Thủ Tướng, Mời Xem Đơn Ly Hôn

Chương 10: Số Một Đường Jose (1)

Toàn bộ vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chìm trong bóng tối tĩnh lặng. Tô Linh mở toang cửa sổ, gió đêm vùng đồng bằng thốc vào, chỉ vài làn gió đã cuốn sạch mùi rượu nồng nặc trong căn phòng.

Đêm nay, bà uống cạn một bình rượu, còn gọi điện thoại cho Thâm Tuyết.

Bà cũng không biết mình uống rượu vì háo hức sau cuộc trò chuyện với Thâm Tuyết, hay đang lo lắng day dứt vì chuyện cũ mà Donna gợi lên.

Lo lắng day dứt, vì Thâm Tuyết.

Sáu bức ảnh chụp trong công viên rừng chứng tỏ Thâm Tuyết đã rung động rồi, không khác gì mấy "cô nàng ngớ ngẩn" mà trước đây cô bé vẫn thường hay nhắc đến.

Trước đây, Tô Thâm Tuyết thường lén gọi những cô gái si mê Utah Tụng Hương là "cô nàng ngớ ngẩn".

Không ít "cô nàng ngớ ngẩn" chỉ mất vài giây lướt qua một tấm poster hay hình ảnh trên truyền hình... mà trúng tiếng sét ái tình với Utah Tụng Hương.

Người thích Utah Tụng Hương thì rất nhiều, nhưng Utah Tụng Hương thì chỉ có một, phải ngớ ngẩn đến mức nào mới ngây thơ đi giành giật lấy một xác suất siêu nhỏ kiểu như "tôi thích anh, anh cũng thích tôi."

Đó là cách mà Tô Thâm Tuyết giải thích về biệt danh "cô nàng ngớ ngẩn" cô đặt cho họ.

Từ trước đến nay số phận luôn là một cậu bé ngỗ ngược, vung tay một cái, liền đẩy luôn xác suất ấy đến trước mặt chính người đã tuyên bố hùng hồn trước kia. Đáng tiếc là, với tình hình trước mắt, xác suất này mới chỉ đạt được một nửa điều kiện cần - "Tôi thích anh".

Sáu bức ảnh kia được chụp trong ngày hội Tết trồng cây năm nay. Tô Thâm Tuyết và Utah Tụng Hương cùng tham gia các hoạt động cộng đồng, một nữ sinh dùng điện thoại di động chụp trộm, rồi đăng ảnh của họ lên mạng xã hội.

Chưa đầy một phút sau, điện thoại của nữ sinh đó reo vang, là phòng Quan hệ Công chúng Hoàng gia Goran gọi tới.

Trong nháy mắt, không thể tìm thấy những bức ảnh này trên mạng xã hội được nữa, điện thoại di động của nữ sinh kia cũng bị tịch thu. Khi điện thoại được trả về, những hình ảnh của Nữ hoàng và Thủ tướng đã biến mất không còn dấu vết.

Cô nữ sinh kia chỉ tiện tay chụp vài tấm ảnh, cô tin rằng đến cả Tô Thâm Tuyết và Utah Tụng Hương còn chưa kịp nhìn thấy bức nào. Nhưng qua những gì được truyền tải trong những bức ảnh kia, thì bất kỳ ai có kinh nghiệm tình trường chỉ cần nhìn qua là biết chuyện gì đang xảy ra.

Chẳng hạn như, những bức ảnh Thủ tướng đang nhìn Nữ hoàng chắc chắn sẽ được phát tán rộng rãi. Người lớn sẽ chỉ vào đôi nam nữ trong ảnh và nói với con cái của họ rằng: "Con yêu, con xem kìa, trong mắt Nữ hoàng và Thủ tướng của chúng ta chỉ có nhau."

"Nữ hoàng và Thủ tướng thật lòng yêu nhau, tôi tin rằng chúng tôi cũng sẽ được như họ, ở bên nhau tới khi đầu bạc răng long." Đây chắc chắn sẽ là điều mà những cặp đôi chuẩn bị bước vào lễ đường kết hôn hy vọng mong chờ.

Người dân Goran đi trên đường sẽ thì thầm xuýt xoa với những người bạn mới quen: "Nữ hoàng và Thủ tướng của chúng ta có một tình yêu thơ mộng như cổ tích. Đây chính là câu chuyện cổ tích ở thế kỷ hai mươi mốt."

Thế kỷ hai mươi mốt ngày nay.

Nhiều người không quản đường sá xa xôi đến Goran, không chỉ vì phong cảnh tuyệt đẹp ở đây, mà còn vì chuyện tình như cổ tích giữa Nữ hoàng và Thủ tướng. Ngôi trường mà họ từng theo học, công viên họ từng ghé qua, nhà hàng mà họ yêu thích, rồi cả những con đường họ từng đi qua cũng sẽ được quy hoạch thành địa điểm du lịch.

Đây chính là lí do tại sao không thể công khai những bức ảnh chụp trong ngày Tết trồng cây ấy.

Một người bạn cũ hiện đang là nhân viên cấp cao của phòng Quan hệ Công chúng Hoàng gia Goran đã gửi những bức ảnh này cho Tô Linh. Lúc ông ta gửi những tấm ảnh này đến tay bà còn dặn dò cẩn thận, tuyệt đối không được để những bức ảnh này rò rỉ ra bên ngoài.

Có lẽ, ông ta cũng nhận ra được điều gì đó.

"Đừng lo, Thủ tướng là một người vô cùng thông minh." Ông ta nói.

Câu này đại khái có ý là, người thông minh sẽ không làm những chuyện dại dột.

"Tôi tin rằng, Phu nhân Thủ tướng của Goran sẽ là người được rất nhiều phụ nữ ngưỡng mộ, bởi vì Thủ tướng sẽ một lòng chung thủy với người đó." Người này lại nói tiếp.

Điều này thì Tô Linh tin.

Trong cuộc chiến ngầm của gia đình Utah, người con trai trưởng này luôn âm thầm rèn giũa cọ xát để lật đổ cha mình. Đương nhiên anh sẽ trở thành một người chồng chung thủy, bất kể bạn đời của anh là Tô Thâm Tuyết, Hathaway, hay bất kỳ cô gái nào khác.

Cựu Thủ tướng Utah Tụng Khinh, cha đẻ của Utah Tụng Hương, là một người nổi tiếng ga lăng với phụ nữ.

Nói ga lăng cho bóng bẩy, còn nói thẳng thừng ra thì chính là đào hoa.

Vậy mà, người đàn ông có trái tim nhiều ngăn như Utah Tụng Khinh lại gặp gỡ và yêu Horns, một người phụ nữ tôn thờ tình yêu đích thực.

Cô gái đó chính là mẹ của Utah Tụng Hương.

Vào ngày kỷ niệm ngày cưới, mẹ Utah Tụng Hương đã kết liễu cuộc đời mình bằng một mảnh thủy tinh. Người đầu tiên phát hiện ra bà trong bồn tắm chính là Utah Tụng Hương.

Năm đó, Utah Tụng Hương tám tuổi.

Vào ngày diễn ra tang lễ của mẹ, có người nghe thấy Utah Tụng Hương nói với cha mình một câu: "Từ giờ trở đi, Utah Tụng Khinh chính là kẻ thù của tôi trong suốt cuộc đời này."

Bất kể là trước hay sau cái chết của vợ mình, Utah Tụng Khinh vẫn luôn là nhân vật quen thuộc trên các kênh báo lá cải. Có rất nhiều phụ nữ dính tin đồn tình ái với ông, từ các vũ công cho đến bạn bè của vợ ông.

Bất mãn với lối sống này của Utah Tụng Khinh, Utah Tụng Hương nhất nhất hướng bản thân mình trở thành một người chồng chung thủy, để đối nghịch và nhạo báng những hành vi phóng đãng của cha mình:

Này, ông bạn già, nhìn đi, để có thể trở thành cặp vợ chồng một lòng một dạ với nhau đâu phải chuyện khó. Đừng có dùng những lời nói bay bướm phù phiếm để tung hô bản thân là người đào hoa. Chẳng qua là ông bạn không kiềm chế nổi "thằng nhỏ" của mình, đơn giản vậy thôi.

Có tin tức cho hay, vì không chịu nổi sự đau khổ từ thực tế "Utah Tụng Hương đã kết hôn, nhưng cô dâu không phải tôi", Vivian Healther bị cưỡng chế điều trị và đưa vào viện tâm thần.

Trong thời gian đó, người đứng đầu dòng họ Healther vì xót con gái yêu, nhiều lần cầu cạnh Utah Tụng Hương đến gặp Vivian, nhưng vô ích.

"Tôi là người đã có vợ, người yêu cũ đã là quá khứ rồi."

Đây là cách mà Utah Tụng Hương thể hiện sự chung thủy của mình với vợ.

Nhưng… chung thủy chưa hẳn đã là tình yêu, mà điều Tô Thâm Tuyết thiếu, lại chính là tình yêu.

Vì tình yêu này, mà cô bé trở thành Nữ hoàng của Goran.

Tô Linh khẽ thở dài, kéo ghế ngồi trước giường, ngắm nhìn cô con gái đang say ngủ. Cô bé đang giận dỗi vì cho rằng bà có thành kiến với ngài Thủ tướng của cô bé.

Thành kiến ư? Có lẽ là vậy.

Nếu không phải vì Thâm Tuyết, thì chỉ cần nhắc đến cái tên Utah Tụng Hương thôi, có lẽ Tô Linh cũng giống như bất cứ người dân Goran nào khác, đều hãnh diện vì có vị Thủ tướng ưu tú tài giỏi như vậy.

Xét về năng lực và hay diện mạo cao ráo tuấn tú, anh đều hoàn hảo.

"Ngài Thủ tướng của chúng ta là độc nhất vô nhị", đây chính là câu cửa miệng của đa số người dân Goran.

Vào đêm trước khi rời Goran để tới London, Utah Tụng Hương đã tuyên bố: "Ngày trở về, tôi hy vọng có thể trở thành một bất ngờ của mọi người."

Khi người dân Goran gặp lại Utah Tụng Hương, đâu chỉ là bất ngờ.

Những năm Utah Tụng Hương rời khỏi Goran chính là thời kỳ con đường chính trị của Utah Tụng Khinh rộng mở thênh thang.

Utah Tụng Khinh thực hiện đúng cam kết "Đưa Goran hướng ra thế giới" được ông ta tuyên bố trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Ông ta đưa đất nước Goran với phong cảnh đẹp như tranh vẽ trở thành một quốc gia phát triển mạnh về du lịch. Hàng hóa "made in Goran" được bày bán trong các gian hàng ở trung tâm thương mại tại các thành phố lớn. Những nhân tài ưu tú tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng ôm ấp ước mơ được đến Goran. Các nhà đầu tư lớn mang cả tập séc đổ xô tới Goran.

Lãnh đạo hàng đầu của Ngân hàng thế giới và Tổ chức thương mại thế giới đã phát biểu công khai rằng, nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Goran đã đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Đương nhiên, khẩu hiệu "Đưa Goran hướng ra thế giới" của Utah Tụng Khinh cũng mang đến một số hệ lụy.

Chính sách nhập cư lỏng lẻo cho phép một lượng lớn dân nhập cư được nhập cảnh vào Goran. Lực lượng dân nhập cư này cũng gián tiếp cho thấy nền tảng an ninh trật tự non yếu của Goran. Những vụ cướp giật, hϊếp da^ʍ, nổ súng hàng năm tăng lên năm mươi phần trăm.

Vào năm thứ tám trong nhiệm kỳ Thủ tướng của Utah Tụng Khinh, tại Lễ hội mùa Xuân của Goran, một người dân nhập cư gốc Phi đã mua một khẩu súng cùng hai trăm viên đạn rồi xách đến một thị trấn ven hồ phía Đông Goran. Một cuộc xả súng đã nổ ra, nhắm vào những cư dân còn đang say ngủ nơi đây. Tám mươi bảy người dân bất hạnh bị thiệt mạng, trong đó có tám trẻ em và hai phụ nữ mang thai.

Sáng hôm sau, kẻ nhập cư gốc Phi này ung dung mang những thi thể ngập ngụa máu ném xuống Blue Lake – vốn được mệnh danh là hồ nước tự nhiên đẹp nhất Goran. Xong xuôi, hắn ngồi bên bờ hồ, châm thuốc hút, rồi nhàn nhã đăng tải toàn bộ quá trình gây án của mình lên mạng xã hội, từ lúc mua súng ở cửa hàng, cho tới khi kết liễu người xấu số cuối cùng trong thị trấn bằng một viên đạn xuyên qua đầu.

Vụ nổ súng xảy ra vào mùa Xuân năm ấy được gọi là "Sự kiện Blue Lake."

"Sự kiện Blue Lake" đã làm thế giới chấn động.

Rất nhiều sự thật được hé lộ qua quá trình điều tra. Hung thủ đã xả súng sát hại tám mươi bảy mạng người kia là một kẻ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng. Trước đó, hồ sơ xin nhập cảnh của hắn đã bị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Úc từ chối.

Kẻ này chỉ mất vỏn vẹn bốn mươi ngày để được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Goran chấp nhận. Đáng nói hơn, mười tiếng đồng hồ trước khi gây án, tên tội phạm này đã đăng kế hoạch tàn sát tỉ mỉ của mình lên mạng xã hội.

Đáng chú ý nhất là hắn dễ dàng mua được một khẩu súng cùng hai trăm viên đạn chỉ nhờ vào thẻ căn cước.

Tại Goran, sưu tầm súng là một trào lưu thời thượng, điều này dẫn đến sự phổ biến của súng đạn. Ngay cả khi Luật pháp Goran quy định: một người trưởng thành cần phải có giấy phép sử dụng súng kèm theo giấy xác nhận sức khỏe tâm thần mới có thể mua súng một cách hợp pháp.

Khi tên hung thủ đến cửa hàng mua súng, nhân viên thu ngân chỉ hỏi qua loa xem hắn có giấy phép sử dụng súng và giấy chứng nhận sức khỏe không. Câu trả lời nhận được là: "Có, nhưng quên ở nhà." Nhân viên thu ngân không hề đắn đo, cứ thế để hắn ta thoải mái quẹt thẻ thanh toán.

Đoạn phim về quá trình gây án của hung thủ đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân Goran. Dân chúng hướng mũi dùi chỉ trích về phía Utah Tụng Khinh và các đơn vị sản xuất súng đạn. Utah Tụng Khinh phải đối mặt với các cáo buộc về thái độ thờ ơ trước sự xuống cấp của hệ thống an ninh Goran, cũng như lòng tham của các nhà sản xuất vũ khí đã gây nên cái chết của tám mươi bảy người dân vô tội.

Ngay lập tức, dư luận yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm Utah Tụng Khinh từ chức, đồng thời lập tức ra lệnh cấm sản xuất súng.

Mười ngày sau "Sự kiện Blue Lake."

Utah Tụng Khinh đưa ra cam kết: Cho ông ta sáu mươi ngày, ông ta sẽ thuyết phục Hiệp hội Quản lý súng, buộc tất cả các cửa hàng kinh doanh súng đạn tại Goran đóng cửa. Một khi không thực hiện được cam kết này, ông ta sẽ từ chức Thủ tướng.

Sáu mươi ngày sau, Hiệp hội Quản lý súng đệ đơn lên Quốc hội Goran để "Phản đối lệnh cấm vũ khí".

Hơn một nửa nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ tờ trình "Phản đối lệnh cấm vũ khí" này.

Utah Tụng Khinh buồn rầu từ chức, vị trí Thủ tướng lâm thời được trao cho Phó Thủ tướng.

Vào lễ tưởng niệm một trăm ngày diễn ra "Sự kiện Blue Lake", một sự kiện bất ngờ đã xảy ra.

Chủ tịch Hiệp hội Quản lý súng cùng mười nghị sĩ cầm trên tay một cành ô liu tượng trưng cho hòa bình, đứng trước ống kính truyền hình, cùng nhau đưa ra lời thề: Kể từ giờ phút này, bọn họ sẽ nỗ lực hết mình theo tôn chỉ "Không để mảnh kim loại nào rơi trên lãnh thổ Goran".

Những thước phim được phát sóng trên truyền hình ghi trọn những biểu cảm khó tin trên gương mặt của những nhân vật này.

Tại Goran, mười bốn phần trăm nguồn thuế là từ ngành sản xuất vũ khí súng đạn, thêm vào đó, hai gia tộc lớn Julie và Healther nắm giữ một phần ba cổ phần vốn sản xuất vũ khí, do đó Hiệp hội Quản lý súng tại Goran được xem là một thể chế độc lập.

Thể chế này có thể không cần thông qua Thủ tướng, mà trực tiếp đối thoại với Quốc hội.

Mười bốn phần trăm thuế của Goran đến từ ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn. Không cần nghĩ cũng biết, lợi nhuận trung gian từ miếng bánh này lớn đến nhường nào. Vậy mà một tổ chức lại có thể từ bỏ món lợi nhuận khổng lồ như vậy được sao?

Điều này mới nghe qua cứ như là chuyện đùa.

Trước mặt rất nhiều người, chủ tịch Hiệp hội Quản lý súng kéo tay một chàng thanh niên mặc áo sơ mi trắng từ phía sau lên đứng tại vị trí trung tâm.

"Cậu ta đã thuyết phục được tôi, và tất cả mọi người chúng tôi." Chủ tịch Hiệp hội Quản lý súng chỉ vào người thanh niên ấy và nói.

Tất cả ánh mắt của mọi người đều tập trung vào chàng trai trẻ đó.

Ngày ấy, một nhà văn cũng tham gia lễ tưởng niệm một trăm ngày "Sự kiện Blue Lake" đã tả người thanh niên ấy như thế này:

Vóc người cao ráo và dáng đứng thẳng tắp là ấn tượng đầu tiên về chàng thanh niên này. Cậu ta có một vóc dáng đẹp, lại khoác trên mình chiếc áo sơ mi sáng sủa, cộng thêm kiểu tóc gọn gàng, càng dễ dàng chiếm thiện cảm từ người đối diện. Ngắm nghía kỹ khuôn mặt ấy trong ấn tượng thiện cảm này, sẽ nhận ra đây là một gương mặt Á Đông đáng kinh ngạc. Những đường nét sắc sảo và tuấn tú sẽ khiến bạn nhận định rằng cậu ta là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho danh xưng "đứa con của những vị thần" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dưới ánh mặt trời rực rỡ của Goran, đôi mắt cậu ta sáng lấp lánh, vừa như một người đàn ông trưởng thành lại vừa như một cậu bé kháu khỉnh. Nếu như được ánh mắt đó dõi theo say đắm, có lẽ đến cả nữ tu cũng phải mơ mộng.

Nhân vật được nhà văn đó mệnh danh "đến cả nữ tu cũng phải mơ mộng" chính là Utah Tụng Hương.

Ba mươi ngày trước khi diễn ra lễ tưởng niệm một trăm ngày cho những nạn nhân trong "Sự kiện Lam Hồ", Utah Tụng Hương đã đến thăm hỏi từng người trong số những nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ tờ trình "Phản đối lệnh cấm vũ khí."

Trong lúc trả lời phỏng vấn, có nghị sĩ phát biểu: "Rõ ràng cậu ta đã có sự chuẩn bị trước, tôi hoàn toàn bị thuyết phục". Lại có người khác chia sẻ rằng: "Chàng trai trẻ đó dựa vào suy nghĩ và hiểu biết của bản thân để tôi có thể mở mang kiến thức về tác hại của súng đạn". Còn có người phát biểu như sau: "Cậu ấy đã tốn nhiều tâm sức, tôi đã bị sự chân thành của cậu ấy lay động".

Cũng có vị nghị sĩ không ngại ngần thuật lại: "Cậu thanh niên trẻ đó thật phiền, ngày nào cũng đến nhà giúp tôi chăm sóc tỉa tót vườn hoa. Cứ tiếp tục như vậy, tôi sẽ bị vợ tôi trở mặt coi là kẻ thù mất".

"Tại sao vậy thưa ngài?"

"Còn tại sao nữa, cậu thanh niên đó đẹp quá đi, mặt mũi sáng sủa, lại còn chăm chút vườn hoa đâu ra đấy. Khu vườn là tâm huyết của vợ tôi, anh hiểu ý tôi chứ?"

Lại còn có người tâm sự: "Tôi phải mau chóng đuổi cậu ta đi. Con gái lớn nhà tôi mới mười sáu tuổi, con gái nhỏ thì mới tròn mười bốn. Một đứa đang học cấp ba, một đứa sắp lên cấp ba, ngày nào cũng có một cậu trai tuấn tú như thế đến nhà, làm cho hai cô con gái nhà tôi không thể tập trung học hành được".

Là sự thật cũng được, là câu nói đùa cũng không sao. Tóm lại, Utah Tụng Hương đã thành công.