Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Hôm trước có một bạn đồng học hỏi khi lâm chung nếu như Quán Thế Âm Bồ-tát đến tiếp dẫn thì có thể đi theo Ngài được không? Việc như vậy có quan hệ trọng đại, một người niệm Phật nếu như nhất tâm cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn vãng sanh, khi lâm chung A Di Đà Phật chưa đến nhưng Quán Thế Âm Bồ-tát lại đến rồi. Vậy thì lúc này nên làm thế nào? Nếu như lúc bình thường chúng ta có lòng tin sâu sắc đối với A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ-tát vậy thì không có vấn đề gì. Nếu như chúng ta bình thời nhất tâm niệm A Di Đà Phật, còn niệm Quán Thế Âm Bồ-tát ít hơn, khi lâm chung Quán Thế Âm Bồ-tát đến tiếp dẫn thì chưa chắc đáng tin. Nếu trong cả đời đều là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, hồi hướng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, khi lâm chung Quán Thế Âm Bồ-tát đến tiếp dẫn thì nhất định là đúng rồi. Cho nên đối với vấn đề này cần xem bản nguyện tu hành của chính mình. Chúng ta lấy bộ kinh nào, lấy vị Phật Bồ-tát nào làm căn cứ dựa vào. Cho nên thông thường vãng sanh phẩm vị cao thì khi lâm chung đều nhìn thấy Tây Phương Tam Thánh, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát và Đại Thế Chí Bồ-tát. Giống như trong kinh nói còn có chư Phật Bồ-tát và chúng Thanh Văn. Chúng ta hiểu được đạo lý này thì nghi vấn này liền có thể đoạn trừ. Cho nên khi lâm chung nhất định phải thấy A Di Đà Phật, điều này là chắc chắn nhất. Chúng ta bình thường niệm Phật đều là niệm A Di Đà Phật, khẩn cầu sự gia trì của A Di Đà Phật.
Ngoài câu hỏi này ra, lần này tôi giảng Kinh tại Hồng Kông có gặp một bạn đồng tu, anh đã viết cho tôi một tin nhắn, tuy rằng đã học Phật nhiều năm nhưng hoàn cảnh gặp phải lại vô cùng ác liệt, khổ không kể xiết. Khi tôi trở về Singapore cũng gặp bạn đồng tu khác kể với tôi những hoàn cảnh tương tự như vậy. Tôi nghĩ người gặp phải hoàn cảnh như vậy không chỉ có một hai người, trong xã hội có rất nhiều, do vậy đối với sự tu học Phật pháp, tiêu tai miễn nạn, chuyển biến nghiệp lực anh sanh khởi nghi hoặc. Đối với việc này năm xưa khi tôi giảng kinh vì sao trước tiên khuyên các bạn đọc Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần. Đạo lý chính ở chỗ này, rất nhiều người thật ra không hiểu thấu triệt đạo lý, cho rằng mình học Phật rất khá, cho rằng mình rất lương thiện, có thể trì giới, mỗi ngày tụng kinh niệm Phật nhưng tại sao không chuyển được nghiệp báo. Thời gian lâu rồi thì suy tư ngổn ngang, mất lòng tin đối với Phật pháp, đối với kinh điển. Tình trạng thế này từ xưa đến nay rất nhiều, ở xã hội hiện tại lại càng nhiều hơn, không chỉ là người học Phật tại gia, người xuất gia học Phật cũng có không ít. Cho nên chúng ta nghĩ đến việc này liền nghĩ đến truyện Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân, nghĩ đến nội dung mà câu chuyện này đã kể. Hết thảy những hoàn cảnh mà họ gặp phải không khác gì so với hoàn cảnh của tiên sinh Du Tịnh Ý. Cho nên đoạn văn chương này rất đáng để mọi người tham khảo, cũng rất đáng để bản thân chúng ta phản tỉnh kiểm điểm. Nghiệp chướng của chúng ta đã được tiêu trừ hay chưa? Bản thân chúng ta hiện nay trên thế gian này đã có thể tâm tưởng sự thành, mọi sự như ý hay chưa? Nếu vẫn chưa được như vậy thì rốt cuộc nguyên nhân nằm ở đâu? Cần tìm ra nguyên nhân đó. Câu chuyện Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân là chỉ dẫn tốt nhất cho chúng ta. Ông cũng tự cho mình là người thật thà, tự cho rằng mình là một người thiện, thế nhưng hoàn cảnh của ông thì năm sau lại kém hơn năm trước, vô cùng khó khăn. Ông cầu Táo Quân, viết sớ văn cầu Táo Quân chuyển trình lên, chúng ta thường gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, thuật lại cuộc đời đọc sách, tích đức hành thiện của mình, hay còn gọi là tích công luỹ đức. Tại sao công danh không thể thành tựu, vợ con không vẹn toàn, cái ăn cái mặc không đủ, vì sao gặp phải quả báo thê thảm đến vậy? Ông năm nào cũng viết sớ văn như vậy. Ngày hôm đó quả thật Táo Quân hóa thân thị hiện, ngày ba mươi tháng Chạp gõ cửa nhà ông, sau khi vào nhà thì thấy đó là một lão tiên sinh, vị tiên sinh này nói: “Sự việc gia đình ông tôi đã biết từ rất lâu rồi.” Vị tiên sinh này chính là hoá thân của Táo Quân. Ngài nói ý niệm ác của ông rất nặng, chuyên theo đuổi hư danh, những việc ông làm đều không phải là thật tâm mà là giả tạo. Người đọc sách xưa kia rất quý tiếc giấy có chữ, đây là một sự tôn kính đối với Thánh Hiền nhân. Chữ viết là công cụ để truyền đạt trí huệ, học vấn và kinh nghiệm, thời xưa có câu “Văn dĩ tải đạo”. Vì vậy đối với giấy có chữ không được tùy tiện chà đạp, trên đường đi gặp phải giấy có chữ đều cần phải nhặt lên mang đi đốt. Du Tịnh Ý là người đọc sách nên đương nhiên ông đề xướng, trên đường đi gặp phải giấy có chữ ông cũng nhặt lên rồi mang đi đốt, thế nhưng trong gia đình ông thì vẫn lấy giấy có chữ để dán cửa sổ và đem đi lau bàn. Miệng ông thì nói không được làm bẩn giấy có chữ nhưng trên thực tế ông vẫn chưa thực sự làm được, chỉ là biểu hiện dáng vẻ ở bên ngoài cho người khác xem mà thôi. Khi không có ai nhìn thấy thì ông hoàn toàn không quan tâm đến nữa. Như vậy thì có tác dụng gì chứ? Đây chỉ là công phu làm ra dáng vẻ bên ngoài, không phải thật tâm muốn làm. Táo Quân lại nói với ông: Ví dụ như việc phóng sanh, ông là hùa theo người khác mà làm, khi có người khởi xướng đi phóng sanh ông cùng đi theo sau, nếu không có người khởi xướng thì ông không phát tâm làm, ông không biết chủ động đi làm. Cho nên ý niệm từ bi của ông chưa thật sự phát ra. Tiếp đến, lỗi khẩu nghiệp của ông vô cùng nghiêm trọng, ông là người đọc sách, rất thông minh, rất biết nói chuyện, hơn nữa nói chuyện vô cùng cay nghiệt, thường xuyên châm chọc người khác, tuy rằng sau đó ông biết đó là độc ác, nói cách khác ông còn một chút lương tâm nên Táo Quân đến khuyên ông. Thói xấu tập khí ông không sửa được, thích nói lỗi người khác còn tự cho rằng mình rất dày dạn kinh nghiệm, rất phúc hậu nữa. Táo Quân nói đây là ông tự lừa mình dối người. Ngài nói ra những lỗi lầm của ông, ông hoàn toàn là giả, không có việc nào là thật tâm, cho nên khi không có ai nhìn thấy thì ông khởi niệm tham, niệm da^ʍ, niệm đố kỵ, niệm cực đoan, niệm cống cao ngã mạn, niệm hy vọng về tương lai, niệm báo ơn báo oán, vọng niệm của ông quá nhiều, quá nhiều. Tất cả những niệm này đều thuộc về ác ý. Trong tâm của ông là những thứ này. Táo Quân nói với ông nếu ý niệm này không sửa lại thì ông trốn nạn còn không kịp, ông còn định đến đâu để cầu phước đây? Tổng kết lại, thiện ngôn thiện hạnh của cuộc đời ông hoàn toàn là giả, toàn là qua quýt cho xong, không có một sự việc nào là chân thật, ông còn muốn cầu ông Trời báo ứng tốt cho ông hay sao? Làm gì có đạo lý đó.
Cho nên bản thân chúng ta cần nghiêm túc phản tỉnh, chúng ta có phải là thiện thật hay không? Mấy ngày nay tôi đặc biệt khuyên mọi người, lời nói này tôi đã nói rất nhiều lần rồi. Đó chính là tâm thiện, ý niệm thiện, hạnh thiện mới có thể chuyển được nghiệp báo, tuyệt đối không phải là cái thiện bề ngoài thể hiện trên hành vi. Tâm của bạn bất thiện, ý niệm bất thiện, tâm và ý niệm là ý ác, nếu bạn không thể từ trên điều căn bản này sửa đổi trở lại thì bạn cầu tiêu tai, cầu phước báo nhất định là không đạt được. Cho nên chúng ta phải thật làm, Tổ sư Đại đức từ xưa đến nay dạy chúng ta tu từ căn bản, chúng ta đã sửa đổi từ căn bản chưa? Căn bản thật sự chính là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chúng ta ngày ngày vun bồi cái tâm này, khởi tâm động niệm đều tương ứng với mười chữ này thì đó là bạn tu từ căn bản rồi.
Nếu bạn khởi tâm động niệm trái ngược với mười chữ này thì tất cả đều là hư dối, đều là tự lừa mình dối người, bạn không gặp nạn thì ai gặp nạn đây? Cho nên Táo Quân mới chỉ dạy tiên sinh Du Tịnh Ý, từ nay trở về sau hễ có các tạp niệm như niệm tham, niệm da^ʍ, khách sáo, vọng tưởng, ông phải tự kiềm chế chính mình, phải chăm chỉ nỗ lực sửa đổi trở lại. Con người thường chỉ biết trách cứ người khác, chính mình có đầy lỗi lại không biết. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ nói rất hay: “Nhược kiến tha nhân phi, tự phi khước tương tả”, câu này nói rất hay. Bạn nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì chính bạn bị đọa lạc rồi, chữ “tả” nghĩa là rơi xuống, chữ “hữu” là hướng lên cao, nghĩa là đã đọa lạc xuống rồi, bản thân bạn đã đọa lạc rồi. Ngài lại nói: “Nếu là người chân thật tu hành sẽ không nhìn thấy lỗi thế gian”. Bạn xem Đại sư Lục Tổ Huệ Năng tự nói như vậy, trong đoạn hội thoại giữa Ngài và ngài Thần Hội, Ngài thẳng thắn nói với ngài Thần Hội là tôi không nhìn lỗi người khác, chỉ thấy lỗi chính mình, đây là câu mà Lục Tổ ngài nói. Các Ngài cả đời thành tựu đạo nghiệp, nguyên nhân chân thật nằm ở đâu? Đó chính là chỉ nhìn thấy lỗi chính mình không nhìn thấy lỗi người khác. Nhìn thấy lỗi mình chính là khai ngộ, nếu bạn không biết lỗi của chính mình thì bạn làm sao mà sửa đổi. Sửa lỗi là công phu chân thật, là tu hành chân thật.
Cho nên Táo Quân ngài khuyên Du Tịnh Ý từ nay trở đi chỉ hướng về điều thiện nỗ lực mà làm, tận tâm tận lực làm việc thiện, việc thiện là thành tựu việc tốt của người khác, tuyệt đối không chướng ngại việc tốt của người khác. Tận tâm tận lực hành thiện, quyết không cầu quả báo, quyết không cầu hư danh, bất luận sự việc lớn hay nhỏ thì đều làm chân thật, giữ lòng nhẫn nại mà làm, nếu chẳng đủ sức để làm, cũng phải có tâm tuỳ hỉ công đức, nhìn thấy cũng có thể sanh tâm hoan hỉ, cũng cần có vài câu tán thán. Cần có tâm lâu bền, chớ nên tự buông thả, chớ nên lười biếng, chớ nên tự dối gạt mình. Nếu ông quả nhiên có thể làm được như vậy, tương lai nhất định có thiện báo bất khả tư nghì. Sau khi ông nghe rồi thì vô cùng cảm động, nghiêm túc phản tỉnh kiểm điểm, biết rằng bản thân mình đầy tội lỗi. Từ đó về sau, khởi tâm động niệm, nhất cử nhất động, ông đều cảm thấy có thiên địa quỷ thần đang giám sát ông. Cho nên ý niệm của ông thật sự chuyển lại được, ông thật sự làm.
Người thông thường chúng ta cầu Phật, cầu Bồ-tát nhưng Phật Bồ-tát vì sao không đến? Đạo lý này rất đơn giản. Phật Bồ-tát hiểu bạn rất thấu triệt, các Ngài có đến khuyên bạn, bạn cũng không chịu làm, vì vậy Phật Bồ-tát không đến. Tiên sinh Du Tịnh Ý vì sao cảm động được Táo Quân đến? Táo Quân biết là lương tâm của người này chưa mất, tuy rằng đã làm rất nhiều việc sai nhưng vẫn có một chút lương tâm, vẫn còn cứu được nên Táo Quân đến điểm hoá cho ông. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta không bằng Du Tịnh Ý, Du Tịnh Ý có thể quay đầu còn chúng ta không quay đầu được. Cho dù Phật Bồ-tát có đến thì chúng ta cũng sẽ lừa gạt Phật Bồ-tát như cũ, làm việc xấu như cũ, vậy khi nào Phật Bồ-tát mới đến cứu bạn? Là khi bạn đọa địa ngục A-tỳ, chịu tội báo vô lượng vô biên, sau khi thọ hết tội báo ra khỏi địa ngục, khi nào lương tâm của chính mình hiển lộ thật sự muốn sửa rồi thì Phật Bồ-tát liền đến, “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân” (trong cửa Phật không từ bỏ một ai), đây là lòng đại từ đại bi chân thật của Phật Bồ-tát. Chỉ cần ta thực sự muốn sửa lỗi thì các Ngài liền đến. Nếu ta vẫn chưa có ý thật sự muốn sửa thì Phật Bồ-tát sẽ không đến, Thần minh cũng sẽ không đến. Cho nên chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này, có thật sự muốn tiêu tai miễn nạn không, có thật sự muốn sửa đổi làm mới không? Nếu bạn thật sự muốn làm, đối với những người nghiệp chướng tập khí sâu nặng như chúng ta hiện nay thì nên đem chuyện Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân mà làm công phu sáng tối. Công phu sáng tối không cần niệm kinh niệm chú, bạn chỉ cần niệm đoạn văn tự này, sau khi đọc xong liền nghiêm túc phản tỉnh kiểm điểm, vậy thì tốt rồi.
Chính mình có tâm thuần thiện thì học Phật mới có thể thành tựu. Nếu tâm ác, ý niệm ác thì một chút thiện hạnh của thân và khẩu không thể liễu sanh tử được, không thể xuất tam giới, quan trọng nhất là tâm thiện, ý thiện. Tâm thiện và ý thiện mới có thể vãng sanh Tịnh Độ. Phật đã giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ cho chúng ta rất nhiều, nơi đó là “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, thượng thiện là tâm thiện và ý thiện. Cái thiện thấp nhất là thân và khẩu, huống hồ ngày nay chúng ta thân và khẩu cũng đều bất thiện, xấu xa quá mức rồi. Người như vậy niệm Phật có thể vãng sanh không? Không thể. Cho nên chúng ta muốn trong đời này vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, thân cận A Di Đà Phật, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải học làm người thượng thiện. Như vậy niệm Phật hồi hướng cầu vãng sanh thì nhất định được vãng sanh.
**********
Các vị đồng tu!
Lần trước khi tôi ở Úc, có một đức Cha của Thiên Chúa Giáo đã nói với tôi, trong thế kỷ lớn vừa qua chúng tôi nghiêm túc phản tỉnh biết rằng đã làm sai rất nhiều việc, nên chiêu cảm vô số tai nạn và bất hạnh. Hy vọng thế kỷ sau, một ngàn năm tiếp theo, chúng ta có thể sửa đổi những lỗi lầm của chính mình lại cho đúng. Điều này trong Phật pháp gọi là chân thật giác ngộ. Thông thường trong các tôn giáo người chân thật tu hành hầu như đều có mức độ giác ngộ không như nhau. Đây là hiện tượng tốt, người xưa có câu “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai” hay câu “Khổ tận cam lai”. Con người trong đại kiếp nạn biết tỉnh ngộ trở lại.
Chúng ta học Phật, nhận được giáo huấn của Phật Bồ-tát nhưng mỗi một người nhận được lợi ích cạn sâu, lớn nhỏ không như nhau, nguyên nhân nằm ở đâu? Là do mức độ tín ngưỡng của chúng ta, mức độ phụng hành của chúng ta không như nhau nên tạo ra kết quả đó, thế nhưng so với người thông thường khác thì chúng ta dễ giác ngộ hơn. Trong thời đại mà thông tin về tai nạn liên tiếp được truyền đến, thật thà mà nói chúng ta cần phải sửa đổi tự làm mới chính bản thân mình, không nói người khác mà bắt đầu làm từ bản thân mình, không làm việc sai nữa, không làm việc xấu nữa, cần phải khắc phục tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay của chính mình. Tứ hoằng thệ nguyện dạy chúng ta sau khi phát tâm điều đầu tiên chính là đoạn phiền não. Phiền não tập khí nếu như không đoạn dứt thì Tín Nguyện Hạnh của chúng ta không thể thực hiện được. Tín Nguyện Hạnh đều là giả.
Gần đây có vài bạn đồng học thọ Bồ-tát giới, Bồ-tát giới tại gia. Những bạn đồng học xuất gia thì đều thọ Tam đàn Đại giới rồi, chúng ta nghĩ xem, chúng ta có phá giới hay không? Chúng ta có phạm giới hay không? Tư tưởng kiến giải, lời nói việc làm của chúng ta có giống như một vị Bồ-tát chưa? Đây chính là điều mà chúng ta cần thường xuyên phản tỉnh, thọ giới rồi nhưng không giữ được, khoan hãy nói đến giới luật, cái nền tảng Thâp Thiện mà Phật Bồ-tát đã dạy chúng ta để làm một con người, chúng ta đã làm được hay chưa? Nhìn từ Tịnh Nghiệp Tam Phước thì nhất định phải có đủ thập thiện mới có thể thọ Tam quy, có đủ Tam quy mới có thể thọ giới.
Chúng ta ngày nay ngay đến phước đầu tiên trong Tam Phước cũng không có thì phước thứ hai, phước thứ ba đều là giả, không phải là chân thật. Việc không sát sanh, không trộm cắp, không tà da^ʍtrong Liễu Phàm Tứ Huấn hay những lỗi của Du Tịnh Ý mà Táo Quân nói đến, bạn vẫn chưa làm những việc xấu này là do bạn chưa gặp duyên. Vậy bình thường bạn có những ý niệm này không? Trong giới luật của Đại thừa thì khởi tâm động niệm đã là phá giới rồi, phạm giới rồi, không cần đợi đến khi có hành vi. Khẩu nghiệp có thể nói là từ trước đến nay chưa từng gián đoạn, như cố ý hay vô ý vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu có ngày nào mà không tạo tác chứ? Trong ý niệm là tham sân si mạn, chúng ta không nói người khác mà chính chúng ta nghiêm túc phản tỉnh một chút, bắt đầu sửa lỗi từ chính bản thân mình.
Đại sư Lục Tổ Huệ Năng trong Đàn Kinh nói rất hay: “Tôi sửa lỗi của chính mình còn không kịp thì đâu có thời gian để nhìn lỗi của người khác”. Các Ngài sở dĩ có thể tu hành chứng quả là dựa vào tâm thái này. Chúng ta đời đời kiếp kiếp, từ vô lượng kiếp đến nay cũng nghe kinh, cũng nghe pháp, cũng tu hành nhưng vẫn rơi vào tình cảnh của ngày hôm nay, hơn nữa lại ngày một xấu đi, bản thân mình thử nghĩ lại xem có đáng bị đoạ làm súc sinh không? Có đáng bị đoạ làm ngạ quỷ không? Có đáng bị đoạ địa ngục không? Bạn không cần phải hỏi người khác, chỉ cần dựa vào lương tâm để phản tỉnh kiểm điểm thì sẽ hiểu ra thôi.
Tiên sinh Liễu Phàm khuyên người phát ba loại tâm: thứ nhất là phát sỉ tâm, là tâm biết hổ thẹn. Chúng ta ngày nay vì sao không thể sửa đổi làm mới? Thật thà mà nói chính là do không biết hổ thẹn. Thế nào là không biết hổ thẹn vậy? Tôi không bằng người khác chính là hổ thẹn, người nào vậy? Là chư Phật Bồ-tát. Vô lượng kiếp trước, chúng ta cùng với các Ngài là bình đẳng, tại sao các Ngài tu hành chứng quả mà tôi hôm nay lại rơi vào bước đường này. Điều này là sự sỉ nhục lớn. Khổng Phu Tử nói với chúng ta “Tri sỉ cận hồ dũng”, chữ “dũng” có nghĩa là tinh tấn mà nhà Phật thường nói. Duy chỉ có người biết nhục mới có thể cố gắng dũng mãnh tinh tấn. Chúng ta trong đời này khoác áo cà-sa, tương lai đoạ ba đường ác, vậy thì còn nỗi nhục nào nghiêm trọng hơn điều này chứ?
Điều thứ hai là cần có úy tâm là tâm kính sợ. Thiên địa quỷ thần đích thực là có, không phải là lừa người, không phải là mê tín. Phật trong kinh đã nói cho chúng ta biết: Người ở Tây Phương Cực Lạc, thiên nhãn của người hạ hạ phẩm vãng sanh có thể nhìn thấu, thiên nhĩ có thể nghe thấu. Mọi khởi tâm động niệm, hành vi cử chỉ của chúng ta họ đều nhìn thấy rất rõ ràng minh bạch. Cho nên con người chỉ là tự lừa dối chính mình, không lừa dối được thiên địa quỷ thần.
Chúng ta khi nào mới giác ngộ? Khi nào mới quay đầu? Trong thời đại lớn này nếu có thể chăm lo chính mình thì sẽ thành tựu, không nên đi lo việc người khác. Lục Tổ Đại sư nói: “Nếu là người chân thật tu đạo, không nhìn thấy lỗi thế gian”, bạn cần phải hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Nếu bạn thật sự không hiểu được lẽ thiện ác của người thế gian thì bạn là người ngu si, người ngu si làm sao có thể thành tựu được chứ? Không nhìn thấy lỗi thế gian có nghĩa là nhìn như không thấy, nhất định không đem lỗi của người khác để trong tâm của mình. Điều này gọi là không nhìn thấy, Ngài quả thật có trí huệ. Nếu đem lỗi của người khác để vào trong tâm của mình thì hoàn toàn sai lầm rồi, điều này chính là đem lỗi của người làm thành lỗi của chính mình. Bạn nói xem người như vậy có ngu si không chứ?
Còn một dạng người khác là sợ tội nghiệp của bản thân tạo ra vẫn còn ít, lỗi lầm chưa đủ nhiều nên đi khắp nơi dò hỏi lỗi lầm của người khác. Cổ Đại Đức nói với chúng ta: “Biết nhiều việc thì nhiều phiền não, quen nhiều người thì thị phi nhiều”. Hai câu này là lời nói chí lý, cho nên người tu hành biết càng ít việc càng tốt. Nếu việc này đối với bản thân không có quan hệ gì thì không cần biết, nếu biết sẽ tăng trưởng phiền não chấp trước của chính bạn, tăng trưởng tập khí nghiệp chướng của chính bạn, cho nên đâu cần phải làm những việc như vậy. Tôi học Phật bốn mươi tám năm, sở trường của tôi chính là biết rất ít việc, tôi không dò hỏi việc của người khác. Các bạn thường xuyên tiếp xúc với tôi hơi để ý một chút liền biết là có rất nhiều người khi gặp tôi, tôi từ trước đến nay chưa từng hỏi người đó “Họ của bạn là gì? Tên của bạn là gì?” Lại càng không hỏi “Bạn ở chỗ nào? Số điện thoại của bạn là bao nhiêu?”, tôi tuyệt đối không hỏi, chỉ có người khác tìm tôi, tôi từ trước đến nay không tìm người khác. Tôi cho rằng việc này đối với tôi không có quan hệ gì, tôi không cần thiết phải biết, tuyệt đối không dò hỏi việc của người khác. Có người đến nói với tôi chuyện đúng sai của người khác thì tôi lập tức ngăn lại, vì sao vậy? Vì tôi không muốn nghe. Vì vậy có người nói: “Pháp sư à, có người nói xấu Ngài” thì tôi lập tức nói: “Được rồi, hãy dừng lại ở đây, tôi biết rồi, không cần nói nữa.” Vì sao vậy? Là vì những người nói tôi đều là những người tôi quen biết. Tôi hy vọng giữ được ấn tượng tốt nhất như lúc ban đầu chúng tôi gặp mặt, không được phá vỡ hình ảnh đó. Trong lòng tôi mọi người đều là người thiện, cái gọi là chuyện đúng sai không vui đó là vì họ nhất thời hiểu lầm. Tôi sẽ không để việc đó ở trong tâm mình, cho nên cuộc sống của tôi rất tự tại, rất hạnh phúc, rất mỹ mãn. Hạnh phúc là do chính mình tìm lấy chứ không phải do người khác ban cho bạn.
Tâm của bạn thiện vậy tiêu chuẩn của thiện là gì? Là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Đó chính là tâm thiện. Tôi ngày ngày hạ công phu trên điều này, ngày ngày nỗ lực tinh tấn trên điều này. Những việc của chúng sanh, chúng ta tận tâm tận lực giúp họ, tôi đã làm được rất viên mãn, không thổ thẹn với lòng mình. Còn bạn nghe lời hay không là việc của bạn, bạn có hiểu hay không là việc của bạn, bạn có thể làm được hay không cũng là việc của bạn, không can hệ gì với tôi, tôi không can dự vào, chư Phật Bồ-tát đều không can dự thì tôi đâu cần nhiều chuyện. Ý niệm thiện, chính là niệm lời giáo huấn của Thánh Hiền nhân, mỗi ngày đọc kinh niệm lời giáo huấn của Thánh Hiền nhân, thực hiện những thiện tâm thiện hạnh của bạn vào trong cuộc sống, thực hiện vào trong việc xử sự đối người tiếp vật. Đó chính là hành thiện. Mỗi ngày làm ba điều thiện, thời thời có ba điều thiện thì tiền đồ của chúng ta vô cùng tươi sáng, khởi tâm động niệm, cử chỉ hành vi sẽ không phụ lòng Thích-ca Mâu-ni Phật, sẽ không phụ lòng chư Bồ-tát, không phụ lòng Tổ sư Đại đức và cũng không phụ lòng hết thảy chúng sanh. Tai nạn sẽ không đáng để sợ hãi, sanh tử sẽ không đáng sợ, xả thân thọ thân chỉ là đổi y phục mà thôi, càng đổi càng tốt, càng đổi càng trang nghiêm, tất cả đều do chính mình. Chúng ta cần biết việc này không liên quan đến bất cứ người nào.
Tiên sinh Liễu Phàm dạy chúng ta điều thứ ba là phát tâm dũng mãnh, dũng mãnh sửa lỗi, tâm hổ thẹn là tâm chân thành sám hối, tâm dũng mãnh là tâm thật sự sửa đổi. Duy chỉ có sám hối mới có thể sửa lỗi, mới thật sự chịu làm. Ông nói rất hay: Người đọc sách thế gian không thể thành Thánh thành Hiền, người học Phật không thể thành Phật thành Tổ chính là do thiếu ba cái tâm này. Cho nên khởi tâm động niệm, đối người tiếp vật vẫn là tuỳ thuận tập khí phiền não của chính mình, vẫn là lấy bản thân mình làm trung tâm của tất cả, không biết chư Phật Bồ-tát là vô ngã. Chư Phật Bồ-tát ứng hoá tại thế gian đều là hằng thuận chúng sanh, tuyệt đối không lấy chính mình làm trung tâm mà lấy hết thảy chúng sanh làm trung tâm, không phải khiến chúng sanh phải tuỳ thuận mình mà là mình tuỳ thuận chúng sanh. Trong sự hằng thuận tùy hỷ của các Ngài thành tựu công đức, thành tựu công đức gì vậy? Đó là Giới Định Huệ. Hằng thuận như lý như pháp thì thành tựu Giới học. Khi hằng thuận nếu có thể giữ gìn tâm địa của bản thân thanh tịnh, không bị ô nhiễm thì gọi là Định học. Khi gặp thuận cảnh thiện duyên không khởi tham ái, khi gặp nghịch cảnh ác duyên không khởi sân hận, trong hết thảy cảnh duyên tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, đó là Định học, là thiền định. Thiền định không phải là quay mặt vào vách tường, không phải là ngồi kiết già. Đối với hết thảy Pháp thế xuất thế gian, tánh tướng, lý sự, nhân quả rõ ràng minh bạch, thông đạt vô ngại là Huệ học. Điều này gọi là “Hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỷ công đức”.
Phương thức tu học này các vị hãy quan sát tỉ mỉ Kinh Hoa Nghiêm ở phần cuối, phẩm “Nhập pháp giới”, Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba tham vấn chính là thực hiện hai nguyện của “Hạnh nguyện phẩm”. Bồ-tát Đại thừa làm thế nào để tu hành thành Phật? Giới Định Huệ tam học của các Ngài chưa hề xa rời xã hội, chưa hề xa rời quần chúng, chưa hề rời xa đại chúng. Các Ngài vì sao có thể thành tựu vậy? Là do các Ngài có sỉ tâm, các Ngài biết hổ thẹn, các Ngài có tâm kính sợ, các Ngài có tâm dũng mãnh tinh tấn, cho nên các Ngài thành công. Chúng ta hôm nay đọc đến những lời giáo huấn này, hiểu rõ đạo lý này thì nhất định phải hiểu được là nhất định không được làm việc tổn hại đến bất kỳ chúng sanh nào, nhất định phải quay đầu, nhất định phải tu thiện, đoạn tất cả ác tu tất cả thiện thì mới có thể tiêu trừ cái kiếp nạn trước mắt này. Ngàn vạn lần không được cho rằng những lời tiên tri cổ xưa của trong và ngoài nước là không đáng tin. Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn sai rồi. Chúng ta không xem lời tiên tri mà xem lòng người, xem việc làm, thiện nhân nhất định cảm thiện quả, ác nhân nhất định cảm ác báo. Đây là chân lý, vĩnh viễn không thay đổi. Trong nghiệp báo có cộng nghiệp và biệt nghiệp, chúng ta cần chăm sóc tốt cho chính mình, cần chăm chỉ tu học tốt thì trong cộng nghiệp sẽ có biệt nghiệp. Đương nhiên nếu có duyên phận để ảnh hưởng người khác, giúp đỡ người khác thì đó là tự lợi lợi tha, công đức sẽ càng thù thắng.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta chỉ học đến đây. A Di Đà Phật!