Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 47: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Kinh văn: “Tuệ trang nghiêm cố, năng đoạn nhất thiết, phân biệt vọng kiến”.

Phần kinh văn phía trước là nói đem thập thiện nghiệp đạo thực tiễn vào trong lục Ba-la-mật của Bồ-tát. Đây là một đoạn cuối cùng của “Bát Nhã Ba-la-mật”. Giới-Định-Tuệ tam học là ba nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật từ sơ phát tâm mãi đến viên mãn Bồ Đề nhất định phải tuân thủ. Định là thể của tâm, Tuệ là quán chiếu của tâm, Giới là hành vi của tâm, cho nên gọi là tam học hay tam bảo. Tuệ là Phật bảo, Định là Pháp bảo, Giới là Tăng bảo, chúng ta gọi Phật-Pháp-Tăng tam bảo. Tam bảo đầy đủ là hành đạo Bồ-tát, gọi là học Phật. Thiếu một điều trong ba điều thì chắc chắn không thể thành tựu. Cổ nhân nói, ba điều này ví như ba chân của cái vạc, thiếu một chân sẽ bị ngã đổ ngay, không thể đứng vững. Vì vậy, chúng ta muốn học Phật thì ba điều này không thể không xem trọng. Quí vị hãy suy nghĩ thật kỹ, vô lượng vô biên pháp môn, nếu bạn đem nó quy nạp lại thì cuối cùng quy nạp thành ba điều này. Vì vậy tam học là tổng cương lĩnh hành môn của Bồ-tát.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là giới học, là đại căn đại bản trong giới học. Trong đời sống thường ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều tương ưng với thập thiện thì mới gọi là người học Phật. Nếu như vẫn cứ tương ưng với thập ác, tức là đi ngược lại với Phật pháp, thì càng đi càng xa. Dứt khoát không được cho rằng giới nho nhỏ thì có thể bỏ. Cái tư tưởng này ở thời cận đại vô cùng thịnh hành, thậm chí là trong lúc chúng ta thọ giới. Khi tôi thọ giới, pháp sư ở trong giới đàn, thầy truyền giới cũng đều nói, giới nho nhỏ có thể bỏ, cho rằng đại giới chúng ta phải giữ, không được phép phạm, còn giới nho nhỏ thì không sao cả. Phật giáo ngày nay suy vi đến mức độ này, nguyên nhân là gì vậy? Là “giới nho nhỏ có thể bỏ”, hỏng tại chỗ này. Đâu biết rằng tích tiểu ác sẽ thành đại ác. Chúng ta coi thường việc thiện nho nhỏ nên không chịu làm, mà ác nho nhỏ bản thân lại không thể ngăn cấm, cho nên tuy cả đời học Phật nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi đọa ác đạo. Nguyên nhân này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải sáng tỏ. Người tu hành chân chánh, quan niệm của họ hoàn toàn ngược lại với chúng ta, việc thiện cực nhỏ họ chịu làm, việc ác cực nhỏ họ rất cẩn thận, không để phạm, cho nên họ có thể thành tựu. Đây gọi là trí tuệ chân thật. Người thế gian là khôn vặt mà hư việc lớn.

Trong sáu cương lĩnh pháp hành của Bồ-tát, năm điều phía trước đều là chú trọng ở trên sự, một điều sau cùng này là ở trên lý. Điều này phải làm như thế nào? Phật ở trong kinh luận nói với chúng ta rất rõ ràng, lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là tuệ. Trong kinh Bát Nhã nói “Tam luân thể không”, chúng ta tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, lìa tất cả tướng, tu tất cả pháp, đây gọi là Bát Nhã Ba-la-mật. Cho nên Bát Nhã không thể tách rời năm phần phía trước. Tách rời năm phần phía trước thì Bát Nhã tan thành mây khói, vì Bát Nhã đó chỉ có lý, không có sự. Cần phải có lý, có sự thì Bát Nhã mới viên mãn, không đến nỗi lệch về một bên.

Chúng ta đã từng nghe qua, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, bản thân Ngài giảng kinh thuyết pháp 49 năm, trong đó đã dùng 22 năm để giảng Bát Nhã. Chúng ta nhìn từ lịch sử mới biết, Phật giáo hóa chúng sanh đích xác là lấy Bát Nhã làm trung tâm. Nếu như không có Bát Nhã thì năm điều phía trước là thiện, từ bố thí đến thiền định đều là thiện. Bạn tu bố thí, tu trì giới, tu nhẫn nhục, tu tinh tấn, tu bốn điều này thì quả báo của bạn ở trời Dục Giới. Nếu như bạn tu thiền định thì quả báo của bạn ở trời Sắc Giới, trời Vô Sắc Giới, cũng chỉ hưởng phước trời, không ra khỏi tam giới. Nếu như bạn có tu Bát Nhã Ba-la-mật ở bên trong thì bạn liền thoát khỏi tam giới. Không những thoát khỏi tam giới mà còn thoát khỏi thập pháp giới, vậy mới đạt được thành tựu cứu cánh viên mãn. Ngài giảng Bát Nhã 22 năm, thời gian giảng nhiều như vậy. Kinh Đại Bát Nhã là bộ kinh lớn nhất trong kinh Phật, kinh Hoa Nghiêm chỉ có 80 quyển, còn kinh Đại Bát Nhã có 600 quyển. Trong kinh có những câu lặp lại hơn cả ngàn lần, vạn lần. Có người nói, người Trung Quốc không thích lặp lại, người Trung Quốc từ xưa thích đơn giản rõ ràng, văn tự ngôn ngữ đều coi trọng đơn giản chính yếu, vừa rõ ràng, vừa đầy đủ. Đây là tiêu chuẩn ngôn ngữ văn chương. Vào thời xưa, có thể đạt đến tiêu chuẩn này là văn chương hay, ngôn ngữ hay, mới không rắc rối. Nhưng tập tánh của người Ấn Độ với người Trung Quốc không giống nhau. Người Ấn Độ ưa thích lặp lại liên tục, lặp lại hết lần này đến lần khác. Chúng ta thử suy nghĩ thật kỹ, nó có cái hay của nó. Khuyên bảo một lần, vài lần, người liền quay đầu giác ngộ thì ít lắm. Bao giờ cũng ngàn lần dặn dò, vạn lần nhắc nhở họ mới quay đầu, mới thật sự giác ngộ. Đối với người Trung Quốc hiện nay phải dùng phương pháp này của Phật pháp mới có hiệu quả. Phương pháp cổ xưa của Trung Quốc chúng ta tuy hay, nhưng hiệu quả không bằng Phật pháp. Phật pháp coi trọng việc lặp lại liên tục. Cho dù bạn đã quay đầu rồi, đã giác ngộ rồi, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh rồi nhưng vẫn phải lặp lại như vậy, nguyên nhân gì vậy? Bạn giác ngộ rồi nhưng người khác chưa giác ngộ. Phật pháp lấy lợi ích chúng sanh làm hàng đầu, sau đó mới là tự lợi. Sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa quả thật mà nói chính là ở điểm này. Pháp Đại thừa là lấy lợi ích chúng sanh làm hàng đầu, cho nên đem từ bi đặt lên phía trước. Pháp Tiểu thừa là lấy tự lợi làm hàng đầu, cho nên đem tịch tịnh đặt lên phía trước. Pháp mà Trung Quốc tiếp nhận là pháp Đại thừa, ở trong từ bi tu tịch tĩnh, đây là tự lợi, tha lợi đôi đường. Tịch tĩnh là thiền định. Từ bi thực tiễn trong bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nếu như tách rời bốn điều phía trước này thì từ bi chỉ là lời nói suông. Từ bi phải thực tiễn vào trong đời sống thường ngày. Ý nghĩa này phần trước cũng đã báo cáo qua với quí vị rồi.

Tâm bố thí nhất định không thể đoạn, vì bố thí là lợi ích chúng sanh, lợi ích chúng sanh khổ nạn. Những người nào có khổ nạn vậy? Tam giới sáu cõi người nào cũng có khổ, có nạn, chỉ là khổ nạn mà họ tiếp nhận có khác nhau thôi. Có một số người bất kể ở tinh thần hay vật chất, thân tâm đều chịu khổ nạn, rất đáng thương. Có một số người hưởng thụ vật chất rất đầy đủ, nhưng tinh thần rất khổ. Lại có một số người hưởng thụ tinh thần đầy đủ, nhưng trên đời sống vật chất có khổ nạn. Trong kinh Phật thường hay nêu điển hình, người có phước báo lớn nhất ở trong tam giới như Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương, họ có khổ nạn không? Có! Họ có khổ nạn gì vậy? Không ra khỏi luân hồi, đây là khổ nạn của họ. Hay nói cách khác là nhất định phải tiếp nhận luân hồi, họ hưởng hết phước trời rồi thì nhất định phải đọa lạc. Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là thiện ác xen tạp, không có thuần thiện, cũng không có thuần ác, chỉ là thiện nhiều hay là ác nhiều. Tất cả chúng sanh thọ báo khác nhau, mỗi một người đều là tự mình tạo, tự mình nhận. Nếu như chúng ta hiểu rõ, hiểu sáng tỏ rồi thì trí tuệ chúng ta liền mở ngay, tuyệt đối sẽ không oán trời trách người. Người khác cám dỗ bạn tạo tội, tại sao bạn tiếp nhận? Vì vậy vẫn là trách mình, không thể trách người khác. Họ cám dỗ ta, tại sao ta không cám dỗ họ? Ắt có nhân trước. Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Cho nên Phật dạy chúng ta phải có định, phải có tuệ. Có định, có tuệ thì hành vi của bạn sẽ tương ưng với giới.

Nói đến giới học là nói nghĩa rộng, nhất định không phải nghĩa hẹp. Hiện nay rất nhiều người học Phật khi nghe đến giới thì liền nghĩ đến ngũ giới, giới tỳ kheo, giới tỳ kheo ni, giới Bồ-tát, đều nghĩ đến những giới này. Phạm vi những giới này quá nhỏ hẹp, đây là Phật dạy cho người mới học, còn dạy Bồ-tát không phải cách dạy này. Các bạn xem trong ba đoạn phía trước của Tứ Thập Hoa Nghiêm, tỳ kheo Kiết Tường Vân là đại biểu Phật bảo, tỳ kheo Hải Vân đại biểu Pháp bảo và tỳ kheo Diệu Trụ đại biểu Tăng bảo. Cái mà bên trong đó nói với cái mà Đại thừa thông thường nói là chỉ hơi có chút khác biệt. Tỳ kheo Kiết Tường Vân dạy chúng ta (dạy Thiện Tài chính là dạy chúng ta) pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật chú trọng ở niệm Phật Tam Muội, chú trọng ở định học. Tỳ kheo Hải Vân nói pháp, pháp chú trọng ở trí tuệ. Tỳ kheo Diệu Trụ chú trọng ở giới hạnh. Cho nên ba cái mà họ đại biểu là tam học Giới-Định-Tuệ, là Phật-Pháp-Tăng tam bảo. Định với tuệ có thể thay nhau làm thể hay dụng. Định là thể, định khởi tác dụng chính là tuệ. Tuệ là thể, tuệ khởi tác dụng chính là định. Định và Tuệ là một, chẳng phải hai. Bạn thử xem, giới học mà tỳ kheo Diệu Trụ nói là quá rộng lớn. Ngài đại biểu Đại thừa, Ngài nói ra 18 loại giới, chính là 18 loại lớn của giới học. Điều đầu tiên chính là tâm đại bi. Ở trong giới điều, chúng ta không nhìn thấy tâm đại bi, nhưng “giới không bỏ tâm đại bi”, cho nên Bồ-tát niệm niệm phải bi mẫn tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Cái gì là khổ? Lục đạo, thập pháp giới là khổ. Làm sao giúp họ thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới. Được vui là gì vậy? Chứng được nhất chân pháp giới, đó là vui. Tiêu chuẩn của lìa khổ được vui được ấn định ở chỗ này. Không phải nói, bạn ngày nay không có ăn, chúng tôi tặng một ít tài vật cứu giúp bạn, để bạn được no đủ là bạn lìa khổ được vui. Đây là việc nhỏ tầm thường, vụn vặt. Tiêu chuẩn khổ-lạc đích thực là làm thế nào có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi thập pháp giới, đây gọi là Phật pháp Đại thừa.

Mục tiêu cuối cùng của Đại-Tiểu thừa cũng có khác nhau. Mục tiêu cuối cùng của Tiểu thừa là thoát khỏi lục đạo luân hồi, lìa khổ, được vui, còn mục tiêu của Đại thừa là thoát khỏi thập pháp giới. Hai mục tiêu này không giống nhau. Cho nên Tiểu thừa chứng được quả A-la-hán là đã thoát khỏi sáu cõi luân hồi, họ cho rằng đó là viên mãn rồi. Bồ-tát thì không được, Bồ-tát phải thoát khỏi mười pháp giới. A-la-hán còn ở trong mười pháp giới. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật là còn trong mười pháp giới. A-la-hán cho rằng có thể đạt đến định là được rồi. Chúng ta thấy trong kinh Lăng Nghiêm, định thứ chín là thoát khỏi sáu cõi. Định cao nhất của sáu cõi là định thứ tám, chúng ta gọi là tứ thiền bát định, cái định này chưa thoát khỏi tam giới, đến định thứ chín mới là thoát khỏi. Nhưng mà định vẫn không thể thoát khỏi mười pháp giới, cho nên nhất định phải khai tuệ, sau khi trí tuệ mở rồi thì có thể thoát khỏi mười pháp giới. Quả báo của họ nói rất rõ ràng là “đoạn được tất cả phân biệt, vọng kiến”. Vọng kiến chính là vọng tưởng, phân biệt, chúng ta cũng gọi là phân biệt, chấp trước. Sau khi khai trí tuệ rồi thì có thể lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phải làm thế nào giúp chúng ta khai tuệ vậy? Chúng ta ở trong đời sống trước mắt, đối với tất cả người, sự vật dùng hết khả năng, không nên phân biệt, không nên chấp trước, không nên đem những sự việc này để ở trong tâm. Đem những sự việc này để ở trong tâm chính là vọng tưởng; không để nó ở trong tâm thì vọng tưởng sẽ không còn nữa. Nếu quả thật là trong tâm làm đến được không phân biệt, không chấp trước thì dễ khai ngộ. Nhà Phật thường nói căn tánh lợi, căn tánh độn. Người căn tánh lợi chính là không đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước để ở trong tâm, những thứ này rất tan nhạt, đây là căn tánh lợi. Người có phân biệt, chấp trước rất nặng là người căn tánh độn, không dễ gì khai ngộ. Cho nên, tổ sư đại đức dạy chúng ta phải “nhìn thấu, buông bỏ”, từ chỗ này bồi dưỡng căn tánh Đại thừa viên đốn của chúng ta.

Trong bộ kinh này, Phật chỉ dạy chúng ta thập thiện là cơ sở của pháp hành, cũng chính là cơ sở của giới hạnh. Thập thiện là thuộc về giới, đem thực tiễn vào bố thí, vào trì giới, vào nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Bát-nhã (trí tuệ là Bát-nhã), thực tiễn như thế nào thì họ được lợi ích như thế ấy. Một điều bố thí nói cặn kẽ, phần sau đều là nói những điều chính yếu để chúng ta từ một suy ra nhiều, nghe một biết mười. Đoạn này là áp dụng vào sáu Ba-la-mật, chúng ta đã giới thiệu đơn giản qua.

Chúng ta xem phương pháp sắp xếp trong kinh điển thì biết được đây là Đại thừa, không phải Tiểu thừa. Đoạn thứ hai dưới đây nói từ bi hỷ xả, tứ vô lượng tâm. Từ chỗ này ta thấy, Thế Tôn trước tiên dạy Bồ-tát, sau đó mới dạy đại chúng thiên nhân, sau cùng mới khuyên Tiểu thừa. Cách thức sắp xếp của Ngài khiến chúng ta ngay chỗ này có sự thể hội sâu sắc, nhìn thấy Phật giúp đỡ chúng sanh như thế nào để ở trong một đời nhanh chóng viên thành Phật đạo.

Kinh văn: “Từ trang nghiêm cố, ư chư chúng sanh, bất khởi não hại”.

Đây là nói tứ vô lượng tâm (từ-bi-hỷ-xả), đem thập thiện nghiệp đạo thực tiễn vào trong từ bi hỷ xả.

“Ư chư chúng sanh, bất khởi não hại”. Điều này trong xã hội hiện nay vô cùng quan trọng. Vào thế kỷ này, toàn thế giới mỗi một quốc gia khu vực đều tập trung sức lực vào theo đuổi tiền của, và đã lơ là nền giáo dục của thánh hiền. Đặc biệt là nửa thế kỷ gần đây nhất, có thể nói là chúng ta đã mất hết ý nguyện tiếp nhận giáo huấn thánh hiền, lòng người không có chỗ quay về, nên mới dẫn đến loạn động xã hội hiện nay, hậu quả nghiêm trọng là thế giới không hòa bình. Nếu như chúng ta vẫn không thể tỉnh ngộ ra được, vẫn không biết quay đầu, thì lời tiên tri cổ xưa nói về ngày tận thế có thể thật sự ứng nghiệm. Đây là việc rất thương tâm, rất đáng sợ. Chúng ta không chỉ là muốn cứu vãn cái kiếp vận của thế giới, mà mức thấp nhất là phải biết cứu chính mình, phải cứu gia đình của mình. Nếu như bạn muốn nghĩ đến làm thế nào cứu vãn chính bạn, làm thế nào cứu vãn vận nhà của bạn, mà bạn không quay trở lại giáo huấn của cổ thánh tiên hiền thì đó là việc không thể. Hiện nay thế gian này, quả thật mà nói, chỉ có một số người giác ngộ, một số người chịu quay đầu, nhưng sự tỉnh giác của một số người này không thắng nổi cộng nghiệp của đại chúng. Có hiệu quả hay không? Không thể nói không có hiệu quả.

Không những trong tôn giáo thừa nhận con người có kiếp sau, mà chúng ta hiện nay nhìn thấy ở phương Tây, có không ít tạp chí, thư tịch cũng đang nghiên cứu thảo luận tin tức về thế giới tâm linh. Mấy năm gần đây, người phương Tây vô cùng hứng thú đối với điều này. Họ hy vọng có thể đột phá sự hạn chế của khoa học, tìm tòi nghiên cứu sự tồn tại của siêu khoa học. Chúng ta nghe thấy rồi, đây là một tin vui. Nếu như con người tin còn có kiếp sau, thì đời này họ sẽ tu thiện. Mặc dù có cộng nghiệp bất hạnh, chúng ta bị tai nạn, nhưng chúng ta còn tin có kiếp sau, kiếp sau nhất định môi trường sống phải đẹp, phải thiện hơn đời này. Từ đó cho thấy, hành thiện là chắc chắn có giá trị.

Hành thiện trước tiên phải có tâm thiện. Phật ở trong bộ kinh này dạy chúng ta “ngày đêm thường niệm thiện pháp”, đây là tâm thiện, từ bi hỷ xả là tâm thiện. Người có thể dùng thập thiện tu từ bi hỷ xả nhất định sanh thiên, chắc chắn được thiên phước. Trước đây tôi đã từng nghe có người nói, trên trời hưởng thiên phước vẫn không thể khiến con người thỏa mãn, tức là trên trời tuy tốt, nhưng vẫn không phải tận thiện, tận mỹ. Trái đất hiện nay, tình trạng này phát triển tiếp tục, không thể dừng. Có rất nhiều người muốn tìm nơi an toàn để tránh tai nạn, nhưng tôi thành thật nói với họ, trên thế giới này không có nơi nào an toàn, chỉ có thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà là nơi thật sự an toàn, hạnh phúc mỹ mãn, không có thiếu sót. Tôi đã nghe không ít người nói, hiện nay ngay cả quỷ thần cũng hướng về thế giới Cực Lạc. Lần này trong chúng ta có mấy vị đồng tu đến Trung Quốc để thọ giới, họ cũng nghe tin đồn này. Họ trở về kể với tôi, quỷ thần nhập vào người, nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, hiện tại họ cũng đang nghe kinh, cũng đang niệm Phật, còn mong được quy y. Sự việc này có thể tin hay không vậy? Có thể tin. Bởi vì chúng tôi ở đây đã tận mắt chứng kiến oan thân trái chủ của lão Lâm trưởng chúng ta nhập vào người của một đồng tu tên Đỗ Mỹ Tuyền, cũng mong muốn quy y, cũng mong muốn nghe kinh, cho nên đây là điều có thể tin được. Sau khi quỷ thần xuất khỏi xác, ông hoàn toàn không biết gì, ông chỉ cảm thấy rất mệt, đầu rất mê man, nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, một câu ông cũng chẳng hay biết, giống hệt tình trạng của Đỗ Mỹ Tuyền. Đây là điều chúng ta tận mắt chứng kiến, chính tai nghe thấy, không phải giả. Điều này ở tam chuyển pháp luân trong Phật pháp gọi là “Tác chứng chuyển”, họ đến làm chứng minh cho chúng ta, chắc chắn không phải hư vọng, chắc chắn có đời sau, có kiếp sau.

Tại sao chúng ta không làm người tốt? Gieo nhân thiện được quả thiện. Thể xác sống chết chẳng sao cả, không đáng để ở trong tâm. Người thông minh, người có trí tuệ phải biết mở rộng tâm lượng, bao dung tất cả. Mở rộng tâm lượng, trên thực tế tâm lượng của mỗi một chúng sanh đều là trùm hư không khắp pháp giới, cùng với chư Phật Như Lai không hai không khác. Tâm lượng lớn như vậy, nhưng tại sao lại biến thành nhỏ hẹp như vậy? Cái nhân tố này chính là vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã mê mất chính mình, trong thuật ngữ của Phật pháp nói là đã mê mất tự tánh (tự tánh chính là mình, là bản tánh của chính mình), thế là sinh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chấp trước càng ngày càng nghiêm trọng, cho nên tâm lượng trở nên nhỏ như vậy. Chung sống với người khác ngăn cách, không hòa nhập, vì vậy mới tạo thành sáu cõi luân hồi. Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết, vốn dĩ không có sáu cõi, vốn dĩ là nhất chân pháp giới, sáu cõi không phải thật. Không những sáu cõi không phải thật, mà pháp giới bốn thánh cũng không phải thật. Ngày nay trở thành như thế này, chúng ta trách ai đây? Chỉ trách chính mình, vì bất kỳ người nào cũng không thể ảnh hưởng bạn được, quả thật là tự làm tự chịu. Phật Bồ-tát rất từ bi, nhìn thấy chúng ta mê hoặc điên đảo, tạo tác ác nghiệp, ở đây chịu khổ báo, nên dùng tâm thương xót vô tận đánh thức chúng ta. Phật Bồ-tát tái sanh, vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp đánh thức chúng ta. Sau khi chúng ta nghe rồi phải giác ngộ, phải quay đầu. Quay đầu là bờ.

Tại sao chúng ta học tập mỗi ngày mà vẫn không giác ngộ, vẫn không thể quay đầu, nguyên nhân ở đâu vậy? Là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nghiêm trọng. Cái gì là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước? Cái mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước kết thành chính là tự tư tự lợi. Bạn đem tự tư tự lợi phân tích ra chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tự tư tự lợi là tổng tập hợp của vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cái thứ này nếu không buông xả, nếu không thể hóa giải, thì Phật Bồ-tát có từ bi đi nữa cũng không cách gì đánh thức bạn được, cho dù hằng ngày bạn nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, nghe suốt 49 năm, bạn cũng không biết quay đầu, bạn cũng không biết giác ngộ. Đạo lý là ở chỗ này.

Phật nói, tất cả chúng sanh nhất định có một ngày quay đầu giác ngộ, nhưng ngày đó là ngày nào thì rất khó nói, có lẽ sau vô lượng kiếp, lại vô lượng kiếp sau. Ở trong sáu cõi, ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Phật cũng nói rồi, độ dài của những kiếp đó đều là con số thiên văn. Thọ hết những nỗi khổ này, có lẽ bạn sẽ giác ngộ, sẽ quay đầu. Tướng của giác ngộ như thế nào thì Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức đều vì chúng ta thị hiện rồi. Thế giới thân tâm vạn duyên buông bỏ, đây là giác ngộ chân chánh. Bạn còn có một mảy may không buông bỏ thì bạn chưa có giác ngộ, cho nên phải buông xả triệt để. Sau khi buông xả rồi thì bạn chắc chắn giống như chư Phật Bồ-tát vậy, dùng tâm đại từ đại bi giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, giáo hóa chúng sanh vĩnh viễn không ngừng nghỉ. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật không bỏ người nào”. Câu nói này mọi người đều hiểu rõ, nhưng có một số người đối với câu nói này lý giải chưa đủ thấu triệt, còn sinh ra nghi hoặc: “Ở trong cửa Phật không bỏ người nào, tại sao Phật Bồ-tát lại từ bỏ tôi, tại sao không độ tôi?”. Có người nêu ra vấn đề này với tôi: “Địa ngục bất không, thề không thành Phật”, tôi hiện nay vẫn chưa được độ, tại sao bạn thành Phật? Đây là bạn hiểu sai rồi! Hôm nay bạn có thể nghe được danh hiệu của Phật, nhìn thấy hình tượng của Phật, là Phật không hề từ bỏ bạn. Bản thân bạn không thể được độ, nguyên nhân ở đâu vậy? Bạn không nghe lời, bạn chưa có y giáo phụng hành. Bất kể là Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, Phật đều là dạy chúng ta tu thập thiện nghiệp đạo. Thập thiện nghiệp là môn học chung, môn học cơ bản, bạn đã làm được chưa? Sát sanh, trộm cắp, da^ʍ dục, bạn có buông xả chưa? Những thứ này là nghiệp chướng, những thứ này là gốc rễ của sinh tử luân hồi. Bạn không chịu buông xả thế thì có cách gì được? Phật không phải là không dạy bạn, Ngài dạy cho bạn rồi. Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, đây là gây nên sự xung đột giữa người với người, sự bất hòa giữa người với người, tất cả mọi tai họa do con người tạo nên là từ đây mà ra. Bạn có thể buông xả nó thì thiên tai nhân họa sẽ không còn nữa. Mọi người đều biết tham-sân-si là “tam độc phiền não”, là “căn bản phiền não”, vô lượng vô biên phiền não đều là từ ba cái này sinh ra. Phật thật sự đã dạy chúng ta rồi, Phật không hề từ bỏ chúng ta, do chúng ta tự mình từ bỏ chính mình, không phải Phật từ bỏ chúng ta.

Buông xả thập ác nghiệp chính là tu thập thiện nghiệp. Hoàn toàn không phải buông xả thập ác nghiệp, ngoài ra còn có cái thập thiện nghiệp, điều này không có. Buông xả thập ác chính là thập thiện, chính là tâm thiện. Đem tâm thiện này thực tiễn vào trong đời sống, thực tiễn vào trong công việc, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật, thì chính là Phật pháp. Phật pháp không lìa đời sống. Thế Tôn ở trong kinh văn này nói rất hay. Kinh văn này không dài, cho nên tiện lợi cho người sơ học. Học Phật phải bắt đầu học từ chỗ này. Giáo huấn của Phật Đà nhất định phải khắc ghi trong lòng, phải y giáo phụng hành, phải dùng tâm từ bi đối xử tất cả chúng sanh. Từ bi chính là tâm thương yêu vô điều kiện. Chúng ta yêu bản thân, dùng tâm thương yêu giống như yêu chính mình mà yêu thương tất cả chúng sanh. Cái mà nhà Nho gọi là “điều mình không muốn, đừng trao cho người”, đây là tâm từ. Đem thập thiện thực tiễn vào tâm từ, “ư chư chúng sanh, bất khởi não hại”, tuyệt đối không có ý niệm tổn hại chúng sanh. Không những là không tổn hại chúng sanh, mà tuyệt đối không khởi cái ý niệm khiến chúng sanh vì ta mà sinh phiền não, thì bạn thật sự có thể làm được điều mà trong kinh điển gọi là nơi mà Bồ-tát ở, khiến tất cả chúng sanh sinh tâm hoan hỷ. Cái mà Bồ-tát Di Lặc đã biểu hiện, đặc biệt là ở Trung Quốc, việc Bố Đại Hòa Thượng đã biểu hiện khiến tất cả chúng sanh sinh tâm hoan hỷ, đó là từ. Nội dung thực chất của từ chính là thập thiện nghiệp. Không có thập thiện nghiệp thì cái từ đó là giả, không phải thật. Từ đó cho thấy, biết bao nhiêu cương mục mà trong Phật pháp đã nói, nội dung thực chất của mỗi một cương mục đều là thập thiện nghiệp đạo. Lìa thập thiện nghiệp đạo thì không cần nói đến Phật pháp. Chúng ta phải biết đạo lý này, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, nghiêm túc nỗ lực đoạn thập ác, tu thập thiện.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!!