12.
Y hẹn, khi tuyết trắng phủ ngập khắp kinh thành, thám tử tư đi điều tra thân thế nhóc câm cuối cùng cũng trở lại.
Thám tử không đến thẳng nhà mà tới gặp thiếu gia ở sở làm. Vừa kịp lúc thiếu gia tan tầm, cả hai cùng nhau quay về nói chuyện.
Thiếu gia cũng thấy có chỗ hơi kỳ quái, thám tử rõ ràng có thể chọn điểm hẹn, trực tiếp đến nhà gặp anh là được, hà cớ gì phải lãng phí thời gian thế này? Song nghĩ lại thì cũng chẳng phải việc gì to tát, anh không để tâm nữa, cùng vị thám tử lần lượt bước lên xe kéo trở về nhà.
Ngày thường thiếu gia đi làm bằng xe hơi, hiềm nỗi hôm nay nhóc câm và cô gia sư lại muốn ra ngoài ngắm tuyết. Thiếu gia dẫu rằng cảm thấy cảnh sắc trong vườn hoa nhà mình cũng đẹp chẳng thua kém nơi nào, thế nhưng vẫn nhường tài xế và xe hơi cho hai người.
Ngoài cổng nhà, họ tình cờ chạm mặt nhóc câm và cô gia sư lúc này cũng vừa về đến nơi.
Từ đây tới nhà gia sư phải đi thêm một đoạn đường, thiếu gia phân phó tài xế đưa cô về. Cô gia sư xuống xe nói cảm ơn, chào từ biệt nhóc câm rồi nhanh chóng đi mất.
Thám tử nhìn theo chiếc xe hơi khuất dần trong tầm mắt, tò mò hỏi thiếu gia: “Vị này là…?”
“Gia sư dạy học cho em ấy.” Thiếu gia trả lời.
Anh tháo găng, đưa tay ôm khuôn mặt nhóc câm, phát hiện mới đứng ngoài xe một lát mà cậu đã lạnh toát. Trước kia khi mới được nhặt về, da mặt cậu hệt như miếng vỏ trái cây hong gió, lúc đầu ở trong phòng ấm thì nứt nẻ cả ra, tiếp đến bong tróc rơi lả tả. Nhóc câm hồi ấy sợ thiếu gia một phép, bị đau cũng chẳng có phản ứng, còn hay cậy gãi lung tung. Phải đến khi bị thiếu gia phát hiện cậu mới thôi không dám làm thế nữa. Thiếu gia dùng đồ dưỡng nhan của các bà các cô chăm chút cho cậu thật lâu, da mặt mới mịn màng lại đôi ba phần. Thế mà bây giờ đâu lại hoàn đấy.
Hôm nay ra ngoài làm loạn cả ngày, chắc chắn lại không nghe lời anh dặn mang theo mũ mão khăn quàng đây mà. Thiếu gia đau lòng chết đi được, vừa kéo cậu về phòng vừa sai gia nhân mang tuyết hoa cao tới.
(Tuyết hoa cao: Loại kem dưỡng da sản xuất tại Thượng Hải, đặc biệt nổi tiếng trong các thập niên 1930 – 1940. Gọi là tuyết hoa cao vì khi thoa lên sẽ nhanh chóng tan vào da như bông tuyết.)Thực ra nhóc câm đâu có thấy lạnh, trước đây cậu từng không biết bao nhiêu lần phải chịu đựng thứ giá rét còn khủng khϊếp hơn nhiều. Ngược lại hiện giờ đùm bọc lớp trong lớp ngoài, còn lạnh chỗ nào được? Cậu giãy nảy lên, dùng thủ ngữ cự tuyệt bàn tay thiếu gia, từ chối bôi lớp kem dưỡng nhờn dính lên da mặt.
Giở trò gì thiếu gia cũng mặc kệ, kẹp cậu giữa hai chân, một tay giữ chặt eo, tay kia tỉ mỉ thoa kem. Anh ái ngại nhìn vị thám tử: “Ngài chờ một lát được không? Để tôi bảo người đưa ngài lên thư phòng trước, còn…” Thiếu gia chưa dứt lời, nhóc con lại ngọ nguậy. Trên mặt có mấy chỗ kem chưa tán đều, cậu quệt lấy dí vào mặt anh trêu đùa. Cả ngày nay hẳn là nhóc câm chơi vui lắm, cứ ngoác miệng cười suốt thôi. Thiếu gia quay mặt tránh đi chỗ khác, đến khi không nhịn nổi nữa thì trừng mắt: “Ngoan, không nhúc nhích nữa!”
Bà quản gia vốn sắc sảo nhạy bén, thoăn thoắt bước tới dẫn thám tử đi đến thư phòng. Ban nãy thám tử tuyên bố không đến thẳng nhà tìm thiếu gia là vì “Sợ chủ nhân không có ở nhà, ngại gây thêm phiền toái”, mà từ lúc vào cửa đến giờ trừ lúc hỏi về thân phận của cô gia sư thì cũng chưa hề mở miệng nói thêm câu nào. Giờ phút này y đột ngột cất tiếng: “Lão phu nhân mà biết thiếu gia sống tốt như vậy, chắc chắn sẽ rất vui.”
Quản gia không rõ lai lịch vị tiên sinh này, nghe xong mấy lời lấp lửng ấy chỉ nhủ thầm trong bụng, phu nhân nhà ta ra đi khi còn trẻ, tiểu thiếu gia năm ấy giờ đã trưởng thành rồi, nhưng vẫn còn ngồi đó bôi kem dưỡng da cho người ta. Thế thì sống tốt chỗ nào mới được, vui vẻ chỗ nào cơ chứ.
Nhóc câm đang chơi vui, không hiểu vì sao bị thiếu gia ngăn lại, không cho đùa nữa. Cậu lại hớn hở chọc chọc má thiếu gia. Bàn tay anh đặt trên eo cậu vươn tới nắm lấy ngón tay nghịch ngợm kia, thanh âm nhàn nhạt nói: “Đừng nghịch nữa, ta còn có việc.”
13.
Thiếu gia nói chuyện với thám tử rất lâu trong phòng, nhóc câm không thấy anh dặn mình đi ngủ trước, cứ thế ngồi chờ đến tận nửa đêm.
Đồng hồ quả lắc dưới phòng khách điểm mười hai tiếng, mọi người trong nhà đã chìm vào cõi mộng. Nhóc câm đang gà gà gật gật chợt bừng tỉnh giấc, phát hiện mình còn chưa kịp thay quần áo đã ngủ gục bên mép giường tự bao giờ.
Cậu dụi dụi mắt, chân trần chạy đến thư phòng.
Với chuyện đi đứng của nhóc câm, thiếu gia vô cùng cẩn thận. Trên lầu hai trải thảm toàn bộ, cậu chạy yên lặng như chú mèo đạp lên nền tuyết, không phát ra một âm thành nào dù là nhỏ nhất.
Ấy thế mà thiếu gia vẫn cảm giác được sự hiện diện của cậu. Đang ngồi dựa vào ghế suy nghĩ mông lung, anh bất chợt mở mắt, quả nhiên thấy nhóc câm đứng ngay ở cửa.
Thám tử đã về từ lâu, thân thế của nhóc câm cũng đã rõ một nửa. Thiếu gia và nhóc câm nhìn chằm chằm nhau trong chốc lát, cuối cùng anh bật cười lên tiếng: “Làm gì mà đứng như phỗng ở đấy nhìn ta thế? Lại đây.”
Nhóc câm được cô giáo dạy đọc môi, hiểu được chút ít, còn lại đoán mò. Cậu sà đến bên thiếu gia, khua khoắng chân tay: “Khách đâu rồi ạ? Về rồi ạ?”
Lại để chân trần, thiếu gia nhíu mày, kéo cậu ngồi lên đùi mình. Nhóc câm không thích tư thế này chút nào. Cậu vặn vẹo ngồi dậy, quỳ trên đùi thiếu gia, gót chân đỡ lấy mông, mặt đối mặt với anh.
Càng lúc càng to gan lớn mật rồi. Thế nhưng thiếu gia vẫn rất mực dung túng, để mặc cậu muốn làm gì thì làm. Nhóc câm nhón tay viết chữ lên má thiếu gia: “Khách là ai thế ạ? Ăn vận kỳ cục quá.”
Thiếu gia bị ngứa, nắm tay cậu kéo xuống, viết vào lòng bàn tay: “Ta nhờ người đó đi tìm mấy thứ. Ăn vận kỳ cục chỗ nào?” Âu phục, áo choàng, mũ phớt, gậy ba-toong – toàn là những món phục sức tương đối hợp thời. Thiếu gia nghĩ, có lẽ vì nhóc câm ngây thơ chưa thấy qua sự đời nên mới có thể cảm thấy lạ lẫm.
Nhóc câm viết lên tay thiếu gia: “Như em, rất đẹp, nhưng mà không mặc váy,” cậu lén cúi đầu nhìn bộ đồ trên người – đúng rồi, là váy, “Mặc thiếu gia.” Cậu không biết viết chữ “giống”.
Thiếu gia mở chân cậu, kéo sang đặt cạnh hai bên đùi, không nhịn được phì cười cọ mặt mình vào mặt cậu. Sống mũi thiếu gia cao thẳng, đôi má nhóc câm non mềm, bị cọ tới mức phải vùi đầu vào cổ thiếu gia để trốn, không cho anh chọc ghẹo nữa.
Bé con này quả là vừa ngốc nghếch vừa đáng yêu. Ngồi đến chân tê rần vẫn muốn mặt đối mặt nói chuyện với anh, ghen tị người khác được phép mặc quần mà còn phải tự khen bản thân cái đã. Ngặt nỗi cậu vừa làm một chuyện vô ích, kỳ thực thiếu gia đã đặt may sẵn cho cậu mấy bộ Âu phục rồi.
Thiếu gia luồn tay trong váy nhóc câm, kiểm tra vảy sẹo trên đùi. Đã đỡ hơn rất nhiều, không còn cảm giác sần sùi thô ráp như lúc đầu nữa.
Anh thoáng chốc sực nhớ tới sự thật về thân thế của cậu. Gia đình như thế, cha mẹ như thế, một đứa trẻ ngoan đến thế, dù bởi bất cứ lý do gì cũng không đáng phải chịu bao nhiêu đau đớn oan nghiệt trước kia, cũng không thể mãi ở bên anh làm một nhóc câm không danh không phận.
Thiếu gia suy nghĩ một hồi, trong lòng âm thầm đưa ra quyết định. Xong đâu đấy, anh giữ nguyên tư thế, ôm cậu vào ngực xốc lên bế về phòng đi ngủ.
Phía tây kinh thành có một vị công tử, bởi sắp đến dịp sinh nhật bà nội mình mà đặt mua từ hải ngoại một loài gấu chỉ có ở nam bán cầu. Nghe nói con vật vô cùng thích bám cành cây, có thể ôm riết cả ngày không buông tay.
Thiếu gia cứ suy tư mãi, nếu vậy thì đâu có khác sinh vật nho nhỏ đang nằm gọn trong lòng anh là mấy. Nghĩ là nghĩ thế, chứ mấy hôm nay thực tình anh cũng có hứng đi ra ngoài chơi. Đợi ấm trời hơn đôi chút, phải đưa nhóc câm đi xem loài gấu lạ lùng kia cho biết mới được.
Chỉ có điều, tàu viễn dương vượt biển hơn một tháng, mới đầu chở một nhà ba con, cuối cùng chỉ còn duy nhất một con sống sót về đến nơi ở mới.