Lúc 10 tuổi hoặc khi bạn học lớp 5, bạn có bao nhiêu tiền trong túi của mình vậy? Tôi hy vọng khi ấy các bạn có đủ để mua thứ các bạn thích.
Làng tôi ngoài vài đặc điểm chung như bao ngôi làng khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ khi ấy. Khi làng có cây đa cho trẻ con hay người lớn tụ tập mỗi chiều tạm dừng chân khi từ cánh đồng về làng, có bến nước để các cô giặt chiếu hoặc rửa nông sản sau khi thu hoạch, có ngôi đình cho các ông tụ họp bàn chuyện đại sự hay ngôi chùa cho các bà đi cầu khấn vào mỗi ngày rằm hay mùng một đầu tháng.
Nhưng làng tôi có vài đặc điểm khác biệt mà cả cái huyện này hay thậm chí cái tỉnh này không có, ấy là nhà gạch mái ngói đỏ tươi được xây san sát nhau nhưng trong đó chiếm gần phân nửa không có người ở, nhà kiên cố nhưng bỏ hoang. Trên những cái cổng nhà xây na ná nhau đều có ghi năm xây cất, phải có đến 80% các ngôi nhà trong làng được hoàn thành trong giai đoạn 1981 - 1989, giai đoạn đất nước còn nghèo khó khi mà phía Bắc đánh nhau với tàu, mạn tây nam quần nhau với Khmer Rouge.
Nhà này xây xong nhà hàng xóm cũng xây, rồi nhà hàng xóm của hàng xóm cũng cất nóc, rồi cả khu nhà nào cũng mái ngói đỏ tươi thay cho mái tranh hay mái rạ và tiến tới cả làng như một đại công trường. Ngôi nhà cũ của gia đình tôi cũng được xây theo trend ấy, nếu không xây sợ thua với hàng xóm mặc dù xây xong cũng bỏ hoang đến hơn 10 năm cho đến lúc tôi về ở. Tôi về làng dạo ấy có thể xem như hồi hương đợt 1, quãng cuối 1996 thì có đợt 2 với nhiều trẻ con hơn và đợt hồi hương cuối cùng là cuối 1997, đầu 1998. Ngôi làng trở lên đông vui hơn, đường ngõ xóm cũng nhiều tiếng người hơn vào mỗi tối khi trăng lên.
Nhưng toàn trẻ nhỏ hồi hương!
Và đặc điểm riêng của làng dần được định hình, ví dụ cả làng có 100 người thì trong đó có 36 người già, 56 trẻ em từ 6 -12 tuổi còn lại bao nhiêu là các thanh niên trai tráng, các chị thiếu nữ thì hơi hiếm nên một vài chị không xinh vẫn đắt chồng. Người làng tôi tuyển dâu chỉ cần nhanh nhẹn, khỏe mạnh, cần cù bù siêng năng là được, còn những tiêu chí khác không quan trọng vì lấy nhau về để đi làm ăn, xinh đẹp hay nết na không đẻ ra tiền được.
Làng tôi có nghề truyền thống bây giờ rất nổi tiếng mà tôi tin bất cứ người nào cũng phải ăn qua sản phẩm của làng mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn. Bởi vậy, con trai hay con gái 15 tuổi là nghỉ học theo cha mẹ đi làm ăn xa, ông bà với những đứa nhỏ sẽ ở quê, tiền cha mẹ gửi về đều đặn nên trẻ con làng tôi có vẻ dư giả hơn nhiều so với làng khác trong xã. Nhưng cũng chính vì từ nhỏ có tiền và người già không quản được cho nên những đứa học được hết cấp 2 rất ít, học hết cấp 3 lại càng ít và tốt nghiệp đại học là thứ xa xỉ. Tại sao phải tốn thời gian học để đi kiếm tiền trong khi có thể kiếm ra tiền ngay khi chỉ mới 15 tuổi và không cần học? Với những suy nghĩ đó, hơn 20 năm sau làng tôi tụt lại hẳn phía sau so với xung quanh, chỉ có những người làng định cư lại nơi đất khách không bị ảnh hưởng bởi trend gửi con về quê dạo ấy thì sau này con cái mới thoát được cảnh đầu tắt mặt tối. Hồi năm kia tôi hay tin một người cùng làng cũng sống ở Hòa Bình đã trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam và làng tôi chỉ được ghi là Nguyên quán trong câu chuyện của anh ấy.
Tôi hiểu được giá trị của việc đi học vì những điều như thế, học để kiếm tiền và kiếm tiền để học.
Hoàn cảnh gia đình tôi cũng nằm trong bối cảnh chung ấy, bố mẹ tôi gửi tiền đều đặn về cho hai bà cháu, tôi cũng có một phần ít nhiều trong số đó nhưng việc có tiền và có nhiều tiền thật sự là rất khác nhau.
Bạn cùng trang lứa đều có xe đạp mới coóng sang chảnh, những đứa bố mẹ làm nông ở quê thì xe cà tàng hơn, xe đạp của chúng nó kiêm xe thồ và mùa gặt lúa mà.
Tôi không có xe đạp!
Hay đúng hơn là tôi chưa biết đi xe đạp bởi thế nhu cầu về xe đạp không lớn lắm. Khi còn ở Hòa Bình mấy năm đi học toàn băng đồi hay chui rào nhà hàng xóm để đi học nên tôi không có khái niệm về loại xe này, trường tôi các bạn cũng thế cả. Nhưng bây giờ đi học phải qua bên xã, làng tôi có trường mới rất khang trang nhưng chỉ dạy đến lớp 4 do lớp 5 không đủ học sinh, cả làng chỉ có 6 đứa học lớp 5! việc có xe đạp cũng cấp thiết do quãng đường đến lớp lòng vòng cũng gần 3km một chiều chứ không phải gần.
Gần hai tháng qua chị tôi chở đi học, đôi khi được mấy đứa khác đèo, tôi thấy mọi thứ bình thường cho đến khi con bé lớp phó mà tôi thích tỏ ra coi thường con trai không biết đạp xe, có vẻ như việc sở hữu và biết đi xe thể hiện chất nam tính đầy thu hút vậy. Tôi không phải tuýp người thích thể hiện hay đúng hơn là không có gì để thể hiện. Tôi thấp bé, không đẹp trai và nếu là học giỏi lúc này thì cũng chỉ ngang ngang mấy đứa cán sự mà thôi, nhưng dù sao, bị đứa mình thích coi thường cũng là động lực để tập đi xe.
Mượn chiếc xe đã từng gãy càng vào ngày đầu tiên nhập học của chị họ, tôi miệt mài tập trong một buổi chiều, cứ ngồi ở khung giữa của xe với cái chân phải nhấp pê đan cạch cạch, mãi đến tối thì tôi cũng chạy được những đoạn dài đầu tiên chừng 10m.
Và rồi tôi cũng biết đi xe đạp.
Thi thoảng tôi vẫn buồn cười nếu thấy cảnh một đứa nhóc đi xe đạp của người lớn, một chân đạp pê đan này còn chân kia móc pê đan còn lại cho vòng quay kế tiếp.
Muốn có xe đạp thì bố mẹ tôi sẽ mua nhưng nếu muốn mua xe theo ý thích của mình tôi sẽ phải có tiền! Tôi có thể bớt ăn kem, bớt mua kẹo kéo, bớt ăn kẹo mυ'ŧ, bớt uống Fanta nhưng mua xe đạp cần nhiều tiền và nhịn ăn có vẻ không dễ dàng gì mà tiết kiệm cũng chả được bao nhiêu, bao giờ mới có nhiều tiền được.
Chị Ma từng nói chị ta rất giàu, tôi đã từng nghĩ đến việc đào cây mít lên để lấy vàng đi mua xe đạp nhưng với sức vóc của tôi e là chỉ đáp ứng được việc đào khoai lang hay khoai tây ngoài ruộng mà thôi.
Và như vậy, tôi vẫn đi ké xe đạp của chị H. và bắt đầu tiết kiệm, tôi không mua Fanta nữa và chuyển sang uống nước vối của bà Già, bà tôi thì rất mừng vì sau bao lần giảng dạy cuối cùng đứa cháu của mình đã hiểu, đã từ bỏ nước ngọt và uống nước tốt cho sức khỏe. Bà không bao giờ biết được tôi vẫn thèm thứ nước màu vàng trong chai thủy tinh ở quán nước đầu làng đến nhỏ dãi.
Một tối cuối năm, sắp đến Tết dương lịch trời đổ mưa rất to và mất điện. Cái đài cassette vì vậy cũng không còn phát ra tiếng nói, tôi có thể dùng pin nhưng với thói quen để dành chỉ dùng khi thật cần thiết nên tôi cứ đi ra rồi lại đi vào, bà Già đã đi ngủ từ lâu, tiếng thở đều đều tôi có thể cảm nhận được.
Trời vẫn cứ mưa mãi không thôi, thoảng hoặc có tiếng sấm vọng về từ phía xa. Tôi ngồi dựa lưng vào bên cửa nhà suy nghĩ mông lung về cuộc sống buồn tẻ và cô đơn, ý nghĩ về Hà Nội với ánh đèn hay xe cộ nhộn nhịp chợt lóe trong tôi, giờ này bố mẹ tôi, các em tôi, bà Trẻ tôi hẳn đang làm gì đấy, có thể là đang ăn cơm tối, đang xem tivi hoặc đơn giản là quây quần bên nhau ...
Cảm giác cô đơn thật đáng sợ.
Tôi cố nén những tiếng thở dài đầy chán nản, thời gian lặng lẽ trôi đi ...
Chớp giật làm trời lóe sáng liên tiếp mấy lần, thứ ánh sáng trắng xé toạc màn đêm ấy làm tôi giật mình vì tôi thấy bóng người đội nón lá đứng ở phía cổng nhà gần mấy cây chuối và bụi mây gai.
Bóng người đứng một hồi lâu...
Tôi cũng tạm ngưng thở hồi lâu...
Tôi cảm thấy thời gian như ngưng đọng...
Tim tôi đập trở lại, đập rất mạnh khi bóng người đội nón lá ấy bước về hướng tôi.
Chớp lại lóe lên kéo theo tiếng sấm nổ đì đùng, trời mưa đổ thêm mưa.