Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 62: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Đoạn thứ ba: Phương pháp tu học.

“Bính, chí ư nghiên cứu biện pháp”. Đoạn này nói phương pháp.

“Ư kinh văn trường giả, tất tiên thức kỳ cương lĩnh, đại đoạn chương tiết khắc định tiến độ, cung khác thung dung, chung thỉ mạc giải, nghiên cứu yếu lĩnh, lược cử kỳ đoan phàm thập”.

Kinh văn ngắn, phân đoạn của nó, tầng nấc rất dễ dàng nhìn ra. Kinh văn dài thì học sẽ tương đối khó khăn. Cho nên chúng ta học kinh, những bộ kinh luận lớn chúng ta nên đặt ở phía sau, bắt đầu học từ bộ kinh nhỏ, hoặc giả hơi dài một chút, không nên vượt quá hai vạn chữ. Kinh văn như vậy khi chúng ta học sẽ vô cùng thuận tiện, như “kinh Kim Cang”, “kinh Di Đà”, “kinh Vô Lượng Thọ” là những bộ kinh tương đối dễ dàng. Nếu như kinh Pháp Hoa hay kinh Lăng Nghiêm, khi chúng ta là người sơ học thật sự sẽ vô cùng khó khăn, vì kinh văn quá dài, văn tự của một bộ kinh xấp xỉ cũng ở khoảng 60.000 chữ (sáu – bảy vạn chữ). Chúng ta biện biệt phân đoạn, tầng nấc, bố cục, kết cấu của nó đều không phải người sơ học có thể làm được. Cho nên, trước tiên chúng ta phải nên bắt tay từ bộ kinh nhỏ.

Hai câu dưới đây chúng ta cần nhớ kỹ, học cái gì nhất định phải có tiến độ, nhất định phải “Khắc định tiến độ”. Ví dụ bộ kinh sách này, môn học này, khoảng bao nhiêu giờ thì học xong, nhất định phải có tiến độ. Tiến độ là tự mình định đặt. Phải “cung khác thung dung”, tức là làm thật cung kính, thật thận trọng. Phía dưới đã nêu ra mười cương lĩnh ở trong biện pháp.

Thứ nhất, “Thích Khoa Đề”.

Nhất là những kinh luận lưu hành thông thường này, người Trung Quốc hầu như không phân tông phái, không phân đạo tràng, mọi người đều thích đọc, như “Phẩm Phổ Môn”, ai ai cũng thích đọc. “Tâm Kinh”, “kinh Kim Cang”, “kinh Di Đà”, “kinh Địa Tạng”, hầu như là vô cùng phổ biến trong giới Phật giáo Trung Quốc. Những kinh điển này, xưa nay cũng có rất nhiều chú sớ. Những chú giải này chúng ta đều có thể tham khảo, nhưng nhất định không được có thành kiến. Có thành kiến bạn sẽ không thể học được gì. “Chỉ cung cấp cho ta tham khảo”. Nhất định tự mình phải có chủ ý riêng, không thể hoàn toàn đi theo người ta, làm như thế bạn sẽ vĩnh viễn không thể xuất đầu lộ diện. Chúng ta phải học sao cho mình có thể độc lập. Cho nên xưa nay, những đại đức này, họ giảng kinh chúng ta có thể nghe, văn tự của họ chúng ta có thể đọc, chỉ cung cấp cho mình làm tham khảo, điểm này là quan trọng hơn cả.

Chúng ta y cứ cái gì? Nhất định y cứ kinh văn. Đây chính là trước khi Thế Tôn diệt độ, chỉ dạy đệ tử Tứ Y Pháp: “Y pháp bất y nhân”. Chúng ta trực tiếp học với Phật, chúng ta là học trò của Phật, những gì mà người khác giảng, người khác chú sớ, họ đều là học trò của Phật, đều là bạn học của chúng ta, ngay cả Bồ Tát cũng là bạn học. Họ là học trò đàn anh khóa trước, chúng ta là học trò đàn em khóa sau. Những cái của học trò khóa trước có thể cho chúng ta làm tham khảo. Chúng ta trực tiếp học với Phật Đà, trực tiếp phải học kinh điển. Đây là một quan niệm rất quan trọng. Không đi theo người. Thầy của chúng ta thật sự hiểu Phật pháp, chúng ta tôn xưng là “thầy”, quả thật chúng ta tôn sư trọng đạo. Nhưng mà thái độ của thầy đối với chúng ta không phải như chúng ta tưởng tượng, thầy xem chúng ta như bạn học. Vào thời xưa thư từ qua lại, thầy viết thư cho đệ tử, viết thư cho học trò, ký tên phía sau là “Hữu Sinh”. Đây không chỉ là khiêm tốn, mà là sự thật. Chúng ta là bằng hữu, là đạo hữu đồng tham. Thầy dùng thái độ này để đối xử với học trò của mình, gọi là “Hữu Sinh” (chữ “Hữu” trong bằng hữu, chữ “Sinh” trong học sinh). Chúng ta vừa nhìn thấy chữ ký này của họ thì liền biết người này có học vấn. Cho nên, tri thức của thế xuất thế gian đều ở khiêm kính. Phật Đà đối với người đều khiêm tốn, đều cung kính.

Khổng Lão Phu Tử, chúng ta nhìn thấy trong “Luận Ngữ”, chính bản thân Ngài đối nhân, xử thế, tiếp vật là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”, ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn. Đối với tất cả người, sự vật đều cung kính, dứt khoát không dám giải đãi, không có mảy may kiêu mạn. Đây là đức hạnh của thánh nhân. Đức hạnh của thánh nhân chính là tánh đức của chính chúng ta, hay nói cách khác, chúng ta vốn dĩ là như vậy.

Trong Phật pháp nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, vốn dĩ là như vậy. Chúng ta quên mất, mê mất tánh đức, nên mới biến thành ra hình dạng như hiện nay. Tuyệt đối không nên cho rằng cái hình dạng này hiện nay là chính xác, là đúng, vậy thì hoàn toàn sai rồi. Điều này cần phải biết. Biểu hiện của thánh nhân, của Phật Bồ Tát, đó là hoàn toàn chính xác. Chúng ta hiện nay muốn cải tà quy chánh thì phải học tập theo thánh nhân. Bộ kinh này cầm trên tay, đây là nói chúng ta bắt đầu học tập, thỉnh thoảng phải xem chú giải của cổ nhân. Cổ nhân chú giải nhất định có phân đoạn. Vì vậy trước tiên chúng ta phải xem đầu đề của họ.

“Minh khoa ý do lai, cập tiên hậu chiếu ứng, sử quán thông toàn kinh huyết mạch”.

Một bản chú sớ hoàn chỉnh, chú giải kinh sách, phía trước nhất định có tổng khoa. Tổng khoa thông thường là vẽ thành biểu giải, cũng có khi không dùng phương thức biểu giải, mà dùng phương thức tầng thứ cao thấp để sắp xếp. Nhất định phải có tổng khoa, điều đó là quan trọng hơn, đặc biệt là dùng trong Đại Kinh. Cho nên phải thường xuyên xem phân đoạn và phải thuộc lòng phân đoạn ở trong tâm. Bạn phối hợp với kinh văn trước sau của toàn kinh, bạn nhìn qua là thấy ngay. Có như vậy, toàn bộ tinh thần của bạn mới có thể dồn hết vào toàn kinh. Bộ kinh này dài và thời gian giảng lâu đi nữa, bạn cũng có thể tập trung được.

Thứ hai, “Minh Tông Dụng”.

Thông thường trong một bộ kinh, phần trước nói huyền nghĩa. “Ngũ Trùng Huyền Nghĩa” của tông Thiên Thai, “Thập Môn Khai Khải” của Ngài Hiền Thủ, đều là trước khi giảng kinh đem đại cương của bộ kinh này nói một cách tổng quát. Bộ phận này là vô cùng quan trọng. Công lực của người giảng kinh, quá trình học tập của họ đạt đến trình độ nào, đều hoàn toàn biểu hiện ra ở bộ phận này. Cho nên người học rộng, họ không nghe giảng kinh (bởi vì số lần họ nghe quá nhiều, kinh văn đều rất thuộc, nghe nó làm gì), mà họ chỉ chuyên nghe huyền nghĩa, chỉ chuyên nghe báo cáo tâm đắc của bạn. Huyền nghĩa là báo cáo tâm đắc của họ. Mỗi một chú giải đều không giống nhau, qua đó chúng ta nhìn thấy tâm đắc tu học của mỗi người không giống nhau. Tuy đều là năm môn học, nhưng năm môn học này, những điều mà họ nói sẽ hoàn toàn không giống nhau, rất đáng để chúng ta làm tham khảo.

Chúng ta hiện nay học một đoạn, thì trong mỗi một đoạn lớn có ngũ trùng huyền nghĩa của đoạn lớn, mỗi một đoạn nhỏ có ngũ trùng huyền nghĩa của đoạn nhỏ. Ngoài ra, mỗi một câu kinh văn có ngũ trùng huyền nghĩa của một câu kinh văn. Bạn lên bục sẽ có chỗ giảng, không đến nỗi lên bục không biết giảng gì.

“Mỗi nhất đại khoa, giai tu minh ký, kỳ chủ chỉ cập công dụng, dĩ thức kỳ yếu dã”.

Tinh hoa nằm ở trong đoạn lớn này. “Yếu” chính là chỗ tinh hoa, chỗ sâu sắc. Cho nên bạn nhất định phải biết tôn chỉ ở trong phân đoạn này, công dụng ở trong phân đoạn này. Công dụng là gì? Nó có lợi ích gì? Nếu như không có lợi ích ta học nó làm gì? Đã học là hữu dụng, lời giáo huấn này mới là chân thật, chúng ta mới có thể thật sự học được điều gì đó ở trong kinh luận.

Thứ ba, “Thích Danh Điển” (Danh từ, Thuật ngữ, Điển cố).

“Điển cố” nhà Phật thường nói là “công án”, người bình thường nói “câu chuyện”. Danh từ, thuật ngữ, điển cố: “Tất bất đạn phiền, y sớ chú, hoặc Phật học từ điển, tra minh chi”. Cái này không thể tùy tiện nói ra, cái này có căn cứ. Cho nên, sách công cụ của chúng ta phải đầy đủ. Cái này phải tra tư liệu.

“Danh từ”, ví dụ ở trong kinh điển nói “Lục độ”, lục độ là sáu điều nào? Ý nghĩa là gì? Trong từ điển Phật học có. “A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề”, danh từ này nghĩa là gì? Thậm chí là thông thường mọi người thường nói ở cửa miệng, nhưng mà giảng không rõ ràng. Ví dụ như “Thiền định”, sao gọi là Thiền định? Người biết nói rất nhiều, nhưng mà người có thể đem hai chữ “Thiền định” giảng rõ ràng thì không nhiều, giảng mơ hồ chung chung, việc này không chấp nhận được.

Mọi danh từ, thuật ngữ chúng ta đều phải đi tra. Trong chú giải của cổ nhân có. Tra chú giải rồi, nếu như có thời gian thì tra tiếp từ điển Phật học. Từ điển Phật học phần lớn là nói sơ lược. Vả lại, nếu như danh từ này là quan trọng, cách nói của mỗi nhà có điểm không giống nhau, thảy đều phải tiết lục ra. Việc này phải tốn thời gian, dứt khoát không được lười biếng. Hơn nữa, nhất định phải tự mình đi làm, không nên nhờ cậy bạn học khác, còn mình thì lười biếng, bạn học khác tra xong rồi, chúng ta mượn bài chép lại. Tại sao vậy? Tự mình tra một lần thì ấn tượng sâu sắc, cái mà bạn có được sẽ khác người ta. Mượn bài của người khác chép lại sẽ qua loa tắc trách, trên thái độ tu học đã không đạt yêu cầu. Vì vậy, nhất định phải đích thân mình đi làm.

Thứ tư, “Thích Nghĩa Lý”.

Nghĩa lý có thể tham khảo chú giải của đại đức xưa nay.

“Chương cú hữu đạo lý tinh hoa chi sở tại, tu vi tham huyền quyết vi”.

Trong kinh luôn luôn có sự khai thị vi diệu rất quan trọng, nhưng người đọc kinh thông thường chúng ta lơ là mất, tùy tiện xem qua, không hề chú ý đến. Chỗ vô cùng quan trọng, nếu như trong chú giải không phải cổ nhân nhắc nhở chúng ta, hoặc giả thầy vì chúng ta chỉ bảo, thì chúng ta rất khó thấy ra được. Nhưng mà không thấy ra được cũng không có sao, bạn cứ học từ từ. Cho nên quí vị đồng tu nhất định phải nhớ kỹ, một bộ kinh quyết không phải nói “học một lần là tôi đã biết rồi”. Lời nói này không thể có. Sao gọi là “biết rồi”? Trong Tông môn, tổ sư đại đức kiểm tra học trò: “Biết chưa?”. Bạn biết rồi thì tuyệt vời, biết rồi là minh tâm kiến tánh, khai ngộ rồi, thế mới gọi là “Biết rồi”. Chúng ta rất thật thà đáp là “Không biết!”. Không biết thì học lại từ đầu. Bạn cứ học bộ kinh điển này cho đến khi khai ngộ, Giáo Hạ gọi là “Đại khai viên giải”, đây gọi là biết rồi. Nếu như chưa đạt đến đại khai viên giải, thì cứ học từ từ, cứ học tiếp tục. Thâm nhập một môn, quyết không thay đổi. Ta đời này chỉ học một bộ kinh này, chỉ giảng bộ kinh này, tâm sẽ định ở bộ kinh này, thì giới – định – tuệ tam học của bạn sẽ thành tựu thôi. Bạn y theo phương pháp này mà tu học, đây là giới học. Tâm bạn định ở trên một môn này, đây là định học. Có giới, có định, bạn dần dần khai trí tuệ, gọi là tích tiểu ngộ sẽ thành đại ngộ, tích đại ngộ sẽ thành đại triệt đại ngộ. Đến khi đại triệt đại ngộ, đây mới thật sự gọi là biết rồi. Sau khi biết rồi thì sẽ có trạng thái gì xuất hiện vậy? Kinh luận bạn chưa từng học, vừa cầm trên tay, bạn thảy đều biết cả, đó mới gọi là thật biết. Rất nhiều kinh luận bạn chưa từng học qua, đem đến trước mặt bạn, bạn nói “kinh này khó, không biết”, thế là bạn chưa có biết. Tam tạng mười hai bộ bày ra trước mặt, bất kỳ bộ kinh nào cầm đưa bạn, bạn thảy đều biết cả, thế mới gọi là biết rồi. Lời của cổ nhân nói là chính xác: “Một kinh thông, tất cả kinh thông”. Làm sao biết ta thông bộ kinh này rồi? Tất cả mọi kinh mở ra đều thông cả thì ta thông bộ kinh này rồi. Đây là một tiêu chuẩn.

Ngày nay tại sao Viện Phật Học không thể đào tạo ra nhân tài vậy? Vì phương pháp của nó sai lầm. Cùng lúc học rất nhiều kinh luận, nên tâm lực của họ bị phân tán, họ không được tập trung, hay nói cách khác, họ không có giới định tuệ. Những cái mà họ học giống như trường học thông thường của thế gian vậy, Phật học thông thường! Nếu bạn hỏi đến, họ cái nào cũng là đạo, giống như cái gì họ cũng biết, nhưng khi hỏi họ tỉ mỉ thì cái gì họ cũng không biết. Cái gì cũng biết mà chẳng biết gì cả, họ không khởi tác dụng. Cái này là hoàn toàn trái ngược với phương pháp dạy học của cổ thánh tiên hiền chúng ta. Phương pháp dạy học của cổ thánh tiên hiền chúng ta là trước tiên cầu căn bản trí, sau đó cầu hậu đắc trí. Ngày nay chúng ta nói căn bản trí, hậu đắc trí (đây cũng là danh từ Phật học), người hiểu được không nhiều. “Căn bản trí” là gì vậy? Là “Vô tri”. Trong kinh Bát Nhã, Thế Tôn nói: “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri”. “Vô tri” là căn bản trí, “Vô sở bất tri” là hậu đắc trí. Cho nên chúng ta cầu học, trước tiên phải cầu vô tri, sau đó mới có thể vô sở bất tri. Vô tri là gì? Một bộ kinh, những kinh khác ta đều không biết, đây là vô tri. Khi một bộ kinh này thông rồi, thì tất cả mọi kinh mở ra trước mặt không gì không biết. Không những Phật pháp bạn đều biết, mà pháp thế gian cũng biết, pháp thế xuất thế gian thảy đều thông hết. Tại sao biết thông? Trên một bộ kinh này, họ đã thành tựu giới - định - tuệ rồi. Chúng ta hạ công phu ở trên bộ kinh này là làm gì vậy? Là làm một lần hoàn thành tam học giới - định - tuệ. Ngày nay, phương pháp của Viện Phật Học dùng là đem tam học giới – định – tuệ toàn bộ đều phá sạch. Đây là sự suy yếu của Phật giáo chúng ta.

Trước đây ở Đài Loan, chúng tôi có nghe một số lão pháp sư rất cảm khái nói với tôi: “Đồ đệ này của tôi vừa mới xuất gia, chưa có vào Viện Phật Học thì rất ngoan, bảo làm cái gì cũng được, rất biết nghe lời. Vào Viện Phật Học mấy năm, khi trở về thì không còn biết sư phụ là ai nữa, mắt cứ để ở trên trán, không coi ai ra gì cả”. Về sau cảm thán nói, đồ đệ của anh không nên đưa vào Viện Phật Học, đưa vào Viện Phật Học là xong rồi. Bạn nói xem, điều này khiến người nghe khó chịu biết bao. Đây là sự thất bại của Phật Học Viện. Khi thường thức phong phú rồi, cái nhìn dần dần hướng lên trên cao thì thành ra cái gì chứ. Nói thật ra, sau khi tập khí ngạo mạn hình thành thì đến nơi nào cũng không được người hoan nghênh. Bạn coi thường người khác, người khác sẽ coi thường bạn. “Kính người thì người mới kính mình”.

Tại sao Phật pháp được quảng đại quần chúng hoan nghênh vậy? Vì Phật pháp không có ngạo mạn. Phật đối với bất kỳ người nào cũng đều khiêm tốn, đều cung kính; đối với kẻ ăn mày bần cùng cũng là khiêm tốn cung kính như vậy, cho nên Ngài được tất cả chúng sanh kính yêu, ủng hộ. Cho dù với bất kỳ người nào cũng đều có thể chung sống hòa mục, đều dùng tâm chân thành đối xử.

Chúng ta giao tế với những tôn giáo khác, tại sao chúng ta có thể giành được sự tôn kính của tôn giáo khác, chủng tộc khác vậy? Trước tiên chúng ta tôn kính họ, chỉ là đạo lý đơn giản như vậy. Chúng ta yêu mến họ, chúng ta giúp đỡ họ. Quyết không được phép cho rằng, Phật giáo chúng ta là cao hơn một bậc so với tôn giáo bạn, thế là xong rồi, bạn biến thành đơn độc lẻ loi, cô lập rồi, bạn sẽ không có bạn bè. Tôi giao thiệp với họ, tôi nói Phật giáo là số một, Cơ Đốc giáo cũng là số một, Hồi giáo cũng là số một, tôn giáo nào cũng là số một. Họ nghe xong, rất hoan hỷ. Bình đẳng, thật sự là như vậy!

Tôi nêu ví dụ nói, Phật giáo chúng ta giống con mắt, Cơ Đốc giáo giống lỗ tai, Hồi giáo giống lỗ mũi. Tôi cái gì cũng số một thì cơ thể khỏe mạnh. Nếu như là Phật giáo số một, mắt tôi số một, lỗ tai không bằng, lỗ mũi cũng không bằng, thì thân của bạn chẳng phải đã bị bệnh rồi sao? Toàn thân chỉ có một cái số một, những cái khác đều tệ, thì người này sắp chết, không thể sống rồi. Cái nào cũng số một thì xã hội của chúng ta khỏe mạnh, thế giới này của chúng ta khỏe mạnh. Quí vị phải biết đạo lý này. Cái nào cũng số một thì chúng ta mới đối xử bình đẳng, chung sống hòa mục, mới có thể đạt được hòa bình. Gốc của hòa bình là bình đẳng, không bình đẳng tuyệt đối không có hòa bình.

Hòa là thế nào vậy? Hòa tức là cái nào cũng số một, bất kể nước lớn, nước nhỏ, mỗi một quốc gia đều là số một. Bất luận giàu nghèo quí tiện, mỗi người đều số một, mỗi một chủng tộc đều số một, mỗi một tôn giáo đều số một, không có số hai, đây là khỏe mạnh.

Họ tiếp nhận cách nói này của tôi, cho nên rất hoan hỷ giao thiệp với tôi. Tôi không hề xem họ là thứ hai, chúng ta cũng không làm giảm giá trị mình xuống thứ hai. Tất cả đều là số một.

Trong kinh luận luôn luôn có một câu, hai câu mà tinh hoa nghĩa lý nằm ở trong đó. Chúng ta cần nên phát hiện, cần nên lấy nó ra, giải thích thấu triệt, như thế này bản thân được thọ dụng, cũng có thể giúp đỡ người khác.

Điều thứ năm, “Nghiên Cứu Khoa Phán”.

“Ưu đại khoa trung, tế phân tiểu khoa, dũ tế dũ hảo, dĩ quán kỳ chương pháp kết cấu giả”.

Trước đây chúng tôi đã đem kinh Vô Lượng Thọ phân đoạn ra rồi. Kinh Vô Lượng Thọ là một bộ kinh lớn, tuy không phải rất dài, nhưng sơ học vẫn gặp khó khăn. Cái hay là trước đây lão pháp sư Từ Châu (pháp sư Từ Châu của thế hệ trước, chứ không phải pháp sư Từ Châu hiện nay) đã phân đoạn bản hội tập của Ngài Hạ liên Cư. Tôi trước đây ở Bắc Kinh, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đem cách phân đoạn này đưa cho tôi. Tôi sợ thất lạc, cho nên in trên bản kinh, như vậy là có thể lưu thông rộng rãi. Từ cách phân đoạn của ông cho thấy, nó không phải là bản này chúng ta dùng hiện nay. Chúng ta biết, lão cư sĩ Hạ Liên Cư sau khi hội tập thành công, thì bản này đã từng chỉnh sửa lại rất nhiều lần. Đó là bản thời kỳ đầu của ông, hội tập sớm nhất lúc đầu, nó được chia thành 37 phẩm. Có lẽ tôi nghĩ là dùng con số “37 đạo phẩm”, nên ông chuyển thành 37 phẩm. Hiện nay là 48 phẩm. Vì vậy cách phân đoạn 37 phẩm này có thể để chúng ta làm căn cứ. Từ cách phân đoạn đó của ông, chúng ta làm lại lần nữa. Dựa vào bản của ông làm bản gốc, phân đoạn lại một lần nữa, đưa ra cho các đồng tu cùng nhau nghiên cứu thảo luận. Cách phân đoạn này, các bạn đồng học tương lai khi học kinh, trước tiên phải tốn một chút thời gian, đem cách phân đoạn này kiểm thảo lại một lần nữa. Các bạn không nên cho rằng, chúng tôi trước đây phân đoạn là không có sai lầm, là có thể theo, không cần phân lại. Bạn có thể dùng cách phân chia của mình, bạn cũng phân được. Tức là cách phân đoạn này cung cấp cho các đồng tu làm tham khảo, các bạn tự mình làm. Giống như bản sách này, các bạn hiện nay nhìn thấy có bản chú giải, đó là pháp sư Ngộ Văn ghi chép. Thầy ấy viết ra từ trong băng ghi âm của tôi diễn giảng, lúc đó tôi bảo thầy ấy viết. Sau khi viết xong, tôi xem lại thấy chưa thật thỏa mãn. Các bạn học tập giáo trình này phải viết lại từ đầu, tức là đem bản này của chú ấy đính chính lại lần nữa. Chỗ cần bổ sung có thể bổ sung thêm ý nghĩa vào. Nếu như thấy nó rườm rà, có thể đem nó sửa chữa lại. Hy vọng bản chú giải này có thể càng ngày càng hoàn hảo hơn, cung cấp cho người sau này làm tư liệu tham khảo. Cho nên, bản chú giải này chúng ta có thể sửa đổi, đây không phải là bản đã hiệu đính. Sau khi các bạn làm xong, hãy đưa tôi xem.

Thứ sáu, “Thí Giảng Kinh Văn”.

“Dĩ nghiệm nghiên học kinh văn, thị phủ sướng đạt, hựu khả luyện tập giảng thái dã”.

Phần trước công việc chuẩn bị nhiều như vậy, sau khi bạn làm xong rồi, bạn có thể bắt đầu giảng kinh văn. Từ đó cho thấy, trước khi giảng kinh văn, bạn đều phải có chuẩn bị đầy đủ những gì mà phần trước đã nêu ra. Nếu không thì khi bạn lên bục giảng kinh, nếu như có người trong nghề tham dự, họ sẽ chỉ ra từng chỗ, từng chỗ lỗi lầm của bạn. Cho nên nói, sai lầm chồng chất, mà mình hoàn toàn không biết; người trong nghề nghe qua, thấy “lỗi lầm chồng chất”. Lời nói này hoàn toàn không quá mức. Trước đây thầy Lý nói đùa với chúng tôi, tôi thể hội được ý này, tôi mới nói với thầy: “Thế nào là lỗi lầm chồng chất?”. Ví dụ bộ kinh này giảng mười ngày (mỗi ngày giảng một tiếng đồng hồ, mười ngày thì giảng xong), mỗi ngày chỉ ra cho bạn mười chỗ lỗi; không dừng ở mười lỗi, mỗi ngày chỉ ra cho bạn hai mươi đến ba mươi lỗi, khi kết thúc mười ngày là hai trăm đến ba trăm lỗi, đây chẳng phải là lỗi lầm chồng chất sao? Không sai tí nào! Cho nên chúng ta là người sơ học thì phải thật tỉ mỉ, thật cẩn thận, thật khiêm tốn, phải hướng về người thỉnh giáo. Chúng ta là người đến học giảng kinh, trên bục là học trò, dưới bục là thầy. Chúng ta xem người dưới bục đều là thầy, là giám khảo của chúng ta, chúng ta lên bục giảng là để báo cáo tâm đắc. Sau khi báo cáo xong, phải chân thành, khiêm tốn hướng về thính chúng thỉnh giáo, thỉnh cầu phê bình chỉ dạy. Nghe thấy người ta phê bình, nhất định phải thành khẩn tiếp nhận. Dứt khoát không được phép vẻ bề ngoài thì “Xin anh chỉ giáo”, mà khi người ta đưa ra lời phê bình thì trong lòng không vui, vẻ mặt tỏ ra rất khó chịu, sau này còn có người nào phê bình bạn chứ? Không có người phê bình, bạn vĩnh viễn sẽ không tiến bộ. Cho nên, nhất định phải chân thành. Nếu họ phê bình sai, sai cũng tiếp nhận. Tại sao vậy? Những người khác mới thật sự chịu phê bình bạn. Nếu họ phê bình sai, bạn không tiếp nhận, thì lần sau có thể có một loạt người không dám phê bình bạn. Vì vậy, phê bình sai, bạn cũng tiếp nhận, thành tựu đại đức, đại hạnh của mình.

Trong “Trinh Quán Chính Yếu”, chúng ta xem thấy Vua Đường Thái Tông, đây là một vị vua, một người lãnh đạo tuyệt vời. Ông vô cùng hoan hỷ tiếp nhận người khác phê bình. Có người phê bình sai, Đường Thái Tông cũng vô cùng hoan hỷ. Người bên cạnh nói: “Lời người ấy nói không đúng”. Đường Thái Tông nói: “Nếu như trẫm bác bỏ họ, sau này còn ai dám kiến nghị với trẫm?”. Đây là một người tuyệt vời. Tuy ông là một vị vua tôn quí, nhưng chỉ cần khi nhìn thấy bản thân ông lỗi lầm, hay lỗi lầm của quốc gia, đều có thể tùy ý nói ngay trước mặt ông. Ông tuyệt đối sẽ không trách cứ bạn, dù nói sai cũng không trách cứ bạn. “Trinh Quán Chi Trị” có được không dễ dàng. Một người mà không tiếp nhận phê bình là xong rồi, họ không có chuyện không tạo tội nghiệp. Tất cả lỗi lầm của họ, bản thân họ không biết, cái gọi là “việc mình thì tối, việc người thì sáng”. Nhất định phải tiếp nhận phê bình, hoan hỷ tiếp nhận phê bình, thì bạn nhất định sẽ tiến bộ, bạn tiến bộ mới nhanh.

Thứ bảy, “Tuyển Tụng Kim Cú”.

Đây là kinh văn dài. Kinh văn dài “Vị dị ký tụng”. “Ký” là bạn có thể ghi nhớ, “Tụng” là thuộc lòng. Kinh quá dài, đối với việc nhớ thuộc lòng cảm thấy khó khăn, thế phải làm sao? Những lời giáo huấn quan trọng, những câu quan trọng trong đây nhất định phải học thuộc lòng. Như chúng tôi hiện nay viết “Tịnh Tông Đồng Học Tu Hành Thủ Tắc”, chúng tôi đem lời giáo huấn quan trọng trong bộ kinh Vô Lượng Thọ, toàn kinh chúng tôi đã trích ra sáu mươi hai câu. Sáu mươi hai câu này nhất định phải học thuộc, thuộc hằng ngày, thường xuyên ghi nhớ ở trong tâm. Thế là chúng ta ở trong đời sống thường ngày, đối với người, với sự, với vật, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm chúng ta lập tức liền nghĩ đến, ta có làm trái ngược với lời giáo huấn trong kinh điển không? Ta nghĩ như vậy, ta nói như vậy, ta làm như vậy, Phật có cho phép không, có đồng ý không? Ở trong tâm chúng ta đã liệt kê ra rồi. Phù hợp tông chỉ kinh luận là chúng ta đang đi trên con đường Bồ Tát đạo, đường chúng ta đi là chánh đạo. Trái ngược với lời giáo huấn trong kinh điển là chúng ta đi theo tà đạo, chúng ta đã bước vào đường tà rồi. Đối với những câu hay ở trong tất cả kinh luận, nhất định phải ghi chép lại. Tự mình chuẩn bị một cuốn sổ tay nhỏ, có thể mang theo bên mình. Công phu này không thể không làm. Tương lai đến khi mình vì người khác giảng giải, dẫn chứng kinh điển, bạn nhớ nhiều, nhớ rất kỹ, có thể vận dụng một cách tự nhiên.

Thứ tám, “Tu pháp hành sự”.

Đây là điều quan trọng nhất. Học bộ kinh này, nhất định phải biết phương pháp tu hành. “Hành sự” là ứng dụng vào trong đời sống thường ngày của mình, bạn thật sự học được rồi.

“Kinh giả kính dã”. Chữ “Kinh”, cổ nhân có dịch là “Kính”, là giống như tấm kính vậy.

“Tụng nghiên giai chiếu tâm hành, ấn tri kiến, chánh hành trì, phương đắc thực ích”.

Chúng ta nghiên cứu, chúng ta đọc tụng, đối chiếu tâm hành (tâm hành là ý nghĩ, là khởi tâm động niệm). Chúng ta khởi tâm động niệm có tương ưng với điều đã nói trong kinh điển hay không?

“Ấn tri kiến”. Ấn là ấn chứng. Tri kiến của chúng ta là Chánh hay là Tà, là Thiện hay là Ác, chúng ta dùng kinh luận để làm chứng minh. Nếu tri kiến của chúng ta tương ưng với điều mà trong kinh nói, thì đây là chánh tri chánh kiến. Nếu như trái ngược lại với điều mà trong kinh đã nói, vậy chúng ta là tà tri tà kiến. Đặc biệt là đồng tu sơ học, dứt khoát phải từ bỏ thành kiến của mình, phải từ bỏ tập khí phiền não của mình, tùy thuận theo giáo huấn Phật Đà. Chúng ta hiện tại chưa có khai ngộ, chưa có kiến tánh, cũng chính là nói, chúng ta không có cách gì phân biệt rõ đường đi, cho nên chỉ có đi theo Phật thì nhất định không sai. Đường Phật đi là chánh đạo, đường thánh nhân đi là chánh đạo. Phàm là những cái gì của thánh nhân đều có thể gom lại được. Ví dụ Nho gia, Khổng Lão Phu Tử, những điều mà Khổng Mạnh dạy người, tổng cương lĩnh của nó chính là một chương ở phần trước của “Đại Học”.

“Đại học chi đạo,

Tại minh minh đức,

Tại thân dân,

Tại chỉ ư chí thiện”.

Bốn câu này chính là tứ hoằng thệ nguyện của nhà Phật. Các bạn thử nghĩ, “Tại minh minh đức” chính là “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” ở trong tứ hoằng thệ nguyện.

“Minh đức”, Tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, chính là đoạn phiền não, học pháp môn.

“Tại thân dân”, “thân dân” chính là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.

“Tại chỉ ư chí thiện”, chí thiện chính là “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

Bạn đem nó dung hợp lại đều giống nhau. Cách nói không giống nhau, nhưng ý nghĩa đều tương đồng. Mấy câu nói phía sau là vô cùng quan trọng, dạy chúng ta “Tri chỉ nhi, hậu hữu định”. Tâm của chúng ta tán loạn rồi, từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung. Nguyên nhân gì vậy? Không biết dừng. Tâm thánh nhân là định. Tại sao vậy? Họ biết dừng. Họ dừng ở đâu vậy? Dừng ở chí thiện. Hay nói cách khác, đời người của họ, họ có phương hướng, họ có mục tiêu, họ không loạn tí nào cả. Chúng ta hiện nay giống như đi thuyền trên biển lớn, không có phương hướng, không có mục tiêu, không biết đi về đâu, cho nên tâm của chúng ta không định. Nhà Nho trước đây, tâm họ cũng là tâm định, cho nên có thể thành tựu đức lớn, năng lực lớn, thành tựu vô lượng công đức, nó có đạo lý.

Phía sau luôn luôn chỉ dạy chúng ta, mấu chốt đều ở “biết dừng”. Từ đó cho thấy, “biết dừng” là quan trọng biết bao. Chúng tôi trước đây giảng kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt lấy ra một chương “Tri Túc Thiên Vương” để lưu hành riêng biệt. Chương đó giảng cũng đặc biệt tường tận. Tri Túc Thiên Vương là biết dừng. Tâm của họ là tâm định. Tâm định thì liền sinh trí tuệ. Trí tuệ mở rồi mới có thể giải quyết tất cả vấn đề. Cho nên, kinh luận ấn chứng tri kiến của chúng ta, chỉnh sửa sự hành trì của chúng ta (hành trì chính là ngôn hạnh), như thế bạn mới được lợi ích chân thật. Đây gọi là tu hành chân chánh.

“Tu hành” là chỉnh sửa quan niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm, hành vi sai lầm của chúng ta. Tiêu chuẩn tuyệt đối của việc phân chia Tà và Chánh chính là tâm tánh. Tâm hạnh tương ưng với tâm tánh là “Chánh”, là “Thị”. Loại tâm hạnh trái ngược lại với tâm tánh là “Tà”, là “Phi”. Cho nên đây không phải tiêu chuẩn của một người nào, không phải tiêu chuẩn của Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng không phải tiêu chuẩn của Khổng Lão Phu Tử, mà là tiêu chuẩn vốn đầy đủ trong tự tánh. Bất kỳ một chúng sanh nào, chỉ cần họ minh tâm kiến tánh thì cái họ lưu xuất ra tự nhiên sẽ là như vậy, cái gọi là “Phật Phật đạo đồng”. Họ giống như một cách tự nhiên, không có mảy may miễn cưỡng. Học kinh, cách học phải như vậy mới có thọ dụng.

Thứ chín, “Thảo Luận Vấn Đề”.

Hiện nay, ở trong lớp chúng ta, đồng học nhiều, hằng ngày cùng nhau nghiên cứu thảo luận, trao đổi tâm đắc lẫn nhau, có thể nâng cao cảnh giới của mình. “Diệc khả trợ nhập giai cảnh”.

Thứ mười, “Tham khảo tư liệu, quảng tập chư sớ, cập hữu quan kinh luận, tinh độc kỳ yếu, thái trường bổ đoản”.

Đây là sau một giai đoạn học tập, đem mình nâng cao lên, không thể không thường xuyên đọc lại những tư liệu tham khảo này. Tư liệu tham khảo là bổ trợ môn kinh luận chủ tu này của mình, cho nên chủ - khách phải phân rõ ràng.

“Kỵ dĩ tình kiến, đương dĩ trí trạch”. Mấu chốt là ở hai câu này, nhất định phải có trí tuệ, không thể xử sự bằng tình cảm. Ta thiên vị pháp môn nào, thiên vị vị thiện tri thức nào đó, đây là “Tình kiến”, không phải là trí tuệ! Ở trong trí tuệ không có phân biệt, không có chấp trước, nhất loạt bình đẳng, chính là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đây là trí tuệ. Có trí tuệ mới có sự lựa chọn chính xác. Lựa chọn chính xác giúp chúng ta khai ngộ. “Tắc tất năng trợ diệu ngộ dã”.

Đoạn phía dưới, “Đinh, lý minh tắc mê phá, thị vị khán phá, khán phá quí phóng hạ”.

Đoạn này là dạy bạn buông xả tri kiến sai lầm, buông xả ngôn hạnh sai lầm.

“Thử vi chân thực công phu, tất năng phóng hạ, nhi hậu đắc tự tại tùy duyên. Tự hành hóa tha, tác Di Đà sứ giả, thệ chí tuyên hóa, phổ lệnh quần manh đồng quy tịnh thành thử nghiên kinh chi quả dụng dã”.

Mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều là “Sứ giả Di Đà”. Quí vị hãy xem tỉ mỉ ở trong kinh điển, quý vị sẽ phát hiện, thế giới Tây Phương Cực Lạc chẳng khác gì trường đại học Phật giáo, Phật A Di Đà là hiệu trưởng, chư Phật mười phương đều ở khắp các nơi chiêu sinh thay cho A Di Đà Phật. Người có thể tin nhận thì trực tiếp đưa đi, cử đi đến trường. Đây chính là tu pháp môn Tịnh Độ. Người không tin pháp môn này, Phật dạy những pháp môn khác, rẽ một vòng, trước tiên đưa bạn đến thế giới Hoa Tạng; sau đó, từ thế giới Hoa Tạng, Bồ Tát Phổ Hiền, Văn Thù lại hướng dẫn bạn đến thế giới Cực Lạc, đi rẽ một vòng. Cho nên chúng ta biết, tất cả chư Phật Bồ Tát thảy đều là sứ giả của Phật A Di Đà, không thể nghĩ bàn.

Chúng tôi dùng thời gian rất ngắn, đem đại ý gợi ý một chút với quí vị. Phía sau bài “Giảng Ký” này là tương đối giảng kỹ càng, quí vị tự mình có thể tham khảo, có thể xem nhiều một chút. Hôm nay tôi rất cảm ơn mọi người, các bạn đã tặng thiệp chúc tết cho tôi, mọi người đều ký tên rồi.

A Di Đà Phật !!