Hòa thượng nghe bà già nói như vậy liền quỳ xuống dưới đất khóc. Bà già nói:
- Tôi cứu sư phụ sao được? Nhưng tôi có thể chỉ đường để sư phụ đi tìm một người.
Hòa thượng nói:
- Mô phật! Bà bảo tôi tìm ai bây giờ? Nói để cho tôi đi!
- Cách đây một dặm có một cái gò núi gọi là Minh Nguyệt Lĩnh, theo con đường ở sau nhà tôi thì đi gần được một quãng. Trên đỉnh gò có một người trẻ tuổi đang tập bắn ná. Sư phụ đừng hỏi gì ông ta hết, cứ quì ở trước mặt. Đợi khi ông ta hỏi, sư phụ sẽ nói cho ông ta hay. Chỉ có người này mới có thể cứu được. Sư phụ đi mau nhờ ông ấy. Nếu như ông ấy cũng không cứu nổi thì tính mạng của tôi cũng nguy đến nơi vì hôm nay tôi đã nói việc này ra.
Hòa thượng nghe vậy, run cầm cập, cảm ơn bà già, mang hồ lô đầy rượu theo con đường gồ ghề đằng sau nhà, víu dây leo mà đi. Quả nhiên đi được một dặm; thấy một hòn núi nhỏ. Trên hòn núi có một chàng tuổi trẻ đang tập bắn ná. Ở cửa hang để một hòn đá trắng to chỉ bằng đồng tiền. Chàng ngắm nghía cẩn thận, bắn phát nào là trúng phát ấy. Hòa thượng đến trước mặt, thấy chàng đầu đội khăn võ sĩ, mình mặc áo chiến bào màu xám, mặt trắng, hình dung tuấn tú. Chàng tuổi trẻ đang say sưa tập bắn. Hòa thượng đến gần quì trước mặt. Chàng đang định hỏi thì thấy một đoàn chim sẻ bay qua thung lũng. Chàng tuổi trẻ nói:
- Hãy đợi tôi bắn rơi con chim sẻ kia.
Và giờ cái ná lên, con chim đã rơi đạnh xuống đất.
Nhìn thấy hòa thượng nước mắt rưng rưng đang quì trước mặt, chàng tuổi trẻ nói:
- Sư phụ! Xin sư phụ đứng dậy ngay cho! Tôi đã hiểu ý của sư phụ rồi. Tôi tập bắn ở đây chính là vì việc ấy. Nhưng vì mới học được có chín phần còn một phần nữa chưa đạt, tôi sợ còn có chỗ sơ hở nên chưa dám ra tay. Nay sư phụ đã đến đây, tôi không làm không được. Chắc là nó đã đến ngày tận số. Thưa sư phụ! Sư phụ không nên dùng dằng ở đây, hãy mau mau mang hồ rượu về am. Vẻ mặt nhất thiết không được tỏ ra lo sợ, lại càng không được tỏ ra đau buồn. Sư phụ về đấy, nó bảo làm gì thì cứ làm, không được mảy may trái ý nó. Rồi tôi sẽ đến cứu.
Hòa thượng không biết nói gì, mang hồ rượu theo đường cũ về đến am. Đến gian nhà thứ hai, thấy tên sư hung ác kia đang chễm chệ ngồi trên giường, tay cầm một con dao sáng loáng. Hắn hỏi hòa thượng:
- Mày đi đâu mà bây giờ mới về?
- Bần tăng lạc đường, cho nên về chậm.
- Được! Quì ngay xuống đây!
Hòa thượng quì xuống. Tên ác tăng nói:
- Quì gần đây!
Thấy ngọn dao lấp loáng trong tay hắn, hòa thượng không dám đến gần. Ác tăng nói:
- Mày không đến gần, tao chẻ đôi đầu mày đi bây giờ!
Hòa thượng quì xích lại gần. Tên ác tăng nói:
- Mày cất mũ đi!
Hòa thượng rơi nước mắt, cất mũ. Tên ác tăng lấy tay nắn cái đầu trọc của hòa thượng, dốc ngược hồ rượu uống một hơi, rồi tay trái cầm hồ rượu, tay phải cầm con dao sáng quắc, hắn nhắm dao vào chính giữa đầu. Hòa thượng lúc bấy giờ chưa đợi dao rơi xuống thì hồn đã bay đi đằng nào rồi.
Tên ác tăng nhắm đúng giữa đầu, chỗ có não. Hắn tưởng rút dao ra là não cũng phọt theo ra và cùng uống nóng với rượu. Ý định như vậy, hắn cầm dao nhắm đầu hòa thượng mà bổ xuống. Không ngờ lưỡi dao chưa chạm đến đầu hòa thượng thì nghe vù một tiếng, một hòn đá từ ngoài cửa bay đúng vào mắt trái của tên ác tăng. Hắn kinh hoảng buông dao, buông cả rượu, đưa tay lên bưng mắt bên trái nhảy ra gian nhà ngoài. Thấy ở trên đầu Già Lam bồ tát có một người ngồi đấy. Tên ác tăng ngẩng đầu lên lại bị một phát đạn thứ hai bắn mù cả hai mắt. Hắn ngã vật xuống. Người tuổi trẻ nhảy xuống đi vào gian nhà trước mặt thì thấy hòa thượng sợ quá đã ngã lăn ra đất. Người tuổi trẻ kia gọi:
- Sư phụ! Mau mau chạy đi!
Hòa thượng nói:
- Tôi sợ bủn rủn cả người rồi, không đứng dậy được nữa. Người tuổi trẻ nói:
- Cụ đứng lên tôi cõng cụ chạy!
Người tuổi trẻ bèn vực hòa thượng dậy, cõng lên vai, vội vàng ra cửa am, chạy một mạch bốn mươi dặm. Y đặt hòa thượng xuống và nói:
- May quá, sư phụ vừa thoát khỏi một cái nạn lớn từ nay tiền đồ may mắn không có gì đáng ngại.
Hòa thượng bấy giờ mới tỉnh hồn, quì ở dưới đất bái tạ mà hỏi:
- Cho biết ân nhân tên họ là gì?
Người tuổi trẻ nói:
- Tôi chẳng qua muốn trừ một cái hại chứ không phải là có ý cứu sư phụ. Nay sư phụ đã thoát xin đi ngay, hỏi họ tên tôi làm gì?
Hòa thượng lại hỏi nhưng người kia vẫn không chịu nói. Hòa thượng đành phải phủ phục lạy chín lạy và nói:
- Xin từ biệt ân nhân, và nguyền báo ơn cho đến chết! Lạy xong lên đường.
Người tuổi trẻ thấy mình đã mệt bèn tìm một cái quán ở bên đường vào ngồi, thấy ở trong quán có một người ngồi, ở trước mặt để một cái hộp. Người kia đầu đội khăn tang, mình mặc áo tang, chân đi dép gai, hình dung buồn bã, khoé mắt còn dính lệ. Người tuổi trẻ đến vái một vái rồi ngồi trước mặt.
Người kia mỉm cười nói: - Thế giới thái bình vô sự thế này mà anh lại bắn mù mắt người ta rồi vào quán ngồi điềm nhiên như không thế à?
Người tuổi trẻ hỏi:
- Làm sao mà ông biết? Ông ở đâu đến thế?
- Tôi nói đùa đấy thôi! Trừ những bọn ác, cứu những người thiện đó và việc hết sức quí. Ông họ tên là gì?
- Tôi họ Tiêu tên là Thái tự là Vân Tiên, ở Đông Sơn cách phủ Thành Đô hơn hai mươi dặm.
Người kia kinh ngạc nói:
- Ở Đông Sơn, cách Thành Đô hai mươi dặm có ông Tiêu Hạo Hiên, ông ấy có phải cùng họ với ông không?
- Đó là cha tôi. Tại sao ông biết?
- Chính là phụ thân của ông à? Người kia bèn nói họ tên của mình và duyên do tại sao đi Tứ Xuyên:
- Ở huyện Đồng Quan tôi có gặp ông huyện Vưu, ông ta có gửi một bức thư cho cụ nhà ta. Nhưng tôi nóng ruột tìm cha, nên chưa thể đến được, tôi cũng biết vị Hòa thượng mà ông vừa cứu. Bây giờ tôi lại được gặp ông, thật là duyên trời đun đủi. Tôi thấy ông anh hùng xứng đáng là con ông Hạo Hiên. Thực đáng phục! Đáng phục!
Tiêu Vân Tiên nói:
- Ông đã tìm được phụ thân rồi, tại sao không cùng ở đó, lại đến đây một mình làm gì?
Quách nghe vậy, khóc mà rằng: - Không may thân sinh tôi đã qua đời rồi! Hài cốt của cha tôi hiện để ở trong cái hộp này! Tôi vốn người Hồ Quảng, nay tôi về quê nhà để mai táng.
Tiêu Vân Tiên nghe nói rơi nước mắt mà rằng: - Thật là đau xót! Nhưng may nắm được gặp ông, không biết tôi có thể mời ông về nhà gặp phụ thân được không?
- Đáng lý tôi phải đến nơi bái yết. Nhưng nay tôi mang hài cốt của phụ thân, thật là không tiện. Hơn nữa tôi đang nôn nóng về quê. Xin ông thưa lại với cụ nhà, sau này, nếu có lúc nào tiện, tôi sẽ xin đến thăm.
Quách bèn lấy bức thư của Vưu ở trong hành lý ra đưa cho Tiêu Vãn Tiên. Quách lại lấy ra một trăm đồng tiền gọi chủ quán mua ba đấu rượu, cắt hai cân thịt và một ít rau, bảo đem nấu để cùng Tiêu Vân Tiên ăn. Quách nói với Tiêu:
- Tôi với anh mới gặp nhau mà như là bạn cũ, đó là việc rất khó thấy trong đời người. Vả chăng, tôi từ Thiểm Tây lại đây mang thư đến cho cụ nhà, lại càng khác xa kẻ sơ giao. Việc anh vừa làm thật là một việc hiếm có trên đời. Nhưng tôi có một lời khuyên không biết có thể nói được chăng?
- Tôi là người niên thiếu, mong các bậc cha anh chỉ giáo. Có điều gì lại không nên?
- Mạo hiểm quên mình, đó là việc làm của người hiệp khách. Nhưng ngày nay không còn như thời Xuân Thu, Chiến Quốc là lúc những việc kia có thể làm nổi danh, mà đã là lúc bốn bể một nhà. Kinh Kha, Nhϊếp Chính 2 sống bây giờ cũng chỉ là một thằng giặc. Anh tài mạo, võ nghệ như thế, lại có can đảm nghĩa khí thì nên ra giúp triều đình. Rồi đây ra biên cương, một đao, một thương tung hoành, nhờ vậy vợ sẽ được phong, con sẽ được tập ấm lưu danh sử sách. Không giấu gì anh, từ nhỏ tôi có học qua vũ nghệ, nhưng gặp cảnh cha tôi khốn khổ, nên lưu lạc gian nan mấy mươi năm trời. Nay tôi đã già, không làm nên trò trống gì nữa! Anh còn tuổi trẻ sức dồi dào, không nên để nó lần nữa qua ngày. Xin anh nhớ lấy lời của thằng già này!
- Tôi nay được lời dạy bảo của tiên sinh thực như luồng gió quét hết mấy mù lại thấy mặt trời, tôi xin vô cùng cảm tạ.
Hai người nói chuyện. Sáng hôm sau, trả tiền xong, Tiêu tiễn Quách ngoài hai mươi dặm, đến ngã ba đường gạt lệ chia tay.
Tiêu Vân Tiên về đến nhà, hỏi thăm sức khỏe của cha và đưa bức thư của Vưu cho cha xem. Tiêu Hạo Hiên nói:
- Ông bạn già và ta cách nhau đã hai mươi năm nay, không biết tin tức của nhau. Nay ông ta làm quan đắc ý cũng mừng cho ông ta.
Lại nói:
Quách Hiếu Tử võ nghệ tinh thông, từ nhở danh tiếng cũng ngang với ta. Đáng tiếc ngày nay hai người đến già. Nay ông ta đưa hài cốt phụ thân về nhà mai táng cũng là làm được một điều bình sinh ông ta mong mỏi.
Tiêu Vân Tiên ở nhà hầu hạ cha được nửa năm. Ở miền biên cương Tùng Phiên xảy ra việc xích mích giữa người Hán và người Phiên, do việc buôn bán không công bằng. Người Phiên tính tình dữ tợn, không biết pháp luật nhà vua nên mang dao, gậy, khí giới xông vào đánh. Lính bắn cung đến cứu đều bị gϊếŧ hoặc bị thương. Quân Phiên đánh chiếm lấy thành Thanh Phong. Tuần Vũ đem việc này phi báo về kinh. Triều đình nổi giận, sai Thiếu Bảo Bình Trị làm đô đốc quét sạch bọn phiến loạn để nêu rõ sự trừng phạt của triều đình. Thiếu Bảo Bình Trị được tháng chỉ, ra ngay khỏi kinh đô, đem quân ra đóng ở Tùng Phiên. Tiêu Hạo Hiên nghe việc ấy gọi Tiêu Vân Tiên đến mà rằng:
- Ta nghe Bình Thiếu Bảo xuất quân, hiện nay đóng quân ở Tùng Phiên, muốn chinh phục bọn Phiên. Thiếu Bảo với ta là chỗ quen biết cũ. Lúc này chính là lúc kẻ hảo hán có dịp ra tay.
- Cha đã già, con không dám đi xa!
- Con nói như thế không được! Ta nay tuy già nhưng trong người không có bệnh tật gì; ăn được, ngủ được, cần gì phải có người săn sóc bên cạnh! Nếu con lấy cớ ấy không đi tức là tham việc yên vui, ở nhà quyến luyến vợ con, đó là bất hiếu. Từ nay đừng có nhìn mặt ta nữa!
Mấy lời ấy làm cho Vân Tiên nói không ra lời đành phải từ biệt cha mang hành lý đi đầu quân. Trên đường đi không cần phải nói.
Hôm ấy, Vân Tiên đi còn cách Tùng Phiên hơn một trạm đường, nhân đi từ sáng sớm nên đã được mười dặm, trời vẫn chưa sáng. Tiêu Vân Tiên vai mang hành lý, chân đang bước nhanh thì nghe đằng sau có tiếng chân người, Vân Tiên vội vàng nhảy ra một bên, quay lại nhìn. Thì ra một người cầm cái côn ngắn, đang xông đến đánh. Nhưng y đã bị Tiêu đá cho một cái ngã lăn xuống đất. Tiêu Vân Tiên giật lấy cái gậy ngắn nhằm đánh vào đầu người kia. Người kia ở dưới đất kêu:
- Xin ông nể mặt sư phụ tôi mà tha cho tôi.
Tiêu Vân Tiên dừng tay hỏi:
- Sư phụ mày là ai?
Lúc bấy giờ trời đã sáng. Vân Tiên thấy người kia trạc hơn ba mươi tuổi, mình mặc áo chẽn, chân đi dép gai, trên cằm lún phún râu. Người kia nói"
- Tôi họ Mộc tên Nại, là đồ đệ của ông Quách Hiếu Tử. Tiêu Vân Tiên dựng y dậy hỏi căn vặn. Mộc Nại mới kể lại mình làm một tên cướp đường như thế nào cho đến khi gặp Quách Hiếu Tử và thành học trò của Quách. Tiêu Vân Tiên nói:
- Ta biết sư phụ của anh. Bây giờ anh đi đâu? Mộc Nại nói:
- Nay Bình Thiếu Bảo đang ở Tùng Phiên chiêu tập quân sĩ đánh Phiên, tôi muốn đến đó đầu quân. Nhưng vì đi đường hết tiền nên mới đắc tội với bậc huynh trưởng. Xin ông tha tội cho!
Tiêu Vân Tiên nói: - Nếu vậy, thì ta cũng đang đi đầu quân đây. Chúng ta cùng đi có được không?
Mộc Nại mừng quá, nhận làm người hộ vệ cho Vân Tiên rồi cùng đến Tùng Phiên nộp giấy đầu quân ở dinh trung quân.
Thiếu Bảo sai hỏi căn vặn lai lịch, biết Vân Tiên là con Tiêu Hạo Hiên liền để ở dưới trướng cho làm chức Thiên tổng để đánh giặc. Còn Mộc Nại được thưởng một suất lương và đợi lệnh điều động.
Mấy ngày sau, lương thực các nơi đều đã đưa đến. Thiếu Bảo ra lệnh cho các tướng lĩnh đến viên môn nhận lệnh. Tiêu Vân Tiên đến sớm thấy hai vị đô đốc đang đứng ở đấy. Tiêu hỏi thăm sức khỏe rồi ngồi bên cạnh.
Một vị đô đốc nói: - Hôm trước, Mã tổng trấn xuất binh, bị quân Phiên ở thành Thanh Phong dùng kế đào hố làm cho cả người lẫn ngựa đều sa xuống hố. Vì vậy mà ông ta bị thương nặng, hai ngày sau thì chết. Nay thi hài vẫn chưa tìm ra. Ông Mã lại là cháu ngoại cụ Tư Lễ Giám hôm nay trong nội có thư ra nói nhất định phải tìm cho được cái đầu của Tổng Trấn, nếu không thì sau này chưa biết sẽ bị xử phạt như thế nào! Làm thế nào bây giờ?
Một vị đô đốc nói:
- Tôi nghe nói mấy mươi dặm xung quanh thành Thanh Phong không có cỏ, không có nước gì hết, ta hãy đợi lúc hết đông, khi tuyết mùa xuân tan thành nước, bấy giờ người và vật mới có nước uống. Nay nếu ta xuất binh đến đấy, chỉ trong vài ngày không có nước uống là chết khát. Như thế thì đánh làm sao được?
Tiêu Vân Tiên nghe vậy, ra bẩm:
- Xin hai vị không nên bận tâm. Thành Thanh Phong không những có nước và cỏ mà còn có nhiều nữa.
Hai vị đô đốc nói:
- Ông Tiêu Thiên Tổng! Ông đã đến đấy bao giờ chưa?
- Tôi chưa bao giờ đến đấy.
- Ông chưa đến thì làm sao mà biết được?
- Tôi xem trong sách sử thấy nói nơi đó cỏ và nước đều nhiều.
Hai vị đô đốc đổi sắc mặt nói:
- Lời nói trong sách, tin làm sao được? Tiêu Vân Tiên không dám nói nữa. Lát sau, tiếng mõ vang lên. Ở Viên Môn tiếng trống và tiếng thanh la dậy đất. Thiếu Bảo ra trước trướng truyền lệnh sai hai đô đốc đem binh mã của mình làm trung quân ứng chiến. Tiêu Vân Tiên lĩnh năm trăm bộ binh làm đội tiên phong mở đường, còn Thiếu Bảo thì chỉ huy đội quân đi sau để điều khiển. Mệnh lệch hạ xuống các tướng chia nhau tiến quân. Tiêu Vân Tiên mang theo Mộc Nại, đem năm trăm bộ binh xông nhanh lên trước. Nhìn xa, một ngọn núi cao hết sức hiểm trở, trên đỉnh núi có cắm cờ. Núi này gọi là núi Ỷ Nhi Sơn, là cửa ngõ của thành Thanh Phong. Tiêu Vân Tiên dặn Mộc Nại:
- Ngươi hãy mang hai trăm quân, theo con đường nhỏ trèo qua núi và đợi ở đường chính. Hễ nghe ở trên núi có tiếng súng thì phải reo hò xông đến trợ chiến, không được chậm trễ.
Mộc Nại vâng dạ đi ra.
Tiêu Vân Tiên lại gọi một trăm quân bảo mai phục ở thung lũng. Hễ nghe tiếng súng trên đỉnh núi thì kêu to: "Đại quân đã đến"! Và xông lên trợ chiến.
Bố trí xong, Tiêu Vân Tiên mang theo hai trăm người và xông thẳng lên núi. Ở trên núi có mấy trăm người Phiên ẩn trong các hang. Thấy người đánh lên, họ đều xông cả ra đánh. Tiêu Vân Tiên lưng mang ná tay hoa thanh đao hăng hái xông lên trước. Tiêu chém chết mấy người Phiên. Chúng nhìn thấy bộ dạng dũng mãnh như vậy nên định bỏ chạy. Hai trăm quân ào lên như mưa sa bão táp. Bỗng một tiếng súng nổ, binh lính mai phục ở dưới thung lũng đều hô lớn:
- Đại quân đến rồi!
Và xông lên núi như bay. Quân Phiên hồn xiêu phách tán. Lại thấy ở sau núi có hai trăm người phất cờ reo hò xông đến, quân Phiên tưởng rằng đại quân đã lấy được thành Thanh Phong rồi, nên hoảng hốt chạy trốn tán loạn. Nhưng họ làm sao tránh được những phát đạn của Tiêu Vân Tiên. Phát thì bắn đúng vào mũi, phát thì bắn vào miệng, không còn biết chạy đường nào. Tiêu Vân Tiên tập hợp năm trăm người lại, reo hò dậy đất, gϊếŧ sạch mấy trăm người Phiên như băm bầu, chém chuối, và cướp được vô số cờ xí, khí giới.
Tiêu Vân Tiên cho quân nghỉ một lúc rồi hò hét xông lên, thì thấy một dãy rừng sâu bát ngát. Đi nửa ngày, qua quãng rừng đến một con sông lớn. Xa xa nhìn thấy thành Thanh Phong ở cách vài dặm. Tiêu Vân Tiên thấy không có thuyền để chèo qua, bèn gọi quân sĩ đẵn tre, gỗ làm bè. Lát sau, bè làm xong, tất cả cùng chèo qua sông. Tiêu Vân Tiên nói:
- Đại binh của ta còn ở đằng sau, đánh lấy thành này không phải việc năm trăm người làm được. Cốt nhất là đừng để cho quân địch biết hư thực của ta như thế nào.
Vân Tiên bèn ra lệnh cho Mộc Nại lấy cờ xí cướp được xé làm thang dây, đem theo hai trăm người, mỗi người mang một bó tre khô đến một nơi vắng ở phía tây thành, trèo lên thành đốt khô lương thực và kho cỏ. Tiêu nói:
- Như thế là ta có thể thừa cơ hội đánh vào cửa đông. Kế hoạch bàn định xong.
Hai vị đô đốc đem trung quân đến chân núi Ỷ Nhi Sơn. Hai người chưa biết Tiêu Vân Tiên đã đánh lấy núi này rồi nên bàn nhau:
- Nơi hiểm yếu như thế này chắc chắn là có mai phục. Ta cứ ra sức bắn vào làm cho chúng không dám ra và ta báo tin thắng trận 3.
Vừa lúc ấy, một kỵ mã phi đến báo rằng: Thiếu Bảo ra lệnh: phải tiến nhanh để tiếp ứng, vì sợ Tiêu Vân Tiên ít tuổi, khinh địch, làm hỏng công việc. Hai đô đốc được lệnh, không dám chậm trễ bèn ra lệnh cho quân đi gấp. Đến sông Đái Tử Hà, thấy những bè nứa đã có sẵn ở đấy, đang chèo bè qua sông thì thấy ở thành Thanh Phong khói bốc ngụt trời.
Bấy giờ chính là lúc Tiêu Vân Tiên đang nổ súng, đánh vào cửa đông. Quân Phiên trong thành thấy lửa bốc lên, hoảng hốt chạy tán loạn. Ở ngoài thành trung quân đã đến hợp với cánh quân tiên phong, khép chặt thành Thanh Phong trong một cái kìm sắt. Bọn Phiên mở cửa phía bắc, liều mạng giao chiến một hồi. Chỉ còn mười mấy quân kỵ vượt vòng vây trốn thoát. Quân của Thiếu Bảo lại đến, trăm họ ở trong thành, đầu đội hương hoa đón quân Thiếu Bảo vào thành. Thiếu Bảo truyền lệnh cứu hoả, an dân tơ hào không cho phạm đến. Sau đó viết giấy sai quan báo tin thắng trận vào kinh.
Tiêu Vân Tiên ra nghênh tiếp Thiếu Bảo. Thiếu Bảo rất mừng, thưởng cho một đùi dê, một vò rượu và hết sức khen ngợi. Mười ngày sau, có lệnh Thiếu Bảo về kinh. Hai đô đốc chờ lệnh thăng chức còn Tiêu Vân Tiên được làm Thiên Tổng thực thụ. Để tiện công việc, Thiếu Bảo giao cho Tiêu Vân Tiên việc cai trị thành này.
Sau khi tiễn Thiếu Bảo về kinh, Tiêu Vân Tiên trở về thành. Qua một cơn binh lửa, thành bị phá hoại, kho thóc bị hư hại. Tiêu làm giấy báo tỉ mỉ gửi về trình Thiếu Bảo. Thiếu Bảo phê vào giấy sửa chữa thành như sau: Giao cho Tiêu Vân Tiên chịu trách nhiệm sửa chữa thành cẩn thận. Khi nào công việc xong sẽ tâu lên nhà vua.
Nhân việc đó khiến cho:
Cam đường rợp bóng 4. người sau luống những nhớ nhung.
Phi tướng 5 không phong số xấu chỉ thêm than thở 6.
Muốn biết Tiêu Vân Tiên sửa chữa thành như thế nào, xin xem hồi sau phân giải.
--------------------------------
1Ngờ là con Hùng cửu, tên một quái vật trong truyền thuyết thời xưa. 2Hai người hiệp khách thời Chiến quốc, Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng không thành công. Nhϊếp Chính gϊếŧ tướng quốc nước Hàn tên là Hiệp Luỹ. 3Cách báo tin thắng trận quá dễ dàng. 4Thiệu Công đời Chu đi tuần hành thường nghỉ dưới cây cam đường xử việc. Sau dân nhớ công đức ông, không nỡ chặt cây cam đường 5Lý Quảng đời Tây Hán, đánh giặc rất giỏi. Hung nô gọi là quan tướng bay. Nhưng vì bị gièm pha, nên không được phong hầu. 6Theo các nhà khảo cứu hồi ba mươi tám và ba mươi chín, có nhiều chỗ không phải của Ngô Kính Tử vì văn của Ngô Kính Tử là văn hiện thực chỉ nhằm châm biếm xã hội, chứ không phải văn viết chuyện phiêu lưu, hoang đường. Những đoạn Quách Hiếu Tử mạo hiểm tìm cha và câu chuyện Tiêu Hạo Hiên trừng trị tên ác tăng Triệu Đại có tính chất của tiểu thuyết nghĩa hiệp lúc bấy giờ rất thịnh hành có lẽ do người khác đưa vào.