Trẻ con làng tôi hầu như đứa nào cũng có tiền, tuy không nhiều nhưng có đủ để mua kem mυ'ŧ hay kẹo nên trưa nào đi học về, cơm nước xong xuôi là tôi thấy văng vẳng tiếng kèn bóp kêu vang khắp đường làng ngõ xóm. Cái tiếng kèn với tiếng kêu đặc trưng KEMMMM MUUUUUÚTTTTT!, tôi từng phân vân có phải vì vậy mà trẻ con đã đặt tên món ăn như thế?
Những que kem mát lạnh màu xanh nhạt hoặc trắng đυ.c được lấy ra khỏi cái thùng xốp được bao bên trong một lớp gỗ màu tối, để trên ba-ga phía sau của chiếc xe đạp nam khung ngang. Chú bán kem với cái mũ cối và khăn mặt vắt ngang vai, làn da cháy nắng sẽ luôn lựa chỗ đông trẻ con chơi và bán được khá nhiều. Nhưng bây giờ gần Tết, trời lạnh nên chả ai người ta đi bán kem, có bán thì trẻ con chúng tôi cũng không ăn.
Chỉ còn chừng tháng nữa là đến Ông Công Ông Táo cho nên dịp này nhiều người đi thu mua đồng nát đổi bằng kẹo kéo hoặc trả tiền, nhiều nhà bỏ đồ cũ đi mua đồ mới, chủ yếu là nồi niêu xoong chảo, nhôm vụn và sắt. Nhưng tại sao người làng mình không đi bán kem, đi mua sắt vụn mà lại toàn người làng khác nhỉ?
Tôi hỏi những đứa bạn học cùng lớp về nghề nghiệp của bố mẹ chúng nó và biết được nhiều thứ hay hay mà trước đó tôi không quan tâm. Hóa ra mỗi làng sẽ làm một nghề đặc trưng vào lúc nông nhàn.
Có một làng chuyên đi hót phân trâu ở các nơi khác mang về làm phân bón lúa, có làng chỉ chuyên làm hàng sáo kiếm chênh lệch, có làng làm nghề vẽ tranh, có làng chuyên đi mua đồng nát các nơi...
Tôi đặc biệt hảo ngọt!
Tôi hỏi nhiều thông tin về cách làm kẹo kéo nhưng chúng nó cũng như tôi, chỉ biết ăn cái thứ kẹo làm từ mạch nha được kéo dài ra có màu vàng mật ong chứ không biết làm ra như thế nào nhưng quan trọng nhất chính là cái làng có làm kẹo kéo để bán ấy ở xã khác, với thằng bé lớp 5 thì sang xã khác là một chuyện lớn chứ không đùa, nếu có bố mẹ đi cùng thì chả có gì để nói, đằng này xã khác rất xa, tôi đoán như vậy, vì thế giới của tôi là ngôi làng của mình và đường đi học, tôi đi ké xe người khác nên không biết gì nhiều và không phải muốn đi đâu là đi.
Tôi sẽ đi tìm mua kẹo kéo!
Tôi hỏi bà Già, hỏi chị tôi, hỏi tất cả những ai tôi có thể hỏi về cách đi, thời gian đi đến đó như thế nào, dĩ nhiên tôi đủ khéo léo để không lộ ra ý định của mình. Tôi quyết định mình sẽ chọn cách đi bộ, đi bộ thì mệt nhưng là đường ngắn nhất, chỉ cần băng qua cánh đồng làng, qua con đê rồi một cánh đồng nữa là sẽ đến xã bên cạnh, ướm chừng khoảng 3km, tôi đoán vậy, tôi đã dùng bút vẽ ra giấy, dựa theo lời kể của mọi người rồi tính trung bình ra. Nếu bị lạc không sợ, sẽ tìm nơi nhiều người rồi nói ra nơi mình đến chắc chắn sẽ được chỉ bảo, một đứa bé ngoan và tỏ ra tội nghiệp có khi người lớn có sẽ chở về đến nhà. Nhưng tôi sẽ không lạc đường được, cứ căn hướng Mặt Trời mọc + khoảng thời gian trong ngày là sẽ tìm được nơi đến, xã ấy ở phía Bắc của làng tôi.
Chủ nhật, tôi dậy sớm như đi học và lấy lý do đi chơi chiều mới về, không quên mang theo chai nước, mấy cái bánh rán đường, một cái gậy tre và cái nón lá của bà rồi thẳng tiến hướng Bắc mà đi, xứ đồng ruộng này đâu chả có người, người ở đây nhiều như cây trên đồng rừng vậy, còn mẹ mìn thì tôi chưa bao giờ sợ.
Qua hết cánh đồng của làng là tới triền đê, tôi chả biết có phải là đê hay không nhưng nó đủ rộng để ô tô đi (sau tôi mới biết đấy là ranh giới hành chính giữa hai xã), tôi rẽ trái rồi đi theo con đường đất ấy, rồi tới một cái cống thủy lợi, băng qua, xắn quần lên rồi rẽ phải rồi đi thẳng men theo bờ ruộng, dép thì cầm trên tay, tiến về phía lũy tre phía xa.
Đặt chân vào làng khác tôi cũng sợ, nhỡ đâu đám trẻ con ở đây thấy tôi lạ mặt rồi bắt nạt thì sao? Phải tỏ ra bình thường giống như tôi ở làng này vậy, nếu bị hỏi sẽ lấy lý do ở Hà Nội về chơi cùng bố mẹ, thế là tôi quay lại đem giấu gậy và nón lá vào bụi tre, nước thì uống mấy ngụm, bánh mang theo ăn tạm 1 cái rồi dúi nốt phần còn lại vào cùng những thứ khác.
Thế là tôi cũng chả có gì khác biệt một đứa trẻ từ Hà Nội về với áo sơ mi, quần kaki màu da bò và đôi dép quai hậu dưới chân. Tôi đã tính kỹ rồi, nếu mặc quần đùi áo cộc thì dễ bị hỏi nhiều, tôi thông minh nhưng bọn khác chúng nó có ngu đâu.
Nhưng vấn đề nan giải là tôi không biết những nhà nào sẽ sản xuất kẹo kéo nên phải hỏi thăm, mà hỏi thăm sẽ phải có một cái tên nhưng tôi chả biết cái tên người nào. Ban đầu kế hoạch của tôi là đến được làng này của xã này đã, biết đâu nhiều nhà làm người ta treo biển hiệu thì dễ còn nếu không thấy sẽ phải tìm cách, phải đến nơi thì mới có cách được chứ.
Suy nghĩ hồi lâu tôi quyết định sẽ "thả con săn sắt, bắt con cá rô", tôi sẽ tìm quán bán hàng của người già hoặc quán phải vắng vì làng này xem ra nhộn nhịp và nhiều người lớn quá. Cuối cùng tôi cũng tìm được quán nước của một bà già đang ngồi vá áo ở trên chõng tre gần cái chợ. Tôi mua một chai nước Fanta rồi ngồi xuống ghế gỗ uống đàng hoàng, mua thêm cả kẹo lạc, rồi lại mua cả kẹo vừng ngồi ăn ngon lành. Uống hết nửa chai nước ngọt tôi mới đi vào đề.
- Bà ơi! Làng mình cái chú K. chuyên làm kẹo kéo bán ở gần đây phải không bà?
- Cháu hỏi ai?
Bà cụ tạm ngưng việc vá cái áo ngẩng đầu lên hỏi tôi.
- Cháu hỏi thăm chú K. làng mình chuyên môn làm kẹo kéo để bán ạ.
- K. à?
Bà cụ đăm chiêu một hồi rồi lắc đầu.
- Làng này nhiều người làm kẹo nhưng không có ai tên K. đâu cháu.
Nói rồi bà cụ lại tiếp tục công việc, dĩ nhiên, K. là tên bố tôi, bố tôi đang làm nghề khác ở Hà Nội thì sao mà ở đây làm kẹo kéo được, giả như trùng hợp thì lại may.
- Thế thì chết cháu rồi, sao lại không có nhỉ?
Tôi tỏ ra ngạc nhiên, vò đầu bứt tai.
- Thế cháu có nhầm với ai không?
- Dạ! Bố cháu dặn là đến gần cổng chợ chỗ này thì hỏi nhà chú K. kẹo kéo để lấy hàng, mọi lần bố cháu đến mà hôm nay phải đi ăn cỗ nên bảo cháu đi thay.
- Ở đây có đến 3 nhà làm, thế cháu có biết mặt chú ấy không?
- Cháu biết ạ! Hay là bà chỉ nhà nào làm giúp cháu với, phải đúng chú ấy thì tốt còn không chắc cháu về hỏi lại bố cháu xem sao?!
Tôi vừa nói vừa đứng lên lấy tiền trong túi ra, bà cụ cầm tiền, trả lại tiền thừa rồi chỉ cho tôi rất cặn kẽ đường đi và tên của từng người.
Địa chỉ thứ nhất tôi đến người ta mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi rồi hỏi tôi mua về làm gì, tôi trình bày xong họ bảo không bán cho trẻ con, tôi đành đến điểm kế tiếp.
Tôi đứng trước một ngôi nhà có cái cửa bằng gỗ, cổng quét ve màu vàng cùng màu với bức tường, tôi đứng trước cổng gọi tên chủ nhà, chó sủa inh ỏi. Cửa cổng mở ra, đứng trước tôi là một đứa con gái chắc cũng tầm tuổi tôi nhưng cao hơn tôi hẳn một cái đầu. Nó nhìn tôi từ đầu lên đến chân, từ chân lên đến đầu, tận 2 lượt, phía sau nó có tận 2 con chó.
- Bố tao không có nhà, mày là ai?
- Chị cho em hỏi chú Th. bao giờ về ạ?
- Tao không biết, chiều mày hãy quay lại.
- Dạ! Em cảm ơn chị!
Con gái con đứa mở miệng ra mày, tao với con trai là tôi không thích, ngay đám con gái ở trường cũng thế, tôi có gọi chúng nó là mày tao bao giờ đâu, toàn gọi tên rồi xưng "tớ" đàng hoàng nhẹ nhàng lịch sự. Tôi quay đi được mấy bước thì bị gọi lại.
- Này thằng kia!
- Dạ!
- Tao thấy mày lạ mặt lắm, mày không phải ở làng này đúng không?
- Dạ! Em ở xã bên cạnh chị ạ!
- Mày xã bên thì sang đây tìm bố tao có việc gì?
- Dạ! Em tới tìm chú Th. để hỏi mua kẹo kéo chị ơi!
- Bố tao không bán cho trẻ con, mày thích ăn thì chờ người đổi kẹo kéo mà mua.
- Em mua về để bán chị ạ, em muốn mua nhiều.
- Mua về bán á?
Con bé đó ngạc nhiên nhìn tôi rồi tiến tới.
- Nhìn mày ba cái tuổi ranh buôn bán cái gì, thèm ăn thì nói thèm ăn, mày bao nhiêu tuổi rồi?
- Em học lớp 5 ạ!
Con bé lại nhìn tôi từ đầu đến chân một lần, thế là tổng cộng ba lần.
- Thế mày có mang nhiều tiền không?
- Dạ! Tôi gãi đầu, cũng nhiều...
- Đâu tao xem!
Tôi chơi chần chừ, rồi lùi lại phía sau.
- Chị xem làm gì, em đi mua hàng dĩ nhiên là phải có tiền chứ!
- Được, vậy mày đi theo tao!
Tôi lưỡng lự đứng đấy, con này nó rủ mình đi đâu, nhỡ nó trấn lột tiền của mình thì sao?
- Đi! Mày không muốn mua à?
- Có! Có chứ!
Tôi đi theo nó vào sân nhà, nó dẫn tôi vào một căn bếp xây kiên cố, trên tường có nhiều vệt màu đen láng bóng, cái xà ngang tròn tròn bằng gỗ cao hơn đầu người lớn cũng bóng loáng giống như bôi mỡ.
- Mày muốn mua bao nhiêu?
Tôi đang đứng ngó nghiêng thì nó hỏi, tôi lại vò đầu.
- Em mua tầm chừng này!
Tôi dùng tay ra hiệu một vòng tròn tương đương cái nồi 10 bằng gang mà bà tôi hay nấu cơm mỗi ngày. Con bé hì hục một hồi trong cái đống hàng nhà nó rồi đưa cho tôi cái túi đựng kẹo.
- Của mày 15 nghìn!
Tôi trả tiền rồi ra về, nó đi theo ra đến cổng, tôi không quên cúi đầu cảm ơn, lần giao dịch đầu tiên trong đời của tôi diễn ra như vậy.
Tôi đã mua được kẹo kéo thật sự, trên đường về tôi rất hân hoan vì chiến tích của mình, mong muốn có cái xe đạp gần hơn bao giờ hết, tôi tưởng mình có thể chạm tay vào được cái xe ngay ngày mai vậy.
Tôi cứ như thế chân sáo trở về.
... Nhưng cái xe đạp không thuộc sở hữu của tôi dễ dàng như vậy...
Tôi còn phải gặp con bé kia thêm nhiều lần, nó học trên tôi một lớp nên tôi gọi bằng chị trong tất cả những lần giao dịch sau này. Nhưng nó đúng là một con bé láu cá, nó đã nói dối, khi nộp hồ sơ thi cấp 3, tôi vô tình gặp lại nó rồi lại học chung lớp, nó vẫn luôn xưng chị với tôi, nhưng nhờ vậy tôi biết được, nó bán trộm kẹo của bố nó cho tôi để lấy tiền mua búp bê, nó cũng không biết bán cho tôi chỗ kẹo ấy là đúng giá hay rẻ hoặc đắt. Bây giờ con bé láu cá ấy là bà chủ của một cửa hàng bán vật liệu xây dựng nơi quê nhà, lúc tôi viết đoạn này thì nó vẫn ở khu cách ly, làng nó đã có người chết vì covid. Khi biết tin trên báo tôi có gọi về hỏi thăm.
- Mày yên tâm, chị chỉ bị F1 thôi!
- Cố gắng nhé, ở chỗ tao cũng bắt đầu có F0 rồi, tao cũng đang lo vì đi suốt như này, lớ ngớ cũng F0 thì bỏ bu!
- Cái loại trời đánh thánh vật không chết như mày thì lo cái gì, có dịp về nhớ ghé chị.