Bất Khả Lục kỷ nghiệm
(Ghi chép những chuyện linh nghiệm của bộ Bất Khả Lục)
* [Tôi có] người bạn là Quý Bang Thái, là người nổi tiếng ở Ngô Hưng, sống tại trấn Nam Tầm. Tôi vừa mới in xong bộ Bất Khả Lục, nhằm lúc ông Quý trông coi việc giáo dục tại huyện Trấn Hải, bèn viết thư, gởi kèm cho ông ta hai trăm quyển, dặn hãy phân phát cho các học sinh. Sau đấy nhận được thư của ông ta trách tôi hủ bại, viễn vông, còn nói đã đem những sách ấy xếp xó. Chưa đầy hai ngày sau, sai người đến nói: “Nguyện in năm trăm quyển”. Tôi vin vào lời ông ta đã nói trước đó để khước từ. Sau đấy, ông ta lại sai người cầm thư tay khẩn khoản [cậy in], mới biết ông ta mộng thấy cha tha thiết dặn dò: “Mày không in tặng Bất Khả Lục, con mày làm sao có thể vào trường huyện cho được?” Do vậy, nhờ tôi in một ngàn quyển để truyền bá rộng rãi. Theo như ông ta nói, hôm nhận được thư báo tin con được nhập học chính là ngày ông ta phát nguyện in sách, linh nghiệm dường ấy!
* Tại Tân Kiều thuộc thành Hàng Châu, vị tăng Tĩnh Duyên thuộc Tích Thúy Am thích làm lành. Một ngày, trời đổ tuyết lớn, sư đến gõ cửa. Tôi tưởng là sư đến quyên mộ, thưa: “Nhà tôi nghèo hèn, không có sức giúp đỡ!” Sư bảo: “Tôi xin mượn ván in sách Bất Khả Lục để in ra mấy ngàn quyển hòng thí tặng”. Tôi vui vẻ nhận lời, gạn hỏi: “Do vì lẽ nào mà thầy đột nhiên dấy lên ý niệm này đội tuyết đến đây?” Sư bảo: “Đêm qua, tôi mộng thấy thổ thần bảo: ‘In tặng Bất Khả Lục có thể tránh khỏi tai nạn lớn’. Sáng nay hỏi thăm thí chủ khắp nơi, mới biết [sách ấy] vốn là bản được tàng trữ tại Đàm Phủ nên đặc biệt đến mượn”. Sau khi sư đã in tặng, năm sau, nơi sư ở bị hỏa hoạn, chung quanh đều cháy rụi, chỉ riêng am của sư không sao, càng tin thần minh khuyến thiện rành rành chẳng sai. (Trần Hải Thự ghi).
* Đầu mùa Hạ năm Canh Ngọ, đêm mộng thấy hai đồng tử đến bảo tôi: “Văn Xương Đế Quân có lời mời ông”. Do vậy, cùng đi. Họ dẫn tới một tòa nhà thuộc Trung Thúy Đình, thấy biển đề là Đại Động Các. Tôi theo đồng tử tới đại điện, thấy Đế Quân ngồi chính giữa, tôi khấu đầu rồi đứng hầu. Đế Quân bảo: “Thế gian tặng thiện thư rất nhiều, chỉ có Bất Khả Lục là từ lâu chưa được lưu hành. Ông hãy vì ta lưu thông rộng rãi”. Ngài liền sai hai đồng tử khiêng ra một cái rương, trong ấy đều là những trang giấy rách nát. Kiểm xem thì ra là những bản tàn khuyết của Bất Khả Lục. Trong khi tôi đang suy nghĩ, chưa từng thấy sách này, làm sao thực hiện được? Đế Quân lại khuyên dụ rằng: “Kỳ thi Hương đã gần kề, hãy nên làm cho gấp”. Ngài truyền hai đồng tử đưa tôi ra về, bèn tỉnh giấc. Hôm sau, truy tìm tại các xưởng in, họ đều nói không biết. Mất hơn một tháng, chợt có người đem bản in Bất Khả Lục đến bán. Trang đầu tiên ghi lời tựa đã mất, coi trang cuối, biết đó là bản in của tiên sinh Vạn Cửu Sa, hết sức vui mừng, mua lấy, liền in ra ba ngàn quyển. Sáng mồng Một tháng Bảy, kiền thành đem sách đến viện Thúy Đình. Vừa mới đến cổng, một vị tăng liền mau mắn hỏi: “Có phải là Trần cư sĩ đến tặng Bất Khả Lục hay không?” Tôi thưa vâng, hết sức ngạc nhiên. Tiến vào đại điện dâng hương, khấu trình dưới tòa của Đế Quân. Vị Tăng mời vào khách đường dùng trà. Hỏi pháp danh thì ra là Nguyên Bổn. Hỏi vì sao biết tôi đem sách đến tặng, lại còn biết tên sách? Tăng bảo: “Đêm qua nằm mộng thấy Đế Quân dặn tôi chờ ở cửa nhận sách, nên đã dậy từ sớm để chờ”. Tôi càng thêm tôn kính. Có thể biết là thiện thư lưu hành trong cõi đời, trên là có thể cảm thấu trời cao, mà người tận lực dùng thân thực hiện những điều chỉ dạy trong sách, công đức ấy chẳng thể lường được! Kính mong [mọi người] hãy cùng thấu hiểu nỗi khổ tâm cứu đời của Đế Quân hòng cùng lên bè báu. Ngưỡng mong hãy lưu truyền rộng rãi, ngõ hầu khắp cõi đời tận lực kiêng tránh những điều chớ nên, tận lực thực hiện những điều nên làm, hòng chẳng phụ sự phó thác của thần minh vậy.
Tháng Sáu năm Canh Ngọ (1810) niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh, cổ diêm quan Trần Hải Thự tự ghi
* Năm Bính Tuất, em gái tôi sau khi về nhà chồng, bỗng mắc chứng đàm giản[170], thường khóc lóc, chẳng ăn uống được. Có người nói là do phạm phải Hoa Phấn Sát[171] mà ra, cầu cạnh thầy đồng cầu cúng, hóa giải trăm cách đều chẳng có công hiệu gì. Cô ta lại chẳng chịu uống thuốc. Cả mấy người dốc hết sức, rốt cuộc cô ta khó nuốt trôi một giọt thuốc. Cho đến sau nửa năm, thân gầy như que củi, bố mẹ hết sức lo lắng, muôn phần lo nghĩ. Do vậy, tôi đối trước tượng Phong Đô Đại Đế và thần Thành Hoàng, dâng sớ hứa in tặng năm ngàn quyển Bất Khả Lục. Sau khi đã hứa nguyện, rốt cuộc có chuyển biến, cô ta bèn chịu uống thuốc. Vì thế, uống liên tục thuốc tiêu đàm, một tháng sau, bình phục như thường. Nghiệp đã tiêu trừ. Sau một năm nữa, cảm thấy thân thể khỏe mạnh như trước. Vì thế, tôi dùng bản in theo lối chữ rời, sắp chữ đúng số lượng đem in để đáp tạ sự gia hộ của thần. Kính cẩn ghi sự linh nghiệm vào đây.
Tháng Ba năm Mậu Tý (1888) niên hiệu Quang Tự đời Thanh, kẻ học trò hối lỗi ở hạ quận Lâu Đông kính ghi.