Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 26: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Hôm nay, Tịnh Tông Học Hội Đài Bắc bắt đầu liên hệ hai chiều với chúng ta. Sự liên lạc này có thể khiến chúng ta mỗi ngày đều gặp được nhau. Chúng ta được lợi ích từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật cao, giúp cho đồng tu toàn thế giới chúng ta mỗi ngày đều có thể tiếp xúc được mặt đối mặt. Đây là việc mà trước đây chúng ta không thể tưởng tượng được, hiện nay đã trở thành sự thật rồi. Khoa học kỹ thuật đang tiến bộ không ngừng. Kỹ thuật của chúng ta cũng đang đổi mới không ngừng, hình ảnh, âm thanh càng ngày càng giống y như thật, ngày càng rõ nét. Đây là một việc tốt.

Ngày nay, thế giới bất an, xã hội loạn động, có rất nhiều người nghiên cứu thảo luận nhân tố này mong tìm ra cách giải quyết. Tôi gặp được rất nhiều người đến hỏi tôi điều mà Nho gia nói: “Nhân bất học, bất tri nghĩa”. Theo cách nhìn của tôi thì đây là vấn đề của giáo dục. “Nghĩa” chính là việc phải nên làm. Việc không nên làm mà chúng ta làm, đây chính là bất nghĩa. Việc cần nên làm chúng ta làm, đây gọi là nghĩa, ngày nay nói là “công tác nghĩa vụ”. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục. Vua và dân Trung Quốc cổ đại, những hiền triết này đều hiểu được đạo lý này, đều coi trọng giáo dục. Trong Lễ Ký nói rõ ràng với chúng ta: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Đây là nói, xây dựng một quốc gia, xây dựng một chính quyền, giáo dục là quan trọng nhất. Giáo dục trên tổng thể có thể chia thành bốn hạng mục. Bốn hạng mục là một thể, nhất định không được tách rời.

Thứ nhất là giáo dục gia đình.

Thứ hai là giáo dục nhà trường.

Thứ ba là giáo dục xã hội.

Thứ tư là giáo dục tôn giáo.

Trong bốn loại giáo dục này, lấy giáo dục gia đình làm căn bản, giáo dục tôn giáo là để đạt đến cứu cánh viên mãn. Bốn loại giáo dục này làm tốt rồi thì thiên hạ thái bình, xã hội ổn định, nhân dân hạnh phúc. Nếu như lơ là bốn loại giáo dục này thì thiên hạ có lý nào mà không loạn? Đạo lý này chúng ta phải hiểu.

Trên thế giới hiện nay, người phương Tây đã khẳng định lại, thừa nhận người Trung Quốc có trí tuệ, người Trung Quốc là người thông minh nhất trên thế giới. Vào năm 83, khi tôi hoằng pháp tại New York, người Mỹ ở nơi đây xưng tán như vậy. Họ nói toàn thế giới, nếu so sánh từng người từng người một thì người Trung Quốc đứng đầu, so sánh hai người với hai người thì người Do Thái đứng đầu, so sánh ba người với ba người thì người Nhật Bản đứng đầu. Ý này rất rõ rệt, người Trung Quốc, nếu so sánh từng người một là đứng đầu thế giới, đáng tiếc là không đoàn kết. Họ khẳng định, trên toàn thế giới đoàn kết nhất là người Nhật Bản. Cho nên họ hỏi tôi: “Người Trung Quốc các anh tại sao không đoàn kết?”. Tôi thấy họ đều là tín đồ Cơ Đốc giáo nên tôi trả lời: “Đây là do Thượng Đế an bày”. Họ nghe xong rất kinh ngạc: “Tại sao thượng đế an bày như vậy?”. Tôi bảo: “Người Trung Quốc đoàn kết thì bạn không có cơm ăn”. Chúng tôi bèn cười xòa cho qua. Người nước ngoài bái phục người Trung Quốc thông minh tài trí, nhưng đồng thời cũng chê cười người Trung Quốc không đoàn kết. Đây là điều đáng để chúng ta soi lại thật kỹ. Người Trung Quốc vốn dĩ rất đoàn kết. Danh từ “đoàn kết” này, người Trung Quốc thời xưa không có dùng, tại sao vậy? Nền giáo dục Ngũ Luân chính là đoàn kết. Người nước ngoài không có nền giáo dục này, cho nên họ phải nói đoàn kết. Bản thân người Trung Quốc, trời sinh đã đoàn kết rồi, nhưng tại sao hiện nay không đoàn kết vậy? Chúng ta đã đánh mất giáo pháp của tổ tiên rồi, không cần nữa, cho nên hiện nay chúng ta không bằng người nước ngoài. Người nước ngoài nói đoàn kết, chúng ta không nói đoàn kết. Luân lý cũng không nói, đoàn kết cũng không nói thì làm sao có thể sánh bằng người nước ngoài được? Nền giáo dục của tổ tiên là sự kết tinh kinh nghiệm và trí tuệ từ ngàn vạn năm, chúng ta phải thể hội tỉ mỉ, không được phép khinh suất. Đạo lý lớn của nền giáo dục này là ổn định lâu dài, phồn vinh hưng vượng, ở trong đó có đại đạo lý lìa khổ được vui. Rất đáng tiếc người Trung Quốc cận đại lơ là rồi, cho rằng những thứ này là cũ kỹ. Những đồ cũ kỹ thì bị đào thải, chúng ta có nhìn thấy hay không?

Hai ngàn năm trước, Hán Vũ Đế vì quốc gia chế định ra chính sách giáo dục, tuân theo học thuyết Khổng Mạnh, chỉ dạy nhân dân. Chẳng bao lâu thì Phật pháp truyền đến Trung Quốc (đó là thời đại Minh Đế), được vua và dân tán thành, tiếp nhận toàn diện. Thế là học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa đã chi phối nền giáo dục Trung Quốc. Trải qua 2.000 năm thay đổi triều đại, chế độ quy chế về văn vật có thay đổi, có cách tân, duy chỉ có giáo dục là 2.000 năm nay không hề thay đổi (điều này trong lịch sử ghi chép rất rõ ràng). Người Mông Cổ vào làm chủ Trung Quốc không hề thay đổi, người Mãn Thanh vào làm chủ Trung Quốc cũng không hề thay đổi. Chúng ta có suy nghĩ hay không? Đây là đạo lý gì vậy? Tại sao họ không thay đổi? Nghĩ thật kỹ, thì đây là nền giáo dục chân lý. Chân lý là siêu việt thời gian, siêu việt không gian thì làm sao thay đổi được? Vừa thay đổi thì thiên hạ đại loạn. Đến nay Dân Quốc đã thay đổi rồi. Sau khi Mãn Thanh bị lật đổ cho đến nay còn chưa đầy 100 năm. Một trăm năm này xã hội nhân tâm đã xuất hiện sự thay đổi, đây là điều mà trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc không hề có. Đây là nguyên nhân gì? Chúng ta có bao giờ suy nghĩ về điều này hay không? Giáo dục là quan trọng! Học điều gì vậy? Học lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Vậy chúng ta muốn hỏi, Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa dạy con người điều gì? Có thể nói, Nho và Phật đều nhất trí là dạy người phải “thành kính, nhân từ, bác ái”. Nền giáo dục của cổ thánh tiên hiền thì sáu chữ này đã bao quát cả rồi. Chúng ta đã từ bỏ rồi! Từ bỏ rồi thì hiện nay xã hội ra sao? Là bất thành-giả dối, bất kính-ngạo mạn, bất nhân-tự tư tự lợi, bất từ-không có tâm thương yêu. Không những họ không thể yêu người, không thể yêu vật, mà bản thân họ cũng chà đạp chính mình, không biết thương yêu chính mình. Nội dung của giáo dục Nho gia và Phật pháp Đại Thừa chỉ như thế mà thôi. Chúng ta thử suy nghĩ, xã hội hiện nay có cần hay không?

Vào thập niên 70, tiến sĩ Thang Ân Tỉ của Anh quốc đã kêu gọi là để giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21 thì chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa. Cho nên hiện nay, người phương Tây coi trọng Hán học, coi trọng Phật pháp. Mấy năm nay, trong trường học Anh quốc, trong sách giáo khoa tiểu học, trung học, đại học đều có nội dung của kinh Phật. Năm ngoái, tôi ở Úc châu, đồng tu bên đó đã tặng hai quyển sách giáo khoa nhà trường, do được viết bằng tiếng Anh nên tôi xem không hiểu. Họ nói với tôi, đây là giáo trình Phật học, là sách giáo khoa của học sinh trong nhà trường. Đây là quốc gia Cơ Đốc Giáo, nhà trường đã áp dụng giáo trình Phật học. Thật là hy hữu! Chúng tôi nhìn thấy vô cùng hoan hỷ. Cho nên, tương lai học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa là người nước ngoài dẫn đầu. Người nước ngoài làm trước, sau đó người Trung Quốc học theo. Những thứ của tổ tiên chúng ta, chúng ta không cần nữa, hiện nay người nước ngoài thỉnh về tôn thờ. Chúng ta ở đây đả đảo, người ta ở nơi đó tôn thờ, đúng như Luận Ngữ đã nói: “Đức bất cô, tất hữu lân”. Con cháu của tổ tiên chúng ta không cần, bên ngoài có bạn bè yêu quí họ, họ không cô đơn. Điều này đáng để chúng ta soi lại thật kỹ càng. Chúng ta phải giác ngộ, không giác ngộ thì vĩnh viễn vẫn đi theo sau người nước ngoài. Tuy quốc gia chúng ta đã độc lập, nhưng hình thái ý thức tư tưởng của chúng ta chưa có độc lập. Ngày nay, tuy nói giáo dục rất phát triển nhưng chỉ là phát triển giáo dục khoa học kỹ thuật, giáo dục công thương nghiệp, giáo dục công danh lợi lộc, không phải giáo dục thành kính, nhân từ, bác ái. Không phải giáo dục nhân từ, bác ái thì không thể giải quyết vấn đề xã hội.

Hôm qua, tôi từ Hồng Kông trở về. Sáng hôm nay, đồng tu ở đây đã đưa cho tôi xem một tờ báo. Hiện nay, Indonesia có bảy tôn giáo, nghe nói có hơn mười ngàn người đang cùng nhau cầu nguyện hòa bình, đây là việc làm tốt. Chúng ta ngày nay chỉ có cầu mong các nhà tôn giáo, chí sĩ có lòng nhân trên thế giới, mỗi nhà thâm nhập kinh điển của mình, thúc đẩy nền giáo dục nhân từ, bác ái. Thành kính, nhân từ, bác ái là căn bản của tất cả nền giáo dục tôn giáo trên toàn thế giới. Tôn giáo bị biến thành mê tín là do quá coi trọng hình thức lễ nghi mà lơ là giáo dục. Mỗi một bộ kinh điển đều là lời dạy quí báu của cổ thánh tiên hiền giáo hóa chúng sanh. Chúng ta phải có trí tuệ nhận thức rõ ràng.

Cư sĩ Tạ gởi thư điện tử hỏi tôi, Phật thất niệm Phật làm sao đắc lực? Vẫn là thành kính, nhân từ, bác ái. Buông xả tự tư tự lợi, buông xả danh vọng lợi dưỡng, buông xả ngũ dục lục trần, buông xả tham sân si mạn, nhất tâm chuyên niệm chắc chắn vãng sanh. Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh ở trong Tây Phương Xác Chỉ nói cho chúng ta biết, niệm Phật, điều sợ nhất là xen tạp. Cho nên Ngài dạy chúng ta: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” thì nhất định thành tựu. Ba câu này của Ngài trên thực tế là học được từ chỗ Đại Thế Chí Bồ-tát. Đại Thế Chí Bồ-tát dạy người: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Đây là phương pháp niệm Phật. “Đô nhiếp lục căn” chính là những điều tôi vừa mới nói, buông xả tự tư tự lợi, buông xả danh vọng lợi dưỡng, buông xả ngũ dục lục trần, buông xả tham sân si mạn thì lục căn thảy đều trở về, đây là đô nhiếp lục căn. Tịnh niệm tương tục là dùng tâm thanh tịnh niệm Phật (tâm chân thành chính là tâm thanh tịnh), đây là “Tịnh niệm”. Trong tịnh niệm đầy đủ không hoài nghi, không xen tạp mới là tịnh niệm. Nếu xen tạp là không thanh tịnh, hoài nghi cũng là không thanh tịnh. “Tương tục” là không gián đoạn. Chúng ta hiểu được phương pháp của tám chữ mà Đại Thế Chí Bồ-tát đã nói thì đâu có chuyện không thành tựu? Niệm Phật đường, trước đây đường chủ thường hay nhắc nhở đại chúng: “Buông xả vạn duyên, nhất tâm chánh niệm” cũng là ý này. Câu cửa miệng của cổ đức thường nói: “Chân thành niệm Phật”. Niệm như vậy mới gọi là chân thành; có nghi hoặc, có xen tạp là không chân thành rồi. Trong đời sống thường ngày, người không chân thành sẽ không có thanh tựu lớn nào, dù có thiện căn phước đức, nhưng họ không chân thành thì cũng bị tiêu hao rất nhanh. Chỉ có người thật sự chân thành mới có thể tích lũy công đức. Sự việc này, chúng ta bình tĩnh mà quan sát tỉ mỉ một chút thì đều thấy ngay trước mắt, chúng ta không cần phải xem thời xưa, trước mắt đã quá nhiều rồi. Quả thật đã chứng minh nghiệp nhân quả báo không mảy may sai chạy. Hy vọng các đồng tu thật sự muốn cầu vãng sanh thì nhất định phải buông xả vạn duyên. Vạn duyên, nói một cách cụ thể chính là tự tư tự lợi. Nhất định phải buông xả tự tư tự lợi, buông xả danh vọng lợi dưỡng, buông xả ngũ dục lục trần, buông xả tham sân si mạn, buông xả vạn duyên. Vào lúc này, bạn có được thành kính, nhân từ, bác ái thì niệm Phật nhất định vãng sanh. Hơn nữa vãng sanh phẩm vị rất cao.

Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly ác khẩu, tức đắc thành tựu bát chủng thiện nghiệp. Hà đẳng vi bát? Nhất, ngôn bất quai độ”.

Kinh văn rất rõ ràng, ý nghĩa sâu xa vô tận. Trong đây, Phật nói cho chúng ta biết, làm thế nào thành tựu tịnh nghiệp, đặc biệt là đối với pháp môn niệm Phật. Mọi người đều biết pháp môn niệm Phật là tu tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp tu từ đâu vậy? Tịnh từ miệng trước. Chúng ta xem thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta pháp cơ bản của tu hành là khéo giữ ba nghiệp. Trong khéo giữ ba nghiệp, vừa mở đầu Phật dạy chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”, chính là chỗ này nói. Từ đó cho thấy, tu Tịnh Độ là bắt đầu từ đâu. Chúng ta biết và hiểu rõ tính quan trọng của đoạn giáo huấn này. Cho dù là cấp dưới của bạn, họ không thể không phục tùng bạn, nhưng cùng lắm là bề ngoài phục tùng thôi, chứ trong tâm không phục, vậy là thất bại. Thường thường đợi khi thời cơ đến thì thuộc hạ phản bội bạn. Tại sao lại bội phản vậy? Ắt có nguyên nhân, trong đó chắc chắn không thể thiếu nhân tố thường ngày nói năng không cẩn trọng tạo thành hậu quả. Đây là mấu chốt thành bại của tất cả sự nghiệp thế xuất thế gian. Chung sống giữa người với người, nói năng chiếm phân lượng thật quá lớn. Cho nên nhà Nho dạy học, ngôn ngữ được liệt vào môn học quan trọng. Phu Tử dạy học có bốn môn, trong đó môn thứ nhất là đức hạnh, môn thứ hai là ngôn ngữ. Từ đó cho thấy, Ngài coi trọng ngôn ngữ biết bao. Ngôn ngữ là biểu hiện của đức hạnh, xem ngôn ngữ của bạn, xem thái độ của bạn, xem động tác của bạn là biết ngay đức hạnh của bạn cao hay thấp.

Chúng ta phải làm thế nào tu đức, tích lũy công đức? Đây là điều mà Phật Bồ-tát trong kinh luận thường hay dặn dò chỉ dạy chúng ta. Chư Phật Bồ-tát làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Nhu hòa ái ngữ, đây là cứu giúp mọi người. Chúng ta phải gần gũi thiện tri thức. Tôi trước đây gần gũi Chương Gia đại sư, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, chúng tôi đứng ở bên cạnh quan sát các Ngài tiếp đãi khách, tiếp đãi người đến học, chúng tôi thấy rồi cảm động rất sâu, học tập ngay chỗ này. Sự gần gũi của thầy đối với học trò thì không giống với đại chúng. Đối với học trò thường xuyên dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng đối với đại chúng thì không. Thầy có trách nhiệm giúp đỡ, thành tựu học trò, nhìn thấy họ có lỗi nhất định phải nói. Cho nên trước đây, thầy nói với chúng tôi: “Nói người lỗi lầm, chứ ai muốn nói lỗi lầm của người? Ai muốn gây oan gia đối đầu với người?”. Người thông minh, có học vấn chắc chắn không làm việc này. Chỉ kết thiện duyên với người, dứt khoát không kết ác duyên với người. Bạn có lỗi lầm, người khác sẽ không nói. Chỉ có hai loại người nói lỗi lầm của bạn là cha mẹ bạn và thầy của bạn. Bạn bè đồng học nói lỗi lầm cũng chỉ một lần, nhiều nhất là hai lần và sẽ không nói lần thứ ba nữa. Nói hai lần mà bạn không chịu sửa thì lần thứ ba sẽ không nói nữa, tại sao vậy? Nói nữa sẽ trở thành oan gia. Vậy họ sẽ đối xử bạn thế nào? Kính nhi viễn chi! “Viễn chi” là gì vậy? Là không cộng sự với bạn. Trong xã hội, bạn làm bất kỳ sự nghiệp gì cũng không được người khác giúp đỡ. Người mà bạn gặp gỡ là người có quan hệ lợi hại với bạn. Bạn bè đạo nghĩa, một người bạn cũng không có. Cho nên, đức hạnh, ngôn ngữ không thể không học.

Thực tiễn của đức hạnh chính là thập thiện nghiệp đạo mà Thế Tôn đã nói trong bộ kinh này. Khẩu nghiệp là quan trọng. Bạn có thể lìa ác khẩu thì bạn liền đạt được tám loại tịnh nghiệp.

Loại thứ nhất: “Ngôn bất quai độ”.

Chữ “độ” này chính là ngày nay chúng ta gọi là chừng mực. Ngôn ngữ của bạn vừa đủ hay, thông thường nói là như lý như pháp, hợp tình hợp lý, không thái quá, cũng không bất cập, đây là loại tịnh nghiệp thứ nhất. Ngôn ngữ thái quá chứng tỏ là người nịnh hót, người xu nịnh. Ngôn từ bất cập chứng tỏ ngạo mạn, coi thường người khác. Muốn ngôn từ có thể nói được đến vừa đủ hay, thì nhất định ở trong đời sống thường ngày phải học tập, thường xuyên luyện tập để thành thói quen.

Loại thứ hai: “Ngôn giai lợi ích”.

Việc này rất quan trọng. Lời nói vô ích, trong Phật pháp gọi là “hý luận”, người thế gian chúng ta gọi là lời giễu cợt. Chư Phật Bồ-tát, người tu đạo không có hý luận. Hý luận và dí dỏm không giống nhau. Sự dí dỏm của người thế gian chưa chắc là có lợi ích đối với đối phương, đối với đại chúng xã hội. Lời của thánh hiền, quân tử gọi là “xuất ngôn thành tắc”. Lời nói mà họ nói ra đều có thể làm tiêu chuẩn cho đại chúng xã hội, đây chính là lợi ích. Từ đó cho thấy, tịnh nghiệp là có lợi ích. Nếu như không có lợi ích đối với đại chúng xã hội thì đây không phải tịnh nghiệp. Lợi ích quan trọng nhất là khiến chúng ta được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta đoạn phiền não, tăng trí tuệ, đây là lợi ích chân thực.

Loại thứ ba: “Ngôn tất khế lý”.

“Lý” là chân lý, nhất định sẽ không đi ngược chân lý. Lời nói trái lý, thánh hiền quân tử dứt khoát không có. Tại sao vậy? Họ nhìn thấy chân lý rồi, nhà Phật thường nói là “minh tâm kiến tánh”. Cho nên, hành vi của họ, ngôn ngữ của họ nhất định tương ưng với tánh đức. Ngôn hạnh đều từ tánh đức tự nhiên lưu xuất. Phật Thích Ca Mâu Ni trong 49 năm đã nói ra mười hai bộ kinh giáo này, đều là từ trong tánh đức lưu xuất ra, đây là khế lý.

Loại thứ tư: “Ngôn từ mỹ diệu”.

Đây là khế cơ, khiến người ta nghe thấy hoan hỷ tiếp nhận. Ngôn ngữ khế cơ, khế lý mới có thể rộng độ chúng sanh. Trong Đàn kinh, đại sư Huệ Năng đã nói: “Nếu người thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian”. Đây là khế nhập cảnh giới, đó không phải phàm phu. Tại sao họ không thấy lỗi thế gian vậy? Chúng ta dùng cách nói của tướng tông để nói cho mọi người dễ hiểu, họ đã chuyển thức thành trí rồi. Cương lĩnh tu hành của tướng tông là chuyển ý thức thứ sáu thành diệu quan sát trí. Ý thức thứ sáu là phân biệt. Không còn phân biệt nữa. Mọi thứ không phân biệt nữa thì quan này là diệu quan, trí tuệ hiện tiền ngay. Chúng ta ngày nay đối với người thế gian là phân biệt, họ không phân biệt nữa. Chuyển thức Mạc-na thành bình đẳng tánh trí. Thức Mạc-na là chấp trước, họ không chấp trước nữa, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều không chấp trước. Các bạn thử nghĩ, xa lìa phân biệt, chấp trước, bạn muốn tìm lỗi lầm là hoàn toàn không thể. Pháp thế xuất thế gian đều không có lỗi lầm.

Trong các kinh như kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, Phật đều nói: “Tham sân si chính là giới định tuệ; giới định tuệ tức là tham sân si”. Lời nói này là ý gì vậy? Bình đẳng quan. Tham sân si và giới định tuệ là cực kỳ không bình đẳng, nhưng nó lại là bình đẳng, bình đẳng thế nào vậy? Tham sân si và giới định tuệ là cùng một tánh, là pháp tánh. Giác ngộ rồi là giới định tuệ, mê rồi thì là tham sân si. Mê và ngộ không hai! Mê là pháp tánh, ngộ vẫn là pháp tánh, nhưng pháp tánh không có mê ngộ. Tướng khi mê biến là tướng của tham sân si, tướng của giác ngộ biến là tướng của giới định tuệ. Nhưng bạn phải hiểu rằng: “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, tướng này là không phải thật, là tướng vọng. Đạt lý rồi thì tâm họ bình ngay, thế là tâm thanh tịnh hiện tiền. Tâm thanh tịnh là, chúng ta thường nói thân thanh tịnh, cảnh giới thanh tịnh, tham sân si và giới định tuệ đều thanh tịnh. Đây là người gì vậy? Pháp thân đại sĩ. Pháp thân đại sĩ ứng hóa vào trong lục đạo, các Ngài vẫn nghiêm trì giới luật, tại sao vậy? Chúng sanh sáu cõi đang mê nên các Ngài phải làm một tấm gương tốt cho người ta thấy. Các Ngài đi biểu diễn, lên sân khấu biểu diễn. Biểu diễn nhất định phải chú ý đến đại chúng, phải chú ý đến xã hội trước mắt, lợi ích chúng sanh. Sự biểu diễn này không lợi cho chúng sanh, không lợi cho xã hội thì không được phép làm. Ví dụ xã hội ngày nay, mọi người đều không biết đạo hiếu, bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, thì Phật Bồ-tát đến những chỗ này nhất định thị hiện hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng. Hiện nay, đại chúng xã hội này không biết tôn sư trọng đạo, quên ơn bội nghĩa, phản thầy bội đạo, Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian này nhất định là đặc biệt thị hiện hiếu thân, tôn sư, nhất định là làm như vậy. Tại sao làm như vậy? Để cứu vãng nhân tâm thế đạo. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở nơi nào, thị hiện vào lúc nào, nhất định phải quan sát thời tiết nhân duyên này, tức là chúng sanh nơi đó, lúc đó đã phạm những tật xấu nào, làm sao có thể cải tạo họ, giúp họ sửa đổi lại (Phật pháp là giáo dục), đây là thiện tri thức.

Ngày nay trên thế giới này, chúng ta đã không còn biết tôn sư trọng đạo. Chúng ta còn muốn phỉ báng thầy, còn muốn phê phán họ, còn muốn đấu tranh với họ. Đây là dạy đại chúng xã hội bất hiếu với cha mẹ, không tôn trọng sư trưởng, quả báo sẽ ở tam đồ. Loại giáo dục này, loại thị hiện biểu diễn này là dẫn dắt chúng sanh đi vào tam đồ ác đạo. Loại người này là người nào vậy? Ác ma, đây không phải Bồ-tát. Cách làm của Bồ-tát là hoàn toàn ngược lại với điều này. Bồ-tát nhất định thuận tánh đức. Cho nên, Bồ-tát dứt khoát không nhớ ác cũ, không ghét người ác. Giáo hóa chúng sanh phải biết đến lợi ích toàn thể, có thể hy sinh cá nhân để tác thành đại chúng. Đối với người phỉ báng ta, người làm nhục ta, người hãm hại ta, ta vẫn đặc biệt kính trọng. Sự kính trọng này không phải là giả bộ, mà là xuất phát từ tâm chân thành. Cảm hóa người ác, khuyến hóa xã hội, đây chính là Bồ-tát.

“Ngôn từ mỹ diệu” không phải là nói âm thanh nghe hay, âm thanh nghe hay dĩ nhiên là có trong đó. Ý của “mỹ diệu” càng sâu xa hơn nữa, là khiến người khác nghe thấy hoan hỷ tiếp nhận, lời nói này của bạn là lời vàng ngọc, đây gọi là mỹ diệu. Chúng ta hiện nay nói là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, thật sự là từ trong nhân từ, bác ái lưu xuất ra, đây là thuộc về tịnh nghiệp. Nhất định là từ trong tâm thanh tịnh lưu xuất ra, cũng có thể tịnh hóa nhân tâm, tịnh hóa tam nghiệp. Đây đích thực là khế lý, đích thực là mỹ diệu.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!