Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 49: Hành trình đầu tiên - 38km

38km – 360 phút – Hành trình đầu tiên

***

69. Ngày 21 tháng 5 năm 1996 tôi được nghỉ hè, tôi rất hay nhớ các con số nếu nó gắn với một sự kiện nào đó trong cuộc đời của mình. Tôi quyết định một việc rất quan trọng đó là tôi sẽ đi Hà Nội bằng xe đạp một mình, tôi tin là mình làm được mặc dù biết không phải dễ dàng gì nhưng tôi muốn thử một lần xem như thế nào. Tôi đã nói với bà Già và bà bảo phải báo với bố mẹ trước, dĩ nhiên tôi nói dối là đã báo rồi nên bà yên tâm và không có thêm ý kiến gì, bà chăm tôi nên hiểu tôi có thể làm được gì và không làm được gì. Tôi quyết định sẽ khởi hành vào sáng ngày 25 tháng 5, đó là ngày Thứ 7, tôi hy vọng đó là một ngày có thời tiết đẹp, nếu mưa thì tôi sẽ đổi sang ngày Chủ nhật dự phòng.

Tôi cũng hồi hộp lắm, mấy ngày liền cứ đi ra đi vào rồi nghĩ xem mình có chuẩn bị thiếu cái gì không. Xe đạp thì tôi đã mang ra cửa hàng của chú Bồng ở đầu làng để kiểm tra một loạt như cân vành, kiểm tra lốp, cổ phốt... Đặc biệt là căn chỉnh bộ đề của xe Cá Vàng, thật sự thì cái xe này là đồ hiếm nên không phải chỗ nào cũng sửa được, nếu hư dọc đường thì sẽ rất khổ sở, tôi chưa bao giờ đi xa như vậy.

Đồ mang theo thì chỉ có chai nước, tôi sẽ đổ nước vối vào đấy, hẳn hai chai luôn cho yên tâm, còn tiền thì nhét nhiều nơi như trong cặp, trong mấy cuốn truyện và túi quần, nhỡ đâu có chuyện gì thì không mất hết. Thậm chí tôi còn mang theo một cuốn vở có ghi rõ tên lớp ở ngoài bìa, ghi luôn cả tên bố mình và số điện thoại cố định của gia đình ở Hà Nội, cứ phải cẩn thận mới được.

Sáng Thứ bảy, trời nắng nhẹ từ sớm, sau khi ăn sáng là một gói xôi xong xuôi, khoảng hơn 7 giờ tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà. Bà Già đứng nhìn tôi chăm chú, có vẻ hơi lo lắng.

- Bà cứ yên tâm, chiều cháu ra đến nơi sẽ gọi điện về báo, bà cứ tin ở cháu!

Tôi bước lên thềm nhà ôm bà một cái thật chặt, phải nói là tôi rất yêu bà của mình nên tôi nghĩ một cái ôm sẽ làm bà cảm thấy yên tâm.

- Cháu tự đi được lần này thì sau cháu thích về lúc nào cũng được, không phải phụ thuộc vào người khác nữa. Nếu ở nhà mà bà có mệt thì nhờ cô Thu ra đầu làng gọi điện báo, cháu sẽ về ngay lập tức bà nhé!

Nói xong tôi quay lưng bước xuống sân, lòng cũng hơi bùi ngùi. Sau này tôi có rất nhiều lần ôm tạm biệt bà để đi nhưng khi bà càng già đi thì mỗi lần đi tôi không cầm được nước mắt. Những lần cuối cùng được gặp bà, khi tôi kéo va-li đi thì bà ngồi trên cái ghế nhựa màu xanh, tóc bạc trắng như cước và có vẻ nhìn không rõ nữa nhưng tiếng nói vẫn sang sảng:

- Cha bố mày, lần sau mày đừng có về nữa, mày về được mấy ngày xong mày lại đi để lại hai cái thân già này lại ngóng.

Những khi ấy tôi chỉ biết cắm đầu kéo va-li đi không dám quay lại nhìn hai bà của mình đang đứng trên bậc thềm, mắt tôi ướt đẫm, lần nào cũng thế. Nghĩ cũng buồn cười quá, mấy lần đầu anh lái taxi thấy lạ vì đàn ông lên xe mà hai mắt cứ đỏ hoe, về sau chắc tò mò quá nên anh ta mới hỏi.

- Mình lớn lên ở đây, giờ đi làm ăn xa ít khi về, mỗi lần về nhìn thấy các cụ tươi vui hẳn rồi khi đi các cụ buồn héo hon cầm lòng không được.

Hàng trăm lần tôi đã từng ước ao sở hữu cái cửa thần kỳ của Doraemon để mỗi ngày đi làm về bước qua cánh cửa là sẽ thấy hai bà của mình, vợ con mình và cả bố mẹ mình nữa. Điều này tất nhiên là hoang tưởng và nói ra thì hẳn trẻ con nó cười cho nhưng tôi đã từng nói với vợ mình cái ước mơ trẻ con ấy vì cô ấy là người hiểu tôi, cũng như thương hai bà thật sự. Nhưng cuộc sống vốn là một chuỗi những lựa chọn và hàng tá sự đánh đổi, không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo nên tôi phải học cách chấp nhận.

Tối hôm qua, tức là tối Thứ sáu, tôi đã thắp nhang cho chị Ma đầy đủ, cũng lại gửi gắm những lời khẩn cầu như một bức thư, tôi mong chị ấy sẽ trông nom bà tôi giúp tôi, để bà không bị bệnh, tôi hứa khi trở về nhất định sẽ mua thật nhiều quà cho chị ấy. Tôi chỉ thấy những tàn lửa đỏ rực trên đầu 5 que hương sáng lên trong đêm tối, tôi tin rằng chị ấy đã nghe thấy lời khẩn cầu của tôi.

Khi qua cầu Đình và rẽ phải vào đường Quốc lộ 17, tôi hít một hơi thật sâu rồi bắt đầu những vòng đạp đầu tiên, thực hiện cái kế hoạch đã ấp ủ từ hơn hai năm về trước. Buổi sáng trời nắng nhẹ và đường vắng xe cộ, tôi điều chỉnh bộ đề tăng giảm xích để đạp ít vòng mà xe đi nhanh hơn, mọi chuyện khởi đầu như vậy. Khi bắt đầu đến gần cái ngã tư mà trước đây tôi hay chọn làm mốc rồi đạp quay về, nó được gọi là ngã tư Đông Côi, đi qua ngã tư này cứ thẳng phía trước mà đạp nhưng từ đoạn này tôi thấy xe cộ bắt đầu nhiều hơn nên cũng không dám đạp nhanh nữa. Vừa đạp tôi vừa ngân nga trong miệng mình những bài hát không đầu không cuối còn mắt thì tập trung nhìn đường và chú ý cột mốc ven đường.

Đạp qua một cái cổng trường học rất lớn phía bên tay phải một đoạn thì tôi thấy cái cột mốc Km ghi “QL.38/TT.Dâu 3km” nghĩa là Quốc lộ 38, Thị trấn Dâu còn 3km” (mãi đến 2016 mới thống nhất đổi thành Quốc lộ 17). Những điều này chính bố tôi dạy cho tôi khi tôi tập đi xe máy, thậm chí nếu cột mốc Km có ghi thêm ví dụ chữ “H8-8” nghĩa là cột mốc số 8 ở Km thứ 8 tính từ đầu con đường, mỗi Km sẽ có cột H đánh số từ H1-H9, mỗi cột cách nhau 100m. Điều này tôi phải ghi nhớ vì nếu đứng chơ vơ ở nơi nào đó thì việc biết đọc cột mốc sẽ giúp tôi xác định được mình nên đi theo hướng nào gần hơn. Sau này khi tôi có dịp đi nhiều nơi, nếu có ai bị lạc thì chỉ cần nói cho tôi những cảnh vật xung quanh hoặc cột mốc gần nhất họ thấy, tôi sẽ xác định được họ nên đi như thế nào hoặc cần bao lâu thì tôi có thể tới nơi, đến khi Smartphone ra đời thì tôi cũng lụt nghề dần. Tôi cũng vài lần chỉ lại cho vợ mình thì cô ấy nghe lấy lệ rồi bảo:

- Mấy cái này anh biết rồi thì cần gì em phải biết nữa, có vấn đề gì thì gọi anh là được.

Tôi lắc đầu chép miệng, tỏ ra chán nản, tôi thường hay trêu:

- Mang tiếng gái Sài Gòn đi đường Sài Gòn lại gọi điện hỏi thằng nhà quê, em không thấy buồn cười à?

- Có gì đâu mà buồn cười? Em lấy chồng là để chồng em biết những thứ em không biết, chứ nếu cái gì em cũng biết thì mình là bạn rồi, nhờ.

Vợ tôi là như thế, rất bướng bỉnh nhưng tôi cũng lừa được cô ấy đi học lái xe ô tô, ban đầu tôi lấy lý do phụ nữ hiện đại phải biết những thứ ấy, thi thoảng có đi đâu đỡ phụ thuộc vào người khác. Cô ấy học xong tôi bổ túc thêm vài ngày thế là lái ngon lành, rồi tôi tót xuống băng sau ngủ để cô ấy chở đi làm, khi cô ấy phát hiện ra thì đã quá muộn, cô ấy không thể đi làm muộn nhưng tôi thì có, đứa nào cần kíp hơn thì lên mà lái không thì cứ từ từ. Biết lái xe rồi thì cũng phải dạy luôn cả cách tự thay bánh xe nếu có bị bể, may cũng chỉ bị bể một lần, loay hoay tự thay được cũng xem như là giỏi đi.

Cũng nhiều lần cô ấy phàn nàn rằng tại sao phải biết mấy thứ đó làm gì thì tôi nói:

- Tương lai không biết thế nào, nhỡ đâu anh chết sớm thì còn tự lập được.

Dĩ nhiên tôi làm sao mà chết sớm được, cứ yên tâm đến 86 tuổi rồi tính, nhưng mà cũng phải dọa như thế.

.....

Quãng đâu hơn 9 giờ sáng thì tôi đã qua Keo, tính hòm hòm mình cũng đi được khoảng 17km, đến một đoạn đường đẹp gần tới ngã ba rẽ phải đi lên đê sông Đuống, phía tay trái có lẽ là một nhà máy nước, bên tay phải có một quán giải khát ven đường có bán cả kem, nằm dưới mấy cái cây cao rất mát, tôi quyết định tạt vào nghỉ chân và uống nước để chuẩn bị sức đi tiếp. Đoạn đường trước mặt theo tôi nhớ là sẽ rất đông đúc và phải đi cẩn thận hơn nữa, chuyến đi đầu tiên nếu có bất trắc gì thì sau này không thể đi được, sẽ bị cấm tiệt luôn.

Tôi gọi một chai CocaCola thủy tinh, loại này uống rất đã không như cái chai nhựa nhỏ bây giờ, rồi uống. Thật sự là đạp xe một đoạn đường dài cũng khát nước mà uống vào thứ nước có gas này quá đã, như là mát đến tận đáy ruột, tinh thần trở nên phấn chấn hẳn. Ngồi nghỉ ngơi thì tôi thấy trong mấy két nước ngọt có cả vài ba két sữa đậu nành, sở dĩ tôi nhận ra vì sữa đậu nành phải đóng bằng két gỗ, mỗi két có 24 chai, thấy màu quen quen nên tôi lại gần xem thử. Hơi bất ngờ vì đúng là sản phẩm của nhà mình làm ra, tự nhiên cảm thấy vui vẻ.

Chị chủ quán thấy tôi đứng đó nên ra hỏi:

- Em uống thử không? Sữa đậu nành này cho đá vào uống ngon lắm đấy!

- À, nãy chị không nói sớm, em lại uống Coca rồi, mà nước này ngon hả chị?

- Ừ, uống ngon đấy em, chị mới nhập thử một ít về bán.

Tôi cầm chai sữa của nhà mình lên ngắm nghía một hồi rồi nói:

- Vậy em uống thử xem sao. Làng em chuyên làm đậu phụ mà em chưa thấy cái nước như này bao giờ, sao sữa đậu nành lại đóng chai được nhỉ?!

Chị chủ quán nhanh tay mang ra một cái ly thủy tinh màu xanh, cái loại như sau này người ta hay uống bia cỏ, một vài cục đá nhanh chóng được cho vào rồi bật nắp chai ra.

- Nhà em làm đậu phụ, sữa này chỉ để được trong ngày, nếu ngày hôm sau là hỏng luôn. Sữa này để lâu thế có chai nào bị hỏng không chị?

- Chị mới bán thử nên cũng không biết nhưng chỗ đại lý chuyên mấy cái này người ta bảo là nếu có chai nào hỏng thì đổi được, bên công ty người ta trả chai mới.

- Vậy là tốt quá rồi ạ!

Tôi uống một hơi hết luôn.

- Ngon đấy chị ơi, đợt tới em đến em sẽ uống nước này!

- Em định đạp xe đi đâu thế này?

- Dạ em được nghỉ hè nên ra Hà Nội thăm bố mẹ em.

- Hả? – Chị chủ quán giật mình – Em đi một mình hả? Nhìn em chắc chỉ 10-11 tuổi thôi chứ mấy?!

- Dạ em mới học hết lớp 7 rồi, mà đây có phải lần đầu em đi đâu, mọi lần em hay ngồi nghỉ uống nước dưới đoạn Keo kia cơ.

- Gan thật, không sợ người ta bắt bán sang Trung Quốc à?

- Ban ngày ban mặt ai người ta bắt, chị cứ lo...

Tôi vừa nói vừa cười rất thản nhiên. Ngồi thêm một lúc tôi tính tiền rồi đi, ở đây bán chai nước sữa đậu nành này Một nghìn đồng, nhà tôi giao đại lý tính ra là Sáu trăm đồng, lãi nhiều thật đấy.

Tới ngã ba, nếu rẽ phải sẽ đi lên đê sông Đuống còn rẽ trái đi một đoạn gặp cái cây xăng thì rẽ phải, đạp tiếp chừng hơn 1km nữa sẽ ra đến đường số 5, tôi nhớ rất rõ là như thế. Vừa đi tôi vừa thấy vui vì mình mua uống một cái sản phẩm do chính nhà mình làm ra.

Cái quán nước tôi nghỉ chân ven đường ấy sau này trở thành khách hàng đầu tiên của tôi khi tôi nghỉ hè lớp 10 lên lớp 11, chị chủ quán rất ngạc nhiên khi thấy cái thằng bé hồi xưa hay ngồi uống nước hóa ra lại là đứa giao hàng, rồi khi biết là chính nhà tôi sản xuất thì còn ngạc nhiên hơn nữa, chị ấy cứ bảo tôi là khéo vì giả vờ như không. Tôi cười mãi.

.....

Chuẩn bị đến đường số 5 trước mặt thì tôi thấy bên phải có một cái đại lý treo biển rất lớn “BÁNH KẸO – NGK” nên tôi chú ý, tôi thấy có sữa đậu nành nhà mình được xếp chồng lên nhau thành mấy khối vuông. Tôi đoán đây chính là cái đại lý tổng phân phối đi các cửa hàng khác nhỏ hơn nên tôi dừng xe ven đường, lấy nước trong cặp ra giả vờ uống, tôi có thấy trong cái khối vuông để vỏ chai đã dùng có một số chai còn nguyên nắp và đóng cặn trắng ở đáy chai, nước màu vàng mật ong thì ở trên, đó là những chai bị hỏng. Với kinh nghiệm một mùa hè làm công nhân lấy tiền lương cộng với bố tôi chỉ thì tôi biết chỉ có hai nguyên nhân gây ra việc sản phẩm bị hỏng. Một là do khi dập nắp không kỹ, hai là do nhiệt độ nồi hơi không đạt chuẩn nhưng tôi nghiêng về lý do đầu hơn bởi vì số chai bị hỏng không nhiều, nếu nhìn date sản xuất thì sẽ kết luận được ngay. Dù sao mùa hè này tôi cũng sẽ ở đến hơn ba tháng, cũng phải kiếm tiền nữa nên cần phải chú ý mấy cái này, hàng nhà mình hỏng thì nhà mình thiệt hại thôi.

Đường số 5 của năm 1997 không rộng và đẹp như hiện nay, tôi nhớ là chỉ có hai làn xe ô tô và một làn dành cho xe máy với xe đạp. Lúc này đã hơn Mười giờ sáng nên tôi bắt đầu thấy mồ hôi chảy nhiều, rút cái khăn mặt ở cặp ra lau mồ hôi liên tục và kiên trì tiến về phía trước, cứ đi một đoạn thì tôi lại dừng nghỉ một lúc. Gần 12 giờ trưa tôi thấy trước mặt mình là cầu Chương Dương thì có một vấn đề nhỏ xảy ra ngoài dự kiến. Tôi nhìn thấy biển báo cầu này cấm xe đạp, chợt hoang mang, điều này thật tôi không biết, tôi chưa bao giờ nghĩ đến trường hợp này. Dừng xe ngay con dốc nhìn đoàn xe cộ ngược xuôi tôi cảm thấy lo lắng. Trời ban trưa nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt hết áo, tôi cũng thấm mệt. Nhìn nội đô chỉ ngay phía bên kia tôi tính đánh liều đạp xe qua nhưng lại sợ bị công an bắt lại thì rất phiền, kiểu gì người ta cũng sẽ gọi báo bố mẹ tôi.

Gạt chân chống xe đạp, tôi lấy ra chai nước vối thứ hai để uống, nước cũng ấm chứng tỏ là nóng. Tôi căng não suy nghĩ, tôi nhớ ra rồi, tôi nhớ Bến Nứa nằm ở dưới gầm cầu Long Biên.

"Cầu đấy cho tàu đi qua nhưng không biết là xe đạp có được đi qua không nhỉ?"

Tôi tự nói cho chính bản thân mình nghe rồi lục lọi trí nhớ của mình. Tôi nghe ai đó nói cái cầu Chương Dương này mới xây thôi mà nhìn thì nó cũng mới thật. Hồi xưa nhiều xe đạp hơn thì ra vào chắc là phải đi cầu Long Biên rồi nhưng làm thế nào để đi đến cầu Long Biên thì tôi lại không biết. Nghĩ một hồi tôi dắt xe quay lại một đoạn sau đó tạt vào một quán nước ven đường hỏi thăm.

- Ông ơi, cho cháu hỏi là đi xe đạp muốn vào Hà Nội thì phải đi cầu Long Biên hả ông?

- Đúng rồi cháu, xe đạp không được đi cầu này đâu!

- Ông cho cháu hỏi đường để đi qua cầu Long Biên ạ.

Ông cụ nhìn tôi rồi đi ra mép đường giơ tay chỉ về hướng cầu Chương Dương.

- Đây nhá, cháu rẽ phải đi vào bờ đê Sông Hồng, cứ đi thẳng là sẽ thấy cầu Long Biên thôi...

- Có xa không hả ông?

- Cũng độ 2 cây số đấy!

- Cháu cảm ơn ạ!

Tôi đạp xe trên đê Sông Hồng, có đoạn thì nhà dân có đoạn chỉ có cây ven đường, khung cảnh cũng hoang sơ, đường thì cũng không đẹp lắm, có đoạn nhiều ổ gà với đá nhỏ khiến xe đạp nảy tưng tưng, thế rồi tôi cũng lên được cầu Long Biên và thở phào nhẹ nhõm.

Vào đến nội đô thì tôi thấy vững bụng hẳn, cứ đạp đi theo những dấu mốc tôi đã nhớ nhưng có đoạn đến ngã tư bệnh viện Saint-Paul thì do mải ngắm bên phải đường nên tôi đạp lố đến tận đầu phố Kim Mã. Thấy cảnh vật lạ, đường cũng lạ nên tôi quay xe lại nhưng khổ nỗi đường một chiều nên phải dắt bộ, tôi cũng tính lên xe đạp đi nhưng sợ công an phạt nên chả có cách nào khác, tôi nhớ là dắt bộ một đoạn cũng dài đến mấy trăm mét, thật may đoạn đấy nhiều cây cối nên cũng đỡ được phần nào ánh nắng buổi ban trưa.

Đi qua Văn Miếu phía tay trái, rồi nhà sách số 240 Tôn Đức Thắng là tới Ô Chợ Dừa. Đoạn ngã tư này thì có cái cửa hàng xe máy Kường Ngân rất lớn nên cũng dễ xác định, tôi đi qua đây mấy lần nhưng cảm giác ngồi sau và tự mình cầm lái là hoàn toàn khác nhau.

Khoảng hơn 1 giờ chiều thì tôi đi vào đến khu chợ Nam Đồng, tôi bắt đầu thấy đói, tôi đã đạp xe gần 6 tiếng với quãng đường sau này tôi đo bằng Counter-mettre xe máy chính xác là 38km và thêm 360m lẻ. Chợ giờ này vắng vì các sạp hàng nghỉ trưa nên khá yên ắng, tôi dừng xe trước cổng nhà mình và đẩy cánh cổng sắt dắt xe vào.

Cả nhà đang ăn trưa, mười mấy người đang quây quần ngồi ăn trưa bên hai mâm cơm. Em gái tôi ngồi ở phía trong nhìn ra thấy tôi dắt xe vào nó hét lên:

- Ơ! Anh N. ra kìa!!!

Cả nhà ngoái đầu ra nhìn, ai cũng ngạc nhiên giống như nhìn sinh vật ngoài Trái đất mới xuất hiện vậy. Tôi đứng đấy cười tít mắt, tôi đã hoàn thành mục tiêu đã đặt ra hơn hai năm trước, cảm giác thật tuyệt vời, ánh mắt ngạc nhiên của mọi người chính là phần thưởng tôi tự đeo lên ngực cho mình.

Cả nhà sau giây phút ngạc nhiên thì hầu đều đứng dậy ùa ra, nhìn tôi giống như muốn hỏi gì đấy.

- Con đi xe đạp ra hay gửi xe đạp đi cùng? - Bố tôi hỏi trước.

- Con đạp xe ra.

- Thật chứ?

- Vâng, bà Già biết mà! Nhưng con nói dối bà là đã gọi ra đây xin phép.

- Ôi rồi ôi! - Mẹ tôi lên tiếng than mà mặt thì như đang cười – Cái thằng này to gan thật đấy!

Cả nhà xúm xít quây quanh tôi hỏi, ai hỏi tôi cũng trả lời nhưng ngồi vào ăn cơm thì tôi kể lại đầu đuôi cho cả nhà cùng nghe, mọi người từ ngạc nhiên rồi tỏ ra khen ngợi nhưng bố mẹ tôi vẫn cứ phải chêm vào vài câu răn đe. Còn bà Trẻ tôi, ngay chiều hôm ấy đã kịp khoe với tất cả các bà các cô bán hàng ở gần sạp của bà là thằng cháu đích tôn mới tí tuổi đầu đã tự đạp xe từ quê ra đây một mình. Chính vì thế nhiều người ở khu nhà A2 đi theo lối qua cửa nhà tôi hoặc một số bà bán hàng ở chợ Nam Đồng sau này đều dành ít nhiều thiện cảm cho cái thằng bé ở nhà quê chỉ xuất hiện trong khu chợ vào mỗi mùa hè. Thật sự thì tôi muốn tự đi một mình là bởi vì tôi muốn thử xem mình có làm được không và làm được đến đâu, dĩ nhiên tôi cũng muốn mang cho mọi người trong gia đình mình một sự ngạc nhiên, song đây chỉ là lý do phụ.

Sau nhiều năm thì tôi mới nhận ra rằng, lá gan của mình bắt đầu lớn hơn từ chuyến đi ấy, thế giới tôi tự mình khám phá không còn chỉ là phố Hồ nhỏ bé ở quê nữa mà tôi đã tự đạp xe đến được Hà Nội, có thể tự do khám phá Hà Nội bằng chiếc xe đạp của mình khi mùa Hè chỉ mới vừa mới bắt đầu.