Cái ngày mà Chúc Ngao phát hiện ra trên tay Đình Sương đeo nhẫn, là khi ông đã được chuyển sang phòng bệnh thường.
Khi ấy Đình Sương đang bóc cam, chiếc nhẫn bạch kim trên ngón áp út cứ lắc lư theo chuyển động của cậu, thế rồi đập thẳng vào mắt Chúc Ngao.
Chúc Ngao lúc này bèn phát biểu đôi điều cảm nghĩ về chiếc nhẫn.
Ông nói chuyện đã tốt hơn trước đây một chút, có điều người bình thường nghe vẫn không hiểu nổi, chỉ có Đình Sương tối nào cũng vào viện chăm ông, lâu dần thì thành quen, trình độ hiện nay có thể sánh ngang với y tá trực giường bệnh.
Nhưng cũng có đôi khi cậu nghe không hiểu, ví dụ như hiện tại Chúc Ngao nói cái nhẫn, Đình Sương lại nghe thành ông không muốn ăn cam, vì thế cậu bảo: “Con đang bóc cho con ăn.”
Chúc Ngao nói: “Con ngày nào cũng chỉ biết chạy tới đây ăn hoa quả.”
Câu này Đình Sương nửa hiểu nửa đoán mò, cũng nghe ra được ý tứ: “Chút nữa con sẽ mang bớt về. Mấy ngày nay có nhiều người tới thăm ba quá, hoa quả cứ để đây cũng ăn không hết, con tính mang về chia bớt cho hàng xóm để tránh lãng phí.”
Chúc Ngao hỏi: “Trên tay con đeo cái gì đây?”
Đến câu này thì Đình Sương lại nghe không hiểu, cậu vừa nhét cam vào mồm, vừa đoán: “Ba lại muốn ăn cam hở? Thế để con bóc quả khác nhé?”
Chúc Ngao nghi thằng con trời đánh này ‘điếc có chọn lọc’, tức đến run cả râu mép, cất cao giọng mà nói: “Đình Sương, con dám nhân lúc ba nằm viện mà lén lút kết hôn ư?”
Ông nói đi nói lại câu này nhiều lần, nói đến khi nào Đình Sương hiểu mới thôi, tuyệt đối không cho phép thằng nhãi này đυ.c nước béo cò.
“Ba ơi, tình huống lúc đó là như thế này.” Đình Sương bỏ quả cam đang gặm dở sang một bên, ngồi cực kỳ nghiêm chỉnh: “Lúc đó ba vẫn chưa tỉnh lại, con muốn đi cầu thần bái phật mà chẳng biết phải đi cầu đi bái ở đâu, thực sự rơi vào đường cùng rồi nên mới nghĩ ra biện pháp xung hỉ cho ba, chính vì vậy con với giáo sư đã cùng nhau lạy trời lạy đất. Con thừa nhận đây là một hành vi vô cùng mê tin dị đoan, thân là một người theo đuổi khoa học, quả thực con không nên tin vào mấy chuyện thế này, có điều tình huống khi ấy… ngay cả nền y học hiện đại cũng không cho con được một câu trả lời chắc chắn, con hoảng loạn và tuyệt vọng quá nên cái gì cũng dám thử, cứ có biện pháp nào là con lại làm bằng hết, chỉ sợ ba xảy ra sơ xuất…”
Xung hỉ? Lạy trời lạy đất?
Chúc Ngao dùng tay trái không bị liệt, vớ lấy cái cốc trên tủ đầu giường rồi chọi thẳng vào đầu Đình Sương: “Bố láo!”
Đáng tiếc sức khỏe yếu quá, không chọi được tới đích.
Đình Sương vội vàng đỡ lấy cái cốc, sợ ba mình giận quá hoá đau tim nên không dám ăn nói linh tinh nữa: “Ba ơi con nói thật mà, khoảng thời gian này nhà mình… xảy ra không ít biến cố, con đã phải suy nghĩ nhiều lắm, ngay cả việc lần trước ba nói với con, con cũng đã suy nghĩ kỹ càng rồi.”
Kể từ khi Chúc Ngao chuyển sang phòng bệnh thường, Đình Sương mới từ từ kể lại với ông chuyện của Ông Vận Nghi và Nghiêm Lập Khiêm, hơn nữa cũng có người ở công ty đến thăm, khó tránh khỏi việc nhắc tới tình hình dạo gần đây của RoboRun, bởi vậy Chúc Ngao đã nắm bắt được phần nào sự việc sau khi mình bị bệnh.
Thế nhưng ông là người đã đi qua biết bao sóng to gió lớn, nghe xong mấy chuyện ấy cũng chẳng có phản ứng gì quá lớn, chỉ trầm mặc một lúc lâu, rồi hỏi xem Chúc Văn Gia thế nào.
Đình Sương cân nhắc một chút, rồi bảo, Chúc Văn Gia thì thế nào được chứ? Thằng nhãi kia có hiểu cái gì đâu, còn đang ngồi nhà suy nghĩ xem nên vào trường đại học nào.
Chúc Ngao nói một cách khó nhọc, con trông nó kỹ một chút, thằng ngốc ấy làm cái gì cũng không đáng tin.
Đình Sương đáp, đành chịu thôi, không đáng tin thì cũng là em con mà.
Lúc này Chúc Ngao mới hơi hơi yên lòng.
Từ đó ngày nào Đình Sương cũng vào viện thăm Chúc Ngao, kể với ông về tình hình hoạt động gần đây của RoboRun, về phiên tòa của Ông Vận Nghi và Nghiêm Lập Khiêm, về chuyện dạo này Chúc Văn Gia vội vàng xin vào đại học… và cũng kể về chính mình nữa. Cậu đã bỏ toàn bộ các môn thi trong học kỳ này, xin nhà trường cho tạm nghỉ nửa năm để về công ty thực tập, trong quá trình thực tập có thể học hỏi được rất nhiều điều nên cũng không tính là lãng phí thời gian. Chúc Ngao không hỏi han gì về Bách Xương Ý, bởi vậy Đình Sương cũng chẳng chủ động nhắc tới anh.
Có điều nếu hiện tại Chúc Ngao đã hỏi, thì đây cũng là một thời điểm tốt để nói về vấn đề này.
“Ba ơi, hiện giờ ba còn cảm thấy… kết hôn và sinh con là một việc đáng tin nữa không?” Đình Sương nói: “Quan trọng vẫn là sống với ai thôi.”
Chúc Ngao nhớ tới Ông Vận Nghi, chỉ hừ một tiếng chứ không nói gì.
“Con biết bây giờ không thích hợp để nói mấy lời này, nhưng đâu còn cách nào khác.” Đình Sương để cái cốc trong tay về chỗ cũ, kéo ghế sát lại gần chỗ Chúc Ngao: “Ba ơi, trải qua chuyện lần này, ba còn nghĩ tới chuyện 80 tuổi nữa không? Ba chỉ còn 20 năm nữa là bước sang tuổi 80 rồi, nhưng còn con thì phải tận 50 năm nữa, ai mà biết tương lai sẽ xảy ra chuyện gì? Sáng hôm ấy khi ba đi uống rượu cũng đâu ngờ được tối về đã xảy ra chuyện. Thế cho nên chúng ta đừng nghĩ xa quá ba ạ, hãy nghĩ về hiện tại thôi.”
Chúc Ngao nhắm mắt lại, rất lâu sau cũng không nói năng gì.
“Mà có sống được đến 80 thật…” Đình Sương thử tưởng tượng một chút, trên mặt là nụ cười nhàn nhạt: “Con cảm thấy có thể chăm sóc cho người mình yêu là một chuyện rất đáng vui mừng, sao cứ phải nghĩ đến chiều hướng tiêu cực làm gì cho mệt… Nếu như anh ấy già rồi mà con vẫn chưa già, vậy thì con sẽ hầu hạ anh ấy, đây cũng là một chuyện tốt, để người khác chăm sóc chưa chắc con đã yên tâm.”
Chúc Ngao mở mắt ra nhìn Đình Sương, ánh mắt kia như muốn nói: con lương thiện quá nhỉ.
Đình Sương bảo: “Nói nghiêm túc thì… khoan hẵng bàn đến chuyện ai hầu hạ ai, con cảm thấy hai người có thể ở bên nhau đến cái tuổi cần được hầu hạ, đó đã là một chuyện siêu lắm rồi.”
Ba cậu và mẹ cậu, ba cậu và Ông Vận Nghi, chẳng phải đều chưa tới cái tuổi ấy hay sao?
Chúc Ngao nghe xong câu nói này, bỗng ngẩn ngơ một lúc, đến khi phục hồi lại tinh thần mới ú ớ mắng: “Dám ngồi lên đầu ba mày mà giảng đạo lý hả con.”
Thế nhưng chờ tới khi Đình Sương rời khỏi, ông lại nhìn trần phòng bệnh mà thờ dài một hơi, trở nên hoàn toàn thả lỏng.
…
Sau khi ra khỏi bệnh viện, Đình Sương theo thường lệ gọi điện cho Bách Xương Ý, chiều tối ở bên cậu vừa vặn cũng là chiều tối ở bên anh.
Ngay khi điện thoại vừa được kết nối, cậu nói rất to và rõ ràng: “Kiểm tra trạm gác.”
Bách Xương Ý cười nhẹ: “Có mặt.”
Khóe miệng của Đình Sương cong cao ơi là cao, nhưng giọng điệu vẫn nghiêm túc lắm: “Chứng minh đồng chí hiện đang có mặt ở trạm gác.”
Bách Xương Ý gọi: “Vico.”
Vico: “Gâu.”
Đình Sương khen ngợi: “Bách Xương Ý, anh biểu hiện rất tốt, mỗi chiều đều về nhà đúng giờ.”
Bách Xương Ý nói: “Phận người già bị bỏ rơi.”
(lưu thủ lão nhân: ý chỉ những người già bị con cái bỏ lại quê nhà, còn bản thân đi lên thành phố tìm việc)
Đình Sương cười một lúc lâu, rồi bảo: “Anh đừng giả vờ đáng thương như thế. Khai thật đi, có phải nhớ em rồi không?”
Bách Xương Ý nói: “Vico rất nhớ em.”
Đình Sương không hài lòng: “Chỉ có con trai nhớ em thôi à?”
Bách Xương Ý nói: “Mỗi khi ngoài cửa có xe đạp đi ngang qua, Vico đều chạy ra nhìn, nó lúc nào cũng nghĩ là em trở về.”
“Anh nói thế làm em tự dưng thấy con mình đúng là một đứa trẻ bị bỏ rơi.” Đình Sương hỏi: “Khi em đi vắng có chuyện gì xảy ra không?”
Bách Xương Ý suy nghĩ một chút, đáp rằng: “Cà phê của Freesia không ngon như trước.”
Đình Sương: “Còn gì nữa?”
Bách Xương Ý: “Vẽ hoa cũng không đẹp bằng lúc trước.”
Đình Sương buồn cười quá chừng: “Ừ, còn nhân viên thì sao? Có phải cũng không bằng trước đây không?”
Bách Xương Ý nói: “Đúng là không bằng trước đây.”
Khóe miệng của Đình Sương đã chẳng thể cong thêm được nữa.
Đầu bên kia điện thoại bỗng im lặng rất lâu, mãi sau Đình Sương mới nghe thấy Bách Xương Ý nhỏ giọng nói rằng: “Anh rất nhớ em.”
…
Qua vài hôm, Đình Sương nhận được gói hàng chuyển phát nhanh, người ký gửi là Bách Xương Ý.
Cậu mở ra, đồ đạc bên trong rất bình thường, chỉ có hai quyển sách tiếng Đức mà Bách Xương Ý vừa đọc xong, trong sách có kẹp một tờ giấy nhắn: Chớ quên tiếng Đức.
Đình Sương đọc đi đọc lại tờ giấy nhắn, luôn cảm thấy câu nói “Chớ quên tiếng Đức” kia là đang ngấm ngầm nhắc nhở cậu “Chớ quên người ở Đức”.
Thế là cậu bèn đi mua hai quyển sách tiếng Trung để ký gửi cho Bách Xương Ý, bên trong cũng kẹp một tờ giấy nhắn: Chớ quên tiếng Trung.
…
Lại qua thêm vài hôm, Đình Sương nhận được một tấm bưu thϊếp, mặt trước là phong cảnh sông Rhine, mặt sau ngoại trừ địa chỉ nhận thư và con dấu của bưu điện, thì chỉ còn ba chữ: Đi công tác.
Đình Sương chụp một tấm hình mình đang làm việc, in thành bưu thϊếp rồi gửi lại, mặt sau viết: Thực tập.
P/S: Professor, cảm phiền ngài viết thêm vài chữ nữa được hông?
…
Có một hôm Đình Sương ngồi ăn trưa trong căn tin công ty, khi đó cũng vừa khéo là lúc Bách Xương Ý đang ăn sáng.
Đình Sương vừa ăn vừa tám nhảm với anh: Anh đang ăn gì đó?
Bách Xương Ý: Bít tết.
Đình Sương: Cái kiểu bình thường anh vẫn hay rán cho em ăn ấy hả?
Bách Xương Ý: Ừ.. TruyenHD
Đình Sương: Móa em cũng muốn ăn.
Đình Sương: Em đang ăn cơm ở căn tin công ty nè, hàng miễn phí. Đồ ăn của công ty em cần được nâng cao chất lượng hơn, mẹ kiếp bọn tư bản quá mức keo kiệt.
Đình Sương: Ôi thật ra thì vẫn ăn được, có lẽ do quen ăn đồ ăn anh nấu rồi.
Bách Xương Ý: Còn muốn ăn gì nữa không?
Đình Sương: Kem.
Bách Xương Ý: Gì nữa?
Đình Sương: Nồi sườn hầm ngô ngọt của anh, hoặc sườn xào chua ngọt cũng được.
Bách Xương Ý: Gì nữa?
Đình Sương: Bánh gato cà phê.
Đình Sương: Hôm kia có một đồng nghiệp sinh nhật nên mua bánh gato mời bọn em ăn, em cảm thấy không ngon như bánh gato cà phê mà anh mua hôm sinh nhật anh.
Đình Sương: Haizz không nói nữa, nói nữa cũng chẳng được ăn.
Đình Sương: Em chuẩn bị đi bê gạch đây.
(bê gạch: đi làm culi, công việc thì khó khăn vất vả mà tiền thì chẳng kiếm được bao nhiêu)
Làm việc được khoảng hai tiếng đồng hồ, có tiếng anh shipper đứng bên ngoài cửa phòng R&D gọi: “Đình tiên sinh ra nhận đồ ăn này.”
Đình Sương căn bản không nghĩ đấy là gọi mình, mãi đến khi có đồng nghiệp nhắc nhở: “Đình Sương, chú gọi đồ ăn ngoài à?”
Đình Sương đang tính toán đường chuyển động của robot ở trên máy tính, không buồn ngẩng đầu lên mà đáp: “Em không gọi đồ.”
Đồng nghiệp kia quay sang nói với anh shipper: “Đưa nhầm à? Nơi này không còn ai họ Đình nữa đâu.”
Anh shipper nhìn tờ giấy ghi địa chỉ giao hàng, rồi lại nhìn đống đồ ăn: “Không nhầm đâu, chính là chỗ này mà, tầng 6 tòa nhà RoboRun. Đơn này đặt tôi chạy đi mấy quán khác nhau để mua thịt bò bít tết, canh sườn hầm ngô ngọt, sườn xào chua ngọt, kem với bánh gato nữa…”
Đình Sương ngẩn ngơ, đứng lên nói: “… Hình như là của tôi.”
Thấy anh shipper tay xách nách mang, đã thế trên lưng còn vác một cái túi lớn, đồng nghiệp trêu ghẹo: “Sao thế? Không ăn nổi cơm công ty à?”
“Không phải, cái này là…” Đình Sương ngại ngùng nói nhỏ: “Là người yêu em mua đấy, em không biết mà.”
Cậu vừa nói vừa mở túi đồ ra, phát hiện bên trong ngoại trừ vài món trưa nay cậu bảo thèm ăn, thì còn mấy chục cốc trà sữa nữa, vừa đủ để phát cho các đồng nghiệp ở trong phòng.
Có mấy đồng nghiệp vừa đi chia trà sữa và bánh gato giúp cậu, vừa ghẹo: “Người yêu nào mà thương chú thế? Không định giới thiệu cho anh em à? Trai R&D nhà mình nhiều thằng còn độc thân lắm, mỗi ngày ngoài tăng ca thì chỉ biết có mỗi tăng ca, những cái khác thì không thiếu, chỉ thiếu mỗi người thương thôi.”
Đình Sương cười trừ, mặc cho bọn họ trêu chọc, không đáp lời.
Có người thấy vậy càng tò mò hơn: “Giấu kỹ thế cu, tiên nữ hả?”
Nếu như Đình Sương dùng thân phận con trai của Chúc Ngao để vào công ty, thì đố đứa nào dám hóng hớt thẳng mặt thế này. Có điều Đình Sương không làm vậy, cậu dùng thân phận sinh viên để đến RoboRun thực tập, hơn nữa còn cố tình chọn bộ phận R&D tầng 6, bởi vì các đồng nghiệp ở đây đều chưa từng gặp cậu bao giờ. Tuy rằng sau lưng cũng có lời đồn thổi, mọi người ít nhiều cũng nghe ngóng được một chút, thế nhưng Đình Sương một là không mang họ Chúc, hai là không kể lể chuyện của bản thân, mỗi ngày đều đi làm và tan ca giống như những nhân viên khác, cơm thì ăn ở căn tin của công ty, sai việc gì cũng chịu khó đi làm, dần dà mọi người đều coi cậu như người trong một nhà.
Bộ phận R&D hầu hết đều là người trẻ tuổi, so với Đình Sương cũng chẳng lớn hơn là bao, truyền thống ở đây là thằng nào có bạn gái thì thằng đấy phải mời cơm, tiện thể xem nhà gái còn cô bạn thân nào không để giới thiệu cho những người anh em khác. Hiện tại mấy thanh niên hoi này đã biết Đình Sương có người yêu đẹp như tiên nữ, đời nào chịu buông tha cơ hội?
Lúc này có người bảo rằng: “Thật, trai ngành mình không hề kém cỏi đâu nhé, chỉ là bình thường ít được thấy gái thôi. Giờ mà được gặp gái thử xem, làm tặng ẻm một con robot là ẻm sẽ sùng bái tụi mình ngay.”
Sùng bái?
Đình Sương nhìn người anh em kia, thầm nhủ: anh mà làm robot tặng anh yêu nhà tôi á, đừng nói đến chuyện sùng bái, nếu ổng có thể cho anh đạt điểm tiêu chuẩn thì đã xem như anh lợi hại lắm rồi.