Hai người cùng trên đường về, Hà Thiên hộ mời Tây Môn Khánh ghé nhà mình uống rượu, nhưng Tây Môn Khánh nhất định từ chối. Hà Thiên hộ sai gia nhân nắm cương ngựa của Tây Môn Khánh lại mà nói:
- Vãn sinh còn có một chuyện muốn thưa với đại nhân.
Tây Môn Khánh nghe vậy mới bằng lòng theo Hà Thiên hộ về nhà. Tới nơi, Tây Môn Khánh xuống ngựa, bảo Bôn Tứ cứ về nhà Thôi Trung thư trước.
Nguyên là Hà Thiên hộ đã sai dọn sẵn đại tiệc tại nhà, nên lúc bước vào đại sảnh, Tây Môn Khánh đã thấy bên trong trần thiết huy hoàng, một bàn tiệc lớn đặt giữa phòng có ba chỗ ngồi,trên bàn toàn là chung vàng bình ngọc, bèn hỏi:
- Hôm nay quan anh định mời những vị khách nào?
Hà Thiên hộ đáp:
- Hôm nay chẳng có ai, chỉ có lão công của vãn sinh cùng vãn sinh hầu tiệc đại nhân mà thôi.
Tây Môn Khánh bảo:
- Quan anh bày vẽ quá, như vậy đâu phải là tình đồng liêu thân mật?
Hà Thiên hộ nói:
- Lão công của vãn sinh muốn được thù tiếp đại nhân, xin đại nhân vui vẻ cho.
Nói xong mời Tây Môn Khánh ngồi và quát bảo gia nhânđem trà ra. Tây Môn Khánh xin được mời Hà Thái giám ra để diện kiến. Hà Thiên hộ nói:
- Lão công của vãn sinh cũng sắp ra.
Lát sau Hà Thái giám cân đai mũ mãng bước ra. Tây Môn Khánh đứng dậy vái bốn vái rồi xin được lạy chào, nhưng Hà Thái giám không chịu, bảo:
- Đại nhân chấp lễ như vậy đâu được.
Tây Môn Khánh đáp:
- Vãn sinh là phận con cháu, cũng ngang hàng với Thiên hộ đây, lão công tuổi tác cao, đức độ cũng cao, lại đang ở địa vị cao quý, vãn sinh hành lễ là lẽ đương nhiên, xin lão công nhận cho.
Nói xong sụp xuống lạy, Hà Thái giám vội nâng dậy mời ngồi chính giữa, Hà Thái giám và Hà Thiên hộ ngồi hai bên.
Tây Môn Khánh đứng dậy nói:
- Bẩm lão công, như thế này là không được, vãn sinh và Thiên hộ đây là chỗ đồng liêu, phải ngồi ngang hàng, lão công là bậc cha chú tất phải ngồi giữa.
Hà Thái giám hài lòng lắm, cười bảo:
- Đại nhân quả là người biết lễ, thôi thì đại nhân đã dạy như vậy, để lão xin mạn phép ngồi giữa.
Tây Môn Khánh nói:
- Có vậy vãn sinh ngồi mới yên lòng.
Mọi người ngồi xuống. Hà Thái giám bảo:
- Gọi chúng nó cho thêm than vào lò sưởi đi, không hiểu sao hôm nay trời lạnh thế.
Gia nhân lăng xăng kẻ thêm than, người buông mành, gian phòng ấm áp hẳn lên. Hà Thái giám bảo:
- Xin đại nhân cởi bỏ đại phục ra cho tự nhiên.
Tây Môn Khánh đáp:
- Vãn sinh không đem theo áo ngoài, để bảo gia nhân về lấy vậy Hà Thái giám quát tả hữu:
- Bay đâu, vào trong lấy cái áo ngoài bằng lông cừu lót gấm thêu hình phi ngư ra đây cho đại nhân.
Tây Môn Khánh cười:
- Áo quý này của lão công, làm sao vãn sinh dám mặc.
Hà Thái giám bảo:
- Thỉnh đại nhân cứ mặc đỡ, ngại gì mà ngại. Hôm nọ thánh trưởng ban tứ áo mãng xà cho lão, nên lão cũng không cần tới áo đó nữa. Nếu đại nhân không chê thì để lão xin tặng.
Tây Môn Khánh cởi triều phục ra đưa cho Đại An. Gia nhân nhà họ Hà đem áo quý ra, Tây Môn Khánh mặc vào rồi đứng dậy vái tạ. Ba người tiếp tục dùng tuần trà thứ nhì. Hà Thái giám bảo:
- Gọi chúng nó lên đây .
Thì ra trong nhà họ Hà sẵn có một ban nhạc mười hai người, nghe gọi bèn kéo nhau ra trước tiệc lạy chào, rồi lui về phía sau chuẩn bị nhạc khí. Hà Thái giám bảo:
- Tấu nhạc lên cho ta mời rượu đại nhân.
Nói xong róc rượu ra chung, tự tay bưng lên mời. Tây Môn Khánh lật đật đứng dậy nói:
- Xin lão công để vãn sinh được tự nhiên, đã có Thiên hộ đây rồi, lão công cứ ngồi cho vãn sinh được yên lòng.
Hà Thái giám nói:
- Lão mời đại nhân chung rượu này là để xin đại nhân lưu tâm chỉ giáo cho tệ điệt đây, nó mới bắt đầu bước vào quan trường, chưa hiểu chuyện xa gần, đại nhân uống chung rượu này để gọi là nhận cái tình của lão mà thôi.
Tây Môn Khánh nói:
- Sao lão công lại dạy như vậy, vãn sinh với Thiên hộ đây là chỗ đồng liêu, coi nhau như anh em, vãn sinh cũng được nhờ cậy lão công sau này, chẳng lẽ lại không biết giúp đỡ Thiên hộ đây hay sao.
Hà Thái giám bảo:
- Đại nhân dạy chí phải, cùng lo việc vua việc nước thì anh em người này phải giúp đỡ người kia.
Nói xong đưa chung rượu cho Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh chưa uống, chỉ đặt chung rượu xuống trước mặt, rồi rót hai chung rượu đưa cho Hà Thái giám và Hà Thiên hộ, ba người cùng đứng mà vái nhau. Nhạc cử lên, ba người ngồi xuống nâng chung cùng uống.
Bữa tiệc diễn ra trong vui vẻ, trong tiếng đàn hát tưng bừng.
Tây Môn Khánh ăn uống cho tới lúc lên đèn thì gọi Đại An,bảo lấy tiền thưởng cho nhà bếp, các gia nhân hầu tiệc và đám ca nhạc công, đoạn đứng dậy nói:
- Vãn sinh được hậu đãi quá nhiều, bây giờ xin được về.
Hà Thái giám không chịu, bảo:
- Hôm nay tôi được rảnh rang, muốn đại nhân ngồi lâu để được thỉnh giáo nhiều điều, tiệc này cũng chẳng có gì, đại nhân về sớm quá, tức là chúng tôi để đại nhân phải chịu đói.
Tây Môn Khánh nói:
- Được lão công cho ăn toàn thứ mỹ vị, lẽ nào lại đói cho được. Vãn sinh sở dĩ phải xin về sớm như thế này là vì ngày mai còn nhiều việc, lại còn phải lãnh thẻ bài và phù hiệu mới.
Hà Thái giám nói:
- Nếu quả đại nhân đã coi tệ điệt đây như chỗ anh em thì sao không bảo gia nhân đem hành lý sang đây ở tạm ít ngày cho vui. Đằng sau hoa viên của chúng tôi đây có mấy gian phòng thật yên tĩnh, đại nhân có thể cùng tệ điệt đây trò chuyện bàn luận, có phải là tiện hơn không, việc gì phải ở nhà người khác.
Tây Môn Khánh nói: .
- Nếu được lão công cho vãn sinh ở nhờ quý phủ đây thì còn gì bằng, có điều Hạ Đại nhân buồn giận, cho rằng vãn sinh có chuyện gì không vừa lòng chăng.
Hà Thái giám bảo:
- Người ta thường nói ai lo phận sự nấy tuy đại nhân và Hạ Đại nhân lúc trước là chỗ đồng liêu, nhưng bây giờ mỗi người một ngả, thiết tưởng Hạ Đại nhân cũng chẳng trách gì,nếu có trách tức là không hiểu chuyện đời . Lão thì đã nhất định là giữ đại nhân lại đêm nay để được trò chuyện cho thỏa lòng ngưỡng mộ.
Nói xong quay lại bảo gia nhân quét dọn tòa nhà phía tây hoa viên và bày biện các vật dụng cần thiết. Gia nhân đứng trên thềm truyền lệnh đi, hàng chục gia nhân khác dạ rân người nào việc nấy răm rắp.
Tây Môn Khánh ngại ngùng:
- Thịnh tình của lão công thật khiến vãn sinh vô cùng cảm kích, nhưng chỉ sợ vãn sinh đắc tội với Hạ Đạ nhân.
Hà nhái giám bảo:
- Hà Đại nhân đã ra khỏi nha môn là không còn gì nữa, cứ để Hà đại nhân từ nay lo việc sổ sách kho đυ.n tại kinh đô, có liên can gì với Sở Đề hình ở Sơn Đông nữa đâu, đại nhân khéo lo.
Nói xong chẳng đợi Tây Môn Khánh nói gì, gọi gia nhân tới dẫn Đại An vào trong thết tiệc, một mặt sai mấy tên quân hầu cầm thϊếp tới nhà Thôi Trung thư dọn hành lý của Tây Môn Khánh về. Tây Môn Khánh chỉ biết ngồi yên. Lát sau Hà Thái giám nói:
- Còn chuyện này nữa phải làm phiền đại nhân, xin đại nhân để ý tìm cho tệ điệt một ngôi nhà coi được, tệ điệt thì cứ tới nhiệm sở trước rồi khi nào có nhà cửa tử tế sẽ đem gia đình đi theo, gia đình nó thì cũng chẳng bao nhiêu, quanh quẩn chỉ chừng ba chục người, kể cả gia nhân đày tớ.
Tây Môn Khánh hỏi:
- Tôn ý của lão công là muốn tìm một ngôi nhà trị giá chừng bao nhiêu?
Hà Thái giám dáp:
- Chừng một ngàn, hơn một ngàn lạng là ở được rồi. .
Tây Môn Khánh nói:
- Hạ Chỉ huy phải đổi về kinh, đang muốn bán ngôi nhà tạ nhiệm sở cũ, sao lão công không mua căn nhà đó cho Thiên hộ đây có phải tiện không. Ngôi nhà dó được lắm, phía trước là dãy nhà bảy gian, từ đó vào sau là năm dãy nhà lớn, từ nghi môn vào đến đại sảnh, hai bên là hai dãy nhà có hành lang, bên trong thôi thì đủ hết hoa viên nhà mát, rộng rãi sang trọng lắm, đường đi vào lại là đại lộ. Thiên hộ đây ở thật là xứng đáng.
Hà Thái giám hỏi:
- Hạ đại nhân đòi giá bao nhiêu?
Tây Môn Khánh đáp:
- Hạ đại nhân có nói với tôi là lúc trước mua với giá một ngàn hai trăm lạng, nhưng sau đó xây cất thêm và sửa chữa lại nhiều, bây giờ lão công muốn mua thì tùy lão công trả bao nhiêu cũng được.
Hà Thái giám nói:
- Thôi thì để lão nhờ đại nhân đấy, đại nhân đứng ra lo giùm cho. Hôm nay lão rảnh rang, hay là để lão sai người đến nói với Hạ đại nhân xem sao, có gì thì tệ điệt đây khi đáo nhậm cũng có nơi có chỗ mà ăn ở đàng hoàng.
Đang nói thì thấy Đại An dẫn gia nhân họ Hà đem hành lý của Tây Môn Khánh tới. Tây Môn Khánh hỏi:
- Bôn Tứ và Vương Kinh có tới không?
Đại An thưa:
- Vương Kinh thì đã theo tới đây rồi, chỉ còn Bôn Tứ ở lại coi cỗ kiệu.
Tây Môn Khánh gọi Đại An tới gần ghé tai nói nhỏ:
- Người trở về đằng đó thưa với Hạ đại nhân là Hà lão công đây có ý muốn hỏi mua ngôi nhà của đại nhân, xem ý đại nhân ra sao, rồi người cùng Bôn Tứ về đây thưa cho ta rõ.
Đại An vâng lời đi ngay. Ba người lại tiếp tục uống rượu nghe hát.
Lát sau Bôn Tứ cùng Đại An tới. Bôn Tứ thưa:
- Hạ đại nhân nói là nếu Hà lão công muốn mua thì quả không tiện nói giá tiền, nên có sai chúng tôi đem giấy mua nhà lúc trước tới, lại dặn thêm là dại nhân có sửa sang thêm nhiều,tùy lão công trả bao nhiêu thì trả.
Nói xong đưa tấm giấy lên. Tây Môn Khánh chuyển qua cho Hà Thái giám. Hà Thái giám cầm tờ văn tự mua bán nhà lên coi, thấy đề giá một ngàn hai trăm lạng như lời Tây Môn Khánh đã nói, bèn bảo:
- Ngôi nhà này tuy nói là sửa sang thêm, nhưng đã ở mấy năm rồi, chắc cũng hư hao cũ kỹ, bây giờ có Tây Môn đại nhân đây, chúng tôi xin trả nguyên giá một ngàn hai trăm lạng.
Bôn Tứ nghe xong vội quỳ xuống thưa:
- Hà lão công dạy thật chí lý, người ta có câu mua vải bán áo mua thì dễ, bán thì khó, lão công mua được nhà này, tuy có cũ nhưng sửa lại thì cũng thành mới.
Hà Thái giám bảo:
- Ngươi biết nói chuyện lắm, thôi thì bây giờ chưa có người trung gian, ta nhờ ngươi làm trung gian vậy, ngươi trở lại thưa với Hạ chỉ huy, nếu bằng lòng giá đó thì người thay ta làm văn tự mua bán cho xong, ta sẽ đưa bạc cho ngươi, hôm nay cũng là ngày tốt.
Đoạn quay hỏi Tây Môn Khánh:
- Người này tên gì vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
- Hắn là Bôn Tứ, một trong những quản gia thân tín của vãn sinh.
Hà Thái giám hỏi:
- Thế nào? Lão tính vậy có nên không?
Tây Môn Khánh nói:
- Bây giờ cũng muộn rồi, có gì để ngày mai tính cho thong thả.
Hà Thái giám nói:
- Canh năm ngày mai là lão phải vào triều rồi, ngày mai là ngày đại triều mà, chi bằng cứ hỏi xem thuận không là trao tiền ngay cho chắc.
Tây Môn Khánh hỏi:
- Chẳng hay ngày mai lão công bận những giờ nào?
Hà Thái giám đáp:
- Ngày mai thánh thượng tế trời đất, giờ Tý thì tới lễ đàn,cũng phải sau giờ Dần mới hồi cung. Thánh thượng dùng ngự thiện xong rồi mới thiết triều, quan lại các ty mới làm lễ triều bái mùa đông. Rồi ngày mai văn võ bá quan lại được vời vào dự yến, còn các ngoại quan như đại nhân thì chỉ được dẫn vào triều kiến mà thôi.
Đoạn quay lại bảo Hà Thiên hộ:
- Hiền điệt vào trong lấy bạc ra, phải lựa thứ bạc Nguyên Bảo thật tốt. rồi gói lại tử tế, sai hai gia nhân cùng Bôn Tứ đây tới nhà Thôi Trung thư, nếu Hạ đại nhân bằng lòng thì trao bạc liền.
Hà Thiên hộ vào trong gói bạc rồi trao cho Bôn Tứ, lại sai hai gia nhân đi theo.
Hạ Chỉ huy thấy đem bạc tới thì bằng lòng ngay, lập tức thâu nhận và tự tay viết văn tự bán nhà, trao cho Bôn Tứ. Bôn Tứ đem về đưa cho Hà Thái giám. Hà Thái giám mừng lắm,thưởng cho Bôn Tứ bốn chục lạng, cho Đại An và Vương Kinh,mỗi đứa ba lạng. Tây Môn Khánh nói:
- Lão công chẳng nên thưởng như thế.
Hà Thái giám bảo:
- Thưởng thế cho chúng nó mừng.
Ba gia nhân cùng bước tới lạy tạ. Hà Thái giám sai gia nhân dẫn vào trong khoản đãi, đoạn đứng dậy và vái tạ Tây Môn Khánh:
- Việc này xong là nhờ đại nhân.
Tây Môn Khánh vội đứng dậy vái trả mà nói:
- Việc mua bán nhanh chóng là do danh tiếng và đức độ của lão công.
Hà Thái giám ngồi xuống nói:
- Nhưng cũng nhờ đại nhân nói giùm mấy câu mới được như vậy chứ.
Đoạn nghĩ ngợi rồi nói tiếp:
- Cũng xin nhờ đại nhân nói giùm sao cho tệ điệt có thể đem gia quyến tới đó sớm.
Tây Môn Khánh cũng ngồi xuống đáp:
- Thưa vâng, để vãn sinh sẽ xin nói cho Hạ đại nhân dọn đi sớm, ngõ hầu ít ngày sau Thiên hộ đây có thể đem gia quyến tới. Còn mấy ngày đầu thì Thiên hộ hãy tạm ngụ tại công thự của nha môn cũng được.
Ăn uống trò chuyện tới khoảng canh một thì Tây Môn Khánh nói:
- Xin lão công nghỉ ngơi để mai còn dậy sớm, vãn sinh cũng không uống được nữa.
Hà Thái giám nghe vậy bèn đứng dậy xin lỗi rồi vào phòng trong. Hà thiên hộ bảo ca nhạc công tiếp tục đàn hát, cùng Tây Môn Khánh thù tạc một lúc nữa, rồi mới mời Tây Môn Khánh tới ngôi nhà phía tây hoa viên. Nơi đây có thư phòng, có giả sơn hồ nước, có đình tạ nguy nga. Trong phòng thì trần thiết thập phần thanh nhã. Hà Thiên hộ sai đem trà tới cùng Tây Môn Khánh chuyện trò một lúc, sau đó cáo từ về phòng riêng Tây Môn Khánh cởi bỏ mũ áo, leo lên giường nằm. Vương Kinh và Đại An nằm ngủ ở phòng ngoài.
Tây Môn Khánh nằm nghiêng bên gối, nhìn ra ngoài song thấy bóng hoa lay động, trong lòng cảm thấy cô đơn, mãi không ngủ được, đang định gọi Đại An và Vương Kinh vào trò chuyện giải buồn thì bỗng nghe ngoài song sổ có tiếng động nhỏ, rồi tiếp đó dường như có tiếng đàn bà con gái nói rất khẽ, bèn nhẹ nhàng tụt xuống giường, xỏ chân vào dép, bước tới cửa sổ nhìn ra, thì thấy Bình Nhi mặc toàn đồ trắng, đang đứng dưới ánh trăng suông.
Tây Môn Khánh nhận ra Bình Nhi thì khẽ bảo:
- Kìa, sao nàng tới được nơi này?
Bình Nhi đáp nhỏ:
- Tôi hỏi thăm mới tới được đây. Tôi tìm được nhà rồi, hôm nay tới đây gặp chàng rồi dọn nhà ra đi.
Tây Môn Khánh vội hỏi:
- Nàng tìm được nhà ở đâu?
Bình Nhi đáp:
- Cũng gần đây thôi chứ chẳng xa gì. Cứ theo đại lộ này mà đi, tới ngõ Tạo Phủ thì nhà tôi ở khoảng giữa ngõ.
Tây Môn Khánh ngắm kỹ, thấy Bình Nhi đẹp hẳn lên, có khi còn đẹp hơn trước, bèn xúc động bồi hồi, kéo Bình Nhi vào phòng. Hai người hàn huyên tình tự, rồi tình nghĩa mặn nồng, mây mưa chan chứa, chẳng khác gì lúc trước. Sau đó Tây Môn Khánh cứ ôm chặt lấy Bình Nhi, chẳng muốn rời xa. Bình Nhi dặn:
- Chàng phải nhớ là không được ăn uống khuya khoắt ở ngoài, có đi đâu thì phải về nhà cho sớm, kẻo có thể bị hại.
Nói xong đứng đây bước ra. Tây Môn Khánh vội bước theo, thì chỉ thấy ngoài trời ánh trăng lờ mờ. Bình Nhi vẫy gọi,Tây Môn Khánh bước theo, thấy mình ra tới một con đường lớn, rẽ sang phía đông thì vào một cái ngõ. Bình Nhi chỉ vào một ngôi nhà có cổng trắng mà bảo:
- Nhà tôi đó.
Nói xong phất tay áo mà bước vào nhà. Tây Môn Khánh nắm vội lại nhưng không kịp, bừng tỉnh dậy thì hóa ra là một giấc mộng. ánh trăng mờ chiếu qua song, bóng hoa chập chờn trên gối, chăn nệm xung quanh còn như thoang thoảng mùi hương. Thật là:
Sương gieo bên gối lạnh lùng, Bâng khuâng mộng tỉnh, ngoài song nguyệt tà, Ngủ chẳng được, nghĩ không ra.
Giận thay chẳng thấy tiếng gà hệt đêm. .
Tây Môn Khánh cứ trằn trọc mãi cho tới sáng.
Hôm sau, từ sáng sớm, gia nhân nhà họ Hà đã túc trực hầu hạ cho Tây Môn Khánh rửa mặt chải đầu. Sau đó Hà Thiên hộ mời Tây Môn Khánh tới thư phòng dùng trà và ăn cháo thịt:
Tây Môn Khánh hỏi:
- Chẳng hay lão công đã dậy chưa?
Hà Thiên hộ đáp:
- Lão công tôi từ canh năm đã vào triều rồi.
Ăn uống xong, hai người mũ mãng cân đai lên ngựa vào bộ chào hỏi các quan. Lúc trở ra, Hà Thiên hộ cáo tử về nhà trước.
Tây Môn Khánh thì tới chùa Tướng Quốc bái kiến Trưởng lão Tri Vân.
Trưởng lão giữ lại dùng tiệc chay, Tây Môn Khánh chỉ ăn qua loa rồi cáo từ để tới nhà Thôi Trung thư thăm hỏi Hạ Chỉ huy. Đi một lúc bỗng thấy con đường quen quen, hình như đã đi qua một lần rồi, đi tới một khoảng nữa rẽ sang phía đông thì có một cái ngõ, hỏi ra thì đó là ngõ Tạo Phủ, đi vào ngõ, tới khoảng giữa thì thấy một ngôi nhà có cái cổng trắng. Tây Môn Khánh chợt nhớ tới giấc mộng đêm qua, bèn sai Đại An tới hỏi một bà lão ở nhà bên cạnh xem ngôi nhà cổng trắng đó là nhà ai. Bà lão đáp:
- Đó là nhà của quan Chỉ huy họ Viên.
Tây Môn Khánh không nói gì, chỉ quay ngựa ra, tiếp tục đường đi tới nhà Thôi Trung thư.
Tới cổng. Thấy Hạ chỉ huy đang cưỡi ngựa ra, vội xuống ngựa vái cháo.
Hạ Chỉ huy cũng xuống ngựa đáp lễ rồi mời trở vào đại sảnh. Tây Môn Khánh sai Đại An bày lễ vật lên, gồm một xấp kim đoạn và một xấp lụa màu. Hạ Chỉ huy nói:
- Vãn sinh chưa có lễ tới trưởng quan mà đã được trưởng quan cho trước thế này, thật khó nghĩ quá. Hôm qua việc bán nhà được mau chóng là nhờ trưởng quan nhiều lắm, thật vãn sinh cảm tạ khôn cùng.
Tây Môn Khánh nói:
- Cũng chẳng có gì, may gặp Hà Thái giám là người mau mắn. Đại nhân bán được ngôi nhà như vậy là có giá lắm.
Hai người cùng cười. Hạ Chỉ huy nói:
- Tôi cũng chưa đến bái kiến Hà Thiên hộ được. Hà Thiên hộ không cùng về Thanh Hà với quan anh sao?
Tây Môn Khánh đáp:
- Hà Thiên hộ có nói là cùng về với tôi, gia quyến thì đi sau.
Hôm qua Hà Thái giám có nhờ tôi thưa với đại nhân là giao nhà sớm một chút, tôi nói là Hà Thiên hộ hãy cứ tạm ngụ tại công thự của nha môn ít ngày đi đã.
Hạ Chỉ huy nói:
- Đệ cũng không muốn để gia quyến ở đó lâu, hễ trên này tìm được nhà là cho gia quyến lên ngay. Có lẽ cũng chỉ sang tháng là cùng.
Nói chuyện một lúc, Tây Môn Khánh gửi thϊếp lại thăm hỏi Thôi Trung thư rồi đứng dậy cáo từ mà trở về nhà họ Hà.
Hà Thiên hộ đã cho chuẩn bị tiệc trưa sẵn sàng. Tây Môn Khánh kể lại chuyện tới thăm Hạ Chỉ huy, đoạn nói:
- Ngôi nhà ở Thanh Hà, chỉ sang tháng là giao được.
Hà Thiên hộ mừng lắm, vái tạ mà nói:
- Thật là trăm sự chỉ biết nhờ vả đại nhân.
Hai người vào tiệc, ăn uống xong thì đánh cờ giải trì. Bỗng gia nhân vào thưa:
- Địch gia sai đem lễ vật tới, nhưng gia nhân bên đó không biết, lại đem tới nhà Thôi Trung thư, đằng Thôi Trung thư mới chỉ lại đây.
Nói xong đưa thϊếp lên. Tây Môn Khánh cầm xem, thấy viết:
- Xin đem tới một xấp kim đoạn, một con lợn, một con dê, một vò rượu và một ít bánh trái hoa quả. Vãn sinh Địch Khiêm cẩn bái.
Tây Môn Khánh xem xong, bảo gia nhân của Địch quản gia:
- Đa tạ gia gia các ngươi đã phí tâm.
Đoạn viết thϊếp cảm tạ, thưởng cho gia nhân nhà họ Địch hai lạng bạc rồi cho về, đồng thời sai Đại An thâu nhận lễ vật.
Mấy gia nhân nhà họ Địch bước lên lạy tạ. Vương Kinh cũng bước tới ghé tai chủ nói nhỏ:
- Thư thư tôi ở nhà có dặn là lên đây thì nhớ tới thăm Ái Thư, vì có đồ đem tới cho nó.
Tây Môn Khánh hỏi:
- Cho gì vậy?
Vương Kinh đáp:
- Có mấy đôi hài do chị tôi làm ở nhà, sai đem tặng cháu gái tôi.
Tây Môn Khánh bảo Đại An:
- Trong rương của ta có sẵn quà cho Ái Thư, ngươi lấy ra đây.
Đại An vào lấy quà đem ra. Tây Môn Khánh đưa quà và thϊếp cho Vương Kinh, sai theo gia nhân nhà họ Địch.
Sau đó Tây Môn Khánh viết thϊếp và sai đem con dê cùng vò rượu tới biếu Thôi Trung thư, còn bao nhiêu để lại biếu Hà Thái giám. Hà thiên hộ nhận thay rồi nói:
- Đại nhân và chúng tôi đây đã như một nhà, lại còn bày vẽ quá.
Về phần Vương Kinh, tới nhà họ Địch, được mời lên đại sảnh, rồi Hàn Ái Thư ra gặp. Hàn ái Thư hồi này đẹp đẽ ra và thập phần sang trọng, so với hồi ở nhà thật một trời một vực. Ái Thư hỏi han chuyện nhà rồi sai dọn tiệc thết đãi Vương Kinh.
Ái Thư thấy cậu mình nghèo nàn, bèn tặng một bộ quần áo bằng lụa xanh và năm lạng bạc rồi mới tiễn về, cũng không quên hỏi thăm và cảm tạ Tây Môn Khánh.
Vương Kinh trở về nhà họ Hà, kể lại đầu đuôi. Tây Môn Khánh vui vẻ lắm.
Bỗng nghe ngoài đường có tiếng quân hầu la hét dẹp đường,rồi gia nhân vào báo:
- Lão gia tới.
Tây Môn Khánh cùng Hà Thiên hộ vội ra nghênh tiếp. Ba người vào đại sảnh uống trà trò chuyện. Hà Thiên hộ cảm tạ về việc ngôi nhà. Hạ Chỉ huy gọi gia nhân đem hai vò rượu quý tới mà bảo: .
- Để nhị vị dùng cho vui.
Tây Môn Khánh và Hà Thiên hộ đứng dậy vái tạ mà nhận.
Hạ Chỉ huy lại thưởng cho Bôn Tứ, Đại An và Vương Kinh mười lưng bạc, đoạn nói:
- Xin thỉnh lão công ra để vãn sinh được bái kiến.
Hà Thiên hộ đáp:
- Lão công chúng tôi đã vào triều từ sớm rồi.
Hạ Chỉ huy để lại một tấm thϊếp rồi nói:
- Chúng tôi tới bái kiến lão công chậm quá, xin thứ lỗi.
Nói xong đứng dậy cáo từ mà về.
Hà Thiên hộ sai gia nhân soạn lễ vật để tặng Hạ Chỉ huy.
Buổi chiều, Hà Thiên hộ bày rượu trong hoa viên mời Tây Môn Khánh.
Dàn gia nhạc mười hai người tấu nhạc dặt dìu.Tiệc kéo dài tới canh hai mới vãn.
Hôm sau, từ canh năm, Tây Môn Khánh và Hà Thiên hộ đã chầu chực tại Đông hoa môn để chờ được vào triều. Mãi đến khi nhà vua tế Nam giao xong, mới thiết triều, bá quan văn võ quỳ khắp lượt tung hô vạn tuế. Mọi người lén đưa mắt nhìn thì thấy thần tử ngồi vòi vọi trên cao, mi như mi vua Nghiêu, mắt như mắt vua Thuần, lưng như lưng vua Vũ, vai như vai vua Thang, nhà vua lại là người khôi ngô tuấn tú khác thường, lại thông minh tài giỏi, thông hiểu tam giáo cửu lưu, nhưng cũng có vẻ yêu hoa chuộc sắc, phảng phất phong thái của Trần Hậu chủ ngày xưa.
Bá quan văn võ lần lượt bước tôi thềm rồng, lạy ba lạy, vái năm vái, đưa tấu chương lên. Vị quan Điện đầu thâu xong rồi truyền thánh chỉ như sau:
- Trẫm tức vị hai mươi năm nay, triều chính được tốt đẹp là nhờ các khanh, nay gặp giai tiết, cùng các khanh cộng hưởng.
Rồi thấy một đại thần mũ áo rực rỡ cân đai chói lòa, bước ra phủ phục trước thềm rồng, nhìn kỹ thì ra Tả Thừa Tướng Sùng Chính điện Đại Học Sĩ kiêm Lại bộ Thượng thư Thái sư Lỗ Quốc công Thái Kinh. Thái Kinh nói:
- Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế, bọn thần run sợ kê đầu trước bệ rồng. Hai mươi năm nay đất trời thanh tĩnh, thiên hạ yên vui, bốn phương phẳng lặng, không có việc can qua, ấy cũng nhờ thánh đức chan hòa mà vạn quốc đều xin triều cống.
Bọn thần may gặp buổi thịnh thế được phò đức thánh quân, xin dâng lời chúc vạn niên trường cửu.
Lát sau quan Điện đầu ban thánh chỉ:
- Lời hiền khanh tâu, trẫm rất hài lòng.
Rồi nhà vua ra lệnh năm tới đổi mến niệu là Trùng Hòa nguyên niên, nhân ngày nguyên đán sẽ đại xá cho thiên hạ.
Tiếp đó, quan Điện đầu hô:
- Có việc gì thì xuất ban tấu rỗi, không việc thì bãi triều.
Lời hô chưa dứt đã thấy một đại thần hốt ngà đai ngọc bước ra phủ phục tâu:
- Thần là Quang lộc Đại phu Chưởng Kim ngô vệ Thái úy Thái bảo kiêm Thái tử Thái bảo họ Chu, hiện dẫn các quan Đề hình trong thiên hạ gồm hai mươi sáu người tới triều kiến, thần không dám tự tiện, hiện còn cho đợi cả ở bên ngoài, xin thánh ý định đoạt.
Nhà vua phất tay cho vào. Chu Thái bảo dẫn các quan thuộc các sở Đề hình mới được thăng chức vào quỳ thành hàng tại sân rồng, nhà vua nhìn qua rồi gật đầu.
Quan Điện đầu hô bãi triều. Nhà vua hồi cung. Bá quan lục tục ra về, xe ngựa kiệu chật đường. Các quan Đề hình tân thăng thì lên ngựa tới Nha chờ lệnh.
Lúc sau vị quan Tri ân đem ấn tín thẻ bài ra truyền lệnh:
- Lão gia không về Nha, vì phải tới làm lễ bái đông tại phủ Lý gia và Thái gia, nay phát ấn tín mới để các quan ra về.
Tây Môn Khánh ra về chuẩn bị hành lý, từ giã Địch quản gia và Hà Thiên hộ lên đường về Sơn Đông.
Hà Thái giám đặt tiệc tiễn hành. Trong tiệc, Hà Thái giám dăn cháu:
- Phàm mọi sự việc đều phải thỉnh giáo Tây Môn đại nhân không được tự chuyên tự quyết.
Ngày hai mươi tháng mười một, hai người lên đường, gia nhân đi theo khoảng hai chục người, trực chỉ Sơn Đông mà tiến.
Tháng đó tiết trời vô cùng lạnh lẽo, sương rơi, tuyết phủ, đường đi vất vả vô cùng. Suất dọc đường đồi núi chập trùng,rừng thưa ảm đạm, sáng mưa rơi, chiều tuyết đóng, đoàn người cứ ngày đi đêm nghỉ.
Khi qua sông Hoàng Hà, tới Bát Giác trấn thuộc Thủy quan thì gặp gió lớn, gió mạnh quất vào mặt hơi lạnh làm run người, cây cỏ ngả nghiêng, đất đá bay mù trời, những loài chim trốn lạnh xao xác bay đến trú ẩn tại những vòm cây lớn, chốc lát sau, mưa đá rơi như trút, trời tối sầm hẳn lại, đất như chuyển động, quang cảnh muôn phần đáng sợ.
Tây Môn Khánh và Hà Thiên hộ ngồi trong hai cỗ kiệu nhỏ,gió thổi mưa rơi, kiệu cứ bị tạt lại không tiến được. Lại thấy trời cũng về chiều, sợ rằng đi thêm nữa có thể gặp bọn bất lương, bèn bảo gia nhân tìm nơi trú ngụ qua đêm.
Gia nhân tìm mãi mới thấy một ngôi chùa cổ nhỏ bé, tường mái cũ kỹ hoang tàn, Tây Môn Khánh và Hà Thiên hộ vội vào chùa tạm trú, thấy ngoài cổng treo tấm bảng đề ba chữ "Hoàng Long Tự", trong phương tượng mấy vị tăng sĩ đang tọa thiền,bàn thờ Phật chẳng thấy đèn hương, phòng xá trong chùa đều cũ nát hư hại, nhiều chỗ phải che đỡ bằng mành.
Một vị trưởng lão bước ra mời vào dùng trà.
Tối hôm đó Táy Môn Khánh và Hà Thiên hộ lấy bánh trái rượu thịt ra ăn uống qua loa. Vị trưởng lão cũng biếu hai tô cháo đậu.
Hôm sau, gió mưa tạm yên, Tây Môn Khánh tặng vị trưởng lão một lạng bạc rồi cùng Hà Thiên hộ và đám gia nhân của hai người tiếp tục hành trình về Sơn Đông... .