Lộc Đỉnh Ký

Chương 226: Muốn đến Đài Loan, hạ thuyết từ

Lâm Hưng Châu kể tiếp:

– “Ngày 22 tháng 11, quân ta trèo lên mặt tường nhất tề bắn súng lớn vào làm sạt một góc thành. Chòi gác mặt đông và mặt tây cũng bị phá vỡ. Bọn Hồng mao quỷ liều chết xông ra. Mấy trăm tên bỏ mạng tại chiến trường rồi phải lui vào. Hồng mao thái thú là Quĩ Nhất liền kéo cờ trắng đầu hàng. Khi đó nhân dân Trung Quốc ở Đài Loan đều muốn báo thù định gϊếŧ cho kỳ hết giống Hồng mao quỷ, nhưng Quốc tính gia huấn dụ trăm họ:

– Trung Quốc chúng ta là một nước trọng điều nghĩa lễ, không nên tàn sát kẻ địch đã đầu hàng. Lão nhân gia liền thuận cho Hồng mao thái thú ký hàng thư mười bốn khoản rồi dẫn tàn binh bại tướng xuống thuyền dời khỏi Đài Loan, trốn về Ba Đạt Duy á. Bọn quỷ Hồng mao chiếm cứ Đài Loan 38 năm từ năm Thiên Khải thứ tư triều nhà Minh đến Năm Vĩnh Lịch thứ mười lăm, tức là năm thứ mười tám niên hiệu Thuận Trị nhà Đại Thanh, Đài Loan trở về bản đồ Trung Quốc nhằm ngày 29 tháng 11.” Hồng Triều nói:

– Quốc tính gia hạ lệnh không cho gϊếŧ những quân Hồng mao đã đầu hàng, nhưng trăm họ Trung Quốc phẫn uất quá chừng, hoặc nhổ bọt, hoặc ném đá vào mặt quân Hồng mao. Bọn trẻ nhỏ lại ca hát những bài chế giễu bại binh. Bọn Hồng mao kẻ thì gãy tay, người thì cụt chân, ôm đầu lủi thủi ra đi, cả tiếng quỷ thoại cũng không dám nói. Khi bọn chúng khai thuyền kéo cờ lên lại hạ xuống, rồi đốt pháo làm lễ tạ ơn Quốc tính gia tha cho không gϊếŧ. Vi Tiểu Bảo nói:

– Hay lắm! Người Trung Quốc chúng ta quả là oai phong bát điện, hào khí tứ phương. Bọn Hồng mao quỷ súng ống lợi hại như vậy mà quân ta hạ được Đài Loan thật không phải chuyện dễ dàng. Lâm Hưng Châu nói:

– Quốc tính gia đổi tên Nhiệt Lai Già thành làm Bình An Trấn, Phổ La Dân Già thành làm Thừa Thiên phủ. Từ đó lão nhân gia vĩnh viễn trọng trấn đảo Đài Loan. Lộ phó tướng từ nẫy giờ lẳng lặng ngồi nghe, bây giờ mới lên tiếng xen vào:

– Thi tướng quân đến lấy Đài Loan cũng theo đường cũ của Quốc tính gia tức là tiến vào cửa Lộc Nhĩ… Gã chưa dứt lời, Vi Tiểu Bảo đã xua tay cản lại rồi ngáp dài nói:

– Nghe chuyện nửa ngày trời mệt quá rồi! Câu chuyện người Trung Quốc đánh quỷ tóc đỏ cúp đuôi chạy trốn thì còn lọt tai, chứ chuyện người mình đánh với người mình thì trở đi trở lại cũng chỉ có bấy nhiêu. Rồi gã nhìn Thi Lang nói:

– Thi tướng quân! Chúng ta uống rượu như vậy tưởng cũng đủ rồi. Bây giờ tan tiệc quách! Thi Lang đứng dậy đáp:

– Dạ! Đa tạ tước gia ban cho yến tiệc. Ty chức xin cáo từ. Rồi hắn hành lễ cất bước đi ra. Vi Tiểu Bảo vào nội đường kể lại đã ngăn cản Thi Lang bằng cách nào, không để hắn mở miệng khoa trương chiến công đánh lấy Đài Loan. Mấy vị phu nhân nghe gã kể đều bật cười. Chỉ mình A Kha lẳng lặng không nói gì. Nàng nghĩ bụng:

– Ngày trước nếu ta lấy Trịnh Khắc Sảng tất cũng bị bắt theo về Bắc Kinh. Người phụ nữ vong quốc khó lòng tránh khỏi bị họ làm nhục. Hôm nàng xuống con mủng nhỏ dời khỏi đảo Thông Cật, đã chẳng quan tâm đến cuộc sinh tử tồn vong của mình. Bây giờ nàng nghe Trịnh Khắc Sảng mất nước đầu hàng địch nhân lại càng không để ý.A Kha nghĩ tới ngày trước vì thấy Trịnh Khắc Sảng phong tư diêm dúa mà đem lòng say mê. Nàng cũng biết rõ hắn là người chẳng có khí phách gì, không ra tuồng con nhà hào kiệt, mà nàng cứ mê muội như kẻ đui mù. Bây giờ nàng hồi tưởng lại mà vẫn còn hổ thẹn. Công chúa nói:

– Hoàng đế ca ca đối đãi với người ngoài nhân hậu quá chừng! Tên Trịnh Khắc Sảng đã phải đầu hàng mà còn được phong Nhất đẳng công tước, tức là cao hơn Vi Tiểu Bảo. Vụ này thật khiến cho người ta phải tức mình. Vi Tiểu Bảo xua tay đáp:

– Không cần đâu! Không cần đâu! Quốc tính gia là một đại anh hùng, đại hảo hán. Hoàng thượng vì nể mặt Quốc tính gia mà phong cho con cháu lão nhân gia quan hàm Nhất đẳng công tước. Còn nói về tên Trịnh Khắc Sảng thì chỉ đáng phong cho cái Nhất đẳng mao trùng mà thôi. Hôm sau, Vi Tiểu Bảo chỉ mời Lâm Hưng Châu và Hồng Triều, hai người đến dự một bữa yến tiệc để nói chuyện Thi Lang lấy Đài Loan thế nào? Lâm Hưng Châu và Hồng Triều liền cho gã hay: Quân Thanh và quân Đài Loan huyết chiến mấy ngày ở Ngưu Tâm loan, Kê Lung tự tại vũng Bành Hồ. Ban đầu Thi Lang thua trận, sau thủy quân của Thanh triều đến tiếp viện lại mở cuộc đại chiến. Thuyền bè Đài Loan bị đốt cháy rất nhiều nên phải bại trận. Tướng sĩ chết mất hơn vạn người. Chiến thuyền vừa bị đắm vừa bị đốt cháy hơn ba trăm chiếc. Lưu Quốc Hiên dẫn tàn binh lui về Đài Loan. Thi Lang kéo quân đến đánh. Cửa Lộc Nhĩ nông quá chiến thuyền không vào được phải neo lại ngoài biển mười hai ngày. Đang lúc vô kế khả thi thì đột nhiên mây kéo đầy trời, nước thủy triều dâng lên rất lớn. Chiến thuyền quân Thanh liền kéo ùa vào. Những tướng sĩ trên đảo Đài Loan từ trên xuống dưới xiết nỗi kinh hoàng. Ai cũng nói:- Ngày trước Tiên Vương quân phải nhờ nước triều dâng mới vào được cửa Lộc Nhĩ để lấy Đài Loan. Bây giờ nước triều lại dâng lên, hiểm trở thiên nhiên không còn nữa. ý trời đã muốn vậy, dù có chiến đấu cũng bằng vô dụng. Trịnh Khắc Sảng vừa hay tin thuyền bè chở quân Thanh lại vào cửa Lộc Nhĩ đã sợ hãi chẳng còn hồn vía nào nữa, chân tay luống cuống. Phùng Tích Phạm khuyên hắn đầu hàng, dĩ nhiên hắn chịu liền. Có điều hắn sợ Thi Lang ngày trước bị tru lục toàn gia muốn báo tư cừu, tất làm khó dễ với con cháu nhà họ Trịnh. Lưu Quốc Hiên liền viết thư đến Thi Lang nói cho hay Đài Loan ưng chịu đầu hàng nhưng với điều kiện phải bảo toàn sinh mạng cho con cháu Trịnh Thành Công. Nếu không thì hết thẩy quân dân ở Đài Loan thầm cảm ơn nghĩa của Quốc tính gia đành là chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Thi Lang lập tức phúc đáp không nghĩ tới thù oán ngày trước và thề rằng nếu không giữ lời hứa sẽ bị trời tru đất diệt, tuyệt tử tuyệt tôn. Thế là Trịnh Khắc Sảng, Phùng Tích Phạm, Lưu Quốc Hiên dẫn toàn thể văn võ bá quan ở Đài Loan ra đầu hàng. Tôn thất nhà Minh quy thuận Thanh triều chỉ có nhà Giám quốc Lỗ Vương thê tử chín người. Ninh Tỉnh Vương Thuật Quế tự sát, thϊếp là Viên thị, Vương thị, Tú Cô, Mai Cô, Hà Thư năm người cũng tuẫn tiết. Trăm họ hay tin này đều tới tấp chạy đến vừa khóc vừa phục xuống đất. Minh Kỷ đến đây là hết. Vi Tiểu Bảo nghe đoạn này, tự hỏi:

– Hoàng đế Minh triều đến hồi mạt vận có con cháu tự sát để tuẫn quốc, lại năm bà vợ cũng tuẫn tiết. Nếu Vi Tiểu Bảo bày tự sát thì không hiểu trong bảy cô vợ được mấy cô chết theo? Song Nhi nhất định bầu bạn với ta rồi. Công chúa chắc không chịu đi theo. Còn năm cô, đại khái họ sẽ gieo xúc xắc để quyết định ai sống ai chết. Lâm Hưng Châu lại nói:- Thi Lang kéo quân đổ bộ lên Đài Loan rồi vẫn thủ tín, không làm khó dễ gì đến con cháu nhà họ Trịnh. Y còn thân hành đến trước miếu Diên Bình Vương Trịnh Thành Công làm lễ tế diện. Y khóc lóc một hồi bằng một giọng rất bi thiết. Hồng Triều nói theo:

– Bài văn tế của Thi Lang có mấy câu:

– “Từ khi Đồng An hầu đến Đài Loan, trên đảo mới có dân cư”.

“Đến ngày Minh triều ban cho Quốc tính gia mở rộng đất đai mới thành biên cương. Công lao này chẳng phải của Quốc tính gia thì còn ai nữa? Nay Thi Lang nhờ uy linh của thiên tử, lực lượng của tướng soái lấy được đất này. Sở dĩ Thi Lang không nghĩ tới chuyện diệt quốc là để tận trung với triều đình và hết chức phận với bậc đàn anh. Từ ngày Lang vào quân ngũ đã cùng Quốc tính gia có mối duyên ngư thủy. Trung gian vì sự hiềm khích nhỏ mọn mà gây nên cừu hận trọng đại. Giữa Lang và Quốc tính gia tuy thành thù nghịch, tình còn tôi chúa, quyết chẳng noi gương “kẻ cùng kỹ trong bụi lau”. Hai bề công nghĩa, ơn tư, đến vậy mà thôi”. Lâm Hưng Châu nói tiếp:

– Mấy câu này được truyền tụng trong một thời. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Hắn nói lý la lý lố cái gì, tiểu đệ chẳng hiểu chi hết. Hồng Triều đáp:

– Kẻ cùng sĩ ở trong bụi lau là nói về Ngũ Tử Tư. Ngày trước Ngũ Tử Tư bị Sở Bình Vương gϊếŧ cha anh, trốn sang nước Ngô mượn quân về diệt sở. Khi đó Sở Bình Vương chết rồi. Ngữ Tử Tư còn quật mồ lên để đánh vào xác ba trăm roi để rửa hận cho phụ huynh. Thi Lang nói quyết không hành động theo Ngũ Tử Tư. Vi Tiểu Bảo cười lạt hỏi:

– Chà! Liệu hắn có dám làm không, hay là hắn nói láo? Quốc tính gia tuy đã qua đời, nhưng hắn vẫn sợ muốn chết. Hắn phá bại cơ nghiệp nhà Trịnh mà vẫn loanh linh Quốc tính gia tìm đến hắn để quấy rầy, nên hắn phải đến Quốc tính gia dập đầu năn nỉ. Thằng cha này xảo quyệt vô cùng! Các vị đừng mắc bẫy hắn. Lâm Hưng Châu và Hồng Triều đều khen phải. Vi Tiểu Bảo lại nói:

– Thiên cố sự về Ngũ Tử Tư, tiểu đệ đã được coi hát cô tấn nói về “Ngũ Tử Tư qua ải”. Chỉ có một đêm lo nghĩ mà ông đầu đã bạc phơ. Có đúng thế không? Hồng Triều đáp:

– Đúng rồi! Đúng rồi! Trí nhớ của Tước gia hay quá! Vi Tiểu Bảo lâu nay không được nghe ai nói chuyện cổ tích, liền hỏi sự tích Ngũ Tử Tư ra làm sao? Hồng Triều ngày trước đã thi đỗ Tú tài. Trong bụng y chứa đựng ít nhiều văn mặc liền đem truyện Ngũ Tử Tư thuật từ đầu đến cuối. Vi Tiểu Bảo nghe y kể rất lấy làm hứng thú, liền bảo y:

– Tiểu đệ ở trên hoang đảo này buồn quá. May được hai vị đến đây nói chuyện cổ tích giải khuây cho. Vậy hai vị hãy nán lưu lại đây mấy bữa vội về làm chi? Lâm Hưng Châu đáp:

– Bọn ty chức là hàng tướng ở Đài Loan. Hôm qua vô tình lại nói mấy câu đắc tội với Thi tướng quân. Thi tướng quân muốn rửa hận thì đối với bọn ty chức chỉ như bóp chết hai con kiến. Tướng quân có thể tùy tiện khép vào tội lòng dạ phản phúc, mưu đồ bất chính là tiền trảm hậu tấu ngay. Dù Thi tướng quân chém rồi không tâu, vĩnh viễn cũng chẳng ai hỏi đến. Đoạn hắn năn nỉ Vi Tiểu Bảo:

– Vi đại nhân! Xin đại nhân nói với Thi tướng quân lưu bọn ty chức ở lại phục thị đại nhân. Vi Tiểu Bảo cả mừng quay lại hỏi Hồng Triều:

– Hồng đại ca tính sao? Hồng Triều đáp:- Đêm qua ty chức đã cùng Lâm đại ca thương nghị hồi lâu. Nếu chẳng được Vi đại nhân cứu mạng thì bọn ty chức chết không có đất chôn. Vi Tiểu Bảo nói:

– Hai vị đã theo tiểu đệ thì nhất thiết phải nghe tiểu đệ mới được. Lâm Hưng Châu và Hồng Triều khom lưng đáp:

– Vi đại nhân! Bất luận đại nhân sai bảo điều gì bọn ty chức cũng xin tuân lệnh. Vi Tiểu Bảo cả mừng khôn xiết nghĩ bụng:

– Đã có hai tay trợ thủ này, ta sẽ tìm cách dời khỏi nơi đây. Nguyên Vua Khang Hy đã phái Bành tham tướng đem quân canh giữ đảo Thông Cật. Trước khi lên đường, hắn còn được nghiêm chỉ của đức Vua nhất quyết không cho Vi Tiểu Bảo cùng gia nhân rời khỏi đảo nửa bước. Trên đảo lại không thuyền bè, nếu muốn chặt cây đóng mảng thì đảo Thông Cật nhỏ bé làm sao che được tai mắt mọi người? Bành tham tướng trí não đã không linh hoạt, lại chẳng có bản lãnh gì, nhưng đối với thánh chỉ của Hoàng thượng thì dù hắn có bị chặt đến mấy chục cái đầu cũng chẳng dám tơ hào phản bội. Nhà Vua sai hắn canh giữ là hắn trông coi ráo riết. Giả tỷ Vi Tiểu Bảo muốn gϊếŧ hắn thì chỉ cất tay một cái là xong, nhưng dù gϊếŧ cả năm trăm lẻ một tướng khán thủ cho kỳ hết sạch sành sanh, vẫn chẳng có cách nào rời khỏi đảo Thông Cật. Bây giờ Vi Tiểu Bảo nghe Hồng Triều nói đến bài văn tế của Thi Lang bái điện Trịnh Thành Công cùng thiên cố sự về Ngũ Tử Tư, gã chợt động tâm, nghĩ ra một kế, liền cho mời Thi Lang đến. Vi Tiểu Bảo, Lâm Hưng Châu, Hồng Triều và Thi Lang, bốn người ngồi trong sảnh đường. Vi Tiểu Bảo đứng dậy đóng cửa lại hỏi:

– Thi tướng quân! Liệu tướng quân có ở lại đây chơi với ta được một vài tháng không? Thi Lang đáp:- Bản tâm ty chức muốn ở lại đây một thời gian khá lâu để thường thường được nghe giáo huấn. Có điều Đài Loan mới bình định xong, nhân tâm chưa được ổn định, ty chức tưởng sáng mai cáo từ đại nhân trở về Đài Loan. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Thi tướng Đài Loan bảo muốn ở với ta lâu ngày để thường thường nghe lời giáo huấn. Ta không hiểu đây là chân tâm của tướng quân, hay chỉ là những câu đãi lòng? Thi Lang đáp:

– Dĩ nhiên đó là những lời tâm can phế phủ của ty chức, ngàn vạn lần đúng là sự thực, tuyệt không mảy may giả dối. Hắn dừng lại một chút rồi tiếp:

– Ty chức nhớ lại năm trước tùy tùng đại nhân đóng binh ở đảo Thông Cật này, nổ súng hạ Thần Long giáo. Hàng ngày ty chức được kính cẩn nghe lời giáo huấn của đại nhân, lại được cùng đại nhân uống rượu, đánh bạc, cười nói tự nhiên. Đó là những ngày sung sướиɠ nhất của ty chức. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Giả tỷ bây giờ chúng ta lại có những ngày như vậy, tướng quân còn vui thích không? Thi Lang đáp:

– Cái đó dĩ nhiên ty chức khoan khoái vô cùng! Sau này đức Hoàng thượng giao phó cho đại nhân những trọng nhiệm về quân quốc đại sự, ty chức mong rằng được lệnh theo hầu đại nhân. Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:

– Cái đó dễ lắm! Tướng quân muốn theo ta để nghe ta cười nói thật chẳng có gì khó khăn. Sáng mai chúng ta cùng đi Đài Loan với nhau là được. Thi Lang giật mình kinh hãi đứng dậy đáp:

– Cái đó… cái đó… Vụ này chưa được chỉ dụ của Hoàng thượng, ty chức không dám vâng mệnh. Mong rằng… mong rằng đại nhân lượng thứ cho.Vi Tiểu Bảo cười hỏi:

– Ta đi Đài Loan có mục đích gì đâu? Bất quá nghe các vị nói ngoài đó rất náo nhiệt: Quốc tính gia mở mang cương thổ tại Đài Nam, Đài Bắc tạo dựng lên một thế giới vui tươi sầm uất, ta chỉ muốn tới đó coi cho biết. Chúng ta ngồi chung một khoang thuyền lớn đến Đài Loan có phải tướng quân thường được nghe lời giáo huấn của ta không? Cái đó là tự miệng tướng quân nói ra. Ta nhận thấy tướng quân là người rất tốt, trước kia lại đi theo ta một thời gian. Mối giao tình giữa thượng ty và thuộc cấp của chúng ta không phải tầm thường, ta mới miễn cưỡng nghĩ ra biện pháp này để thỏa mãn lời thỉnh cầu của tướng quân. Vi Tiểu Bảo thấy Thi Lang trầm ngâm liền nói tiếp:

– Chúng ta đi Đài Loan thưởng ngoạn một vài tháng rồi lại trở về, thần không hay quỷ không thấy. Chỉ cần tướng quân dấu nhẹm, ta cũng không nói ra thì đức Hoàng thượng làm sao mà biết được? Thi Lang vẻ mặt cực kỳ ngơ ngác. Hắn khom lưng đáp:

– Vi đại nhân! Vụ này thật khó khăn vô cùng! Đại nhân đã ra lệnh đáng lý ty chức phải tuân theo, ngặt vì đức Hoàng thượng mà làm tội thì thật là nguy hiểm. Bổn phận kẻ làm tôi không bao giờ được dấu diếm quân thượng. Tội khi quân ty chức thực tình không dám phạm vào. Vi Tiểu Bảo cười nói:

– Mời tướng quân ngồi xuống! Ngồi xuống! Thi tướng quân đã không chịu thì cái việc cỏn con này bất tất phải nói nữa. Thi Lang khác nào trút bỏ gánh nặng ngàn cân, luôn miệng khen phải, từ từ ngồi xuống. Vi Tiểu Bảo lại cười nói:

– Kể về tội khi quân thì chẳng dấu gì Thi tướng quân, ta đã mấy phen lừa dối Thánh thượng. Có điều Thánh thượng khoan hồng đại lượng, sau khi ngài biết ra rồi cũng đến cười xóa bỏ đi, chứ chẳng coi đó là chuyện trọng đại. Thi Lang đáp:- Dạ dạ! Ai cũng bảo đức Hoàng thượng đối đãi với Vi đại nhân ân thâm đức trọng thật là hãn hữu. Có thể nói nghĩa quân thần hòa hợp như vậy cổ kim chưa từng có. Nhưng ty chức bất quá là một tên tiểu tướng ngoại thần làm gì được nhiều phúc phận như vậy? Vụ này ty chức muôn đời không dám bắt chước Vi đại nhân. Vi Tiểu Bảo mỉm cười hỏi:

– Thi tướng quân ngoài miệng tuy nhát gan, nhưng bản tước xem ra chẳng phải con người nhỏ mật. Nghe nói tướng quân hạ Đài Loan xong đã làm bài văn điếu tế Quốc tính gia. Phải vậy không? Thi Lang đáp:

– Bẩm đại nhân! Ba chữ “Quốc tính gia” không thể dùng được. Hiện nay Quốc tính là ái Tân Giác La. Vậy chúng ta khi nhắc tới Trịnh Thành Công muốn nói cho lịch sự, chỉ có thể hô “Tiền Minh tử tính”. Vì vậy trong bài văn tế đó, ty chức chỉ xưng hô Trịnh Thành Công bằng hai chứ “Tử tính”, quyết chẳng khi nào dám lớn mật phạm điều cấm kỵ. Hắn đã tiên liệu mình không chịu đưa Vi Tiểu Bảo đến Đài Loan tất gã bới lông tìm vết, moi móc cho ra chỗ lầm lỗi. Hắn tự nhủ:

– Mọi người đã quen dùng ba chữ “Quốc tính gia”, nhưng Trịnh Thành Công được Minh triều ban cho lấy họ Chu. Quốc tính của Trịnh Thành Công là Quốc tính nhà Minh, chứ không phải là Quốc tính của Thanh triều. Nếu Vi Tiểu Bảo nắm lấy ba chữ Quốc tính vu cho mình vẫn còn tưởng niệm Quốc tính gia họ Chu mà báo về triều đình thì vụ này nhỏ bằng cái kim có thể lớn tầy đình. Không chừng gây nên đại họa. Thi Lang nghĩ như vậy, nên hắn phải cướp lời giải thích trước. Thực ra, Vi Tiểu Bảo là con người vô học, chẳng có mưu thuật gì, gã chưa nghĩ tới điểm này. Gã nghe Thi Lang biện thuyết như vậy, liền nắm lấy cơ hội để xoay đối phương. Gã nói:

– Thi tướng quân đã từng hưởng tước lộc của Minh triều, thì trong lòng tưởng niệm đến “Tứ tính” của tiên triều cũng chẳng có chi đáng trách. Nhưng giả tỷ tướng quân thật dốc dạ trung thành với nhà Đại Thanh ta thì nên hô Trịnh Thành Công là “Nghịch tính”, “Ngụy tính”, “Phỉ tính” hay “Cẩu tính” mới phải.Thi Lang cúi đầu không nói gì. Tuy trong lòng hắn muốn cãi lại, nhưng hắn cảm thấy không nên tranh luận nhiều về điểm này. Hắn cũng cho là kêu Trịnh Thành Công bằng “Tứ tính” quả còn có chỗ sơ hở, vì nó vẫn ngụ ý chưa quên Tiên triều. Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

– Bài văn tế đó của Thi tướng quân nhất định hay lắm rồi. Tướng quân thử đọc lại cho bản tước nghe được chăng? Thi Lang là một võ tướng, chỉ biết giàn quân đánh trận, làm gì viết nổi văn tế? Bài văn tế kia do một tên sư gia làm tân khách đã làm thay hắn. Tôn sư gia là một tay tài học, bài văn tế của y văn chương lưu loát, từ ý thiết tha. Thi Lang đã được nghe nhiều người tán dương, trong lòng rất lấy làm đắc ý, nên nhiều câu hắn thuộc lòng. Hắn nghe Vi Tiểu Bảo hỏi tới liền đáp:

– Ty chức lạc thảo mấy câu, chẳng bõ làm trò cười cho Vi đại nhân. Thế rồi hắn đọc mấy đoạn trong văn tế. Vi Tiểu Bảo nghe hắn đọc xong đoạn:

– “Lang này vốn ở trong hàng ngũ, cùng “Tứ tính” đang vui vầy cá nước duyên may. Ngờ đâu vì vụ tỵ hiềm nhỏ mọn mà gây nên chuyện tầy đình.

“Lang cùng “Tứ tính” trở thành đối nghịch. Tình cũ chúa tôi, quyết chẳng làm kẻ cùng sĩ trong bụi lau. Tư ơn công nghĩa, đến vậy mà thôi” Gã gật đầu ca ngợi:

– Hảo văn chương! Hảo văn chương! Đoạn văn này dù có bắt bản tước đem chặt đầu cũng không thể làm được. Dù đã có người làm cho mà bảo bản tước học thuộc lòng, e rằng đọc cả mười ngày cũng không nhớ. Thi tướng quân quả nhiên văn võ song toàn, trí nhớ lại càng tuyệt hảo khiến bản tước khâm phục không biết đến thế nào mà kể! Thi Lang đỏ mặt lên, bụng bảo dạ:

– Gã biết rõ bài văn tế không phải tự ta làm ra mà có kẻ khác viết thay. Ta đọc cho gã nghe, gã lại đưa lời trào phúng. Vậy ta không nên nói nhiều với gã. Vi Tiểu Bảo hỏi:- Trong đoạn này có câu: “Quyết chẳng làm theo kẻ cùng sĩ trong bụi lau” có ngụ ý gi? Bản tước kém bề học vấn không sao hiểu được. Tướng quân giải thích cho bản tước nghe được chăng? Thi Lang đáp:

– Kẻ cùng sĩ trong bụi lau là nói về Ngũ Tử Tư. Ngày trước Ngũ Tử Tư, người nước Sở, phải trốn sang nước Ngô lánh nạn. Ngũ Tử Tư đi đến bờ sông, một ngư ông chở qua bờ bên kia rồi, lại đi lấy cơm cho y. Hắn dừng lại một chút rồi kể tiếp:

– “Ngũ Tử Tư sợ truy binh đuổi đến tróc nã phải ẩn vào trong bụi lau ở bờ sông. Ngư ông trở lại thấy trong bụi lau có người ẩn nấp, liền cất tiếng hô:

– Người trong bụi lau ơi! Người trong bụi lau ơi! Phải chăng người là kẻ cùng sĩ? Sau Ngũ Tử Tư mượn quân nước Ngô đưa về đánh phá nước Sở rồi quật mả lôi xác Sở Bình Vương đánh ba trăm roi để trả mối thù Sở Vương đã gϊếŧ cha anh.” Thi Lang kể xong sự tích Ngũ Tử Tư, nói tiếp:

– Trịnh Thành Công đã gϊếŧ cha anh cùng vợ con của ty chức, nhân sĩ ở Đài Loan sợ ty chức sau khi hạ Đài Loan rồi cũng quật thây báo thù, nên ty chức nói trong văn tế quyết không làm việc đó. Trịnh Thành Công có linh thiêng cũng yên tâm được và quân dân Đài Loan bất tất phải lo nghĩ về vụ này. Vi Tiểu Bảo nói:

– Té ra là thế! Thi tướng quân chỗ này đã so mình với Ngũ Tử Tư.