Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 54: Có Một "vùng Chiến Sự"

Tôi đạp xe ra về trong con ngõ tối, khi đi đến gần Đề Đổ tôi lại liếc nhìn cái nơi mà trước đây từng có một cây quéo, tôi cũng đã vài lần tò mò về việc con quỷ trên cây ấy có bộ dạng nhìn chi tiết sẽ trông như thế nào, nhưng đáng tiếc, ký ức trong tôi chỉ là một bóng đen với cái lưỡi đỏ rất dài. Tôi luôn cho mình là một người có trí nhớ tốt nhưng sau này trong bộ nhớ của tôi có một khoảng đen và trống rỗng không được ghi lại, tôi không tài nào nhớ nổi những chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian ấy, điều lạ là mấy đứa em tôi cũng không bao giờ nhắc đến, cũng có thể đó là một khoảng ký ức mà tôi không muốn nhớ đến.

Đi trên con đường làng trải nhiều rơm ở hai bên, ánh trăng cũng đã lấp ló treo trên đầu, tôi suy nghĩ miên man và những điều mình mới được nghe thấy. Lại một người nữa từ thế giới bên kia khẳng định rằng tôi mang họ Lý, họ Lý thì có gì đặc biệt đâu, dù sao cũng chỉ là cái họ để phân biệt mọi người và kết nối một nhóm người với nhau mà thôi, họ tộc càng lớn thì càng nhiều vấn đề phức tạp và nếu người đứng đầu của dòng họ không đủ khả năng lãnh đạo hay yếu kém về kinh tế thì rất dễ xảy ra “loạn lạc”, có vẻ như họ tộc của tôi đang có vấn đề đó thật. Thi thoảng tôi vẫn hay nói nửa đùa nửa thật với bố tôi rằng:

- Hay bố về quê bái tổ lập một nhánh họ tộc ở đây đi, chỉ tầm trăm năm nữa ông nội con sẽ trở thành tổ ngành, nhân tiện ta đổi họ luôn.

Bố tôi chửi, tôi thì cười.

Những thông tin mà chị đẹp Lý Ngọc Khuê kia bắt tôi phải nghe thì tôi không hiểu nhiều, đúng hơn là nằm ngoài sự hiểu biết của tôi, điều khiến tôi nhớ và hiểu là chị ta có cái tên đẹp cộng với sự giận dữ khi nhắc đến người nào đó đã lừa chị ta. Có dịp nhất định tôi sẽ hỏi thêm, một đứa có tính tò mò mà không được nghe hết đầu đuôi câu chuyện như tôi thì rất khó chịu. Khi tôi đi ôn thi Đại học, tôi dành nhiều thời gian đến nhà sách coi cọp, tôi đọc nhiều cuốn sách Lịch sử như một sở thích, tôi nhớ trong số đó có một cuốn liệt kê các Triều đại ở Việt Nam, từ đó tôi được biết Cảnh Lịch là niên hiệu của vua triều Mạc từ năm 1548 – 1553, cho nên năm Cảnh Lịch thứ ba sẽ là năm Canh Tuất (1550). Thời điểm đó có diễn ra cuộc "chiến tranh Nam – Bắc Triều" giữa một bên là nhà Mạc chiếm giữ khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và nhà Hậu Lê khởi binh đòi lại ngai vàng, lấy cứ địa ở vùng khu IV, nơi phát tích của vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi. Khi trên Internet có nhiều thông tin hơn, dễ dàng tìm kiếm hơn thì tôi có tham gia một trang web là "Diễn đàn Trái Tim Việt Nam Online - TTVNOL" hồi những năm 2007-2008 và cũng thu lượm thêm được một ít thông tin vụn vặt. Ban đầu tôi cứ nghĩ Kinh Bắc là từ cũ chỉ Bắc Ninh ngày nay nhưng không phải, Kinh Bắc là một vùng đất rất rộng lớn trải dài đến tận khu vực Đông Anh, thậm chí nhiều vùng đất hiện nay thuộc các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương đều có ít nhiều phần thuộc phạm vi trấn Kinh Bắc. Cho đến thời kỳ nhà Nguyễn thay đổi việc phân bổ địa dư gần giống như hiện nay và người Pháp vào đầu thế kỷ XX đã xếp Bắc Ninh là trung tâm kinh tế thứ 5 của Bắc Bộ. Phủ Thuận An như chị Lý Ngọc Khuê đã nói vào thời điểm những năm 1550 có bao gồm toàn bộ huyện Thuận Thành ngày nay và năm Cảnh Lịch thứ ba (1550) ngoài việc chiến tranh giữa hai Triều Nam – Bắc thì còn có một sự kiện biến loạn ở vương triều nhà Mạc.

Vua Mạc Tuyên Tông lên ngôi năm 1546 khi còn nhỏ tuổi nên một quần thần tên là Phạm Tử Nghi đưa ra ý kiến rằng nên lập một người lớn tuổi hơn làm vua nhằm đủ sức đối đầu với nhà Hậu Lê, ý kiến này không nhận được nhiều sự đồng tình bởi vậy mới sinh ra bất hòa nội bộ dẫn đến binh biến. Phạm Tử Nghi đã phò tá Mạc Chính Trung lên làm vua, đóng quân ở Thái Bình nhưng trong triều các quan văn võ phần lớn không thuận theo. Những quần thần trung thành ủng hộ vua Mạc Tuyên Tông đã tiến đánh quân của Phạm Tử Nghi, sau nhiều trận đánh thì Phạm Tử Nghi thua trận và buộc phải rút lui. Trong số những người phải rút lui lúc đó có Mạc Chính Trung, ông đã cùng gia quyến và thuộc hạ bỏ chạy sang vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) vào khoảng năm 1551 (Cảnh Lịch thứ Tư). Những thông tin này bây giờ có thể dễ dàng tìm hiểu nhưng nhiều năm trước tôi đã tốn rất nhiều thời gian và tâm sức đi dò hỏi để tìm những thứ bản thân mình muốn biết. Từ bối cảnh lịch sử loạn lạc nhiều nơi tại thời điểm ấy, không có sự dính dáng của nhà Minh thì quả thật khó mà có “thằng Tàu” nào đến gò đất giữa cánh đồng của một ngôi làng chôn giấu vàng rồi yểm bùa, rất có thể đã xảy ra những việc liên quan mật thiết tới binh biến thời loạn nhưng vì sao con gái của ông quan tri huyện lại bị cho ngậm sâm rồi chôn sống dưới một gò đất hoang vu là một câu hỏi khó. Tôi từng nghe nhiều câu chuyện về “Thần giữ của” trong nhiều vùng đất ở quê mình nhưng đều là do “thằng Tàu” làm chứ chưa ai kể với tôi đó có thể chính là một người Việt. Điều này, nhất định tôi sẽ phải hỏi thêm chị đẹp Lý Ngọc Hoa và tôi cũng muốn biết hậu duệ của chủ nhân khối tài sản, nếu có, được chôn dưới đất ấy hiện nay còn sống hay không, và họ ở đâu?

Đã có những lúc tôi muốn trở thành một nhà Sử học nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra hoặc sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi không phải là người giỏi Sử, tôi chỉ là một người có thể nhớ được một số sự kiện nếu tôi quan tâm mà thôi, nhưng nhất định tôi sẽ phải tìm hiểu rõ lai lịch “những người bạn” của mình, tôi tin họ đều mang theo những nỗi oan khuất riêng đã chôn giấu vài trăm năm sâu dưới ba tấc đất.

Vừa đạp xe qua cổng nhà mình, tôi đã thấy ụ rơm cao chót vót, tuy ánh sáng của trăng có chiếu rọi yếu ớt nhưng cũng đủ làm màu vàng của rơm rạ nổi bật lên ở phần đỉnh của ụ rơm. Kê tấm ván gỗ để đẩy xe lên thềm, tôi dắt xe vào nhà thấy bà Già đang nằm nghỉ trên võng đong đưa, tay phe phẩy cái quạt nan và âm thanh từ cái đài đủ để bà nghe. Bà Già thích sự yên tĩnh khi nghe đài vào mỗi tối nên sau khi cất tiếng hỏi thay cho lời chào thì tôi dựng xe vào tường nhà, nơi đang để sẵn chiếc mini màu xanh nho nhỏ với hai bánh xe xẹp lép chẳng còn một tí hơi nào.

Tôi rót cho mình một cốc nước vối thật đầy rồi cầm luôn cả cái tích nước ra đứng ở bậc thềm nhà uống một hơi, rót thêm cốc thứ hai cho lên miệng uống tiếp thì vô tình tôi liếc mắt nhìn sang ụ rơm mới, mắt vừa mới liếc qua tôi đã phun cả đống nước trong miệng ra ngoài ho sặc sụa.

- Mày làm sao thế?

Tiếng bà tôi vọng ra từ trong nhà.

- Không sao bà ơi, cháu bị sặc nước!

- Mày uống nó từ từ thôi, tao dặn bao nhiêu lần rồi, mày cứ uống cái kiểu đó có ngày chết vì sặc đấy!

- Cháu biết rồi.

Tôi lấy tay lau miệng và nuốt thêm vài lần nước miếng, để cái tích nước cùng cái cốc xuống thềm nhà, tôi bước chân xuống sân. Lúc này, tôi nhìn thấy chị Ma đang nhẹ nhàng di chuyển trên đỉnh ụ rơm, mái tóc dài đen nhánh và cái váy đỏ có hoa văn nhẹ bay trong gió, tôi chưa thấy một cảnh đẹp như thế bao giờ. Sự thật là việc có thể bay lơ lửng luôn khiến ta cảm thấy thú vị nhưng chị Ma lơ lửng trên ụ rơm còn đang thơm mùi thóc lúa khiến tôi bất ngờ. Màu vàng của rơm, màu đỏ do bộ váy mờ ảo cùng ánh trăng nhạt đang tỏa sáng khiến cho không gian trước mắt tôi trở nên lung linh, huyền ảo.

- Chị xinh đẹp, lâu quá rồi em mới gặp chị!

- Thôi đừng dẻo miệng, cái gì mà chị xinh đẹp, em học thói nịnh hót như vậy từ bao giờ thế?

- Hề hề hề - tôi cười kiểu hèn mọn, hai tay xoa xoa vào nhau – đâu có, tại em chợt nhớ ra là chả mấy khi em khen chị xinh đẹp cả, từ giờ thi thoảng em cũng phải tự nhắc mình điều này.

- Thôi nhé, em trai ạ, mới tí tuổi đầu đừng có dẻo miệng như thế, nãy chị mới nghe thấy đứa nào mới gọi con nhỏ kia là chị xinh đẹp, bây giờ cũng gọi chị xinh đẹp. Em phải biết là chị đây vốn là người xinh đẹp nhất không cần em phải khen nghe chưa?

- Đúng, đúng, điều này em tin là chắc chắn đúng rồi!

Thật sự quen biết thân sơ với nhiều phụ nữ đẹp là rất nguy hiểm, phụ nữ bản chất là phức tạp và khó hiểu, bây giờ sự phức tạp và khó hiểu đó lại đang nhân đôi nên tôi nhất định phải thật cẩn thận, họa phúc đều từ miệng mà ra.

Tôi đứng phía dưới ụ rơm ngước nhìn lên chị Ma đang đứng phía trên đỉnh, chị Ma ngoắc tay.

- Leo lên đây, đứng trên cao nhìn cảnh vật sẽ khác đấy.

Tôi loay hoay leo lên ụ rơm nhưng cứ thấy trơn tuồn tuột, tay tôi rút ra cả một mớ rơm mà không tài nào leo lên được do không có chỗ bám víu cố định. Ngó nhìn xung quanh tôi nhìn ra một cái thang dựng ở đầu hồi nhà, tôi đoán chắc bà đã mượn để dùng cho việc xếp ụ rơm này, từ đất lên đến đỉnh của ụ rơm áng chừng cũng phải 2,5m chứ chả ít, bà không thể làm mà thiếu cái thang.

- Có cần chị giúp không? – chị Ma hỏi.

- Bằng cách nào ạ?

- Chị sẽ đá em bay lên.

- Dạ thôi, em tự lên được ạ!

Tôi chạy đi lấy thang, cũng không quá khó khăn để mang cái thang tre lại gần ụ rơm, nhờ có cái thang tôi leo lên rất dễ dàng. Khi tôi đặt chân lên phần vát nghiêng của ụ rơm thì chị Ma lượn ra một bên, thấy vậy tôi nằm luôn trên ấy, mặt nhìn về hướng cây ổi trước nhà.

- Em chưa được nằm trên đống rơm như này bao giờ.

- Êm đấy chứ, hồi nhỏ chị còn chơi trốn tìm chui cả vào bên trong cơ mà!

- Ui, chui vào trong rơm rạ ngứa lắm chị ơi!

Chị ma bay lơ lửng phía trước mặt tôi, tôi có thể nhìn thấy lờ mờ bóng cây ổi ở phía đằng kia.

- Kẹo em mua chị ăn thử chưa? Kẹo mới đấy!

- Vị lạ đấy, sao em không mua nhiều một chút?

- Kẹo đó đắt lắm, mà không biết chị có thích ăn không mà mua nhiều. Nếu chị thích em nhất định sẽ mua nhiều!

- Một đứa em ngoan thì nên thế!

- À chị ơi,chị có biết năm Cảnh Lịch là năm nào không?

- Hừ, lại tìm hiểu hoàn cảnh của con bé Lý Ngọc Khuê gì đó phải không?

- À...vì em tò mò thôi, mấy thứ đó em không hiểu lắm. Chị cũng biết là em luôn coi chị là người tốt nhất, xinh đẹp nhất, vô địch không ai sánh bằng!

-Vô địch? – chị Ma bật cười – chị dĩ nhiên là vô địch rồi nhưng mà em càng lớn thấy càng khéo miệng đấy. Chị chỉ biết Cảnh Lịch là niên hiệu của một vị vua của nhà Mạc, hồi đấy bố cáo đến làng này có thấy nói như vậy nhưng đã từ rất lâu rồi, cũng phải đến mấy trăm năm đấy. Triều đại cứ thay đổi liên miên mà chị cũng chả quan tâm.

- Chị có biết tại sao cái chị Khuê đấy lại cứ muốn bẻ cổ người khác không, em nghe mà sợ.

- Chị đây cũng muốn bẻ cổ mấy đứa đã chôn mình xuống đất nhưng khó lắm, mấy lão thầy pháp cao tay có đầy đủ cách bùa chú để bọn chị không để trả thù con cái bọn nó được. Nhưng con bé Lý tiểu thư đó đúng là người vùng này, không phải từ nơi xa đến như chị đâu, cha nó đúng là quan tri huyện.

- Cha là quan to như vậy sao lại để con gái bị bắt đi như thế hả chị?

-Những chuyện đấy chỉ có nó biết thôi, chị ở lâu mà cũng không bao giờ biết rõ được những chuyện đó, có thể nói là thần không biết, quỷ không hay. Từ lần trước sau khi gặp nó chị đã đi dò rồi, nhà nó đến nay vẫn còn hậu duệ nhưng đã thay tên đổi họ và lưu lạc. Sau khi nó biến mất, nhà nó nghĩ nó đã bị bắt mang theo sang nhà Minh nên từng rất buồn.

- Sao lại thế nhỉ?

- Cái thằng chồng cũng biến mất luôn cùng toàn bộ gia quyến, thằng đó đích thị là người Việt. Đấy là những gì chị biết, hồi đấy chị không đi xa được, cũng chỉ loanh quanh trong cái làng này nên giờ đi hỏi cũng khó mà tìm ra được. Muốn biết rõ mọi chuyện thì hỏi vị Quan thư lại nhưng điều này gần như là cấm kỵ, chị không bao giờ biết được.

- Haizzzzz – tôi thở dài – em chỉ cảm thấy buồn khi biết được nhiều người đã phải chết một cách oan khuất để phục vụ cho một mưu đồ nào đó của những người xấu.

- Mỗi người đều có số phận của mình, ai rồi cũng chết, em không phải đau buồn làm gì.

- Gặp lại chị em rất vui, cũng mấy tháng rồi không gặp.

- Hôm nay chị nhắc em một việc, nếu có ra Hà Nội thì phải trở về nhanh, nơi ấy đang có biến không tiện ở lâu.

- Dạ sao ạ? Em vừa mới về tới chiều hôm qua thì đi Hà Nội làm gì nữa, chị yên tâm!

- Nhớ lời chị dặn, đi ngủ sớm đi!

Chị Ma ẩn đi cái bóng dáng màu đỏ của bản thân, tôi nằm trên đống rơm thêm một lúc rồi trèo xuống vào nhà đọc truyện, tối nay bê thóc mỏi nhừ hết cả lưng nên tôi nằm trên tấm phản gỗ truyền thừa trăm năm ngủ quên lúc nào không hay.

....

Bốn ngày hôm sau, tôi dậy vào buổi sáng thì thấy ngăm ngăm đau bụng, đi vệ sinh xong cũng vẫn đau. Cơn đau bắt đầu nhiều hơn và xảy ra theo từng đợt, ban đầu cơn đau chỉ làm tôi nhăn nhó nhưng gần đến trưa thì cơn đau đã khiến tôi phát khóc, tôi nằm lăn lộn trên tấm phản gỗ, bà Già rất lo lắng, bà cho rằng tôi đau bụng giun nên pha nước đường ấm cho tôi uống. Tôi uống vào một lúc sau thì cơn đau còn dữ dội hơn gấp bội, cơn đau thậm chí còn lan đến tận bả vai, tôi quằn quại và thấy rằng chổng mông lên sẽ đỡ đau hơn. Tôi cặp nhiệt độ thấy mình sốt hơn 38 độ C, mồ hôi vã ra như tắm và còn buồn nôn, tôi chưa bao giờ bị như vậy. Tôi lần mò ngón tay dưới bụng mình và cảm giác cơn đau bắt nguồn từ phía bên dưới sườn phải, tôi không biết chứa cái gì, tôi học không giỏi môn sinh học cho lắm. Tôi lần giở cuốn sách sinh học lớp 8 ra và có lẽ là khu vực chứa mật, tôi không biết có đúng không, những cơn đau làm tôi toát hết cả mồ hôi.

Bà Già thấy tình hình không ổn, vơ vội cái nón lá đội lên rồi chạy vội đi, tôi không biết bà chạy đi đâu nhưng phải đến nửa tiếng sau bà mới quay về.

- Cố chịu đau một chút nhé cháu, bà gọi cậu Út rồi, cậu ấy sẽ đi mượn xe máy chở cháu đi lên viện xem bị làm sao.

Những cơn đau làm tôi nhăn nhó, rêи ɾỉ, mồ hôi ướt áo và tôi cứ nằm chổng mông ở trên tấm phản gỗ kêu.

- Bà chơi cháu đau quá!

Một lúc sau tôi nghe thấy tiếng xe máy, cậu Út tôi chạy xe vào sân, có cả chị ruột của mẹ tôi nữa. Mọi người nhanh chóng bảo tôi thay quần áo rồi dìu tôi lên xe, tôi ngồi giữa, khi xe đi ra khỏi đầu làng thì tôi thấy cơn đau có chiều hướng mạnh hơn, cứ nhói lên. Tôi sốt cao nên mê mê tỉnh tỉnh, tôi có nghe đâu như bác tôi nói.

- Chở thẳng nó ra Hà Nội cho bố mẹ nó, bây giờ mà đưa vào viện không có người chăm mà nếu có vấn đề gì bố mẹ nó sẽ trách đấy, nhanh lên!

Tôi ngồi ở giữa hai người lớn, tôi lịm dần vì sốt và những cơn đau hành hạ nhưng trước khi tôi mê man tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đó tiếng nói thân quen.

- Nhớ về ngay nhé!

.....

Loáng thoáng tôi nghe tiếng người nói ồn ào, có lẽ tôi đang ở bệnh viện, nhưng không phải, khi tôi mở mắt được ra thì nhìn thấy bố mẹ tôi, bà Trẻ và vài người nữa tôi không nhớ là ai, nhưng ngồi cạnh bên tôi là một ông bác sĩ đang cắm tai nghe còn cái ống nghe đang di chuyển trên khắp phần bụng của tôi.

- Giun chui ống mật!

Bác sĩ kết luận và nhanh chóng tiêm cho tôi một mũi, tôi rất sợ kim tiêm. Từ lúc 4 tuổi cho đến lúc 13 tuổi chưa bao giờ phải tiêm và đến lúc 38 tuổi thì tôi cũng chỉ có một lần đi tiêm phòng gì đó thôi, tính ra là 34 năm chỉ tiêm đúng 2 mũi. Tôi vẫn rất sợ tiêm, thật may nếu có ốm đau gì thì tôi chỉ cần mấy viên Panadol là khỏi, nếu có nặng cũng chỉ uống thuốc chứ không cần phải tiêm, sức khỏe của tôi cơ bản là tốt.

Sau khi tiêm chừng mười lăm phút thì tôi giảm đau, khoảng chừng nửa tiếng sau thì hết đau và tỉnh táo nhưng miệng thì đắng, tôi ăn được bát cháo gà loãng do bà Trẻ mua về, lúc này tôi mới có thời gian hỏi xem cậu Út và bác tôi đâu.

-Cậu về luôn rồi, ở nhà đang mùa vụ nên phải về ngay.

-Con cũng muốn về ngay!

-Về ngay sao được, phải ở lại để theo dõi ra làm sao chứ?!

Mẹ tôi ngồi ở đầu giường vuốt tóc cho rồi lau mặt giúp, lúc này hai đứa em tôi mới đi chơi về, chúng nó cũng ngạc nhiên vì sao tôi lại quay ra Hà Nội.

Đến buổi tối thì tôi cảm thấy bình thường trở lại, tôi có thể ăn được một bát phở vì đói và mệt, người cũng mỏi vì cả buổi sáng chổng mông chống chọi cơn đau. Ông bác sĩ có kê một đơn thuốc uống ba ngày, tôi thầm cảm ơn ông bác sĩ quân đội về hưu đó nhưng tôi không bao giờ gặp lại ông ấy vì tôi không bị bệnh gì cả. Tuy sức khỏe bình thường nhưng trong lòng tôi cứ thấy không yên, cả đêm tôi trằn trọc khó ngủ, hai mắt cứ trong veo.

Sáng hôm sau tôi nhất quyết xin bố mẹ về bằng được và khẳng định rằng mình đã khỏe bằng cách ăn một loáng hết gói xôi xéo to bự, bố mẹ tôi thấy tôi quyết tâm quá nên đành đồng ý cho tôi về vào chuyến xe lúc 2 giờ chiều tại Bến Nứa. Bố mẹ tôi rất ngạc nhiên tại sao tôi lại quyết tâm về quê nhanh đến thế, đẻ con ra hiểu tính nết nhưng điều này trái ngược với tính cách của tôi thời ấy.

Trên chuyến xe khách trở về quê vào ngày hôm ấy, 31 tháng Tám, tôi dựa đầu đưa mắt nhìn qua cửa kính và băn khoăn với lời nhắn nhủ của chị Ma, tôi không biết tại sao mình phải về gấp nhưng tôi luôn tin tưởng và làm theo lời chị ấy, hẳn phải có lý do gì đó mà tôi chưa được biết.

Sau này khi tự tôi khám phá ra rằng không phải tự nhiên tôi lại về quê sớm đến hơn mười ngày vào mùa hè năm đó cũng như không phải tự nhiên mà tôi được nhắc nhở phải rời Hà Nội thật nhanh, khi tôi biết được lý do chính tôi cũng không thể tin nổi.

Chị Ma từng nhắc tôi “nơi ấy có biến không tiện ở lâu” làm tôi 13 tuổi không hiểu, nhưng tôi khi lớn đã có thể lờ mờ hiểu ra ở nơi đấy “người ta” đang đánh nhau.