Lần đầu tiên ta gặp công tử là năm năm về trước. Lúc ấy ta theo lệnh của Đại trang chủ đến Thanh Liên sơn trang, ngạc nhiên nhận thấy tất cả các quản sự đều tề tựu về đây cả. Mọi người liên tục bàn ra tán vào, trong lòng hoài nghi phải chăng Đại trang chủ có việc cần phải an bài, nếu không thì sao lại triệu tập tất cả cùng đến?
Sau đó lại thấy có một vị công tử gầy yếu, trên nét mặt luôn có một biểu hiện thản nhiên mà ủ rũ, đôi mắt của công tử ấy trong suốt đến mức chẳng thể nhìn thấy rõ, lại vô cùng bình tĩnh không hề lăn tăn gợn sóng. Công tử cứ im lặng đứng bên cạnh Đại trang chủ. Vị Phong Quản sự ở sát bên nhỏ giọng cho ta biết đây là đồ đệ mà nhị vị trang chủ thu nhận trước đó ba năm, nhưng lại không thường xuất đầu lộ diện nên chúng ta chưa từng nghe nói tới. Lúc này ta mới giật mình, hoá ra là người có thân phận cao, chẳng trách có thể đứng bên cạnh Đại trang chủ. Nhìn kỹ lại một lần nữa ta chợt tự hỏi vì cái gì mà thiếu niên kia lại có ánh mắt như thế. Thật là không phù hợp lắm! Bởi đôi mắt ấy cứ như thể đã trải qua thương hải tang điền[1] nên đời này chẳng còn cầu gì hơn. Có điều tuổi tác hắn có vẻ vẫn còn trẻ thì làm sao có thể như vậy chứ.
Sau đó Đại trang chủ bắt đầu nói chuyện – "Lần này triệu tập mọi người về đây tuy là ta đứng ra tổ chức, nhưng kỳ thật là do ý của Tiêu Nhi. Có thể hầu hết các ngươi còn chưa biết Hàn Tiêu là ai. Tiêu Nhi là đồ đệ do ta và Ninh trang chủ thu nhận, đi theo chúng ta đã ba năm. Cách đây vài ngày Tiêu tra xét sổ sách có đưa ra mấy kiến nghị, ta nhìn qua thấy rất tốt, vậy nên mới gọi các ngươi đến để tất cả cùng học tập rồi sửa chữa lề lối làm việc."
Ta kinh ngạc nhìn vị thiếu niên kia, chẳng lẽ Đại trang chủ để hắn xem qua sổ sách sao? Hắn tuổi đời còn nhỏ thì sao có thể hiểu biết mấy chuyện sổ sách này chứ. Đó toàn là các thứ phức tạp, hắn lại cứ không tự lượng sức mình, dẫu xem cũng chưa chắc hiểu được, nói gì đến đưa ra kiến nghị. Mà hắn rốt cuộc là đã đưa ra kiến nghị gì vậy? Ta nhìn bốn phía thấy ai nấy cũng có cùng một tâm trạng như mình. Ta hiểu rõ nếu những lời vị thiếu niên kia nói ra không được tốt ắt sẽ bị chê bai thậm tệ, bởi những người ở đây hoàn toàn không phải dễ lừa gạt.
Đột nhiên có tiếng nói thanh nhã vang lên. Đối với hắn, người khác dường như không có quá nhiều cảm tình nhưng hắn đối với đám đông xôn xao bên dưới tỏ ra như không thấy, chỉ chuyên tâm giải thích. Ta lúc đầu không mấy để tâm, nhưng nghe đến lúc sau thì không thể tự chủ mà đứng bật dậy. Mấy tiếng râm ran đàm tiếu nhỏ dần lại, mọi người bắt đầu tập trung sự chú ý nghe thiếu niên kia nói, à không, là giảng giải mới đúng. Mặc kệ những thứ râu ria khác không nói đến, ta thấy ít nhất kiến nghị đối với cách quản lý sổ sách thực sự là rất hay. Toàn bộ nếu làm theo lời công tử chỉ dẫn thì sẽ trở nên rõ ràng, những khoản thu vào, chi ra vừa xem đã hiểu được ngay, dẫu cho có kẻ muốn đυ.c nước béo cò cũng không phải dễ dàng. Thật là một tâm tư sắc bén mà, công tử vì sao lại nghĩ được đến chuyện này chứ?
Đã vậy công tử còn bất luận là thắc mắc của ai cũng cẩn thận từng chút một mà trả lời, chẳng lộ ra một chút mất kiên nhẫn nào. Ta đảo mắt nhìn sang Đại trang chủ chỉ thấy một vẻ mặt vừa hài lòng lại vừa kiêu ngạo. Ta lập tức hiểu ra Đại trang chủ thật sự rất thương yêu người đồ đệ này, lại nhớ đến nhị vị trang chủ đều là nam nhân và đều không có nhi tử nối dõi tông đường, vậy hẳn về sau sản nghiệp sẽ giao vào tay vị công tử này. Nhị vị chủ nhân chắc chắn đã xem công tử như nhi tử của mình rồi.
Chỉ một chút thời gian trôi qua, thái độ của mọi người đối với công tử đã có kính ý nhất định. Phần ta dù các chuyện khác chỉ hiểu được một ít, song cũng đã ghi nhớ nằm lòng cách thức cải tiến sổ sách. Ta thực âm thầm mong đợi xem sau này Hàn công tử sẽ mang đến cho chúng ta ngạc nhiên gì nữa đây.
–––
Lại đến mấy năm trước ta nghe theo sự phân phó của Đại trang chủ hộ tống công tử đến các nông trang thu lợi tức. Ta trong lòng quả có chút buồn bực, bởi lẽ ta dù gì cũng là chủ quản cả một bố trang thì sao lại bắt ta đi thu lợi tức chứ.
Đến nông trang đầu tiên, ta vừa xuống ngựa đã thấy quản sự nơi ấy ra đón chào, miệng cười cười mà thần thái có vẻ kiêu căng – "Công tử, người chờ cho một lát. Năm nay thời tiết không tốt nên sản lượng thu hoạch của nông trang có kém đi đôi chút. Tại hạ đã phái người đi thúc giục, xin công tử cứ yên tâm. Tại hạ nhất định sẽ khiến bọn người ngu xuẩn kia ngoan ngoãn giao nộp lợi tức ra. Công tử cứ ngồi tại đây, đừng bước ra bên ngoài kẻo cảm lạnh."
Công tử lại chỉ thản nhiên liếc người nọ một cái rồi quay sang ta hỏi – "Đỗ Quản sự có biết tá điền ở đây ngụ tại chỗ nào không?"
"Tại hạ biết. Thật ra là cũng không xa chỗ này lắm." – ta sửng sốt, vội đáp.
Công tử gật đầu – "Vậy làm phiền Đỗ Quản sự theo ta một chuyến."
Ta quả thực có chút oán hờn trong bụng. Hôm nay trời lạnh như vậy mà hắn lại bắt ép ta ra ngoài, chẳng phải cứ chờ ở đây là được rồi sao? Đằng này hắn cứ thế mà chạy loạn, cho dù là muốn lấy lòng Đại trang chủ cũng đâu cần ra sức đến thế chứ. Ta trong bụng dù phỉ báng muôn phần nhưng ngoài miệng vẫn phải nói – "Vậy công tử đi theo tại hạ."
Quản sự nông trang kia cuống quít lên vội đi theo, giọng nói có chút bất mãn – "Công tử vì sao lại làm thế? Người khinh thường năng lực làm việc của tại hạ sao? Đều là ở ngay trong trang thì từ từ mà đi thôi."
Công tử lạnh lùng quét mắt liếc người nọ – "Vội vã lên tiếng như vậy phải chăng là đã làm ra chuyện gì không hay sợ ta phát hiện?"
Vị Quản sự kia vẻ mặt càng lúc càng khó coi – "Công tử nói ra mấy lời này thật sự rất quá đáng mà. Tại hạ chỉ là có hảo ý sợ nơi ấy không được sạch sẽ khiến ngài bẩn mắt thôi. Ngài liệu vẫn cần đến đó sao?
Công tử vẫn chẳng thèm để ý gì đến hắn mà một đường thẳng về phía trước. Lúc đi đến chỗ tá điền ở thì thấy có vài người thần sắc tàn ác đang ngồi bên bàn. Có một người bước đến van xin gì đó liền bị chúng tống cho một cước văng ngược trở ra – "Còn chưa cút đi sao? Ta xem khuê nữ của nhà ngươi có phải chăng là mặt mũi xấu xí không? Nếu không thì mau mang dâng ả đến cho Cửu gia chúng ta, biết đâu Cửu gia lại chẳng vì vậy mà tha cho ngươi." – rồi chúng cùng bật cười ha hả.
Ta chẳng kịp nhìn rõ động tác của công tử, chỉ thấy được cái tên vừa lên tiếng bị ném ra ngoài rơi thẳng xuống mặt đất, vì đau đớn mà kêu trời kêu đất. Ta nhìn xuống thì phát hiện trong tay công tử lúc này là một chiếc roi đen nhánh. Công tử chẳng đợi ta thu hồi ánh mắt đã hỏi ngay – "Cửu gia là ai vậy?"
Quản sự kia trên trán bắt đầu mồ hôi lấm tấm – "Cửu gia là mọi người tùy tiện gọi thôi, công tử đừng chê cười."
Mấy tên nô tài kia đang vọt lại chỗ bọn ta thì thấy Quản sự của mình, liền khựng lại hành lễ rồi cáo trạng. Cửu gia đầu đầy mồ hôi, không ngừng nháy mắt làm hiệu, đáng tiếc bọn người kia đều vụng về chẳng nhận ra ý tứ, cứ thế mà lời lẽ tuôn ra. Rồi bọn tá điền cũng quỳ xuống cầu xin hắn ta.
Công tử trước sau vẫn im lặng lắng nghe khiến ta có chút bất an chẳng biết người đang nghĩ gì trong đầu. Miên man nghĩ mãi một lúc thì nghe được giọng nói của công tử – "Nguyên lai Cửu gia là người uy quyền đến thế, chẳng trách nô tài, tá điền ở đây chỉ biết có mỗi Cửu gia."
Lúc này Cửu gia đã không còn lấy một chút khí thế kiêu căng mà chỉ cười nịnh nọt – "Haha, công tử nói lời này khác nào muốn gϊếŧ tại hạ, tại hạ nào dám."
Công tử lãnh đạm nhìn hắn một cái rồi cúi người đỡ một tá điền đang quỳ trên mặt đấy dậy – "Lão nhân gia mời đứng lên, lúc này đang là lúc trời đông giá rét, cẩn thận kẻo cảm phong hàn."
Tá điền kia run rẩy nhìn Cửu gia rồi lại nhìn công tử, bất giác hiểu ra vấn đề gì đó liền ôm chặt lấy công tử nước mắt giàn giụa – "Tiểu công tử xin hãy cứu chúng tiểu nhân."
Công tử đỡ tá điền đó ngồi xuống, chậm rãi trấn an mọi sự đều có người làm chủ. Sau đó chúng ta rốt cuộc cũng minh bạch Cửu gia ở nơi này đã làm những chuyện gì. Hắn quả nhiên cho rằng "Hoàng đế ở xa" nên mới dám lớn mật làm càn sao? Ta căm giận nhìn hắn, lại thấy hắn đã sớm run rẩy như lá khô trước gió. Công tử nghe xong câu chuyện liền nhìn về phía Cửu gia – "Ngươi còn gì muốn biện hộ không?"
Cửu gia ngay tức khắc quỳ rạp trên mặt đất, mặt mũi trắng bệch cả ra – "Công tử, tiểu nhân không dám đâu."
Công tử chẳng nói gì, chỉ bình tĩnh chăm chú nhìn hắn. Thời gian cứ thế trôi đi, chợt nghe có một xú hương[2] thoảng ra khiến ta vội vàng lấy tay che mũi lại. Hoá ra Cửu gia kia đã sợ đến mức són cả ra quần. Chà, một khi đã không có gan hùm thì vì cái gì lại làm chuyện ngu xuẩn đến vậy? Công tử cũng hơi nhíu mày, xoay một vòng sắp đặt mọi chuyện.
"Thôn trang này là do ngươi trông nom, phạt ngươi nửa năm tiền công để ghi nhớ cho kỹ. Đối với những chuyện ngươi đã làm thì phải đền bù thế nào, hẳn không cần ta dạy. Tá điền nơi này hết thảy tô tức đồng loạt giảm đi một nửa, ngươi cũng tự lo liệu đi. Thủ hạ của ngươi rất biết cách cáo mượn oai hùm, ta xem cũng tốt lắm. Bọn chúng sở dĩ có thể diễu võ giương oai đều là do được ngươi dung túng mà làm càn. Ngươi đừng nghĩ đến lúc xảy ra chuyện thì có thể trốn tránh, bởi nếu không có sự đồng ý của ngươi thì bọn chúng có dám tác oai tác quái không? Nhớ kỹ, nếu để ta phát hiện ra ngươi tái phạm lỗi lầm, dù là nhỏ nhặt thì kết quả ra sao ngươi cũng biết rõ, phải không?"
Cửu gia chỉ một mực dập đầu quỳ lạy trên đất xin vâng theo.
Đột nhiên ta cảm thấy công tử thực có chút đáng sợ, uy phong lẫm liệt vô cùng.
Còn lại mấy thôn trang khác công tử đều thưởng phạt công minh chứ không phải là lấy sự phục tùng của người khác làm vui. Ta ở một bên nhìn vị quản sự này sợ hãi, vị quản sự kia cảm kích thì đột ngột hiểu được ý tứ của Đại trang chủ. Đây hẳn là ngài muốn công tử thay ngài lập uy, nếu không đã chẳng bảo người đi thu lợi tức. Mà ta dẫu gì ở Thanh Liên sơn trang cũng có chút uy tín và danh dự, vậy nên cho ta hộ tống là vạn nhất phòng trường hợp công tử không chấn chỉnh nổi mấy người đó thì còn có ta để mà dựa vào. Chỉ là ta chợt thấy buồn cười với chính mình, bởi công tử sao lại cần đến ta chứ. Phải công nhận rằng so với cách đối nhân xử thế của công tử thì đến một kẻ trưởng thành là ta đây còn theo không kịp. Người đối với tá điền luôn dùng ngữ khí ôn hoà cũng đã là nằm ngoài dự kiến của ta chứ đừng nói đến việc giảm tô giảm tức. Có thể nói lần này trong mắt bọn tá điền thì công tử đã trở thành thần nhân rồi. Nếu đây quả thật là dụng ý của Đại trang chủ thì mục đích đã sớm đạt thành.
–––
Đến lúc sắp vào mùa hạ, cũng là lúc đưa các thứ sổ sách về sơn trang báo cáo thì ta được hay tin nhị vị trang chủ đã xuất môn, mọi việc đều giao cho công tử xử lý. Ta đang cầm sổ sách vào thư phòng thì thấy có một nhân dạng gầy yếu ngồi ở sau bàn viết. Người đó nghe thấy động thì ngẩng mặt lên lộ ra ý cười – "Đỗ Quản sự đến đấy sao? Mời ngồi! Lan nhi, mau dâng trà!"
Ta lần đầu tiên thấy công tử cười, thật khiến người đối diện này phải ngẩn ngơ mà. Thật không ngờ công tử khi cười lên lại đẹp như vậy, Lúc công tử không cười thì khiến cho người ta cảm thấy người nhạt nhòa như một đoá bạch liên, còn lúc cười thì lại mang đến cảm giác mây mù tách ra để mặt trời hé ửng.
Công tử hơi nhíu mày khó hiểu nhìn ta, ta mới chợt nhận ra mình đã có chỗ thất thố. Ta vội vã nói – "Công tử, đây là sổ sách mấy tháng vừa qua, hết thảy đều dựa theo phương pháp cải tiến của công tử chỉ dạy mà làm. Thỉnh công tử xem qua."
"Chà, đã làm phiền Đỗ Quản sự rồi." – công tử im lặng nhận sổ rồi tính toán chi đó bằng bàn tính, có vẻ không được thành thục lắm. Ta ngồi một bên tựa hồ nghe thấy được tiếng công tử thở dài. Đưa mắt nhìn lại thì thấy người vẫn đang nhìn vào sổ sách cố gắng dùng bàn tính để tính. Ta bất chợt cảm thấy âu lo. Chẳng lẽ công tử đối với bố trang do ta quản lý có điểm không hài lòng sao? Nếu không thì vì sao lại thở dài ngao ngán đến thế?
Vậy nên ta vội vàng hỏi dò – "Công tử, có phải chăng có chuyện gì khiến người không hài lòng về bố trang?"
Công tử ngẩng đầu lên nhìn ta có chút nghi hoặc sau đó mới ồ lên một tiếng, hai mắt lập tức ngập tràn ý xin lỗi – "Không phải! Đều là do ta không quen dùng bàn tính cho nên mới thở dài khiến Đỗ Quản sự hiểu lầm." – Lời vừa nói ra thì mặt đã đỏ bừng lên xấu hổ.
Sau đó lại nói tiếp – "Đỗ Quản sự cứ trở về nghỉ ngơi trước. Sổ sách này không phải cứ một lúc là ta sẽ xem xong ngay. Vậy chờ ta xem xong sẽ cho người mang đến hoàn trả cho Đỗ Quản sự."
Ta kích động đứng lên thở dài rời đi, lòng chỉ mong công tử không nhận ra ta mới rồi đã nhìn người đến mức ngây dại cả người.
Mấy ngày sau ta trở lại bố trang thì thấy sổ sách đã được đặt đâu đó tề chỉnh trên bàn. Ta gọi tiểu nhị đến hỏi thì được biết là do một thiếu niên đưa đến. Thiếu niên sao? Chẳng lẽ là công tử? Ta tiếp tục truy hỏi người đó ra sao thì tiểu nhị chỉ tay ra ngoài bảo người đó đang xem vải dệt. Ta vội vén tà áo bước ra, quả nhiên là công tử đại giá thân chinh. Ta tiến ra đón, chắp tay hành lễ:
"Công tử!"
Công tử ngẩng lên gật đầu đáp lễ, trên mặt còn vương nét mỏi mệt, nhưng đôi mắt vẫn trong trẻo thanh khiết như muốn mang tất thảy mệt mỏi xua đi. Công tử tùy ý hỏi – "Bây giờ đã vào hạ rồi sao còn không thấy có các loại vải mỏng một chút?
Ta cười bảo – "Công tử người nhìn xem, là ở ngay bên cạnh mà."
Công tử nhìn một chút rồi dùng tay sờ qua một lượt – "Loại này khá mỏng, nhìn tốt đấy. Còn loại nào tốt hơn nữa không?
"Có, đều ở phía sau cả."
Công tử nhíu mày, phân phó ta mang các loại vải sắp xếp lại, vải kém thì để ở hậu đường, còn mấy loại tốt thì trưng ra phía trước. Ánh mắt người đảo qua chỗ một tiểu nhị, chỉ vào một loại vải, căn dặn ta làm cho tất cả tiểu nhị một bộ xiêm y đồng dạng, bảo bọn họ lúc làm việc thì mặc vào, vừa hay là một cách tuyên truyền. Ta tuy nghe không thật hiểu rõ tuyên truyền là nghĩa gì nhưng ta biết chỉ cần làm theo những gì công tử sắp đặt là tốt rồi.
Sau đó công tử đi phường quay sợi. Lúc này tuy chỉ mới vào hạ nhưng không khí trong phường đã vô cùng oi bức, công tử vào đó chỉ trong chốc lát đã nóng đến mức đỏ cả mặt mày. Thực sự thì ta thấy công tử như vậy rất có khí chất. Nhiều vị phưởng nương cũng ngẩng đầu trộm nhìn vẻ đẹp của vị công tử nho nhã này. Công tử lại nhíu mày nói với ta:
"Nơi này cần phải được tu sửa lại. Đỗ Quản sự nhìn xem, ánh sáng không đủ, ban ngày ban mặt mà chẳng thể nhìn rõ cái gì, còn không khiến mắt người ta sớm hỏng đi sao? Nóc nhà phải làm vài cái cửa sổ, mang vải dầu trong suốt đắp lên thì ánh sáng sẽ tập trung nhiều vào. Trên tường cũng phải trổ vài cái cửa sổ để những ngày nóng bức có thể mở ra để đón gió. Bây giờ mới chỉ đầu hạ mà đã nóng đến thế này thì đến giữa hạ biết phải làm sao. Đến đúng mùa hạ thì nên căn dặn nhà bếp làm chút đậu xanh thang để giải nhiệt, kẻo không sẽ dễ sinh bệnh."
Bọn nữ nhân trong phường sợi đều kinh ngạc nhìn công tử. Ta có thể cảm nhận thấy tất thảy đều là ánh mắt cảm kích. Mà bọn họ dẫu có mang lòng sùng kính thì cũng phải thôi, bởi lẽ một chủ tử có thể suy nghĩ cho người làm công, trên đời này quả thực rất ít.
–––
Thời gian nhoáng cái đã là bốn năm trôi qua. Trong bốn năm đó năng lực của công tử cùng với thái độ khiêm tốn đã dần thuyết phục tất thảy mọi người. Các quản sự của sơn trang đều nhất mực tôn sùng công tử. Âu là nhờ trí tuệ của công tử mà nhị vị trang chủ cũng được hảo phúc khí.
Sau đó Đại trang chủ phân phó ta đi Hoài Anh thành lập một bố trang. Ta trước khi đi có đến từ biệt công tử. Lúc đó người đang đứng ngắm lá rơi đến không chớp mắt, toàn thân như tỏa ra nét thanh lịch nhưng quanh người lại uẩn nhiễu một vẻ thản nhiên cô tịch, giống như thể vết mực đọng lại trên giấy Tuyên Thành thượng hạng, từng chút, từng chút một loang dần ra. Ta không khỏi cảm khái trong lòng. Không biết ai có thể xua đi ánh mắt tịch mịch của công tử đây.
Ta cứ thế mà hành lễ rồi thỉnh giáo công tử đối với việc thành lập bố trang có gì chỉ dạy không. Công tử im lặng lắng nghe, chậm rãi cùng ta nói vài câu. Thật ra là không có gì nhiều nhưng cũng đủ để ta hiểu ý tứ của người. Công tử thường không can thiệp quá sâu vào chuyện của người bên dưới. Kẻ dưới chỉ cần giữ nghiêm quy củ thì có thể tự do mà làm việc, còn nếu để tay chân nhúng chàm, lại có thái độ bằng mặt không bằng lòng thì công tử chắc chắn sẽ thay người khác. Công tử giống như là có hỏa nhãn kim tinh, chỉ cần nhìn là có thể thấu suốt tâm tư người khác. Một người như thế sẽ mệt mỏi lắm, chẳng trách người cứ mãi ủ rũ không thôi.
–––
Ta đến Hoài Anh lo chọn lựa địa điểm, thuê mướn nhân công. Dựa theo lời công tử thì Tích Hoa Các lấy chất lượng vải dệt loại bình thường là chủ yếu, chú ý giảm bớt các phí tổn không cần thiết, lúc khai trương phải hướng đến những người sinh sống đã lâu xung quanh đó mà tuyên truyền. Hiệu quả thật chẳng giống bình thường. Ngày khai trương người đến mua vải xếp thành một hàng dài khiến bọn tiểu nhị đều phải chạy đến hụt cả hơi. Giá cả đưa ra hợp lý, công tử lại còn dặn dò hễ ai mua ba thước thì tặng thêm một thước. Việc này thì công tử quả nhiên nhìn thấy tâm tư ham muốn của con người mà. Liên tục cứ thế nửa tháng thì thanh danh của Tích Hoa Các lan truyền đi xa. Đối với khách nhân thì dẫu cho là có tiền hay không, là đến mua hay chỉ đến xem hàng thì bọn tiểu nhị theo lời căn dặn đều phải tươi cười đón tiếp, tận tình giải thích phục vụ. Quá nửa số khách nhân đến đều trở lại, mà thường là mua trước một lần rồi lại dẫn thêm tân khách đến. Ngẫm lại thì công tử quả nhiên giỏi suy tính, khiến ta đây bội phục vạn phần.
Chớp mắt lại thêm một năm trôi qua. Vào một ngày tháng ba, ta nhận được thư của Đại trang chủ mới biết công tử đã đến Hoài Anh, đang ngụ ở Vũ Duệ Vương phủ. Ta đây thật kinh ngạc vì công tử đã đến Hoài Anh thì sao còn chưa đến Tích Hoa Các, sau đó liền nghĩ đến việc công tử ngụ tại Vũ Duệ Vương phủ. Ta từ nhỏ đi theo hầu hạ Đại trang chủ đương nhiên là biết ngài cùng Vũ Duệ Vương gia có quan hệ chi giao. Phải chăng bên trong còn có sự tình gì mà ta chưa biết? Ta lại càng tò mò chẳng biết công tử hiện giờ ra sao rồi. Ta quyết định ôm sổ sách đi gặp Vũ Duệ Vương gia, nói là có chuyện muốn gặp công tử.
Vũ Duệ Vương gia nhìn ta hơi nhếch miệng cười. Ngài hôm ấy vận một bộ bạch y toát ra sự đẹp đẽ, quý phái, cao nhã. Ta chợt có suy nghĩ nếu công tử thật sự ở bên Vũ Duệ Vương gia hẳn là sẽ tốt?
Ta theo Vương gia đến phủ, ngồi tại thư phòng chờ công tử. Qua hồi lâu thấy công tử đẩy cửa tiến vào, trên người lại đang khoác chiếc áo choàng ban nãy vốn ở trên người Vương gia. Công tử không cười, nhưng nhìn kỹ thì thấy trong ánh mắt kia sự tịch mịch đã có phần phai nhạt đi, chỉ có điều sự ủ rũ vẫn còn tràn đầy. Công tử rốt cuộc trong lòng đang chất chứa những điều gì mà lại trông mỏi mệt đến thế? Ta cười hỏi xin chủ ý của công tử, thật ra cũng chỉ vì muốn có một lý do đến gặp người mà thôi. Công tử ngồi im lặng nghe hết lời ta rồi cùng ta bàn bạc cả một buổi. Ta càng nghe càng bội phục, hóa ra công phu của công tử còn rất nhiều điều chưa dùng đến.
Sau đó Hình Quản sự theo điều động của công tử từ Du Thư đến hỗ trợ cho ta. Hai chúng ta cùng chung tay chung sức, cố gắng nhanh chóng trong vòng một tháng hoàn thành nhiệm vụ công tử giao phó. Trong lúc công tử chưa thể đến xem qua thì cũng đã phái thị đồng thân cận là Trà Chúc đến nói với ta vài chuyện, đại để trong lúc tu sửa thì đồng loạt hạ giá vải chút ít, chủ yếu là để cho các khách nhân trong thời gian này đến chọn lựa mua hàng mà cảm thấy bất tiện được bồi thường. Cứ như vậy dù là tu sửa có nhiều phiền phức thì Tích Hoa Các vẫn tiếp tục buôn bán sinh lời.
Đến lúc hoàn công[3] thì công tử đến xem, đối với cách bố trí của tầng hai bỏ ra vài giờ chỉ dẫn, thật khiến mọi thứ trở nên mới mẻ độc đáo, hẳn các vị phu nhân, tiểu thư danh gia vọng tộc sẽ rất thích. Ta liên tục đáp lời công tử, tựa hồ cảm thấy Tích Hoa Các sắp tới tiền tài sẽ cứ thế cuồn cuộn chảy vào. Sau khi phân phó tiểu nhị làm một số việc xong xuôi, ta quay lại thì thấy công tử đang đứng ở cửa sổ phía trước nhìn ra ngoài. Ánh mặt trời theo lối cửa sổ chiếu vào, đổ tràn sắc vàng lên người công tử, dựng ra một mảnh quang ảnh, càng khiến người phát ra vẻ phong tư tuấn tú, xinh đẹp nho nhã xuất trần. Ta lại một lần nữa ngây mặt ra mà ngắm nhìn người.
[1] thương hải tang điền : 蒼海桑田, đây là một từ cổ dùng trong văn học chỉ những sự thay đổi lớn lao như ruộng dâu biến thành biển xanh.
[2] xú hương : mùi hương khó chịu.
[3] hoàn công : hoàn thành công trình.