Mấy ngày sau đó tôi mỗi ngày đều chạy ra ngó xem đất mình đắp có bị vơi đi không, tuy đất đắp không có dấu hiệu bị hất xuống ruộng nhưng lại có vết chân trâu hoặc bò, mà chắc là trâu đã giẫm lên ven nấm mộ nhỏ, tôi đứng nhìn mà thở dài không biết mình nên làm như thế nào cho đúng vì lối đi này là của chung chứ đâu của riêng nhà tôi, phải tìm cách nào đó để lối đi đoạn này rộng ra thì người ta tự khắc sẽ tránh đi mà chỗ này thì hai bên đều là ruộng.
Tôi sẽ phải tính cách...
Tháng cuối năm ở làng tôi thường xuyên có chạp Họ và tảo mộ, một số Họ trong làng tổ chức gặp mặt từ khoảng trước ngày Rằm tháng Chạp, Họ nhà tôi thì sẽ chạp vào ngày 24 m lịch sau này thì đổi thành ngày 6 tháng Giêng nhưng từ hồi có nhà tổ thì tôi không thấy đông lắm, chắc chừng 15 mâm cỗ đóng 6 là nhiều, cuộc sống bận rộn khiến nhiều người tạm gác lại việc ấy một vài năm rồi sau đó thì quên luôn, khi đã quên thì nghĩa là việc đó không còn quan trọng nữa. Tôi khi còn ở quê rất mong đến ngày chạp để xem Họ của mình có đông không nhưng lần đông nhất thì lại không có gia đình tôi, chắc cái số nó vậy.
Họ của tôi không phải lớn, thời những năm trước 2000 khi chỉ có khoảng 150 suất đinh, hiện tại tôi có nghe nói đã là hơn 400 suất đinh, như vậy kể ra là nhiều, chắc cũng được xếp vào nhóm “Con đông cháu nhiều họ sắp to” ở trong làng. Tôi cũng đã có một lần theo chân người lớn để đi nhìn mộ Tổ của mình, ngôi mộ hiện nằm ở làng Ngọc Xuyên cách làng tôi khoảng 2km, quả thật khi nhìn được nơi tổ tiên của mình đang yên nghỉ thì cảm giác rất khó tả, hơi hồi hộp, khẽ cười như hài lòng.
Họ bên nội của tôi thì như vậy còn họ bên ngoại, tức họ của mẹ tôi thì lại được xem là nhỏ nhất nhì làng, chỉ có hai nhà gồm nhà ông ngoại tôi và nhà một ông nữa là anh em con chú bác với ông ngoại cũng ở trong làng, tính ra họ chỉ có hai nóc nhà như thế là nhỏ rồi, nhỏ nhất thì chỉ còn họ một mình thôi, không có họ nội tộc với ai trong làng. Thời nay, khi mà mỗi người đều sống ở nơi mình thích, nhất là các thành phố thì mối quan hệ dòng tộc cũng trở nên lỏng lẻo, thế hệ cuối 9X thì tôi nghĩ nhiều bạn ấy không có nhiều khái niệm về dòng họ cho lắm, điều này cũng là bình thường vì phải ăn phải theo thuở, ở phải theo thời mà nhưng trong bối cảnh sự hiểu biết, làm ăn ... đều gói gọn trong lũy tre làng thì Họ lớn sẽ có nhiều lợi ích, kể cả lợi ích về vật chất lẫn tinh thần.
Tôi đã xem phim “Đất và Người” nhiều lần và tôi thực sự yêu thích bộ phim này, một bộ phim mộc mạc và mô tả chân thật một làng quê Bắc Bộ trước khi đổi mới, Họ mà nhỏ thì quyền lợi khi cần cũng sẽ nhỏ, chả phải người ta nói thấp cổ bé họng đó sao.
Chiều muộn một ngày gần Rằm tháng Chạp, tôi cũng được vác cuốc theo bà ngoại, cậu Út và một người anh họ ít tuổi hơn tôi, tất cả mọi người sẽ đi tảo mộ Tổ của dòng họ bên mẹ tôi. Mộ Tổ dòng họ Văn của mẹ tôi nằm trên cánh đồng ở hướng Tây Bắc của làng, tôi và những người khác dùng những lối đi nhỏ trong cánh đồng để đến nơi. Ngôi mộ Tổ bằng đất tuy không bề thế nhưng có thể nhìn thấy từ xa vì nhìn trông lớn hơn những ngôi mộ bình thường. Tuy gọi là đi tảo mộ nhưng cũng chẳng có việc gì nhiều, tôi và anh họ của tôi phần lớn thời gian chỉ đứng nhìn và nhổ vài cây dại nhỏ cho có việc, chủ yếu là cậu Út với cuốc và xẻng sử dụng thành thạo chả mấy chốc đã đắp thêm lên ngôi mộ đang xanh cỏ những thớ đất màu đỏ đồng, khi trời chiều đã nhọ mặt người thì tất cả mọi người cùng ra về. Tôi đạp xe về luôn vì không muốn bà Già chờ cơm, tôi lại chọn lối đi qua cổng chùa rồi rẽ phải vào con đường đất ven làng giống như mọi lần vì nhanh hơn và ít người nhưng khi đạp xe đi ngang qua gò đất có ngôi mộ cô đơn kia thì tôi cứ cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình, đây là lần thứ ba tôi cảm thấy như vậy.
Tôi dừng xe lại và đứng nghiêng nghiêng đầu nhìn và nheo mắt, tôi chả nhìn thấy gì, vẫn là những cái cây nho nhỏ lay động theo gió chứ chẳng có bóng người mờ ảo nào, linh tính mách bảo tôi rằng ngôi mộ trên gò đất ấy có gì đó lạ lắm, tôi nhớ lúc nằm chờ đám người đến chôn hình nhân, nằm dựa lưng trên mộ nhìn trăng đêm mà thấy có cảm giác gần gũi lạ lạ. Tôi dựng xe dựa vào ụ rơm rồi đi vào bếp hỏi bà Già.
- Bà ơi, bà có biết cái mộ trên cái gò đất chỗ đầu hồi nhà mình nhìn ra không?
- Gò nào? – bà Già đang bận vớt rau muống trong nồi, hơi nước nghi ngút tỏa ra – Ngoài đấy có mấy cái mả đâu nhỉ?
- Là cái gò đất nằm giữa ruộng gần bờ mương dẫn nước lên cánh đồng ấy mà bà.
- À, mộ đấy tao nghe đâu như là mộ tổ ngành nhà mày, nhưng tao không biết, mộ đấy do mấy ông ngạch trưởng người ta trông coi, mà làm sao?
- Tại cháu đi qua mấy lần cứ thấy như kiểu có người nhìn mình ấy.
- Thì nếu phải mộ họ nhà mày thì có sao đâu nhưng tao không biết, cái này lên hỏi ông Trưởng họ thì rõ thôi...
Tôi quay ra sân chả biết làm gì, giờ chờ cơm cũng một lúc nữa vì nước rau còn nóng, sau khi dắt xe đạp vào nhà thì tôi đứng ngoài hiên nhìn ra cổng, rồi đi lại đầu hồi nhìn ra phía gò đất thấp thoáng sau lũy tre nhà tôi. Tôi khẽ thở dài.
- Thôi thì xem như cảm ơn người đã khuất giúp mình trong lần ném pháo vậy...
Tôi quay vào nhà, đi vào chạn bát rồi lấy con dao rựa, mở cửa tủ lấy theo một thẻ nhang của bà để sẵn trong đó rồi đi bộ ra gò đất, trời đã tối rồi nên tôi mang theo đèn pin, trời mùa Đông lúc nào cũng tối nhanh mặc dù mới chỉ 6 giờ tối. Cỏ mọc trên mộ xanh mướt, tay tôi có thể cảm nhận được lớp cỏ mọc trên mộ.
- Cháu không biết đây là mộ của ông hay bà nào nhưng thôi thì cũng gần cuối năm, cháu chỉ biết thắp nén hương và xin phép nhổ vài cây nhỏ đang mọc trên mộ, nếu có làm phiền thì mong ông bà bỏ qua cho ạ!
Chừng hơn 5 phút thì tôi leo xuống gò và ra về, tôi làm như vậy để cho lòng mình cảm thấy đỡ áy náy thôi, một đoạn đường ngắn đi về tôi thấy gió thổi phía sau lưng không còn lạnh, tôi nghĩ người nằm dưới mộ chắc đang vui, ý nghĩ này khiến tôi cười một mình. Mùa Đông đã đến và Tết cũng chỉ còn chừng nửa tháng nữa thôi.
.....
Những đêm cuối năm âm lịch ánh trăng sáng lạnh, cũng ánh trăng ấy nhưng vào mùa Hè tôi thấy nó như vui hơn còn mùa Đông thì lại ảm đạm, thời tiết đôi khi có mưa nhỏ nên càng lạnh, không khí thì ẩm ướt và vì thế trăng tuy tròn nhưng không đẹp nữa.
Mới nằm thiu thiu chợp mắt trên tấm phản gỗ truyền thừa hàng trăm năm, in dấu lịch sử của bao nhiêu người trong gia đình đã nằm nhưng tôi không biết tên, bỗng dưng nghe thấy tiếng động.
“Cọc, cọc, cọc”
Là tiếng động từ cánh cửa sổ bằng gỗ, nghe như ai đó đang gõ cửa, tôi uể oải bò dậy và mở cửa sổ hé mắt ra nhìn, bên ngoài gió lạnh và tối trời, chả nhìn thấy gì cả, chỉ có mấy cây na gần cửa sổ nhẹ đong đưa theo gió. Tôi khép cửa sổ lại khó hiểu, nếu chị Ma cần gì thì gọi chứ gõ cửa làm gì, nhìn ra thì chẳng thấy bóng người nào, nhưng chưa kịp chui lại vào chăn thì lại nghe thêm một tiếng “Cọc” nữa, tôi nhìn lại cửa sổ đang đóng im ỉm, tay sờ mũi mấy lần rồi bước xuống nhẹ ra đi ra mở cửa nhà rồi khép lại, tiếng thở nhẹ của bà Già vẫn đều đều.
Bước xuống mấy bậc thềm tôi nhìn ra khu vườn nhưng tuyệt nhiên không thấy ai, bước xuống sân rồi bước tới đầu hồi nhìn, cũng không thấy ai, đứng đó suy tư mấy giây rồi quay người định bước trở vào nhà thì bị giật mình vì chả biết tự bao giờ có một con ngựa đang dí sát cái mõm vào mặt tôi, tôi mở to mắt nhìn, đúng là con ngựa thật. Tôi đứng đơ ra một lúc rồi lùi lại, nói thật là từ hồi về quê tôi chưa nhìn thấy ngựa bao giờ, toàn nhìn trâu bò mà thôi, mà con ngựa này ở đâu ra sao lại đứng trong sân nhà tôi? Sau thoáng ngạc nhiên thì tôi nhớ ra mình đã từng đốt gửi chị Ma một con ngựa màu đỏ nên tôi nghiêng đầu sang một bên nhìn xem con ngựa có màu đỏ hay không, rất tiếc nó lại là một con ngựa hình như có bộ lông màu nâu, giá như màu đỏ thì chắc sẽ rực rỡ lắm.
Chẳng có ai ngồi trên ngựa, con ngựa cứ muốn dũi cái mõm vào người tôi, tôi chưa quen lắm, cũng chẳng nhớ là ngựa nên ăn cái gì, mà đây đâu phải ngựa thật, chỉ là ngựa vàng mã thì cần gì ăn chứ.
- Em xem ngựa có đẹp không nào?
Chị Ma xuất hiện từ phía ngoài cổng đang đi vào, chắc lại mới đi chơi ở đâu về rồi, nhìn cái điệu bộ vừa đi vừa nhảy mà như lướt trên đất thế kia không biết là có gì vui hay không.
- Chị mới đi chơi về hả chị?
- Không, đi nhận con ngựa mới nên mang khoe với em.
- Uả, ngựa hôm trước đâu rồi chị?
- Con ngựa ấy nhìn buồn cười lắm, cái miệng nó cứ ngây ra chả vui tí nào, chị đã tặng cho người khác rồi!
- Rồi chị được tặng lại con ngựa này hả? Sao nhìn giống ngựa thật thế chị?
- Nó là ngựa chiến hồi xưa đó nha, này người ta quý chị lắm người ta mới tặng để chị đi lại đỡ mỏi chân.
Tôi đi vòng quanh nhìn con ngựa một lần, nhìn nó giống ngựa thật, chỉ khác duy nhất là đôi chỗ tôi nhìn xuyên qua được phía sau, tôi đứng khoanh tay trước ngực rồi nói như kiểu đang nhận định.
- Con ngựa này em thấy cũng được, mà chả phải chị đi mây về gió hay sao, đâu cần ngựa làm gì nhỉ?!
- Đúng là trẻ con chả biết gì, đi mây về gió mà có ngựa cũng tốt chứ, nhìn rất có khí chất, không phải ai cũng có ngựa mà đi đâu nhé!
- Thì cứ đốt xuống là ai cũng có thôi mà, không phải thế sao ạ?
- Trời! – chị Ma cưỡi lên ngựa, tôi ngẩng đầu nhìn mỏi cả cổ - Cứ gửi xuống mà ai cũng nhận được thì cần gì làm ăn, gửi cũng phải nhận thông qua các quan em nhé, mà các quan thì họ hàng lại nhiều. Mà những thứ đồ gửi xuống chỉ có mỗi quần áo là nhận vô tư thôi chứ những thứ liên quan đến ngân lượng, tiền bạc là bị kiểm soát kỹ, hơn nữa nếu nhận được thì cũng dùng tiền đó để dùng vào việc thôi chứ có ăn uống cái gì đâu mà cần.
Đoạn này thì tôi không hiểu lắm, tôi còn bận nhìn con ngựa đi xuyên qua cả ụ rơm rồi vài cái cây, nhìn rất thật mà hóa ra lại như ảo ảnh, nhưng trời tối không nhìn xa được nên cái gì cũng hư hư thực thực rất khó đoán định.
- Em ngồi đi, đứng làm gì mỏi chân.
Chị Ma xuống ngựa và đi đến ngồi trên bậc thềm cạnh bồn hoa đầu hồi nhà, lúc này tôi mới sực nhớ ra trời lạnh mà mình thì chỉ mặc mỗi cái áo len mỏng và quần thể thao, tôi vội ngồi thụp xuống chân ụ rơm, thấy chị ma giơ tay trái làm gì đó, con ngựa giống như hiểu ý đã đứng ra phía sau đống rơm và chắn gió, kỳ lạ thật sự, quả nhiên là bớt gió.
- Hôm nay chị rảnh, đi khoe chán rồi nên về nghỉ, tiện chị nói cho em nghe luôn mấy điều để mà biết, có muốn nghe không nào?
- Thì chị cứ nói đi, em nghe mà!
- Vàng mã đốt gửi xuống chả mấy khi nhận đủ được đâu, mà nếu có nhận thì cũng chủ yếu dùng để biếu quan trên khi cần xin điều gì, con cháu trên dương gian còn sống hay cầu xin tiền tài thì tổ tiên phải còng lưng mà đi xin, thi thoảng cũng bị mất trắng.
- Hả? Sao em nghe thấy giống...
- Chết rồi thì tính nết có cải được đâu, vẫn thế thôi... – chị Ma cười – Như em này, sau này nhất định sẽ là một con ma lẻo mép có hạng. Chị nghĩ rồi, nếu em sau này thành ma thì không cần tiền bạc gì đâu, chỉ cần uốn ba tấc lưỡi là lừa được khối ông quan với lính rồi.
- Chị nói thế, em là người rất chân thật mà!
- Thì ai nói em gian dối gì đâu. Này nhé, sau này cúng gia tiên thì đừng có cầu xin tiền tài nghe chưa, cầu thì cầu sức khỏe cho mọi người trong nhà sau đó mới đến mình là được rồi, có như vậy mới phải đạo, người thời xưa rất trọng những người luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình. Nếu em muốn cầu tiền tài thì đi lên chùa chẳng hạn, tốt nhất nên như thế, hoặc thi thoảng giúp ai đó thì người ta đền ơn trong khả năng của họ thôi. – chị Ma nhìn tôi – Mà em thì cần gì phải xin tài lộc làm gì?!
- Sao thế chị? Sao lại không cần?
- Chị có nhiều, muốn bao nhiêu chị cho?
Chị Ma cười rất tinh quái, tôi hiểu ra ý định của chị ấy nên lắc đầu.
- Không, em không lấy đâu, chị giàu kệ chị chứ, em giờ đâu cần nhiều tiền thế làm gì!
- Đúng là đứa thông minh! – chị Ma vỗ tay đét một cái thật kêu – Dụ nó mãi không được, tiếc thật!
- Chị dụ em cái gì? Em sẽ không lấy vàng của chị đâu, chị đừng mong. Mấy hôm trước em cũng nhặt được một cái nhẫn vàng bán được ối tiền, vẫn còn đây này!
- Xời ơi, cái nhẫn vàng bé tí tị tì ti của mấy con ma nghèo ở ngoài Cầu Khoai góp trả công chứ gì? chị thật sự buồn cười với cái đám ấy, mấy chục đứa gom lại mà được có mỗi thế.
- Là ... là sao ạ?
- Là cái nhẫn đấy đám ma ở ngoài Cầu Khoai góp tiền để mua của một cặp vợ chồng qua đường hợp duyên, mua xong thì tặng cho em đó, em nghĩ sao mà cái nhẫn rơi ở đó không ai thấy?
- Ơ...ra là như vậy, sao lại phải khổ như thế chứ, em ...
- Em làm sao, em trót mua kẹo ăn rồi chứ gì? – chị Ma cười khúc khích – Mà không sao, họ cảm ơn thì cứ nhận thôi, tội gì.
- Mà... mà tiền đấy em cũng dùng để mua mấy thứ thắp hương cho chị mà?
- E hèm! – chị Ma xoa hai bàn tay vào nhau rồi nhìn ra chỗ khác – Em làm gì phải áy náy, họ mua của hai vợ chồng qua đường, hai vợ chồng đó mất cái nhẫn thì sẽ nhận được lợi lộc khác mà, chả ai thiệt hết!
- Em không có áy náy, người áy náy phải là chị chứ, chị giàu như thế mà lại nhận đồ cúng mua từ tiền của mấy con ma nghèo...– tôi xoa cằm – Em thấy chị bây giờ là Công chúa rồi, cũng phải giúp họ chứ nhỉ?
- Để xem đã, vàng chị trông coi thì không được rồi, chị sẽ tìm cách khác để cho họ - chị Ma tay chống cằm tỏ ra tiếc rẻ - Biết thế lúc được cho thêm tiền vàng thì nhận cho rồi...
- Hả? Ai cho chị?
Chị ma đứng phắt dậy uốn éo như để cho đỡ mỏi rồi nói.
- Sắc phong Công chúa cũng có một ít mà lúc ấy nghĩ mình giàu rồi nên cho luôn cái thằng mang sắc phong, hay bây giờ đi đòi lại nhỉ?
- Thôi, thôi chị ơi, người giàu không ai làm như thế, chị lại là công chúa thì phải... phải giữ thể diện chứ?!
- Ừ nhỉ, - chị Ma tỏ ra tiếc rẻ - đúng là chả cái dại nào bằng cái dại nào, tất cả là tại em, tại sao em lại dùng cái tiền cảm ơn của đám nghèo ấy mua đồ ăn cho chị chứ?
- Thật ra chỉ là mua hoa thôi...
- Thôi được, chị sẽ tìm cách cho đám ma nghèo ấy chút lộc, ai bảo chị là Công chúa chứ.
Tôi không nói gì, ngồi nghe mà cười tít mắt.
- Em cười cái gì đấy?
- À, dạ không, em tự nhiên cười thôi mà...
Chị Ma đi lại chỗ bậc thềm và ngồi xuống than thở.
- Làm Công chúa thật sự là mệt mỏi, đi lại thì vẫn tự do như thế mà cứ dăm mét lại có đứa ra chào, gật mỏi cả đầu mà không gật thì lại không thân thiện.
- Mà chị, tại sao tự nhiên chị lại được sắc phong làm Công chúa thế? –tôi thắc mắc thật sự - Làm Thần giữ của thì cần gì làm Công chúa hả chị?
- Chuyện này nói ra thì cũng dài chả biết em hiểu được đến đâu nhưng cũng không có gì là bí mật cả, nó chỉ là bí mật trong gia đình chị mà thôi, đến mấy đứa em chị hồi còn sống cũng chả biết.
- Có bí mật gì thế chị?
- Một số điều chị mới được biết mới đây, được, vậy chị sẽ kể cho em nghe.
Chị Ma, tức chị Ngọc Hoa hay Ngọc Hoa Công chúa được sinh ra đúng vào năm Khai Đại thứ Năm (hoặc năm năm Hưng Khánh thứ Nhất) ở vùng được coi là phên dậu phía Đông của kinh thành Thăng Long, là một trấn quan trọng và giáp biển và lỵ sở của vùng Hải Dương. Khi chị Ma được sinh ra là ở Dinh Vạn (tức Thành Vạn) hiện nay thuộc thôn Cầu Quan, xã Mạc Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương còn trước đó lỵ sở được đặt tại thành Dền (Ngọc Lặc, Tứ Kỳ, Hải Dương). Cái tên Hải Dương chính thức có từ năm 1469 có nghĩa là “Ánh sáng từ miền duyên hải”.
Nhà Minh sau khi đánh bại nhà Hồ thì tiến hành sắp đặt việc cai trị trên lãnh thổ nước Đại Ngu khi đó với khoảng Năm triệu dân, sau khi nhà Minh áp đặt cách cai trị thì có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra để chống Minh, lớn nhất trong số các cuộc khởi nghĩa là sự nổi dậy của nhà Hậu Trần vào cuối năm 1407 với sự lên ngôi Hoàng đế của Trần Ngỗi, đặt niên hiệu là Giản Định. Nhà Hậu Trần tập hợp được số binh lực lớn lên tới gần 6 vạn quân và tiến ra Bắc đánh bại hơn 6 vạn quân Minh của Chinh Di tướng quân Mộc Thạnh trong trận Bô Cô vào ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý (1408) bên sông Đáy (Nam Định ngày nay).
Cha của chị Ngọc Hoa là một trong số những người đã gia nhập quân khởi nghĩa trước khi diễn ra trận Bô Cô, sau chiến thắng Bô Cô thì lãnh đạo của quân khởi nghĩa Hậu Trần, cụ thể là giữa Giản Định đế và các tướng Nguyễn Cảnh Chân, Đặng Tất xảy ra bất đồng trong việc lập kế hoạch tiến đánh quân Minh. Vào tháng 3 năm 1409 vì nghe lời dèm pha và cũng một phần lo ngại sức ảnh hưởng của hai tướng, Giản Định đế bí mật ra lệnh gϊếŧ hai tướng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất, cha của chị Ma là một trong những người đã thừa hành lệnh của nhà vua.
Cha của chị Ma được vua tin dùng và cho ở gần để khi cần có thể sai bảo, chị Ma lúc này vẫn ở cùng với mẹ tại quê nhà, mẹ chị vẫn đi bán bánh đúc và chị thì đi theo hoặc đôi lúc được ngồi trong một cái thúng để mẹ gánh đi.
Giản Định đế trong một trận chiến nhỏ bị phục kích bị quân Minh bắt được và sau đó xử tử. Cha của chị Ma chiến đấu bên vua lúc nguy cấp, nhà vua đã ban họ Trần cho cha của chị ngay trên chiến trường, xem như em kết nghĩa vì lúc lâm nguy vẫn xả thân bảo vệ vua, sau cùng không chống đỡ nổi thì vua ra lệnh cho rút quân và vua bị bắt, cha chị Ma nhận lệnh về bẩm báo cho hậu nhân của vua Giản Định là Trần Qúy Khoáng, Trần Qúy Khoáng lên ngôi làm Trung Quang đế. Cha của chị Ma ân hận vì không bảo vệ được vua Giản Định và sau đó lại nghe phong thanh rằng việc vua bị phục kích có thể liên quan đến việc trước đó đã cho gϊếŧ Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, lo sợ về tính mạng của mình cũng sẽ bị hại nên cha của chị Ma đã âm thầm bỏ trốn về quê, tuyệt nhiên không nói với ai về những gì đã xảy ra. Để tưởng nhớ đến nhà vua, cha của chị Ma đã đổi tên chị từ Vũ Thị Hoa thành Trần Ngọc Hoa, khi đó chị Ma khoảng hơn hai tuổi, chị Ma chưa bao giờ biết đến những điều liên quan đến cha mình, chỉ khi chị được gọi đi thì chị mới biết. Sau khi chị lấy chồng và mất tích thì cha mẹ chị đau buồn rồi bệnh chết, hai em chị khi lớn lên cũng gia nhập quân đội rồi cũng vì vài lý do mà chết vào năm Thái Bảo thứ ba tại Chí Linh, Hải Dương và không có con cái nối dõi.
Bởi vì xét thấy công trạng đã bảo vệ vua và tận trung với nước, cũng như vua đã ban họ xem là em kết nghĩa nên con cái sẽ được hưởng phúc, nếu có con cháu còn sống sẽ hưởng tài lộc ba đời.
- Vậy chị sau cùng là họ Trần hay học Vũ?
- Chị không quan trọng việc đó lắm, con gái đi lấy chồng rồi thì cũng có được tính trong phả hệ nữa đâu, nhưng nếu thích thì chị nghĩ sẽ chọn họ Trần vì chị được phong công chúa nhà Trần mà chứ có phải công chúa họ Vũ đâu – chị Ma cười thật tươi.
- Em không hiểu nhiều về thời trước lắm nhưng em nghĩ việc chị trở thành Công chúa là một điều tốt, rất tốt.
- Chị chỉ quan tâm rằng mình đẹp thôi, đẹp mới quan trọng còn làm công chúa sau cùng cũng chỉ là cái danh nên thấy hơi mệt rồi. Ah, còn nữa, vài bữa nữa nếu có việc chị sẽ báo cho em, có thể là việc quan trọng đấy, năm hết Tết đến tới nơi rồi!
- Dạ!
- Đi ngủ đi nhé, chị cũng đi nghỉ thôi!
Chỉ một loáng thì bóng người và ngựa đã biến mất trong khu vườn.