“Nói đúng chuyện gì cơ?” Tôi bước lại gần, quan sát thi thể.
Thi thể ông Khổng đắp một tấm khăn bông, hai mắt khép hờ, miệng hé mở, khóe miệng có vài vết xước có lẽ do va quệt gây ra.
“Đúng là rất kỳ quặc.” Sư phụ nói. “Ông Khổng hình như chết trước Tiểu Thái một ngày.”
Tôi khẽ nâng cánh tay ông Khổng lên, nói: “Mức độ co cứng tử thi của ông Khổng tương tự như Tiểu Thái.”
Sư phụ nói: “Đừng có vội vàng kết luận, xem thử cái này đi.”
Sư phụ lật tấm khăn bông lên, để lộ lớp da bụng của ông Khổng.
“Tay và chân của nạn nhân đều có hiện tượng teo cơ rõ rệt.” Tôi nói. “Nhưng bụng vẫn phình to, chắc là Tiểu Thái chăm sóc bố chồng rất chu đáo.”
“Trọng điểm không phải ở đó!” Sư phụ nói. “Cậu nhìn xem, vùng bụng của ông Khổng đã ngả sang màu xanh lục, mạng lưới tĩnh mạch thối rữa cũng đã bắt đầu nổi lên, nhưng xác Tiểu Thái chưa có hiện tượng này.”
“Em hiểu rồi!” Tôi nói. “Sau khi co cứng tối đa, thi thể lại dần dần mềm ra. Nên muốn biết mức độ cứng đờ thế này là ở giai đoạn co cứng tử thi hay là ở giai đoạn mềm xác, cần xem mức độ phân hủy của thi thể. Thi thể ngả màu xanh lục, cho thấy đã chết hơn một ngày rồi.”
“Đúng vậy, căn cứ theo mức độ co cứng và phân hủy của thi thể,” sư phụ cúi đầu ngẫm nghĩ một lát rồi nói tiếp, “có lẽ ông Khổng đã chết vào đêm hôm kia.”
“Cũng có nghĩa là,” tôi tiếp lời, “ông Khổng chết trước Tiểu Thái một ngày. Vậy là thế nào nhỉ?”
“Cái gì thế này?” Đại Bảo chợt kêu lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi và sư phụ.
Tôi ngoảnh lại nhìn, thấy trên tay Đại Bảo là một ống tiêm cỡ lớn: “Trên kệ đầu giường để một ống tiêm, ông Khổng đã thành người thực vật, chắc là không cần phải tiêm chứ? Hơn nữa, nếu có tiêm cũng không thể dùng thứ ống tiêm ngoại cỡ thế này được.”
“Hay là tiêm thuốc độc cho chết?” Tôi đoán.
Sư phụ quan sát xung quanh kệ đầu giường, nói: “Không giống! Không nhìn thấy kim tiêm ở xung quanh, chắc không phải dùng để tiêm. Quan sát trên da thi thể cũng không có vết tiêm nào. Mang xét nghiệm xem có thuốc độc hay không?”
Tôi cầm ống tiêm lên xem, nhìn thấy bên trong hình như còn đọng lại thứ gì đó, thử lắc khẽ, thấy phần lớn là chất lỏng nhưng vẫn có ít cặn lắng rất rõ ràng.
Tôi cất ống tiêm vào túi đựng vật chứng, đưa luôn cho Lâm Đào, nói: “Mang về làm xét nghiệm xem thử bên trong là thứ gì.”
Sư phụ dẫn chúng tôi quay trở lại phòng ngủ phía đông, bắt đầu quan sát kỹ lưỡng hiện trường.
Hiện trường rất đơn giản. Lâm Đào cho biết không phát hiện ra dấu chân hay dấu vân tay nào có giá trị. Một chiếc điện thoại cố định rơi vỡ tung tóe dưới đất, đã hỏng hoàn toàn. Trên đầu giường, điều hòa vẫn chạy ro ro, phả hơi mát lạnh nhưng cánh đảo gió lại rơi ở trên gối, bị đầu Tiểu Thái đè lên.
Tôi bê đến một chiếc ghế đẩu, trèo lên đó quan sát cái điều hòa.
“Bên dưới điều hòa có mấy vết trầy xước rất rõ rệt.” Tôi nói. “Chắc là bị vật cứng ném trúng, vỏ nhựa bị vỡ nên cánh đảo gió đang mở mới rơi xuống gối.”
“Rất có thể là bị cái này đập vào.” Đại Bảo chỉ vào chiếc điện thoại nằm chỏng chơ trên sàn ngay bên dưới điều hòa.
“Hơn nữa sau khi bị ném, nạn nhân mới nằm xuống giường.” Sư phụ chỉ vào cánh đảo gió điều hòa bên dưới đầu Tiểu Thái. “Cái này cho chúng ta thấy trình tự trước sau.”
Chúng tôi đều gật đầu.
“Lát nữa bọn em sẽ kiểm tra thật kỹ cái điện thoại.” Lâm Đào nói. “Xem thử có phát hiện ra dấu vân tay nào có giá trị giám định không.”
Sư phụ ngồi xuống, cầm điện thoại lên, nói với Lâm Đào: “Quan trọng nhất là mặt đế điện thoại. Cậu nghĩ xem, nếu muốn cầm cái điện thoại này để ném, đương nhiên ngón tay sẽ phải bám vào phần đế. Nếu mặt đế có dấu vân tay mới, cho thấy chủ nhân của dấu vân tay chính là nghi phạm quan trọng.”
Lâm Đào khẽ gật đầu, nói: “Chúng em sẽ lập tức mang điện thoại đi kiểm tra, khoảng hai tiếng đồng hồ nữa sẽ có kết quả.”
Sư phụ nói: “Được, giờ thì chúng ta tới nhà xác.”
Trên đường đi, tôi cứ suy nghĩ mãi về tình trạng tử vong của ông Khổng. Ông cụ tứ chi khẳng khiu nhưng bụng lại phình to. Quan trọng là chết trong tình trạng lõa thể, không nhìn thấy có vết thương nguy hiểm nào, cũng không thấy có dấu hiệu ngạt thở rõ rệt. Người mắc bệnh xuất huyết não có khả năng đột tử hay không? Nếu như đột tử, tại sao Tiểu Thái không đi tìm dân làng giúp đỡ? Lại để nạn nhân ở trong nhà cả ngày trời? Một người phụ nữ yếu đuối thì không thể to gan đến thế được.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã tới nhà xác. Bác sĩ Tôn của Công an huyện Thanh Hương đã đứng sẵn trước cửa phòng giải phẫu chờ chúng tôi. Đây là phòng giải phẫu hiện đại hàng đầu trong tỉnh, nhưng sư phụ còn chưa kịp lên tiếng khen ngợi, bác sĩ Tôn cất giọng áy náy: “Hệ thống thông gió của phòng giải phẫu bị hỏng hai hôm nay rồi, bây giờ cả quạt thông gió và điều hòa đều không sử dụng được, phòng giải phẫu giờ chẳng khác gì cái l*иg hấp.”
Tôi bước vào phòng giải phẫu, đúng là nóng hầm hập như chui vào trong chiếc xe không dán kính chống nắng phơi cả ngày dưới ánh mặt trời. Tôi bị sốc nhiệt, vội vã giật lùi ra ngoài.
Sư phụ ngán ngẩm lắc đầu, nói: “Tìm người sửa nhanh lên. Hôm nay chắc chúng ta phải giải phẫu ngoài trời thôi.”
“Sư phụ, bắt đầu từ ai trước?” Tôi khoác lên người bộ quần áo giải phẫu bí bức, tìm kiếm một chỗ râm mát hơn cả.
“Ông Khổng trước.” Sư phụ nói. “Trên đường đi, tôi chỉ băn khoăn về nguyên nhân tử vong của ông ấy.”
Tôi mừng thầm trong bụng vì thấy mình đã có chung suy nghĩ với sư phụ.
Ca giải phẫu được tiến hành chóng vánh. Tôi mổ tách da đầu nạn nhân ra, thấy xương sọ của nạn nhân thiếu mất một mảng, phần mép lỗ thủng tròn trịa nhẵn nhụi, có lẽ là do ca phẫu thuật mở hộp sọ hút máu tụ trong não để lại. Có sẵn lỗ thủng này, chúng tôi mở hộp sọ nạn nhân cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.
Chúng tôi rạch mở màng cứng đã được khâu lại của nạn nhân, bên trong hộp sọ trông có vẻ rất sạch sẽ.
“Có thể loại trừ khả năng tử vong do chảy máu não tái phát.” Sư phụ nói. “Vùng đầu không có vấn đề gì.”
“Vùng cổ cũng không có vấn đề gì.” Tôi nói. “Không có dấu hiệu ngạt thở rõ rệt.”
“Vậy thì… giống như là… đột tử.” Giọng nói lào phào của Đại Bảo khiến chúng tôi ngạc nhiên.
Tôi thấy Đại Bảo mặt mũi tái nhợt, mồ hôi túa ra như tắm thì vội hỏi: “Đại Bảo, anh có sao không?”
Đại Bảo lắc đầu, nói: “Hơi say nắng thôi, lát nữa sẽ khỏi ngay ấy mà.” Nói xong, anh ấy bước tới bóng cây râm mát bên cạnh đứng nghỉ.
Sư phụ quay trở lại chủ đề chính, nói: “Tôi đoán rằng Tiểu Thái chăm sóc bố chồng rất chu đáo.”
“Anh căn cứ vào đâu mà suy đoán như vậy?” Tôi hỏi.
“Tôi cũng chỉ suy đoán thôi.” Sư phụ nói. “Trong nhà chỉ có bố chồng và con dâu, bố chồng lại hoàn toàn mất ý thức, nếu con dâu cởi hết quần áo của bố chồng ra thì cũng là để tiện cho việc lau rửa vệ sinh thôi.”
Tôi gật đầu, nói: “Đúng vậy, dù sao cũng đang là mùa hè. Hơn nữa, trên người ông Khổng không hề có vết tróc da hay lở loét, đó là điều rất hiếm thấy ở người bệnh nằm liệt giường lâu ngày. Chắc chắn là ông ấy luôn được vệ sinh sạch sẽ.”
“Không chừng đúng là đột tử thật cũng nên.” Sư phụ nói.
Đúng lúc này, mây đen đột nhiên kéo đến, giăng kín bầu trời, rồi mưa rào rào trút xuống. Chúng tôi vội vã đẩy thi thể vào trong phòng giải phẫu nóng hầm hập. Bác sĩ Tôn nhờ mấy anh cảnh sát khu vực phụ trách chụp ảnh giúp chúng tôi mở cửa sổ.
“Có vẻ như không phải đột tử đâu!” Sư phụ nói. “Cậu xem, ông trời cũng phản đối kìa, tự dưng lại đổ mưa.”
Tôi nghe sư phụ nói mà lạnh toát sống lưng: “Sư phụ, chúng ta phải căn cứ vào khoa học chứ không được mê tín dị đoan.”
Sư phụ bật cười, nói: “Tôi thấy các cậu nghiêm túc quá, Đại Bảo nghiêm túc đến mức say nắng rồi kia kìa, nên mới đùa cho vui thôi.”
Mưa trút sầm sập khiến bầu không khí mát mẻ hẳn lên. Tôi đứng bên cửa sổ, tận hưởng làn gió mát rượi thổi tới sau lưng. Khuôn mặt trắng bệch của Đại Bảo cũng nhờ có trận mưa mà dễ coi hơn nhiều.
Tuy nhiên, vào khoảnh khắc mũi dao phẫu thuật nhọn hoắt của sư phụ rạch mở khoang bụng của ông Khổng, tất cả chúng tôi đều sững sờ kinh hãi.
*
Khi phần da bụng tách ra làm đôi dưới đường dao, đập vào mắt chúng tôi là một màu vàng ệch, không có nội tạng, không có ruột non, chỉ một màu vàng gớm ghiếc, mùi hôi thối bốc lên lợm giọng. Nói không ngoa, toàn bộ khoang bụng của ông ta chẳng khác nào một hố phân đầy ắp.
“Gì… gì thế này…” Tôi đưa cánh tay lên dụi mũi, nói. “Chẳng lẽ nội tạng thối rữa cả rồi?”
Sư phụ quay đầu lại lừ mắt nhìn tôi: “Cậu đã nhìn thấy nội tạng thối rữa kiểu này bao giờ chưa?”
“Nhưng em cũng chưa bao giờ nhìn thấy khoang bụng nào như thế này cả!” Tôi lắc đầu nói. “Chẳng lẽ cả một bụng phân?”
Sư phụ nói: “Đúng là hiếm gặp thật, nhưng giờ thì rõ rồi. Chúng ta đã mở dạ dày của nạn nhân ra.”
“Dạ dày?” Tôi biết dạ dày của người rất nhão và dai, lại nằm ở chính giữa phía sau khoang bụng, thường thì dùng dao phẫu thuật khó mà rạch tới được.
“Phải!” Sư phụ dùng kẹp cầm máu gắp ra một lớp tổ chức mềm mỏng tang, nói: “Cậu xem, đây chính là dạ dày của nạn nhân.”
“Em hiểu rồi.” Tôi nói. “Dạ dày của nạn nhân bị nhồi nhét quá đầy nên đã căng phồng hết cỡ, áp sát vào thành bụng, nên dao của chúng ta mới rạch phải dạ dày.”
Sư phụ nói: “Đúng vậy, vị trấp (1) trong dạ dày đáng lẽ vẫn phải giữ được màu sắc vốn có của thức ăn, nhưng giờ thì thành phân cả rồi. Băng dày ba thước không phải vì lạnh một ngày.”
(1) Thức ăn sau khi xuống dạ dày được nhào trộn với dịch vị và nghiền thành dạng hồ đặc, gọi là vị trấp.
“Ý anh là thức ăn đã tích tụ rất nhiều ngày,” Đại Bảo hỏi, “sau đó vị trấp thối rữa thành phân?”
“Đúng vậy!” Sư phụ men theo mạc treo ruột cắt rời ruột non của nạn nhân ra, vuốt thẳng rồi nói. “Xem này, chỗ này bị l*иg ruột.”
“L*иg ruột sẽ khiến phần lớn ruột bị tắc nghẽn.” Tôi nói. “Nên nạn nhân hàng ngày ăn rất nhiều, nhưng lại thải ra rất ít, lâu dần, dạ dày ngày một phình to.”
“Đáng tiếc là sau khi phẫu thuật xuất huyết não, ông cụ không nói được nữa.” Sư phụ than thở. “Khi được cho ăn, ông ấy buộc phải ăn.”
“Thì cứ ngậm miệng lại là được mà!” Đại Bảo nói.
“Chỉ sợ là có người nhiệt tình cộng dốt nát bằng phá hoại.” Sư phụ chỉ vào Tiểu Thái nằm bên cạnh, nói: “Các cậu quên mất cái ống tiêm rồi à?”
“Ồ!” Tôi sực nhớ tới cái ống tiêm cỡ lớn. “Sợ ông Khổng bị đói nên dùng ống tiêm bơm thức ăn vào miệng ông cụ. Ông cụ chỉ cần hơi hé miệng là sẽ không thể dừng lại được nữa, buộc phải nuốt liên tục.”
“Đợi có kết quả xét nghiệm vật chất trong ống tiêm là rõ ngay thôi.” Sư phụ nói.
“Do dạ dày của nạn nhân liên tục phình to, chèn ép vào các nội tạng và mạch máu quan trọng trong khoang bụng khiến cho các cơ quan nội tạng bị thiếu máu. Cuối cùng, khi bị chèn ép tới một mức độ nhất định, các cơ quan nội tạng sẽ bị suy kiệt dẫn tới tử vong.” Tôi nói. “Bởi vậy, trông mới giống như là đột tử.”
Đại Bảo nói: “Thì ra cơ chế tử vong của bội thực là như vậy, trước đây em chưa được biết. Nhưng sư phụ mê tín cũng đúng thật đấy!”
Tôi đưa mắt nhìn ra xung quanh, cảm thấy cứ như có ai đó đang nhìn mình chằm chằm.