Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Mời xem đoạn thứ 88 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, văn tự chỉ có tám chữ:
“Thưởng phạt bất bình. Dật lạc quá tiết.” (Thưởng phạt chẳng công bằng, hưởng lạc quá độ.)
Câu này nói hai sự việc, trong chú giải nói rất hay “hoặc quá nhẹ hoặc quá nặng”. Chữ “thất” có nghĩa là sai lầm, là nói về việc thưởng phạt. “Chỉ cần hơi phạm sai lầm một chút, sẽ là chẳng có công bằng”. Thưởng và phạt muốn làm được đến công bằng quả thật là một việc không dễ dàng, tiêu chuẩn của điều này trong thế pháp gọi là pháp luật, trong Phật pháp gọi là giới luật. Người chấp pháp không những phải hiểu được pháp luật mà còn phải thông tình đạt lý, gọi là “tình, lí, pháp”. Ba sự việc này nếu bạn đều có thể nhìn thấy thấu triệt thì bạn mới có thể làm đến viên mãn. Nếu có sai lầm một chút thì sẽ không công bằng, không giữ được lẽ công bằng.
Những câu tiếp theo nói càng nghiêm trọng hơn: “Chẳng giữ công đạo, lòng người không phục, như thế không chỉ chẳng thể biểu dương công lao, trừng phạt tội lỗi, mà còn tạo thành oán hận chất chứa, chuốc lấy tai họa”. Câu này nói rất nặng, đều là nói sự thật.
Chúng ta xem lịch sử từ xưa đến nay trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hưng suy của triều đại, sự tồn vong của quốc gia vào thời điểm đó vô cùng rõ ràng. Người có chức vụ mà thưởng phạt không công bằng thì sẽ tạo nên sự oán hận trong lòng dân, sau cùng đến nỗi không thể sửa chữa sai lầm được nữa. Mức độ nhỏ là một gia đình, một đoàn thể nhỏ, ngày nay gọi là công ty, hãng xưởng. Làm ông chủ doanh nghiệp, nếu sự thưởng phạt của bạn đối với nhân viên rất công bằng thì nhân viên cấp dưới nhất định sẽ vui vẻ phục tùng bạn, họ có thể tận trung, tận tâm tận lực cống hiến cho bạn. Nếu thưởng phạt không công bằng, chỉ căn cứ theo sự yêu ghét của bản thân, lấy tiêu chuẩn này để thưởng phạt thì lòng người sẽ không phục, đến sau cùng nhất định mọi người sẽ rời bỏ bạn. Cho nên bất luận là sự nghiệp lớn hay nhỏ, lâu dài hay tạm thời nếu muốn làm tốt việc này thì tương đối không dễ dàng. Điều này là đại học vấn, không những là học vấn mà còn phải có kinh nghiệm phong phú. Chúng ta xử sự đãi người tiếp vật trong thường ngày không thể không chăm chỉ học tập điều này. Khi hoằng pháp lợi sanh Phật pháp cũng không thể xa lìa nguyên tắc này.
Thế nhưng thế đạo ngày nay so với thời xưa khó khăn hơn nhiều. Người thời xưa đều có cơ duyên tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền, ngày nay gọi là giáo dục nhân văn, đọc sách rõ lý. Nói cách khác, người xưa đối với hết thảy sự lý nhân tình tương đối thông đạt, tương đối khách quan, người và người chung sống với nhau dễ dàng dung hòa. Xã hội ngày nay không được như vậy, giáo dục về nhân văn, luân lý, đức hạnh có thể nói là đã bị xóa bỏ toàn bộ. Điều mọi người chúng ta tiếp thu là sự giáo dục của chủ nghĩa công lợi phương Tây, cho nên tình người rất bạc bẽo, rất cạn cợt. Điều này không chỉ là đối với người ngoài mà ngay cả đến quan hệ giữa cha con, anh em của chính mình cũng vô cùng lệch lạc. Điều này trong xã hội hiện đại chúng ta nhìn thấy quá nhiều rồi. Ví dụ như tranh đoạt tài sản để lại, tài sản phân chia không công bằng, tranh chấp đến tòa án. Những việc thế này chúng ta thường xuyên nghe thấy, thường xuyên nhìn thấy, nhưng vào thời xưa rất hiếm khi nhìn thấy, ngày nay đã trở thành một việc bình thường, thường có thể nhìn thấy. Điều này vào thời xưa sẽ là đại bất hiếu, đại bất kính, người hiện nay đâu biết được. Người xuất gia có đạo tràng, lão Hòa Thượng viên tịch rồi thì để lại một số sản nghiệp, các đồ đệ của ông không thể khoan dung lẫn nhau, đôi bên tranh đoạt, cũng tranh chấp đến tòa án. Những sự việc này trong lịch sử thời xưa chưa từng nghe nói qua. Trong lịch sử việc anh em trong nhà tranh chấp tài sản thỉnh thoảng cũng có, nhưng người xuất gia tranh chấp tài sản thì trong lịch sử không có ghi chép, thế nhưng ngày nay chúng ta thường xuyên nghe thấy, cũng thường xuyên nhìn thấy. Điều này vô cùng bất hạnh, lòng người bất bình, oán hận tích tụ, khi phát ra sẽ là tai họa, đây là điều chúng ta không thể không lưu ý, không thể không chú ý cẩn thận để mà đối đãi.
Câu tiếp theo là “hưởng lạc quá độ”, câu này nói về hưởng lạc. Con người có ai mà không mong cầu hưởng thụ? “Lạc” là đại dục, du͙© vọиɠ lớn của con người. Trong chú giải cũng giải thích rất hay và trích dẫn trong phần “Khúc Lễ” của Lễ Ký một câu nói: “Chớ nên hưởng lạc đến tột cùng, đừng nên phóng túng du͙© vọиɠ”. Đây là giáo huấn của Thánh Hiền nhân. Hưởng lạc nhất định phải có tiết chế, không được phép quá độ, nếu quá độ sẽ như thế nào? Sẽ là “lạc cực sanh bi” (vui hết mức thì sanh buồn), kết quả sẽ là tương phản, cho nên nhất định phải biết tiết chế. Nói về “dục”, con người có du͙© vọиɠ nhưng không thể phóng túng du͙© vọиɠ, không được phép buông thả, buông thả thì tai họa sẽ đến.
Câu tiếp theo trong chú giải là trích dẫn hai câu trong sách Quốc Ngữ: “Dân chúng vất vả thì nghĩ đến điều lành, nhàn rỗi sẽ nghĩ đến điều da^ʍ”, ý muốn nói là chẳng mong dân chúng nhàn rỗi. Hai câu này cũng nói rất hay, chữ “lao” trong “dân lao” có nghĩa là cực khổ, sống một cuộc sống quá khổ thì họ sẽ quay đầu chuyển ý để hướng thiện, lúc này khuyên họ hướng thiện thì họ sẽ rất dễ dàng tiếp nhận. Vì sao vậy? Vì họ đã có trải nghiệm chịu khổ rồi. Xã hội hiện nay đặc biệt là những quốc gia khu vực mở cửa thì việc khuyến thiện vô cùng khó khăn, họ không chịu tiếp nhận, cuộc sống hằng ngày của họ sống rất tự tại, sống rất vui vẻ. Cho nên ở những khu vực chưa mở cửa hay khu vực mở cửa một nửa thì cuộc sống của người dân rất khổ cực, cuộc sống rất khó khăn, nếu khuyên họ đoạn ác tu thiện thì họ có thể chịu tiếp nhận. Vì sao vậy? Vì những điều khuyên họ chính là hoàn cảnh hiện thực họ phải gánh chịu, họ nghĩ có đạo lý nên họ có thể nghe theo. Vì sao những quốc gia phát triển trên thế giới khi chúng ta đi hoằng dương giáo huấn Phật-đà thì rất khó thu được hiệu quả, đạo lý chính là ở chỗ này. Ngược lại những khu vực mà cuộc sống tương đối khó khăn thì họ dễ dàng tiếp nhận. Đây chính là điều mà người xưa nói: Những khu vực đã phát triển thì vui quá hóa bi, còn những khu vực nghèo khó thì khổ tận cam lai, không phải là không có đạo lý. Cho nên khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài rất có kỹ xảo, Ngài nói quả báo trước, sau đó mới nói nhân. Bởi vì quả báo là thứ bạn hiện nay đang chịu thọ báo, khi vừa nói thì bạn liền có thể thể hội được. Cho nên nguyên tắc thuyết pháp của Phật là “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, sau đó sẽ phân tích cho bạn là khổ từ đâu mà ra thì bạn có thể tiếp nhận. Ngược lại ngày nay những quốc gia phát triển ở Âu Mỹ, bạn giảng cho họ về nỗi khổ, họ sẽ không thể hội được, họ cảm thấy cuộc sống của họ rất tự tại, rất hạnh phúc, họ sẽ không chịu tiếp nhận.
Những khu vực như thế này, những Pháp sư xuất gia chúng tôi giảng kinh thuyết pháp ở bên ngoài thì cần phải giảng pháp khế cơ, vì vậy đối với những khu vực thế này không thể không lưu ý. Đối với người giàu sang, chúng ta thuyết pháp cho họ thì cần khuyên họ tích đức tu thiện. Điều này đối với họ dễ như trở bàn tay, họ có năng lực này nên cần làm nhiều việc tốt, giúp đỡ nhiều người khổ nạn, bố thí nhiều ân đức. Cách nói này sẽ tương đối khế cơ, nói rõ với họ nguồn gốc của phước lạc, bạn ngày nay hưởng phước, bạn ngày nay có tài phú, có địa vị là do kiếp trước bạn tu những nhân này nên đời này bạn được hưởng quả báo, thế nhưng quả báo sẽ có lúc hưởng hết, nếu không tiếp tục tu thì khi bạn hưởng hết rồi sẽ không còn nữa. Đối với những người đang chịu khổ nạn, khi chúng tôi gặp họ thì trước tiên cần phải triển khai hành động cứu tế, họ thiếu thốn cái ăn, cái mặc thì chúng ta trước tiên phải giúp đỡ họ, sau đó dần dần mới dạy họ làm thế nào thay đổi chất lượng cuộc sống, làm thế nào nâng cao bản thân. Giáo hóa như vậy thì có thể nhận được hiệu quả tốt.
Chú giải ở đây cũng trích dẫn một câu nói của Mạnh Tử: “Người ta do biết lo âu mà sống, hưởng yên vui quá thì sẽ chết”. Lời Mạnh Tử nói vô cùng sâu sắc, cùng với đạo lý nói trong Phật pháp không hẹn mà gặp. Cả đời chúng ta tu phước, tu phước không nên hưởng phước, phước báo đến khi nào mới hưởng vậy? Tích lũy để đến khi chết được hưởng an vui, điều này thật sự là có trí huệ, thật sự thông minh, phước báo là để hưởng khi lâm chung. Khi lâm chung hưởng phước gì vậy, hưởng niềm vui gì vậy? Là lâm chung không có bệnh khổ, đầu óc tỉnh táo và minh bạch, biết được chính mình sẽ đi về đâu, đây thật sự là phước báo. Nếu trong cuộc sống đời thường hưởng hết phước báo rồi thì khi lâm chung sẽ mơ mơ hồ hồ mà chết, đi về cảnh giới nào chính mình cũng không biết, điều này trong Phật pháp gọi là đọa tam đồ. Người thông thường sau khi chết đi kiếp sau có thể được thân người thì khi lâm chung thoại tướng rất tốt, thần trí rõ ràng, không bị hồ đồ điên đảo. Tích công lũy đức có thể sanh thiên, khi lâm chung đều có nhạc trời đến nghênh đón. Chúng ta khi đọc sách của người xưa thấy trong đó có ghi chép rất nhiều. Đó đều là sự thật, không phải là giả. Niệm Phật vãng sanh thì có Phật Bồ-tát đến tiếp dẫn.
Năm nay là năm 2000, cách đây hai năm, năm 1998, Singapore có bác sĩ Lâm vãng sanh, tuổi tác cũng không phải là lớn, ông là đệ tử Phật kiền thành, cả một đời hành nghề y vì người bệnh mà phục vụ. Ông sáng lập ra “Hội Quán Âm Cứu Khổ”, ông làm hội trưởng, khi lâm chung ông nói với cư sĩ Lý Mộc Nguyên là muốn gặp tôi. Khi đó thể lực của ông yếu rồi, cư sĩ Lý nói với tôi như vậy, tôi nói không cần ông ấy đến đây mà tôi sẽ đi thăm ông ấy. Tôi tặng cho ông tràng hạt và tượng Phật, sau khi tôi và ông ấy gặp nhau khoảng hơn một tuần thì ông ấy vãng sanh. Khi vãng sanh tướng lành hy hữu, một số đồng tu đến trợ niệm bên cạnh ông ấy kể lại, khi lâm chung ông ấy nói: “Tôi nhìn thấy một vầng kim quang”. Cuối cùng ông ấy nói: “Tôi không nhìn thấy các bạn nữa rồi, tôi nhìn thấy một vầng ánh sáng vàng”, ông đã an tường tự tại vãng sanh.
Trong cuộc đời, cái gọi là “Người ta do biết lo âu mà sống”, “lo âu” ở đây có nghĩa là không phải vì chính mình mà là vì xã hội, vì chúng sanh, vì nhân dân phục vụ, chỉ sợ công việc mình làm không được tốt, chăm chỉ nỗ lực làm tốt công việc phục vụ thì khi lâm chung nhất định được an lạc. Cho nên câu nói này của Mạnh Tử là lời nói kinh nghiệm, đạo lý của câu nói này rất sâu, chúng ta cần phải tỉ mỉ nghiền ngẫm, chịu khó học tập, chỉ có như vậy mới là phước báo chân thật, còn phước báo mà cả đời bạn hưởng chưa chắc là chân thật, khi lâm chung chân tay quờ quạng, mê hoặc điên đảo, đó gọi là thật sự đáng tiếc, cả đời này đã luống qua mất rồi.
**********
Chư vị đồng học, chào mọi người!
Mời các bạn xem đoạn thứ 89 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên: “Hà ngược kỳ hạ. Khủng hách ư tha.” (Hà khắc, ngược đãi cấp dưới, đe dọa người khác).
Việc ác mà hai câu này đã nói cũng là điều mà chúng ta rất dễ phạm phải, đa phần thuộc về tập khí hà khắc ngược đãi cấp dưới. Ngày xưa quan lại ngược đãi thường dân, hà khắc đối với thường dân. Trong gia đình, những gia đình trung thượng lưu sử dụng nô tì rất nhiều, đối với những người này thường xuyên ngược đãi mà không nghĩ đến người nô tì này cũng là một con người, cũng là con trai con gái của người khác. Sau khi chúng ta học Phật rồi thì đối với những sự việc thế này càng hiểu rõ hơn, trong đời quá khứ hành nghiệp bất thiện nên mới cảm quả báo như thế. Người đọc sách rõ lý, bình thường người chân thật học Phật khi đối xử với người bên dưới đều vô cùng nhân hậu. Chúng ta từ điểm này mà phản tỉnh suy nghĩ xem: Chúng ta tu học có ai mà không hy vọng trong cuộc đời này có thành tựu, thế nhưng vì sao không thể thành tựu? Thật ra là không thể khắc phục được phiền não của chính mình. Nếu chúng ta sử dụng phương pháp hà khắc ngược đãi người khác để đối xử với chính mình thì đạo nghiệp không thể không thành tựu. Trước đây và hiện tại chúng ta hãy nhìn xem phàm là người có thành tựu thì họ yêu cầu bản thân vô cùng nghiêm khắc, nhưng đối với người khác thì họ có thể khoan dung.
Trong cuộc sống hằng ngày ngủ sớm dậy sớm là điều rất quan trọng. Thế nhưng sống ở thành thị thì quả thật điều này tương đối khó khăn, nhưng vẫn có người làm được. Chúng ta thấy ở Singapore hay ở Đài Loan cũng là như vậy, bốn giờ hoặc năm giờ sáng, chúng ta đến công viên, những nơi công cộng sẽ thấy rất nhiều người ở đó tập quyền, luyện công, mục đích của những người này chẳng qua là vì sức khỏe của chính mình. Trước đây khi tôi ở California, hàng xóm của chúng tôi có một số cụ già, khoảng tám mươi tuổi, các cụ sáng sớm hằng ngày cũng là ba giờ sáng thức dậy rồi cùng nhau đi tản bộ bên ngoài. Hằng ngày đi bộ khoảng một giờ đồng hồ mới về nhà, đều là vì rèn luyện sức khỏe. Còn chúng ta tu hành mà hằng ngày lười nhác như vậy thì sao có thể thành công? Đạo tràng thật sự tu hành thì lão Hòa Thượng đối với các đồng học đều có yêu cầu nghiêm khắc. Khi tôi mới học Phật, vẫn chưa xuất gia, thân phận là cư sĩ, tôi cùng với Pháp sư Sám Vân ở tại lều tranh ở Phố Lý. Khi đó khu vực Phố Lý vẫn là nông thôn, điện và nước đều không có, buổi tối không có đèn điện, vì vậy Pháp sư Sám Vân mua bình ắc quy của ô tô dùng, dùng 1 bóng đèn nhỏ, bóng đèn nhỏ của chiếc đèn pin. Mỗi một phòng dùng một cái đèn nhỏ, trước tượng Phật thì thắp nến. Ở trên núi tám giờ tối là đi ngủ, ba giờ sáng thức dậy, ba rưỡi sáng chúng tôi vào thời khóa sáng công phu. Thời khóa sáng là mọi người tự có thời khóa riêng của mình, khi đó thời khóa sáng trên núi là lạy Phật, buổi sáng thức dậy lạy Phật ba trăm lạy. Mỗi người tự đặt ra công khóa của mình, Pháp sư Sám Vân tuổi tác đã cao, thật ra khi đó Ngài mới hơn bốn mươi tuổi, động tác Ngài lạy Phật rất chậm, chúng tôi lạy Phật được ba trăm lạy thì Ngài chỉ có thể lạy được khoảng một trăm lạy thôi. Ở trên núi có Pháp sư Đạo Tông, sức khỏe rất tốt, tốc độ lạy Phật của Ngài so với chúng tôi nhanh hơn, Ngài lạy nhanh nhất, một ngày Ngài lạy một ngàn hai trăm lạy. Tôi một ngày ở trên núi lạy tám trăm lạy, đây là định khóa của tôi, sau khi lạy Phật xong thì mọi người cùng nhau đọc tam quy y, đây là thời khóa sáng. Mỗi ngày quy định đọc kinh hai giờ đồng hồ, đọc kinh cũng là mọi người tự đọc riêng, bạn thích kinh nào, thích nghiên cứu kinh nào thì tự mình làm lấy, cuộc sống vô cùng có quy luật. Lều tranh tuy là nhỏ, chỉ ở được năm người nhưng [mọi người] tương đối tinh tấn, thời gian không bị lãng phí, nếu có một chút lơ là thì đạo nghiệp đương nhiên sẽ không thể thành tựu. Thế nên vì sao lại không hà khắc ngược đãi chính mình? Việc ăn uống sinh hoạt càng đơn giản càng tốt, Pháp sư Sám Vân rất xem trọng dinh dưỡng, cũng không thể nói không có đạo lý. Khi đó ở trên núi, tôi làm nghĩa công, chăm sóc ba vị Pháp sư và một cụ già. Cụ già đó là lão cư sĩ Chu Kính Trụ, khi đó ông bảy mươi tuổi rồi, tôi ở trên núi chăm sóc bốn người. Cứ như vậy ở trên núi được nửa năm, trong nửa năm này tôi lạy Phật hơn mười vạn lạy, quả thật đã khiến cho tâm an định trở lại. Vì có nền tảng như vậy nên sau này đến Đài Trung học giảng kinh, tôi hằng ngày vẫn lạy Phật ba trăm lạy. Khi ở Phố Lý hằng ngày lạy Phật tám trăm lạy, sau khi đến Đài Trung thì hằng ngày lạy Phật chỉ ba trăm lạy. Lạy Phật là một sự vận động rất tốt, đối với sự khỏe mạnh của thân tâm có giúp đỡ rất lớn. Cho nên con người nếu muốn thành tựu thì nên hà khắc với chính mình, nghiêm khắc đối với chính mình, không được dùng phương thức nghiêm khắc này đối xử với người khác, làm như vậy đối với người khác là lỗi lầm.
Chú giải trong Vựng Biên trích dẫn một đoạn lời thoại của Đức Phật, đoạn lời thoại này là đoạn kinh văn trong Kinh Thi Ca La Việt. Đây là một bộ kinh Tiểu Thừa, chúng tôi trước đây ở Đài Trung đã học qua bộ kinh này. Phật bảo Thi Ca La Việt: “Hết thảy người đời đối đãi với nô bộc, phải nên có năm sự”, đây là Phật dạy chúng ta làm thế nào để đối xử với thuộc hạ:
“Một là, trước hết phải nên biết họ đói, khát, lạnh, nóng [như thế nào] rồi mới sai khiến”, điều này rất quan trọng, trước tiên cần phải chăm sóc cuộc sống của họ, sau đó mới có thể sai khiến họ.
“Thứ hai là, đối với kẻ có bệnh, phải nên điều trị”, nhất định phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ trị bệnh.
“Ba là, chẳng được đánh đập vô cớ, phải nên hỏi han [để biết rõ] thật, hư, sau đấy mới trách phạt, trừng trị, có thể tha thứ thì hãy tha thứ, chẳng thể tha thứ thì mới giáo huấn, trừng phạt”. Tôi tớ có khi có sai sót, đây là điều không thể tránh khỏi. Vì sao họ lại trầm luân làm đầy tớ? Chúng ta có thể tưởng tượng, họ không có trí huệ, ngu si, đần độn khi làm việc thì làm sao không có sai sót chứ, cho dù có sai sót thì cũng nên quan sát tỉ mỉ, nếu có thể tha thứ được thì tha thứ cho họ. Nếu không thể tha thứ được thì phải dạy bảo họ, không thể tùy tiện đánh đập. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay, nếu nói đến đánh đập thì bạn phạm pháp rồi, pháp luật quốc gia không cho phép, nếu nghiêm khắc một chút thì kết oán thù với đối phương. Xã hội hiện nay tâm lý báo thù, hành vi báo thù tồn tại phổ biến, vì vậy xã hội đại loạn rồi. Chúng ta xử sự đãi người tiếp vật không thể không cẩn thận, không thể không thận trọng, đôi khi có tai họa không biết từ đâu mà đến, đây là điều mà bản thân mình lơ là không để ý.
Điều thứ tư là, “Nếu họ có đôi chút tài sản riêng, chẳng được tước đoạt.” Tôi tớ đôi khi họ tích cóp được một chút tài vật thì đó là thuộc quyền sở hữu của họ, nhất định không được chiếm đoạt.
Thứ năm là, “Cho họ đồ vật gì, phải bình đẳng, chớ nên thiên vị, thiếu công bằng”. Tôi tớ trong gia đình đông, thưởng phạt phải công bằng, đồ vật phân phát cho họ phải bình đẳng, cái ăn cái mặc hằng ngày hoặc tiền tiêu vặt đều phải bình đẳng, như vậy mới không dẫn đến sự bất bình và oán hận trong lòng họ.
Chúng ta đọc đoạn kinh văn này thì không chỉ dùng cho thuộc hạ, mà trong xã hội hiện nay chúng ta tiếp xúc với nhiều phương diện rất rộng. Đặc biệt là trong thế kỷ này, chúng ta bình lặng quan sát, giống như người nước ngoài nói: Bước vào một xã hội đa nguyên văn hóa cùng tồn tại, cùng phồn vinh. Những giáo huấn này của Phật chúng ta càng cần phải ghi nhớ kỹ càng, cần phải y giáo phụng hành.
Trong chú giải nói về “đe dọa” có hai trường hợp:
Một là, thấy người khác gặp nạn cấp bách, chẳng lo an ủi mà cố ý phô trương oai thế, khiến cho người đó sợ hãi.
Hai là, chỉ mong cầu lợi, gọi là tổn người lợi mình, dùng thủ đoạn làm tổn hại người thì đe dọa là thủ đoạn thường gặp nhất. Những việc như thế này từ xưa đến nay trong và ngoài nước đều có, đặc biệt là những người có quyền có thế lực ức hϊếp người dân thường, thủ đoạn này là thường thấy nhất.
Trong chú giải nói về Quán Thế Âm Bồ-tát: Khi chúng sanh lâm vào chốn cấp nạn sợ hãi thì Quán Thế Âm Bồ-tát bố thí vô úy cho chúng sanh. Quán Thế Âm Bồ-tát tu hành chứng quả, đây là nhân tố đầu tiên. Ngài cứu khổ cứu nạn, cho nên chúng ta gọi Quán Thế Âm Bồ-tát là Bậc Thí Vô Úy.
Vì vậy đối với người đang gặp nạn cấp bách, chúng ta cần an ủi họ, giúp đỡ họ lìa khổ được vui, đương nhiên trong việc này nhất định phải có trí huệ cao độ, phải có kiến thức rất sâu rộng để khuyên bảo người, làm cho họ giác ngộ, hóa giải được kiếp nạn. Những kiếp nạn thông thường, nhân tố đương nhiên có rất nhiều, trong đó nhân tố quan trọng nhất là gì? Đó là chấp trước, chấp trước kiên cố, hai bên đều không thể nhường nhịn lẫn nhau thì tai nạn sẽ sảy ra. Nếu hai bên đều có thể nhường một bước thì thiên hạ thái bình, tai nạn có thể được hóa giải. Con người vì sao không thể buông xuống chấp trước? Nhân tố bên trong điều này cũng rất phức tạp, Phật nói rất rõ ràng: Sự kiên cố của chấp trước là từ ngã kiến, là sinh ra từ trong ngã tham, ngã ái, ngã si.
Trong kinh luận Tướng Tông nói “Tứ đại phiền não thường tương tùy” (bốn phiền não lớn thường theo nhau), từ chỗ này mà sinh ra chấp trước, không hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sanh. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó là tạo nghiệp. Nếu đã tạo ra nghiệp nhân thì nhất định không thể tránh khỏi quả báo. Vì vậy con người sinh đến thế gian này là vì điều gì? Câu trả lời của Phật, chúng ta càng nghĩ càng có đạo lý, Phật trả lời bốn chữ “Nhân sinh thù nghiệp” (Con người sinh ra để trả nghiệp), nghiệp đời trước mà bạn tạo thì đời này bạn đến chịu quả báo, chính là sự việc như vậy. Đời trước bạn tạo nghiệp thiện thì đời này bạn hưởng thiện báo, đời trước bạn tạo ác nghiệp thì đời này bạn chịu ác báo. Chúng sanh trong lục đạo chính là như vậy mà thôi. Chân thật thấu triệt, hiểu rõ rồi thì từ này về sau không tạo tác ác nghiệp nữa. Bất cứ người nào hãm hại tôi thì tôi đều có thể chịu đựng, không oán trời trách người. Biết được điều gì? Biết được đó là do nghiệp quá khứ mà mình đã tạo nên ngày nay đương nhiên phải chịu quả báo. Sau khi chịu hết quả báo, mình không tạo nghiệp ác nữa thì tiền đồ sẽ vô cùng tươi sáng. Nếu có một chút oán hận không phục trong lòng thì nghiệp báo sẽ liên miên không dứt, oan oan tương báo không bao giờ ngừng dứt.
Nhân sinh ở thế gian, chúng ta thường nhìn thấy động vật nhỏ, chúng ta cùng với những động vật nhỏ này không có khác biệt, càng nhìn nhiều, càng nghĩ nhiều thì chúng ta sẽ giác ngộ ra, “mạng người vô thường, cõi nước mong manh”. Sáu trăm quyển Kinh Đại Bát-nhã đã nói cho chúng ta, tôi tổng kết lại thành sáu chữ “Vô sở hữu, bất khả đắc”. Vô sở hữu là nói cái tướng hiện ra, trong Kinh Kim Cang nói “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh” (hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng), đây chính là vô sở hữu. Hết thảy pháp bày ra trước mắt giống như huyễn hóa, giống như cảnh mộng, không thể nắm giữ. Chúng ta nhìn rõ ràng chân tướng này thì tâm sẽ bình lặng, trí huệ liền khai, phiền não liền diệt trừ, xử sự đối người tiếp vật tự nhiên sẽ hòa nhã từ bi giống như Phật Bồ-tát, làm sao có thể có những thủ đoạn không chính đáng đối với người khác được chứ? Đó là điều không thể. Cho nên nếu không tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ-tát và Thánh Hiền thì chúng ta sẽ không hiểu đạo lý, tùy thuận theo phiền não, tập khí của chính mình mà làm việc thì chắc chắn sẽ tạo nghiệp.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!