Chương 6: Thời gian như khúc ca
Ảnh chụp chẳng qua chỉ là chiếc vỏ bị vỡ của sinh mệnh; năm tháng lần lượt trôi qua, từng hạt từng hạt dưa nuốt xuống, mùi vị ra sao mỗi người đều có cảm nhận riêng, thứ còn xót lại cho mọi người nhìn, chỉ có vỏ hạt dưa đen trắng vương vãi mà thôi.(Trương Ái Linh ngữ lục)
Ngoại Than[1] vào buổi sáng sớm, như vừa mới bừng tỉnh. Những tòa nhà cao tầng trong sương sớm làm lu mờ hết vẻ phồn hoa xán lạn của một đêm, khoác lên mình sắc màu mông lung huyền ảo. Bờ sông Hoàng Phố, tiếng còi tàu kêu u u phá vỡ mặt nước phẳng lặng, gọi mặt trời dậy trên sóng nước, vẽ nên một khung cảnh khuấy động tâm hồn con người. Tất cả ký ức về thành phố này được mở bung ra trong khoảnh khắc. Những hình ảnh đen trắng đó có tháng ngày quá khứ, xưa nay chưa từng bị người đời lãng quên.
[1] Ngoại Than: Tên gọi một khu vực nằm trong trung tâm thành phố Thượng Hải.
Vô số thuyền bè qua lại trên sông Hoàng Phố, chúng đón người trở về, rồi lại tiễn khách đi xa. Hoàng Dật Phạn và Trương Mậu Uyên đã về nước trên một trong số những con thuyền đó. Chuyến đi đầy phong trần kéo dài suốt mấy năm, nên không hay thành phố này đã sớm đổi sang một lớp áo mới hào hoa sang trọng.
Bé Trương Anh còn nhớ rất rõ, ngày mẹ trở vể, cô đòi mặc chiếc áo nhỏ màu đỏ mà cô cho là đẹp nhất, nhưng khi nhìn thấy cô, câu đầu tiên mẹ nói lại là: “Sao lại mặc cho nó cái áo chật thế này?”. Có lẽ trải qua bốn năm ở trời u, sở thích của bà đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Lại thêm đột nhiên nhìn thấy con gái đã xa cách mấy năm ròng của mình nay đã lớn, trong lòng nảy sinh một cảm giác thương xót xa lạ mà thôi. Không lâu sau, bà may áo mới cho cô, và cũng vì sự trở về của mẹ, mà cô quyết định từ biệt cuộc sống quá khứ, bắt đầu làm lại cuộc đời ở Thượng Hải.
Trương Đình Trọng thấy vợ quay về vô cùng cảm kích, thề rằng sẽ sửa đổi sai lầm, để hết thảy quá khứ đều biến thành khói bụi. Ông được đưa đến bệnh viện chữa trị, cả gia đình dường như quay trở lại trước đây, những hỗn loạn dừng lại, thêm phần yên lành. Cả nhà sống trong một căn nhà kiểu Tây cũ ở hoa viên Bảo Long. Trong Chuyện riêng, Trương Ái Linh kể lại: “Chúng tôi chuyển đến sống trong một căn nhà Tây ở hoa viên, có chó, có hoa, có truyện cổ tích. Trong nhà bỗng dưng có thêm rất nhiều bạn bè thân thích – những con người ý nhị và hoa mỹ. Mẹ tôi và một bà bác béo cùng ngồi trên chiếc ghế của đàn dương cầm, mô phỏng lại một màn biểu diễn tình yêu trong phim. Tôi ngồi trên sàn ngắm họ, vừa bật cười vừa lăn qua lăn lại trên tấm thảm da”.
Có thể trang trí theo ý thích, có thể tùy ý pha trộn màu sắc của các bức tường trong nhà. Lần đầu tiên được sống trong thế giới theo ý mình, ấm áp mà thân mật, niềm vui trong lòng Trương Anh thật khó tả. Thậm chí cô bé còn viết thư cho một người bạn ở Thiên Tân, miêu tả căn phòng mới của mình, minh họa thêm bằng mấy hình vẽ. Khi ấy, trong cô bé tràn đầy sự sáng tạo, cô khao khát sự tự do về tinh thần. Cô hiểu rằng, dù là một ngọn cỏ cành cây, một ngọn núi hay một hòn đá, cũng cần trưởng thành theo cách thức riêng của mình, mới có thể sống một cách kiêu hãnh và tôn nghiêm.
Hoàng Dật Phạn bắt đầu quan tâm đến sự trưởng thành của bé Trương Anh, cho cô học hội họa, học đàn piano, học tiếng Anh. Bà mang không khí lãng mạn của phương Tây về gia đình này. Bé Trương Anh giống như đang sống trong thành lũy của truyện cổ tích, bị cảm nhiễm bởi khí chất tao nhã hoa mỹ của mẹ, cô đã yêu mến quãng thời gian hạnh phúc ấm áp thơm nồng này. Thuở ấu thơ ở Thiên Tân đã trở thành một đoạn chuyện cũ xa xôi, bị tháng năm khóa kín trong những hình ảnh của ký ức. Sau này, khi nhận xét về quãng thời gian đó, Trương Ái Linh bùi ngùi nói: “Đại khái cả cuộc đời chỉ có thời kỳ này là có được phong độ thục nữ kiểu Châu u”.
Mẹ mặc những bộ váy kiểu u đẹp mắt và thời thượng, chơi những bản piano tuyệt vời, kể cho Trương Anh rằng nước Anh là xứ sở của sương mù, vô cùng tươi đẹp, thường có những cơn mưa bụi lãng mạn đa tình. Khi ấy, trong lòng Trương Anh tràn ngập cảm xúc. Cô bé nhìn thấy một đóa hoa kẹp trong sách, nghe mẹ kể về lịch sử đặc biệt của nó, nói đến những chuyện cũ hào nhoáng đó, bất giác cô rơi lệ. Trong sâu thẳm nội tâm của bé Trương Anh, đã sớm hiểu được sự ấm lạnh của tình người, chỉ là cô bé vẫn không có cách nào dùng ngôn từ phù hợp để biểu đạt tâm tình này.
Tám tuổi, cô đọc Hồng lâu mộng và Tam quốc diễn nghĩa. Những “lời nói châu ngọc hàng hàng gấm thêu” trong đó, đã phác họa nên mối duyên tình giữa cô và văn chương. Tác phẩm văn học kinh điển Hồng lâu mộng đã theo cô suốt cuộc đời sáng tác, không xa không lìa. Trước sau tôi luôn cảm thấy, sự tài tình phi thường của Trương Ái Linh có một mối liên quan rất lớn với Hồng lâu mộng mà cô đã đọc khi nhỏ. Một bộ Hồng lâu khiến biết bao văn nhân mịt mờ trống rỗng tìm được nơi gửi gắm, cho dù là sen tàn trăng lạnh, đều thấy thi vị, đều thấy phong nhã.
Sau này Trương Ái Linh nói: “Những chuyện đáng hận trong đời: “Một là, hải đường không thơm; hai là, cá trích lắm gai; ba là, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần không vẹn toàn; bốn là, Cao Ngạc[2] sửa bậy tội lớn khó dung”. Trương Ái Linh còn viết một bộ tác phẩm Hồng lâu mộng yểm (Ác mộng lầu hồng), trình bày những kiến giải độc đáo khác người đó, Trương Ái Linh đã hình dung ra khảo chứng Hồng lâu mộng thực sự là một việc điên rồ. Vì thế mới có câu rằng: “Thập niên vị giác mê khảo chứng, doanh đắc hồng lâu mộng yểm danh” (Dịch nghĩa: mười năm chưa tỉnh cơn mê khảo chứng, chỉ giành được cái danh ác mộng lầu hồng).
[2] Cao Ngạc (khoảng 1738 – 1815), người thời nhà Thanh. Trước năm 1791, Hồng lâu mộng có tên là Thạch đầu ký và chỉ có 80 chương. Cao Ngạc đã viết thêm 40 chương sau cho Thạch đầu ký và đổi tên tác phẩm này là Hồng lâu mộng.
Do chịu ảnh hưởng từ cha, trước tám tuổi, Trương Ái Linh đã đọc Hồng lâu mộng. Mỗi lần nhìn thấy vầng trăng sáng treo ngoài cửa sổ, ánh trăng sáng soi vạn dặm, thì cô sẽ nhớ đến rất nhiều dáng hình trước đây. Khi nhìn thấy gió xuân lướt qua cành liễu, chim én bay về, thì cô không thể thốt nên lời. Cô không hay, nỗi lòng cổ điển ấy gieo mầm trong tim, đã sớm đâm rễ nảy chồi. Mà nền văn hóa phương Tây mà mẹ cô mang về lại không hề đối kháng với nó, ngược lại cô hòa trộn chúng với nhau một cách khéo léo, để chúng phát huy tác dụng cực điểm trong những năm tháng của tương lai.
Vì đã từng ở Châu u, lại là kiểu phụ nữ tân tiến của thời kỳ đầu Dân Quốc, bản thân chưa từng chịu sự giáo dục chính quy, cộng thêm trải nghiệm nỗi khổ của bất bình đẳng nam nữ, cho nên Hoàng Dật Phạn không muốn con gái mình giẫm vào vết xe đổ. Hơn nữa, bà đã sớm phát hiện con gái mình có tư chất và hiểu biết trời sinh nổi trội hơn những đứa trẻ bình thường khác, bà hy vọng con gái có thể đi học, tiếp nhận nền giáo dục mới, để đóa hoa đặc biệt và diễm lệ của nhân gian này có thể lặng lẽ bừng nở dưới mưa sương và ánh mắt trời, để không phụ tháng ngày như hoa như gấm.
Nguồn ebook: https://www.luv-ebook.com
Nhằm chuẩn bị cho việc đi học của con gái, Hoàng Dật Phạn đã ba lần nhắc nhở Trương Đình Trọng, nhưng đều không nhận được sự ưng thuận của ông. Ông không đồng ý, ông không muốn tốn tiền cho việc này, và có lẽ ông vẫn kiên trì giữ tư tưởng truyền thống. Hai người vì thế mà tranh cãi. Trương Đình Trọng vẫn cố chấp giữ ý kiến của mình, ầm ĩ không thôi. Hoàng Dật Phạn dứt khoát không thông thông báo cho ông, nhân lúc ông nghỉ ngơi, liền dẫn con gái đến thẳng trưởng tiểu học Hoàng thị do nhà thờ tổ chức. Do trước đó Trương Anh đã có nền tảng quốc học tương đối vững chắc cho nên vừa nhập học là vào thẳng lớp sáu.
Năm đó, bé Trương Anh mười tuổi. Khi điền tên vào giấy chứng nhận nhập học cho con, Hoàng Dật Phạn bỗng do dự, luôn cảm thấy hai chữ “Trương Anh” đọc lên không kêu tai, không sinh động. Nhưng lại không thể nghĩ ra được một cái tên hay hơn trong khoảng thời gian ngắn, thế là tạm thời lấy cái tên tiếng Anh Eileen dịch “bừa” sang tiếng Trung, điền vào thành “Ái Linh”. Khi ấy bà nghĩ rằng, sau này sẽ sửa lại cũng không muộn. Nhưng bà hoàn toàn không ngờ rằng, cái tên Trương Ái Linh này sẽ làm mưa làm gió ở toàn bộ Bến Thượng Hải, trong lịch sử văn học Trung Quốc, cái tên ấy cũng khắc sâu một phong cách văn chương thâm trầm mà hoa lệ.
Có lẽ thời gian quá lâu, cái tên Trương Ái Linh này đã trở thành một kiểu thói quen. Dù cho tự bản thân cô luôn bất mãn, thậm chí cảm thấy cái tên của mình thô tục tầm thường, nhưng cuối cùng cô vẫn bình thản đón nhận. Cô từng nói: “Tôi nguyện giữ lại cái tên tầm thường của tôi, để lấy đó làm lời cảnh cáo với bản thân, tìm cách loại bỏ thói quen tỉa tót câu chữ của những người có văn hóa cao, tìm thấy cuộc sống thực tế trong những thứ tầm thường như củi, dầu, mắm, muối, xà phòng, nước và ánh mặt trời”. Cuối cùng vẫn là Trương Ái Linh, cho dù rơi xuống hồng trần, cũng phải ghi thấu cốt tủy.
Mùa thu năm 1931, Trương Ái Linh nhập học ở trường Nữ sinh St’s Maria. Ngoài năng khiếu văn học bẩm sinh, thành tích các môn của cô đều vô cùng xuất sắc. Sau khi đi học, cô vẫn duy trì học đàn piano. Ngày tháng như khúc ca, mang đến sự tao nhã, cao quý cho những người thấu hiểu cuộc sống, tôn trọng tình cảm. Tháng năm sẽ tình nguyện lưu giữ giùm họ tuổi xuân ngắn ngủi, ánh xuân trong khoảnh khắc.
Khi Trương Ái Linh bắt đầu học được cách dùng chữ nghĩa để gửi gắm tâm sự, hiểu được cách điều chế một chén tình cảm, tự mời tự uống nó, thì vận mệnh lại một lần nữa chuyển ngoặt. Sau này, cô mới hiểu, sự vui vẻ và hạnh phúc trong gia đình mấy năm nay, kỳ thực đều chỉ là bề nổi. Người mẹ trước khi sang châu u đã không thể nào chấp nhận nổi sự chìm đắm của cha cô, khi quay về, bà lại càng coi thường sự suy đồi của ông.
Trương Đình Trọng quá kém cỏi, sau khi bệnh nặng rồi xuất viện, ông không hề giữ lời hứa quyết tâm thay đổi làm lại cuộc đời, mà ngược lại còn không kiêng dè chế cần tẩu hút thuốc phiện, bắt đầu trở lại tình trạng như cũ. Nhưng vì sợ vợ bỏ nhà ra đi lần nữa, nên nghĩ ra kế không chịu đưa tiền sinh hoạt phí, để vợ mình bù tiền ra. Ông tính toán là, đời Hoàng Dật Phạn tiêu hết tiền riêng, bà có muốn cao chạy xa bay thì cũng không cất nổi cánh.
Cách làm đó của ông thực sự quá bỉ ổi. Trương Ái Linh cũng có ấn tượng cực kỳ sâu sắc đối với hành vi này của cha. Về sau trong rất nhiều bộ tiểu thuyết của cô xuất hiện tình tiết người đàn ông mưu tính lừa sạch tiền tài của người phụ nữ, ví dụ như Cái gông vàng, Mối tình khuynh thành, Tiểu Ngải… Có thể thấy, đề tài của tiểu thuyết bắt nguồn từ cuộc sống, dù cho Trương Ái Linh có là thiên tài, nhưng đằng sau thiên tài cũng cần những câu chuyện đời thực bổ sung. Bối cảnh gia thế của Trương Ái Linh chắc chắn đã trở thành suối nguồn của sáng tác, khiến văn chương của cô sau này càng có hồn cốt, càng cảm động lòng người. Cha mẹ cô rốt cuộc cũng ly hôn. Trải qua một thời gian cãi cọ rất dài, thậm chí cô còn mong cha mẹ sớm kết thúc cuộc hôn nhân bi kịch của họ. Tuy cha mẹ ly hôn không hề hỏi ý kiến của cô, nhưng trong lòng cô lại cực kỳ tán thành. Bởi cô hiểu gia đình này cũng không thể duy trì được nữa, thời gian càng lâu, thì sẽ càng thấy đổ nát hơn.
Thoạt đầu Trương Đình Trọng không đồng ý, nhưng ông đã sai trước, vì ông đã coi lời hứa là cát bụi. Khi ông muốn tiếp tục cứu vãn hôn nhân một lần nữa, Hoàng Dật Phạn chỉ nói đúng một câu: “Tim tôi đã giống một khúc gỗ rồi!”. Nước chảy cuồn cuộn, dù là ai cũng không thể níu lại sóng tràn. Trương Đình Trọng đành phải ký tên vào bản cam kết ly hôn. Một nét bút nhức mắt, kết thúc cuộc hôn nhân bi kịch kiểu Trung Quốc, hoàn toàn phá tan một gia đình, và cũng buông mặc cho sự tự do của hai linh hồn. Dương như Trương Ái Linh luôn thể hiện ra rằng, cuộc ly hôn của cha mẹ chỉ là cơn gió nhẹ. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, sự đau buồn và vết thương trong tâm khảm cô là khó tránh khỏi.
Cuộc sống giống như một bộ tiểu thuyết lâm ly bi đát, tình tiết đan xen kết chuỗi, thiếu đi bất cứ chi tiết nào, hoặc là sửa chữa bất cứ chỗ nào, đều không thể đến được điểm cuối đã sắp đặt từ trước. Đã là định mệnh thì cũng không cần lo được hay lo mất, cứ thuận theo tự nhiên mà tiếp diễn. Đường đi có biết bao ghềnh thác, đều cần bản thân mình lấp đầy. Trốn tránh cũng vô dụng, trên thế gian này, không ai có thể trưởng thành thay bạn cả.