Ngày xưa, có nhà họ Lê có một cô gái nhan sắc xinh đẹp. Không những thế, nàng còn văn hay chữ tốt, lại thạo đủ các nghề. Những cô gái đẹp trong vùng khó có cô nào ăn đứt. Khi nàng đã đến tuổi lấy chồng, có nhiều chàng trai hoặc con quan, hoặc con nhà giàu, hoặc tú cử đến cầu hôn, nhưng ông già họ Lê đều từ chối. Ông nói với mọi người: - "Con gái tôi không muốn làm bà quan, cũng không thích làm bà phú hộ. Nó chỉ muốn lấy một người chồng có nghề cầm tay mà nghề đó phải tinh thuần không ai hơn mới được. Nếu không thế thì chả nên đến làm gì cho mất công!".
Tin kén rể bay ra, những tài năng bốn phương tấp nập đến xin ra mắt, nhưng chả một ai làm cho ông già họ Lê vừa ý. Người ta chỉ thấy ông than vãn sau mỗi lần thử sức: - "Tài năng trong thiên hạ thực hiếm lắm thay!".
Một hôm, trong buổi sáng ông tiếp luôn một lúc ba chàng trẻ tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai. Sau khi nghe họ trình bày tên tuổi, nghề nghiệp, ông già mới biết đó là ba nhân tài quê ở ba nơi, tình cờ gặp nhau tại đây. Một người tự xưng bắn giỏi có thể bắn bất cứ một vật gì dù khó đến đâu, và dù xa bao nhiêu. Một người tự xưng lặn giỏi có thể sống dưới nước hàng tuần mà không sợ nguy hiểm, có thể tìm thấy những vật nhỏ bé ở dưới đại dương. Còn người thứ ba thì tự xưng là một thầy thuốc lành nghề, có thể cải tử hoàn sinh bất kỳ một con bệnh nào,kể cả những con bệnh vừa tắt thở.
Ông già Lê rất vui mừng, vội dắt người thứ nhất ra sân, trỏ một cây thông cao chót vót ở bờ giậu mà bảo:
- Tôi sẽ cho người nhà trèo lên ngọn cây đánh dấu vôi vào một cái lá, ngài cố gắng bắn thế nào cho lá đó rụng xuống trước mặt chúng ta, lúc đó tôi mới tin là thực tài.
Nghe nói thế, anh chàng không hề từ chối, vội chuẩn bị cung nỏ. Quả nhiên, chỉ một mũi tên văng ra, ngọn lá thông có dấu vôi rơi xuống trước con mắt kinh ngạc của mọi người.
Khi thử tài người thứ hai, ông già họ Lê dẫn chàng ra bờ biển trước nhà. Đoạn, ông đưa cho xem một chiếc nhẫn và nói:
- Bây giờ tôi cho một người chèo thuyền ra khơi, thả chiếc nhẫn này xuống nước, ngài cứ theo hướng đó tìm hộ đưa về đây cho mọi người trông thấy.
Anh chàng chẳng nói chẳng rằng cởϊ áσ nhảy ngay xuống biển và chỉ giập bã trầu là chàng đã nổi lên khỏi mặt nước với một vẻ đắc thắng, giơ chiếc nhẫn cho mọi người xem.
Để thử người thứ ba, họ lại đem nhau ra chợ. Chỉ vào một người ăn mày đang sắp sửa nhắm mắt tắt hơi, ông già bảo chàng hãy cố chữa cho người đó sống lại.
Người ta thấy anh chàng cúi xuống bắt mạch rồi bỏ đi. Đến một bụi cây, anh rẽ vào kiếm các thứ lá đem về sắc lên, đổ vào miệng người ăn mày. Không mấy chốc, người ăn mày đã ngồi dậy đòi ăn, y như sau một giấc ngủ dài mê mệt vừa tỉnh.
Thấy cả ba người đều thiện nghệ, ông già họ Lê bối rối không biết nên gả con gái cho ai. Ông mới bảo họ:
- Cả ba vị quả có chân tài, con gái tôi mà được sánh duyên thật là một điều may mắn. Nhưng ngặt vì "thuyền quyên có một mà anh hùng lại ba", biết làm thế nào bây giờ? Thôi thì chúng ta ra miếu thành hoàng làm lễ, gieo quẻ để hỏi ý. Nếu quẻ chỉ nhằm người nào thì xin để cho "tiện nữ" về với người đó.
Ba người bằng lòng, cùng ra miếu thành hoàng. Nhưng trong lúc làm lễ, bỗng có người nhà hốt hoảng chạy tới báo tin cô gái đang cuốc cỏ ở ruộng bỗng bị chim đại bàng cắp tha đi mất. Nghe nói thế, tất cả mọi người đều bỏ cuộc lễ chạy ù ra đồng thì đã thấy đại bàng đang bay thẳng ra biển. Anh chàng bắn giỏi vội lắp tên vào cung, bắn luôn một phát. Không đợi đến phát thứ hai, đại bàng đã bị trúng tên gãy cánh lặn xuống nước, mang theo cả cô gái xuống luôn. Thấy thế, chàng giỏi lặn lập tức nhảy ngay xuống cứu. Chàng lặn một mạch đến chỗ chim rơi và cuối cùng đưa được cô gái lên bờ. Nhưng bây giờ cô gái chỉ là một cái xác không hồn, bụng trương phềnh những nước. Đến lượt nhà danh y giở tài của mình, tìm thuốc chữa cho cô gái. Chỉ một chốc, nàng đã nôn ra bao nhiêu là nước và hồi tỉnh lại.
Bấy giờ ba chàng cầu hôn tranh nhau kể công lao của họ vơi cha con ông già họ Lê. Người thứ nhất nói:
- Nếu không có tôi bắn con quái vật thì chưa chắc đã tìm thấy dấu vết của nàng. Vậy nên gả nàng cho tôi.
Người thứ hai cãi lại:
- Hãy khoan đã, nếu không có tôi vớt nàng lên thì dù có bắn giỏi thế nào đi nữa cũng thật là vô ích.
Người thứ ba cũng tiếp luôn:
- Nhưng nếu không có công tôi cải tử hoàn sinh thì dù các anh có cứu được cũng chỉ cứu một cái xác thôi. Vậy tôi xứng đáng được kết duyên với nàng mới phải.
Cả ba người không ai chịu ai. Ông già họ Lê và những người được chứng kiến đều lấy làm bối rối, không biết nên trả lời thế nào. Cuối cùng họ dắt nhau lên quan để nhờ phân xử.
Sau bao nhiêu ngày suy nghĩ, quan cho đòi ba chàng cùng với hai cha con ông già tới công đường. Trước mặt họ, quan phán bảo:
- Trong việc cứu cô gái này, cả ba người đều có công lao ngang nhau, nếu thiếu một người cũng khó mà thành. Nhưng anh thầy thuốc, anh không thể kể công như thế được. Không phải cứ cứu chữa lành cho người ra là đòi lấy người ta làm vợ. Đối với anh, người được cứu sống phải coi như ân nhân chứ không bắt buộc phải coi như chồng. Còn anh thợ bắn, nếu anh biết rằng không có một người nào sẽ lặn ra cứu cô gái thì việc làm của anh chỉ có tính chất báo thù chứ không thể gọi là cứu vớt. Tất nhiên, anh bắn trúng chim chứ không bắn trúng người là có dụng ý tốt. Nhưng gϊếŧ chết chim mà không nghĩ rằng người cũng rơi xuống nước thì dụng ý đó của anh hãy còn thiếu sót. Vậy đối với anh, cô gái này cũng chỉ coi như một vị ân nhân. Còn anh giỏi lặn, anh là một trong những người cứu cô gái, mà công việc cứu vớt lại bắt buộc anh phải ôm cô gái trong tay suốt buổi. Sách xưa có nói rằng trừ vợ chồng ra, thì "nam nữ thụ thụ bất thân". Bây giờ anh đã lỡ gần gũi cô gái đó thì hai người phải được kết duyên với nhau mới là hợp lẽ. Tuy nhiên, đối với các ân nhân, hai vợ chồng phải nhận họ làm anh em kết nghĩa.
Nghe quan phân xử có tình có lý, mọi người đều vui vẻ tuân lời. Ba chàng trai kết nghĩa trở thành anh em thân mật hơn ruột thịt. Còn chàng lặn giỏi kết duyên cùng cô gái nọ. Lễ cưới cử hành rất linh đình, có cả hai chàng kia cùng dự