Ngô lục chép: Mùa đông năm đó, Ngụy Văn Đế đến Quảng Lăng, đến sông xem quân, có hơn mười vạn quân, cờ tinh kéo dài mấy trăm dặm, có ý vượt sông. Quyền đặt quân cố giữ chắc. Bấy giờ có băng
tuyết lớn, thuyền không thể vào sông. Đế thấy sóng vỗ ầm ầm, than rằng: "Ô hô! Là chỗ mà trời cố ngăn nam bắc vậy"! Rồi về. Tôn Thiều lại sai tướng là bọn Cao Thọ đem năm trăm quân liều chết buổi đêm đi đường tắt chặn đường, Đế kinh hãi, bọn Thọ thu được xe ngựa, lọng lông đem về.
Mùa xuân năm thứ năm, lệnh nói: "Dấy quân lâu ngày, dân bỏ việc cày cấy, cha con vợ chồng không được gặp nhau, ta rất thương xót. Nay giặc bắc rút lui, cõi ngoài không có việc, hạ lệnh cho các châu quân phải được nghỉ ngơi". Bấy giờ Lục Tốn ở chỗ mình thiếu lúa, dâng biểu xin lệnh các tướng tăng thêm ruộng cày. Quyền báo nói: "Rất hay. Nay cha con ta tự thân nhận ruộng, lấy bốn con trâu của tám con trâu trong xe để cày bừa. Dẫu không bằng người xưa, cũng muốn cùng dân chúng làm việc vậy". Tháng bảy mùa thu, Quyền nghe tin Ngụy Văn Đế băng, liền đánh quận Giang Hạ, vây huyện Thạch Dương, không thắng mà về. Người quận Thương Ngô nói là có chim phượng hoàng xuất hiện. Chia mười huyện đất xấu của ba quận lập ra quận Đông An,
Ngô lục chép: Sở trị của quận ở huyện Phú Xuân.
lấy Toàn Tông làm Thái thú, đánh dẹp người Sơn Việt. Tháng mười mùa đông, Lục Tốn bày kế nên làm, khuyên nên ban đức nới hình phạt, giảm tô bớt thuế. Lại nói: "Lời nói trung thẳng, không thể kể hết, xin nghe lời tôi thần, sẽ kể lợi truyền lên". Quyền báo nói: "Pháp lệnh đặt ra, muốn để trừ ác ngừa xấu, ngăn chặn cái chưa tốt vậy. Há không có hình phạt để ra uy với kẻ tiểu nhân sao? Đấy là lệnh trước phạt sau, không muốn khiến cho có kẻ phạm cấm mà thôi. Ông là người chức rất cao, ta cũng được lợi vậy, nhưng chỉ là buộc phải làm thôi. Nay nhận ý ngươi, nên hỏi mưu nhiều người, phải theo việc nào nên làm. Vả lại cận thần ra sức can ngăn, họ hàng cũng có ý khuyên răn, là vì giúp ông làm rõ trung tín với vua vậy. Kinh Thư chép: "Ta làm trái thì ngươi phải giúp sửa, ngươi không được làm theo. Ta há không vui khi nghe lời trung để tự bù đắp cái dở sao"? Lại chép: "Không dám nói hết, đấy là lời trung thẳng sao"? Như trong bọn tôi thần, có kẻ đáng dùng được, há bỏ lời người ta mà không chọn lấy lời hay sao? Nhưng lời nịnh bợ cầu yên thân, dẫu che dấu nhưng ta cũng biết rõ vậy. Đến như việc thu thuế, vì thiên hạ chưa định, việc cần dân giúp. Như chỉ giữ miền Giang Đông, tu sửa nới lỏng chính lệnh thì quân chỉ tự đủ dùng. Miễn thuế thì dùng được bao nhiêu? Cố ngồi tự giữ là thấp. Nếu không dự sẵn tô thuế, sợ rằng lúc gặp việc thì không không lợi vậy. Lại nữa ta và ông chức phận có khác, nhưng cùng chung vui lo, biểu đến nói là không dám theo nhiều người lo yên thân mà cẩu thả, đấy thực là cái mà ta mong ông vui lòng vậy". Do đó sai quan coi việc ghi hết các việc, sai Lang trung Trữ Phùng đem đến chỗ Lục Tốn và Gia Cát Cẩn, xét chỗ không yên thì lệnh thêm hoặc bớt đi. Năm đó chia Giao Châu đặt ra Quảng Châu, chốc lát đặt lại như cũ.
Giang Biểu truyện chép: Quyền sửa mới thuyền lớn ở Vũ Xương, đặt tên là "thuyền Trường an", thử chèo ra ở chỗ câu cá. Bấy giờ có gió to mạnh, Cốc Lợi sai người lái thuyền giữ lấy cửa rào. Quyền nói: "Nên dương đầu đến lấy La Châu". Lợi rút đao hướng về người lái thuyền nói: "Ai không giữ lấy rào thì chém". Người lái thuyền chuyển bánh lái vào cửa rào, gió bèn đổi mạnh không đi được, lại về. Quyền nói: "A Lợi sợ nước sao mà khϊếp thế"? Lợi quỳ nói: "Đại vương là vua của nước vạn cỗ xe, vậy mà coi rẻ chỗ vực sâu không đo được, chơi đùa ở giữa sóng lớn, thuyền lầu dựng cao, lỡ bị nghiêng nguy thì xã tắc sẽ ra sao? Cho nên Lợi liền liều chết can ngăn". Do đó Quyền quý trọng Lợi, từ đó về sau không còn gọi tên, thường gọi là "Cốc".
Tháng giêng mùa xuân năm thứ sáu, các tướng bắt được Bành Ỷ. Tháng nhuận, con của Hàn Đương là Tống đem quân của mình hàng nhà Ngụy.
Tháng ba mùa xuân năm thứ bảy, phong con là Lự làm Kiến Xương Hầu. Bãi quận Đông An. Tháng năm mùa hạ, Bà Dương Thái thú Chu Phường giả phản, dụ tướng Ngụy là Tào Hưu. Tháng tám mùa thu, Quyền đến Hoản Khẩu, sai Tướng quân Lục Tốn đem các tướng đại phá quân của Tào Hưu ở Thạch Đình. Đại tư mã Lữ Phạm chết. Năm đó, đổi tên quận Hợp Phố thành quận Châu Quan.
Giang Biểu truyện chép: Năm đó, Tướng quân Trạch Đan phản đến nước Ngụy. Quyền sợ các tướng sợ tội mà bỏ trốn, bèn hạ lệnh nói: "Từ nay nếu các tướng mắc ba tội nặng thì mới bị xét tội".
Mùa xuân năm Hoàng Long thứ nhất, trăm quan công khanh đều khuyên Quyền xưng tôn hiệu. Tháng tư mùa hạ, người huyện Hạ Khẩu, huyện Vũ Xương đều nói là có rồng vàng, chim phượng hoàng xuất hiện. Ngày bính thân, lên ngôi Hoàng đế ở đàn nam giao.
Ngô lục chép lời văn cáo trời rằng: "Hoàng đế, thần là Quyền dám dùng ngựa đen báo rõ cho Hoàng Hoàng Hậu Đế: Nhà Hán giữ nước hơn hai mươi tư đời, trải qua hơn bốn trăm ba mươi tư năm, khí số đã hết, phúc lộc đã cạn, trời cao buông bỏ, đất đai chia vỡ. Bọn nghịch thần là Tào Phi bèn cướp lấy vật thần, con của Phi là Duệ nối thay làm việc ác, làm loạn chế lệnh. Quyền sinh ở miền đông nam, ứng gặp thời vận, nắm giữ binh quyền, có chí dẹp đời, nhận lệnh đánh kẻ có tội, nhấc chân giúp dân. Bọn bầy tôi là các tướng văn, tướng võ, người coi việc của các thành trong châu quận đều cho rằng ý trời bỏ nhà Hán, nhà Hán đã dứt tế với trời, Hoàng đế chỉ là ngôi hão, không có chủ cúng tế. Đón lấy điềm lành, trước sau đều hợp, khí vận tại mình, không thể không nhận. Quyền sợ mệnh trời, không dám không theo, kính chọn ngày tốt, lên đàn đốt tế, lên ngôi Hoàng đế. Chỉ có thế để thần hưởng lấy, để giúp đỡ nước Ngô, mãi được trọn lộc trời".
Hôm đó đại xá, đổi niên hiệu. Truy tôn cha là Phá lỗ tướng quân Kiên làm Vũ Liệt Hoàng Đế, mẹ là Ngô thị làm Vũ Liệt Hoàng hậu, anh là Thảo nghịch tướng quân Sách làm Trường Sa Hoàn Vương. Ngô Vương Thái tử Đăng làm Hoàng thái tử. Các tướng lại đều được thưởng thêm.
Trước đây, giữa năm Hưng Bình, trẻ con ở quận Ngô hát rằng: "Xe hoàng kim, quai ban lan, mở cửa Xương, sinh thiên tử".
Cửa Xương là cửa thành phía tây quận Ngô, do Phù Sai làm.
Tháng năm, sai Hiệu úy Trương Cương, Quản Đốc đến quận Liêu Đông. Tháng sáu, nước Thục sai Vệ úy Trần Chấn đến mừng Quyền lên ngôi. Quyền bèn phân chia thiên hạ, các châu Dự, Thanh, Từ, U thuộc Ngô, các châu Duyện, Kí, Tinh, Lương thuộc Thục. Các đất mình quản thì lấy cửa Hàm Cốc làm ranh giới, làm văn thề rằng: "Thiên hạ vỡ lở, rường mối đứt gãy, nghịch thần phản loạn, cướp lấy quyền bính, bắt đầu từ Đổng Trác, cuối cùng về tay Tào Tháo, ác cùng hung cực, bốn cõi chao đảo, đến nay chín châu rách xé, trời cao không có chính thống, thần người đau đáu, không có ở yên. Đến lúc con của Tháo là Phi làm việc trái để lại cái xấu, khơi dẫn gian ác, dám đổi ngôi trời, rồi thằng nhóc Duệ đi theo vết xấu của Phi, ngầm đem quân cướp đất, còn chưa bị đánh dẹp. Ngày xưa Cộng Công làm loạn thì Cao Tân dùng quân, Tam Miêu phạm pháp thì Ngu Thuấn đến đánh. Ngày nay diệt Duệ, bắt sống bọn chúng, không phải Hán và Ngô thì ai sẽ làm được? Như việc trừ nghịch dẹp bạo, phải kể rõ tội của chúng, nên phân chia trước, sau đó lấy đất đai của chúng, khiến cho lòng quân dân đều biết chỗ nên quay về. Cho nên thời Xuân thu có Tấn Hầu đánh nước Vệ, chia ruộng của nước ấy để cấp cho nước Tống, đấy là nghĩa của Tấn Hầu vậy. Vả lại thời xưa làm việc lớn tất thề ước trước, cho nên sách Chu lễ chép quan coi việc thề ước, sách Thượng thư chép có lời văn cáo thề, Hán và Ngô, dẫu
tin ở trong lòng nhưng chia cắt đất đai vẫn phải có thề ước. Gia Cát Thừa tướng uy đức lan xa, che chở cho nước ấy, coi việc quân ở ngoài, lòng tín cảm âm dương, ý thành động trời đất, lập lại kết thân, mở rộng thề ước, khiến cho dân chúng đông tây đều cùng nghe biết. Cho nên lên đàn gϊếŧ vật tế, cáo rõ cho thần minh, lại thêm thư máu, trao cho nhà trời. Trời cao nghe người dưới, uy linh bao trùm, các vị thần tư thận, tư minh được cúng tế, chẳng ai không đến. Từ nay sau khi Hán và Ngô đã thề ước, phải hợp sức một lòng, cùng đánh giặc Ngụy, cứu nguy trừ nạn, chia buồn xẻ vui, trị kẻ gây ác, khiến cho người dân không có lòng khác. Nếu có kẻ hại nhà Hán thì nước Ngô đánh kẻ đó. Nếu có kẻ hại nước Ngô thì nhà Hán đánh kẻ đó. Đều giữa đất đai, không xâm lấn nhau. Truyền cho đời sau, trọn vẹn trước sau, như trăm điều ước, đều như sách chép. Lời viết không đẹp nhưng thực là cốt ở hòa thân. Nếu có đổi lời thề, gây họa chước loạn, làm trái không giúp, coi thường mệnh trời thì thần minh Thượng Đế đánh phạt kẻ đó, trăm thần sông núi sẽ trị tội kẻ đó, khiến cho kẻ đó vỡ đổ, không được hưởng lộc. Các vị thần lớn, soi xét việc này"! Tháng chín mùa thu, Quyền dời đô đến thành Kiến Nghiệp, nhân đó phủ cũ không đổi quán, gọi Thượng đại tướng quân Lục Tốn đến giúp Thái tử Đăng, ở lại coi việc ở Vũ Xương.