Lại nói về Tây Môn Khánh tới chùa Vĩnh Phúc tìm gặp vị cao tăng họ Thích để nhờ đoán giấc mộng lạ nơi quán rượu. Tới cổng, vị tăng trụ trì nhận ra Tây Môn Khánh tại gần cổng. Tây Môn Khánh ngẩng đầu nhìn, trên cổng có tấm biển viết bốn chữ lớn "Đại hùng bảo điện", đó là thủ bút của tể tướng đương triều là Thái Kinh. Bên trong cổng là một bức tượng Phật Di Lặc vĩ đại. Từ cổng vào, theo một cái hành lang thì tới phòng khách, nơi đây vị tăng trụ trì và Tây Môn Khánh phân ngôi chủ khách mà ngồi. Vị tăng hỏi:
- Lâu lắm Đại quan nhân không giáng lâm nơi này, nay tới đây quả là quý hóa lắm. Chắc là Đại quan nhân vẫn được khang an vạn phúc.
Tây Môn Khánh nói:
- Xin cám ơn đã có lời hỏi thăm, nhưng hôm nay tôi tới đây vì nghe nói chùa nhà có một vị cao tăng họ Thích giỏi đoán mộng. Phải vậy chăng?
Vị tăng đáp:
- Thưa phải, nhưng vị hòa thượng đó chẳng chịu chăm chỉ tụng kinh niệm Phật gì cả là suốt ngày chỉ ngủ li bì, giờ này chưa chắc đã dậy. Xin để bần tăng vào coi thử.
Tây Môn Khánh nói:
- Vâng, sư phụ vào coi giùm.
Vị tăng quay vào, tìm hòa thượng họ Thích, nói rõ việc Tây Môn Khánh tới hỏi để nhờ giải mộng.
Hòa thượng họ Thích lơ đãng hồi lâu, rồi chẳng nói chẳng rằng, nằm xuống giường định ngủ. Vị tăng trụ trì phải dựng dậy, lôi ra ngoài diện kiến Tây Môn Khánh, nhưng hòa thượng họ Thích vùng vằng bảo:
- Cái gì mà đại quan với chẳng đại quan. Tôi đang muốn ngủ, ông Tây Môn Đông Môn gì đó muốn tôi giải mộng thì phải vào đây chứ tôi không đi đâu cả. Vị tăng trụ trì không biết tính sao trước thái độ điên khùng của Thích hòa thượng, đành ra ngoài nói:
- Thích hòa thượng hiện đang ngủ, nếu quả Đại quan nhân muốn được giải mộng thì xin cảm phiền quá bộ vào ngọa phòng, như vậy có thể ngồi lâu để nghe đoán cho đầy đủ rõ ràng.
Tây Môn Khánh gật đầu:
- Vậy cũng được.
Nói rồi đứng dậy theo vị tăng vào ngọa phòng, nơi đây không khí thanh u, cực kỳ yên tĩnh. Thích hòa thượng đã ngủ khoèo, tiếng ngáy vang lên đều đều, vị tăng trụ trì lại phải tới gọi dậy, Thích hòa thượng từ từ mở mắt nhìn rồi nói:
- Thì ra là Tây Môn Khánh, có mộng gì kỳ lạ thì nói đi.
Tây Môn Khánh đang muốn được giải mộng nên tuy nghe Thích hòa thượng gọi tên mình ra mà vẫn không để ý, chỉ đáp:
- Hôm qua tôi uống rượu quá say tại một tửu quán, rồi ngủ thϊếp đi mà mộng thấy tới một ngôi biệt thự, cổng có dề bảy chữ.
Thích hòa thượng ngắt lời:
- Bảy chữ gì?
Tây Môn Khánh đáp:
- Bảy chữ đó là "nhất phiên phong tín nhị phiên hoa", viết theo lối đại tự. Vào trong thấy một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo. Lại có một cái hồ toàn sen đang nở, mà có những bông sen không phải màu trắng, không phải màu đỏ ...
Thích hòa thượng lại ngắt lời:
- Chắc là màu hoàng kim.
Tây Môn Khánh giật mình:
- Làm sao sư phụ biết là màu hoàng kim?
Thích hòa thượng không trả lời thẳng mà chỉ nói:
- Mộng này lành ít dữ nhiều.
Tây Môn Khánh lo lắng:
- Dám xin sư phụ giảng cho.
Thích hòa thượng không trả lời mà hỏi lại:
- Mộng đó có hết không?
Tây Môn Khánh đáp:
- Mộng chưa hết, vì lúc tôi thấy hoa sen hoàng kim đẹp và lạ đang đưa tay hái thì bỗng nghe một người lớn tiếng gọi, rồi đập mạnh vào vai tôi, đó là lúc tôi tỉnh dậy.
Thích hòa thượng lại hỏi:
- Có nhận ra hoặc quen biết gì với người gọi đó không?
Tây Môn Khánh đáp:
- Hình như người đó là Võ Tòng, người đã đánh chết mãnh hổ tại núi Cảnh Dương ngày trước.
Thích hòa thượng gật gù:
- Nếu vậy thì nghe bần tăng giải mộng đây.
Nói xong đọc bốn câu thơ:
Một lần tin gió mấy lần hoa, Chỉ rõ họ người, không nói ngoa.
Sau lúc sen vàng tay đã hái, Uyên ương gặp gỡ chẳng đâu xa.
Tây Môn Khánh nghe xong ngạc nhiên nói:
Tôi quả không quen biết với người họ Phan(#1) nào cả, mà cũng không hẹn ước nhân duyên với người nào họ Phan. Thích hòa thượng bảo:
- Đó là thiên cơ, bần tăng chỉ có thể nói vậy mà thôi.
Nói xong lại quay ra giường mà ngủ. Tây Môn Khánh đành theo vị tăng trụ trì trở ra phòng khách.
Uống trà xong, Tây Môn Khánh để lại ít bạc rồi cưỡi lừa trở về nhà. Về tới nhà, Đại An Nhi ra đón, Tây Môn Khánh hỏi:
- Ta đi vắng, có ai tới không?
Đại An Nhi đáp.
- Có Ứng nhị gia tới, đang ngồi chồ tại phòng khách.
Tây Môn Khánh vội bước thẳng vào phòng khách. Ứng Bá Tước đứng dậy nói:
- Đại ca mới về.
Tây Môn Khánh bảo:
- Nhị đệ xui ta tới chùa Vĩnh Phúc để nhở đoán mộng, nhưng lão sư họ Thích chỉ làm ta bực mình mà thôi.
Ứng Bá Tước vội hỏi :
- Sao vậy?
Tây Môn Khánh kể lại đầu đuôi, từ thái độ khinh đời đến ngôn ngữ ngạo mạn của Thích hòa thượng, rồi đưa cho ứng Bá Tước xem bốn câu thơ đoán mộng chép trên giấy. Ứng Bá Tước xem kỹ bốn câu thơ rồi nói:
- Bốn câu đoán mộng này kể cũng không phải là khó hiểu. Mỗi lời mỗi chữ đều rõ rằng, cứ theo đó thì tương lai đại ca sẽ có một vị tẩu tẩu họ Phan, đây chính là chuyện uyên ương tốt đẹp. Còn hai chữ "sen vàng", tức kim liên, thì ta thường có câu "tam thốn kim liên", tức là sau đó đại ca sinh được những đứa con đẹp đẽ đáng yêu. Lúc đó thì bọn đệ sẽ được uống rượu mừng...
Đang nói thì thấy Đại An Nhi vào thưa:
- Có Tạ đại gia tới.
Tây Môn Khánh và Ứng Bá Tước cùng đứng dậy chào hỏi. Tạ Hy Đại an tọa. Tây Môn Khánh hỏi:
- Sao tới trễ vậy?
Tạ Hy Đại đáp :
- Tại hồi nãy còn mắc ngồi uống trà với một người bạn ở nhà của nàng Phan Tiểu Hồng trong ngõ Trường Xuân, nên bây giờ mới tới được.
Ứng Bá Tước hỏi ngay:
- Có phải Phan Tiểu đồng mà đôi bàn chân nhỏ xíu phải không?
Tạ Hy Đại đáp.
- Phải đó, bàn chân nàng nhỏ lắm. không quá ba tấc. Mà nhị ca hỏi làm gì vậy?
Ứng Bá Tước bèn thuật lại đầu đuôi việc Tây Môn Khánh nghe đoán mộng. Tạ Hy Đại nghe xong nói:
- Nàng Phan Tiểu Hồng này đúng là họ Phan, lại có nhan sắc cá lặn nhạn sa, khó người bì kịp. Hay là bây giờ anh em mình tới đó chiêm ngưỡng sắc đẹp của nàng, thưởng thức thú vui tưởng cũng không hại gì.
Tây Môn Khánh bảo:
- Bây giờ cũng trưa rồi, mình ăn cơm đã rồi đi cũng không muộn.
Bèn quay lại gọi Đại An Nhi, bảo dọn cơm rượu. Một lát sau, cơm no rượu say, ba người kéo nhau tới hẻm Trường Xuân...
Lại nói về nàng Kim Liên, vốn chán ghét người chồng thật thà xấu xí là Võ Đại mà thương xót nhan sắc của mình, đến khi Võ Tòng tới nhà ăn cơm, Kim Liên bắt đầu say mê em chồng, trong lòng chỉ nghĩ tới chuyện bướm ong, nhưng trước vẻ uy nghi anh hùng của Võ Tòng, Kim Liên vẫn thấy e sợ. Còn Vương bà, người láng giềng khít vách, lại là người giỏi nghề dụ dỗ đàn bà con gái, xúi bẩy làm chuyện bại hoại tiết danh. Ngày trước, có một thương gia buôn bán dược phẩm tại Đông Kinh say mê một người con gái, thân thích của một vị quan trong huyện Thanh Hà, nhưng không biết làm sao. Sau đó thương gia này nhờ người chỉ tới Vương bà, đưa ít lạng bạc nhờ lo hộ, Vương bà nhận lời. Chỉ mấy ngày sau, Vương bà làm quen được với người con gái đó, rồi mượn cớ rủ nàng đi lễ chùa, nhưng lại đưa nàng tới nhà mình để người thương gia nọ được gặp.
Lại có một người là Thi Đại Tử, nhà ở trước huyện, muốn cưới con gái của Đông Sách Tử, mở cửa hàng buôn gạo. Người con gái này đã hứa hôn với con trai thứ của Chu Đại Hộ. Thi Đại Tử biết là chuyện mình khó thành, đang thất vọng thì có người giới thiệu Vương bà. Thi Đại Tử bèn đem tiền bạc tới nhà Vương bà, xin nhận Vương bà là mẹ nuôi, rồi nhờ lo chuyện. Vương bà nhận lời. Hôm sau Vương bà tới dò hỏi con nuôi của Chu Đại Hộ là Chu Phúc, Chu Phúc ngày trước là gia nhân thân tín nhất của Chu Đại Hộ.
Vương bà kể hết chuyện cho Chu Phúc nghe, dặn Chu Phúc dèm pha với Chu Đại Hộ rằng người con gái nhà hàng gạo không được đứng đắn, rồi tặng Chu Phúc một số bạc. Chu phúc là đứa ham tiền nên nhận lời.
Chu Đại Hộ vốn người ngay thẳng, gia pháp rất nghiêm, nghe Chu Phúc nói vậy thì nổi giận, cho gọi bà mối đến nói chuyện thoái hôn, Đông Sách Tử giận lắm, nói với Vương bà:
- Con gái tôi rất mực đoan chính, xưa nay chưa hề có điều tiếng gì. Nay Chu Đại Hộ nghe lời nói không đâu mà thoái hôn, bỉ mặt tôi. Tôi phải nhờ người làm đơn kiện Chu Đại Hộ mới được Vương bà nghe vậy thì mừng lắm, nhưng giả vờ kinh ngạc mà bảo:
- Sao lại có chuyện đó được. Cứ như tôi thấy thì lệnh ái đây quả là hiền thục nết na, cả ngày không ra khỏi cửa, một dạ gìn vàng giữ ngọc, lẽ ra nhà họ Chu không có phúc để cưới được lệnh ái, vậy mà còn làm bộ nọ kia. Nhưng vàng thật đâu sợ lửa, lệnh ái đây đâu phải là ế ẩm gì. Nếu bây giờ đem chuyện lên quan thì phiền phức mà chẳng lợi gì. Theo tôi thì nên tính cách khác hay hơn.
Người cha tuy đang giận, nhưng nghe Vương bà nói cũng có lý, bèn hỏi:
- Nhưng mà làm cách nào để giữ thể diện bây giờ? Hay là lại nhờ mai mối lo cho cháu đám khác để nhà họ Chu biết tay?
Vương bà mừng quá nói ngay:
- Nếu vậy thì khỏi phải nhờ ai cho mất công mà lại miệng tiếng, để tôi xin tận lực lo cho. Chỉ ít ngày sau Thi Đại Tử được toại nguyện, mà Vương bà ăn tiền được cả đôi bên. Vài chuyện trên đây đủ cho thấy Vương bà là người thế nào.
Trở lại chuyện Kim Liên, Vương bà thấy nàng đẹp đẽ như thế mà phải làm vợ một người như Võ Đại, thì đoán biết ngay tâm sự của nàng, lại biết nàng không có ai bầu bạn nên lân la chuyện trò, dần dần trở thành thân thiết. Vương bà thường lãnh quần áo về cho Kim Liên may vá, rồi tìm đủ cách ly gián vợ chồng Võ Đại, Kim liên.
Một hôm Kim Liên nói với Vương bà:
- Ma ma à, ma ma thấy em chồng của tôi thật là hãnh diện biết bao. Chú ấy tài ba dũng mãnh, tay không đánh chết hổ dữ Cảnh Dương, mà tướng mạo lại vô cùng đẹp đẽ. Vương bà tiếp lời:
- Thì tôi cũng vẫn nghĩ như vậy dó. Tôi cũng còn nghĩ tới cô nữa. Cô là người nhan sắc tuyệt trần thế này, đáng lẽ phải lấy người chồng xứng đáng, nào ngờ trời già cay độc, bắt cô phải khổ. À mà có lẽ cô cũng biết chuyện này, hôm nọ lúc cô ra mua kim chỉ, có người để ý đấy nhá. Kim Liên vội hỏi:
- Có phải người mặc áo xanh hôm đó chăng? Mà ai vậy?
Vương bà lững lờ:
Không nói ra thì thôi, mà nói ra thì lại tức cười.
Kim Liên nôn nao:
- Ma ma à, bây giờ không có ai ở nhà, xin nói cho tôi nghe đi.
Vương bà cười:
- Người đó là Ứng nhị gia, bạn của Tây Môn Đại quan. Đại quan nhân có cửa hiệu dược phẩm lớn nhất ở đây. Ứng nhị gia tên thật là Bá Tước, còn Tây Môn Đại quan nhân cưới một kỹ nữ là Lý Kiều Nhi về làm vợ thứ nhì, đó là do công của Ứng nhị gia.
Kim Liên hỏi:
- Còn vị Tây Môn Đại quan nhân trong nhà có mấy người thϊếp?
Vương bà đáp:
- Vì Đại quan nhân chưa có con trai, người chính thất lại đã qua đời, hiện có ba người vợ. Người thứ ba là Trác Nhị Thư hiện đang bệnh nặng, sợ không qua khỏi, nên Đại quan nhân hình như cũng đang muốn cưới thêm một người vợ nữa.
Kim Liên lại hỏi:
- Ma ma có quen với Ứng nhị gia không?
Vương bà đáp:
- Quen chứ sao không? Ứng nhị gia hiện nhờ vả Đại quan nhân nhiều lắm, tuy có lãnh ít việc tại huyện nhưng cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.
Kim Liên hỏi:
- Hôm đó tại sao Ứng nhị gia lại tới chỗ mình ở lúc trước? Mà có chuyện gì đáng cười như ma ma mới nói?
Vương bà cười bảo:
- Chuyện buồn cười đó, tôi cũng chẳng nên nói cho cô nghe làm gì.
Nói xong đứng dậy định đi. Kim liên vội nói:
- Xin ma ma nán lại ăn bánh, uống nước trà đã. Hôm nay cũng có em chồng tôi tới chơi thì phải. Bây giờ thì mời ma ma dùng chút đỉnh cho ngon miệng rồi nói chuyện cho tôi nghe.
Vương bà ngồi xuống nói:
- Mời mấy thứ này thì không được. Cô muốn nghe tôi nói thì phải mời tôi uống rượu mới được.
Kim Liên nói:
- Rượu thì có, nhưng không có đồ nhắm. Xin ma ma cứ ngồi đây, để tôi sai con Nghênh Nhi nó ra phố mua ít thịt quay về.
Vương bà cười ỡm ờ:
- Bây giờ tôi không muốn thịt quay, mà muốn nhắm rượu với thịt của cô thì cô có chịu không?
Kim Liên đáp:
- Ma ma muốn gì cũng dược hết.
Hai người cùng cười. Sau đó Vương bà bảo:
- Thôi thì để tôi nói cho mà nghe kẻo đêm lại không ngủ được. Hôm đó Ứng nhị gia hỏi thăm về mấy nhà hàng xóm của tôi...
Kim Liên ngắt lời:
- Hỏi những nhà nào vậy?
Vương bà bảo:
- Thì cô thử đoán xem.
Kim Liên nói:
- Hàng xóm của ma ma lúc trước thì ngoài nhà họ Trương sang trọng hơn cả, chỉ còn nhà bán bánh bên chúng tôi và nhà bán rượu bên kia mà thôi.
Vương bà nói:
- Cô à, bên cô với bên tôi là hàng xóm khít vách thì cũng như là một nhà, cho nên đã hỏi đến tôi tức là hỏi bên này chứ còn hỏi nhà nào nữa? Kim Liên sốt ruột:
- Nếu vậy thì tôi quả không hiểu tại sao, mà Ứng nhị gia hỏi những gì vậy?
Vương bà lại nói lảng ra:
- Người sáng suốt như cô thì không phải nói nhiều. Bên tôi chẳng có ai trông nhà, mà tôi sang đây cũng lâu rồi, thôi để tôi về, có gì ngày mai mình nói chuyện tiếp.
Kim Liên vội nắm cánh tay Vương bà níu lại mà bảo:
- Ma ma à, tôi đã coi ma ma như mẹ thì ma ma còn giấu tôi làm gì, xin nói cho hết đã.
Lúc đó vương bà mới chịu to nhỏ kể lại hết những lời hỏi han của Ứng Bá Tước hôm trước, lại không quên thêm bớt để đánh mạnh vào tâm lý Kim Liên, sau đó cáo từ mà về.
Sau khi nghe chuyện Vương bà, Kim Liên càng thêm chán ghét chồng, tuy nhiên còn sợ thế lực của Võ Tòng nên chưa dám vội vã làm điều sằng bậy, trái lại còn tự nhủ là phải khéo léo hơn.
Một hôm Võ Đại bán bánh xong trở về nhà, vào phòng trong thấy có cái áo đoạn hàng ở giữa giường bèn hỏi vợ:
- Áo này của ai đây?
Kim Liên đáp:
- Chàng mặc thử coi xem có giống người ta không?
Võ Đại vừa tức vừa thẹn, mắng rằng:
- Nàng là người đàn bà trắc nết, quần áo người khác sao lại ở trong phòng này?
Nói xong, không đợi vợ phân trần, liên xông lại mà đánh đá. Kim Liên bị đánh đau lắm, nên khóc không nói nên lời. Nghênh Nhi thấy cha nổi giận đánh đập mẹ kế thì sợ quá khóc ầm. Đúng lúc đó Võ Tòng tới, bèn tận lực can ra rồi hết lời khuyên giải. Sau đó mới hỏi nguyên do. Võ Đại cơn giận còn đang bừng bừng, tức quá không nói được. Còn Kim Liên thì nín khóc đáp:
- Thúc thúc à, chẳng qua chỉ vì cái áo phải gió này mà thôi. Tôi ở nhà phải may vá thêm thắt, cái áo đó là do Vương bà ở cạnh đây đưa cho tôi để làm mẫu. Vậy mà chồng tôi không hỏi một lời, thấy cái áo lạ trong phòng là xông lại đánh tôi tàn nhẫn. Nhưng thôi, nói làm gì, tôi như thế này mà phải chịu những chuyện đau lòng như thế. Từ nay thì một Võ Đại chứ mười Võ Đại cũng không làm gì nổi tôi đâu.
Võ Tòng quay lại nói với anh:
- Ca ca thật hồ đồ quá, thấy cái áo lạ thì cũng phải hỏi cho rõ ràng chứ, chưa gì đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay như vậy. Lỡ quá tay có phải lại tốn tiền thuốc thang mà lại buồn rầu hối hận không. Tục ngữ có câu "gia đạo bất hòa, người ngoài khinh rẻ", gia đình ca ca chỉ vẻn vẹn có ba người mà cũng không yên ấm được sao. Tôi xin ca ca đừng giận nữa..
Võ Đại bây giờ mới nói:
- Nhưng nhị đệ tính xem, có gì thì phải nói ra, áo làm mẫu thì nói là áo làm mẫu chứ sao lại cứ im lặng. Bây giờ thì nhị đệ nghe lời con đàn bà đó làm gì.
Võ Tòng lại quay sang Kim Liên:
- Tẩu tẩu nói vậy, tôi nghĩ đó là sự thật, nhưng, từ nay có quần áo lạ dùng để làm mẫu trong việc vá may thì tẩu tẩu nên treo đàng hoàng ở phòng ngoài thì hơn. Võ Đại thấy em nói có lý thì cũng nguôi giận, bèn dịu ngọt bảo:
- Sao mấy hôm nay không thấy nhị đệ tới chơi, hay là bận việc?
Võ Tòng đáp:
- Suốt mấy hôm trước, trong huyện Thanh Hà này có nhiều vụ án phải giải quyết, em phải luôn luôn ở bên huyện quan. Hôm nay công việc xong xuôi nên mới rảnh rang. Nếu không giúp đỡ huyện quan thì cái chức Đô đầu này quả là vô dụng rồi. Võ Đại bảo:
- Nếu hôm nay rảnh rang việc quan thì ở lại đây uống chén rượu ăn miếng cơm cho vui. Võ Tòng nói :
- Em không ăn uống gì đâu, rảnh thì tới thăm ca ca và tẩu tẩu thôi, việc không biết đâu mà nói trước sợ lại có việc bây giờ.
Đoạn quay sang Kim Liên:
- Tẩu tẩu à, vợ chồng xô xát là chuyện thường tình, cũng chẳng nên buồn giận làm gì.
Kim Liên cướp lời:
- Thì vừa rồi thúc thúc nhìn tận mắt đó, tôi có cãi cọ tiếng nào đâu, chỉ có anh ấy đánh tôi mà thôi.
Võ Tòng bảo:
- Thôi chuyện đã qua rồi, nên buông rèm đóng cửa cho người ngoài khỏi dòm ngó.
Nói xong cáo từ mà đi. Vợ chồng Võ Đại lại tiếp tục đấu khẩu một hồi nữa. Vương bà ở sát vách nên nghe rõ đầu đuôi, bèn sang gọi cửa, định vào khuyên can nhưng nghe có tiếng Võ Tòng ở trong nên sợ mà quay về nhà.
Hồi sau, chờ cho Võ Đại đi khỏi, Vương bà mới sang bảo:
- Hôm qua làm gì mà ầm lên vậy?
Kim Liên đáp:
- Thì cũng tại cái áo mà ma ma đem qua cho tôi dó. Tên vũ phu nhìn thấy cái áo, chẳng biết nếp tẻ ra sao là đã xông vào đánh tôi. Thật hôm qua tôi bị một trận đòn oan uổng. Ma ma xem, người như thế thì còn ra cái gì nữa. Nhưng nói thật, nếu tôi quả có làm điều gì thì có đánh tới chết tôi cũng chẳng sợ. Gϊếŧ người thì phải đền mạng chứ đâu phải chơi. Vương bà nói:
- Nếu vậy thì lỗi tại tôi. Nếu tôi biết Võ Đại gia nhỏ nhen thế thì tôi đâu có đưa áo sang để cô may vá làm gì. Bây giờ tôi có hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Kim Liên vội nói:
- Sao ma ma lại nói vậy? Chắc là Võ Đại nghe ai nói xấu tôi nên mới kiếm chuyện đấy thôi. Nếu không, làm sao hắn biết được là tôi đang chán ghét hắn để rồi kiếm cớ đánh dập tôi? Chắc là bây giờ hắn đang nghi ngờ tôi lắm đó. Ma ma ơi, có lẽ tôi phải chết quá, gặp phải thằng chồng như thế thì sống để làm gì.
Vương bà khuyên:
- Cô ơi, phiền giận làm gì cho hại sức khỏe, cho phai nhan sắc. Người ta thường nói "sông có khúc, người có lúc", rồi cũng có ngày cô được sung sướиɠ chứ. Cô còn trẻ đẹp chứ đã già xấu như tôi đâu mà sợ.
Kim Liên bảo:
- Nếu quả được như lời ma ma thì tôi xin hết lòng tạ Ơn trời đất.
Hai người đang nói chuyện thì con trai Vương bà là Vương Triều sang gọi mẹ về, nói là nhà có khách. Vương bà vội đứng dậy cáo từ. Lại nói về Tây Môn Khánh cùng Ứng Bá Tước và Tạ Hy Đại tới ngõ Trường Xuân, hỏi Phan Tiểu Hồng. Mẹ Tiểu Hồng thấy Tạ Hy Đại mới đi đã quay lại thì lấy làm lạ, hỏi:
Kìa Tạ đại gia, đã trở lại đấy ư? Cần gì không?
Ứng Bá Tước đáp thay:
- Chẳng cần gì cả, tới đây để ngắm hoa mà thôi. Bà mẹ Tiểu Hồng toét miệng cười, dẫn ba người vào phòng Tiểu Hồng mời ngồi. Lúc đó thì Tiểu Hồng không có nhà vì được gọi tới hát tại nhà một người tên là Trần Đại Hộ. Tây Môn Khánh biết Tiểu Hồng không có nhà thì buồn lắm. Ứng Bá tước nói:
- Đã tới đây thì cứ ngồi chờ một lát, nàng cũng sắp về lây giờ. Tây Môn Khánh đưa mắt nhìn, gian phòng của Tiểu Hồng trần thiết rất trang nhã. Trước giường treo một bức rèm có cặp liễn:
Đẹp hơn chim phượng, xinh hơn yến Đỏ tự tương tư, xanh tựa thu, Trên bàn bày những đồ trang trí rất dẹp mắt. Tây Môn Khánh càng nhìn càng lấy làm hâm mộ lắm.
Lát sau thì Tiểu Hồng về tới. Vừa nhìn thấy Tiểu Hồng, Tây Môn Khánh và Ứng Bá Tước đã cười sung sướиɠ. Tiểu Hồng má đào môi thắm, sóng mát long lanh chiếc mũi nhỏ thật xinh, nàng mặc một cái áo màu lục có thêu hoa, chân đi hài thêu kim tuyến hồng. Nàng bước vào, thấy ba người khách ngồi chờ trong phòng mình thì vội uốn chiếc lưng ong cúi mình thi lễ đoạn nói:
- Chắc là các gia gia đã nhọc công chờ đợi.
Tây Môn Khánh và Ứng Bá Tước ngơ ngẩn chưa biết nói gì thì Tạ Hy Đại đã nói:
- Nàng tới nhà Trần Đại Hộ khiến chúng tôi phải chờ, bây giờ phạt nàng, nàng phải hát một bài nào thật hay cho chúng tôi nghe.
Ứng Bá Tước biết Tây Môn Khánh tới đây là chỉ cần gặp mặt Tiểu Hồng chứ không có lòng dạ nào ngồi nghe hát, bèn bảo:
- Thôi, không cần phải hát, bây giờ thì mình về đi.
Tạ Hy Đại cụt hứng ngồi im. Nói vài câu chuyện vẩn vơ, rồi ba người rời nhà Tiểu Hồng. Tây Môn Khánh bảo Tạ Hy Đại:
- Làm sao mà hiền đệ có thể say mê thứ đó, lại còn bảo là nhan sắc chim sa cá lặn.
Tạ Hy Đại đáp:
- Người ta thường nói, yêu ai thì thấy người đó đẹp như Tây Thi. Đại ca không thấy nàng đẹp tức là nàng không có duyên với đại ca đó thôi.
Ba người đang vừa đi vừa trò chuyện thì gặp Hoa Tử Hư súng sính trong trong bộ quần áo mới từ xa đi tới. Hoa Tử Hư bước đến chào hỏi:
- Ba người đi đâu đây?
Tây Môn Khánh chỉ vào Tạ Hy Đại mà đáp.
- Hai đứa tôi bị Ông này đánh lừa đây, mới vừa từ nhà họ Phan ra. Tạ Hy Đại vội cướp lời:
- Hoa tứ ca đừng có nghe lời đại ca, đại ca cũng muốn đi chơi mà lại bảo là bị tôi đánh lừa. Mà tứ ca đang đi đâu đây?
Hoa Tử Hư đáp:
- Hôm nay là ngày rằm tháng Mười, tại miếu Thành hoàng có làm lễ, trai thanh gái lịch dập dìu, nếu các huynh không bận gì thì mình cùng tới đó chơi. Tây Môn Khánh bảo:
- Thì ra hôm nay là ngày rằm đệ không nói thì tôi cũng chẳng nhớ. Hay là chúng mình cùng đi cho vui.
Bốn người cùng tới con đường trước miếu Thành hoàng, vào một quán rượu bên đường nghỉ chân.
Bên ngoài, trẻ già trai gái chen nhau kéo vào miếu. Trong khi đó Ứng Bá Tước kể lại cho Hoa Tử Hư nghe đầu đuôi câu chuyện nằm mộng và việc nhờ đoán mộng của Tây Môn Khánh. Hoa Từ Hư nghe xong bảo:
- Trong miếu này cũng có một người bói bằng cách chiết tự, tên là Đạo Linh Tử, nổi tiếng là lình nghiệm, hay là nhờ Đạo Linh Tử bói cho đại ca một quẻ.
Tây Môn Khánh bảo:
- Dầu sao thì cũng chỉ là chuyện mộng mị, chắc gì là chuyện thực, thôi cũng chẳng cần để tâm.
Hoa Tử Hư nói.
- Người bình thường vô sự mà cũng tới nhờ bói chơi, huống gì đại ca có một giấc mộng lạ kỳ, cho nên cứ bói thử xem sao.
Tạ Hy Đại tiếp lời:
- Hoa tứ ca nói đúng đó, mình uống rượu xong rồi vào nhờ bói một quẻ xem hung cát thế nào. Sau vài tuần rượu, Tây Môn Khánh đứng dậy định trả tiền thì Hoa Tử Hư đã ngăn lại mà bảo:
- Xin đại ca để tôi, nay mai tôi còn uống của.đại ca nhiều chứ. Nói xong giành trả tiền rượu rồi kéo mọi người vào miếu tìm Đạo Linh Tử. Tây Môn Khánh thấy hai bên hành lang của miếu toàn là hình ma quỷ thì không dám nhìn, lùi lại cho Hoa Tử Hư và Ứng Bá Tước đi trước, Tạ Hy Đại đi sau, Tây Môn Khánh đi giữa. Đi tới cái cửa ở góc phía Tây thì thấy một đám đông đang bu lại, trên tường ngay đó có một tấm giấy viết ba chữ "Đạo Linh Tử". Bốn người rẽ đám đông bước vào. Đạo Linh Tử thấy vậy hỏi:
- Chư vị cần điều gì chăng?
Hoa Tử Hư đáp:
- Thì cũng xin bói một qué.
Ứng Bá Tước hỏi:
- Đại ca định nhờ bói bằng chữ gì?
Tây Môn Khánh không biết nên lấy chữ gì, chợt nghĩ đây là miếu Thành hoàng, bèn nói:
- Chữ Hoàng.
Đạo Linh Tử hỏi:
- Bây giờ muốn biết về việc gì?
Ứng Bá Tước nói:
- Đại ca tôi đang muốn tìm một người, bây giờ muốn biết tới đâu thì tìm được.
Đạo Linh Tử trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Cứ theo chữ này thì người muốn tìm cũng ở quanh quất đâu đây chứ không xa. Vả lại chữ này là kết cục của chữ Vương, như vậy thì phải tới nhờ một người họ Vương thì mới kết quả.
Tạ Hy Đại hỏi:
- Người họ Vương này là quen hay lạ?
Đạo Linh Tử loay hoay trên giấy một lúc rồi nói. - Bảo rằng quen thì cũng không quen, mà lạ thì không hẳn lạ, hoặc có thể nhờ một người tên Bá liên lạc giùm cũng được. Hoa Tử Hư vội chỉ vào ứng Bá Tước mà bảo:
- Nhị gia đây chẳng phải có chữ Bá hay sao.
Tạ Hy Đại cười:
- Nếu vậy thì nhất định phải nhờ Ứng nhị ca tìm mới ra. Bốn người cùng cười. Tây Môn Khánh trả tiền rồi kéo các bạn ra, vừa đi vừa nắm tay Ứng Bá Tước mà bảo:
- Việc bói chữ này cũng lạ. Lời đoán mộng chưa hiểu nổi, bây giờ lại thêm chuyện bói chữ nữa, thật là chỉ đeo thêm phiền não vào người. Thôi bây giờ anh em mình tới nhà Lý Quế Thư bảo dọn tiệc tiêu khiển đi.
Hoa Tử Hư nói:
- Lý Quế Thư lá ai, mà nhà ở đâu?
Ứng Bá Tước đáp:
- Nhị ca không biết đâu, đó là cháu gái của nhị đại tẩu Lý Kiều Nhi nhan sắc mặn mà đáng yêu lắm, mình cùng tới đó cho vui.
Bốn người ra khỏi miếu để tới nhà Lý Quế Thư...
Lại nói về Võ Tòng, từ khi nhận chức Đô đầu trong huyện thì được huyện quan quý trọng yêu mến lắm, phàm việc gì quan trọng đều giao cho Võ Tòng, vì vậy chàng rất bận rộn, ít có thời giờ nhàn rỗi, ngay cả anh ruột là Võ Đại mà năm ba ngày chàng mới tới thăm được một lần. Lúc đó Tri huyện Thanh Hà, sau hơn hai năm nhận chức, đã dành dụm được một số vàng lớn, đang muốn tìm một người tâm phúc đem về Đông Kinh cho gia quyến cất giữ, nhưng chẳng tin tưởng được ai.
Tri huyện sợ rằng giữa đường bị quân gian chặn cướp, nên muốn tìm một người vũ lực để nhờ cậy. Một hôm đang suy nghĩ thì chợt nhớ tới Võ Đô đầu, mới nhận ra rằng ngoài Võ Đô đầu là trang hảo hán tài sức hơn người thì không còn ai làm nổi việc đó nữa. Lập tức Tri huyện cho mời Võ Tòng vào trong mà bảo:
- Ta có một người thân thích hiện làm quan ở Đông Kinh, đó là quan Điên tiền Thái úy họ Chu. Ta muốn viết một phong thư vấn an đồng thời gửi một ít lễ vật tới Chu Thái úy, nhưng còn sợ bọn cường đạo dọc đường, nếu được Đô đầu giúp cho thì ta mới yên lòng. Đô đầu cũng đừng lấy cớ khổ cực mà từ chối, xong việc ta sẽ trọng thưởng.
Võ Tòng thưa:
- Tiểu quan được tướng công đề cử, lẽ nào dám từ nan, trái lại chỉ mong muốn được sai bảo để đền ơn tri ngộ. Tri huyện mừng lắm, tự tay trót ba chén rượu mời Võ Tòng, lại đưa mười lạng bạc làm lộ phí.
Võ Tòng trở về phòng làm việc của mình, bảo lính nấu cơm, rồi chuẩn bị mọi thứ, định hôm sau là lên đường ngay. Sau đó tới nhà anh, vừa gặp lúc Võ Đại đi bán bánh về. Võ Tòng nói:
- Ca ca à, thượng quan sai em đi Đông Kinh có việc, ngày mai là lên đường, lâu thì ba tháng, chóng thì cũng phải một tháng mới về được, vậy em tới kính mời ca ca tới Đại Hòa Lâu cùng em dùng chén rượu, miếng cơm trước khi anh em tạm biệt. Sở dĩ em mời ca ca vì không muốn làm mất công tẩu tẩu phải nấu cơm.
Võ Đại lạnh lùng:
- Nhị đệ cứ đi đi, chắc tôi không gặp lại nhị đệ được nữa.
Võ Tòng ngạc nhiên:
- Ca ca nói gì lạ vậy? Em đi giỏi lắm là vài tháng lại về đây, sao lại bảo là không gặp được nữa?
Lúc đó Kim Liên đang ở phòng trong, nghe Võ Tòng nói sẽ đi Đông Kinh thì mừng lắm, như là nhổ được cái đinh trong mắt, bèn tươi cười bước ra nói:
- Thúc thúc đấy ư? Sao mấy hôm nay không thấy lại chơi?
Võ Tòng quay lại đáp:
- Chào chị, mấy hôm nay không tới được vì công việc bề bộn, ngày mai lại phải lên đường đi Đông Kinh.
Kim Liên hỏi:
- Đi chừng bao lâu thì về được?
Võ Tòng đáp:
- Lâu thì ba tháng, chóng thì một tháng, Kim Liên cười:
- Làm gì mà mau như thế được?
Rồi lại thấy Võ Đại xốc lại khăn áo, Kim Liên không biết hai anh em định đi đâu, chỉ nói:
- Hai anh em sao chẳng giống nhau, một người thì nhỏ bé, một người thì cao lớn, đi ra ngoài, người ta đâu biết là hai anh em, mà chỉ nghĩ là bạn bè với nhau mà thôi.
Võ Tòng không nói gì, bước ra cửa trước. Võ Đại quay lại dặn vợ:
- Anh em tôi không ăn cơm nhà đâu, đóng cửa lại đi.
Kim Liên bảo:
- Có đi ăn uống thì chàng cũng nên đem theo tiền bạc.
Võ Tòng đứng ngoài cửa nói:
- Thôi, tôi có đem tiền đây rồi.
Hai anh em tới tửu quán Đại Hòa Lâu chọn bàn ngồi. Võ Tòng hỏi:
- Ca ca uống rượu gì?
Võ Đại đáp:
- Rượu gì cũng được.
Võ Tòng bèn gọi hai hồ rượu và ít đồ ăn, rồi trót rượu ra một chung lớn, hai tay nâng lên và nói:
- Em xin kính mời ca ca chung này, hôm nay em có vài điều muốn thưa với ca ca. Võ Đại tiếp lấy chung rượu mà hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Võ Tòng nói:
- Ca ca là người hiền lành yếu đuối, em đi xa chỉ sợ em kẻ khinh lờn áp bức ca ca.
Võ Đại nói:
- Làm gì có chuyện đó.
Võ Tòng nói:
- Tuy nhiên ca ca cứ nên giữ gìn là hơn. Bây giờ ca ca nên đi bán ít bánh thôi để về nhà cho sớm, đừng ghé đâu ăn uống gì cả. Về tới nhà thì đóng cửa cho chặt, với vợ con cũng nên ít lời đi. Có kẻ nào tới buông lời khinh mạn thì cứ nhịn đi, đợi em về rồi sẽ tính. Nếu ca ca nghe lời em thì xin uống cạn chung rượu này.
Võ Đại tay cầm chung rượu nói:
- Nhị đệ nói rất đúng, tôi xin nghe lời.
Võ Tòng lại nói:
- Hay là ca ca đừng đi bán bánh nữa là tốt nhất, ca ca cứ ngồi nhà còn tiền bạc chi dụng hàng ngày thì để em cho người đem tới. Như vậy thì em được hoàn toàn yên tâm.
Võ Đại nói:
- Được rồi, nhị đệ cứ yên tâm, tôi nghe lời là được. - Nói xong nâng chung uống cạn, Võ Tòng cũng uống theo. Lát sau ăn uống xong, Võ Tòng đưa Võ Đại về nhà rồi ứa nước mắt chia tay mà về huyện.
Sáng sớm hôm sau, Võ Tòng mang theo hành trang và khí giời phòng thân, chở lễ vật của huyện quan bằng một con lạc đà lên đường đi Đông Kinh.
Về phần Kim Liên, tối hôm trước thấy chồng về nhà liền hỏi:
- Thúc thúc mời chàng uống rượu, có nói chuyện gì không?
Võ Đại thật thà đem những lời dặn dò của em kể hết cho vợ nghe. Kim Liên không nói gì, trong lòng căm giận Võ Tòng lắm. Hôm sau Võ Đại theo đúng lời em, chỉ đi bán bánh từ sáng tới quá trưa là đã về nhà. Về tới nhà là đóng chặt các cửa nẻo rồi vào phòng ngồi. Kim Liên thấy vậy buồn bực lắm, bèn nói:
- Đàn ông người ta ngoài giờ làm việc cũng phải có bè bạn, phải đi chơi đây đó. Đằng này chàng cứ ru rú xó nhà, cửa nẻo thì đóng im ỉm, không sợ xóm giềng người ta cười cho hay sao?
Võ Đại nói:
- Ai cười kệ họ, em tôi nói đúng, thà vậy mà lại tránh được những chuyện lôi thôi.
Kim Liên lại nói khích:
- Chàng là thân đàn ông mà không làm chủ được cuộc sống của mình và của gia đình hay sao mà cứ phải nhất nhất để cho người ngoài điều khiển vậy?
Võ Đại xua tay:
- Thôi thôi, lời em tôi nói là vàng là ngọc, lại dặn tôi đừng nhiều lời với vợ con, tôi không nói nữa đâu.
Từ đó Võ Đại ngày ngày làm theo đúng lời em dặn...
Chú thích
(1-) Chữ "phiên" cũng đọc là "phan"