Chương 1: Ký ức của một công chúa
Vĩ Vân, nữ, mười sáu tuổi, học sinh cấp ba.Tôi - một đứa con gái sống trong một thành phố hạng trung, giờ đây hoàn toàn thích hợp với cái biệt danh “công chúa mắc nạn”.
Hơn chục năm về trước, bố tôi thực sự bước chân vào giới quan chức nhà nước. Ông là một người giỏi giang và năng động, từ một Bí thư đoàn bình thường, dần dần trở thành một “quan phụ mẫu” có uy quyền nhất thành phố. Mặc dù công việc của ông vô cùng bận rộn, ông không có cả thời gian để hỏi han tình hình học tập của tôi, nhưng tôi vẫn luôn yêu quý và tự hào về ông. Ông cũng rất cưng chiều tôi, chỉ cần tôi lên tiếng thì bất cứ yêu cầu nào, kể cả là bất hợp lí đến mấy, ông cũng tìm cách để làm tôi hài lòng.
Còn nhớ hồi nhỏ, trong một lần ốm, tôi bị sốt cao, phải nằm bẹp ở trên giường. Tối hôm đó bố tôi phá lệ, không đi công chuyện mà ở nhà cùng bà và mẹ chăm sóc tôi. Đó là vào một ngày mùa đông rét buốt, bên ngoài tuyết rơi lất phất, lạnh cắt da cắt thịt, bỗng nhiên tôi thèm ăn quýt nên vòi vĩnh bố: “Bố ơi, con muốn ăn quýt!”. Mẹ nói: “Đã nửa đêm rồi, làm gì còn nơi nào bán quýt nữa? Với lại, tuyết đang rơi nhiều như vậy...”. Mẹ chưa kịp nói hết câu thì đã bị bố ngắt lời, bố cương quyết: “Để anh ra ngoài mua!”. Trước khi đi, bố còn hôn lên trán tôi và nói: “Con gái ngoan, chờ bố nhé!”.
Rất lâu sau bố mới trở về, người phủ đầy tuyết. Bố ôm trước ngực bốn quả quýt vàng rực, rồi sau đó ông tự tay bóc vỏ và bón những múi quýt mọng nước vào miệng tôi. Vị ngọt của những múi quýt như thấm cả vào trong lòng tôi. Tôi ăn liền một lúc hết cả bốn quả, thế nên bố vui lắm! Những quả quýt thơm ngọt hôm đó đã để lại trong tôi một ký ức ngọt ngào không thể nào quên!
Về sau tôi mới biết, tối hôm đó, bố một mình ra ngoài tìm mua quýt cho tôi. Bố đạp xe ra đến tận ngoại ô, gõ cửa một gia đình nông dân trồng hoa quả và mua bốn quả quýt còn sót lại trong vườn nhà đó với giá rất cao. Lúc đó, bố vẫn chỉ là một quan chức nhỏ nên chưa có lái xe và thư kí riêng.
Sau này, bố được thăng chức, bên cạnh bố đã có thêm một lái xe và một thư kí riêng. Người lái xe là chú Ngô, còn thư kí là chú Lưu. Chú Ngô là bộ đội xuất ngũ, tính tình hiền lành, thật thà. Còn chú Lưu là sinh viên mới tốt nghiệp, tính tình cởi mở, và rất hài hước, bố còn nói chú Lưu rất nhanh nhẹn và được việc. Cả hai đề đối xử với tôi rất tốt, đặc biệt là chú Lưu. Mỗi lần gặp chú, bao giờ tôi cũng được chú tặng cho những món quà nho nhỏ.
Mẹ tôi cũng đối xử với hai chú ấy rất tốt, quan tâm, chăm sóc các chú rất chu đáo. Bởi vì hai chú đều còn rất trẻ, vẫn chưa lập gia đình nên mẹ đã sắp xếp giới thiệu bạn gái cho hai chú. Lúc bà nội tôi qua đời, mọi chuyện tang ma đều do một tay chú Lưu lo liệu. Chú Ngô cũng bận rộn chạy ngược chạy xuôi, lo chu toàn mọi việc. Trong lòng tôi vô cùng cảm kích hai chú, cảm thấy hai chú như những người thân trong gia đình mình vậy.
Thế nhưng, bố tôi dần dần thay đổi. Dù không thể nói bố đã thay đổi như thế nào, nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, bố tôi giờ đã khác trước rất nhiều. Ngày trước, mẹ luôn luôn động viên và ủng hộ bố, nhưng bây giờ bố mẹ thường xuyên cãi cọ. Có lần tôi nghe lén bố mẹ cãi nhau. Mẹ chỉ trích bố về tội nɠɵạı ŧìиɧ, nói bố cả ngày nhậu nhẹt, bồ bịch, không quan tâm đến gia đình. Bố cãi lại rằng giờ xã hội hiện đại, con người ai cũng như vậy cả!
Dù bố vẫn rất thương yêu tôi, nhưng không hiểu sao tôi luôn cảm thấy tình yêu thương mà bố dành cho tôi bây giờ đã không còn như xưa nữa. Có một lần, tôi cãi nhau với một bạn nữ trong lớp. Cậy thế mẹ là hiệu phó của trường, cô bạn đó đã lôi kéo các bạn khác trong lớp tẩy chay tôi. Không hiểu sao, bố tôi lại biết được chuyện này. Ông tức giận lắm, nói rằng sẽ đuổi việc bà hiệu phó kia. Tôi rất sợ bố sẽ làm như vậy. Bởi nếu bố làm thế thật thì các bạn trong lớp sẽ càng khinh thường tôi. Tôi nói với bố: “Bọn con đã làm hòa rồi, không cãi nhau nữa đâu bố ạ!”. Bố nghe xong, liền nói: “Để xem kẻ nào dám bắt nạt con gái của bố!”. Không hiểu sao, khi nghe những lời này, tôi lại cảm thấy buồn vô hạn.
Về sau, đúng là bố tôi đã gây ra chuyện lớn. Hai mẹ con tôi đều không ngờ rằng bố đã sa đọa đến mức đó. Bố tham ô, nhận hối lộ, lại còn có đến ba vợ bé ở bên ngoài. Ngày bố bị bắt, nhà bị niêm phong, hai mẹ con tôi nước mắt chứa chan, không nói lên lời. Bố bị bắt đi rồi, bầu trời của hai mẹ con tôi như đổ sập xuống dưới chân. Giờ thì tôi mới hiểu thế nào là “lên voi xuống chó”. Từ một gia đình giàu có nhất nhì trong thành phố, gia đình tôi phút chốc trở nên nghèo khó. Công việc trước đây của mẹ tôi là nhờ chức quyền của bố mang lại, giờ bố tôi sa cơ lỡ vận, mẹ tôi lập tức bị đơn vị chuyển xuống làm việc ở phòng thường trực với đồng lương ít ỏi. Tôi không còn được mặc quần áo đẹp, không còn được đọc truyện tranh và xem những bộ phim hoạt hình thú vị nữa.
Thiếu thốn về vật chất, hai mẹ con tôi đều có thể chịu đựng được, nhưng điều làm cho chúng tôi đau khổ và nhục nhã nhất chính là sự khinh bỉ của mọi người. Bây giờ đi đâu chúng tôi cũng phải lén lén lút lút như chuột chạy qua đường. Những người xung quanh, người thì chỉ trỏ sau lưng, người thì giễu cợt, thậm chí có người còn mỉa mai chúng tôi. Mẹ con tôi cắn răng chịu đựng tất cả những đau khổ và nhục nhã này. Nhưng điều làm tôi ngỡ ngàng nhất chính là thái độ của hai người chú mà tôi từng yêu quý, đặc biệt là chú Lưu. Sau khi bố tôi xảy ra chuyện, một lần tôi gặp lại chú Lưu, theo thói quen, tôi chào hỏi rất vui vẻ. Đáp lại tôi là một thái độ hoàn toàn lạnh nhạt, thậm chí chú ấy còn không thèm liếc mắt nhìn tôi lấy một cái. Tôi rùng mình. Giờ thì tôi đã hiểu ra rằng, tất cả những tình cảm thân mật của chú với gia đình tôi trước đây chỉ là giả tạo. Tại sao trên đời này lại có một thứ tình cảm giả dối đến như vậy? Chú Ngô thì có vẻ đỡ hơn một chút. Một buổi tối nọ, chú gọi điện thoại cho mẹ tôi và nói, giờ chú làm lái xe cho một cán bộ nhà nước khác, mối quan hệ của người này với bố tôi không được tốt lắm, chính vì thế chú ấy không thể qua lại với gia đình tôi được nữa. Chú mong hai mẹ con tôi hãy giữ gìn sức khỏe. Mẹ gác điện thoại xuống và khóc nấc lên. Mọi việc ở trường cũng chẳng khá hơn. Những thầy cô giáo trước đây coi tôi như công chúa giờ cũng tỏ ra lạnh nhạt và hờ hững khiến tôi vô cùng buồn bã. Bạn bè ư? Trước đây tôi có đôi chút kiêu ngạo, chính vì thế cũng bị không ít người ghét. Vì vậy mà tình cảnh của tôi bây giờ không cần nói chắc ai cũng hiểu. Tôi không có bạn bè, không có lấy một người bạn. Tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng! Tủi thân vô cùng!
Có lẽ tôi nên hận bố, hận bố đã đẩy hai mẹ con tôi vào hoàn cảnh như ngày hôm nay. Thế nhưng tôi không thể hận bố được. Chính cái đêm mùa đông giá rét đó, chính những quả quýt thơm ngon mà bố cất công ra tận ngoại ô mua về đó đã để lại cho tôi những ký ức không bao giờ phai nhạt. Tôi quyết định sau này sẽ thường xuyên dẫn mẹ đi thăm bố ở trong tù. Chỉ có điều, tương lai sẽ ra sao lại là một dấu chấm hỏi mà tôi không dám nghĩ đến nữa!
***
Đối với một công chúa được sống trong nhung lụa và sự bảo bọc của mọi người ngay từ nhỏ thì đây đúng là một biến cố quá lớn trong đời. Theo tôi, thực ra sự thay đổi của “tình người” mà Vĩ Vân không sao hiểu được lại hoàn toàn có thể lí giải. Khi bố cô bé có chức quyền, những người xung quanh ông đều chỉ ở bên để nương nhờ thanh thế của ông mà thôi. Thứ “tình cảm gia đình” đầm ấm mà Vĩ Vân cảm nhận được từ họ chẳng qua chỉ là một thứ tình cảm giả tạo đã được ngụy trang kĩ lưỡng. Khi hình bóng người bố có chức quyền đã không còn thì tất nhiên những tình cảm giả tạo kia cũng sẽ biến mất.
Hai mẹ con Vĩ Vân giờ đây đã không còn sống sung túc như xưa. Cái mà họ mất đi là cái mà trước đây họ không nên có. Giờ đây, hai mẹ con cô bé hãy chấp nhận cuộc sống giống như biết bao dân thường khác. Tôi không cho rằng đó là điều đau khổ! Đương nhiên, vì bố phạm pháp nên Vĩ Vân phải chịu sức ép về dư luận. Trong hoành cảnh này, Vĩ Vân không nên quá nhạy cảm, thậm chí nên phớt lờ tất cả những bàn tán không hay về gia đình mình. Bởi vì, dù sao thì người phạm pháp là bố Vĩ Vân chứ không phải là cô bé. Tôi tin rằng thời gian qua đi, những người xung quanh cũng sẽ nhận ra điều này.
Trong chương trinh văn cấp ba có trích đoạn tiểu thuyết “Gào thét” của Lỗ Tấn. Tác phẩm đã miêu tả gia cảnh ngày một sa sút của chính gia đình ông. Hy vọng Vĩ Vân sẽ đọc tác phẩm này và học hỏi được những điều bổ ích từ Lỗ Tấn. Tôi tin rằng, tương lai tương sáng là do chính chúng ta tạo ra.