Ngụy lược chép: Lương Ngụ tự Khổng Nho, người quận Ngô. Quyền sai Ngụ dò xét Tào Công, Tào Công nhân đó cho làm Quyện thuộc, rồi sai về miền nam.
Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai mươi lăm, Tào Công hoăng, Thái tử Phi thay làm Thừa tướng Ngụy Vương, đổi niên hiệu là Diên Khang. Mùa thu, Tướng Ngụy là Mai Phu sai Trương Kiệm đến xin được thu nạp. Năm nghìn hộ dân của năm huyện Âm, Tán, Trúc Dương, Trúc âm trục. Sơn Đô, Trung Lư thuộc quận Nam Dương đến nương dựa. Mùa đông, Vương nối tự của nhà Ngụy xưng tôn hiệu, đổi niên hiệu là Hoàng Sơ. Tháng tư năm thứ hai, Lưu Bị xưng Đế ở đất Thục.
Ngụy lược chép: Quyền nghe tin Ngụy Văn Đế nhận truyền ngôi và Lưu Bị xưng Đế bèn gọi hỏi người biết xem sao, khí sao giữa vùng phận của mình thế nào, bèn có ý tiếm hiệm. Lại cho rằng ngôi của mình còn nhỏ, không đủ để ra oai với dân chúng, lại muốn nhún nhường trước rồi lên ngôi sau, nhún nhường thì có thể mượn cớ để được ban ân sủng, lên ngôi sau thì nhà Ngụy tất đến đánh dẹp, đến đánh dẹp thì mới làm cho dân chúng hăng hái, dân chúng hăng hái thì mới có thể tự đại, cho nên ngầm cắt tuyệt Thục mà chuyển sang theo thờ Ngụy. Quyền từ Công An đến đóng đô ở huyện Ngạc, đổi tên là Vũ Xương, lấy sáu huyện Vũ Xương, Hạ Trĩ, Tầm Dương, Dương Tân, Sài Tang, Sa Tiện lập thành quận Vũ Xương.
Tháng năm, người thành Kiến Nghiệp nói là có sương ngọt giáng. Tháng tám, đắp thành ở Vũ Xương, hạ lệnh các tướng rằng: "Người còn sống không quên người mất, lúc yên thì lo lúc nguy, đấy là phép hay của người xưa. Ngày xưa Tuấn Bất Nghi là danh thần của nhà Hán, vào thời yên bình mà còn đeo đao kiếm không rời khỏi thân, đấy là vũ khí phòng bị của người quân tử, không nên vứt bỏ. Huống chi ngày nay dẫn thân ở biên giới, gần kề với bọn lang sói, vậy mà có thể coi thường mà không lo biến nạn sao? Nghe nói rằng các tướng ra vào, đều còn nhún nhường, không đem quân sĩ theo, đấy rất không phải là phòng bị lo nghĩ cho thân mình. Giữ cho được thân mình truyền tên tuổi cho đời sau, để giữ yên người thân của các ông, thì sao nguy khốn được? Nên phòng bị nghiêm ngặt, cho đó là việc lớn, đúng ý của ta vậy".
Từ thời Ngụy Văn Đế lên ngôi vị, Quyền vâng lệnh xưng thần, lại sai bọn Vu Cấm về. Tháng mười một, ra lệnh cho Quyền nói: "Phép tắc của vua hiền là xét đức để ban chức tước, xét công để thưởng bổng lộc. Người có công lớn thì thưởng bổng lộc nhiều, người đức dày thì ban lễ hậu. Cho nên Thúc Đán có công giúp dỡ, Thái Công có công gây dựng, đều được ban cho đất đai, đấy là để khen ngợi công to, tỏ cái khác lạ của bậc hiền triết vậy. Gần đây vào đầu thời Hán Cao Tổ nhận lệnh, chia đất màu mỡ phong Vương cho tám họ, đấy là cái hay của đời trước, là tấm gương cho bậc Vương đời sau vậy. Trẫm là kẻ không có đức, theo vận mà sửa đổi, trông coi muôn nước, vâng giữ mệnh trời, suy nghĩ việc đời trước, ngồi mà đợi sáng. Chỉ có ông bản tính trung trinh, có tài giúp đời, hiểu sâu lịch số, soi thấu thịnh suy, ở xa mà sai khiến được người khác, qua cả vùng sông Tiềm sông Hán,
Vũ cống chép: Đà, Tiềm đã đào. Chú rằng: "Xuất từ sông Giang là sông Đà, xuất từ sông Hán là sông Tiềm".
kẻ nghe qua đều đến nương dựa, dâng sớ xưng thần, thu nạp tơ lụa, vật cống của phương nam, đều sai các tướng đến cống cho triều đình. Trong lòng trung trinh thì kẻ ngoài thành thật, tín khắc lên vàng đá, nghĩa trùm cả sông núi, trẫm rất khen ngợi. Nay phong ông làm Ngô Vương, sai Sử trì tiết Thái thường Cao Bình Hầu là Trinh đến trao cho ông các đồ ấn thao chiếu thư, hổ phù từ hạng nhất đến hạng năm, tả trúc sứ phù từ hạng nhất đến hạng mười, cho làm Đại Tướng quân, cầm cờ tiết trông coi Giao Châu, lĩnh việc Kinh Châu Mục, ban cho ông đất xanh, cờ mao trắng, nêu rõ lệnh của trẫm, để coi xét miền
đông của Hoa Hạ. Trao lại ấn thao chiếu thư Phiếu kị tướng quân Nam Xương Hầu trước đây. Nay lại ban thêm cho ông mệnh cửu tích, nên kính nghe lệnh của trẫm. Cho ông vỗ về miền đông nam, lập phép tắc ở vùng Giang Ngoại, khiến cho dân vui vẻ dựng nghiệp, không có ai mang hai lòng, ban cho ông một cỗ xe lớn, một cỗ xe binh, bốn con ngựa đực đen. Ông làm ra của cải khuyến việc trồng trọt, kho tàng chất đầy, cho nên ban cho ông dùng áo cổn miện, kèm theo dày đỏ. Ông dùng đức dạy dân, lễ giáo trôi chảy, cho nên ban ông dùng lễ nhạc hiên huyền. Ông nêu cao phong tục tốt đẹp, vỗ về người Bách Việt, cho nên ban cho ông dùng nhà cửa đỏ. Ông dùng mưu hay của mình, dùng quan hiền tài, cho nên ban cho ông được dùng bệ cao. Ông trung dũng hăng hái, dẹp trừ kẻ gian ác, cho nên ban cho ông dùng trăm người dũng sĩ. Ông diễu oai nơi biên giới, tỏ sức đến miền Kinh Nam, diệt trừ kẻ xấu xa, kẻ có tội bị phạt, cho nên trao ông dùng một lưỡi phủ việt. Ông được quan văn ở trong hòa mục, tướng võ ở ngoài tin cậy, cho nên cho ông một cây cung đỏ, trăm cây tên đỏ, mười cây cung đen, nghìn cây tên đen. Ông lấy trung trinh làm nền, cung kính làm đức, cho nên cho ông một hũ rượu nếp đen, kèm theo ngọc khuê. Gắng lên! Kinh bày huấn điển để theo lệnh của trẫm, để giúp đỡ nhà nước ta, để ngươi mãi được rạng rỡ".
Giang Biểu truyện chép: Bầy tôi của Quyền bàn là nên xưng làm Thượng tướng quân làm Bá của chín châu, không nhận tước phong của nhà Ngụy. Quyền nói: "Làm Bá của chín châu thì từ xưa chưa nghe nói đến vậy. Ngày xưa Bái Công cũng nhận phong của Hạng Vũ mà làm Hán Vương, đấy là tùy từng thời mà thôi, há lại mất gì sao"? Bèn chịu nhận. Tôn Thịnh nói: "Ngày xưa Bá Di, Thúc Tề không theo nhà Chu, Lỗ Trọng Liên không chịu làm dân của nhà Tần. Là chí của kẻ thất phu còn giữ nghĩa không chịu nhục. Huống chi là vua của nước chia ba thiên hạ? Vậy mà có thể giữ hai, ba khí tiết, hoặc thần phục hoặc không thần phục sao? Ta xem người Ngô, người Thục đều nói là thờ nhà Hán, đến như thời Hán, cũng chẳng ai giữ vững được khí tiết của bầy tôi, cho nên bậc quân tử biết không giữ yên được dòng dõi, rút cuộc bị nước lớn thôn tính. Nếu Quyền theo lời bàn của bầy tôi, cả đời xưng là tướng của nhà Hán, há không có nghĩa thấu cả sáu cõi, nhân cảm cả trăm đời sau sao"!
Năm đó, Lưu Bị đem quân đến đánh, đến huyện Vu Sơn, Tỉ Quy, sai sứ giả dụ dỗ người Man Di ở quận Vũ Lăng, trao cho ấn tín, hứa sẽ phong thưởng cho họ. Do đó các huyện cùng dân ở miền Ngũ Khê đều phản Ngô theo Thục. Quyền lấy Lục Tốn làm Đô đốc, sai bọn Chu Nhiên, Phan Chương đến chống quân Thục. Sai Đô úy Triệu Tư đi sứ đến nhà Ngụy. Ngụy Đế hỏi rằng: "Ngô Vương là chủ thế nào"? Tư đáp rằng: "Thông minh, có nhân, có trí, là vị vua hùng lược vậy". Đế hỏi tình trạng, Tư nói: "Nạp Lỗ Lúc ở chỗ bọn phàm tục, đấy là cái thông đạt của Vương vậy; cử Lữ Mông ở chỗ đánh trận, đấy là cái sáng suốt của Vương vậy; bắt được Vu Cấm mà không làm hại, đấy là cái nhân của Vương vậy; lấy Kinh Châu mà mũi đao không vấy máu, đấy là cái trí của Vương vậy; dựa vào ba châu như hổ ngồi xem thiên hạ; đấy là cái hùng của Vương vậy; nhún nhường với bệ hạ, đấy là cái tài lược của Vương vậy".
Ngô thư chép: Tư tự Đức Độ, người quận Nam Dương. nghe rộng hiểu nhiều, đối đáp nhanh nhẹn, lúc Quyền làm Ngô Vương, bái làm Trung đại phu, đi sứ nước Ngụy. Ngụy Văn Đế khen là hay, giễu Tư rằng: "Ngô Vương có vẻ biết học chăng"? Tư nói: "Ngô Vương có vạn chiếc thuyền bơi sông, trăm vạn quân mặc giáp, dùng người hiền, chọn người tài, chí muốn đánh dẹp, dẫu có chút rỗi nhưng vẫn xem qua sách sử kinh truyện, chọn nhặt cái kì dị, không chỉ bắt chước câu chữ của các nhà mà thôi". Đế nói: "Có nên đánh nước Ngô không"? Tư đáp nói: "Nước lớn dẫu có quân đánh dẹp, nhưng nước nhỏ cũng có chỗ vững để phòng bị". Lại nói: "Cái nạn của nước Ngô là nước Ngụy chăng"? Tư nói: "Có trăm vạn quân mặc giáp, có chỗ lầy lội của sông Giang, sông Hán, sao lại cho là nạn"? Lại nói: "Người Ngô như Đại phu có mấy người"? Tư nói: "Có tám, chín mươi người thông minh thấu suốt,
như kẻ sánh với thần thì dùng xe chở đấu đong không thể kể hết". Tư nhiều lần đi sứ phương bắc, người phương bắc kính phục Tư. Quyền nghe nói thì khen Tư, bái làm Kị đô úy. Tư nói rằng: "Xem phương bắc rút cuộc không thể giữ thề ước; tính kế ngày nay, triều đình nên nối theo sau bốn trăm năm của nhà Hán, ứng vận ở miền đông nam, nên đổi niên hiệu, dùng áo chính sắc để thuận ý trời theo lòng dân". Quyền nghe theo.