Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 54: Giai nhân ốm, đoán số lầu xanh, danh sĩ khờ dâng thơ quán đĩ

Sính Nương đang ngủ với Trần Tứ, mơ thấy Trần Tứ đã được làm tri phủ Hàng Châu, lúc tỉnh dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời đã sáng. Sính Nương dậy rửa mặt chải đầu. Trần cũng dậy. Mụ dầu vào phòng hỏi thăm sức khỏe. Đang lúc ăn điểm tâm thì Kim Tu Nghĩa vào đòi Trần Tứ cho mình uống rượu mừng, Trần Tứ nói:

- Hôm nay tôi phải lên phủ Quốc Công, ngày mai tôi sẽ trở lại và đãi anh một bữa.

Kim Tu Nghĩa bước vào phòng thấy Sính Nương vẫn chải đầu chưa xong. Bộ tóc mây đen nhánh buông thõng đến đất. Kim Tu Nghĩa nói:

- Chúc mừng cháu Sính Nương hôm nay được một người khách quý. Kìa! Đến bây giờ cháu vẫn còn tô điểm chưa xong kia à! Thế này thì càng ngày lại càng lười biếng rồi.

Nói xong quay lại hỏi Trần Tứ:

- Ngày mai lúc nào ông trở lại đây? Tôi sẽ thổi sáo và bảo Sính Nương hát vài khúc cho ông nghe. Trong tất cả các chị em ở mười sáu lầu này không ai hát bài "Thanh bình điệu" của Lý Bạch hay bằng Sính Nương cả.

Trong khi Kim Tu Nghĩa nói thì Sính Nương lấy khăn tay lau bụi trên mũ Trần Tứ và dặn:

- Chiều mai thế nào anh cũng phải đến, đừng để em đợi đấy!

Trần Tứ gật đầu về nhà với hai người hầu. Vì không còn tiền nữa Tứ viết một cái thư khác sai người đưa đến phủ Quốc công nhờ Từ công tử thứ chín ở phủ Từ quốc công cho mượn hai trăm lạng nữa. Một lát sau, người đầy tớ trở về báo:

- Ông Chín gửi lời thăm ông, ông ta vừa ở Bắc Kinh đến phủ Quốc Công. Ông Ba được bổ làm tri phủ Chương Châu tỉnh Phúc Kiến. Trong ngày mai, ông Chín sẽ đến thăm ông rồi sẽ cùng đi Phúc Kiến để giúp việc cho ông Ba. Còn số tiền thì ngày mai ông Chín sẽ mang lại, nhân tiện để từ biệt ông một thể.

- Nếu ông Ba đã về thì ta phải đến thăm trước.

Nói xong Trần lập tức lên kiệu, mang theo người hầu đến phủ Quốc Công. Khi người giữ cổng vào bảo, một người quản gia ra nói:

- Ông Ba và ông Chín đều đi ăn tiệc ở Mộc Phủ. Nếu ông có danh thϊếp, tôi xin đưa lại.

- Tôi cũng không có việc gì nói, chỉ đến hầu thăm ông Ba thôi.

Nói xong, Trần trở về nhà. Hôm sau hai công tử đến nhà Trần để từ biệt. Họ xuống kiệu ở ngoài cửa, Trần ra tiếp, đưa vào ngồi trong nhà khách ở bên bờ sông. Công tử thứ Ba nói:

- Đã lâu lắm chúng ta không gặp nhau. Nay trông em lại đẹp trai hơn trước . Khi cô mất đi thì anh ở Bắc Kinh không thể đến điếu. Mấy năm nay, chắc học vấn của em lại càng sâu rộng hơn trước.

- Mẹ em mất đi đến nay đã hơn ba năm. Vì em rất phục học vấn của em Chín nên em đến Nam Kinh để mong được học tập. Nay em anh lại được bổ nhiệm đến Phúc Kiến, cả em Chín cùng đi theo, em không biết nhờ vào ai.

Công tử thứ chín nói:

- Nếu anh không ngại gì xin anh cùng đi với em. Đường xa đi đông cho đỡ buồn.

- Em cũng muốn cùng đi lắm, nhưng trong nhà còn ít việc vặt chưa thu xếp xong, phải đợi hai ba tháng sau mới có thể đến Phúc Kiến được.

Công tử thứ chín bảo người nhà mang vào một cái hộp trong đó có hai trăm lạng bạc, đưa cho Trần Công tử thứ ba nói:

- Anh đợi em đến nha môn. Ở đấy có nhiều việc cần em giúp đỡ, thế nào em cũng đến giúp anh.

Uống trà xong, hai người cáo từ ra về. Trần cũng lên kiệu đến phủ Quốc Công. Trần tiễn hai người đến tận thuyền rồi cáo từ về nhà.

Bấy giờ Kim Tu Nghĩa đang ngồi đợi ở nhà liền theo Trần Tứ đến Lâu Lai Tân. Hai người bước vào phòng ngủ; thấy Sính Nương vẻ mặt xanh xao. Kim Tu Nghĩa nói:

- Mấy lâu nay cháu không được gặp ông Trần nên đau tim.

Mụ dầu đứng bên cạnh nói:

- Cháu nó được nương chiều từ lúc còn bé, khi nào cháu nó buồn bực việc gì thì bệnh đau tim lại phát ra. Hai hôm nay ông không đến, cháu nói rằng ông ghét cháu, nên bệnh lại phát.

Sính Nương nhìn thấy Trần Tứ, hai hàng nước mắt rưng rưng không nói được một tiếng. Trần Tứ nói:

- Em đau ở đâu? Muốn chữa bệnh này thì làm thế nào? Trước đây khi bệnh này phát ra thì uống thuốc gì?

Mụ dầu nói:

- Trước đây cháu mắc bệnh này, cháu thường không chịu uống một tí nước trà nào. Thầy thuốc có cho đơn; nhưng cháu chê thuốc đắng không chịu uống. Tôi phải nấu nhân sâm cho uống từng thìa một; như thế dần dần mới khỏi được.

Trần Tứ nói:

- Tôi có tiền đây. Tôi sẽ đưa năm mươi lạng bạc để bà mua nhân sâm cho nàng dùng. Sau này mua được thứ nhân sâm tốt tôi sẽ đưa lại.

Sính Nương nghe vậy dựa lưng vào gối thêu, quấn chăn xung quanh mình; mặc một áσ ɭóŧ màu đỏ, thở dài một cái và nói:

- Khi nào bệnh này phát ra, không hiểu tại sao trong lòng em thấy rờn rợn.

Thầy thuốc bảo em nếu uống nhân sâm thôi thì hư hỏa càng mạnh. Vì vậy em phải dùng nhân sâm với hoàng liên. Như vậy đêm mới chợp mắt được. Nếu không thì mắt cứ mở thao láo mãi đến sáng.

Trần nói:

- Cái đó cũng dễ. Ngày mai anh sẽ đưa hoàng liên đến cho em.

Kim Tu Nghĩa nói:

- Ông Tứ ở trong phủ Quốc Công, nhân sâm và hoàng liên đáng giá là bao Sính Nương cứ tha hồ mà dùng.

Sính Nương nói:

- Em không hiểu tại sao trong lòng em thấy rờn rợn, cứ nhắm mắt là nằm mơ lung tung. Ngay cả ban ngày cũng còn sợ.

Kim Tu Nghĩa nói:

- Đó là vì con người cô yếu đuối cho nên không chịu đựng được sự khó nhọc không chịu được điều phiền muộn!

Mụ dầu nói:

- Hay là có xúc phạm đến vị thần nào chăng? Phải nhờ một nhà sư đến giải hạn cho mới được.

Vừa lúc ấy bên ngoài có tiếng mõ. Mụ dầu chạy ra thấy sư cô Bản Tuệ trong am Diên Thọ đến để xin gạo hàng tháng. Mụ dầu nói:

- Ối chào! Sư cô đây rồi. Hai tháng nay không gặp. Mấy lâu nay sư cô ở trong chùa lễ Phật có bận lắm không?

- Không giấu gì bà, năm nay gặp lúc không may. Tôi có một cô tiểu hai mươi tuổi, vừa mất tháng trước. Đến cả lễ Quan âm cũng chưa làm được. Người dâu của bà như thế nào?

- Cứ nay khỏe, mai lại đau. May có ông Trần ở phủ Thái Bình chăm sóc cho. Ông Trần là anh em họ với Từ công tử trong phủ Quốc Công, thường hay đến nhà tôi. Nay bệnh của cháu lại phát ra. Mời sư cô vào xem.

Sư cô đi theo phòng. Mụ dầu nói:

- Đây là ông Trần Tứ ở phủ Quốc Công.

Sư cô chào và hỏi thăm. Kim Tu Nghĩa nói:

- Ông Tứ! Sư cô đây là một người rất có đạo đức.

Sau khi chào Trần Tứ, sư cô đến giường nhìn Sính Nương. Kim Tu Nghĩa nói:

- Chúng tôi vừa bàn đến việc lễ giải hạn. Nay không gì bằng mời sư cô cùng giúp.

- Tôi không biết việc lễ giải hạn nhưng để tôi xem sắc mặt như thế nào.

Và bước vào ngồi bên giường. Sính Nương vốn biết sư cô. Nàng vừa cất đầu lên nhìn, thấy cái mặt vàng, cái đầu trọc, đột nhiên nhớ đến sư cô ở trong giấc chiêm bao lại càng hoảng sợ, liền kêu lên một tiếng: "Xin lỗi" lấy chăn trùm lên đầu nằm xuống. Sư cô nói:

- Xem cô có vẻ mệt, tôi xin ra. Sư cô chào mọi người ra khỏi phòng. Mụ dầu đem gạo hàng tháng cho sư cô. Sư cô tay cầm mõ, tay phải cầm túi gạo đi ra.

Trần Tứ về nhà trọ đưa cho người nhà một ít tiền bảo đi mua nhân sâm và hoàng liên. Bà cụ Đổng là chủ nhà chống gậy ra hỏi:

- Ông Tứ, người ông mạnh khỏe như vậy thì mua nhân sâm và hoàng liên làm gì? Tôi nghe nói độ này ông chơi bời ở ngoài. Tôi là chủ nhà, lại là một người già cho nên không muốn nói với ông. Nhưng người xưa đã nói: "Cả một chiếc thuyền đầy vàng cũng không trả được cái nợ yên hoa". Những người đàn bà như thế không phải là người tốt gì đâu. Khi nào ông hết tiền thì người ta quay đít lại với ông ngay thôi. Năm nay tôi đã bảy mươi tuổi. Ngày ngày tôi tụng kinh, niệm Phật, có Quan Âm Bồ Tát chứng giám tôi nỡ nào giương mắt nhìn ông lại bị lừa như thế.

- Cụ nói phải lắm, tôi biết hết cả rồi. Nhân sâm và hoàng liên này là phủ Quốc Công nhờ tôi mua đấy!

Vì sợ cụ Đổng nói thêm nên Trần Tứ nói tránh:

- Tôi cũng sợ chúng nó mua những thứ không tốt, tôi phải thân hành đi mua mới được.

Bèn đi đến hiệu thuốc, sai người nhà mua nửa cân nhân sâm, nửa cân hoàng liên và bọc như giấu vàng, đem đến lầu Lai Tân. Vừa bước vào lầu thì nghe thấy tiếng đàn tam huyền ở trong. Mụ dầu đã nhờ một người mù đoán số cho Sính Nương. Trần Tứ đem nhân sâm, hoàng liên đưa vào cho mụ dầu và cùng ngồi nghe đoán số. Thầy số nói:

- Năm nay cô mười bảy. Nhưng lại gặp phải một điều không hay, phạm phải ngôi sao "kế đô" 1 làm cô bực bội không yên. Nhưng việc này không lo ngại gì. Tôi xin nói thẳng, cung bản mệnh của cô nương phạm vào "sao hoa cái" 2 bây giờ cô phải thờ một vị Phật thì mới khỏe được. Sau này cô sẽ lấy chồng quan, sẽ đội mũ phượng và làm bà lớn.

Nói xong người kia cầm đàn tam huyền vừa đánh vừa hát rồi đứng dậy đi ra. Mụ dầu mời uống trà, đưa ra một đĩa kẹo, một đĩa táo đặt lên bàn, cùng ngồi.

Người đầy tớ gái rót trà. Trần hỏi:

- Ông ở Nam Kinh làm ăn ra sao?

Người mù nói:

- Nói làm gì việc ấy! Chẳng bằng mọi năm. Mọi năm chỉ có những người mù chúng tôi làm thầy bói thôi. Nhưng dạo này những người mắt sáng cũng làm thầy bói, cướp mất nghề của chúng tôi. Cách đây hai mươi năm, ở Nam Kinh có ông Trần Hòa Phủ. Ông ta ở xa đến, nhưng vừa đến Nam Kinh thì các cụ lớn tranh nhau nhờ đoán số. Nay ông ta đã chết; có một người con trai lấy con gái người láng giềng của tôi. Ngày nào anh ta cũng cãi nhau với bố vợ, làm cho xung quanh hàng xóm không thể ở yên được. Bây giờ tôi về nhà thế nào cũng nghe hắn cãi cọ thôi.

Nói xong, y đứng dậy cảm ơn rồi ra về. Người kia về nhà đi đến vườn Đông Hoa, vào một con đường nhỏ thì quả nhiên nghe thấy tiếng con trai Trần Hòa Phủ đang cãi nhau với bố vợ. Ông bố vợ nói:

- Ngày nào anh cũng đi bói, anh kiếm được mấy mươi đồng tiền thì đem mua thịt thủ lợn, bánh ngọt ăn hết, không đưa về nhà lấy một đồng. Anh tưởng tôi nuôi vợ cho anh phải không? Ừ! Nó là con gái của tôi, cái đó còn có lí, nhưng tại sao tiền thịt lợn anh không trả lại cứ hỏi tôi? Tại sao anh lại cứ ầm ĩ suốt ngày? Số tôi sao mà đen như thế?

- Nếu thầy ăn cái thủ lợn ấy thì phải trả tiền chứ?

- Thằng này láo, nếu tao ăn thì tao trả tiền. Nhưng chính mày ăn cơ mà!

- Giả thử con đã trả tiền cho thầy rồi, thầy đem tiền đi thì thầy phải trả tiền chứ.

- Đồ chó! Mày mắc nợ người ta, sao lại bảo tao tiêu tiền của mày?

- Nếu như con lợn không đầu thì người ta đến hỏi tiền con làm gì?

Nghe anh ta nói liều lĩnh như thế, ông bố vợ bèn cầm một cái gậy mà đánh... Người mù lại can. Ông bố vợ giận run lên, nói:

- Ông ơi! Nó không phải là cái thứ người. Tôi bảo nó thì nó quay lại nói hỗn với tôi. Như thế ai mà không tức!

- Con có hỗn láo gì đâu? Con không uống rượu, không đánh bạc, cũng không chơi gái, mỗi ngày ngoài lúc bói lại đọc một quyển thơ. Như thế thì có gì là bậy?

- Mày không lo nuôi vợ lại bắt tao phải nuôi, mày làm khổ tao.

- Thầy không muốn gả con gái cho con thì thầy cứ đem về nhà.

Bố vợ mắng:

- Đồ súc sinh! Tao đem nó về để làm gì!

- Thầy đem về gả cho người khác cũng được.

Ông bố vợ giận quá nói:

- Thằng chết toi này! Trừ khi mày chết đi hay đi tu thì mới làm được thế chứ!

- Chết thì con chưa chết đâu, nhưng ngày mai thì con đi tu.

Ông bố vợ tức giận quá nói:

- Ừ, mai mày cứ đi tu.

Người mù nghe một hồi lâu thấy hai người nói toàn là chuyện nhảm nhí, nên cũng không can ngăn gì nữa, lần đường về nhà.

Hôm sau con trai của Trần Hòa Phủ đem bán mũ của mình đi cạo trọc đầu mua một cái mũ hòa thượng rồi đến trước mặt bố vợ chắp tay chào nói:

- Thưa cụ, bần tăng đến đây để xin từ biệt.

Bố vợ thấy vậy, nước mắt chảy ròng ròng, trách người con rể một hồi, nhưng biết sự việc đã rồi, không làm sao được nữa bèn bảo con rể viết một tờ giấy li hôn và để con gái cùng sống với mình.

Từ đấy Trần hòa thượng không bận bịu về việc vợ con, ngày nào cũng có thịt ăn. Mỗi ngày bói được tiền, lại đem mua thịt. Ăn no nê rồi y lên cầu Văn Đức ngồi trước bàn bói chữ để đọc thơ rất ung dung. Được nửa năm như vậy, một hôm, đang đọc sách thì có một người bói chữ là Đinh Ngôn Chí đến. Thấy Trần đang đọc sách, người kia hỏi:

- Ông mua quyển sách này bao giờ?

- Mới mua được ba bốn hôm nay thôi. - Đây là những bài thơ xướng họa ở hồ Oanh Đậu. Năm ấy công tử Hồ Tam có hẹn với Triệu Tuyết Trai. Cảnh Lan Giang, Dương Chấp Trung, cùng các vị danh sĩ Khuông Siêu Nhân, Mã Thuần Thượng họp nhau ở hồ Oanh Dậu, chia vần làm thơ. Tôi còn nhớ ông Triệu Tuyết Trai chọn được vần "bát tề". Ông xem câu mở đầu:

Hồ tựa diều Oanh 3 bóng xế chiều

Chỉ một câu ấy, chủ đề của bài đã nổi bật. Những câu sau, câu nào cũng gắn liền với chủ đề, ta thấy rõ không thể đem gán nó vào đề mục của cuộc hội họp nào khác.

Trần hòa thượng nói:

- Ông nói như vậy không đúng! Đáng lí ông phải hỏi tôi mới phải. Công tử Hồ Tam không phải là chủ trong cuộc họp mặt ở hồ Oanh Đậu. Buổi tiệc này do hai công tử ở Lâu Phủ, ông Ba và ông Tư làm chủ. Thầy tôi ngày xưa chơi rất thân với hai công tử ở Lâu Phủ. Lúc bấy giờ họp nhau ở hồ Oanh Đậu có ông Dương Chấp Trung, thầy tôi, ông Quyền Vật Dụng, Ông Ngưu Bố Y, ông Cừ Dật Phu, ông Trương Thiết Tý, hai công tử. Lại còn có con trai ông Dương Chấp Trung, cộng lại tất cả là chín người. Thầy tôi nói với tôi, tôi không nhớ hay sao. Ông biết làm sao được?

- Cứ theo như ý ông thì những bài thơ này của Triệu Tuyết Trai, Cảnh Lan Giang đều do người khác làm chăng? Ông cứ nghĩ xem ông có làm được không?

- Ông nói như vậy lại càng vô lí nữa. Ông Triệu Tuyết Trai của ông và những người khác làm thơ ở Tây Hồ chứ không phải ở Oanh Đậu.

- Ông không thấy rõ ràng bài thơ nói "Hồ tựa diều Oanh bóng xế chiều!" như thế không phải là cuộc họp ở hồ Oanh Dậu sao?

- Đây là tập thơ tuyển tập của các vị danh sĩ. Cứ xem ông Mã Thuần Thượng thì biết. Ông ta thường không làm thơ, nhưng tại sao ở đây lại có một bài của ông ta?

- Ông nói như người ngủ mê vậy! Ông Mã Thuần Thượng và ông Cừ Dật Phu làm không biết bao nhiêu là thơ, ông làm sao mà biết được!

- Ừ, dù cho tôi chưa được xem chăng nữa, còn ông thì ông xem rồi. Nhưng ông không biết rằng trong cuộc họp ở hồ Oanh Đậu không có ai làm thơ hết. Không biết ông nghe chuyện này ở đâu rồi đến đây cãi liều với tôi.

- Tôi không tin! Làm gì có chuyện những người danh sĩ nổi tiếng gặp nhau lại không làm thơ! Có lẽ ông thân sinh ông chưa chắc đã đến họp ở hồ Oanh Đậu. Nếu ông ta có ở buổi họp đó thì ông ta đã là một vị danh sĩ rồi. Và, nếu như thế, thì tôi sợ ông không phải là con ông Trần đâu.

Trần hòa thượng nóng tiết nói:

- Ông nói nhảm! Trong thiên hạ có ai nhận người khác làm cha bao giờ.

- Trần Tư Nguyễn! Mày muốn làm dăm ba câu thơ thì mày cứ làm, nhưng mày không được mạo nhận là con ông Trần Hòa Phủ được!

Trần hòa thượng nổi giận:

- Đinh Ngôn Chí! Mày là thứ "con nhà chùa thì quét lá đa". Mày đi đi! Học lỏm được mấy bài thơ của ông Triệu Tuyết Trai rồi cũng học đòi bàn bạc về các danh sĩ được à!

Đinh Ngôn Chí nhảy chồm lên nói:

- Tao nói đến các danh sĩ đấy đã can gì? Cái hạng mày nhất định không thể là một danh sĩ được!

Hai người nóng tiết nắm lấy cổ áo nhau, bắt đầu đánh nhau. Đinh cứ nhằm cái đầu trọc của Trần mà nện thật đau, lôi Trần đến cầu, Trần hòa thượng mắt hoa lên, lôi Đinh xuống sông. Đinh Ngôn Chí mạnh hơn, đạp Trần một cái. Trần lăn xuống chân cầu, vừa nằm vừa la.

Vừa lúc ấy, Trần Tứ đến. Thấy một vị hòa thượng nằm lăn dưới đất, không còn ra hình thù gì nữa, Trần đỡ dậy và hỏi:

- Tại sao thế?

Trần hòa thượng nhận ra được Trần Tứ liền chỉ lên trên cầu và nói:

- Cái thằng Đinh Ngôn Chí ngu dốt kia, nó đến nói với tôi rằng cuộc họp ở hồ Oanh Đậu là do Hồ Tam công tử mời. Tôi cắt nghĩa cho nó nghe nó vẫn cứ khăng khăng cố cãi kì được. Nó lại nói ông Trần Hòa Phủ không phải là cha tôi! Ông xem còn trời đất nào nữa.

- Việc này có gì quan trọng đâu mà phải mắng nhau như thế. Thực ra ông Đinh Ngôn Chí không nên nói ông Trần mạo nhận cha. Nói như vậy là có lỗi.

Đinh Ngôn Chí nói:

- Ông Trần, ông không biết đâu. Có lẽ nào tôi lại không biết anh ta là con ông Trần Hòa Phủ? Nhưng anh ta cứ làm ra vẻ một nhà danh sĩ thực là khó coi?

Trần Tứ cười, nói:

- Hai ông đều là cùng hội cùng thuyền với nhau, tại sao lại đối đãi với nhau như thế? Nếu ông Trần Tư Nguyễn làm danh sĩ thì những ông Ngu bác sĩ hay Trang Thiệu Quang sẽ làm cái gì? Thôi mời hai ông cùng tôi vào quán uống trà rồi dàn hòa với nhau đi, không nên cãi cọ nữa.

Trần Tứ kéo hai người vào một quán gần cầu uống trà, Trần hòa thượng nói:

- Tôi nghe nói người anh em họ ông có mời ông đi Phúc Kiến, tại sao đến nay ông vẫn chưa đi?

- Chính vì vậy tôi đến đây để nhờ ông bói đấy. Khi nào thì nên đi?

Đinh Ngôn Chí nói:

- Thưa ông, cái nghề bói chữ của chúng tôi là cái nghề bịp người ta để kiếm ăn. Ông cứ chọn ngày để đi, không cần bói nữa.

Trần hòa thượng nói:

- Đã nửa năm nay tôi không được gặp ông. Ngày thứ hai sau khi tôi đi tu, tôi có làm một bài thơ về việc cạo đầu đi tu, có đưa đến nhà ông, để nhờ ông chỉ giáo. Nhưng ông Đổng là chủ nhà nói rằng ông đi chơi. Mấy lâu nay ông ở đâu? Tại sao không thấy người hầu đâu cả mà đi chơi một mình như vậy?

- Cô Sính Nương ở lầu Lai Tân thích thơ của tôi cho nên mời tôi đến chơi.

Đinh Ngôn Chí nói:

- Một người con gái ở thanh lâu mà cũng biết yêu tài, cái đó thực hết sức phong nhã.

Và quay lại nói với Trần hòa thượng:

- Đấy ông xem! Họ là đàn bà mà biết xem thơ. Như vậy, những người danh sĩ gặp nhau ở hồ Oanh Đậu lại không làm thơ sao được!

Trần Tứ nói:

- Ông Trần Tứ Nguyễn nói không sai đâu. Ông Lâu Ngọc Đình là bác của tôi, ông ta rất thân với ông Dương Chấp Trung và ông Quyền Vật Dụng. Những người này đều nổi tiếng hay thơ.

Trần hòa thượng hỏi:

- Tôi nghe nói ông Quyền Vật Dụng về sau có phạm lỗi gì, không biết kết quả ra sao?

Trần Tứ nói:

- Ông ta bị mấy người tú tài vu khống. Nhưng sau quan xét ra thì không có việc gì.

Nói chuyện một lát, Trần hòa thượng và Đinh Ngôn Chí đều cáo từ ra về.

Trần Tứ trả tiền xong, một mình đến lầu Lai Tân. Bước vào cửa thấy mụ dầu cùng với một người bán hoa xâu những vành hoa quế. Thấy Trần Tứ, mụ dầu nói:

- Ông Trần, mời ông ngồi.

- Tôi phải lên lầu để thăm cô Sính Nương.

- Hôm nay cháu không ở nhà, cháu đi lầu Khinh Yên, có bữa tiệc ở đấy.

- Tôi đến đây để từ biệt. Nay mai tôi sẽ đi Phúc Kiến.

- Ông đi ngay ư? Sau này ông có trở về không?

Đang nói chuyện thì người đầy tớ gái bưng trà lên. Trần đỡ lấy chén trà, nhưng chỉ uống một ít lại đặt chén xuống vì trà nguội. Mụ dầu hỏi:

- Tại sao mày không nấu trà mới?

Và bỏ hoa quế đấy, mụ đi vào nhà trong mắng tên kiếm gái.

Trần Tứ thấy mụ ta lạnh nhạt với mình nên đi ra. Đi được vài bước thì gặp ngay một người, người kia reo lên:

- Ông Trần! Ông phải giữ lời hứa chứ? Tại sao ông bắt tôi tìm ông suốt một ngày như thế?

- Hiệu ông là một hiệu lớn chuyên bán nhân sâm, có mấy mươi lạng bạc mà ông phải lo như vậy? Tôi sẽ trả tiền cho ông ngay.

- Tôi không thấy mặt hai người đầy tớ của ông đâu cả. Đến nhà ông trọ chỉ thấy bà chủ nhà là cụ Đổng. Ông bảo tôi nói gì với bà cụ già ấy.

- Ông đừng sợ, "trốn hòa thượng không trốn được chùa". Thế nào tôi cũng trả tiền cho ông. Ngày mai ông đến nhà tôi.

- Ngày mai thế nào ông cũng phải ở nhà. Ông đừng bắt tôi phải chạy đi tìm ông nữa đấy nhé.

Nói xong người chủ hiệu đi về. Trần Tứ về nhà nghĩ bụng:

- Mình bây giờ nguy rồi. Đầy tớ thì bỏ trốn, mụ dầu thì không cho vào nhà, tiền bạc thì hết sạch, nợ nần thì chồng chất. Ta phải cuốn gói đi ngay Phúc Kiến mới được.

Và giấu bà cụ Đổng, Trần Tứ đi thẳng. Hôm sau chủ hiệu nhân sâm đến từ sáng sớm, ngồi mãi chẳng thấy bóng ma nào ra. Có tiếng kẹt cửa, một người bước vào, phe phẩy một cái quạt giấy trắng, người bán nhân sâm hỏi:

- Ông là ai?

- Tôi là Đinh Ngôn Chí, tôi mới làm một bài thơ đem đến đây nhờ ông Trần chỉ giáo.

- Tôi cũng đang đợi ông ta.

Lại ngồi một hồi lâu không thấy ai ra, người bán nhân sâm gõ cửa. Bà cụ Đổng chống gậy đi ra, hỏi:

- Ông đến đây tìm ai?

- Tôi đến đòi nợ ông Trần.

- Ông Trần phải không? Hiện nay chắc ông ta đã đến chùa Quan Âm.

Người bán nhân sâm kinh ngạc hỏi:

- Như vậy ông ta có để tiền lại cho cụ không?

- Ông nói gì lạ vậy? Tiền nhà của tôi ông ấy còn quịt nữa là! Từ khi chết mê chết mệt với con đĩ ở lầu Lai Tân thì ông ta lừa dối hết mọi người để kiếm tiền. Ông còn tưởng ông ta trả lại cho ông mấy lạng bạc sao?

Người bán nhân sâm nghe vậy như người câm nằm mơ thấy mẹ nói không ra tiếng, giẫm chân đành đạch. Đình Ngôn Chí nói:

- Ông không nên nóng ruột như vậy. Nếu ông làm thế cũng vô ích. Ông cứ trở về đi. Ông Trần là học trò, không có lẽ ông ta lại lừa ông. Thế nào ông ta cũng trả nợ ông.

Người kia giẫm chân một hồi. Không biết làm thế nào, đành phải trở về.

Đinh Ngôn Chí phe phẩy cái quạt đi ra, nghĩ bụng:

Đàn bà cũng biết xem thơ sao? Ta chưa từng đến "mười sáu lầu" bao giờ, nay bói toán được ít tiền, ta đến đấy xem sao.

Chủ ý đã định; Đinh về nhà mang một quyển thơ, mặc một bộ đồ đã hơi cũ, đội một cái mũ vuông rồi đến lâu Lai Tân. Tên kiếm gái thấy y có vẻ ngốc bèn hỏi y đến để làm gì. Đinh Ngôn Chí nói:

- Ta đến đây cùng cô nương của anh nói chuyện thơ.

- Nếu vậy thì phải cho tiền vào cửa.

Tên kiếm gái đưa ra một cái cân màu vàng. Đinh Ngôn Chí đưa ra một gói tất cả là hai lạng bốn mươi lăm phân.

Người kia nói:

- Còn thiếu năm mươi lăm phân nữa.

- Để ta gặp cô nương đã rồi ta đưa tiền.

Đinh Ngôn Chí bước lên lầu thấy Sính Nương đang học đánh cờ. Đinh Ngôn Chí tiến đến vái dài một cái. Sính Nương cố nhịn cười, mời ngồi, hỏi y đến có việc gì. Đinh Ngôn Chí nói:

- Lâu nay nghe tiếng cô thích thơ, tôi có mấy bài thơ, muốn nhờ cô chỉ giáo.

- Trong nhà tôi có lệ không đọc thơ suông, ông phải cho tiền tôi mới đọc.

Đinh Ngôn Chí sờ vào thắt lưng mãi, chỉ còn hai mươi đồng tiền đồng. Y đặt trên bàn, Sính Nương cười rộ:

- Mấy đồng tiền này thì đưa đến cho bọn kiếm gái ở ngõ Phong Gia ở Nghi Trưng, chứ đừng có làm bẩn bàn của ta. Mau mau đem tiền về nhà mua mấy cái bánh nướng mà ăn.

Đinh Ngôn Chí thẹn đỏ mặt cúi đầu cầm quyển thơ nhét vào tay áo lặng lẽ xuống lầu về nhà.

Tên kiếm gái nghe Sính Nương đòi tiền chàng ngốc, bèn bước lên lầu hỏi Sính Nương:

- Thằng ngốc ấy cho mày mấy lạng? Mày đưa cho tao, tao muốn mua một ít vải đoạn.

- Thằng ngốc ấy làm gì có tiền! Nó chỉ có hai mươi đồng tiền, cố nhiên là tôi không nhận. Bị tôi cười, nó đã bỏ đi rồi.

- Mày khéo nói dối lắm. Mày kiếm được một thằng ngốc đã không lấy được tiền của nó lại đuổi nó đi. Mày tưởng ta tin mày sao? Mày kiếm được biết bao nhiêu tiền thưởng của khách thế mà mày chẳng cho tao đồng nào hết!

- Tôi kiếm cho nhà anh biết bao nhiêu tiền, tại sao anh lại đối đãi với tôi như vậy? Mai đây tôi sẽ lấy một ông quan, làm một bà lớn. Tại sao anh lại để thằng ngốc ấy bước lên lầu. Tôi không mắng anh đã là may rồi, anh lại còn dám mắng tôi như vậy à?

Tên kiếm gái giận quá, bước đến tát một cái, Sính Nương ngã lăn xuống đất bứt tóc, bứt tai kêu khóc:

- Tôi làm gì mà anh đối xử với tôi thế này. Nhà anh có nhiều tiền, anh có thể lấy một người khác. Anh để tôi đi đâu kệ xác tôi.

Và chẳng để ai nói năng gì nữa, Sính Nương vừa mắng mụ dầu vừa la khóc om sòm; rồi định lấy dao để cắt cổ và lấy dây để tự tử. Có bao nhiêu tóc đều cắt hết.

Mụ dầu sợ quá bảo tên kiếm gái đến khuyên giải mãi nhưng Sính Nương cũng không nghe làm rầm lên. Họ không biết làm thế nào đành phải để Sính Nương đến am Diên Thọ cạo trọc đầu làm đồ đệ của ni cô Bản Tuệ. Chỉ nhân phen này khiến cho:

Phong lưu mây tản, hiền hào tài sắc hóa thành không

Củi hết lửa truyền 4 đang chợ thợ thuyền nhiều kẻ lịch.

Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.