Hôm đó cũng là sinh nhật của Lý Kiều Nhi. Vương đạo cô ở am Quan âm mời Tiết đạo cô ở am Liên Hoa và hai đồ đệ là Diệu Phượng và Diệu Thú tới. Tiết đạo cô vẫn được coi là người đạo hạnh, vóc người rất mập, miệng như cá, má tựa má lợn, đội mũ ni, mặc cà sa mà tới. Nguyệt nương kính trọng lắm, mời tất cả vào thượng phòng bày hoa quả trà bánh mời ăn. Hôm đó có cả Dương cô nương và Ngô Đại cữu mẫu.
Hai tiểu đạo cô là Diệu Thú và Diệu Phượng khoảng mười lăm tuổi, người rất thanh tú, cũng ngồi uống trà ăn bánh. Trong khi trò chuyện, Tiết đạo cô gọi Nguyệt nương là Bồ Tát tại gia hoặc quan nhân nương tử.
Câu chuyện xoay qua giáo lý nhà Phật thì thấy Thư Đồng dọn dẹp chén bát từ ngoài vào. Nguyệt nương hỏi:
- Vị hòa thượng ở ngoài đó về rồi à?
Thư Đồng đáp:
- Thưa vâng, vừa mới về xong.
Ngô Đại cữu mẫu hỏi:
- Vị hòa thượng đó mời từ đâu về vậy? Nguyệt nương đáp:
- Hôm nay gia gia tiễn Thái Ngự sử ở ngoại thành rồi chẳng biết mời ở đâu về một ông hòa thượng uống cả rượu ăn cả thịt, mà ăn uống còn nhiều hơn người thường nữa. Nghe đâu gia gia muốn cầu thuốc trường sinh nhưng hòa thượng chỉ cho thuốc mà không cho đơn. Gia gia tặng bạc thì không chịu lấy, chẳng hiểu hòa thượng đó là người như thế nào.
Tiết đạo cô nghe vậy thì bảo:
- Cứ riêng việc uống rượu ăn thịt cũng đủ biết hòa thượng đó là người thế nào rồi. Đến như chúng tôi là nữ tăng mà còn phải chịu nhiều trai giới, huống hồ họ là nam tăng. Kinh Địa Tạng có nói đó, tu hành mà ăn uống phạm trai giới thì lúc chết đi, mỗi miếng ăn miếng uống là một tội.
Ngô Đại cữu mẫu hỏi:
- Như chúng tôi đây ngày nào cũng ăn thịt uống rượu, lúc chết đi chẳng biết có bị tội không.
Tiết đạo cô đáp:
- Như lão Bồ Tát đây thì có sao, đó là được hưởng cái phúc của kiếp trước, kiếp trước có phúc nên kiếp này được hưởng vinh hoa phú quý, cũng như trồng cây mùa xuân thì mùa thu được ăn quả, đó là lẽ tất nhiên sao gọi là tội được.
Ngô Đại cữu mẫu và mọi người nghe cắt nghĩa như vậy thì yên lòng lắm. Câu chuyện được tiếp tục xung quanh giáo lý nhà Phật.
Trong khi đó, sau lúc vị hòa thượng cáo từ, Đại An tới gần Tây Môn Khánh hỏi nhỏ:
- Lúc nãy Hàn đại tẩu sai người em tới nói hôm nay là sinh nhật của đại tẩu, thế nào cũng mời gia gia tới.
Tây Môn Khánh vội sai Cầm Đồng đem một vò rượu quý tới nhà Vương thị trước, rồi bảo Đại An lấy ngựa cùng mình tới nhà Vương thị.
Tới nơi, Tây Môn Khánh xuống ngựa bảo:
- Để Cầm Đồng nó ở lại đây còn ngươi đem ngựa về nhà, Đại nương có hỏi thì ngươi cứ nói là ta đang ở tiệm đường Sư Tử tính toán tiền bạc.
Đại An vâng lời dẫn ngựa về.
Vương thị bước ra tiếp rước Tây Môn Khánh vào nhà rồi sụp lạy mà nói:
- Đa tạ gia gia có lòng tới, lại còn cho rượu nữa.
Tây Môn Khánh nói:
- Ta quên bẵng ngày sinh nhật của nàng nên hôm nay ra ngoại thành đưa tiễn Thái Ngự sử, cũng vừa mới về tới nhà xong.
Đoạn lấy trong tay áo ra một cây trâm bằng bạc đưa cho Vương thị mà bảo:
- Qùa chúc thọ nàng đây.
Vương thị cầm lấy xem, đó là cây trâm bạc có hai chữ thọ bằng vàng, sung sướиɠ nói:
- Cây trâm quả là đẹp.
Rồi lạy tạ. Tây Môn Khánh lại cho Vương thị năm lạng bạc mà bảo:
- Để nàng có chút ít làm tiệc mừng sinh nhật.
Vương thị lại lạy tạ một lần nữa, rồi đứng dậy cởϊ áσ ngoài cho Tây Môn Khánh, mời vào phòng trong dùng trà, đồng thời dặn dọn tiệc. Hai người lấy bài ra đánh giải trí một lúc rồi vào tiệc Đại An dẫn ngựa về nhà rồi ngủ một giấc tới gần tối. Tỉnh dậy thấy trời gần tối vội chạy vào nhà trong tìm đèn để thắp lên đi đón chủ. Nguyệt nương thấy vậy hỏi:
- Hôm nay gia gia đi uống rượu ở nhà nào vậy?
Đại An dừng lại đáp:
- Gia gia có uống rượu nhà ai đâu, gia gia tính sổ sách tại tiệm đường Sư Tử đấy chứ.
Nguyệt nương bảo:
- Tính toán gì mà cả ngày vậy?
Đại An đáp:
- Gia gia vừa tính toán vừa uống rượu nên mới lâu.
Nguyệt nương hỏi:
- Gia gia uống rượu có ai ngồi tiếp không? Mà hồi sáng Hàn Đạo Quốc sai người đến tìm mày có chuyện gì vậy?
Đại An đáp:
- Người nhà đó tới hỏi chừng nào Hàn Quản lý về nhà được.
Nguyệt nương mắng:
- Thằng khốn dám nói dối, tao biết là hồi này mày thành yêu thành quỷ rồi đó.
Đại An cúi đầu đứng im, không dám ho he. Nguyệt nương sai Tiểu Ngọc lấy đèn cho Đại An rồi dặn:
- Thưa với gia gia là ở nhà Nhị nương đang chờ gia gia về ăn mừng sinh nhật.
Đại An vâng lời xách đèn quay ra. Tới căn nhà dành cho gia nhân gần cổng thấy Thư Đồng, Phó Quản lý và Bình An đang ngồi uống rượu, trước mặt có một bình rượu và mấy món thức ăn, Đại An bước tới cười:
- Ghê thật. tưởng làm gì. Hóa ra tụ nhau ăn uống say sưa.
Thư Đồng bảo:
- Thối chửa, người ta đang ăn uống thì tự nhiên ở đâu tới phá bĩnh.
Đại An bảo:
- Ai thèm phá bĩnh, tao đang định tìm mày đó, mày nhiều tội lắm.
Đoạn bước tới cười giỡn ôm Thư Đồng mà vật. Thư Đồng tuột cả mũ, kêu lên:
- Ơ hay, tao chưa thèm mắng mày mà mày đã định làm hỗn với tao phải không? Rơi cả mũ người ta rồi đây này?
Phó Quản lý bảo Bình An:
- Nhặt giùm cái mũ lên không bẩn.
Bình An nhặt mũ lên đưa cho Thư Đồng, Thư Đồng liệng mũ vào cái giường gần đó. Đại An bảo:
- Mày giỏi đóng vai con gái lắm, mày là đồ da^ʍ phụ, hôm nay cho mày biết tay tao.
Nói xong nhổ ngay một bãi nước miếng vào mặt Thư Đồng. Thư Đồng vung tay đỡ không kịp mà lại làm đổ cả bình rượu. Phó Quản lý bảo:
- Hai thằng khỉ thôi đi, giỡn gì kỳ cục vậy?
Thư Đồng chùi mặt bảo:
- Chơi thì chơi, giỡn thì giỡn, sao lại nhổ nước thối vào người ta?
Đại An bảo:
- Bây giờ mày không thích giỡn, sao lúc trước mày hay giỡn người ta quá vậy?
Bình An vội rót một chung rượu đưa cho Đại An mà bảo:
- Mày uống rượu đi rồi còn rước gia gia. Mày uống rượu rồi lo việc đi đã, muốn nói gì lát về nói.
Đại An bảo:
- Được rồi, để tao rước gia gia về xong rồi sẽ nói chuyện với nó. Nó coi thường tao sao được, tao có sợ nó bao giờ đâu. Nói xong cầm chung rượu uống cạn, rồi xách đèn lên ngựa tới nhà Vương thị. Tới nơi, gọi Cầm Đồng mở cổng rồi hỏi:
- Gia gia đang ở đâu?
Cầm Đồng đáp:
- Đang uống rượu ở trong đó.
Nói xong đóng cổng rồi cùng Đại An vào nhà bếp. Phùng lão bảo:
- Đại An à, Hàn Đại tẩu của cháu đợi mãi chẳng thấy cháu tới, có để phần đây này.
Nói xong lấy mấy đĩa món ăn đầy ụ toàn thịt gà thịt vịt và một bình rượu nhỏ. Đại An nghiễm nhiên ngồi ăn uống nhồm nhoàm, lát sau no say mà rượu và đồ ăn vẫn không hết, mới bảo Cầm Đồng:
- Mày ăn vài miếng rồi uống ít rượu cho vui, tao không ăn nổi nữa.
Cầm Đồng bảo:
- Để phần cho anh thì anh cứ ăn uống đi.
Đại An bảo:
- Thì tao ăn uống rồi, bây giờ tao mời mày mà.
Cầm Đồng miễn cưỡng ngồi xuống ăn uống.
Lát sau Đại An bảo:
- Phùng lão à, tôi nói câu này lão đừng giận, lão được Lục nương tôi giao phó chuyện nhà, lão không lo, lại ở đây suốt ngày lo việc cho Hàn đại tẩu, Lục nương hỏi thì tôi phải nói chứ.
Phùng lão quay phắt ngay lại bảo:
- Khỉ ơi, chớ đùa vậy, mày mà nói ra Lục nương giận mà mắng chửi tao thì tao làm sao còn dám nhìn mặt Lục nương nữa. Nhớ đừng có nói gì hết. Trong khi Đại An nói chuyện với Phùng lão thì Cầm Đồng đã ăn xong, rồi bước ra ngoài, tới cửa sổ phòng Vương thị lén nhìn vào Vương thị đang chuốc rượu cho Tây Môn Khánh, đoạn nói:
- Hôm nay gia gia tới đây ngồi uống với tôi chén rượu như thế này quả là tôi có phúc lắm, nhưng nếu gia gia quả không chê tôi, không khinh tôi thì tôi có một chuyện muốn thưa với gia gia.
Tây Môn Khánh bảo:
- Nàng có chuyện gì thì cứ nói, việc gì phải ngần ngại.
Vương thị cúi dầu thẹn thùng im lặng. Tây Môn Khánh phải giục hai ba lần Vương thị mới nói:
- Hàn Đạo Quốc hồi này có vẻ nhàn hạ hay sao mà suốt ngày đàn đúm rượu chè với bạn bè, về tới nhà thì chẳng bao giờ thấy mặt mày tươi tỉnh. Mới đây nghe đâu lại gây sự với người ta, chuyện có thể lên quan. Tôi biết là gia gia ở viện Đề hình là người có danh tiếng, công việc lại bề bộn, không để ý tới những chuyện nhỏ, nhưng cúi xin gia gia có cách nào che chở cho Đạo Quốc, bằng cách là giúp hắn tránh được những lôi thôi, nghĩa là bắt hắn phải lo công việc của tiệm cho chăm chỉ như vậy thì công việc của gia gia được tốt đẹp mà Đạo Quốc cũng không có dịp để sinh chuyện. Được như vậy thì ơn của gia gia tôi chẳng bao giờ quên.
Tây Môn Khánh bảo:
- Chuyện chưa ra tới cửa quan thì cũng có gì đáng lo đâu.
Vương thị nói:
- Nhưng mà gia gia phải có cách quản thúc Đạo Quốc thế nào, trói buộc vào công việc thế nào, chứ cứ để tự do quá như thế này, muốn đi đâu thì đi, muốn về nhà giờ nào thì về, như vậy lỡ gặp lúc gia gia đang ở đây thì tránh sao khỏi bất tiện. Bỗng có tiếng sột soạt ngoài cửa sổ. Tây Môn Khánh hỏi:
- Ai ở ngoài đó vậy?
Vương thị cầm đèn giơ cao lên rồi ngó ra ngoài cửa sổ, thấy một bóng đen chạy đi, nhưng không rõ ai, bèn để đèn xuống trả lời:
- Con mèo nhà này đấy mà, nó chuyên môn rình chim rình chuột ngoài cửa sổ đó. Có đêm nó cứ sột soạt cả đêm, tôi sợ đến không ngủ được đó.
Lúc đó đêm cũng đã khuya. Tây Môn Khánh đứng dậy.
Vương thị nói:
- Trời chưa khuya lắm, bên ngoài đã có người canh giữ, gia gia ngại gì, ngồi lại đây một lát đã.
Tây Môn Khánh bảo:
- Để hôm nào ta gọi Đạo Quốc tới, sai cùng với Lai Bảo và Thôi Bản tới Dương Châu chở muối về đây bán. Chở muối về xong thì ta lại sai hắn đi Hồ Châu lo việc tơ sợi, nàng coi có được hay không?
Vương thị nói:
- Gia gia sai đi đâu hắn cũng phải đi, để hắn ở đây làm gì, nhưng còn cửa tiệm thì giao lại cho ai?
Tây Môn Khánh bảo:
- Ta để cho Bôn Tứ thay thế.
Vương thị nói:
- Thế thì tốt lắm.
Trong khi Cầm Đồng vẫn rình nghe ngoài cửa sổ thì Đại An tới đập nhẹ một cái vào vai rồi bảo nhỏ:
- Nghe làm gì, gia gia sắp về rồi, tao với mày ra đằng trước mau.
Hai đứa trở ra đằng trước, Đại An bảo:
- Tao biết ở cái ngõ cạnh đây mới có hai con nhỏ xinh lắm, một đứa tên là Kim Nhi, một đứa là Tái Nhi, chỉ khoảng mười sáu mười bảy mà thôi, tao với mày tới đó chơi.
Đoạn quay vào dặn a hoàn của Vương thị:
- Chúng tôi ra ngoài này một chút, nếu gia gia tôi có gọi thì làm ơn chạy ra cái ngõ cạnh đây gọi chúng tôi.
Nói xong dắt Cầm Đồng đi. Nguyên ngõ này gọi là ngõ Hồ Điệp, trong có vài chục nóc nhà, phần lớn theo nghề bán phấn buôn hương. Đại An và Cầm Đồng bước vào một nhà, người trong nhà nhận ra Đại An là gia nhân thân tín của Tây Môn Khánh, vội mời ngồi. Đại An ngồi xuống bảo:
- Đâu, gọi hai em đó ra đây hát một bài nghe chơi.
Mụ chủ chứa đáp:
- Quản gia tới hơi trễ, hai em đều đang có khách cả.
Đại An hơi ngà ngà say, nghe vậy thì không nói không rằng, sấn sổ vén mành vào phòng trong, thấy trong phòng không có đèn, nhưng ánh trăng chiếu vào cho thấy hai người đàn ông, một người đang nằm trên giường còn một người đang cởi giầy. Người này hỏi:
- Ai vào đây vậy?
Đại An hùng hổ mắng:
- Đồ khốn kiếp.
Nói xong là xông tới đánh liền, người nọ không kịp mang giầy, kêu inh ỏi mà chạy ra ngoài trốn mất. Người đàn ông đang nằm trên giường cũng hốt hoảng bỏ chạy luôn. Đại An sai đốt đèn lên rồi bảo:
- Loài chó chết, nó dám hỏi ta là ai. Hôm nay tao tha, đáng lẽ là tao dẫn lên nha môn cho chúng nó nếm vài chục trượng để biết tao là ai.
Mụ chủ lật đật thắp đèn lên rồi vái Đại An lia lịa mà nói:
- Hai người đó ở xa mới tới nên không biết nhị vị quản gia, xin nhị vị bớt giận mà bỏ qua, chấp làm gì cho mất vui. Thấy Kim Nhi và Tái Nhi đang khép nép run sợ Ở góc phòng, mụ chủ vội gọi ra, bảo tiếp đãi Đại An và Cầm Đồng. Hai người con gái bước ra lạy chào rồi nói:
- Đêm đã khuya, không ngờ nhị vị quản gia chiếu cố nơi này nên không kịp chuẩn bị gì, xin nhị vị tha lỗi.
Nói xong cùng nhau bày bàn dọn ít đồ ăn và rượu cho Đại An, và Cầm Đồng ngồi ăn uống. Kim Nhi ngồi cạnh chuốc rượu cho Đại An, còn Tái Nhi thì chuốc rượu cho Cầm Đồng. Lát sau, Kim Nhi lấy cây tỳ bà ra đàn hát. Tái Nhi tiếp tục chuốc rượu. Sau đó đến lượt Tái Nhi đàn hát để Kim Nhi chuốc rượu.
Đang lúc rượu ngọt hát hay thì nghe tiếng a hoàn của Vương thị gọi ở đầu ngõ, hai tên gia nhân vội đứng dậy. Đại An quay lại bảo:
- Để hôm khác anh em sẽ tới thăm hai nàng.
Nói xong trở về nhà Vương thị. Tới nơi, thấy Tây Môn Khánh vẫn còn ngồi uống rượu với Vương thị trong phòng. Hai đứa bèn xuống bếp hỏi Phùng lão:
- Gia gia cho gọi chúng tôi phải không?
Phùng lão đáp:
- Gia gia không gọi, chỉ hỏi là ngựa đã tới chưa, tôi chạy lên thưa là tới rồi, gia gia không hỏi gì nữa.
Nói xong đem trà cho hai đứa uống. Lát sau thấy Tây Môn Khánh đứng dậy, hai đứa vội chạy ra chuẩn bị ngựa. Trong này Vương thị nói:
- Gia gia về nhà chắc còn uống rượu nữa, vậy xin uống một chung này.
Tây Môn Khánh bảo:
- Về nhà chắc ta không uống nữa đâu.
Nói xong uống cạn chung rượu do Vương thị rót. Vương thị hỏi:
- Chừng nào thì gia gia lại tới đây?
Tây Môn Khánh đáp:
- Để ta cho bọn họ lên đường xong rồi sẽ tới với nàng.
A hoàn đem trà lại, Tây Môn Khánh uống thêm một chung trà rồi bước ra, lên ngựa mà về.
Trong khi đó tại nhà, Kim Liên và mọi người đang quây quần nghe hai đồ đệ của Tiết đạo cô hát những bài hát Phật. Đang nghe hát, Kim Liên sực nhớ tới cái trâm chữ thọ, sờ lên đầu không thấy, tìm cũng không thấy, bèn hỏi Xuân Mai, Xuân Mai đáp:
- Hồi sang gia gia tới phòng mình, có cầm cây trâm lên coi, vậy mà sao bây giờ không thấy.
Kim Liên ngạc nhiên hỏi:
- Gia gia tới đây bao giờ? Sao ta không biết?
Xuân Mai đáp:
- Lúc đó nương nương đang ở thượng phòng tiếp đón Tiết đạo cô. Gia gia ăn mặc loàng xoàng tới đây. Tôi hỏi thì không trả lời, lát sau thì trở ra đi luôn. Chắc là gia gia đem đi rồi, lát nữa gia gia về, nương nương thử hỏi xem sao. Tây Môn Khánh về tới nhà thì trời cũng khuya, nên đi thẳng ra hoa viên, vào phòng Bình Nhi. Cầm Đồng đem mũ áo của chủ vào giao cho Tiểu Ngọc cất đi. Nguyệt nương thấy vậy hỏi:
- Gia gia đâu?
Cầm Đồng đáp:
- Gia gia đang ở phòng Lục nương.
Nguyệt nương bảo mọi người:
- Xem thế đấy, mọi người đang chờ đợi cả ở đây mà về nhà không thèm vào đây.
Bình Nhi nghe vậy hoảng lên, trở về phòng mình bảo Tây Môn Khánh:
- Hôm nay là sinh nhật của Nhị nương, Nhị nương và cả nhà chờ Cầm Đồng từ trưa tới giờ, bây giờ về tới nhà, sao không vào với mọi người?
Tây Môn Khánh cười:
- Tôi say quá rồi, để ngày mai vậy.
Bình Nhi bảo:
- Nói vậy sao được, say thì say, cũng phải vào uống chén rượu mừng thọ Nhị nương chứ, chàng không sợ Nhị nương buồn giận hay sao?
Nói xong nhất định lôi bằng được Tây Môn Khánh vào. Mọi người đứng dậy chào hỏi. Tây Môn Khánh ngồi xuống, Kiều Nhi rót rượu tới mời. Nguyệt nương hỏi:
- Hôm nay một mình chàng mà ngồi ở ngoài tiệm từ trưa tới giờ hay sao?
Tây Môn Khánh đáp:
- Có Ứng nhị gia tới uống rượu với tôi đấy chứ.
Nguyệt nương bảo:
- Nhất định là không phải vậy, chàng phải nói thật mới được. Bình Nhi dẫn Tây Môn Khánh vào xong rồi trở về phòng dỗ con ngủ. Tây Môn Khánh uống xong chung rượu của Kiều Nhi, ngồi im lặng một lát rồi tới phòng Bình Nhi. Bình Nhi thấy vậy bảo:
- Con nó vừa mới ngủ được, chàng qua phòng khách nghỉ đi. Chàng phải đến với Nhị nương.
Tây Môn Khánh hỏi :
- Mấy hôm trước nàng không khỏe, sao không mời lang y tới. Bình Nhi nghe nhắc, vội lấy đơn thuốc kê bệnh của vị lang y hôm nọ ra đưa cho Tây Môn Khánh.
Tây Môn Khánh cầm tờ kê bệnh lên coi thì thấy viết như sau:
"Sách thuốc nói, phổi nóng thì ho và có đờm, cổ khô thì khan tiếng, như vậy gọi là hư lao. Nhưng hư lao lại phân làm hai loại như hư lao nhiệt và hư lao vô nhiệt. Hư lao nhiệt thì tim phổi bế tắc, hại cho khí huyết, khiến cho tâm thần nóng nảy, đầu nhức, mắt mờ, lưỡi khô, đầu óc mệt mỏi, tứ chi bải hoải, không muốn ăn uống, mình mẩy đau nhức, tổn đến chân âm không ít. Nhiều khi ngày mệt đêm khỏe hoặc đêm mệt ngày khỏe. Tâm thịnh thì nhiệt phát ở ngoài, mà tâm hư thì nhiệt thâu ở trong. Còn hư lao vô nhiệt thì do khí huyết bất túc, tạng phủ bị hàn, ăn uống không tiêu, chân tay giá lạnh, có khi nôn mửa, xương cốt đau nhức, mặt vàng da bủng. Chứng này nếu ở trong hàn thì ngoài là giả nhiệt. Nếu ăn uống không tiêu, đau bụng đại tiện khó, chân tay lạnh, có nôn mửa, sợ gió, tức là nội ngoại đều là chân hàn. Nếu thích ăn đồ lạnh, đại tiện cứng, chân tay nóng, không sợ gió, tức là nội ngoại đều là chân nhiệt. Nếu ăn uống như thường mà đại tiện khó khăn, chân tay lạnh, có nôn mửa, tức là nội chân nhiệt mà ngoại chân hàn. Còn nếu biếng ăn mà lại thích đồ chua, bụng đau, nôn mửa, sợ lạnh, tức là nội chân hàn mà ngoại chân nhiệt. Nay bệnh nhân huyết hư mệt nhọc, mình mẩy đau nhức, trí mệt, mắt mờ, miệng nóng cổ khô, kém ăn ít ngủ, tức là mắc chứng lao nhiệt vậy. Nếu để lâu không trị e rằng nguy hại về sau".
Dưới đó là đơn thuốc, nhưng chẳng qua cũng chỉ quanh quẩn mấy vị đương quy, thược dược, phục linh cam thảo tử hồ, bạch truật, ngũ vị tử, địa cốt bì v.v...
Tây Môn Khánh đọc xong bảo:
- Xem ra đơn này cũng chẳng ích lợi gì, ngày mai bảo mời lang y khác tới chữa trị cho nàng. Hiện nàng đang bệnh, ta tha cho, không quấy nhiễu nàng nữa, nhưng nàng cũng nên tĩnh dưỡng, bảo nhũ mẫu nó trông ca nhi cho nàng ngủ, bây giờ cũng khuya rồi, đừng để mệt nhọc quá.
Tây Môn Khánh nói hơi lớn khiến Tố Quan giật mình thức giấc khóc ầm ĩ, dỗ thế nào cũng không được. Bình Nhi bảo Nghênh Xuân lấy cái trống con ra đánh cho Tố Quan chơi rồi trao Tố Quan cho nhũ mẫu dỗ ngủ.
Lúc đó đã khoảng canh ba. Kim Liên thấy Tây Môn Khánh còn ở với Bình Nhi thì nghiến răng đóng cửa mà đi ngủ.
Trong khi đó, tại phòng Nguyệt nương, Tiết đạo cô đưa thuốc cho Nguyệt nương mà dặn:
- Chọn ngày Nhâm Tý, dùng rượu mà uống, chẳng bao lâu sau khí huyết lưu thông là có thể có thai.
Nguyệt nương nhận thuốc, cảm tạ Tiết đạo cô, rồi quay sang nói với Vương đạo cô:
- Tôi cứ đợi mãi, sao không thấy tới?
Vương đạo cô cười:
- Đại nương coi, vật liệu đó đâu phải dễ kiếm, phải tìm mãi mới mua được, rồi lại phải giao cho Tiết sư phụ đây chế luyện nữa chứ, công lao thật nhiều mà đòi hỏi cả ngày giờ nữa, làm xong mới đem thuốc lại cho Đại nương được chứ.
Nguyệt nương bảo:
- Thật làm phiền nhị vị sư phụ quá.
Đoạn sai lấy bốn lạng bạc ra, thưởng mỗi người hai lạng, rồi nói - Nay mai nếu quả tôi thụ thai được thì sẽ xin tặng mỗi vị một xấp đoạn màu vàng để may cà sa.
Tiết đạo cô nói:
- Xin đa tạ hảo tâm của Bồ Tát.
Thật là:
Của thật muôn kiếp khó tìm,.
Đồ giả một ngày dễ kiếm.