Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Xin mời mở Cảm Ứng Thiên, bắt đầu xem từ đoạn thứ 122, đây là tổng kết của Cảm Ứng Thiên. Trong Khoa Đề là đoạn thứ năm phần “Suy gốc nhớ nguồn”.
“Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi cát thần dĩ tùy chi. Hoặc
tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi.” (Hễ dấy thiện niệm, tuy chưa làm lành, cát thần đã đi theo. Tâm móng niệm ác, tuy chưa làm ác, hung thần đã theo.)
Hai câu nói này tuyệt đối không phải là lời nói khuyến thiện, nhất định không phải là lời hù dọa người, mà là đạo lý chân thật, là sự thật chân thật, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải nhớ kỹ. Có câu “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”. Chữ “tâm” là chỉ cho ý niệm, ý niệm thiện, tuy là bạn vẫn chưa làm được, bạn có một thiện niệm, thiện hạnh của bạn vẫn chưa thể hiện ra, thế nhưng chư Phật Bồ-tát, thiên địa quỷ thần đã nhìn thấy rồi. Đối với một người luyện khí công thông thường mà nói thì họ có thể thấy khí. Ở Trung Quốc có không ít những người có năng lực đặc biệt, họ có thể nhìn thấy hào quang của người khác. Quả thật không chỉ là người mà bất kỳ một vật thể nào cũng đều có khí, đều có hào quang, tâm thiện thì hào quang tốt, hào quang rõ ràng, màu sắc của hào quang đẹp. Trước đây có một số người có khả năng đặc biệt nói với tôi, hào quang của Phật Bồ-tát là sắc vàng, hào quang màu vàng, màu trắng đều tốt. Hào quang màu xám, màu đen đều là không tốt, đó là lòng dạ hiểm ác, tà ác. Cho nên thông thường họ đều có thể nhìn thấy, phân biệt người này là người thiện hay là người ác. Những người có khả năng đặc biệt này thông thường có một đặc điểm chung là tâm địa thanh tịnh. Chúng tôi đã từng nói chuyện với họ, hỏi họ là năng lực này của bạn liệu có thể bị mất đi hay không? Họ nói: có thể, tuổi tác càng lớn thì năng lực dần dần sẽ mất đi. Họ nói nếu biết quá nhiều những sự việc trong xã hội, thì tâm địa bị ô nhiễm. Đa số những người có năng lực này đều là người trẻ tuổi, khoảng hai mươi tuổi, trước hai mươi tuổi và sau ba mươi tuổi thì có rất ít. Chỉ cần họ giữ được tâm thanh tịnh thì năng lực này có thể duy trì, một khi bị danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần làm ô nhiễm thì năng lực này lập tức bị mất đi. Đạo lý này là chính xác, nó giống với thiền định và tam muội trong nhà Phật chúng ta nói đến. Vì vậy bạn có thể đắc định, bạn có thể đắc tam muội, năng lực này là năng lực vốn có. Hay nói cách khác, hết thảy chúng sanh đều có. Năng lực của chúng ta vì sao mất đi? Là do từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, vọng tưởng phân biệt chấp trước làm mất đi bản năng của chúng ta, chúng ta cần phải hiểu được đạo lý này. Ấn Quang Đại sư trong cả cuộc đời Ngài cực lực đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn. Sách Liễu Phàm Tứ Huấn dạy chúng ta nhận thức nhân quả, tin sâu nhân quả, dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, tiêu chuẩn của thiện ác. Ngài đề xuất cho chúng ta Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư. Ba bộ sách này xem ra hình như đều không phải là Phật pháp, thật sự mà nói ba bộ sách này có thể cứu được xã hội hiện nay, có thể cứu được tai nạn của chúng sanh, hiệu quả còn nhanh hơn, rõ ràng hơn so với kinh Phật, vì sao vậy? Tiêu chuẩn của thiện ác Phật nói với chúng ta đều phân tán trong rất nhiều kinh luận, bạn cần phải xem rất nhiều kinh luận thì bạn mới hiểu được. Những bộ sách này đã tập trung lại toàn bộ nghiệp nhân quả báo, bạn đọc bộ sách này tương đương với đọc vài trăm bộ sách. Đặc biệt là chú giải của Vựng Biên, toàn bộ tiêu chuẩn của thiện và ác trong tư tưởng “Nho Thích Đạo” ở Trung Quốc đều được tập hợp ở trong bộ sách này. Đây là bộ sách hay, đối với người hiện nay mà nói, chỉ tiếc là văn tự hơi thâm sâu, tuy đã cố gắng đơn giản hóa nó, làm cho dễ hiểu hơn nhưng rốt cuộc vẫn là văn ngôn văn. Cho nên lần này chúng ta có được duyên phần này, mọi người cùng nhau làm một cuộc nghiên cứu thảo luận. Những chú giải được nêu ra trong cuộc thảo luận nghiên cứu này vẫn là con số rất ít, nếu muốn giảng hết những chú giải này vậy thì phải cần thời gian rất dài. Thế nên chú giải rất nhiều nhưng chúng ta thường chỉ lấy một hoặc hai điều, giới thiệu cho mọi người những ý nghĩa trọng điểm nhất.
Khởi tâm động niệm của chúng ta thì chư Phật Bồ-tát và thiên địa thần minh đều nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Người có thể lừa gạt những chúng sanh ngu muội, nhưng không thể lừa được Phật Bồ-tát, không thể lừa gạt được thần minh. Nghiệp thiện nghiệp ác mà bạn đã tạo nhất định sẽ có quả báo tương ứng. Chú giải vừa mở đầu là: “Nêu ra chữ Tâm nhằm dạy mọi người mầm mống thiện ác, ngõ hầu mọi người sẽ biết cẩn thận từ chỗ khởi nguồn”. Đây chính là tu hành cần phải bắt đầu từ căn bản, chuyển ác thành thiện cần phải biết chuyển từ nguồn gốc. Căn gốc chính là khởi tâm động niệm, chuyển đổi từ chỗ này thì đây là người thượng thượng thừa. Người thuần thiện, nhất định được chư Phật, long thiên thiện thần bảo hộ. Người học Phật cũng biết phải đoạn ác tu thiện, thế nhưng khi cảnh giới hiện tiền thì không khống chế được, vẫn tạo ác nghiệp. Nguyên nhân này do đâu? Thứ nhất là đọc kinh quá ít, sức mạnh huân tập Phật pháp không kháng cự nổi tập khí phiền não, nhân tố là ở chỗ này. Cho nên giáo học căn bản của Phật là dạy chúng ta đọc tụng Đại Thừa, ngày ngày phải đọc kinh. Đọc kinh là thân cận Phật Bồ-tát, nghe giáo huấn của Phật Bồ-tát. Chúng ta hàng ngày đọc Cảm Ứng Thiên là thân cận đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian, điều này vượt qua giới hạn của tôn giáo. Chúng ta ngày nay tiếp xúc với chín tôn giáo lớn ở Singapore, chín tôn giáo lớn này đều khuyên người đoạn ác tu thiện. Cho nên chúng ta đọc Cảm Ứng Thiên, tin tưởng Cảm Ứng Thiên, dựa vào Cảm Ứng Thiên để sửa đổi lỗi lầm của chính mình thì có thể được Thần Thánh của chín tôn giáo lớn phù hộ cho bạn. Chúng ta vì sao không thực hiện được vậy? Lỗi lầm đương nhiên là có, vì là phàm phu, ngày ngày cần phải sám hối. Tôi bảo các đồng học, thời khóa buổi sớm đọc kinh nhắc nhở chính mình phải nhớ thật kỹ giáo huấn của Phật Bồ-tát, những việc nào nên làm trong ngày hôm nay, những việc nào không nên làm. Những việc nên làm và không nên làm ở tại khởi tâm động niệm, ý niệm nào có thể khởi, ý niệm nào không được khởi, lời nào có thể nói, lời nào không nên nói, những việc nào có thể làm, những việc nào không nên làm, cần phải hạ công phu ở những chỗ này, đó là chân thật tu. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư bảo chúng ta phải “thật làm”, nhất định phải nghiêm khắc với chính mình. Thời khóa tối là sám hối, phản tỉnh những khởi tâm động niệm, ngôn ngữ việc làm trong ngày hôm nay của chính mình có trái với lời giáo huấn của Thánh nhân hay không? Lương tâm của chính mình có bị mê mờ hay không? Nếu lừa gạt Phật Bồ-tát, lừa gạt chúng Thần, lừa gạt chúng sanh, làm những sự việc như vậy thì quả báo nhất định ở tam đồ, tiền đồ của chính mình thì chính mình biết, không cần phải đi hỏi người khác. Trước đây có người hỏi tôi là “Liệu con có bị đọa địa ngục hay không?”. Tôi nói bạn có đọa địa ngục hay không thì tôi không biết, bạn xem kinh Phật nhiều thì bạn liền biết được. Nếu là tội hủy báng Tam Bảo, phá hòa hợp tăng thì bạn nên đọc Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, bạn liền biết bạn có bị đọa địa ngục hay không? Không cần phải đi hỏi người khác, tự hỏi chính mình thì rõ ràng hơn hết. Trong chú giải trích dẫn Kinh Phật: “Tam giới vô biệt pháp, duy thị nhất tâm tác” (Trong ba cõi không có pháp nào khác, chỉ duy nhất do một tâm tạo thành). Trong Kinh Hoa Nghiêm, trong Kinh Đại Thừa, Phật thường nói: “Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, nhất thiết chúng sanh duy tâm sở hiện duy thức sở biến”, là do tự tánh chúng ta lưu lộ ra. Hiểu được đạo lý này thì hết thảy chúng sanh trong tận hư không pháp giới chính là bản thân mình, chúng ta phục vụ hết thảy chúng sanh chính là phục vụ cho chính mình. Nếu chỉ biết tự tư tự lợi mà quên mất chúng sanh thì đó là tự hại chính mình, vì tự tư tự lợi của cá nhân mình thì đây là cái gốc của lục đạo luân hồi. Vốn là không có những thứ này, vì sao lại biến hiện ra lục đạo luân hồi? Lục đạo luân hồi tôi đã nói rất nhiều lần rồi, là từ trong vọng tưởng phân biệt chấp trước mà biến hiện ra. Nếu chúng ta không có chấp trước thì luân hồi không còn nữa, không còn phân biệt thì thập pháp giới cũng không còn, tứ thánh pháp giới cũng không còn. Vọng tưởng không còn nữa thì nhất chân pháp giới, bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ cũng không còn nữa, quả báo là Phật quả viên mãn rốt ráo. Cho nên lục đạo là do vọng tưởng phân biệt chấp trước mà biến hiện ra. Tứ thánh pháp giới bao gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật trong thập pháp giới là do vọng tưởng phân biện biến hiện ra, các Ngài không có chấp trước. Bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ trong nhất chân pháp giới là do vọng tưởng biến hiện ra, các Ngài không còn phân biệt không còn chấp trước, điều này Phật trong kinh đã nói cho chúng ta vô cùng rõ ràng, vô cùng minh bạch. Phật dạy mục tiêu cuối cùng cho chúng ta là dạy chúng ta chứng đắc được Phật quả cứu cánh, sự chứng đắc của Phật quả cứu cánh quan trọng nhất là ở chỗ “nhận thức”, chuyển đổi quan niệm trở lại, nhận thức điều gì là chân tướng sự thật. Nhận thức thật sự là hư không pháp giới hết thảy chúng sanh là chính mình. Bạn có nhận thức này thì tâm từ bi của bạn mới chân thật phát khởi, đại từ đại bi tôn trọng vô điều kiện đối với hết thảy chúng sanh, yêu thương bảo vệ vô điều kiện, giúp đỡ vô điều kiện, tự nhiên có thể xả mình vì người. Đại đạo lý nằm ở trong đây, phàm phu thì mê, mê ở chỗ nào vậy? Không hiểu được chân tướng sự thật, chấp trước nặng nề, tự tư tự lợi, điều này là hỏng rồi. Tự tư tự lợi, chấp trước đến mức độ nghiêm trọng thì nhất định là địa ngục, nếu có thể buông xả một chút thì được ra khỏi địa ngục, đi vào đường ngạ quỷ, đường súc sanh, chúng ta nhất định phải hiểu rõ lý và sự. Ở đây trích dẫn rất hay: “Lại nói, tùy theo duyên nhiễm hay tịnh mà tạo thành mười pháp giới”, điều này nói rõ thập pháp giới từ đâu mà có? Thập pháp giới là tùy theo duyên nhiễm hay tịnh mà tạo thành. Trong duyên nhiễm thì nhiễm là chấp trước, là kiến tư phiền não. Điều đầu tiên của kiến tư phiền não là “thân kiến”, chấp trước cái thân này là ta. Chúng ta nhất định phải xả bỏ, không bao giờ làm việc ngu ngốc này nữa.
Qua hai ngày nữa, sẽ có một đoàn từ Thượng Hải đến, chúng tôi hầu như hằng tuần đều có đoàn từ bên ngoài đến, họ gọi điện hỏi tôi, muốn biếu cho tôi một ít quà, tôi nói tôi cái gì cũng không cần. Tôi nói nếu các bạn muốn mang đến, các bạn đồng học ở đây rất nhiều, hãy mang một chút quà đến cúng dường các bạn đồng học, còn tôi thì cái gì cũng không cần. Vạn duyên buông xuống, thân tâm thế giới, thế xuất thế pháp đều buông xuống, chỉ cần còn một thứ không buông xuống thì sẽ phiền phức rồi, bạn vãng sanh không có phần chắc chắn, tất cả đều buông xuống thì mới nắm chắc phần vãng sanh. Bất cứ lúc nào cũng có thể đi, bất cứ ở nơi đâu cũng có thể đi, bạn nói xem tự tại biết bao. Như vậy cuộc đời này của chúng ta mới không uổng phí. Những điều khác đều là giả, quan hệ giữa người với người, giữa người và hết thảy chúng sanh chỉ là một chữ “duyên”. Vì sao không kết thiện duyên với chúng sanh mà lại kết ác duyên với chúng sanh? Cho nên thuận cảnh nghịch cảnh, người thiện người ác đều nhất định không để ở trong tâm, như vậy tâm của bạn liền thanh tịnh. Người thiện thì chúng ta tôn kính và tán thán, người xấu thì chúng ta tôn kính nhưng không tán thán. Điều này Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta, trong “Lễ kính chư Phật” không phân biệt thiện ác, tất cả đều phải lễ kính, nhất định phải tôn trọng. Thế nhưng tán thán thì “Tán thán Như Lai”. Như Lai là gì? Là thiện, ngôn ngữ hành vi tương ưng với tánh đức thì chúng ta tán thán, không tương ứng với tánh đức thì chúng ta không tán thán, đây là chỗ khác biệt. Cúng dường thì người ác chúng ta cũng phải cúng dường họ, không thể không cúng dường, cúng dường là bình đẳng. Họ có khổ nạn thì chúng ta vẫn là tận tâm tận lực giúp đỡ họ, nhất định không có phân biệt không có chấp trước, một mực bình đẳng đối đãi. Bạn nhất định phải hiểu được đạo lý này. Trong chú giải nói rất hay: tâm này có thể làm Phật, tâm có thể làm chúng sanh, tạo Thiên Đường hay địa ngục chính đều ở tại một niệm này. Một niệm thiện thì người thành Phật, là thiên đường, một niệm ác thì biến thành địa ngục rồi. Cho nên sự thăng trầm của thập pháp giới đều ở tại một niệm này. Trong chú giải có trích dẫn một câu nói của Hám Sơn Đại sư: “Cần phải thấy thấu suốt từ chỗ niệm dấy lên, khi sự chưa xảy đến thì đừng lầm lạc sanh khởi”. Hai câu nói này nói rất hay, thật sự dụng công chính là ở chỗ này. “Khi ác niệm dấy lên, một đao chặt đứt lìa, ắt nghiệp căn lập tức tiêu trừ, vọng niệm có chỗ nào để an trụ chứ? Đầu mối để siêu phàm nhập Thánh hoàn toàn ở chỗ này”. Mấy câu nói này chúng ta cần phải ghi nhớ. Trước mắt chúng ta có một tấm gương người tu hành chân thật, chỉ cần nhãn căn của chúng ta thanh tịnh rồi thì chúng ta liền có thể nhìn thấy. Ở Singapore đại chúng đều biết đến cư sĩ Hứa Triết, băng ghi hình của bà chúng tôi đã làm thành đĩa VCD, các bạn đồng tu mỗi người có thể cầm một đĩa mang về. Tôi đã mời Pháp sư Thường Huệ ở Trường Xuân đến, bà hiện nay đang làm thủ tục, tôi mời bà đến niệm Phật đường bên này làm tấm gương cho mọi người xem. Bà niệm Phật đã hơn bốn trăm ngày mà chưa ngủ, hoàn toàn dựa vào bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư để tu học. Chúng tôi nhìn sự hành trì của bà thì mức độ thấp nhất là bà đã đắc niệm Phật tam muội. Năm nay bà đã sáu mươi lăm tuổi, bà gọi điện thoại cho tôi, tôi nghe giọng nói của bà giống như người mới ba mươi hoặc bốn mươi tuổi vậy. Đồng tu bên đó nói với tôi là thân thể của bà rất nhẹ nhàng thanh thoát, bà tu học pháp môn niệm Phật chính là pháp môn do Tỳ-kheo Cát Tường Vân truyền dạy trong Kinh Hoa Nghiêm. “Phật lập tam muội”, bà là nhiễu Phật kinh hành, không ngồi cũng không nằm, hơn bốn trăm ngày rồi, một ngày ăn một bữa, thân tâm thanh tịnh, một vọng niệm cũng không có. Tôi mời bà đến đây để mọi người tận mắt thấy bằng chứng của việc niệm Phật. Bà có thể làm được thì bất kỳ ai cũng có thể làm được. Nguyên nhân bạn không làm được là gì ? Là vọng niệm quá nhiều, vọng niệm khiến cho cơ thể nặng nề, không có vọng niệm thì thân thể nhẹ nhàng, cho nên phải thật làm, không được lừa mình dối người. Điều này là quan trọng nhất.
************
Các vị đồng học!
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 123. Nếu đếm ngược thì là đoạn thứ hai của quyển sách này.
“Kỳ hữu tằng hành ác sự, hậu tự cải hối, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, cửu cửu tất hoạch cát khánh. Sở vị chuyển hoạ vi phúc dã.” (Nếu kẻ đã từng làm chuyện ác, về sau sửa đổi, hối hận, chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, lâu ngày chầy tháng, ắt được cát khánh, đó gọi là chuyển họa thành phước vậy.)
Đoạn văn này tổng kết đoạn nhỏ “suy gốc nhớ nguồn” ở phần trước. “Người ta nào phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi, có lỗi mà biết sửa, thì còn điều thiện nào hơn?”. Có lỗi cũng không nên sợ mà quý ở chỗ có thể sửa đổi. Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, chúng ta thấy vua A-xà-thế tạo tác tội ngũ nghịch thập ác, tội nghiệp mà chúng ta tạo ra so với ông thì tội của chúng ta quá nhẹ. Ông tạo tội rất nặng, quả báo của ông là ở địa ngục A-tỳ. Thế nhưng con người này trong đời quá khứ thiện căn sâu dầy, khi lâm chung ông hối hận, dùng tâm chân thành mà sám hối, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ông được vãng sanh. Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói câu chuyện này cho chúng ta nghe, đây là A Xà Thế Vương Kinh trong Đại Tạng Kinh. Phật nói với chúng ta ông không những được vãng sanh mà phẩm vị là thượng phẩm trung sanh, điều này thật sự nằm ngoài suy đoán của chúng ta, là một tấm gương rất tốt cho chúng ta. Tạo tác tội nghiệp cực nặng vẫn có thể vãng sanh, vấn đề là bạn thật sự phải sửa đổi, sửa đổi lại từ trong nội tâm, biết được chính mình sai rồi, về sau vĩnh viễn không bao giờ tái phạm lỗi lầm này nữa. Hủy báng Tam Bảo, tội lỗi này cũng đều là đọa địa ngục A-tỳ. Lịch đại Tổ Sư Đại Đức khi chưa học Phật đều tạo tội nghiệp này, sau khi học Phật rồi thì sám hối. Bồ-tát Thiên Thân thời kỳ đầu học Tiểu Thừa thì hủy báng Đại Thừa. Sau đó tiếp nhận sự giáo huấn của anh Ngài, biết được chính mình sai rồi, Ngài thề trước Phật muốn cắt lưỡi mình để sám hối. Anh trai Ngài liền nói với Ngài: “Trước đây em dùng lưỡi mình để hủy báng Đại Thừa thì sao bây giờ em không dùng chính cái lưỡi này để tán thán Đại Thừa, vì sao lại muốn cắt lưỡi của mình đi?”. Lúc này Ngài liền tỉnh ngộ ra, từ đó về sau Ngài tán thán Đại Thừa. Đây là tấm gương tốt của việc sửa ác thành thiện. Giả như chúng ta trước đây đã từng báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, tạo tác tội nghiệp này thì ngày nay chúng ta làm ngược lại, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng, như vậy thì đúng rồi. Đây là Bồ-tát Thiên Thân thị hiện mô phạm làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Quay đầu, cần phải dùng hành động để quay đầu, tâm và hạnh đều quay đầu, điều này mới có thể tiêu nghiệp chướng.
Hai câu “Không làm các điều ác, vâng làm các điều lành”, hiện nay đã trở thành khẩu hiệu suông của nhà Phật, ai cũng biết nói. Câu “Giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”, không những người hiện nay biết nói mà người xưa cũng biết nói. Ngày xưa, vào thời nhà Đường, Bạch Cư Dị gặp Ô Sào Hòa Thượng, vì sao gọi vị Pháp sư này là Ô Sào? Vì ông làm một cái lều sống ở trên cây giống như tổ chim vậy. Bạn hiểu được cuộc sống của ông vô cùng đơn giản, vạn duyên buông xuống, là một người tu hành lâu năm. Bạch Cư Dị gặp Ngài, khi đó Bạch Cư Dị là thái thú Hàng Châu, thái thú giống như chức thị trưởng hiện nay vậy. Ông gặp được hòa thượng Ô Sào liền thỉnh giáo với Ngài: đại ý của Phật giáo là gì? Hòa thượng Ô Sào liền nói bốn câu này: “Không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”. Bạch Cư Dị nghe rồi liền cười nói: “Lời nói này đứa trẻ ba tuổi cũng biết”. Hòa thượng Ô Sào trả lời một câu: “Tuy rằng đứa trẻ ba tuổi có thể nói nhưng ông lão tám mươi vẫn chưa làm được”. Bạch Cư Dị sau khi nghe rồi suy nghĩ thấy rất có đạo lý, chính là cần phải làm được. Làm thế nào mới có thể làm được? Sự việc này vô cùng vô cùng quan trọng, có quan hệ đến tiền đồ của chúng ta, có quan hệ đến đời sau của chúng ta. Đời sau là quả báo, đời này là hoa báo. Nói cách khác, không những quan hệ đến đời sau mà còn quan hệ đến trước mắt của chúng ta, trước mắt có thể tránh hung gặp kiết. Thế Tôn từ bi đến cực điểm, trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có một đoạn khai thị vô cùng quan trọng nhằm vào việc con người chúng ta ngày nay làm thế nào để đoạn ác tu thiện. Phật nói Bồ-tát có một phương pháp có thể vĩnh viễn đoạn dứt nỗi khổ của ác đạo, điều này không chỉ là tam ác đạo mà lục đạo đều là khổ. Bồ-tát có một phương pháp có thể xa lìa hết thảy nỗi khổ của ác đạo. Đó chính là trong nhãn quang của Phật Bồ-tát thì thập pháp giới đều là ác đạo, cho nên ác đạo ở đây không phải là chỉ tam đồ, mà tam thiện đạo, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật trong thập pháp giới đều là ác đạo. Vì sao vậy? Vì chưa minh tâm kiến tánh, chưa khế nhập nhất chân pháp giới, chỉ có nhất chân pháp giới mới là chánh đạo, là thiện đạo, thập pháp giới đều là ác đạo. Phật nói Bồ-tát có một phương pháp, Bồ-tát ở đây là pháp thân đại sĩ, nhất chân pháp giới Bồ-tát, phương pháp này là phương pháp gì? Ngài dạy chúng ta “Ngày đêm”, ngày đêm chính là không được gián đoạn, thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, không được một mảy may có bất thiện xen tạp. Câu nói này quan trọng, chúng ta cả ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ hành vi cần phải thường xuyên nghĩ đến thiện pháp. Chúng ta trong cuộc sống thường ngày, từ sớm đến tối tiếp xúc với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật phải thường xuyên nghĩ đến những điều thiện của họ, không được nghĩ những điều ác của họ. Nếu nghĩ điều ác của họ thì chính là biến điều ác của họ thành điều ác của chính mình, bạn nói xem con người này quá ngu si rồi.
Tâm của mỗi người đều là chí thiện, cùng với Phật không sai khác. Hiện tại chúng ta hiểu được rồi, Phật và pháp thân Bồ-tát, trong tâm của các Ngài chứa toàn là thiện pháp, một mảy may ác pháp đều không có. Phàm phu thì sai rồi, sai chỗ nào vậy? Là trong tâm chứa toàn là ác pháp, không chứa thiện pháp, mắt nhìn toàn là nhìn chỗ xấu của người khác, chuyên môn nhớ ác hạnh của người, miệng thì chuyên nói chuyện đúng sai. Hằng ngày của bạn là tâm ác, niệm ác, hạnh ác thì bạn làm sao không đọa đường ác được chứ. Vì sao Bồ-tát có thể xa lìa hết thảy nỗi khổ của ác đạo, siêu vượt thập pháp giới? Các Ngài chính là dựa vào trong tâm tuyệt đối không chứa bất kỳ một mảy may ác pháp nào. Phương pháp này rất tốt, bạn có thể làm được điều này thì như Phật đã nói, bạn thường được thân cận chư Phật Như Lai, Bồ-tát, Thánh Hiền, bạn làm bạn với các Ngài, gia nhập vào câu lạc bộ của các Ngài. Vì sao chúng ta không chuyển đổi lại ý niệm, việc này đều quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Người khác tạo việc ác, đối với chính mình không có can hệ gì, người khác làm việc thiện thì chúng ta ghi nhớ, học tập, làm theo. Người khác có điều ác thì chúng ta nhất quyết không để trong tâm, nhất quyết không nói ra. Đây là tích công lũy đức, cần phải bắt đầu làm từ chỗ này. Người ác cũng có thiện hạnh, chúng ta tán thán điều thiện, nhất định không nói điều ác, chẳng những miệng chẳng nói ra mà trong tâm nhất định cũng không có, có thể làm được hay không? Có người nói rất khó làm được, “sau khi tôi nhìn thấy thì ấn tượng liền rất sâu”, vì sao ấn tượng đó lại sâu? Vì bạn để nó vào trong tâm, cho nên bạn mới có ấn tượng. Nếu bạn không để việc đó trong tâm thì lấy đâu ra ấn tượng? Ở Singapore chúng tôi gặp cư sĩ Hứa Triết, năm nay bà một trăm lẻ một tuổi rồi. Bà là một người thanh niên một trăm lẻ một tuổi, cả đời bà chưa từng sanh bệnh, cả một đời sống rất vui vẻ, mỗi ngày ăn một bữa, một bữa ăn chỉ ăn rau sống, các loại gia vị như dầu muối tương dấm bà đều không dùng, hoàn toàn ăn rau sống, trở về với đại tự nhiên. Chúng tôi có băng ghi hình đã làm thành đĩa VCD, mỗi người đều có thể lấy một đĩa. Các bạn xem bà đã một trăm lẻ một tuổi mà mới chỉ rụng một chiếc răng, thân thể hoàn toàn không bệnh tật gì, tai mắt đều rõ ràng tinh tường, xem báo chí không cần đeo kính, biểu hiện hoàn toàn giống như người thanh niên vậy. Bà tu như thế nào vậy? Những điều Phật nói trong Kinh bà chưa từng đọc qua, bà chưa từng nghe qua thế nhưng bà đã làm được rồi. Điểm mạnh duy nhất của bà chính là chuyên nhớ điểm tốt của người khác, nhất định không nhớ việc xấu của người. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Vậy bà nhìn thấy những người ác, việc ác thì cách nhìn của bà như thế nào?”. Bà lấy một thí dụ: “Tôi nhìn thấy người ác, việc ác giống như nhìn thấy những người đang đi lại trên đường vậy”. So sánh này rất hay, các bạn đi ra đường thấy những người đang đi lại trên đường kia, sau khi trở về hỏi bạn có nhớ được những người đó không? Không nhớ được, vì sao vậy? Là vì bạn không để những người đó ở trong tâm. Từ đó có thể thấy, chúng ta có thể không để điều đó ở trong tâm, bạn cứ muốn để nó ở trong tâm, vậy thì còn có cách nào chứ. Chúng ta đi lại trên đường, bạn xem có rất nhiều người đi lại, cũng nghe thấy họ nói chuyện ở đó, nếu hỏi bạn họ đang nói gì? Rõ ràng là nghe thấy thế nhưng bạn không biết. Điều này là gì? Là vì bạn không chú ý, chú ý là gì? Là đem sự việc đó để vào trong tâm của bạn, đặt vào trong tâm, đó gọi là chú ý. Không chú ý nghĩa là gì? Là không đặt vào trong tâm, tuy là nhìn thấy rồi nhưng không biết, nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe. Chúng ta hằng ngày đều làm như vậy, nếu có thể duy trì cách làm như vậy đối với hết thảy người, việc, vật thì tâm của bạn sẽ rất thanh tịnh, bạn sẽ rất tự tại, bạn rất vui vẻ. Vì sao lại ghi nhớ lỗi lầm của người khác, vì sao lại ghi nhớ những điều bất thiện chứ? Phương pháp này của Phật Bồ-tát quá tốt.
Tiêu chuẩn của thiện và ác là gì? Phật nói đó là “thập thiện nghiệp đạo”. Thân thì có sát đạo da^ʍ, đây là ác hạnh, nhất định không được để ý, nhất định không được để vào trong tâm. Miệng, bạn nghe người khác nói vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, lưỡng thiệt là bới móc chuyện đúng sai. Ỷ ngữ là lời nói bóng bẩy, đường mật. Ý là tham sân si. Đây là thập ác. Phật nói là tiêu chuẩn này, nhất định không được phép có một mảy may thập ác xen tạp vào trong tâm của bạn, trong tâm hoàn toàn tràn đầy thập thiện. Tu học như vậy thì có thể thành đạo vô thượng, có thể thành Phật. Cho nên chúng ta nhìn thấy có rất nhiều tượng Phật, những bức họa hình Phật, phần đầu tượng Phật vẽ một vòng hào quang, trên đỉnh vòng hào quang có viết ba chữ. Ba chữ này có khi dùng chữ Trung văn để viết, cũng có khi dùng Phạn văn để viết, còn có khi dùng chữ Tây Tạng để viết, là giống như nhau cả, đó là: “OM AH HUM”. Ba chữ này có ý nghĩa gì? Là biểu thị sự viên mãn của thập thiện nghiệp đạo. “OM” là thân nghiệp: không sát sinh, không trộm cắp, không tà da^ʍ. “AH” là khẩu nghiệp: không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ. “HUM” là ý nghiệp: không tham, không sân, không si. Mười điều này làm được viên mãn rồi thì liền thành Phật. Cho nên Phật nói phương pháp này của pháp thân Bồ-tát là chính xác, chúng ta nhìn thấy ba chữ này ở vòng hào quang trên tượng Phật, phương pháp này là căn bản của tu hành, bắt đầu tu hành từ chỗ này và cũng đạt sự viên mãn tại chỗ này. Cho nên “lâu ngày chầy tháng, ắt được cát khánh”, chỉ cần có thể đoạn ác tu thiện, đoạn thập ác tu thập thiện thì bạn nhất định đạt được cát khánh, chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ cho bạn, đó gọi là “chuyển họa thành phước”. Hy vọng các đồng học chúng ta cần phải ghi nhớ thật kỹ, chăm chỉ tu học.
Được rồi, hôm này thời gian đã hết, chúng ta học đến đây thôi. A Di Đà Phật!