người xưa nói: “Đau mồm, rát họng cũng uổng công”. Đây là sự thật.

Điều thứ sáu là “Chánh Định”.

Định là nói tâm an trú tại một chỗ, nhất định không thay đổi, nhất định không dao động. Phật ở chỗ này dạy chúng ta, tâm của chúng ta cần nên an trụ ở thập thiện nghiệp đạo, cần nên an trụ ở danh hiệu A Di Đà Phật. Các bậc tổ sư đại đức thường nói: “Chánh - Trợ song tu”. Chúng ta nhất định phải biết, nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật là chánh tu của chúng ta; nhất tâm an trụ thập thiện nghiệp đạo là trợ tu của chúng ta, như vậy mới có thể được sanh Tịnh Độ. Đại đức xưa nói rằng: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà”. Tại sao lại đi vào trong lục đạo vậy? Nhân tố thứ nhất là “ái dục”, ái không đoạn thì không có cách gì ra khỏi thế giới Ta Bà. “Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ”, cho nên niệm Phật phải chuyên tâm, phải chuyên nhất.

Thế Tôn ở trong kinh điển nói cho chúng ta biết rõ ràng về sự thù thắng của thế giới Tây Phương. Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều tán thán A Di Đà Phật. Rốt cuộc Ngài thù thắng ở chỗ nào vậy? Sự thù thắng của Ngài chính là ở thế giới Cực Lạc không có nghịch cảnh, không có ác duyên, cho nên sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù trong A Lại Da thức chúng ta vẫn còn tập khí ác chưa có đoạn hết, nhưng cũng không bị thoái chuyển. Đây là đạo lý gì vậy? Ở trong tâm thức tuy có chủng tử tập khí phiền não, nhưng vì không có duyên nên nó không khởi hiện hành. Nhân phải cộng thêm duyên mới khởi hiện hành, mới kết quả; nhân mà không có duyên thì sẽ không kết quả. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác duyên, cho nên quả báo ác ở nơi đó thảy đều không có. Chúng ta ở thế gian này có biết bao nhiêu tai nạn, còn thế giới Tây Phương Cực Lạc không có, vì thế ở bên đó chỉ có tiến bộ chứ không có thoái bộ. Sự tiến bộ nhanh hay chậm của mỗi người thì không giống nhau, nhưng chắc chắn sẽ không thoái bộ, huống chi người thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là vô lượng thọ, thọ mạng dài lâu, tiến bộ chậm một chút cũng không sao cả, cũng là một đời thành tựu.

Nói tiến bộ chậm trễ một chút cũng không phải cảnh giới của phàm phu chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Chữ “thượng thiện” này cũng có rất nhiều cách giảng khác nhau. Chúng ta biết thế giới Tây Phương có bốn độ, chín phẩm, tiêu chuẩn của mỗi một độ đều không giống nhau. Chúng ta biết, thấp nhất là thượng thiện của Phàm Thánh Đồng Cư Độ chính là thập thiện nghiệp đạo. Thượng thiện của Thực Báo Trang Nghiêm Độ, của Bồ Tát Đẳng Giác, chúng ta có thể thấy, tiêu chuẩn của thượng thiện không giống nhau. Nhưng thế giới Tây Phương Cực Lạc rất đặc biệt so với các thế giới phương khác, không giống với các thế giới phương khác. Cõi Cực Lạc tuy có bốn độ, nhưng đại chúng của bốn độ thường xuyên chung sống với nhau, “câu hội nhất xứ”. Đây quả là quá thù thắng, là điểm mà thế giới mười phương đều không có, chỉ có thế giới Tây Phương mới có. Sự thù thắng ở đâu vậy? Thù thắng ở chỗ, người vãng sanh hạ hạ phẩm Phàm Thánh Đồng Cư Độ mỗi ngày có thể cùng những Bồ Tát Đẳng Giác, Bồ Tát lớn của Tịch Quang Độ, Thực Báo Độ, như Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Di Lặc mà chúng ta thường hay biết, hằng ngày cùng chung sống với các Ngài, tiếp nhận sự huân tập của các Ngài. Cho nên, chúng ta có thể tưởng tượng biết được, sự tiến bộ có chậm trễ nhất cũng nhanh hơn nhiều so với mười phương thế giới. Mười phương thế giới đâu có duyên phận tốt như vậy. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể hằng ngày chung sống với những vị đại Bồ Tát, được sự giúp đỡ của họ, vô tình một cách rất tự nhiên liền dũng mãnh tinh tấn. Cho nên, thế giới Tây Phương không thối chuyển, thế giới Tây Phương thành tựu nhanh.

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chúng ta thấy, người hạ hạ phẩm vãng sanh của Phàm Thánh Đồng Cư Độ chỉ cần mười hai kiếp là hoa khai kiến Phật. Hoa khai kiến Phật là cảnh giới gì vậy? Thực Báo Trang Nghiêm Độ. Phàm Thánh Đồng Cư Độ là phàm phu mang theo nghiệp, một phẩm phiền não cũng chưa có đoạn, chỉ cần thời gian mười hai kiếp là họ liền có thể chứng được địa vị Bồ Tát Sơ Trụ Viên Giáo (tức là ở trong Biệt Giáo họ đã đăng địa rồi). Đối với chúng ta, mười hai kiếp là rất dài, nhưng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì rất ngắn. Tại sao vậy? Thọ mạng của họ dài, thọ mạng là vô lượng kiếp, thì mười hai kiếp có đáng gì? Cũng như người thế gian này của chúng ta, thọ mạng là 100 tuổi, người của Tây Phương Cực Lạc cảm thấy mười hai kiếp giống như mười hai ngày vậy, bạn mới biết sự thù thắng này. Cho nên, tâm của bạn có thể định ở Tây Phương Tịnh Độ, có thể định ở một câu Phật hiệu này, vậy thì chúc mừng bạn, bạn là chánh định thuần chánh, chánh định thù thắng vô song. Lại cộng thêm tâm bạn định ở thập thiện nghiệp đạo, chúng ta đời này làm người, sinh hoạt, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật, mỗi tâm, mỗi niệm, ngôn ngữ tạo tác đều không trái ngược thập thiện nghiệp là nhất định được sanh. Đây là chánh định của Bát Chánh Đạo nói ở trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Nói thì nghe dễ dàng, nhưng thật sự không bị dao động bởi ngoại cảnh thì mới gọi là định. Từ đó cho thấy, người chân tu hành thật sự không nhiều. Nguyên nhân gì vậy? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần thì tâm dao động, cái định này đã mất rồi (đây là điều rất đáng tiếc), điều này ở trong Phật pháp gọi là “ma chướng”. Ma chướng chính là ngoại duyên không tốt. Ngoại duyên đã phá hoại chánh định, chánh tinh tấn của bạn rồi.

Mấy ngày nay, có đồng tu từ Trung Quốc đến nói với tôi, trước đây có không ít người thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, nhất tâm niệm Phật. Gần đây, có rất nhiều người nói bản hội tập này không đáng tin cậy, không thể học bản này, cho nên tín tâm của họ dao động, thoái chuyển rồi. Đây là do không có chánh định. Họ không học bản hội tập, mà hiện nay họ đề xướng bản của Khang Tăng Khải. Không sai! Nói thật ra, kinh Vô Lượng Thọ hiện tồn tại chín loại phiên bản, bất kể thọ trì loại phiên bản nào cũng đều có thể vãng sanh, tuyệt đối không phải nói một bản nào đó có thể vãng sanh, bản nào đó không thể vãng sanh, điều này là nhất định sai lầm.

Chúng ta đối với chín loại bản này rốt cuộc tuyển chọn như thế nào? Nói thật ra, lão cư sĩ Hạ Liên Cư khi hội tập bản này, lão cư sĩ Mai Quang Hi đã nói rất rõ ràng ở trong lời tựa, tuyệt đối không phải yêu cầu mọi người thảy đều học bản hội tập của ông. Ông không có ý này. Ông chẳng qua là dùng bản này để lôi kéo mọi người tha thiết học theo kinh Vô Lượng Thọ. Tại sao dùng bản này để lôi kéo vậy? Kinh Vô Lượng Thọ có năm loại bản nguyên dịch. Văn tự phiên dịch của mỗi loại bản đều có một bộ phận rất khó đọc, chúng ta đọc không trôi chảy, hơn nữa, ý nghĩa thật sự thì cần người giảng giải mới hiểu được, không có người giảng giải chúng ta không thấy rõ ràng. Ông hội tập bản này, cái hay là văn tự lưu loát, chúng ta đọc rất trôi chảy, nghĩa lý rõ ràng, không cần người giảng, chúng ta đọc xong đều có thể hiểu ý nghĩa của nó. Cái hay là ở chỗ này. Bản này thật sự phù hợp với nguyên tắc làm văn chương trước đây của người Trung Quốc, đó là giản, yếu, tường, minh. Bản hội tập của ông làm được bốn chữ này, đơn giản, vắn tắt, cặn kẽ, minh bạch. Dùng bốn chữ này làm tiêu chuẩn để so sánh chín loại bản, thì bản của ông là số một. Chúng tôi căn cứ vào bốn chữ “Giản, Yếu, Tường, Minh” để chọn bản hội tập này. Ngày nay ở hải ngoại, hầu như mọi người đều thọ trì bản này. Người được lợi ích từ bản này quá nhiều, quá nhiều rồi. Chướng duyên ở hải ngoại ít, chướng duyên ở trong nước thì nhiều và nghiêm trọng. Nhưng bất kể chướng ngại như thế nào, chân lý rốt cuộc vẫn là chân lý, chánh pháp cuối cùng vẫn là chánh pháp. Bạn có thể chướng ngại 30 năm, 50 năm, thậm chí là 100 năm, nhưng tôi tin tưởng chắc chắn người đời sau vẫn là đọc bản hội tập này. Tại sao vậy? Vì bản này dễ đọc. Cho nên, họ không có cách gì chướng ngại một vạn năm, họ không có năng lực này. Người chướng ngại, họ rắp tâm như thế nào? Nếu như tâm của họ không thuần chánh thì nhất định đọa lạc, vì đây là phá hoại chánh niệm của người khác, chắc chắn đọa lạc.

Tôi cũng đã từng nghĩ, đồng tu đại lục ưa thích bản của Khang Tăng Khải, phản đối bản hội tập của Ngài Hạ Liên Cư. Chúng tôi tìm một thời gian, đem bản của Khang Tăng Khải giảng thật kỹ một lần, để lưu hành đến Trung Quốc đại lục. Đây là việc tốt. Bạn thích cái gì chúng tôi sẽ giảng cho bạn cái ấy. Người ưa thích bản hội tập của Hạ Liên Cư thì cứ học bản của Hạ Liên Cư; ưa thích bản của Khang Tăng Khải thì học bản của Khang Tăng Khải, tất cả đều tốt. Điều quan trọng nhất, mấu chốt của việc có thể thành tựu hay không là tâm bạn có định hay không, đây mới là khâu then chốt chân thật.

Kinh giáo tuyệt đối không phải đọc qua là có thể thành tựu, không có đạo lý này. Nói được mà không làm được thì không phải chân trí tuệ. Nói được mà không làm được thì chẳng liên quan gì với liễu sinh tử, xuất tam giới, chẳng qua chỉ là khẩu thiện mà thôi, không thể vãng sanh. Thật sự muốn vãng sanh, trước đây tôi đã giảng rất nhiều lần, tôi nói tam bối cửu phẩm là do nhân gì tạo nên vậy? Cách giảng của tôi không giống với cách nói của tổ sư đại đức xưa nay. Cách nói của tôi là, chúng ta đem giáo nghĩa của kinh Vô Lượng Thọ hoàn toàn đều làm được rồi; điều mà Phật ở trong kinh giáo bảo chúng ta làm, chúng ta thảy đều làm rồi; dạy chúng ta không được phép làm, chúng ta quyết định không có vi phạm một điều nào, thì người này là thượng thượng phẩm vãng sanh. Nếu như họ chỉ có thể làm được 90%, còn có 10% chưa thể làm được, thì người này là thượng trung phẩm vãng sanh. Giả như họ chỉ có thể làm được 80%, còn 20% chưa thể làm được, đây là thượng phẩm hạ sanh. Từ đây bạn cứ hạ dần xuống, hạ xuống đến hạ hạ phẩm vãng sanh cũng phải làm được 20%. Nếu 20% mà cũng không thể làm được thì không thể vãng sanh. Tôi dùng phương pháp này giảng, các bạn nghe xong, cảm thấy có đạo lý hay không?

Phật dạy chúng ta tu hành là phải “hành”. Nếu không thể đem kinh giáo ứng dụng vào hành vi đời sống của mình, thế thì có lợi ích gì? Chỉ nói suông thôi, khẩu thì thiện, nhưng tâm bất thiện, hạnh bất thiện thì chắc chắn không thể vãng sanh. Cho nên, tâm phải định ở trong pháp môn mình tu, tâm phải định ở trong thập thiện nghiệp đạo. Nếu như chúng ta đem tâm định vào thập thiện nghiệp đạo mà không cầu sanh Tịnh Độ, thì tương lai bạn nhất định sanh thiên, hưởng phước thiên. Hành thập thiện thì được sanh thiên thượng phẩm, đây là điều chắc chắn.

Tốt rồi, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.

A Di Đà Phật!