Khoảng Cách Của Người

Chương 79: Lựa chọn

Vụ án được bàn giao rất nhanh, Đình Sương đã viết xong bản tường thuật, giấy tờ liên quan cũng chuẩn bị đầy đủ, tất cả đều được cất trong túi tài liệu rồi nộp kèm với chứng cứ. Còn toàn bộ thủ tục pháp lý sau đấy thì giao lại cho luật sư thay mặt giải quyết.

Bước ra khỏi cục cảnh sát, trên bầu trời xám xịt nứt ra một khe hở, ánh nắng mặt trời rọi qua khe rồi đậu xuống bả vai cậu.

“Ha, trời quang mây tạnh.” Đình Sương vươn vai ưỡn eo, lấy trong túi áo ra một điếu thuốc lá vừa xin xỏ được từ đồng chí cảnh sát.

Lúc đó đồng chí cảnh sát cười hỏi cậu, bình thường chỉ có tội phạm hình sự bị tóm, lúc bàn giao vụ án không chịu được áp lực thì mới xin thuốc, còn cậu tới đây để báo án thì xin thuốc làm gì?

Đưa người vào tù cũng áp lực lắm chứ bộ, nói xong, cậu ngửi điếu thuốc lá ấy một hơi, tiếp tục kể về vụ án, mãi cho tới lúc xong việc cũng không châm điếu thuốc lên.

Hiện tại, khi đã đứng bên ngoài cửa cục cảnh sát, Đình Sương mới hỏi mượn người đi đường bật lửa để châm, từ từ hút cho xong một điếu thuốc lá, sau đó nhắn tin cho Chúc Văn Gia: Chuyện đã hứa với em anh không làm được, em mời luật sư cho mẹ em đi.

Nhắn xong, cậu tắt luôn nguồn điện thoại di động, dụi tàn thuốc rồi gọi một chiếc taxi, đầu tiên là tới cửa hàng trang sức, sau đó là đến bệnh viện thăm ba.

Cứ tưởng rằng chiều nay sẽ chỉ có mình cậu vào thăm Chúc Ngao, ai ngờ đến khoảng ba giờ kém, Chúc Văn Gia cũng tới.

Hai anh em đứng cách nhau mười mấy bước chân, im lặng mà nhìn đối phương. Thi thoảng sẽ có bác sĩ hoặc y tá đi ngang qua bọn họ, khiến cho hai người biến mất khỏi tầm mắt nhau một vài giây, sau đó lại đột ngột xuất hiện.

Đình Sương là người đầu tiên thu hồi lại tầm mắt, ngoảnh đầu nhìn sang chỗ khác.

Chúc Văn Gia đứng im tại chỗ vài giây, rồi mới bước qua đấy, bảo: “Em đã gọi điện hỏi mẹ xem có chuyện gì xảy ra.”

Đình Sương: “Ừ.”

Chúc Văn Gia hơi ngừng lại một chút, nói tiếp: “Có lẽ sẽ bị phạt hình sự.”

Đình Sương đáp: “Anh biết.”

“Anh biết?” Chúc Văn Gia đấm một phát vào mặt Đình Sương.

Con mẹ nó anh biết mà còn báo cảnh sát?

Một giây sau, Đình Sương thụi lại Chúc Văn Gia một cú: “Em không biết à?”

Con mẹ nó em không biết tội đấy sẽ bị phạt hình sự à?

“Làm gì thế? Nơi này là bệnh viện.” Có một y tá bước nhanh tới đó: “Mấy cậu đến thăm bệnh hay đến đánh nhau?”

“Là nó muốn ăn đòn.” Đình Sương nói.

Chúc Văn Gia bụm mặt cãi: “Con mẹ nó anh mới muốn ăn đòn.”

“Muốn đánh nhau thì ra ngoài mà đánh.” Y tá quát.

“Không sao đâu, đánh xong rồi.” Đình Sương lạnh lùng nhìn Chúc Văn Gia: “Đúng không?”

Chúc Văn Gia bất đắc dĩ đáp: “… Ờ.”

Đứa này đấm đứa kia một phát, dường như những uất ức trong lòng của hai người đều vơi đi một chút.

Y tá nhìn đồng hồ, bảo: “Có thể vào thăm rồi.”

Đình Sương và Chúc Văn Gia đều không nhúc nhích.

“Chuyện hai ngày hôm nay cái gì nên nói, cái gì không được nói, bàn trước rồi hẵng vào.” Đình Sương sợ kể rõ mọi chuyện sẽ khiến Chúc Ngao bị kích động.

Chúc Văn Gia trào phúng bảo: “Anh còn sợ em vào mách đểu ông già chắc? Dù sao trong mắt ổng cũng chỉ có anh mà thôi.”

“Vì vậy nên em vứt di chúc của ba và giấy khen của anh vào máy cắt à?” Giọng điệu của Đình Sương bình thản không một gợn sóng.

“Chỉ cần trong két sắt có một thứ gì đấy liên quan đến em thôi, em cũng sẽ cho anh vứt lại.” Chúc Văn Gia nhớ tới cái két sắt kia —— mật mã là sinh nhật của Đình Sương, bên trong cũng toàn là ảnh Đình Sương hồi còn nhỏ, bản di chúc thì để lại toàn bộ tài sản trên danh nghĩa cho Đình Sương, rồi cả giấy khen hạng hai giải đá bóng của Đình Sương hồi cấp ba nữa…

Giống như ba cậu ta chỉ có mỗi một thằng con trai tên là Đình Sương vậy.

Kỳ thực cậu ta biết, dẫu có vứt di chúc vào máy cắt cũng chẳng có ích lợi gì, vì di chúc luôn được chia thành nhiều bản, ở văn phòng luật sư và két bảo hiểm trong ngân hàng kiểu gì cũng có một bản khác, huống hồ khi ấy Chúc Ngao cũng tỉnh lại rồi, căn bản chẳng cần dùng đến di chúc nữa.

Cậu ta cũng biết, vứt giấy khen của Đình Sương vào máy cắt càng chẳng có ích lợi gì, thế nhưng cậu ta không nhịn được.

“Em không vào đâu.” Chúc Văn Gia nói: “Anh vào một mình đi.”

Đình Sương trầm mặc giây lát, rồi hỏi: “Thế em đến đây làm gì?”

“Không biết.” Chúc Văn Gia ngẫm nghĩ, bảo rằng: “Không tới đây thì chẳng biết đi đâu nữa.”

Cậu ta thật sự không còn chỗ nào để đi, ở nước ngoài ăn chơi vài năm, thế rồi bỗng nhận ra mình chẳng có nổi một đứa bạn thân, còn bên phía mẹ thì cậu ta vừa không được gặp vừa chẳng giúp ích được gì.

Đình Sương ở trong phòng bệnh với Chúc Ngao gần một tiếng đồng hồ, lúc đi ra vẫn thấy Chúc Văn Gia đứng ở hành lang.

“Ổng thế nào rồi?” Chúc Văn Gia hỏi.

“Ổng?” Đình Sương nói: “Em hỏi ai?”

“Anh biết em đang hỏi ai mà.” Chúc Văn Gia lí nhí nói: “Ba.”

“Thời gian tỉnh táo đã dài hơn một chút, từ lúc anh vào tới lúc anh ra ba đều không ngủ.” Đình Sương đi về phía bên ngoài: “Qua vài hôm nữa có thể chuyển sang phòng bệnh thường. Với lại chuyện xảy ra trong hai ngày nay anh cũng không kể với ba, anh bảo rằng chẳng có chuyện gì hết, để cho ba yên tâm.”

Chúc Văn Gia đi theo phía sau Đình Sương, không hé răng nửa lời.

Hai người đi được một đoạn thì gặp hàng cây, thế rồi lại mỗi đứa một bên như lần trước, Đình Sương nói: “Vừa nãy ở trong phòng bệnh, anh có hỏi ba vì sao trong két sắt không có đồ của em.”

Chúc Văn Gia yên lặng đi bộ hơn chục mét, rồi nhếch môi cười nhạo: “Bởi vì anh trâu bò chứ sao, anh giống ổng, còn em thì không, em chỉ là một thằng con ăn hại phá của.”

Đình Sương cũng làm giống như Chúc Văn Gia, yên lặng đi tầm chục mét, rồi bảo: “Nếu anh nói cho em biết một chuyện, rằng ở hộc tủ phía bên kia của bàn làm việc, còn có một cái két sắt nữa giống y như thế, nhưng mật mã là ngày sinh nhật của em, liệu em có hối hận không Chúc Văn Gia?”

Chúc Văn Gia đơ người tại chỗ.

Bộp.

Những tán cây còn đọng nước sau cơn mưa, bỗng có một giọt rất to rơi xuống, đánh vào mặt cậu ta vang dội như một cái tát.

“Mật mã của hai két sắt này đến cả mẹ em cũng không biết.” Khóe mắt liếc thấy Chúc Văn Gia đang đứng im bất động, nhưng Đình Sương chẳng hề dừng bước chờ đợi cậu ta.

Nếu như em biết có một két sắt thuộc về riêng mình, liệu sự lựa chọn của em có khác không?

Đình Sương rất muốn hỏi như vậy, có điều cậu không hỏi, chỉ đưa lưng về phía Chúc Văn Gia rồi bảo: “Về nhà mở ra xem đi.”



Chúc Văn Gia chẳng biết mình về tới nhà bằng cách nào.

Cậu ta chạy như bay vào trong thư phòng, tìm được một cái hộc tủ khác có giấu két sắt, mở ra, dựa theo những gì mà lần trước Đình Sương đã hướng dẫn, dùng ngày sinh nhật của mình để quay núm mật mã.

Lung lay tay cầm, mật mã đúng, két sắt mở ra.

Giống hệt như cái két sắt của Đình Sương, bên trong cái két này cũng có một số giấy tờ và thư từ. Chúc Văn Gia mở thử phong thư dày nhất, phát hiện bên trong toàn là ảnh chụp của mình, hơn nữa có thể do từ nhỏ cậu ta đã hay chụp ảnh, cho nên xấp ảnh của cậu ta dày gấp bội Đình Sương.

Chúc Văn Gia xem tiếp tới đống giấy tờ, thì ra Chúc Ngao đã dùng danh nghĩa của cậu ta để mua rất nhiều tài sản, dường như ông sợ thằng con út là bùn nhão chẳng trát nổi tường, không có ai chăm sóc thì sẽ phải chết đói, dẫu giao công ty cho cậu ta cũng chỉ có nước thua lỗ, bởi vậy mới chừa một khoản tiền để cậu ta đi làm ăn riêng.

Niềm hối hận vô bờ ập tới.

Cậu ta nhớ rõ, hôm qua sau khi ngắt videocall với Đình Sương, nhìn thấy những thứ bên trong chiếc két sắt kia, cậu ta bỗng sợ hãi nhận ra một điều: trong căn nhà này chỉ có Ông Vận Nghi là toàn tâm toàn ý suy nghĩ cho mình, chỉ có Ông Vận Nghi là không cần lấy lòng cũng đối xử tốt với mình vô điều kiện. Vì thế cậu ta đã gọi điện thoại cho mẹ, bảo rằng: “Mẹ ơi, anh con nhờ con lấy một cái hộp trong két sắt của ba, hình như bên trong là con dấu riêng của ba đó. Ngoài ra còn có di chúc nữa, trên di chúc chỉ có một người thừa kế là anh con thôi.”

Nếu như cậu ta có thể biết sớm hơn, rằng sự thật không hề giống những gì mình đã nghĩ…

Liệu tất cả mọi chuyện có thể làm lại được không?

Nghĩ tới đây, Chúc Văn Gia lập tức rút điện thoại, cậu ta muốn gọi cho Đình Sương.

Có điều Đình Sương vẫn chưa mở máy.

Lúc này cậu đang đứng soi gương trước quầy mỹ phẩm, nhìn vết đấm bầm tím to oạch trên mặt mình, thế này thì biết đi gặp tình yêu kiểu gì? Anh già nhà mình mà trông thấy sẽ đau lòng chết mất thôi.

“Xin hỏi các cô có thứ gì che được vết thương này không?” Đình Sương chỉ chỉ mặt mình cho nhân viên bán hàng nhìn.

Nhân viên bán hàng giúp cậu che khuyết điểm, hiệu quả khá là tốt, Đình Sương bảo: “Lấy loại này đi.”

“Anh có cần thêm gì không ạ?” Nhân viên bán hàng hỏi.

Đình Sương suy nghĩ một chút, rồi bảo: “Có sản phẩm chống lão hóa không? Mỹ phẩm dùng cho mấy anh đẹp trai ngoài 30 tuổi ấy.”

Nhân viên bán hàng hỏi thăm tình hình da dẻ của anh đẹp trai, sau đó đề cử vài loại sản phẩm.

Đình Sương quẹt thẻ, xách đồ quay về khách sạn.

“Em về rồi đây.” Cậu giống như một ông chồng mới đi làm về, gọi với vào trong phòng: “Đoán xem em mua gì cho anh này?”

Bách Xương Ý đang ngồi làm việc ở bàn, nghe thấy thế bèn nhìn thoáng qua di động, trên đó có hai tin nhắn anh mới nhận được lúc chiều.

Tin nhắn thứ nhất thông báo rằng, anh đã quẹt thẻ và tiêu mất một khoản ở cửa hàng trang sức; tin nhắn thứ hai thông báo rằng, anh lại tiếp tục quẹt thẻ và tiêu thêm một khoản ở cửa hàng chuyên bán đồ mỹ phẩm.

“Ồ, không đoán được.” Bách Xương Ý nhịn cười.

“Chút nữa sẽ cho anh coi.” Đình Sương chạy tới ngồi lên đùi Bách Xương Ý, hôn anh.

Cậu không kể lại với anh những gì xảy ra ngày hôm nay, đồng thời, khi vừa ngồi xuống hôn Bách Xương Ý, Đình Sương rốt cuộc đã hiểu cảm giác kinh diễm và gợi cảm tột cùng mà trước đây Bách Xương Ý từng mang lại cho mình, rốt cuộc là tới từ đâu.

“À… em có mua nhẫn…” Hôn xong, cậu lấy ra một hộp nhung từ trong túi quần: “Là kiểu đơn giản nhất đó.”

Thời điểm nhận được hóa đơn của cửa hàng trang sức, Bách Xương Ý cũng đã nghĩ tới khả năng này, có điều anh không ngờ Đình Sương lại đột ngột lấy ra như thế, cứ ngỡ cậu sẽ chờ đến bữa tối nay ở trên tầng thượng.

“Không phải ý kia đâu… chuyện kia, chuyện kia đâu thể qua loa thế này được, đúng không…” Đình Sương sắp xếp lại lời ăn tiếng nói: “Ờmm, anh biết đấy, sau này chúng ta sẽ phải xa nhau một thời gian, trên tay anh mà không đeo nhẫn, em sợ có người tới làm phiền anh.”