Hôm Nay Tôi Đi Gặp Tình Nhân Của Chồng

Chương 2

2.

Năm tôi quen lão Ngô, tôi là bác sĩ trong bệnh viện còn lão là thợ điện, chúng tôi làm ở cùng một nhà máy. Có lần nhà máy tổ chức một trận bóng rổ, vì lãnh đạo tới thăm nên chỉ cần vị bác sĩ, hộ lí mới đến nào rảnh rang là phải bị “sung công” tuốt, đương nhiên lão Ngô cũng nằm trong số đó, nhưng lão là người chơi, còn tôi là khán giả.

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hôm đó lão mặc bộ đồ hải quân, chân đi đôi ủng cao su, cả người mướt mát mồ hôi, vừa chỉ huy trận đấu vừa chuyền và dẫn bóng, phóng khoáng mà tự nhiên. Thành thực mà nói, khi ấy lão thực sự rất tuấn tú.

Sau trận bóng đó, lão tìm được tôi, bảo, không hiểu sao lão luôn để ý đến chiếc váy hoa của tôi lúc đấu bóng, về sau cũng không tài nào quên nổi.

Tôi xấu hổ mắng lão là lưu manh, không tập trung chơi bóng mà trong lòng còn nghĩ chuyện linh tinh.

Nghe xong, lão vẫn cười rất vui vẻ.

Thời đó chúng tôi làm gì có điện thoại, chỉ có thể hỏi thăm nhau bằng từng lá thư tình. Chữ lão Ngô rất đẹp, lá nào lão cũng viết rất nghiêm túc, tôi vẫn còn giữ những bức thư ấy cho tới tận bây giờ, không dám vứt đi. Đó là thời thanh xuân của tôi, là những kí ức đẹp đẽ còn sót lại của thời thiếu nữ.

Trong thư, lão từng nói: “Anh rất thích chiếc váy hoa của em, trông như những chú bướm đang nhẹ nhàng nhảy múa vậy.”

Lão cũng từng nói về sau sẽ mua nhiều thật nhiều váy cho tôi, lão nói tôi bận váy trông rất đẹp, rất sang trọng, nhưng đã nhiều năm nay lão không cùng tôi đi dạo phố và mua quần áo.

Nhắc tới lại thấy thú vị, khi ấy tôi còn trẻ, cảm thấy không nên nói chuyện lão Ngô với cả nhà quá sớm, nhưng bố mẹ lại thấy tôi đã lớn, đã đến tuổi lập gia đình nên giúp tôi tác hợp, tìm người xem mắt. Thế mà hôm ấy người đến lại chính là lão Ngô.

Tôi vẫn còn nhớ như in, hôm ấy tôi cầm tín vật là tờ báo nhân dân, đứng cạnh đài phun nước ở công viên. Đột nhiên lão Ngô ôm tôi từ phía sau, cợt nhả nói bên tai: “Trùng hợp thật, em cũng đi xem mắt à.” Lúc ấy tôi ngượng ngùng và bất an vô cùng.

Nói đến đây, tôi cảm thấy hơi khát nên dừng lại, cầm ly nước lên uống một ngụm. Tôi nhìn cô ả, hỏi vì sao hai người lại quen nhau.

Câu hỏi đột ngột của tôi khiến Diệp Văn hơi ngập ngừng, ả vén tóc, đáp: “Chúng tôi quen nhau qua chuyện làm ăn, năm đó công ty ra sản phẩm mới, lão Ngô vừa khéo là người đại diện thu mua.”

“Người đại diện thu mua? Vậy là đã mấy năm rồi cơ à, không ngờ lão lại giấu được lâu như vậy.”

Tôi còn chưa nói hết lời, Diệp Văn đã nghẹn ngào đứng lên, nắm chặt lấy tay tôi và nói: “Tất cả đều là lỗi của tôi, xin chị đừng trách lão Ngô, là tôi có lỗi với chị.”

Tôi lạnh lùng nhìn Diệp Văn, không hất tay ả ra mà còn nắm chặt hơn, ngắm nghía một lúc lâu rồi mới nói: “Đồng hồ trông đẹp ghê, chắc đắt lắm nhỉ? Cô biết không, lúc tôi với lão Ngô kết hôn, nghèo đến nỗi không mua nổi nhẫn kim cương mà chỉ có hai chiếc đồng hồ đeo tay, ấy vậy mà lão phải dành dụm mấy tháng mới mua được đấy.”

Nghe tôi nói xong, Diệp Văn vội vàng rút tay về, sau đó ngẩng đầu ngơ ngác nhìn tôi, không dám ho he một tiếng