(6) Trâm đuốc hoa: trâm có đính trang sức giống đuốc hoa của phụ nữ thời xưa.
NGÔ THƯ QUYỂN 6 - Tông thất truyện
Tôn Tĩnh, Tôn Bí, Tôn Phụ, Tôn Dực, Tôn Khuông, Tôn Thiều, Tôn Hoàn
Tôn Tĩnh tự Ấu Đài, là em út của Kiên vậy. Kiên mới làm việc, Tĩnh thu tập bộ khúc trong thôn ấp và họ hàng được năm, sáu trăm người để tự giữ gìn, mọi người đều nương dựa. Sách phá Lưu Do, bình các huyện, đến đánh quận Cối Kê, sai người mời Tĩnh, Tĩnh đem người nhà hội với Sách ở huyện Tiền Đường. Bấy giờ Thái thú Vương Lãng chống Sách ở huyện Cố Lăng; Sách nhiều lần vượt sông đến đánh, không thắng được. Tĩnh bảo Sách rằng: "Lãng cậy hiểm giữ thành, khó mà đánh được, phía nam Tra Độc Tra, âm tổ gia phiên cách đấy mấy chục dặm, là lối tắt trọng yếu; nên đến đấy giữ ở mé trong
của chúng, đấy gọi là đánh chỗ không phòng bị, ra chỗ không ngờ vậy. Ta sẽ tự đem quân làm đội tiền phong, tất phá được chúng". Sách nói: "Hay". Bèn vờ lệnh trong quân rằng: "Vừa rồi mưa nhiều nước đυ.c, quân uống nước phần nhiều bị đau bụng, nay lệnh phải sắm mấy trăm cái bình sứ để lọc nước". Đến chiều tối, chợt lấy lửa đốt để lừa Lãng, lại chia quân nhân buổi đêm xuống đường Tra Độc, đánh úp đồn Cao Thiên.
Thần là Tùng Chi xét: Ở huyện Vĩnh Hưng ngày nay có cầu Cao Thiên.
Lãng cả kinh, sai bọn Đan Dương Thái thú Chu Hân đem quân đánh trước; Sách phá bọn Hân, chém chúng, rồi định Cối Kê.
Cối Kê điển lục chép: Hân tự Đại Minh. Thủa trẻ đến kinh sư, theo học Thái phó Trần Phiền, xem rộng các sách, giỏi ở việc xem khí gió, xét đoán tai họa. Theo lời của phủ Thái úy, được xếp vào hàng cao, dần dần chuyển làm Đan Dương Thái thú. Tào Công dấy nghĩa binh, Hân trước sau sai hơn vạn quân đến giúp Tào Công đánh dẹp. Viên Thuật ở tại miền Hoài Nam, Hân ghét tính phản nghịch của hắn, quyết không qua lại với hắn.
Hiến Đế xuân thu chép: Viên Thuật sai Ngô Cảnh đánh Hân, không thắng, Cảnh bèn dọa trăm họ rằng nếu ai dám theo Chu Hân thì gϊếŧ không tha. Hân nói: "Tại ta không có đức, trăm họ có tội gì"? Bèn bỏ quân, về bản quận.
Cử bái Tĩnh làm Phấn vũ hiệu úy, muốn trao cho chức cao, nhưng Tĩnh nhớ họ hàng phần mộ, không thích làm quan, xin ở lại giữ; Sách nghe theo. Kịp lúc Quyền nắm việc, liền chuyển làm Chiêu nghĩa trung lang tướng, chết ở nhà. Có năm con là Cảo, Du, Giao, Hoán, Khiêm. Cảo có ba con là Xước, Siêu, Cung. Cung sinh Tuấn, Xước sinh Sâm.
Du tự Trọng Dị, làm Cung nghĩa hiệu úy, bắt đầu lĩnh quân sĩ. Bấy giờ các tướng tân khách phần nhiều là người miền Giang Tây(1); Du khiêm nhường vỗ về, rất được lòng họ. Năm Kiến An thứ chín, lĩnh chức Đan Dương Thái thú, được mọi người theo phục, có đến hơn vạn người. Bái thêm chức Tuy viễn tướng quân. Năm thứ mười một, cùng với Chu Du đánh hai đồn Ma-Bảo, phá được. Sau lại theo Quyền chống Tào Công ở Nhu Tu, Quyền muốn giao chiến, Du khuyên Quyền nên giữ vững, nhưng Quyền không nghe, quả nhiên quân không lập được công. Chuyển làm Phấn uy tướng quân, trị quận như cũ, từ Lật Dương đến đóng đồn ở Ngưu Chử. Du lấy người huyện Vĩnh An là Nhiêu Trợ làm Tương An Trưởng, người huyện Vô Tích là Nhan Liên làm Cư Sào Trưởng, sai đi chiêu nạp người ở hai quận Lư-Giang(2), được họ theo phục. Người huyện Tế Âm là Mã Phổ chăm học ưa cũ, Du lấy lễ đãi hậu người này, sai mấy trăm con em của quan tướng ở hai phủ đến chịu học, bèn lập Học quan(3), đến xem giảng dạy. Bấy giờ các tướng đều theo việc quân mà làm, mà Du lại ưa thích sách vở, dẫu tại quân lữ nhưng tiếng ngâm không dứt. Năm Kiến An thứ hai mươi thì chết, lúc ba mươi chín tuổi. Du có năm con là Di, Hi, Diệu, Mạn, Hoành. Mạn làm đến Tướng quân, phong tước hầu.
Tôn Giao tự Thúc Lãng, lúc đầu bái làm Hộ quân hiệu úy, lĩnh hơn hai nghìn quân sĩ. Bấy giờ Tào Công mấy lần ra Nhu Tu, Giao hễ đến chống, tự gọi là quân tinh nhuệ. Chuyển làm Đô hộ chinh lỗ tướng quân, thay Trình Phổ giữ Hạ Khẩu. Hoàng Cái và anh là Du chết, lại lĩnh quân của họ. Ban các huyện Sa Tiện, Vân Đỗ, Nam Tân Thị, Cánh Lăng làm phụng ấp, tự đặt trưởng lại. Khinh tiền của, ưa bố thí, giỏi ở việc giao kết, rất nồng hậu với Gia Cát Cẩn, giao việc được mất cho người quận Lư Giang là Lưu Tĩnh; giao các việc cho người quận Giang Hạ là Lí Doãn; giao
việc quân cho người quận Quảng Lăng là Ngô Thạc, người quận Hà Nam là Trương Lương, lại dốc lòng thân thiết, chẳng ai không đem hết sức. Giao từng sai quân dò ngóng, bắt được gái đẹp của quan tướng nước Ngụy ở biên giới đem cho Giao, Giao liền mặc quần áo cho họ mà trả về, hạ lệnh rằng: "Ngày nay kẻ đáng đánh là họ Tào, trăm họ bên ấy có tội gì? Từ nay về sau, không được đánh kẻ già yếu của bên ấy". Do đó người vùng Giang-Hoài phần nhiều đến nương dựa. Từng vì việc nhỏ mà tranh hiềm với Cam Ninh, có kẻ can Ninh, Ninh nói: "Bầy tôi là cùng bậc, Chinh lỗ tướng quân dẫu là tông thất, há được chuyên quyền ép người khác chăng! Ta gặp được vua sáng, gắng sức gánh vác công việc để báo ân, thực là không thể tùy ý mà chịu khuất vậy". Quyền nghe tin, gửi thư trách Giao rằng: "Từ khi ta chống với phương bắc, đã được mười năm, lúc đầu chống nhau còn ít tuổi, ngày nay cũng gần ba mươi tuổi rồi. Khổng Tử nói: "Ba mươi tuổi thì tự lập thân", không chỉ đọc ở ngũ kinh vậy. Lấy quân khỏe trao cho khanh, lấy việc lớn giao cho khanh, trông coi các tướng ở ngoài cõi nghìn dặm, muốn như vua Sở dùng Chiêu Hề Tuất(4), giễu oai miền bắc, không chỉ chọn sai đi để tỏ cái ý riêng mà thôi. Gần đây nghe nói khanh uống rượu với Cam Hưng Bá, nhân say rượu mà làm việc lấn ép người ta, người ta xin sai Lữ Mông đến trông coi. Người ấy dẫu thô bạo, có lúc không hợp ý người khác, nhưng đại khái cũng là bậc đại trượng phu. Ta thân thiện với người ấy, không phải là vì tình riêng vậy. Ta ưa thích người ấy, vậy mà khanh lại ghét bỏ người ấy; nếu khanh thường trái ý với ta thì có được lâu sao? Cung kính mà giản dị thì gần được dân, yêu người mà rộng lượng thì được lòng người; hai điều này mà vẫn không biết được, sao trông coi ở phương xa, trừ giặc cứu nạn được? Khanh có thứ bậc cao, chịu nhận việc lớn, trên có cái nhìn ngó của người phương xa, dưới có bộ khúc ngày đêm theo việc, há đáng tự ý tỏ cái cả giận sao? Người nào mà chẳng có lỗi, quý ở chỗ biết sửa đổi, nên nghĩ về lỗi cũ, phải tự trách mình. Nay làm phiền Gia Cát Tử Du đến truyền ý lớn của ta. Gửi thư cảm xót, bùi ngùi rơi lệ". Giao nhận thư, dâng sớ tạ lỗi, bèn thân thiện với Ninh. Sau đó Lữ Mông sắp đánh úp Nam Quận, Quyền muốn sai Giao và Mông làm Tả-hữu bộ đại đốc, Mông bảo Quyền riêng: "Nếu bậc chí tôn cho là Chinh lỗ làm được thì nên dùng Chinh lỗ; nếu cho là Mông làm được thì nên dùng Mông. Ngày xưa Chu Du, Trình Phổ làm Tả-hữu bộ độc, cùng đánh Giang Lăng, dẫu việc được Du quyết, nhưng Phổ tự cậy làm tướng lâu ngày, lại cùng làm Bộ đốc, bèn không cùng hòa mục, suýt hỏng việc nước, đấy là cái răn trước mắt vậy". Quyền hiểu ra, tạ Mông rằng: "Lấy khanh làm Đại đốc, sai Giao làm hậu quân". Bắt Quan Vũ, định Kinh Châu, Giao cũng có công vậy. Năm Kiến An thứ hai mươi tư thì chết, Quyền ghi nhớ công lao, phong con là Dận làm Đan Dương Hầu. Dận chết, không có con, em là Hi nối tự, lĩnh binh, có tội mà tự sát, tước mất. Em là Tư, Di, Nghi đều làm Tướng quân, phong tước hầu. Tư làm Vũ lâm đốc, Nghi làm Vô Nạn Đốc. Tư bị Đằng Dận gϊếŧ, Nghi bị Tôn Tuấn hại.
Tôn Hoán tự Quý Minh. Anh là Giao đã chết, thay lĩnh quân sĩ, làm Dương vũ trung lang tướng, lĩnh chức Giang Hạ Thái thú. Làm việc một năm, tôn kính người quen cũ của Giao, đối đãi bọn Lưu Tĩnh, Lí Doãn, Ngô Thạc, Trương Lương và người quận Giang Hạ là Lư Cử, cùng thân với họ. Hoán nói lắp bắp mà làm việc nhanh nhẹn, quân dân khen ngợi. Năm Hoàng Vũ thứ năm, Quyền đánh huyện Thạch Dương, Hoán coi đất là quý, sai Tướng quân bản bộ là Tiên Vu Đan đem năm trăm quân chặn đường vào miền sông Hoài, lại tự lĩnh năm nghìn người bọn Ngô Thạc, Trương Lương làm quân tiền phong, hạ thành cao, bắt được ba tướng. Đem đại quân về, Quyền hạ chiếu sai đi trước, qua quân của Hoán, thấy quân lữ chỉnh tề, Quyền than rằng: "Lúc đầu ta lo hắn chậm chạp, nay hắn trị quân, các tướng ít người theo kịp vậy. Ta chẳng lo nữa". Bái làm Dương uy tướng quân, phong Sa Tiện Hầu. Ngô Thạc, Trương Lương đều được bái làm Bì tướng quân, ban tước Quan nội hầu.