Tối hôm đó trước khi đi ngủ, Cát Tường ngồi trước gốc tre ôn lại những gì đã xảy ra trong thời gian mấy tháng được gặp Bụt trong rừng để chiều mai kể lại cho thầy A Nan Đà và chú La Hầu La nghe. Chú có cảm tưởng chú không có chuyện gì nhiều để kể. Hồi đó chú mười một tuổi. Mẹ chú vừa mất, chú phải chăm sóc ba đứa em. Em gái út của chú là bé Bhima mới chỉ được có mấy tháng, Bhima không có sữa uống. Cũng may Cát Tường đã được ông Rambhul trong xóm giao cho công việc chăn trâu.
Hồi đó đàn trâu chỉ có bốn con và một con trâu nghé. Mỗi ngày Cát Tường đã lén vắt sữa trâu cho em uống. Nó chăm sóc bầy trâu rất cẩn thận vì biết rằng nếu nó không được giữ trâu cho ông Rambhul thì các em nó sẽ đói. Từ ngày ba nó mất, căn nhà chưa lợp lại lần nào. Mái tranh đã nát, hễ trời mưa lớn là nhà dột, và thằng Rupak phải đi lấy mấy cái chậu sành đã mẻ ngoài hiên vào để hứng nước dột. Bé Bala mới có sáu tuổi mà đã phải học nấu cơm, ẵm em và đi nhặt củi ngoài rừng. Có khi nó phải ẵm em ra rừng, để vừa giữ em vừa nhặt củi. Còn nhỏ tuổi nhưng bé Bala đã biết nhồi bột làm bánh chappati cho cả nhà. Mấy anh em ít khi có đủ tiền để mua bột cà-ri. Có khi lùa trâu về chuồng, đi ngang qua nhà bếp ông Rambhul nghe mùi cà-ri bốc lên thơm lừng, Cát Tường chảy cả nước miếng. Từ ngày ba chúng nó mất, ít có khi nào chúng nó được ăn bánh chappati cuốn hoặc chấm trong nước cà-ri nấu thịt đâu.
Áo quần của đứa nào cũng tơi tả. Cát Tường chỉ vận có một cái xà rông khi đi chăn trâu. Hôm nào trời lạnh lắm, nó mới quấn thêm tấm vải màu nâu lên người. Tấm vải đã bạc màu và mốc thếch nhưng nó quý lắm. Cát Tường phải tìm những nơi có đủ cỏ cho trâu ăn. Nó biết hễ trâu tới nhà mà bụng còn lép là nó sẽ bị ông Rambhul đánh mắng. Mỗi buổi chiều lùa trâu về, Cát Tường phải gánh theo một gánh cỏ tươi để cho trâu ăn. Đàn trâu ăn cỏ suốt đêm. Vào những hôm có nhiều muỗi, Cát Tường còn phải đốt lửa un khói để đuổi muỗi cho trâu trước khi ra về. Ông Rambhul trả lương cho nó bằng gạo, bột mì và muối, cứ ba hôm một lần. Có hôm đi chăn trâu về, Cát Tường đem được về cho Bala vài ba con cá mà nó câu được ở bờ rông Neranjara.
Một buổi chiều sau khi đã tắm xong cho trâu và đã cắt cỏ được đầy gánh, Cát Tường định vào rừng ngồi chơi một lát trước khi lùa trâu về chuồng. Để bầy trâu ăn ở cửa rừng, Cát Tường đi tìm một gốc cây ngồi tựa lưng. Bỗng dưng nó thấy một người đang ngồi yên lặng dưới gốc một cây pippala (Bồ Đề) thật lớn về phía trước, cách nó chừng hai chục sải tay.
Cát Tường ngạc nhiên đứng lại nhìn. Nó chưa bao giờ thấy có ai ngồi đẹp như vậy. Người ấy ngồi lưng rất thẳng, chân xếp tréo vào nhau, dáng vững chãi và hùng mạnh. Mắt người ấy như là đang nhắm lại, và hai tay người ấy đan vào nhau đặt thoải mái phía giữa. Người ấy ăn mặc rất giản dị: một tấm vải màu vàng nhạt một đầu quấn phía dưới và một đầu phủ lên vai. Toàn thân người ấy tỏa chiếu một cái gì vừa thanh thoát, vừa trầm hùng và vừa an bình. Chỉ cần nhìn người ấy, người ta cũng đã cảm thấy khỏe khoắn trong mình. Tự nhiên Cát Tường cảm thấy một thứ tình cảm nẩy sinh trong nó và làm rung động trái tim nó. Nó không hiểu tại sao nó có cảm tình ngay với một người khi mà nó cũng chưa biết người đó là ai. Nó đứng trân trân nhìn ngắm người ấy một hồi lâu, không dám cử động.
Một lát sau người ấy mở mắt. Nhưng người ấy vẫn không trông thấy Cát Tường. Người ấy dao động thân thể, rồi tháo chân ra để xoa bóp. Rồi người ấy từ từ đứng dậy và bắt đầu đi từng bước chầm chậm. Vì đi về phía bên kia cho nên người ấy vẫn chưa thấy được em bé chăn trâu. Cát Tường vẫn đứng lặng yên nhìn người ấy đi những bước chân vững chãi, trầm lặng và nhẹ nhàng trên lối mòn của khu rừng. Đi được bảy tám bước người ấy quay trở lại, và người ấy nhận ra sự có mặt của Cát Tường. Thấy em bé, người ấy mỉm cười. Nụ cười thật hiền hậu và bao dung. Chưa bao giờ Cát Tường thấy ai cười với mình như thế. Như bị một sức hút lôi kéo, Cát Tường chạy về phía người ấy. Nhưng khi còn cách người ấy chừng bốn bước, Cát Tường ngừng lại. Nó nhớ là nó không được quyền đυ.ng chạm vào những người thuộc giai cấp trên.
Cát Tường thuộc về giới ngoại cấp, nghĩa là không thuộc giai cấp nào trong bốn giai cấp của xã hội cả. Nó đã từng nghe ba nó nói rằng giai cấp Bà La Môn (Brahmana) là giai cấp cao quý nhất trong xã hội. Những người trong giai cấp này phần lớn là những giáo sĩ thông hiểu kinh Vệ Đà biết đọc kinh, biết cúng tế, có thể tiếp xúc với thần linh. Khi Phạm Thiên tạo ra loài người thì giai cấp Bà La Môn được sinh ra từ miệng Ngài. Những người thuộc giai cấp Sát Đế Lợi (Ksatriya) là những người có quyền bính chính trị và quân sự, họ đã được sinh ra từ hai tay của Phạm Thiên. Những người thuộc giai cấp Phệ Xà (Vaisya) là những người trong giới buôn bán, trồng tỉa, chăn nuôi và tiểu công nghệ, họ đã được sinh ra từ bắp đùi của Phạm Thiên. Còn những người thuộc giai cấp Thủ Đà (Sudra) là những người đã sinh ra từ hai bàn chân của Phạm Thiên. Họ thuộc về giai cấp nghèo nhất, phải làm những nghề cực nhọc mà người trong ba giai cấp trên không làm. Giai cấp ấy là giai cấp thấp nhất rồi mà gia đình Cát Tường lại thuộc vào một tình trạng thấp kém hơn nữa. Gia đình Cát Tường ở vào hạng ngoại cấp, nghĩa là không thuộc vào giai cấp nào cả. Những người như họ phải làm nhà ở một khu riêng biệt bên ngoài làng. Nghề nghiệp của họ chỉ là những nghề thấp kém như đổ phân, đắp đường, nuôi heo, giữ trâu, cày ruộng. Ai sinh ra ở giai cấp nào thì phải chấp nhận hoàn cảnh của mình. Thần linh đã dạy như vậy và kinh điển cũng dạy như vậy.
Những người thuộc giới ngoại cấp như Cát Tường mà nếu lỡ lầm đυ.ng phải một người thuộc giai cấp cao thì có thể bị trừng phạt nặng. Trong làng Ưu Lâu Tần Loa đã có người bị đánh bầm tím thân thể vì lỡ tay đυ.ng nhầm một người Bà la môn. Lỡ tay đυ.ng phải một người Bà La Môn hay một người Sát Đế Lợi tức là làm ô nhiễm người ấy, và người ấy phải về ăn chay, nằm đất và sám hối nhiều tuần lễ mới được trong sạch trở lại.
Mỗi khi lùa trâu về chuồng, Cát Tường phải cẩn thận lắm. Nó không bao giờ dám tới gần một người nào trong cái xã hội cao quý, dù trên đường đi hay là trong sân nhà ông Rambhul. Nhiều lúc Cát Tường thấy con trâu còn có may mắn hơn mình. Một người Bà La Môn có thể đυ.ng tới con trâu mà không bị ô uế, nhưng nếu người ấy đυ.ng nhầm Cát Tường là phải về sám hối cả hai ba tuần lễ. Dù mình không đυ.ng người ta mà người ta đυ.ng nhầm mình thì mình cũng có thể bị đánh đập tàn nhẫn.
Hiện đứng trước Cát Tường là một người thật dễ thương nhưng theo kiểu cách của người đó thì chắc chắn ông ta không phải là người cùng đẳng cấp với Cát Tường rồi. Nụ cười người ấy hiền hậu như thế và cái nhìn của người ấy bao dung như thế thì chắc hẳn người ấy sẽ chẳng nỡ đánh đập Cát Tường đâu, dù Cát Tường có lỡ đυ.ng nhầm. Nhưng Cát Tường nghĩ rằng nếu lỡ đυ.ng nhầm người ấy thì sẽ làm người ấy ô nhiễm, tội nghiệp. Cho nên nó vội ngừng lại khi khoảng cách giữa hai người chỉ còn ba bước. Thấy Cát Tường không bước tới, người ấy lại bước tới gần Cát Tường. Cát Tường tự khắc lui một bước, để tránh sự đυ.ng chạm. Nhưng người ấy nhanh nhẹn lắm. Chỉ trong một chớp mắt người ấy đã tóm được Cát Tường. Tay trái người ấy ôm ngang vai Cát Tường còn tay phải người ấy xoa lên đầu nó. Cát Tường đứng yên, ngoài má nó, chưa có ai xoa đầu nó một cách âu yếm như thế bao giờ. Tuy nhiên nó vẫn còn sợ.
– Em đừng sợ. Người ấy nói, giọng nhỏ nhẹ và thân mật.
Cát Tường rất yên tâm khi nghe người ấy nói. Nó ngửng đầu lên thì lại gặp cái nhìn bao dung và nụ cười hiền hậu của người ấy. Ngập ngừng một lát, nó nói:
– Chú dễ thương lắm.
Người ấy lấy tay nâng cằm nó lên và nhìn vào mắt nó:
– Em cũng dễ thương lắm. Nhà em ở gần đây phải không?
Cát Tường không trả lời. Nó nắm lấy bàn tay trái của ngườiđó trong hai bàn tay của nó.
Nó hỏi cái câu hỏi đang nằm trong đầu nó:
– Con nắm tay chú như thế này thì chú bị ô nhiễm rồi phải không?
Người ấy cười và lắc đầu:
– Không đâu, em. Em là con người, tôi cũng là con người. Em không làm ô nhiễm tôi đâu. Đừng có nghe lời người ta nói.
Người ấy cầm tay Cát Tường đi ra phía cửa rừng.
Đàn trâu của Cát Tường còn đó. Gánh cỏ tươi của Cát Tường cũng còn đó. Người ấy nhìn Cát Tường hỏi:
– Em chăn những con trâu này phải không? Và đây là gánh cỏ mà em đã cắt cho trâu ăn, phải không? Em tên là gì? Nhà ở gần đây không?
Cát Tường lễ phép thưa:
– Dạ đây là trâu của con chăn. Bốn con này và con nghé này nữa. Đây là cỏ của con mới cắt. Con tên là Cát Tường. Nhà con bên kia sông, ở cuối làng Ưu Lâu Tần Loa. Thưa chú, còn chú tên gì, và nhà chú ở đâu, chú nói cho con nghe được không?
Người ấy ôn tồn đáp:
– Được chứ. Chú tên là Tất Đạt Đa. Nhà chú ở xa lắm. Hiện giờ chú ở tạm trong rừng này.
– Chú là sa môn, phải không?
Người ấy gật đầu. Cát Tường biết rằng sa môn là những người tu, thường hay cư trú trong núi.
Hai người mới quen nhau, mới trao đổi với nhau có vài câu chuyện mà Cát Tường đã có cảm tưởng là mình đã rất thân với người bạn mới này.
Trong làng Ưu Lâu Tần Loa, nó chưa thấy có ai đối xử với nó một cách thân ái như thế hay nói chuyện với nó một cách ôn tồn như thế. Nó cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng lên trong lòng. Nó muốn bày tỏ nỗi hân hoan của nó. Nó nghĩ giá nó có một cái gì để làm quà tặng cho người này thì hay biết bao. Trong túi nó không có một đồng tiền, cũng không có một cục đường phèn, biết lấy gì làm quà tặng. Nhưng Cát Tường có can đảm nói ra những gì mình đang nghĩ.
– Thưa chú, con muốn tặng chú một món quà, nhưng con không có gì trong người con hết.
Tất Đạt Đa nhìn Cát Tường rồi mỉm cười nói:
– Có chứ, em có một thứ mà nếu em làm quà cho tôi thì tôi thích lắm. Cát Tường ngơ ngác:
– Con có gì đâu?
Tất Đạt Đa chỉ gánh cỏ:
– Cỏ của em cắt cho trâu ăn mềm và thơm lắm. Nếu em cho tôi vài nắm để tôi trải dưới gốc cây làm nệm ngồi thì tôi sẽ sung sướиɠ biết bao.
Mắt Cát Tường sáng lên. Nó chạy tới gánh cỏ, cúi xuống ôm lấy một ôm đầy trong hai vòng tay nhỏ. Rồi nó trở về dâng ôm cỏ cho Tất Đạt Đa:
– Cỏ kusa này con mới cắt bên bờ sông. Con xin biếu chú. Lát nữa con sẽ ra bờ sông cắt thêm cho đầy gánh.
Tất Đạt Đa chắp tay cung kính nhận bó cỏ từ tay em bé. Ông nói:
– Em rất dễ thương, tôi cảm ơn em. Thôi bây giờ em ra bờ sông cắt cỏ thêm cho đầy gánh đi, rồi về kẻo muộn. Chiều mai nếu có dịp em ghé vào rừng thăm tôi nhé.
Bé Cát Tường cúi đầu chào. Nó đứng đợi cho Tất Đạt Đa ôm bó cỏ đi khuất vào rừng rồi mới tới gỡ lưỡi liềm gài trên chiếc đòn xóc đặt nghiêng trên gánh cỏ và bước ra phía bờ sông.
Nó thấy ấm áp trong lòng. Trời đầu mùa Hạ, cỏ kusa còn non và lưỡi liềm của Cát Tường còn sắc nên cắt rất ngọt. Chẳng mấy chốc mà Cát Tường đã cắt được đầy một ôm lớn.
Cát Tường lùa trâu về. Sông Neranjara có một khúc rất cạn gần đó, Cát Tường cho trâu lội qua khúc ấy. Con nghé con còn lưu luyến đám cỏ non bên bờ sông, Cát Tường phải tới lùa nó chạy theo đàn trâu. Gánh cỏ trên vai không có gì là nặng, Cát Tường lội qua sông cùng một lượt với bầy trâu.