Chiều muộn một ngày Chủ Nhật, tôi đạp xe lên nhà bà ngoại thì gặp cả cậu và mợ Út của mình ở nhà, khi ngồi hỏi thăm cậu mợ đôi điều thì tôi được biết sau Tết cậu mợ dự định sẽ thoát ly, không làm ruộng nữa, đích đến có thể là Hà Nội. Tôi nghe tin ấy không buồn, không vui bởi vì phần lớn thanh niên ở làng này sẽ lựa chọn theo một trình tự: Lớn lên lấy vợ gả chồng, rời làng để lập một lò đậu phụ, gửi tiền về phụng dưỡng cha mẹ, xây nhà ở quê, gửi con về quê để chuẩn bị lại một quy trình mới. Khi con cái lớn khôn, những người thanh niên đã trở thành người lớn tuổi sẽ lựa chọn theo hai hướng hoặc là ở cùng con cái tại nơi đã định cư nhiều năm hoặc sẽ âm thầm trở về làng trông cháu và sống đến cuối đời.
Cậu Út lấy vợ không cùng làng, như tôi được biết thì tỉ lệ thanh niên trong làng lấy “vợ thiên hạ” là rất ít, chỉ khoảng mười phần trăm là nhiều bởi vì phụ nữ làng tôi hầu như chẳng bao giờ bị ế chồng, ngấp nghé tuổi mười sáu đã được các gia đình hứa hẹn với nhau rồi. Một số nam thanh niên vì người mình yêu lại có họ hàng và phải gọi bằng cô, bằng dì mà chán nên mới đi lấy vợ ở nơi khác, cậu Út thuộc diện đẹp trai và hát hay, thường đi giao lưu văn nghệ và gặp mợ tôi là người ở gần ngã tư Đông Côi, cách làng khoảng bốn ki-lô-mét.
Như có một luật bất thành văn trong làng từ khoảng những năm 1910, người làng có thể lấy vợ thiên hạ ở bất cứ nơi đâu trừ hai nơi: làng Trằm và làng Nghe, theo như tôi biết tới tận năm 2020 thì rất hiếm người trẻ lấy vợ ở hai làng này, có lần đám chúng tôi ngồi nhẩm tính xem thế hệ mình có thay đổi gì không, đếm mãi thì chắc không đến nổi mười đứa 8x, 9x lấy vợ ở hai làng này, đặc biệt là làng Nghe.
Có những thứ do lịch sử cha ông để lại, dạy cho con cháu nên những người biết thì chắc chắn chẳng bao giờ lấy vợ ở hai nơi đó, giống như tôi, tôi có nhiều bạn bè ở hai nơi đấy, có khi chúng nó cũng đứa biết đứa không nhưng khi học cấp III, chỉ cần là con gái ở hai làng này thì tôi tuyệt nhiên không bao giờ có nghĩ đến chuyện yêu đương, chơi chung thì vô tư nhưng chỉ như vậy thôi chứ tuyệt đối không có tình cảm trai gái.
Làng tôi – Bưởi Cuốc - xưa kia không lớn như bây giờ, làng dày đặc những lũy tre gai và chỉ có một lối đi duy nhất là lối đầu làng, gần như có ai ra vào là sẽ biết. Làng tuy nhỏ nhưng lại là một ngôi làng rất cứng đầu và hay chống đối giặc Tây, giặc Tây thời đó đi bình định nhưng không nắm được nhiều thói quen địa phương cũng như cách trị những người nông dân cứng đầu. Sau đó chính người làng Nghe đã bày cách cho Tây dùng nước đun sôi đổ vào lũy tre để tre chết sau đó có thêm nhiều lối vào làng nhằm phục kích, bắt bớ ... những người chống đối. Từ đó dân làng tôi đặt tên gọi xách mé là làng Nghe, ý nói là nghe theo giặc Tây (Tên cũ của làng đó tôi không biết, còn hiện tại làng đó tên là Nghi An) . Ngôi làng đó ở phía Nam của làng tôi, cách nhau một cánh đồng lúa bát ngát mà cánh đồng lúa này vì để như trả thù thì dân làng Bưởi Cuốc thời đó đã tìm cách mua hết đến tận lũy tre của làng Nghe, cho đến thời tôi về làng học thì cái sự thù hận đó vẫn còn, ai mà lấy vợ làng Nghe thì cả làng đều đàm tiếu, bố mẹ và gia đình chú rể chịu rất nhiều lời nhiếc móc. Các cụ cao niên khi còn sống kể rằng chính bởi những lũy tre bị chết đi khiến giặc vào làng và đã gây ra những cuộc tàn sát như tôi đã từng kể: Treo ngược người lên cây và chọc tiết! Điều này bà Già cũng kể cho tôi rất nhiều lần mặc dù khi bà về làm dâu ở làng thì chuyện đó đã xảy ra trước đó đến hơn ba mươi năm, như là một cách răn dạy con cháu phải nhớ.
Tôi đến bây giờ vẫn luôn nhớ vì tôi ghét sự phản bội, tôi không biết trong số những người đã bị chết vì giặc Tây trong nấm mồ chung của làng có người thân của tôi hay không nhưng tôi nghĩ rằng ai cũng sẽ giống như tôi. Sự việc đã trôi qua hàng trăm năm nhưng tôi cũng có quyền lựa chọn thích hoặc không thích, chỉ vậy thôi, tôi không có quyền phán xét thế hệ cha ông của mình.
Còn đối với làng Trằm, một ngôi làng có bề dạy lịch sử từ năm 1028, khi vua Lý Công Uẩn mất, thì sự hiềm khích lại diễn ra theo một cách khá hài hước, đến con cháu hai làng mà ngồi kể lại sự thù hận thì cũng phải phì cười. Nhưng có một thực tế, cho đến hiện nay làng tôi vẫn chưa có đường đi chính thức tới làng Trằm hoặc làng Nghe, muốn đi chỉ có những lối nhỏ sau đồng và ô tô phải đi đường vòng.
Trước năm 1930 có một đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài ở vùng Thuận Thành quê tôi, nhiều tháng liền không mưa khiến mùa màng thất bát, dân làng không biết có ai đã bày cách nên đã tiến hành làm lễ rước Đức Phật Thích Ca từ ngôi chùa kỹ đi vòng quanh làng, thậm chí ra cả cánh đồng để cầu mưa, không biết có phải do Đức Phật Thích Ca hiển linh hay không mà ngay sau đó trời mưa như trút nước. Trời mưa liên tục ba ngày ba đêm, nước tràn ngập khắp làng trên xóm dưới khiến dân làng rất hả dạ, càng thêm tin tưởng vào sự linh thiêng của Đức Phật thờ trong chùa nên rất cung kính.
Nhưng thói đời, niềm vui của người này sẽ là nỗi buồn của người khác, làng Trằm hồi ấy nuôi rất nhiều cá, hầu như nhà nào cũng nuôi (trước năm 2000 tôi vẫn thấy nhiều) nhưng mưa to khiến nước dâng cao như lụt, cá con bơi mất hết ra đồng, mà nước thì chảy chỗ thấp nên nhiều cá con vì thế cũng tìm đến làng Bưởi Cuốc đang ngập nước. Của đau con xót, lại biết tin làng Bưởi Cuốc mấy hôm trước đã rước Phật cầu mưa nên giận cá chém chớt, một số người ở làng Trằm khi ấy đã đột nhập vào chùa bê tượng Thích Ca ra ngoài rồi ném xuống giếng trong chùa cho bõ tức, tượng bằng đồng nên rất nặng, những người đó tính rằng ném tượng xuống đấy thì dân làng sẽ không tìm được, với lại mưa là do ông ấy mang tới thì cũng cho ông ở dưới nước luôn.
Nhưng điều kỳ lạ nhất là tượng to và nặng như vậy ném xuống giếng lại không chìm mà nổi, cứ chễm chệ nổi trên mặt nước giếng cho nên những người ấy kinh sợ mà bỏ chạy, sau sự việc đó thì dân làng Bưởi Cuốc lại càng tin tưởng hơn vào chùa làng, nó gần như nơi cấm địa, cũng sau sự việc khuân tượng ném xuống giếng ấy thì làng Bưởi Cuốc của tôi đoạn tuyệt với làng Trằm và nghe đâu còn có thời gian quy định lấy gái làng Trằm thì rời khỏi làng.
Câu chuyện này rất nhiều người đã kể cho tôi nghe chứ không chỉ riêng bà Già, tôi không nhớ về hiềm khích hai làng nhưng tôi nhớ về bức tượng Thích Ca, dù bạn tin hay không thì nó được làm bằng thứ kim loại lạ người ta gọi là Đồng Đen. Tôi sẽ kể thêm nhiều về bức tượng này khi cần phải kể.
Sau khi ngồi chơi một hồi, để gói bánh lên bàn thờ gia tiên và thắp hướng thì tôi vẫn nấn ná ngồi thêm một chút chờ đến nhá nhem tối khi mợ Út đi nấu cơm và cậu Út thì đạp xe đi đâu đó, tôi mới đi ra ngôi miếu nhỏ, đi nhẹ nhàng ngó trước nhìn sau như một kẻ trộm. Sau khi để gói kẹo nhỏ lên bệ thờ và thắp 5 nén nhang, khấn vái thành kính thì đứng chờ một lúc nhưng chẳng thấy chị Đẹp xuất hiện nên tôi đành giở bài cũ, lẩm bẩm trong miệng.
- Dạ, chị Lý Thị Khuê xinh đẹp và tải giỏi nhất ơiiiiii.
Y như rằng sau tiếng gọi thân thương là thấy những lá cây duối rung mạnh như có gió thổi qua, ngay sau đó là một âm thanh lảnh lót, giận dữ âm vang trong gió.
- Ranh con, tên tuổi của ta không phải là thứ ngươi mang ra trêu đùa biết chưa? Hình như ta không đánh cho ngươi một trận ngươi không biết sợ.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn, tuy tôi chưa nhìn thấy hình người nhưng tôi đoán chị Đẹp đang đứng đâu đó quanh đây quan sát nên cười giả lả.
- Dạ em gọi đúng mà, có khi nào chị xinh đẹp lại nghe nhầm không?
- Trò này xưa rồi, ngươi muốn chọc tức ta phải không?
- Dạ không, đời nào ạ, hôm nay em nhớ đến chị xinh đẹp cho nên mới cố ý lên đây, có một chút lòng thành cảm ơn chị lần trước đã cứu giúp em lúc nguy khốn ạ.- Tôi vừa nói vừa chắp hai tay vào nhau vái nhẹ, tôi nghĩ rằng bộ dáng của mình lúc này trông rất hèn mọn, nhưng cũng không sao, chị ta cũng hơn bốn trăm tuổi rồi cơ mà – Là do đợt vừa rồi em bận rộn quá, mong chị tha lỗi.
- Thôi ngươi đừng có lẻo mép, ta đã từng biết rất nhiều con cháu dòng họ Lý nhưng ngươi đúng là đứa mới nứt mắt mà lưỡi đã lắt léo rồi.
- Đấy chị xem, chị cứ năm lần bảy lượt bảo em là con cháu nhà họ Lý, nếu như thế thật thì cũng chỉ là do em phát huy truyền thống của cha ông thôi ạ, chị xem có đúng không chị? Chả phải chị nói rằng con cháu họ Lý ai cũng thông minh và xinh đẹp hay sao ạ, em thì không đẹp gì.
- Hừ, - Âm thanh rất gần bên tai phải của tôi – Nếu ngươi không phải cùng họ với ta, ta sẽ vặn cổ ngươi vì dám lừa thần ghẹo quỷ.
- Ôi, ôi chị ơi – Tôi vái như tế sao – Sao em lại dám lừa thần ghẹo quỷ chứ, chị xinh đẹp như thế này chắc chắn không phải là quỷ, chắc chắn là nữ thần xinh đẹp tuyệt trần, em không dám lừa dối ạ.
- Ta từng này tuổi đầu rồi mà không nói lại ngươi, thôi được, hôm nay có việc gì mà ngươi đến đây? Nói dối nửa lời ta cắt lưỡi vứt đi.
- Vâng, vâng.
Tôi nhanh chóng kể tóm tắt cho chị Đẹp về việc chị Ngọc Hoa tự nhiên biến mất hơn nửa tháng và câu chuyện làng bị yểm ở sau chùa, vừa kể xong thì tôi thấy bóng người mặc bộ váy xanh thướt tha đang thả bộ an nhàn xung quanh gò, ngay phía bên phải tôi, tôi tròn mắt ngạc nhiên vì tôi cứ nghĩ chị ta đang đứng trước mặt.
- Chị có nghe được hết mấy chuyện em vừa nói không ạ? – Tôi hỏi với giọng rất nhẹ nhàng, giống như nài nỉ.
- Nghe rồi, cái con bé ấy kể ra cũng sướиɠ, ta thì chỉ được loanh quanh ở đây còn nó thì lại được đi mây về gió, số nó đúng là số hưởng, ta đoán nó không sao đâu. Xưa khi ta còn sống cũng có đọc về thuật phong thủy, chỉ là không ngờ chính mình lại bị nhốt trong một trận pháp. Nhưng nếu đúng như ngươi kể thì mấy đứa kia đã dùng bùa chú để phong ấn các hồn ma án binh bất động trong cả trong đêm ấy.
- Hả? Có... Có chuyện đó sao ạ?
- Ta không bao giờ ưa cái bọn phù thủy ấy, mấy trò tà thuật của bọn nó điều ma khiển quỷ khiến ta rất căm ghét, bọn nó mà vào đất của ta giở trò thì ta đảm bảo sẽ vặn cổ bọn nó chết tươi trong chớp mắt.
- Là sao hả chị?
- Đất này là của ta, ta mạnh nhất. Còn cái con bé bạn của ngươi chắc nó có việc gì đó bận bịu chứ ai làm gì được nó, khi ta nhập làm ma ở cái làng này đã được nghe danh của nó rồi, nó còn bắt nạt cả ông Thổ Địa già.
- Lại có cả chuyện đấy? Sao em thấy chị ấy hiền mà, đâu có ghê như ... à đâu có ghê gớm gì đâu.
- Chắc với ngươi thì vậy thôi. Ngươi phải biết rằng ở làng này, ta nổi tiếng là xinh đẹp, nết na, thùy mị, ta chưa bao giờ nói hỗn với ai.
- Vâng, vâng điều này em biết, tất nhiên là thế rồi, chị không xinh đẹp thì ai xinh đẹp nữa.
- Thôi ngươi về đi, sớm muộn gì nó cũng lại gặp ngươi thôi, giờ đang yên gặp ngươi làm gì?
“Cốc!”, đầu tôi nhói đau, tôi nhăn mặt xoa đầu chưa hiểu chuyện gì.
- Cái tội dám gọi sai tên ta, lần sau làm thế ta sẽ cắt lưỡi.
- Dạ, dạ em biết ạ.
Chả biết chị Lý Ngọc Khuê có nghe thấy tôi nói hay không vì buông lời đe dọa xong là chị ấy biến mất, cây duối lặng im như chưa bao giờ từng lay động, không gian xung quanh trở nên yên tĩnh lạ thường. Tôi nén tiếng thở dài vái ba vái rồi lui về trong sân, dù sao tôi cũng đã yên tâm hơn khi biết được rằng chị Ma sẽ không gặp vấn đề gì, như vậy, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi chào mợ Út ra về mặc dù mợ cứ giữ lại ăn cơm, mợ là dâu mới còn nhiều bỡ ngỡ, tính theo tuổi thì mợ hơn tôi khoảng bốn tuổi nên cứ xưng chị, tôi cứ phải sửa hộ mấy lần.
Nhưng chưa gặp được chị Ma hỏi cho rõ thì tôi vẫn thấy trong lòng có một khoảng trống vắng mênh mông, lúc này tôi nhận ra mình đã xem chị ấy như người thân tự khi nào, giống như hai người đều có những cảm thấy cô đơn và vô tình quen biết nhau, giá như chị ấy là chị gái của tôi thật và là một con người thật thì vui biết bao nhiêu.
.....