Dạ Cậu, Em Là Mùa!

Chương 18


Nghe thầy Dận hỏi, ông Năm liền cười trả lời:

– À con bé là cháu dâu tương lai của tôi đó thầy.

Thầy Dận có vẻ ngạc nhiên:

– Cháu dâu tương lai? Là vợ của cậu nào hả ông?

– Là vợ thằng Lãnh, cháu nội đích tôn của tôi.

– À là vợ cậu Ba, hóa ra đây là cháu dâu trưởng của ông à?

Ông Năm gật gù khoái chí, thầy Dận lại hướng về phía cô Uyển mà hỏi:

– Cô đây tên gì?

Cô Uyển cười duyên, trả lời:

– Dạ, con tên Phi Uyển.

Thầy Dận gật gật:

– Phi Uyển… tên đẹp. Cô đưa tay cho tôi xem thử đi cô gái, xem duyên vợ chồng của cô và cậu Ba thế nào?

Ông Năm nghe vậy liền hứng khởi mà phụ họa theo:

– Lại đây đi con, lại cho thầy Dận coi thử… hiếm cặp vợ chồng nào được thầy coi mà không ăn đời ở kiếp với nhau lắm. Mà không phải ai muốn coi cũng được đâu, có tiền cũng chưa chắc có duyên với thầy… lại đây đi con.

Cô Uyển có hơi e dè, cô ấy đi chậm rãi tới chỗ thầy Dận rồi chìa hai tay ra cho thầy xem. Tôi cũng tò mò mà đi lại ngó nghiêng, không biết duyên số của cậu Ba và cô Uyển là như thế nào.

Thầy Dận xem xong chỉ tay, ông ấy lại hỏi đến ngày sinh tháng đẻ, vài giây sau, tôi thấy ông ấy chau mày, mắt hơi híp, miệng lẩm nhẩm gì đó nghe không rõ, biểu cảm có hơi căng thẳng. Phải đợi gần phút sau, thầy mới mở mắt nhìn về phía cô Uyển, ông Năm chắc là sốt ruột, ông ấy liền hỏi:

– Thầy… được chứ hả thầy?

Dưới con mắt mong chờ của mọi người, thầy Dận khẽ gật:

– Cũng được…

– Là nên duyên vợ chồng được phải không thầy?

– À được, tuổi tác có khắc nhau nhưng nói chung cũng không đến nỗi nào, để lát có thời gian tôi giải thích riêng cho ông hiểu.

Ông Năm gật gù khoái chí:

– Được là được rồi, tôi chỉ sợ không được.

Có kết quả từ chỗ thầy Dận, môi cô Uyển khẽ nở nụ cười hài lòng. Tôi đứng ở đây, nhìn rõ mồn một được biểu cảm mừng vui của cô ấy, trong lòng như chắc nịch một điều… cô Uyển thật sự có tình cảm với cậu Ba… thật sự.

– Cô gái kia… cô lại tôi xem chỉ tay một chút.

– Cô gái… cô gái…

Thầy Dận kêu tới hai lần, nếu cô Uyển không khều tay tôi thì tôi đã không biết là thầy ấy đang kêu tôi. Tôi bước tới vài bước, chỉ tay vào mặt mình, tôi hỏi:

– Dạ? Thầy kêu con?

Thầy Dận khẽ cười, ông ấy gật đầu:

– Phải, tôi kêu cô, cô lại đây cho tôi xem chỉ tay một chút.

Tôi ngạc nhiên hết sức:

– Xem chỉ tay của con hả thầy? Là chỉ tay của con hả?

– Đúng rồi, chỉ tay của cô… lại đây.

Tôi bước tới chỗ thầy Dận trong con mắt tò mò và ngạc nhiên của mọi người. Phải đợi tới lúc thầy Dận coi cho tôi xong, ông Năm mới khẽ hỏi:

– Ông Dận, ông coi chỉ tay cho con bé này làm chi vậy?

Thầy Dận trả lời:

– À đâu có gì, tôi tiện tay muốn coi cho cô gái này ấy mà…

Nói xong, thầy lại quay sang tôi:

– Số tốt, được hưởng phước đức từ tổ tiên, đường tình duyên tốt đẹp… cô yên tâm.

Nghe thầy nói vậy, tôi tròn xoe mắt cười thích chí:

– Thầy… vậy còn đường công danh sao thầy? Số con có làm giàu được không, có nắm tiền tỷ trong tay không thầy?

Cả thầy Dận và ông Năm đều bật cười, thầy Dận trả lời:

– Cô gái này, còn nhỏ mà tham vọng cao quá…

Tôi gãi gãi đầu trong ngượng ngùng, mà tôi hỏi thiệt chứ bộ, tầm này thì chỉ lo cho tương lai sau này thôi chứ đường tình duyên gì đó tôi không có ham lắm đâu.

Sau khi coi cho tôi và cô Uyển xong, thầy Dận mới quay lại vấn đề của mợ Diệp. Sau khi nghe kể qua một bận, thầy Dận lại hỏi qua tôi và cậu Tư vài chuyện, sau đó mới gieo quẻ xem cho mợ. Thầy trầm ngâm nhìn vào quẻ, trên tay cầm điện thoại riêng của mợ Diệp, thầy chau mày nghiêm túc nói:

– Mợ Tư vẫn chưa chết, trước mắt tôi dám chắc đều đó… còn về khi nào tìm được mợ ấy thì phải trông cậy vào duyên số.

Cậu Tư nghe thầy nói như thế, cậu gấp gáp hỏi:

– Tức là Diệp chưa chết, em ấy vẫn sống tốt phải không thầy?

Thầy Dận gật đầu:

– Vẫn còn sống nhưng có vẻ sống không được tốt lắm, có thể là đang bị bệnh hoặc là đau ở đâu đó. Cậu cũng không cần tìm mợ nữa, tự khắc một thời gian sau sẽ có người tìm được mợ. Bây giờ cậu có tìm thì cũng giống như mò kim đáy bể mà thôi.

– Nhưng em ấy… em ấy có khả năng bị bắt cóc không hả thầy?

Thầy Dận lắc đầu, giọng nhẹ nhàng:

– Không, không bị bắt cóc, là do chủ thể muốn đi, không phải do tác động bên ngoài.

Bà chủ im lặng nãy giờ, giờ bà ấy mới bực dọc lên tiếng:

– Hóa ra là do nó muốn bỏ đi… thiệt tức cái mình, nó đi nó cũng không nói một tiếng nữa. Báo hại đi kiếm nó gần chết, nó làm vậy có nghĩ tới nhà chồng này nữa không.

Tôi nghe tin mợ Diệp chưa chết, trong lòng thở hắc ra một hơi nhẹ nhõm. Mợ chưa chết là mừng rồi, chỉ cần mợ chưa chết là tôi mừng lắm rồi.

Cậu Tư nghe thầy nói xong, cậu không trả lời mà chỉ im lặng thở dài, biểu cảm trông cứng nhắc buồn bã vô cùng. Mà cũng phải thôi, cậu thương mợ quá chừng mà tự dưng mợ bỏ cậu đi, cậu không buồn mới là lạ đó. Nhìn cậu Tư buồn, mọi người trong nhà cũng thấy buồn theo, ai cũng thức thời im miệng không dám nhắc tới tên của mợ Diệp trước mặt cậu, sợ là cậu không vui. Kể cả bà chủ hậm hực chửi rủa mợ Diệp từ sáng giờ cũng tiết chế lại mà không nhắc đến mợ Diệp trước mặt cậu Tư.

Xong chuyện của mợ Diệp, thầy Dận ở lại để dự tiệc mừng thọ của ông Năm. Cậu Tư thì thông báo chuyện của mợ Diệp cho bên nhà mẹ mợ biết, mà phía bên kia nghe đâu là không tin lời cậu Tư, còn nói là cậu nói dối để chối bỏ trách nhiệm. Ban đầu bà chủ còn nhân nhượng, đến nước này, bà không nhịn nữa mà làm căng lên, bên kia cuối cùng cũng phải xìu xuống. Chuyện của cậu Tư và mợ Diệp, thấy đơn giản vậy mà thật ra không hề đơn giản chút nào.

……………………….

Lễ mừng thọ của ông Năm được làm ở nhà cậu Trung, bữa đó chỉ có dì Tư với chị Liễu qua phụ bếp núc, còn tôi với chị Hồng thì ở nhà. Còn ba ngày nữa là tới tiệc mừng thọ của ông Năm, Quý Phong đột nhiên đem qua cho tôi một tấm thiệp mời, cậu ta nói:

– Nè… tôi mời bà nha, bữa đó nhớ qua chơi với ông nội.

Tôi nhìn tấm thiệp trên tay mình, hai mắt tròn xoe, tôi ngạc nhiên hỏi:

– Cậu… mời tôi hả?

– Ừ, tôi mời bà, ở đây tôi không mời ai đâu chỉ mời bà thôi… thấy vinh hạnh chưa?

– Nhưng mà… ông Năm với bà chủ có cho tôi tới dự không?

Cậu Phong cười nói:

– Tôi hỏi ông nội rồi, ông nói bình thường mà, còn chỗ bác Hai, bà cứ vô xin bác ấy một tiếng là được. Mà tôi thấy có gì đâu mà không cho, là tôi mời bà chứ có phải bà tự tới đâu. Bà là khách tôi mời, khách của Quý Phong này mời đó nha.

Tôi cười có hơi gượng gạo:

– Nếu vậy… để tôi vào xin bà chủ.

Quý Phong gật gật:

– Ừ, bà xin đi, à quên nữa… chuyện váy vóc bà khỏi cần lo, tôi nói chị Uyển đưa bà đi mua. Tôi biết cái tính keo kiệt của bà, mà tôi mời bà thì cứ để tôi lo hết, quà của ông nội cứ để tôi lo luôn.

Tôi nhìn cậu Phong, trong lòng cảm thấy ấm áp vô cùng, tôi dịu giọng:

– Sao ông tốt với tôi vậy Quý Phong?

Cậu Phong cười hề hề:

– Bà là bạn của tôi mà, bạn bè thì phải hiểu và thông cảm cho nhau chứ. Với lại, tôi không có gì ngoài tiền đâu, bà cứ yên tâm, nhiêu đó chả nhầm nhò gì với tiền tôi bao bạn bè đi ăn một bữa hết.

Tôi khẽ cười, nói lời thiệt lòng:

– Như vầy đi, ông đã mua váy cho tôi đi dự tiệc thì quà của ông Năm ông cứ để tôi lo.

– Không cần đâu, tôi mua quà cho ông nội, sẵn tôi mua dùm cho bà luôn cũng được mà.

Tôi nhất quyết không đồng ý:

– Ông mà không để tôi mua, tôi không đi dự tiệc mừng thọ của ông Năm đâu, ai lại để người mời tự mua quà luôn chứ. Tôi thì không có nhiều tiền thiệt nhưng mua quà cho ông tôi mua được, ông đừng có giành với tôi, tôi tự ái bây giờ.

Quý Phong nghe tôi nói vậy, cậu ấy coi như hết cách:

– Thì thôi tùy bà, bà muốn mua gì thì mua, thiếu tiền thì nói tôi một tiếng, bà không muốn tôi cho thì tôi cho bà mượn… OK chưa?

Tôi gật gật tỏ ý hài lòng, ít ra thì cũng phải vậy chứ, mặt tôi thì có hơi dày thiệt nhưng dày tới mức để người ta vừa mua đồ cho tôi đi tiệc rồi còn mua luôn quà biếu dùm cho tôi… tôi thiệt sự không làm như vậy được. Nói chung trong mọi mối quan hệ, dù là thân hay không thân thì cũng nên rõ ràng một chút, có qua rồi phải có lại thì mới chơi lâu chơi bền với nhau được chứ.

Trưa hôm đó tôi vào xin phép bà chủ một tiếng, bà chủ nghe tôi nói thì cũng không có ý phản đối, bà chỉ bảo tôi có tiền mua quà chưa, nếu chưa có thì bà cho ứng lương. Tôi thì tôi không cần ứng tiền, đợt trước bà với cậu Tư có thưởng cho tôi, nhiêu đó chắc đủ mua quà cho ông Năm rồi.

Được bà chủ cho phép, tôi mới nói với Quý Phong, sau đó được cậu ấy với cô Uyển dẫn đi mua váy vóc với giày. Cô Uyển nói với tôi bữa đó sẽ có người tới trang điểm luôn cho tôi, tôi không cần phải tự làm. Thấy tình cảm của mọi người dành cho tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Xem ra số tôi cũng may mắn, đi làm gặp được toàn người tốt thôi.

……………………

Đêm xuống, tôi dắt Gấu con đi vệ sinh trước khi đi ngủ, đang ngáp ngắn ngáp dài ngồi ở ghế đá thì cậu Ba ở đâu lù lù xuất hiện sau lưng. Cậu gõ vào đầu tôi cái cóc, giọng nhàn nhạt:

– Tôi nghe nói Phong nó mời cô đi dự tiệc mừng thọ của ông nội hả?

Tôi xoa xoa đầu, làu bàu:

– Phải cậu.

Cậu Ba ngồi phía đối diện tôi, cậu cười:

– Thích ha, có người mời cô trước cả tôi.

Tôi chau mày nhìn cậu, hỏi:

– Bộ cậu cũng tính mời em hả?

Cậu Ba gật đầu, cái thiệp màu vàng ánh kim giống y chang cái của cậu Phong được đặt ngay ngắn trên bàn đá. Trên đó có viết tên của tôi, hai chữ “Lam Nghi” rồng bay phượng múa trông sang chảnh vô cùng.

Tôi cầm cái thiệp lên xem, trong lòng có chút không dám tin, tôi hỏi lại:

– Cái thiệp này… cậu mời em thiệt hả cậu Ba?

Cậu Ba khẽ hừ một tiếng:

– Chứ tên ai kia? Tên tôi à?

– Em biết là tên của em rồi nhưng mà em không nghĩ là cậu… cậu mời em đâu.

– Sao tôi không mời cô được, tôi thích thì mời thôi. Cô yên tâm đi, để mai tôi đưa cô đi mua váy sẵn mua quà cho ông luôn.

Tôi nhìn cậu, cười hề hề:

– Em có rồi, cậu không cần dẫn em đi mua đâu.

Cậu Ba khẽ hỏi:

– Cô có sẵn rồi à?

Tôi gật gật:

– Dạ, hồi trưa này cậu Phong với cô Uyển dẫn em đi mua, mua giày với mua váy, còn quà cho ông Năm thì em tự mua. Bởi vậy, cậu không cần lo cho em đâu, bữa đó em không có làm cậu với mọi người mất mặt đâu.

Cậu Ba chau mày, biểu cảm có chút cứng nhắc:

– Quý Phong nó mua cho cô rồi?

Tôi lại gật, cười tíu tít:

– Dạ mua rồi, một cái váy công chúa màu trắng… đẹp lắm á cậu…

Tôi còn chưa nói hết câu, cậu Ba đã chặn ngang lời tôi:

– Được rồi, không cần kể cho tôi nghe với vẻ mặt hưng phấn vậy đâu, thích quá thì để trong lòng đi, nói nhiều.

Ơ hay, tự dưng lại dỗi, ai làm gì mà dỗi?

Chưa dừng ở đó, cậu Ba lại cười nhạt, giọng thinh thỉnh:

– Tôi thấy Phong nó tốt với cô quá nhỉ? Thiệp mời cũng mời trước tôi, váy cũng mua trước tôi… còn cái mặt cô thì khoái chí cười không thấy tổ quốc ở đâu. Bộ thích lắm à?

Ủa… alo… alo… đồng chí này bị sao vậy? Sao dỗi như con nít vậy trời?

Tôi bĩu môi nhìn cậu:

– Em… em thích thiệt mà cậu.

Cậu Ba có vẻ giận dữ nhìn tôi chằm chằm, cậu đột nhiên đứng phắt dậy, giọng lạnh toát:

– Tôi biết cô thích… tôi biết cô thích rồi… không cần phải nói nữa…

Ủa, giận ra mặt luôn rồi hả trời? Sao vậy ta? Bộ cậu Ba… tới tháng hả?

Tôi ngồi trên ghế nhìn cậu, còn cậu thì không thèm nhìn tôi, hai bọn tôi giữ nguyên vị trí khoảng 5 phút, vẫn là cậu Ba không chịu được mà quay sang quát tháo tôi:

– Sao không giải thích?

Tôi trố mắt nhìn cậu:

– Dạ? Giải thích… giải thích gì hả cậu?

– Thì giải thích… mà thôi đi, khỏi cần, tôi hiểu ý cô rồi.

Tự dưng đang giận dỗi, cậu Ba lại chuyển sang buồn bã. Nhìn biểu cảm kỳ cục trên mặt cậu, tôi cứ thấy nó sai sai làm sao á. Đàn ông đàn ang già khú đế rồi mà còn làm nũng… trông biếи ŧɦái dễ sợ.

– Cậu hiểu ý em… em có ý gì đâu mà cậu hiểu. Em chỉ nói là cậu Phong mua váy cho em rồi, cậu không cần mua nữa mắc công tốn tiền. Mà cậu bị gì vậy? Khó ở trong người hả cậu?

Cậu Ba thở dài, mặt buồn rười rượi:

– Tôi thất vọng về cô quá!

– Dạ? Thất vọng? Em làm sao mà cậu thất vọng?

Cậu Ba ngồi xuống ghế, khẽ lắc đầu:

– Đáng lẽ tôi không nên tin vào lời cô nói…

– Cậu… cậu nói gì em không hiểu, em nói cái gì?

Cậu Ba nhìn tôi, mặt nhăn nhó:

– Chắc cô quên thiệt rồi, bữa đó cô nói gì chắc quên hết rồi.

Bữa đó? Có phải là bữa tôi say xỉn không vậy?

Tôi đứng dậy, đi vòng qua ghế cậu Ba, ngồi chồm hỗm dưới đất, tôi hỏi:

– Cậu… em thật sự không biết em đã nói gì mà để cậu buồn em tới như vậy… sẵn bữa nay có dịp, em tha thiết mong cậu nói lại cho em nghe với… em chân thành muốn biết.

Cậu Ba khẽ nhìn tôi, cậu hỏi:

– Cô muốn biết thật à?

Tôi gật gật như gà mổ thóc:

– Dạ, rất rất rất là muốn biết.

– Nếu vậy… để tôi đưa cô đi mua váy, tôi sẽ nói cho cô nghe.

Tôi dở khóc dở cười:

– Cậu… cậu đừng có như vậy nữa, ai mua cũng được mà.

Cậu Ba vẫn không đồng ý:

– Con người tôi đó giờ rất rõ ràng, nếu tôi đã mời cô, biết cô không có khả năng chi tiêu… tôi nhất định sẽ lo cho cô tất cả. Quý Lãnh tôi không muốn đẩy người khác vào thế khó khăn, còn nếu cô đã không thích… vậy tôi lấy thiệp lại, coi như tôi chưa mời.

Thấy cậu Ba có ý lấy thiệp lại, tôi liền ôm chắc thiệp trên tay, sợ cậu có ý giành giật, tôi thẳng tay nhét thiệp vào trong áo. Cậu Ba nhìn một màn giấu đồ, khoé môi cậu giật giật, cậu nói với giọng không vui:

– Cô giấu cũng vậy, tôi coi như tôi chưa mời cô là được.

Tôi thở dài, rầu rĩ nói:

– Nhưng cậu với cậu Phong là anh em, ai mua cũng được, em đều là mắc nợ các cậu mà. Với lại, em đã tính sẵn trong đầu rồi, vài tháng nữa em có dư, em kiểu gì cũng trả lại tiền cho cậu Phong. Chứ em nói thiệt, em không thích người ta tặng quà kiểu đó đâu, thấy ngượng nghịu sao á. Bộ cậu tưởng nhận quà của người ta là dễ hả? Mắc nợ á chứ giỡn.

Cậu Ba cười nhạt, cậu móc ví ra, nói nhanh:

– Vậy được, váy bao nhiêu tiền, tôi đưa cô trả… coi như là tôi mua cho cô.

Tôi gằn tay cậu lại, kiên định nói:

– Cậu… em biết cậu tốt với em nhưng cứ để em tự lo đi, cậu là cậu chủ của em, cậu Phong cũng là bạn của em… ai em cũng quý hết. Với lại, ngày mai em sẽ trả tiền luôn cho cậu Phong, cậu thấy hợp lý chưa?

Cậu Ba cau mày:

– Cô làm gì có tiền?

Tôi gật đầu:

– Dạ có, bà chủ cho em ứng, em có tiền mà.

Nói rồi, tôi lại tự hào vỗ ngực:

– Trả tiền xong, em coi như chính thức tự thân vận động, thiệp là hai cậu mời… còn quà là em tự mua nha.

Đứng bật dậy, tôi cười nói:

– Váy công chúa em mua đẹp lắm… cái kẹp tóc cậu tặng em… cuối cùng cũng được sử dụng rồi.

Cậu Ba nhìn tôi, môi khẽ cười:

– Hợp không? Nếu không hợp tôi mua cái khác?

Tôi lắc lắc đầu:

– Hợp lắm cậu, em chọn váy chủ yếu để nó hợp với kẹp tóc mà. Hiếm khi có dịp kẹp kẹp tóc cậu tặng, em phải tranh thủ thời cơ chứ.

– Cô chọn váy để hợp với kẹp tóc tôi tặng?

Tôi gật gật, thật lòng trả lời:

– Dạ cậu.

Cậu Ba im lặng không nói gì, hai mắt cậu gắt gao nhìn vào tôi, ánh nhìn của cậu dịu lắm, làm cho tôi có cảm giác là lạ…

Cậu đột nhiên đứng dậy, đứng trước mặt tôi, vóc dáng cao lớn gần như che chắn hết người tôi, giọng cậu trầm trầm, môi cười đẹp vô cùng, cậu nói:

– Tôi đã đồng ý với em, em không cần phải tỏ ra là vô cần trước mặt tôi, bản thân tôi không có gì ngoài tiền hết, em cứ thoải mái một chút… Kẹp tóc là tôi mua cho em nên váy và giày tôi cũng sẽ mua cho em…

– Cậu, em đã nói…

Cậu Ba cắt ngang lời tôi:

– Cứ nhận đi, còn nếu cứ thích từ chối… trừ lương.

Trừ lương… lại là trừ lương!

Thấy tôi câm nín, cậu Ba bật cười:

– Nghe lời tôi một chút có phải tốt hơn không, bao nuôi em thiệt không dễ mà.

– Bao nuôi?

Cậu Ba gật đầu, cười thích chí:

– Phải rồi, em nói em thích tôi, còn la hét muốn tôi nuôi em… tôi về suy nghĩ mất mấy đêm muốn bạc đầu, tôi thấy ý kiến em đưa ra cũng tốt nên tôi đồng ý.

Môi tôi giật giật:

– Em nói em… thích cậu? Em còn nói em muốn cậu… nuôi… nuôi em?

Cậu Ba nhún vai, chậc chậc lưỡi:

– Đó, em nhớ rồi đó. Chậc… tôi về nằm đêm suy nghĩ, tôi thấy em nói cũng đúng. Em nói tôi già rồi, người cũng sắp hết “đát” ( date) mà để tiền nhiều quá trong người làm gì, chết cũng có chôn tiền theo xuống dưới xài được đâu. Để tiền lâu quá nó mục nát rồi mọt nó ăn hết cũng vậy. Thay vì chôn tiền thì tôi dùng tiền đó “bao nuôi” một cô gái còn tươi mới như em, để em gọi là… à “tưới mát”, “bón phân”, “chăm bẫm” cho cây cổ thụ già cỗi, héo úa, cô đơn như tôi.

Dừng một chút, cậu lại cười gian, khẽ kề tai tôi nói nhỏ:

– Thật ra, tôi cũng không quá cô đơn như em nghĩ đâu nhưng vì ý tốt của em… tôi đồng ý. Hy vọng em có thể “tưới mát” được cho tôi… giống như lời em nói, tôi rất mong chờ!