Tam Quốc Chí

Chương 32

Về sau Cự và Cung mất lòng nhau, Cự cất quân đuổi Cung, Cung chạy về Linh Lăng. Năm Kiến An thứ mười lăm, Tôn Quyền phái Bộ Chất tới làm Thứ sử Giao Châu. Chất đến nơi, Tiếp thống suất anh em vâng mệnh nhận chức Tiết độ. Nhưng Ngô Cự mang dị tâm, Chất chém đi. Quyền thêm cho Tiếp chức Tả Tướng quân. Năm Kiến An mạt, Tiếp phái con là Hâm về làm con tin, Quyền cho Hâm làm Thái thú Vũ Xương, các con của Tiếp và Nhất ở phương nam, đều được bái làm Trung lang tướng. Tiếp lại dụ dỗ các hào trưởng ở quận Ích châu là bọn Ung Khải, thống suất nhân dân trong quận từ xa theo hàng phương đông, Quyền càng khen Tiếp, thăng làm Vệ Tướng quân, phong tước Long Biên hầu, em trai là Nhất làm Thiên tướng quân, tước Đô Hương hầu. Tiếp thường phái sứ giả đến chỗ Quyền, dâng cống các loại gỗ thơm, vải tốt, thường đến hàng nghìn tấm, các đồ quý báu như ngọc trai, vỏ sò lớn, lưu li, chim phỉ thuý, đồi mồi, tê giác, voi, các vật quý quả lạ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không đưa tới. Có lúc cống cả thảy mấy trăm con ngựa. Quyền lập tức viết thư, ban cho ân sủng hậu hơn nữa, nhằm đáp lễ và uý lạo Tiếp. Tiếp ở quận hơn bốn chục năm, năm Hoàng Vũ thứ năm, lúc chín mươi tuổi thì chết.

Quyền vì thấy quận Giao Chỉ ở nơi xa, bèn tách từ Hợp Phố về bắc đặt làm Quảng châu, lấy Lã Đại làm Thứ sử; từ Giao Chỉ về nam đặt làm Giao châu, lấy Đái Lương làm Thứ sử. Lại phái Trần Thời thay Tiếp làm Thái thú Giao Chỉ. Đại ở lại quận Nam Hải, Lương và Thời đều trước tiên đến Hợp Phố, nhưng con của Tiếp là Huy tự nhậm chức Thái thú Giao Chỉ, phái binh sĩ trong tông tộc chống cự Lương. Lương lưu lại Hợp Phố. Người quận Giao Chỉ là Hoàn Lân, từng được Tiếp cử làm quan, khấu đầu can gián Huy khuyên nên sai người nghênh đón Lương, Huy giận, dùng bàn vả đánh chết Lân. Anh của Lân là Trị và con là Phát lại tập hợp binh sĩ trong họ mạc đánh Huy, Huy đóng cửa thành cố thủ, bọn Trị đánh đến mấy tháng không sao hạ được, bèn hẹn ước giảng hòa kết thân, các bên đều bãi binh

trở về. Nhưng Lã Đại nhận chiếu đi tru diệt Huy, từ Quảng Châu đem binh rong ruổi ngày đêm tiến vào, đi qua Hợp Phố, hợp quân với Lương cùng tiến. Con của Nhất là Khuông làm Trung lang tướng cùng với Đại là chỗ quen biết cũ, Đại tạm lấy Khuông làm Sư hữu Tòng sự, trước hết gửi thư đến Giao Chỉ, bảo rõ việc họa phúc, lại phái Khuông đến gặp Huy, khuyên bảo phục tội, dẫu có mất chức Quận thú, nhưng vẫn được toàn vẹn không phải lo lắng gì. Đại theo Khuông đến sau, anh của Huy là Chi, em của Huy là bọn Cán-Tụng cả thảy sáu người cởi trần cúi rạp nghênh đón. Đại từ tạ sai mặc áo lại, rồi trước hết đến dưới quận. Sáng sớm hôm sau cho bày màn trướng, mời anh em của Huy lần lượt bước vào, tân khách ngồi đông đủ. Đại đứng dậy, tay cầm cờ tiết miệng đọc chiếu lệnh, trách mắng kể rõ tội của Huy, tả hữu bèn bắt lấy trói lại dẫn ra ngoài, lập tức đem gϊếŧ hết một loạt, gửi thủ cấp đến thẳng Vũ Xương.

Tôn Thịnh nói: Khiến cho kẻ ở xa quy phục về gần, chẳng ai không khéo ở chữ tín; gánh vác trách nhiệm yên định việc lớn, chẳng ai không khéo ở nghĩa. Trước kia Tề Hoàn gây dựng cơ nghiệp, đức sáng rõ ở Kha Hội, Tấn Văn mới làm bá, nghĩa hiển hiện ở Phạt Nguyên(5). Bởi tất cả bọn Khuông đã thuận tình tụ tập, kẻ có quyền thế ở đời nên giữ ước thề, để được tiếng khen lâu dài. Sư hữu của Lã Đại là Sĩ Khuông, được sai đi ước thệ làm tin, anh em Huy cởi trần phục tội, uỷ thác sinh mệnh cho người, Đại lại nhân đó diệt bọn họ đi, để cầu lấy cái lợi trước mắt, bậc quân tử vì thế mà biết rằng Tôn Quyền chẳng có mưu lược sâu xa, mà phúc lộc của họ Lã chẳng thể kéo dài được vậy.

Nhất, Hoàng Hữu, Khuông sau đó được thả ra, Quyền tha tội cho bọn họ, còn đích tử của Tiếp là Hâm, bị phế truất làm dân thường. Được mấy năm, Nhất, Hoàng Hữu mắc tội bị tru diệt. Hâm bị bệnh chết, không có con, vợ Hâm ở góa, triều đình hạ chiếu cho quan lại sở tại hàng tháng cấp cho lương bổng thóc gạo, ban cho tiền bốn chục vạn.

Chú thích:

(1) Các bản dịch sử trước nay vẫn thấy dịch là Sĩ Nhϊếp, không rõ vì sao?

(2) Hán Hoàn đế nhà Đông Hán.

(3) Xe truy bình là cái xe có buông màn từ mui xe rủ xuống che phủ kín bốn phía xung quanh.

(4) Uý Đà tức là Việt kỵ Hiệu uý Triệu Đà. Tiếp cai quản Giao Chỉ, Triệu cũng từng cai quản Giao Chỉ, Trần Thọ có ý so rằng Triệu Đà dù là vua Nam Việt cũng không hơn Sĩ Tiếp được.

(5) Không rõ chỗ này nên cắt nghĩa là thế nào?

LƯU DO TRUYỆN

Lưu Do tự Chính Lễ, người quận Đông Lai huyện Mâu Bình. Người con nhỏ của Tề Hiếu Vương(1) được phong tước Mâu Bình hầu, con cháu về sau ở đất ấy. Bá phụ của Do là Sủng, làm quan Thái úy nhà Hán.

Tục Hán thư chép: Tổ phụ của Do là Bản, sở trường về kinh truyện, học rộng các sách, nổi tiếng là bậc thông nho(2). Được tiến cử là Hiền lương phương chính, làm trưởng huyện Bàn, chết khi đang làm quan. Sủng tự Tổ Vinh, nối nghiệp cha, làm Kinh minh hành tu, được cử làm Hiếu liêm, giữ chức

Quang lộc đại phu trông coi việc tứ hạnh(3), rồi đổi làm Đông Bình Lăng lệnh. Coi việc được mấy năm, Sủng vì mẫu thân bị bệnh nặng phải từ quan, sĩ dân trăm họ níu bánh xe giữ lại, đường xá tắt nghẽn, xe không tiến được, đành dừng lại, Sủng phải mặc thường phục ngầm bỏ trốn, về quê phụng dưỡng mẫu thân. Sau này Sủng được vời vào phủ Đại tướng quân, không lâu lại thăng làm Thái thú Cối Kê, Sủng lấy sự ngay thẳng làm gương cho kẻ dưới, được người trong quận khen ngợi. Triều đình vời Sủng về kinh làm Tương tác đại tượng(4). Ở trong vùng sơn cốc Nhược Tà huyện Sơn Âm cách sở quan mấy chục dặm, có năm sáu ông già đã bảy tám chục tuổi, nghe tin Sủng chuyển đi, bèn rủ nhau tới đưa tiễn, tặng cho Sủng trăm đồng tiền, Sủng thấy thế, an ủi rằng: "Các cụ phụ lão sao phải tự làm khổ mình lặn lội từ xa tới đây làm gì!" Bọn họ đều nói: "Bọn già thấp hèn chúng tôi ở sơn cốc này, bình sinh chưa từng đến quận huyện. Các quan lại trước đây liên tục nhũng nhiễu, dân gian ngờ sợ, ban đêm tiếng chó sủa không dứt, dân chúng hết đêm chẳng được ngủ yên. Từ ngày minh phủ dừng xe nơi đây, đêm không còn tiếng chó sủa, quan lại hiếm khi phiền nhiễu dân gian, bọn già này không ngờ gặp được thánh hóa, nay nghe tin ngài chuyển đi, nên cố sức tới tiễn đưa ngài." Sủng cám ơn họ, rồi chỉ chịu nhận một đồng tiền lớn, bởi thế người ở Cối Kê gọi Sủng là Nhất tiễn Thái thú(5). Sủng thanh liêm như thế. Sủng trước sau trải việc ở hai quận, tám lần giữ cửu liệt, bốn lần làm được ba việc quan trọng(6). Trong nhà chẳng chứa chấp của đút lót, không có đồ vật châu báu gì, thường ăn uống đạm bạc, y phục sơ sài, đi xe xấu ngựa gầy, chi tiêu hạn hẹp. Sủng ba lần đi làm quan ở xa, thường muốn quay về bản địa. Mỗi khi qua lại kinh sư, Sủng hay xuống xe đi bộ, mọi người chẳng ai biết. Sủng có lần muốn vào nghỉ ở dịch đình, viên đình lại ngăn cản nói: "Nhà trạm đang sắp xếp lại, để đón Lưu công(7), ngài không thể vào nghỉ được." Sủng bèn bỏ đi. Đại loại là Sủng liêm khiết tằn tiện như thế. Lúc già Sủng bị bệnh chết ở nhà.

Anh cả của Do là Đại, tự Công Sơn, từng giữ chức Thị trung, Thứ lại Duyện châu.

Tục Hán thư chép: Cha Do là Dư, nổi danh ở một phương, làm Thái thú Sơn Dương. Đại và Do đều có tiếng là tài tuấn. Sách Anh hùng ký khen Đại là người hiếu thuận và có lòng nhân, lấy sự khiêm tốn để đãi người.

Năm Do mười chín tuổi, chú của Do là Vĩ bị giặc cướp bắt làm con tin, Do cướp chú về, bởi thế nổi danh. Được đề cử Hiếu liêm, làm Lang trung, sau thăng làm trưởng huyện Hạ Ấp. Thời ấy Quận thú đem người thân của mình phó thác cho Do(8), Do bèn bỏ quan mà đi. Châu phủ lại cho triệu Do bố trí làm quan ở Tế Nam, Tế Nam tướng là con của Trung thường thị, tham ô không tuân vương pháp, Do dâng tấu xin cách chức hắn. Người ở Bình Nguyên là Đào Khâu Hồng tiến cử Do, muốn quan châu cất Do lên làm Mậu tài. Thứ sử nói: "Năm ngoái ngươi đã tiến cử Công Sơn, sao giờ lại đề cử Chính Lễ nhỉ?" Hồng nói: "Nếu trước kia sứ quân đã sáng suốt dùng Công Sơn, sau lại cất nhắc Chính Lễ, có thể nói là ngự hai con rồng đi trên quãng đường dài, phóng con ngựa Ký(9) phi ngàn dặm, chẳng cũng sướиɠ sao!" Vừa lúc triều đình cho vời Do về làm Tư không duyện, rồi phong làm Thị ngự sử, Do không tới. Rồi đi tránh loạn ở Hoài Phố, triều đình lại xuống chiếu cho Do làm Thứ sử Dương Châu. Bấy giờ Viên Thuật ở Hoài Nam, Do kiêng sợ, không dám tới Dương Châu. Bèn xuôi nam qua sông Trường Giang, Ngô Cảnh-Tôn Bí nghênh đón bố trí cho Do ở Khúc A. Thuật có mưu đồ tiếm nghịch, vây đánh các quận huyện. Do phái Phàn Năng-Trương Anh đóng quân ở ven sông để cự Thuật. Vì Cảnh-Bí đều do Thuật cất nhắc, nên Do cưỡng bức đuổi họ đi. Bởi thế Thuật tự giữ chức Thứ sử Dương Châu, cùng với Cảnh-Bí hợp sức đánh bọn Anh-Năng, hơn năm không hạ nổi. Nhà Hán ra sắc mệnh thăng Do làm chức mục, Chấn vũ tướng quân, binh chúng có mấy vạn, Tôn Sách qua sông từ phía đông, phá tan bọn Anh-Năng. Do chạy về Đan Đồ, sau ngược sông về nam giữ Dự Chương, trú ở Bành