Tiếp tục công cuộc nghỉ ngơi thư giãn đầu óc, lúc này tôi mới nhận thấy xung quanh hôm nay náo nhiệt lạ thường. Mọi người tấp nập đi qua đi lại, giáo viên và bảo vệ cùng với mấy anh học sinh khối trên cao to đang dựng sân khấu, dán chữ và trang trí cờ hoa rực rỡ. Mấy chị đẹp thi nhau chạy qua chạy lại, trên tay ôm theo váy vóc hoặc những quạt, những nón..
À, sắp đến 20-11 rồi!
Ngày 20-10 trường không tổ chức hoạt động tập thể nhưng 20-11 thì khác. Học sinh toàn quốc sẽ được nghỉ một ngày, nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ hoặc thi đấu vài bộ môn gì đó có tính tập thể để chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam. Mấy giờ sinh hoạt trước thầy chủ nhiệm cũng có nói qua về vấn đề này rồi, và đám con gái lớp tôi cũng lên kế hoạch chuẩn bị xong xuôi vụ biểu diễn rồi. Nghe nói chúng nó tập luyện kĩ lưỡng và bí mật lắm, còn quyết tâm giành giải cho các chị khóa trên lác mắt nữa cơ mà.
Dĩ nhiên là đứa bị tẩy chay như tôi chỉ có quyền "nghe nói" rồi. Bọn họ loại tôi ra khỏi tập thể nên làm gì có chuyện tôi được cùng tập văn nghệ văn gừng với họ. Nhưng thế cũng chẳng sao, nói thật tôi chẳng có tế bào văn nghệ nào đâu, thà cho tôi thời gian để học tôi còn vui hơn là làm mấy điều vô bổ ấy. Hừ, kể cũng lạ, học rồi còn chuẩn bị 20-11 bận rộn vậy mà chúng nó vẫn rảnh để trêu tôi là sao? Hay tụ tập với nhau nhiều nên nghĩ ra càng nhiều thứ, càng muốn dồn tôi vào đường cùng hơn?..
Sóng não không cùng tần số nên dù tôi có tự đặt mình vào vị trí của họ tôi cũng không tài nào hiểu nổi lý do. Vậy nên tôi không thèm nghĩ nữa, chỉ ung dung nhàn hạ nhìn cả thiên hạ bận rộn. Tôi đã có kế hoạch cả rồi, 20-11 này sẽ giả vờ ốm, nghỉ ở nhà dọn dẹp sau vườn cho mẹ. Mùa này bắt đầu trồng màu là ngon rồi, để đợi gần tết thu hoạch bán cho được giá..
*
Những ngày không có Quốc Bảo thật vui vẻ, chẳng ai tranh chỗ ngồi của tôi, cũng chẳng có ai suốt ngày bắt tôi cho chép bài kiểm tra cả. Đám con gái tuy vẫn ghét tôi nhưng không mượn cớ nhìn trộm cậu ta để lườm sang tôi nữa. Nếu như trong lớp có giáo viên thì chỗ ngồi bàn cuối ấy chính là nơi thích hợp nhất để tôi có thể tùy ý tung hoành, muốn làm gì thì làm!
Nhưng ngày vui ngắn chằng tày gang, nghe nói hết tháng 11 này là cậu ta sẽ ra học lại. Giờ đã sắp 20 rồi, chỉ còn gần 10 ngày nữa thôi là mọi sự sung sướиɠ của tôi sẽ kết thúc. Khéo khi lúc cậu ta ra trở lại, cậu ta còn kích động mọi người để bọn não lợn này hành tôi ác hơn ấy chứ. Tôi có nên ra tay hành động trước để ngăn chặn mọi tội ác có-thể xảy ra không nhỉ? Sự đối nghịch của tôi trong thời gian qua chỉ khiến bọn nó rút vào hoạt động trong bóng tối mà thôi, nếu như thật sự muốn đám này im hẳn thì phải mạnh tay hơn nữa.
Mạnh tay hơn nữa.
Nhưng mạnh tay như thế nào?
Cả một tiết học tôi ngồi nhìn chằm chằm vào tấm lưng thon thả của con Dịu Hiền mà nghĩ không ra. Đánh rắn dập đầu, muốn ngăn chặn mọi sự rắc rối thì hiển nhiên phải tìm đứa đầu trò rồi. Nó thích Quốc Bảo là thứ nhất, nó có vị thế trong lòng đám con gái và cả con trai nữa là thứ hai, nó cực kì ghét tôi là thứ ba.. Vậy thì phải làm sao? Một lần đe dọa trên cầu thang dường như còn chưa đủ để nó thu cái tay bẩn thỉu kia lại. Hay là chặn đánh nó? Nhỡ đánh không nổi thì khác nào tự rước nhục vào thân đâu cơ chứ! Với lại chặn đánh được một lần, nó thoát ra được lại để yên cho tôi chắc?
Ai da, không ổn tí nào!
Những lúc như vậy mới thấy làm người lớn thật sự có ích, chuyện khó khăn gì cũng có thể dùng phương thức nói chuyện để giải quyết sạch sẽ!
"Cháu muốn xin nghỉ sáng mai?" Cô Nguyệt nghe thấy đề nghị của tôi thì lập tức tươi cười "20-11 à? Hoạt động ở trường chắc vui lắm nhỉ! Hải Dương có múa không đấy?"
"Không ạ.." Tôi xua tay, vì mai cháu nghỉ hoạt động ở nhà làm nên mới muốn xin nghỉ sáng mai đấy!
Dù sao sáng tôi đến quán cũng chỉ loanh quanh mấy việc vớ vẩn như quét dọn với chuẩn bị bày bánh ra ngoài cửa hàng. Rất ít khách hàng muốn dùng đồ tại quán trong thời gian nhạy cảm này, đa số họ đều mua về nhà hoặc ăn dọc đường mà thôi. Với lại giờ ấy ở quán ngoài cô Nguyệt thì vẫn còn vài chị nhân viên nữa, không lo vất vả!
"Có được không cô?"
"Không tham gia múa hát gì thật á?" Cô Nguyệt có vẻ ngạc nhiên lắm vì ngày xưa hồi còn cấp II tôi vẫn thường xuyên được giáo viên vời vào đội văn nghệ. Nhưng cô nào biết ngày xưa tôi toàn đi hát tốp ca, không cần tập luyện, chỉ đứng cho đẹp đội hình chứ.
Giờ đã khác xưa rồi, muốn ra đời một tác phẩm để đem ra thi đấu họ phải tập luyện lâu la lắm. Tôi không có thời gian, và dù có thời gian thì họ cũng chẳng thèm để ý đến tôi đâu!
"Đùa cô đấy à? Ngày xưa bọn cô cứ đến mấy ngày này là vui lắm, thi đấu ầm ầm, tinh thần đoàn kết lên cao luôn!"
"Vậy ạ?"
"Hay nói cho cô đỡ đi xem?"
"Cô định đi xem hả cô? Cháu nói thật đấy, mai cháu nghỉ ở nhà, cô đừng đi làm gì cho mất công.."
"Cái con bé này, toàn nói linh tinh.."
*
Ngày hôm sau đúng như dự đoán của đài, là một ngày đẹp trời. Sáng sớm đã bắt đầu hửng nắng, những tia hồng nhạt nhẹ nhàng bung tỏa khắp khu nhà tồi tàn của hai mẹ con chúng tôi. Bình thường mẹ đều phải nằm nghỉ đến hơn 8 giờ mới dậy được, dọn dẹp, làm vài việc lặt vặt rồi buôn bán hàng xáo linh tinh. Tiền từ công việc bán rau màu bình thường của mẹ không nhiều, đôi khi tôi muốn mẹ nghỉ quách đi cho xong, tập trung nghỉ ngơi và chăm đàn gà.. nhưng mẹ không chịu. Mẹ lúc nào cũng áy náy vì đã ngần này tuổi mà còn phải để tôi chăm sóc. Thật ra đến lúc này thì ai chăm sóc ai cũng đâu quan trọng, tôi cần một người thân bên cạnh, nếu mẹ cũng bỏ tôi đi thì cuộc sống này đâu còn ý nghĩa gì nữa.
Tôi dậy từ khi còn mờ đất, hâm lại cơm nguội còn thừa từ hôm qua, hấp luôn quả trứng rồi bắt đầu công việc.
Nhà tôi không rộng nhưng được cái vườn tược thì rộng vô cùng. Bên phải nhà mẹ con tôi quây lại bằng lưới và nuôi độ hai chục con gà ở đấy. Gà mái gà trống quây quần, lâu lâu lại có một lứa mới ra đời, còn có trứng ăn và thi thoảng đem bán nữa. Mỗi tội giống gia cầm này lắm bệnh nhiều tật, khi nuôi cấm được lơ là. Nếu không chỉ trong vòng một hai ngày, dịch bệnh có thể lây lan ra cả đàn và chết sạch.
Trong khu vực chuồng gà tôi chỉ trồng mấy loại cây ăn quả kiểu như nhãn, ổi hoặc mít. Chuối phải trồng bên vườn rau, nếu không lũ gà sẽ rỉa bằng sạch.
Bên trái ngôi nhà là sân giếng và khu nhà tắm. Ngay sát đó là phòng bếp được dựng tạm, có cái bếp rơm đun đến nỗi ám đầy khói bụi trên nóc trần. Đối diện căn bếp là khu vực trồng rau của nhà tôi, chỗ này khá rộng, không những có mấy luống rau mà còn có vài ba khóm chuối tây lớn đùng.
Sau nhà có một lạch nước nhỏ từ sông chảy qua. Chỗ ấy mẹ con tôi chỉ dùng để tưới vườn với tắm cho gà thôi. Vì nó nhỏ xíu, lội còn chưa ngập hết nổi đầu gối tôi nữa, rộng cũng chỉ khoảng tầm mét rưỡi là cùng. Nhưng cũng may là nó nhỏ, bởi nếu nó lớn, mưa về một cái có mà nhà chúng tôi chìm trong biển nước!
Tôi lôi cuốc ra, bắt đầu phạt hết những rãnh cỏ và cây rau già còn sót lại trong vườn đi. Sau khi dọn sạch những cái đó mới bắt đầu chia luống, bón lại phân và gieo lại hạt giống mới. Mùa này trồng cải cúc, cải bắp, su hào với bí là ngon ăn nhất! Hạt giống rau cải tôi có sẵn đây rồi, còn cây con của mấy loại kia mẹ cũng đã mua ở chợ từ tối hôm trước.
Gieo trồng xong, tôi bắt đầu chặt tre để chuẩn bị cho công cuộc dựng giàn bí. Bắc giàn cho bí leo đầy chỗ này, nếu không nó bò linh tinh quả cũng chẳng có mà ăn.
Lục cục mãi, đến lúc tôi xong xuôi với cái vườn thì dám gà trong chuồng đã nhao nhao lên kêu gào vì đói. Mẹ cũng đã ra khỏi nhà, đi xuống xem cơm nước thế nào. Đợi mẹ dọn xong mâm, đặt xong ấm thuốc tôi cũng cho gà ăn uống xong xuôi. Trong chuồng có một con gà trống thuộc giống Đông Cảo rất láo toét, nó cứ thấy người là lao lên đuổi đánh. Bình thường mẹ vào cho chúng nó ăn cũng rất hay bị con mặt giặc này đuổi theo, mổ vào chân. Nếu không phải nó là chủ lực gây giống thì nhất định tôi phải thịt nó cho bõ ghét!
"Vào ăn sáng đã!" Mẹ gọi với ra "Con làm gì nhiều thế, cứ để mẹ.."
"Ui, con sức dài vai rộng không làm mấy chuyện này thì làm gì?" Tôi xua tay, rửa chân tay cho sạch sẽ rồi vào nhà "Tập thể dục thôi, mẹ vào đi, ăn sáng!"
"Được! Hôm nay ngày gì mà nghỉ con nhỉ?"
"Hôm nay trường cho học sinh đi trải nghiệm, con ở nhà.."
"Sao con không đi?"
"Con không thích.."
Những câu chuyện nối dài, ở với mẹ luôn làm tôi cảm thấy thoải mái. Ngày nghỉ này mặc dù mệt vì làm luôn chân luôn tay nhưng còn sung sướиɠ hơn đối phó với bọn não lợn trên trường.
Nhưng đấy là do tôi chưa biết gì thôi, vì nếu tôi biết được vụ việc xảy ra ngày hôm nay trên trường, thì hẳn là ngay sau khi xong việc tôi sẽ từ nhà phi ngay lên đó. Trò vui ai chẳng thích xem, nhất là khi trò vui đó còn có liên quan đến mình..
* Một chương êm như ru =))
Có ai thích làm nhà nông thì về với đội em Dương nhớ, hí hí ~