- Dẹp cái nguyên tắc của ông đi. Sao cái trường thổ tả này lắm nguyên tắc thế. – Akô Nô gầm lên. – Nói mau! Người đó là ai?
Một tay giữ thắt lưng, một tay tóm chặt các lọ thuốc toòng teng quanh hông, pháp sư Lăk ấp úng:
- Tôi không được phép nói tên người đó ra. Tôi chỉ có thể nói là… là…
- Là sao? – Akô Nô nóng nảy quát ầm. – Là sao hở ông Lăk?
- Là… nếu như người đó chạm vào ông, ông sẽ biến mất trong mắt của Ama Moto và…
Pháp sư Lăk nói chưa hết câu, Akô Nô đã rụng người xuống đất. Trông ông giống như một con chim vừa bị câu nói của pháp sư Lăk bắn hạ.
Ôm lấy mái tóc trái đào giữa hai bàn tay, Akô Nô rêи ɾỉ như một đứa bé mới bị ăn đòn:
- Păng Sur… Cô đã tha thứ cho ta rồi sao?
Có thể chia bữa ăn trưa ở lâu đài K’Rahlan hôm đó ra làm hai phần.
Phần đầu là màn trình diễn quen thuộc của ông K’Tul.
- Lão N’Trang Long ngày càng quá quắt. – Như thường lệ, món khai vị ưa thích của ông K’Tul là khoái trá đưa hiệu trưởng trường Đămri lên bàn mổ. – Hổng lẽ lão không biết chống lại Cục an ninh sẽ bị khép tội gì sao? Hừm, theo ta thì lão già này tới số rồi, dì Êmô à.
- Cũng không nên tin hoàn toàn vào tờ Tin nhanh N, S & D, anh K’Tul. – Bà Êmô sắp muỗng nĩa ra bàn ăn, hờ hững nói. – Tôi không nghĩ một người từng trải như N’Trang Long lại cho phép mình làm điều dại dột đó.
- Dù không phải lão đích thân ra tay, nhưng để xảy ra chuyện tồi tệ đó trong khuôn viên trường Đămri, lão cũng không thể thoái thác trách nhiệm. – Ông K’Tul ngừng một chút rồi nói tiếp bằng giọng rin rít. – Nói chung, bất cứ ai cố tình cản trở Cục an ninh thi hành nhiệm vụ cũng là bọn đại ngu.
Khi nói câu này, ánh mắt sắc lạnh của ông K’Tul quét ngang qua mặt Nguyên và Kăply khiến hai đứa vội gầm mặt xuống đĩa thức ăn, trống ngực dộng thình thịch.
- Tối nay nếu Cục an ninh xác định được tên “mông tặc” là người của trường Đămri thì lão N’Trang Long rũ tù là cái chắc…
Y như đã từng xảy ra, đang thao thao, ông K’Tul lại bị thằng K’Tub làm cho cụt hứng ngang hông:
- Ba đừng quên chính thầy N’Trang Long mời ông Kan Kuru và ông Ama Moto xuống trường để truy bắt thủ phạm.
Nó liếc tờ báo trên tay ông K’Tul, môi bĩu ra:
- Ama Đliê bị sự hận thù làm cho mất trí nên hắn có thể nghĩ thầy N’Trang Long ngu đến mức sẵn sàng tự đưa mình vào tù. Còn ba việc gì phải tin theo lời lão.
Cả bàn ăn lo lắng chờ ông K’Tul gầm lên và chộp lấy chiếc muỗng cán dài. Nhưng khác với mọi lần, ông chẳng giống chút gì với quả mìn bị đánh thức.
- Có mày mất trí thì có!
Ông nhếch mép nhìn thằng con và vung tay một cái. Tờ báo trên tay ông đáp ngay chóc xuống trước mặt bọn trẻ, còn nhanh hơn chim bay. Hàng tít màu đỏ vắt ngang trang báo như một vệt máu:
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐĂMRI
KHÓ THOÁT VÒNG LAO LÝ
Bọn trẻ chúi đầu vào trang báo, càng đọc mồ hôi càng túa ra và chợt hiểu tại sao hôm nay ông K’Tul tự tin đến thế:
Theo như những gì phóng viên bản báo thu thập được, sự cố bất ngờ xảy ra ở trường Đămri sáng nay có thể đưa hiệu trưởng N’Trang Long vào vòng lao lý bất cứ lúc nào.
Xưa nay, để cấu thành một tội phạm phải có đủ bốn yếu tố, đó là: chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Chủ thể ở đây là người có chức vị, quyền hạn lợi dụng công việc được giao để phạm tội; khách thể ở đây là xâm phạm vào hoạt động đúng đắn hoặc uy tín của Hội đồng tối cao xứ Lang Biang; mặt khách quan của tội phạm đó là việc để xảy ra hành vi phạm tội; mặt chủ quan đó là sự cố ý thực hiện hành vi hoặc cố ý tiếp tay hay dung túng cho hành vi đó.
Căn cứ theo những nguyên tắc trên đây của luật pháp, hiệu trưởng N’Trang Long nếu không trực tiếp chống lại nhiệm vụ của Cục an ninh thì cũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng cho bè đảng cản trở Cục an ninh hoạt động nhằm làm mất uy tín của Hội đồng Lang Biang. Dù N’Trang Long có cố ý hay không, chỉ riêng việc để sự cố đáng tiếc đó xảy ra trong địa bàn do ông phụ trách cũng đủ để ông phải trả lời trước Hội đồng về sự tắc trách của mình. Nếu hành vi này nhằm bao che cho tên “mông tặc” đang lẩn trốn trong trường Đămri, N’Trang Long sẽ bị khởi tố về việc gây nguy hại cho nền an ninh cộng đồng.
Để đáp lại sự quan tâm của bạn đọc, phóng viên bản báo sẽ cố gắng bám sát tình hình để thông tin về những diễn biến mới nhất. Theo đánh giá của chúng tôi, trước sự công minh của pháp luật, ông N’Trang Long có khả năng sẽ bị bắt giữ và truy tố không chỉ với một tội danh.
Bọn Kăply nhấc mắt lên khỏi trang báo chỉ để nhìn nhau đầy lo lắng, trừ K’Tub. Thằng oắt “xì” một tiếng cố ý kéo hơi thật dài:
- Con nói thiệt, nếu những dự đoán từ trước đến nay của tờ Tin nhanh N, S & D đều đúng thì thầy N’Trang Long đã bị tống vô tù từ lúc mới sinh ra chớ hổng phải đợi đến hôm nay đâu.
- Để rồi mày coi! – Ông K’Tul khinh khỉnh nói, nhìn mặt thì thấy ông rất muốn chửi thằng con một trận nhưng rõ ràng là ông cố không để cho mình nổi điên.
- Hai cha con cứ chờ xem tối nay chuyện gì sẽ xảy ra rồi quyết định có tiếp tục cãi nhau hay không cũng chưa muộn mà. – Bà Êmô nói như rên và có vẻ sắp rút chiếc khăn ra khỏi túi.
Nguyên và Kăply không chỉ lo lắng. Lòng tụi nó lúc này ngập tràn hối hận về hành động bồng bột của mình sáng nay.
Nguyên lơ đãng lật từng trang báo, bụng nguyền rủa mình tơi tả. Lúc này đây, nó cố bắt mình tin lời K’Tub, rằng sẽ không có chuyện gì xảy đến cho thầy N’Trang Long như xưa nay vẫn thế. Nó nhớ đây không phải là lần đầu tiên Ama Đliê tấn công thầy N’Trang Long và cố tình suy diễn bất lợi cho thầy. Dĩ nhiên là lần nào thầy cũng vượt qua được hết. Nhưng còn lần này?
Rõ ràng Nguyên đang bắt gặp trong lòng mình nỗi thắc thỏm kỳ lạ, không chỉ vì Ama Đliê cố ý phân tích sự kiện dưới khía cạnh luật pháp, xem ra vô cùng chặt chẽ, mà còn vì sự dính líu trực tiếp của nó và Kăply trong chuyện này, thậm chí có thể xem hai đứa nó là nguyên nhân gây ra tai họa cho thầy N’Trang Long nếu chẳng may những tiên đoán của tờ Tin nhanh N, S & D trở thành sự thật.
Những ý nghĩ u ám trong Nguyên chợt lãng đi khi nó sắp lật đến trang báo cuối cùng.
Một bài thơ ở góc trang 7 khiến nó đột ngột dừng tay lại. Nói cho đúng ra, không phải bài thơ mà chính cái tên ký dưới bài thơ đã níu lấy ánh mắt nó: RCHOM TAM.
- Xem nè! – Nguyên bật kêu khẽ. – Thằng Tam!
Cả bọn lập tức cắm mắt vô tay chỉ của Nguyên.
K’Tub láu táu:
- Gì vậy, anh K’Brăk? Anh Tam trả lời phỏng vấn tay Chor à?
- Không phải.
Êmê sửng sốt khi bài thơ đập vào mắt:
- Phải anh Tam mình không?
- Nó chớ ai. – Kăply reo lên. – Rchom Tam chính là nó.
Bây giờ thì cả tám con mắt đều mở lớn và bốn cái miệng cùng nhẩm đọc:
Vì bình an của bạn
Tôi sẵn sàng oan khiên
Trong nỗi đau quá lớn
Vẫn giấu niềm vui riêng
Nếu tôi không vì bạn
Tôi không còn là tôi
Một ngày không thấy bạn
Nỗi buồn sẽ thấy tôi.
Bài thơ có tên là BẠN TÔI, bên dưới có dòng chữ nhỏ “Tặng B.”.
K’Tub vỗ tay bôm bốp:
- A, anh Tam làm thơ hay quá!
- Chuyện gì vậy, tụi con? – Từ đằng sau đĩa xà lách, bà Êmô tò mò hỏi.
- Bạn con có thơ đăng trên báo, mẹ à. – Êmê vui vẻ.
- Thấy chưa, tụi con! – Ông K’Tul không bỏ lỡ cơ hội quảng cáo cho Ama Đliê. – Ta không khoái đọc thơ nhưng ta biết một tờ báo cà chớn thì không bao giờ đăng thơ. Và nếu tờ Tin nhanh N, S & D đúng là tờ báo nhảm nhí như tụi con vẫn nghĩ một cách ác ý thì tại sao bạn con lại gửi thơ đăng trên tờ báo này?