Sau khi Tống Văn Khải rời đi, Lý Lỗi – một người được Đỗ Đức Minh dìu dắt thế chỗ. Xét về xuất thân thì Lý Lỗi phải xem như sư muội của Cố Hứa Ảo, đến Giai Dịch sau cô mấy năm, năng lực chuyên môn cũng được, nhưng rất tinh ranh khôn ngoan. Lúc đầu cô ta giúp Cố Hứa Ảo làm một số việc lặt vặt, sau đó được Đỗ Đức Minh bồi dưỡng, nghiễm nhiên chẳng khác gì trợ lý của Đỗ Đức Minh Đối với Cố Hứa Ảo còn có vẻ lễ độ, gọi cô là tổ trưởng Cố, nhưng với những người khác thì tỏ vẻ coi thường.
Bây giờ đã nắm quyền hành trong tay, nghiệp vụ mà Cố Hứa Ảo phụ trách tạm thời những khi Tống Văn Khải đi vắng thì nay Lý Lỗi đã làm thay. Sau khi cô về, Lý Lỗi vẫn không chủ động bàn giao công việc với cô. Cách làm ấy của Lý Lỗi dường như cũng được sự cho phép của Đỗ Đức Minh, nên hai ngày sau cô ta đem giao cho Cố Hứa Ảo dịch một số thứ lặt vặt. Vừa lật xem, Cố Hứa Ảo đã biết ngay đó là công việc mà công ty vốn dĩ thường giao cho học sinh thực tập hay những người mới vào làm, nó tạp nham và động chạm tới tất cả chuyên ngành, thế mà cô vẫn cứ phải dịch từng trang, từng trang một.
Lý Lỗi giải thích có vẻ rất hợp tình hợp lý, nói rằng bây giờ đang là lúc khó khăn của công ty,đang thiếu rất nhiều người, cho nên đành phải chia nhau ra để làm Cố Hứa Ảo cũng không nói gì nhiều, biết những chuyện này không có quan hệ nhiều với Lý Lỗi , khúm núm lấy lòng chỉ là những việc của kẻ tiểu nhân, tất cả mọi chuyện đều từ Đỗ Đức Minh mà ra. Nghĩ đến đây, trong lòng Cố Hứa Ảo không khỏi cảm thấy buồn. Bùi Trung Khải nói đúng, duyên phận của cô với Giai Dịch đến đây có lẽ chấm dứt ?
Tâm trạng không tốt nên bữa tối Cố Hứa Ảo lại đi ăn đồ cay. Có vẻ như tình hình sức khỏe của cô gần đây hơi kém, nên dạ dày biểu tình, khiến cô nôn thốc nôn tháo, không dám ăn cơm, bữa trưa đành ôm một chiếc túi chườm nghỉ ngơi trong một góc của căn phòng xếp đồ lặt vặt. Thế rồi cô mơ mơ màng màng nghe thấy các đồng nghiệp nhắc đến tên mình trong câu chuyện của họ. Một người nói, lần này thì Cố Hứa Ảo bị thay rồi. Một người khác nói, ai bảo Cố Hứa Ảo không thể hiện thái độ rõ ràng, đến Thân Vệ Quốc ghê gớm như vậy cũng còn phải ra đi nữa là cô ấy. Giọng nói lúc trước thì thầm, thì thế mà, ai bảo Thân Vệ Quốc to gan đem bán tin tức, kết quả là tự hại mình, nên đành phải rời Giai Dịch. E rằng Cố Hứa Ảo cũng khó mà thoát khỏi liên lụy, từ phi Đỗ Đức Minh bảo vệ. Sau đó thì chủ đề câu chuyện của họ chuyển sang nói về các minh tinh, Cố Hứa Ảo mở to mắt, cuộc đấu đá tranh giành giữa Đỗ Đức Minh và Thân Vệ Quốc sao lại lan sang cả Nhạc Trung?
Cái tên “Bùi Trung Khải” hiện ra trong đầu, có lẽ chỉ có người này mới biết giữa đó xảy ra chuyện gì. Cố Hứa Ảo đưa tay đỡ lấy đầu, cô rất muốn biết rõ chân tướng sự thật, muốn lấy lại hoàn toàn tôn nghiêm.
Buổi chiều, đầu óc cứ lơ mơ, cô tới xin phép, tất nhiên là bị Lý Lỗi nhắc nhở mấy câu với vẻ không hài lòng, nhưng khi cô ta nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu và vẻ mặt nghiêm nghị dù không phải giận dữ của Cố Hứa Ảo, thì bèn ngừng những lời ca cẩm, và nói: “Vậy thì sẽ trừ vào ngày công”.
“Tôi vẫn còn một tuần phép và nửa tháng làm thêm”. Cố Hứa Ảo đáp lại cứng cỏi. Tuy Đỗ Đức Minh không tin tưởng cô, nhưng cũng không đến nỗi vì thế mà lại trừ ngày công của cô vì một chuyện nhỏ như vậy, Lý Lỗi chẳng qua chỉ là cáo mượn oai hùm.
Điện thoại đổ chuông rất lâu, Cố Hứa Ảo chờ mãi, một hồi lâu sau mới thấy Bùi Trung Khải nghe máy, giọng uể oải, không có vẻ gì là ngạc nhiên.
“Có việc gì à?”.
“Tôi muốn hỏi anh mấy việc, không biết có tiện không?”.
“Chuyện gì?”. Giọng của Bùi Trung Khải vẫn thản nhiên như không.
“Về chuyện của Nhạc Trung, về chuyện giữa tôi và Nhạc Trung , tôi muốn được nghe rõ ràng”.
“Cô muốn làm rõ cái gì? Cô cũng đã xem tivi rồi đấy thôi. Sự việc của Nhạc Trung đã gây chấn động giới trong nghề, phản hồi rất tốt”.
“Tôi biết là anh biết rõ, vì thế muốn hỏi anh”. Cố Hứa Ảo vẫn kiên trì.
“Cô nhận được phong bao của Nhạc Trung thì cũng như nhận được đáp án”.
“Tôi chuẩn bị rời Giai Dịch , vì thế muốn làm rõ những chuyện đã qua”.
Bùi Trung Khải trầm ngâm một lúc rồi chậm rãi nói: “Bây giờ tôi đang ở nơi khác, sáng sớm ngày mai mới về đến nơi. Tôi sẽ đến tìm cô”.
Cố Hứa Ảo đã tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại Bùi Trung Khải nữa, và như vậy sẽ không bị coi thường, chế nhạo nữa, nhưng lần này cô đã tự tìm đến, mà chỉ vì muốn biết một sự thật nực cười. Cố Hứa Ảo liếʍ môi, đúng là nực cười, cô đã nhắc mình là vì sinh tồn hãy bỏ sự tôn nghiêm đi, nhưng cô đã không làm được.
Lớn lên ở cô nhi viện Phúc Lợi, cô đã đánh nhau với những đứa trẻ khác để bảo vệ lợi ích của mình. Khi đi học, cô rất chăm chỉ, thường làm giúp việc cho nhà ăn của trường, đi đôi giầy vá học thể dục, rất nhiều lần cô bị chửi, bị cười nhạo. Những lúc đó cô đã nhắc mình gác bỏ sự tôn nghiêm, chỉ vì để sinh tồn! Mãi cho tới sau này, khi nhận ra rằng, sự tôn nghiêm không phải là bị người khác cười nhạo vì quần áo cũ rách, không biết trang điểm, mà là vì không được gọi cha, gọi mẹ một cách đàng hoàng, và đến bây giờ thì cô hiểu ra rằng sự tôn nghiêm là sự trong sạch của mỗi con người, không cho phép bị bôi nhọ bừa bãi.
Hôm sau, Cố Hứa Ảo chờ từ sáng sớm đến buổi trưa, từ buổi trưa đến buổi chiều tối mà vẫn không thấy điện thoại đổ chuông. Cuối cùng cô buồn bã từ bỏ ảo tưởng, khóa cửa đi ra ngoài. Thời tiết đầu đông, mới bảy, tám giờ trời đã tối đen, bầu trời lác đác sao, ánh trăng mờ ảo, gió đêm rất lạnh, Cố Hứa Ảo cúi đầu dựng cổ áo khoác lên.
Bất ngờ ánh sáng từ một chiếc đèn xe chiếu trước mặt cô, một thân hình to lớn đi ngược ánh đèn, tiến tới trước mặt cô, giọng bông đùa: “Lần này là cô tìm đến tôi đấy nhé!”.
Cố Hứa Ảo nhìn, thì ra đó là Bùi Trung Khải . Cô lên xe của anh, hơi ấm điều hòa rất dễ chịu.
“Tôi cứ tưởng là anh không tới”.
“Máy bay hoãn chuyến (*), vừa về tới nơi”. Bùi Trung Khải dựa vào ghế lái, vặn người.
Cố Hứa Ảo quay đầu sang, nói: “Anh có thể gọi điện đến để ngày mai nói cũng được mà”.
“Khó khăn lắm cô mới chủ động gọi đến một lần, nên đến sớm vẫn là hơn”. Những lời của Bùi Trung Khải nhắc Cố Hứa Ảo nhớ đến chuyện mà hôm nay muốn nói, đang định mở miệng thì Bùi Trung Khải đã cắt lời: “ Ăn cơm trước đã, cô cũng chưa ăn cơm mà”.
Dường như Bùi Trung Khải rất đói, anh gọi rất nhiều há cảo nhân tôm, mỳ xào và ăn gần hết. Nhìn Cố Hứa Ảo chỉ khẽ uống mấy hụm nhỏ, anh chau mày, nói: “Cái kiểu ăn uống như thế này chẳng trách bây giờ không khác gì người sắp chết”.
(*): Đúng phải là "hàng không quản chế" nhưng dịch thế tất gây hiểu nhầm cho độc giả Việt
Dưới ánh đèn, dù Cố Hứa Ảo đã mặc áo khoác, nhưng trông vẫn rất gầy, Bùi Trung Khải nhìn kỹ khuôn mặt cô, gầy hơn hẳn hồi còn đang làm hạng mục của, đôi gò má vốn hơi cao, bây giờ càng nổi rõ hơn, khiến khuôn mặt nhọn hẳn lên.
Cố Hứa Ảo chẳng còn tâm trạng nào đấu khẩu với Bùi Trung Khải, cô đặt chiếc bát sang bên, hỏi: “Anh có thể cho tôi biết sự việc được không?”.
“Ở đây không tiện nói”. Bùi Trung Khải thanh toán xong, đứng dậy, ra hiệu cho Cố Hứa Ảo đi theo anh.
Chiếc xe chạy đến một con ngõ và dừng lại. Lúc đó Cố Hứa Ảo mới nhận ra đó là nơi mà cô đã tới lần trước – nhà của Bùi Trung Khải. Chiếc xe đỗ ở gara, không xuống xe, Bùi Trung Khải cầm chiếc chìa khóa xe đứng ngoài cửa, nhìn Cố Hứa Ảo không nói gì.
“Tôi không vào đâu”. Cố Hứa Ảo kiên quyết, trong lòng dậy lên một mối lo mơ hồ.
“Tôi cũng không nói ở đây. Cô quyết định đi”. Bùi Trung Khải ra khỏi gara, nhìn Cố Hứa Ảo từ từ xuống xe, rồi khóa cửa gara lại.
Cố Hứa Ảo đi theo vào trong nhà, bên trong rất ấm, Bùi Trung Khải cởi phăng chiếc áo gió ném sang một bên, rồi quay lại nhìn cô, Cố Hứa Ảo đứng trước cửa, hai tay cho vào túi áo, mắt nhìn anh, nói: “Bây giờ thì nói được rồi chứ?”.