Tam Quốc Chí

Chương 9

Ngô lịch viết: Sách đã bị thương, Khuông nói là chữa được, phải tự giữ gìn, trong trăm ngày không được động. Sách đem gương tự soi, bảo tả hữu nói: "Mặt như thế, còn làm việc lập công được sao"? Đập bàn rung chuyển, vết thương vỡ ra, đến đêm thì chết.

Sưu thần kí viết: "Sách đã gϊếŧ Vu Cát, hễ ngồi một mình, thấy Cát vất vưởng ở tả hữu, trong lòng chán ghét, có phần không bình thường. Sau chữa vết thương sắp khỏi, lại đem gương tự soi, thấy Cát ở trong gương, ngoảnh lại thì không thấy, như thế ba lần, do đó vứt gương kêu lớn, vết thường bèn vỡ lở, chốc lát thì chết.

Tôn Quyền xưng tôn hiệu, truy tặng thụy cho Sách là Trường Sa Hoàn Vương, phong con là Chiêu làm Ngô Hầu, sau đổi phong làm Thượng Ngu Hầu. Chiêu chết, con là Phụng thừa tự. Thời Tôn Hạo, nói xằng là Phụng nên lập, gϊếŧ chết.

Bàn nói: Tôn Kiên dũng cảm cứng cỏi, sớm đã nổi dậy, khuyên Ôn gϊếŧ Trác, dời non bạt gò, có chí trung tráng. Sách có khí anh hùng cứu dân, dũng mãnh hơn đời, xem cái kì mà lấy điều lạ, có chí lấn Trung Quốc. Nhưng khinh mạn hấp tấp, dẫn đến hại thân tan vỡ. Lại cắt chiếm Giang Đông là cái nền móng của Sách vậy, mà Quyền tôn quý chưa hết mức, con chỉ nhận tước Hầu, nghĩa cũng kém thay.

Tôn Thịnh nói: Anh em họ Tôn đều có kế hay hơn đời. Dựng nên cơ nghiệp là do ở Sách vậy. Từ ngày bị chết, đem lệnh trao cho Quyền. Nói về chí khí, vẫn có chí đâm cổ, nói chi cái ưu ái của trời cao, cái rõ ràng của bậc anh hào, há tham tiếng tăm với người trước mà làm trái cái thật thà của bản tính sao? Há cúi nghĩ xa về số trời đầy vơi mà lại e dè tiếng tăm, vật thần sao? Làm rõ danh phận thì mới làm người phòng giữ của nhà nước; Đỗ Tuyệt do dự mà làm lỡ kế hay, cho nên Lỗ Ẩn Công kiêu căng, rút cuộc dẫn đến mối họa Vũ Phủ; Tống Tuyên Công mang lòng nhân, rút cuộc có nỗi đau của Thương Công. Đều là rủ lòng chứa điều tốt nhỏ, mà không làm nên được mưu đồ giúp đỡ. Nếu cầu tiếng tốt cho mình mà không nghĩ mưu cho con cháu thì có thể nói là nước có nghìn cỗ xe nhẹ, xéo đường cũng không được. Họ Tôn nhân lúc nhiễu loạn, được dịp phấn chí ngang dọc, cơ nghiệp không phải do ban đức mà có, nước không phải vững như bàn đá. Sức có một phần thì lộc cũng có thể hết. Tính yếu mềm thì loạn họa nổi lên, sao không phòng giữ lúc chưa có điềm báo, lo cái khó cho mai sau? Tráng thay! Sách là người đứng đầu lo việc là chủ mở mang nước Ngô, bọn Thừa tướng, Tướng quân theo sau, đều là bạn cũ vậy, nhưng con thừa tự hèn kém, chẻ củi cũng chẳng xong, Phụng giúp thì như Lỗ Hoàn Công, Điền Thị gây khó, Sùng thì như Dữ Di, Tử Phùng chước họa. Cho nên làm rõ danh phận, phải làm cho thấp, hèn khác xa nhau, rồi mới làm cho nước không có lỗi buông thả, người kế thừa đời sau hiềm khích nghi ngờ, bầy tôi thôi bàn kế hay, không dốc lòng trông mong; tình dẫu trái, việc dẫu kém, nhưng đến như không lo mưu tính xa, giữ vững thành trì, có thể nói là chưa có, trị cũng chưa loạn vậy. Lời bàn của họ Trần, có chỗ chưa đạt!



NGÔ THƯ QUYỂN 2 - Ngô chủ truyện

TÔN QUYỀN TRUYỆN

Tôn Quyền tự Trọng Mưu. Anh là Sách đã định các quận, bấy giờ Quyền mười lăm tuổi, lấy làm Dương Tiện Trưởng.

Giang Biểu truyện chép: Vào thời Kiên làm Hạ Bì Thừa thì Quyền sinh, má vuông miệng lớn, mắt có ánh sáng, Kiên thấy lạ, cho là có tướng quý. Đến lúc Kiên chết, Sách nổi dậy ở Giang Đông, Quyền thường đi theo. Suy nghĩ sáng suốt, có nhân lại quyết đoán, ưa hiệp khách, nuôi kẻ sĩ, bắt đầu được biết tiếng, sánh ngang với cha anh. Hễ cùng tham gia mưu tính, Sách rất cho là kì, tự cho mình không theo kịp. Hễ mời họp tân khách, thường ngoảnh bảo Quyền rằng: "Các vị ấy là tướng của ngươi đấy".

Quận xét làm hiếu liêm, châu cử làm mậu tài, làm Phụng nghĩa hệu úy. Nhà Hán thấy Sách ở xa chức cống, sai sứ giả là Lưu Uyển ban lễ cửu tích. Uyển bảo người khác rằng: "Ta xem anh em họ Tôn dẫu đều có tài tăng sáng suốt, nhưng đều không được hưởng lộc trọn vẹn, chỉ có em giữa làm hiếu liêm là có dáng vẻ kì vĩ, cốt cách không phải tầm thường, có tướng đại quý, tuổi thọ lại dài nhất, ngươi thử nghĩ mà xem".

Năm Kiến An thứ tư, theo Sách đánh Lư Giang Thái thú Lưu Huân. Huân bị phá, đến đánh Hoàng Tổ ở Sa Tiện.

Năm thứ năm, Sách hoăng, trao việc cho Quyền, Quyền khóc mãi không thôi. Trưởng sử của Sách là Trương Chiêu bảo Quyền rằng: "Hiếu liêm, lúc này là lúc khóc sao? Ngày xưa Chu Công lập ra phép tắc nhưng Bá Li không theo, đấy không phải là trái lệnh cha, mà là bấy giờ không vâng theo được.

Thần là Tùng Chi xét: Lễ kí chép: Tăng Tử hỏi Tử Hạ rằng: "Để tang ba năm, không tránh việc can qua, là lễ ư? Trước đây có việc này ư"? Khổng Tử nói: "Ta nghe những người già nói rằng ngày xưa Lỗ Công là Bá Li có làm việc ấy". Trịnh Huyền chú giải rằng: "Người nhà Chu ngừng khóc thì làm việc ấy. Bấy giờ có người Nhung ở nước Từ làm loạn, Bá Li ngừng khóc mà đánh chúng, đấy là việc gấp của nhà vua vậy". Lời mà Chiêu nói là "Bá Li không theo", có lẽ chỉ về việc này.

Huống chi ngày nay kẻ gian ác rong ruổi, bọn lang sói đầy đường; vậy mà lại thương khóc người thân, ngoảnh theo lễ chế, đấy là mở cửa mà rước giặc vào nhà. Không phải là có nhân vậy". Bèn đổi sửa áo cho Quyền, đỡ lên ngựa cho đi coi xét các quân. Bấy giờ chỉ có các quận Cối Kê, Ngô, Đan Dương, Dự Chương, Lư Lăng, nhưng các chỗ hiểm trở vẫn chưa theo về hết, mà anh hào trong thiên hạ ở khắp châu quận, bọn tân khách kẻ sĩ ở trọ có ý nguy thì bỏ đi, yên thì ở lại, chưa có cái vững chắc của đạo vua tôi. Bọn Trương Chiêu, Chu Du bảo Quyền nên cùng họ dựng nghiệp lớn, cho nên họ dốc lòng theo giúp. Tào Công dâng biểu cử Quyền làm Thảo lỗ tướng quân, lĩnh chức Cối Kê Thái thú, đóng quân ở Ngô Quận, sai đến quận coi các việc văn thư. Dùng lễ sư phó để đãi Trương Chiêu, lại dùng bọn Chu Du, Trình Phổ, Lữ Phạm làm tướng súy. Mời gọi bọn tuấn tú, tìm cầu danh sĩ, bọn Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn bắt đầu làm tân khách. Chia phân các tướng, vỗ về người Sơn Việt, đánh kẻ không theo lệnh.

Giang Biểu truyện chép: Trước đây Sách dâng biểu dùng Lí Thuật làm Lư Giang Thái thú, sau khi Sách hoăng, Thuật không chịu theo Quyền, lại thu nạp nhiều kẻ phản loạn trốn tránh. Quyền gửi thư đòi bắt, Thuật báo rằng: "Có đức thì được kẻ khác theo về, không có đức thì bị kẻ khác chống lại, không cho thả về"". Quyền cả giận, bèn kể việc này cho Tào Công rằng: "Khi xưa Nghiêm Thứ sử được ngài chọn dùng, lại là tướng được châu cử, vậy mà Lí Thuật hung ác, khinh thường phép tắc của nhà Hán, làm hại quan lại của châu, dung chứa kẻ vô đạo, nên nhanh đến đánh diệt để cắt bỏ bọn xấu. Nay muốn đánh hắn, tiến thì vì nhà nước mà tiễu trừ kình nghê, lùi thì vì tướng được châu cử mà báo trả thù hận, đấy việc đạt nghĩa với thiên hạ, là điều mà ta ngày đêm dốc lòng. Thuật tất sợ bị gϊếŧ mà nói dối để cầu cứu. Ngôi vị của minh công là chức phận của quan A hành, là điều mà người trong nước trông ngóng, xin ra lệnh cho ta nắm việc này, đừng làm lỡ hiệu lệnh". Năm đó, đem quân đánh Thuật ở Hoản Thành. Thuật đóng cửa tự giữ, cầu cứu với Tào Công. Tào Công không cứu. Lương thực thiếu hết, đàn bà có người phải vo bùn mà nuốt. Cuối cùng làm cỏ thành này, treo đầu Thuật, dời hơn ba vạn bộ khúc của Thuật đi chỗ khác.

Năm thứ bảy, mẹ của Quyền là Ngô thị hoăng.

Năm thứ tám, Quyền đến phía tây đánh Hoàng Tổ, phá quân thuyền của hắn, riêng thành là chưa hạ được, mà bọn cướp trong núi lại động. Về qua quận Dự Chương, sai Lữ Phạm bình huyện Bà Dương, sai Trình Phổ đánh huyện Nhạc An, sai Thái Sử Từ trông coi huyện Hải Hôn, bọn Hàn Đương, Chu Thái, Lữ Mông chia ra làm trưởng lại của các huyện.

Năm thứ chín, em của Quyền là Đan Dương Thái thú Dực bị tả hữu hại, lấy anh họ là Du thay Dực.

Ngô lục chép: Bấy giờ Quyền tụ hội quan lại, Thẩm Hữu có chỗ đúng sai, sai người lôi ra, bảo rằng: "Người ta nói khanh muốn phản". Hữu biết không thoát được, bèn nói: "Nhà vua tại đất Hứa, người có lòng không thờ ngài, có thể gọi là không phản sao"? Rồi gϊếŧ Hữu. Hữu tự Tử Chính, người quận Ngô.

Lúc mười một tuổi vừa lúc Hoa Hâm sửa phong tục, thấy Hữu thì cho là lạ, nhân đó gọi lại nói: "Chàng họ Thẩm kia, trèo lên xe nói chuyện được không"? Hữu liền lùi lại chối rằng: "Quân tử giảng điều hay, phải lấy lễ mở hội yến, ngày nay việc nhân nghĩa rũ bỏ, thánh đạo vỡ lở, tiên sinh nhận lệnh, sắp sửa sang lễ giáo của Tiên vương, uốn nắn phong tục, vậy mà khinh thường uy nghi, ví như vác củi dập lửa, chẳng phải là làm cho lửa càng cháy mạnh sao"! Hâm thẹn nói: "Từ thời Hoàn, Linh đến nay, dẫu có nhiều kẻ anh hào, nhưng chưa có ai trẻ nhỏ mà được như thế này". Đến tuổi đội mũ thì học rộng, nhiều chỗ thấu suốt, giỏi việc văn thư. Lại ưa việc quân, chú sách binh pháp của Tôn Tử. Lại có miệng lưỡi biện luận, hễ đến chỗ nào thì mọi người đều im lặng chịu nghe, chẳng ai cùng đối đáp được, mọi người đều cho là cái kì diệu của bút sách, cái kì diệu của miệng lưỡi, cái kì diệu của sức khỏe, ba cái đều vượt qua người khác. Quyền dùng lễ vật tìm hỏi, đã đến, bàn về kế sách dựng nghiệp Vương bá, hỏi việc của thời bấy giờ, Quyền thu nạp kính trọng Hữu. Bày kế nên chiếm Kinh Châu, bèn nghe theo. Đứng chầu nghiêm cẩn, bàn việc hăng hái, bị bọn bầy tôi tầm thường gièm pha, vu cho tội mưu phản. Quyền cũng cho là Hữu không giúp mình được trọn vẹn, cho nên gϊếŧ Hữu, bấy giờ hai mươi chín tuổi.