Những ngày sau đó, gần như ngày nào anh Chinh giám đốc công ty truyền thông cũng tìm cái cớ để đến nhà cô chơi hay đưa rước Thiên Ân đi làm. Vài bữa tối, thì anh sẽ đến cùng với Thế Khôi, tìm cớ rủ hai cô đi ra ngoài ăn uống. Thật sự Thiên Trang không muốn đi, nhưng vì sợ bị nghi ngờ nên cô đành miễn cưỡng đi theo. Trong lúc đi cô luôn cố gắng hạn chế đυ.ng chạm, tiếp xúc với Thế Khôi. Cô muốn đợi thêm một thời gian nữa để anh hiểu ra. Quyết định của cô đã có, mọi việc đã xong, còn lại chuyện chị Thiên Ân sẽ chọn ai trong hai người thì cô không xen vào.
Nhìn cái cách anh Chinh mỗi ngày đều đến đưa rước chị, tặng hoa hồng cho chị, yêu chiều chị, mà trong lòng cô cũng thầm mong chị sẽ chọn anh Chinh thay cho Thế Khôi. Vì anh Chinh yêu chị thật lòng, không từng dao động vì ai, luôn nhìn thẳng về phía trước mà đi. Anh ấy hợp với chị về nhiều mặt, khi ở bên nhau không ai phải giảm bớt cái tôi của mình mà sự chỉnh chu của hai người ngang bằng nhau.
Nhưng cô cũng biết rất rõ trái tim của chị mình đặt ở ai, nhìn cái cách Thiên Ân đối với anh Chinh, vừa thân thiết lại xa lạ khách sáo, cách chị ngượng ngùng e thẹn khi nhìn Thế Khôi. Đôi lúc khi bốn người đi chơi chung, chị như vô tình lại như cố ý ngồi chen vào giữa hai người con trai, nhẹ nhàng nắm tay một trong hai người... không rõ chị nghĩ thế nào, chơi trò mèo vờn chuột hay thích làm một bông hoa đẹp với hai chàng kỵ sĩ canh giữ hai bên. Và mọi người trong nhà vẫn luôn dõi mắt theo câu chuyện ấy. Như lúc này trong phòng khách, ba mẹ đang trò chuyện với nhau:
- Em thấy thằng Chinh với thằng Khôi đều tốt, rất yêu thương con Ân. Mới đầu em thấy Ân với Khôi rất đẹp đôi, nhưng giờ cũng rất quý thằng Chinh. Hình như con Ân cũng mở lòng và cho hai đứa cơ hội ngang nhau. Cuối cùng không biết ai trong hai đứa sẽ được con Ân chọn nữa.
Những ngày qua trong nhà gần như quên hẳn sự có mặt của cô, không ai chú ý đến cô. Cô ngồi im lặng lắng nghe ba nói:
- Thôi em cũng bớt lo lắng chuyện đó đi. Cứ để bọn trẻ phát triển tự nhiên. Hai đứa đó đều ngoan hiền, có nghề nghiệp ổn định, gia đình đàng hoàng. Con bé chọn ai thì tin rằng nó cũng sẽ hạnh phúc. Nhưng con Ân công tâm cho hai đứa cơ hội tức con Ân cũng dần tập đưa ra quyết định của mình rồi. Nếu ngày trước chắc chắn nó sẽ chọn ngay thằng Khôi.
Mẹ của cô nghe ba nói thế thì gật gù. Đôi mắt trở nên sáng lấp lánh, chắc là đang nghĩ đến hai "ứng cử viên" sáng giá cho vị trí con rễ. Mẹ nhoe miệng cười thật tươi và nói:
- Em cũng nghĩ hai thằng đó không có chỗ nào chê trách. - mẹ ngẫm nghĩ, rồi đánh giá - Nhưng, không biết tại sao em lại mong muốn Thế Khôi thành với Ân hơn, hai đứa rất xứng đôi. Mà nhà ta tới hai cô con gái lẫn, giá như thằng Chinh nó thương con Trang thì tốt biết mấy. Hay để em hỏi dò ý con Trang xem, nếu được mình kết hợp hai đứa với nhau.
Cô đang ngồi bên cạnh nghe đến tên mình được nhắc vào câu chuyện này thì khẽ cau mày. Sao tự dưng lại ghép cô vào đây, chuyện ba người chưa đủ rắc rối sao. Đang lúc cô định phản bác lại "sáng kiến" của mẹ thì ba đã lên tiếng. Ông cười xòa nói:
- Cái này có được xem là em đang đề cao hai đứa con gái của mình không? Nhưng thôi chuyện tình cảm của bọn trẻ mình không nên xen vào cứ để chúng phát triển tự do, lựa chọn theo ý mình. Dù Ân có chọn ai, sau này con Trang có thương ai tôi cũng không phản đối.
Mẹ cô nghe đến hai từ "bọn trẻ" thì cau mày:
- Tụi nó cũng đâu còn trẻ trung gì nữa đâu, con Ân thì đã hai mươi bốn tuổi, con Trang cũng mười chín, hai mươi rồi. Thời bằng tuổi tụi nó em đã lấy anh, theo anh về làm dâu. Chẳng qua anh bị bắt đi Quân Dịch mấy năm nên mới có con trễ thôi.
- Ừ thì thời mình khác, thời này khác.
- Haizzz. - Mẹ cô thở ra. - Việc con Trang một hai năm nữa không sao. Nhưng con Ân cũng nên quyết định rõ đi để vậy hoài cũng không hay, người ta đánh giá nó không tốt. Em biết chắc con Ân sẽ chọn Khôi thôi, nếu chọn rồi thì mau chóng đính hôn đi chứ. Em với mẹ của Khôi đã bàn rồi cuối tháng sau có ngày tốt, hai gia đình sẽ làm lễ dạm ngõ rồi cho hai đứa làm đám hỏi luôn. Sau đó thì hai đứa cùng nhau đi du học, về được năm sẽ làm đám cưới sau.
Thiên Trang ngồi lắng nghe mà không khỏi ngưỡng mộ mẹ của mình và mẹ của anh Thế Khôi, hai người đã lên kế hoạch tỉ mỉ thay con cái hết rồi, một lịch trình hoàn hảo. Đính hôn rồi cùng nhau đi du học, sau đó sẽ là một đám cưới của Thạc sĩ Ngành truyền hình và tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa Nội. Thật tuyệt vời. Tất cả đã được ấn định.
Ba nghe thế, đặt tách trà trong tay xuống, cẩn thận suy nghĩ.
- Việc bỏ trầu cau em có bàn việc này qua với con Ân chưa? Xem thằng Khôi có chịu không. Chứ tôi thấy dạo này thằng Khôi sao đó. Với tôi nghe anh Quách nói nó không chịu đi học Tiến Sĩ, muốn ở lại bệnh viện làm việc thêm vài năm nữa.
- Cái gì? - Mẹ cô tròn xoe mắt, vô cùng bất ngờ - Vì sao thằng Khôi không đi học, làm vậy tương lai có được bao nhiêu. Cái chức Giám đốc bệnh viên và cái Công ty Dược K.V thì nó nói nhường cho thằng em quản lý. Giờ còn không chịu học lên Tiến sĩ, chẳng lẽ định làm một bác sĩ như thế suốt đời sao?
- Thì có sao đâu. Tuy nó không trực tiếp quản lý bệnh viện và công ty dược nhưng vẫn là Cổ đông chính thức mà. Với bác sĩ giờ không phải cũng rất được mỗi người ngưỡng mộ hay sao? - Ba cô mỉm cười - Hiện tại người ta cũng không quá chú trọng bằng cấp nữa, cái người ta nể trọng là năng lực làm việc. Nhà mình cũng đâu có nghèo khó gì đâu mà cứ phải mơ đến việc gả con cho người giàu. Bằng kinh tế hiện tại của gia đình ta, nuôi thêm hai thằng rễ nữa cũng chả thấm vào đâu.
Nghe ba nói đến việc đó cô thật sự rất muốn cười to. Haha ha ha.... bởi vì, với sự tự cao, luôn coi trọng thể diện của mẹ, nghe người chồng đáng kính của mình nói thế không nhảy dựng lên mới là lạ. Mẹ cũng không phải vì tiền của gì, mà là mẹ không muốn mất mặt, mẹ nghĩ con gái mình vô cùng tài giỏi thì phải lấy một người tài giỏi không kém, gia cảnh ngang bằng mới xứng. Lấy một người nghèo khó, phải nuôi rễ sẽ là sự sỉ nhục với con gái của mẹ.
Và đúng như thế, khi vừa nghe ba nói xong, mẹ đã hoảng hốt kêu lên:
- Ôi trời ơi, anh nói gì thế anh Nhân. Anh không hiểu con Ân tí nào cả. Con bé nó rất muốn đi du học. Và nó cũng hy vọng người chồng sau này của nó sẽ là người có quyền có thế, người người ngưỡng mộ.
- Nó có ý nghĩ đó hả. Sao em biết? Cho dù có muốn đi du học nhà ta cũng có thể lo cho nó đi du học bình thường mà. Đâu cần lấy chồng rồi đi.
- Em đã nói chuyện với con rồi - Mẹ cô nói - Ân nó có ước mơ của nó, nó vừa muốn trở thành người phụ nữ thành công, vừa muốn trở thành người vợ giỏi giang. Trở thành cô gái hạnh phúc ai ai cũng ngưỡng mộ.
Ba trầm ngâm đôi chút, từ tốn dặn dò mẹ cô:
- Em cũng đừng quá khen ngợi con, bơm cho con gái quá nhiều cuộc sống màu hồng. Phải dạy con kỹ năng sống, đối mặt với thất bại, phải lường trước bão tố. Cũng đừng nên cho con tham vọng lớn, coi chừng một ngày nào đó con hụt chân té, nó càng lên cao thì ngã càng đau. Và lúc đó anh e rằng nó sẽ không gắng gượng nổi.
- Anh đừng lo xa quá. Em thấy con Ân có suy nghĩ. Những giấc mơ của nó cũng không gì là quá đáng, không có xa rời năng lực của nó nên sẽ dễ dàng thực hiện được thôi.
- Nhưng cũng phải tập cho con biết suy nghĩ về hai mặt của một vấn đề. Cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý mình.
- Dạ. Em biết rồi, em sẽ lưu ý thêm việc này. - mẹ cô lại quay về vấn đề cũ. - Nhưng bây giờ thằng Khôi không chịu đi du học thì làm thế nào? Con Ân rất hy vọng thằng Khôi đi du học với nó. Hay để hôm nào có dịp em sẽ tìm cách nói chuyện với thằng Khôi xem sao.
- Tốt hơn là em nên im lặng động viên và xem quyết định của con gái mình thôi - Ba ngăn cản - Thằng Khôi nó không đơn giản và dễ nghe theo sự sắp đặt của người khác vậy đâu. Nó là một đứa có chủ kiến riêng, suy nghĩ độc lập. Đôi khi việc em tham dự quá nhiều vào chuyện của nó sẽ làm cho nó càng thấy mệt mỏi và rút lui đó.
- Em biết rồi, vậy thì cứ đợi xem sao, hy vọng con Ân làm nó thay đổi quyết định. Sẽ cùng con Ân đi du học. Còn không Ân chọn thằng Chinh cho rồi. Một tiến sĩ kinh tế còn hơn một bác sĩ.
Ba mẹ vẫn còn say sưa bàn chuyện. Nhưng trong lúc đi vệ sinh Thiên Trang đã len lén chuồn về phòng rồi. Cô không muốn nghe tiếp câu chuyện vô vị kia.
Về đến phòng cô ngồi lặng lẽ bên cửa sổ ngắm màn đêm, ngắm những vì tinh tú đủ sắc màu, ngắm những chiếc phong linh đang đu đưa trong gió, lắng nghe thanh âm réo rắt. Cô nghĩ về cuộc nói chuyện ban nãy, vậy là nhà sắp có hỷ sự, một đám được mong chờ từ lâu, bao người ngóng đợi. Người chị xinh đẹp tuyệt vời của cô sắp lấy được chàng bạch mã hoàng tử trong giấc mộng của chị ấy.
Cô bật laptop lên viết nhật ký hôm nay của mình:
"Có bao nhiêu dòng sông nhỏ uốn khúc suốt dọc cuộc đời một con người? Bao nhiêu điều đến rồi đi như những con thuyền tạm neo giữa bờ, để sớm ban mai người lái đò thầm lặng nhổ neo chèo thuyền ra khơi. Bỏ lại nơi bến sông vết cọc sâu hoang vu lấp đầy nước mắt.
Người ta cứ mãi ngắm nhìn dòng sông, ngắm quãng thời gian cứ trôi đi hun hút, biền biệt không lối về. Và không ai có thể quay lại khúc sông xưa, tìm lại được nét tinh khôi nguyên sơ của ngày cũ. Một người đến, một người đi, bến sông bao lần tiều tụy, cõi lòng đôi khi hiện hữu một khoảng trống hốc hác. Cố dùng nước sông che lấp những ô trống thênh thang, lấp đầy tháng ngày.
Đôi khi, em cố gắng quên đi những nhớ thương, nỗi đau khi mình là bến bờ. Em tự hỏi: Có phải vì dòng sông muôn đời chia đôi bờ nên người ta cứ mãi không thể tìm được một nửa hoàn hảo nhất cho mình? Những chiếc cầu là nhân chứng vi diệu cho sự chia ly xa cách vô hình ấy, đôi lần nó cũng nối hai người lại bằng một đám cười viên mãn. Nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ sứ giả, chiếc câù lại rơi vào cô đơn, một mình giữa đêm, một mình bên ráng chiều, một mình đón bình minh. Có gì đó tưạ như lãng quên....
Cái gì cần ra đi, hãy cứ để nó ra đi, đi khỏi cuộc đời như con gió thoảng. Không ai có thể trưởng thành đúng nghĩa nếu không trải qua đủ yêu thương, buông bỏ, nhung nhớ, đánh mất. Một vài lần yếu lòng giữa cuộc đời, ta muốn chạy thật nhanh, lao vào vòng tay ai đó, òa khóc cho những mong manh của riêng mình, những hy vọng viễn vong không bao giờ thành sự thật. Thi thoảng lại im lặng nhìn yêu thương của ngày bé, bắt gặp niềm vui qua ô cửa sổ, bầu trời trốn tìm năm - mười cùng chúng bạn.
Qua rồi tuổi thơ, trôi vội vã và nhiều nhớ quên. Ngoài phố, người người tất tả chạy theo nhịp sống. Còn em ngồi đây, hy vọng về vị Vua sử tử của riêng mình, anh sẽ đến dang rộng vòng tay đón em đến bến bờ hạnh phúc, không còn mình em lầm lũi bước đi tìm hoàng tử ếch của mình.
Đâu đấy trong em đang khao khát về vùng đất mới, như thể muốn chết đi để tái sinh ở một kiếp khác. Đúng rồi, đã đến lúc để cho "nỗi buồn cũ" chết đi tái sinh một niềm vui mới; tình yêu cũ chết đi ươm mầm cho tình yêu mới, trong veo, không ướp bụi trần."